- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MIỀN SƯƠNG TRẮNG

17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6654)

Tranh Minh Phong Le -nhin
Nhìn- tranh Lê Minh Phong

TRẦN QUANG PHONG

(Tản văn)

 MIỀN SƯƠNG TRẮNG

 Tặng tôi và những ngày thân ái      

 

 

 

           Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.

 

           Liễu trong bộ quần áo mậu dịch viên mỉm cười xinh xắn…Các anh uống gì?... Đôi mắt của Nhuần chợt sáng lên trong khi chúng tôi đều mỉm cười, Liễu xé ba phiếu và Nhuần là người đến quầy chế biến bưng cà phê trở về bàn với sự trợ giúp của Liễu (một đặc ân). Chúng tôi tay run run quấn điếu thuốc rê, nhả từng làn khói thuốc, nhấp dè sẻn từng giọt cà phê và thân thể ấm dần trở lại. Những giai điệu mượt mà tình cảm vang lên trong chiều mưa tha hương hiu hắt…Love story, Romance, Romance De Amour… chúng tôi chìm vào không gian lãng mạn. Quán vắng khách, Liễu se sẽ nép vào bên Nhuần…

 

          Tôi ngậm ngùi nhớ lại những quán cà phê thuở ấy, những đêm trăng chúng tôi ngồi ở Thủy Tạ nhìn trăng ngân sương trắng mặt hồ. Ngồi ở Thanh Thủy ngắm nắng ban mai long lanh những ngọn cổ tùng. Thèm tiếng hát Khánh Ly chúng tôi ghé vào cà phê Tùng uống cà phê trong những tách sứ sang trọng và ấm … Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau. Như bóng chim cuối đèo… Mối tình của Nhuần và Liễu là một mối tình buồn, yêu nhau ba năm chỉ là những cuộc hẹn hò dìu nhau qua phố, cuối cùng rồi cũng chia xa. Đêm ấy tôi thức trắng với Nhuần, đôi mắt một mí ngân ngấn nước mắt, hai đứa hút hết mấy gói Mai và có lẽ là đêm dài nhất của cuộc đời Nhuần?

 

            Chúng tôi đói và rét, bữa ăn là cơm hẩm độn nhiều mì hay bắp, nước chấm chủ yếu là muối pha với nước, canh củ cải già váng lên một lớp mỡ nổi lều bều vài tép mỡ. Có khi chỉ là một ổ bánh mì khiêm tốn và một chén canh cà rốt. Được uống một ly sữa đậu nành nóng béo ngậy ở quán chị Hồng, đối diện với trường cấp III Bùi thị Xuân trong tiết trời buốt giá là một hạnh phúc, càng tuyệt vời hơn nữa khi được ăn một cái bánh cam nóng, dòn, ngọt, béo và một điếu Samit thơm lừng. Những lúc hết nhẵn cả tiền mua thuốc lá, chúng tôi bắt dế nghĩa là nhặt những tàn thuốc lá vương vãi trong phòng, đôi ba tàn là có một điếu thuốc rê hút hết sức phê.

 

               Những phong thư gửi cho các bạn khắp bốn phương trời. Ôi! Những bức thư giấy trắng, mực xanh mang những buồn vui xa xứ, ước mơ của tuổi thanh xuân. Những dòng chữ nắn nót màu tím viết trên giấy pơluya hồng mang theo tình yêu cháy bỏng đầu đời, được ép vào những cánh hồng thơm ngát. Ