- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN

09 Tháng Chín 20219:44 CH(Xem: 10158)
SAI GON LOCKDOWN2
Saigon Hoàng hôn - ảnh Ethan Tran

Uyên Lê    

NHẬT KÝ SÀI GÒN LOCKDOWN  

 

Ngày 13/7/2021

NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ

Từ lúc giãn-cách-xã-hội-các-cấp-độ-một tháng 3 tuần , mình khám phá ra mình có khả năng xúc động vì những điều thật giản dị:

- Cửa siêu thị lúc 6.30 sáng không có cảnh người đứng xếp 3 hàng dài mỗi hàng 20m!

- Lúc 11.30’ trưa, Ở quầy rau xanh, còn mấy trái bí đao đèo ai đó chê vứt lại, 2 cũ khoai lang tím Vietgap rớt dưới kẹt tủ không ai nhìn thấy…

- Mùi hương sả và gừng, cam, chanh trong thùng trái cây gửi từ vườn Mỹ tho lên vào ngày thứ 5 của giãn cách 16+

- Mây trời lúc 5.45’ mỗi buổi chiều đi bộ trong sân…

 

Ngày 16/7

PHÁO ĐÀI XANH CỦA TÔI


Trong pháo đài xanh của tôi, tôi tập quen không đếm ngày đến tháng nữa, vì thời gian đã trở thành vô ích, khi những con số cứ tăng dần, nhảy nhót thì tính ngày tính tháng sẽ thành vô vọng.

Tôi ngồi ở giữa màu xanh, bên phải là xanh thẫm dưa leo, xanh lục bầu bí, xanh mướt của đậu, của cam của chanh, của chuối cau chuối già chửa chín. Bên còn lại là màu nâu già của khoai, màu vàng rợ của bí, màu vàng non của gừng. Tôi ngồi ngập trong mùi thơm nồng của sả, của tắc, của rau mùi, rau thơm, rau kinh giới…

Và tôi đọc Trần Dần…

“Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 37° không lên cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng. Tôi không tìm được, ở đâu trong nhật kí, trang cuối một cuộc chiến tranh, và ở đâu, trang đầu một cuộc chiến tranh nữa. Nhưng tôi biết, một buổi chiều bình thường, bỗng dưng ngoảnh lại, đã thấy những đám khói sau lưng.”

Những ngã tư và những cột đèn- Trần Dần

Giữa pháo đài xanh của mình, những câu chuyện Saigon ào vào tôi như lũ…

 

Ngày 18/7/2021

NHỮNG CÂU CHUYỆN SÀI GÒN

 

Giữa pháo đài xanh của mình, những câu chuyện Saigon ào vào tôi như lũ…

Dưới lan can kia, có hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị mua rau,

bên lề đường có người đàn ông dừng xe kiểng chân tuốt lá me non về cho vợ nấu canh chua thay me,

trên vĩa hè có bà già lụm cụm nhặt từng hạt gạo trắng rơi ra từ bịch gạo và mì được mạnh thường quân gửi sáng nay,

ở một trường học mầm non quận 7, có Em, có cháu, có F0 nằm chờ suốt đêm để đuoc chuyển tiếp vào khu cách li lớn nhất Saigon dựng lên vội vã trong 72 giờ!

Trong đêm tối, tiếng một người gọi cho tổng đài tiếp nhận F0 năn nỉ cho người nhà của mình được đi cách ly, bên kia giọng của tổng đài viên cũng nghẹn trong tiếng khóc. Và tiếng khóc âm âm u u loang đi trong đêm Saigon.

Ở 1 ngôi nhà nhỏ khác của Saigon có em bé F1, 16 tuổi nấu mì gói cho em bé F1, 2 tuổi , thằng anh đeo khẩu trang đút mì gói cho đứa em cũng đeo khẩu trang, vừa ngóng ra cửa chờ ba mẹ F0 đã đi 7 ngày chưa thấy về.

Và ngoài cửa rào là bốn bề dây giăng.

Bạn tôi kể mùa hè năm ngoái đoàn thanh niên còn hứa hẹn sẽ cho nhân viên đi camping ngủ lều 1 đêm trên bãi biển, mùa hè năm nay bạn tôi ngủ lều ngay chính trong sân Nhà máy của mình , đã 3 đêm ròng nhiều người thức trắng.

Chiều qua Saigon mưa to và cư dân Saigon ngồi nhà mà nhớ những con đường giờ một mình lặng lẽ ngập chìm trong mưa.

Tôi biết mình có thể cuời khóc mỗi ngày vì chuyện Saigon, cười khi kể chuyện dân Saigon giờ phải căn cơ với phiếu đi chợ 3 ngày 1 lần, dân Saigon cần mẫn xếp hàng từ 6g sáng đến 6 giờ chiều trước siêu thị chỉ để mua rau xanh, khóc vì còn rất nhiều người Saigon mỗi ngày nấu hàng ngàn phần ăn đi phát để dân Saigon có thể ăn thiếu một chút nhưng không có người Saigon nào phải đói ăn!

Bạn tôi kể cả phường bạn bị cách ly, nhỏ em nói sáng mở mắt dậy thấy cả con đường trước nhà giăng dây. Có thể ngày mai nhà tôi cũng sẽ bị giăng dây, nhưng vừa online là chúng tôi bàn chuyện mai này khi Saigon trở lại, mình sẽ gặp lại ở quán cà phê view đẹp nhất Saigon!

Ờ, Saigon khắp nơi có thể bị giăng dây, nhưng trong tim người Saigon không dây nào có thể giăng được!

 

Ngày 20/7/2021

GIÓ


Chiều qua Saigon có một trận cuồng phong, toàn bộ cửa kính, cửa sổ, cửa chính rung bần bật trong trận gió quăng quật tơi bời. Gió chạy rầm rập trong dãy hành lang dài không người , giật tung hết những gì có thể giật tung, đập ầm ầm vào mặt cửa gỗ bằng nắm tay giận dữ của gió.

Ước gì cơn giông gió cũng có thể quét sạch đi cùng nó bệnh tật và khổ đau, cũng nhanh và mạnh mẽ như cách nó đến!

Chỉ là ước thôi!

Khi gió lùa như điên cuồng trong căn hộ, mình ngồi bình thản trước cái nồi chiên không dầu đang nướng món cà chua nhồi thịt ở phút thứ 3, cần tới 8 phút cho món cà vừa chín tới và mặt thịt cháy cạnh vàng đều thơm nức mùi hành tỏi. Nên lúc gió giật mạnh nhất, mình sực nhớ đến chuyện cổ tích Andersen “khi cơn gió giật tung các biển hiệu”, mình sẽ ôm cái nồi cùng món cà chua nhồi thịt bay theo!

May mà cơn giông tàn ngay lúc món cà nhồi thịt cũng chín tới! Và mình vẫn ngồi im thin thít bên cái nồi!

Ngày mai , ngày giãn cách thứ 12, mình sẽ nướng khoai lang với mật ong. Trời se se mưa giông , mùi khói khoai lang nướng sẽ làm ấm cả căn phòng.

Những ngày giãn cách và mưa gió, tốt nhất vẫn là ngồi im trong nhà và nướng gì đó cho ấm và thơm!

Mà nếu không có gì để nướng thì… ngủ nướng cũng ấm và thơm.

 

Ngày 28/7

ĐÊM NẰM NGHE GIÓ


Con nhớ mẹ càng nhiều những đêm nằm nghe gió.

Con nhớ mẹ ở nhà cũ khu ngã tư Bảy Hiền, con nhớ mẹ nửa đêm búi lại mái tóc thành một búi dày nặng trĩu sau ót, mẹ cầm ngọn đèn dầu soi vào mùng con, rồi thở dài:

- Đêm nào cũng lén đem truyện Kim dung vào giường đọc, nói hoài không chịu nghe.

Rồi tiếng thở dài chạy dọc qua giường của anh Hai, bé Tư, bé Năm, út Gái, út Trai… khi thì mẹ đắp lại mền, lúc thì dém mùng ai đó ngủ mê đạp tung ra trong đêm.

Những ngày mưa tháng 7 như vầy, tiếng mưa đêm rầm rập như đàn ngựa phi trên mái tôn rồi tuông rào rào xuống máng xối, con nhớ tiếng ba khua loảng xoảng chậu thau hứng nước mưa dưới những lỗ thủng của mái tôn. Nhớ cả tiếng ba thở dài hơn mưa đêm.

Con nhớ tiếng gió luồn qua tấm liếp thủng lỗ chỗ sau bếp, mang theo huơng đất bùn, hương hoa lài, hoa dạ lý vào sâu trong giường con ngủ. Con nhớ tiếng xoài rụng lịch bịch ngoài hè, tiếng tàng lá dừa cọ vào nhau xào xạc, tiếng khế rớt lủm chủm trên mặt ao, cả tiếng con chóp chép miệng đi vào giấc mơ có tô xoài dầm mắm đường.

Bây giờ con đã tới tuổi nằm nghe tiếng đêm, đêm không còn tiếng xe cộ chạy trên đường, không một tiếng trẻ con khóc, không một tiếng người già ho khan, không tiếng người mẹ vỗ về ru con... Chỉ có tiếng gió rít từng hồi trong đêm, gió tung hoành suốt đêm qua những con đường trống.

Đêm Saigon im lặng khác thường, chỉ còn nghe tiếng gió hú.

Con nằm nghiêng, cho nước mắt chảy xuống một dòng. Con nhớ tiếng đêm xưa. Con nhớ mẹ.

 

Ngày 14/8

THÁNG BẢY MƯA NGÂU VÀ CON ĐƯỜNG HOA TƯỜNG VI

 

1. Đêm qua nằm ôm cuốn sách đọc chờ cơn mưa tới.

Tháng bảy mưa ngâu cũng là mùa Vu lan.

Mùa Vu lan đầu tiên không-về-nhà.

Vu Lan của mấy mùa trước, sau khi lên chùa dự lể cài hoa hồng đêm 14, thể nào rồi con cũng ghé về nhà mang theo một bó hoa sen. Hoa sen để trong bình thì búp, qua ngày hôm sau cánh đã phai màu hồng, lớp nhụy vàng bên trong đen thẫm lại.

Vu lan năm nay con không lên chùa đêm 14, cũng không về nhà, không còn hoang mang, chẳng biết nên cài hoa hồng hay hoa trắng, khi con còn mẹ mà mất ba rồi.

Sáng chủ nhật năm trước, con lên chùa, đi thang bộ lên tầng 2, nơi đặt cốt của ba. Đứng nhìn vào viên đá pha lê có gắn hình ba một lúc , đã 4 năm rồi mà con vẫn không chấp nhận được, ba bây giờ chỉ còn lèn vừa chặt trong viên đá pha lê màu trắng trong suốt, như thể ba không phải là người đàn ông cao 1m 70 phong lưu nhất, có đôi mắt mơ mộng và đa tình nhất, có miệng cười quyến rũ nhất con từng biết.

2. Cơn mưa cuối cùng không chịu đến, mặc cho gió rú rít không ngừng bên ngoài cửa sổ, sấm chớp từng hồi rạch ngang dọc khắp bầu trời. Không gian âm ỉ u uất vì cơn mưa không tới.

Mong ước đêm mưa an trú yên ổn trong cuốn sách không còn nữa. Cảm giác đau lòng mỗi khi đọc “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ “cũng không còn!

Vì có nổi đau lòng lớn hơn hết đang ầm ì trong lòng mỗi ngày, cuộn lại, sâu hơn , bén ngọt hơn. Chiều nay bạn gửi xem con đường Hoa tường vi đỏ rực rỡ đẹp nhất của Saigon bây giờ biến thành con đường đưa tiễn người ra đi vì Covid. Từng hàng xe tang xếp hàng dài dằng dặc kín hết con đường hoa Tường vi dẫn vào lò thiêu Bình Hưng hoà.

Nổi đau này mang tên Saigon!

Nổi đau này mang đủ các khuôn mặt của người Saigon, già, trẻ, thanh niên, phụ nữ, những người con gái, những chàng trai, người mẹ trẻ vừa rời con mình, người bố hôm qua còn hôn trán con gái, một bà ngoại vừa từ làng quê miền Tây lên chăm cháu… Tất cả những khuôn mặt yêu thương đó của Saigon giờ mang màu tro xám.

Mùa mưa Ngâu cách ly của Saigon còn bao lâu nữa mới thôi ngưng !

 

Ngày 16/8/2021

BAY NGƯỢC LÊN TRỜI

 

uyenle 1
Lại một hoàng hôn - ảnh UL



Lại qua một hoàng hôn đẹp màu cam nữa của Saigon.

Mình thích đếm từng ngày của Saigon trong lockdown bằng hoàng hôn hơn là bình minh.

Vì hoàng hôn cho người ta niềm hy vọng và được chờ đợi.

Vì hoàng hôn nào cũng hứa hẹn một bình minh sẽ tới.

Vì từ ngày Saigon lockdown, hoàng hôn nào cũng đẹp nao lòng. Cái đẹp của bầu trời nhìn từ ban công tầng sáu, cái đẹp của bầu trời nhỏ vừa trong hai bàn tay, cái đẹp của màu trời sau dây giăng…

Và còn vì mình mong chờ con số công bố mỗi chiều, vừa mong vừa lo sợ. Chiều nay Saigon giảm số ca F0 nhưng tăng số ca nhiễm trong cộng đồng đến 53%. Con số thì lạnh lùng mà người nghe lại lạnh trong lòng!

Tăng lên số ca F0 trong cộng đồng là tăng thêm niềm lo sợ của người với người.

Bây giờ người lướt qua nhau cũng e sợ. Hàng xóm đầu này hành lang cuối luồng gió, đóng sập cửa với hàng xóm đầu kia hành lang đầu luồng gió. Người ta sợ phải chia sẽ không gian với nhau. Người ta bịt lổ thông gió vì sợ phải chia sẽ cùng bầu không khí với hàng xóm sát vách.

Sau một đêm trước u uất vì khát mưa, Saigon chiều nay chìm trong gió mưa tơi bời. Gió thổi thốc từng trận mưa bay ngược lên trời.

Hồi nhỏ bà ngoại thường kể về gió đất và gió biển. Ban ngày gió biển thổi vào đất liền mang theo hơi nước và sự sống trong lành. Ban đêm gió đất thổi ra biển mang theo cả không khí nóng khô ô nhiễm của con người.

Cũng mong có một trận gió thổi như thế từ đất liền thốc ngược lên trời cao mang tất cả những khổ đau chết chóc u ám này đi theo!

Thổi hết đi!

 

Ngày 23/8/2021

MƯA 

Đêm nào Saigon cũng mưa, mưa thật to như ai trút hết nước xuống đầu thành phố, kèm theo cả sấm sét rầm rập.

Mưa mấy đêm liền.

Nông dân Nam bộ nói khi mưa dồn về đêm ngày càng nhiều như thế, là sắp hết mùa mưa .

 

Saigon đã qua 85 ngày bị bệnh cúm, ai đã qua bịnh cúm mới biết, những ngày cuối cùng là kinh khủng nhất, Saigon như cái cây bị cưa xẻ từ bên trong, đã chống chọi kiên cuờng tới cùng.

 

Ngày 24/8/2021

MƯA SUỐT ĐÊM QUA


Mưa kéo dài vào tận buổi sáng.

Thỉnh thoảng nửa đêm em thức dậy, nửa tỉnh nửa mơ, kéo cửa sổ nghe tiếng mưa, nghe tiếng ho hàng xóm chạy dọc theo hành lang, rạch xé màn mưa, mí mắt nặng trĩu xuống, trở lại giấc ngủ rời rạc rối bời bời. Mang theo tiếng mưa rời rạc.

Bầu trời mây đen tầng tầng lớp lớp, kéo dài miên man mãi không bao giờ chấm dứt.

Màu đen tối này trong em cũng miên man biết bao giờ chấm dứt!

 

Ngày 31/8/2021

TIẾNG HO


Những ngày giãn cách này, tôi khám phá ra mình có một khả năng mới; đọc được tiếng ho!

Giữa tháng 8, bẳng đi một tuần, đột nhiên tất cả âm thanh quanh tôi cùng một lúc biến mất! Không có tiếng hát karaoke, không có tiếng bước chân ngoài cửa, không có tiếng người cãi nhau lao xao dưới sân, không có cả tiếng con nít khóc cười rượt đuổi nhau ngoài hành lang… tôi như rơi vào khoảng không im lặng lạ lùng.

Đó là lúc tiếng ho bắt đầu trỗi lên.

Đầu tiên là tiếng ho của bác hàng xóm sát vách bên trái, âm thanh đùng đục quặn sâu từ trong phổi, rồi bục ra khỏi cuống họng từng chùm tắt nghẽn.

Tiếng ho luồn từ cuối dãy hành lang, theo chiều gió lan dài, mới đầu chỉ là khúc khắc, càng về cuối càng dồn dập, khản đặc.

Giữa đêm mưa, khi tưởng như không có âm thanh nào át nổi tiếng mưa rơi, thì bất chợt tiếng ho từng tràng xé toạc màn mưa, vọng từ dãy D đối diện, bị giam hãm trong không gian hình vòm của các block nhà, xoay vòng, tuyệt vọng, dồn dập không ngừng.

Có tiếng ho rụt rè, nhẫn nhục, âm thầm của bà hàng xóm gầy gò, ở một mình bên vách phải.

Có tiếng ho như rạch nát phổi, vò xé sâu trong bụng. Có tiếng ho như tiếng khóc dài.

Có những ngày tôi như bị vây trong tiếng ho, không biết từ trên tầng cao vọng xuống, bên vách xuyên qua, tiếng ho cuối hành lang, theo chiều gió, hay vượt không gian từ block đối diện luồn vào cửa sổ.

Dần dà, tôi bắt đầu phân biệt được tiếng ho của người mới bắt đầu, tiếng ho nghẽn trong phổi, tiếng ho ran nơi cuống họng, tiếng ho đục nặng nề, tiếng ho nhẹ trong của người đang hồi phục…

Có đêm tôi mơ thấy tiếng trẻ em cười khúc khích ngoài hành lang, tôi bật ngồi dậy, mở đèn, mừng rỡ áp tai sát vào cửa lắng nghe… chỉ có từng tràng ho âm âm u u theo gió dội lên, quay cuồng trong hành lang vắng.

 

Ngày 2/9/2021

“NHIỄU ĐIỀU PHỦ LẤY GIÁ GƯƠNG”

uyenle 2
Chung cư - ảnh UL

 


Đã định khi nào “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” thì mình sẽ viết về những điều này.

Nhưng giờ thì viết luôn!

Ờ nhỉ, sao lại nỡ không viết về cái đẹp trong sáng rờ rỡ như hoa sen chung quanh mình, mà lại khóc than mãi về mùi của bùn!

Giờ thì mới biết ai nói ở chung cư cửa nhà im ỉm, ở 1 năm 365 ngày không thấy mặt hàng xóm, dân tình chung cư sống chết mặc bây, là sai bét bè be rồi nha! Ít nhất là sai với chung cư ở vùng ven nằm bên rìa Saigon hoa lệ này!

Từ ngày Saigon bắt đầu bùng dịch, các nhóm, hội trong chung cư mọc lên như nấm mùa mưa. Mình đã quen với việc đèn xanh nhắn tin luôn nhấp nháy suốt đêm ngày của hội “tư vấn điều trị bệnh nhân covid” của một bác sĩ hàng xóm, vừa trực bệnh viện dã chiến, vừa trả lời hàng trăm tin nhắn tin nào cũng nguy cấp của hàng xóm cả ngày lẫn đêm, mình không biết ông bác sĩ hàng xóm lấy ra đâu nguồn sức lực và nhiệt tình như thế. “Lúc gian nguy sáng rõ mặt anh hùng”, thì anh hùng cứu nhân độ thế chính là đây chứ ở đâu xa nữa!

Rồi 4 block chung cư, mỗi block 14 tầng đều không cần đến chỉ thị hay quy trình gì mà tự lập ra nhóm từng block, rồi nhóm mỗi tầng lầu. Hàng chục nhóm kết nối hơn 4000 con người chưa từng gặp mặt nhau mà giờ thân thiết như người một nhà. Từ đầu mùa dịch đến giờ, block mình đã chứng kiến 3 người ra đi, con gái 33 tuổi ra đi chỉ trong vài giờ vì thiếu oxy, để lại nguoi mẹ già tiếng khóc rền khắp hành lang, người vợ già 75 tuổi bỏ lại nguoi chồng một mình sau 3 ngày liền chống cự với bệnh, một ông bố là công an chết trong bịnh viện dã chiến chưa kịp nhìn mặt con vừa mới sinh 10 ngày tuổi. Mỗi một người ra đi như thế đều làm cả block bần thần đau đớn, và chung tay lo lắng như người trong nhà. Mỗi căn tự test ra dương tính, đều thông báo cho nhóm, kèm theo lời chúc bình an cho hàng xóm còn lại, và tự nhốt mình trong nhà, phân biệt bằng thùng rác màu cam để trước cửa. Vậy là mỗi ngày thuốc men, lương thực, lá xông, cả đồ ăn vặt đều ào ào treo treo ở tay nắm, để trên bậc cửa.

Nhà nào cũng thất nghiệp đã 3 tháng, bình thường lúc nào gặp nhau cũng kể khó kể khổ, nhưng khi nhà hàng xóm gặp chuyện là hối hả nhắn:

-có chai dầu tràm nè hàng xóm lấy xông tốt lắm.

- còn hộp C sủi em đem sang cho hàng xóm bổ sung C nha.

- có thuốc kẽm uống vào rất tốt, may sao em còn 1 chai biếu hàng xóm.

- hàng xóm thiếu gì cứ ới nha, mình mặc đồ bảo hộ kín mít đeo kính chắn giọt bắn xách kè kè chai khử trùng, đi tìm mua cho hàng xóm đừng có ngại!

 

3 tháng trời không hề nhận được tiền an sinh gói cứu trợ, nhóm kéo nhau cùng làm đơn khiếu nại lên tận báo, dài, ti vi… nhưng khi cần đóng góp, có rất nhiều những rụt rè áy náy ngại ngần:

- em chỉ có 200,000đ chuyển cho quỹ, hàng xóm đừng cười.

Không biết có ai cười không, mà mình thì cay cay mắt.

Ngày nào cũng có rau các loại ai đó để ngay trước cửa, “siêu thị đặt 1 tuần không ơi hỡi, thoi hàng xóm luộc tạm mớ rau Dền cơm ăn cho mát ruột “…

 

Mùa trung thu chưa tới, đã nghe trong nhóm í ới gọi nhau tặng quà trung thu cho trẻ em kẻo không được hưởng mùa trung thu trọn vẹn tụi nhỏ sẽ buồn tủi.

 

Riết rồi mình ghiền vào nhóm kiểm tra tin nhắn mỗi lúc để biết rằng sau những cánh cửa khép chặt kia vẫn còn nghe nhịp đập ấm áp của nhiều con tim mộc mạc mà chân tình và thấy mình tuy giam mình trong phòng nhưng không bao giờ cô đơn hay bị bỏ rơi.

 

Hồi nhỏ đọc câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương” còn chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng bây giờ thì thấm thía có những manh áo vá, vai áo rách mà vẫn che chở phủ ấm đời cùng khổ hơn mình.

Người Saigon còn rất nhiều nghĩa tình nhân ái như thế, Saigon sẽ không khổ mãi đâu mà!

 

Ngày 7/9/2021

…Trích “Nhật ký Saigon lockdown”

Ngày 1 : nướng chuối xiêm xanh.

 

Ngày 5 : nướng bánh chuối vì chuối xiêm xanh đã chín muồi.

 

Ngày 10 : nướng chuối xiêm tiếp vì hết bột bánh. Rắc trên mặt chuối nướng xém mấy hạt đường vàng thay cho rượu Rhum. Khám phá ra mùi mật chuối quyện với mùi đường cháy cũng làm người ta say là đà.

 

Ngày 20 : trời mưa nướng bánh cho ấm. Khói luồn vào từng góc nhà xua tan mùi ẩm ướt.

 

Ngày 30 : trời nắng, , nướng bánh cho có khói thơm. Ngồi bó gối, từng sợi tóc cũng vương nhè nhẹ mùi thơm bơ.

 

Ngày 60 : nướng bánh táo vì hàng xóm bán nhiều táo. Ở nhiệt độ 180 và phút thứ 25 , Không gian ngập tràn nồng nàn mùi táo, mùi bơ, mùi sữa tươi và mật ong.

 

Ngày thứ 90: nướng bánh quế , mẹ nói mùi quế có thể chữa lành mọi vết thương.

 

Ngày thứ 100 : nướng khoai , bà kể mùi khói thơm của khoai lùi tro thì hiền lành. Giờ thì tôi mới hiểu, mùi hiền lành sẽ mang đến an lành!

 

Facebook ngày nào cũng hỏi tôi, bạn đang làm gì đó! Ngày nào tôi cũng trả lời:

 

- Tôi đang nướng bánh !

 

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 20214:48 CH(Xem: 10880)
Tiếng nói đầu tiên của một em bé khi bắt đầu học nói là Me, Mẹ, Mạ, Má, Mommy, Maman, và nhiều nữa với những ngôn ngữ hay tiếng địa phương khác, đặc biệt hầu như đều bắt đầu bằng chữ “M”. Có lẽ đó là mẫu tự thiêng liêng chung của nhân lọai khi gọi người đã cưu mang, yêu thương và đùm bọc mình suốt cả cuộc đời. MẸ ở kinh thành hay MẸ ở nơi thôn dã, MẸ ở trên núi hay MẸ ở dưới biển, MẸ là lá ngọc cành vàng hay MẸ gặt lúa trồng rau….. MẸ cũng mang nặng con chín tháng mười ngày, MẸ banh da xẻ thịt đưa con vào đời, và khi con khóc tiếng khóc đầu đời, MẸ đã vừa khóc vừa cười ôm con vào lòng mà quên đi hết những nhọc nhằn mang nặng đẻ đau. Khỏang thời gian còn lại của MẸ là ôm ấp, bảo bọc, hy sinh, dạy dỗ….. và nhiều lắm của tình mẫu tử MẸ dành cho đàn con của MẸ, và cứ thế mà nhân lọai tồn tại và phát triển.
07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 10485)
Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.
20 Tháng Tư 20215:10 CH(Xem: 10681)
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước, cách mạng dân tộc, tự do nhân quyền, xuống đường biểu tình... đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ Thiên An Môn năm nào. Hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra giang rộng hai tay đòi hỏi tự do, chận đứng xe tăng, chống lại quyền lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng, với lòng đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở. Hình ảnh đó đã đánh mạnh vào tâm não toàn thể người dân trên toàn thế giới. Riêng tôi, vẫn âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng lồ đầy răng sắt. Hẳn ông phải là một người rất đỗi từ bi, nhân hậu? Thương người như thể thương thân. Ông từ chối giet người, dù trong tay nắm toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng kia. Hành động nghiền nát đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà nước.
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 11036)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 11113)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10843)
Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4355)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 11005)
Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm. Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì? Ba nói Con không nhớ sao? Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 11545)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
01 Tháng Tư 20214:31 CH(Xem: 12671)
Vào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.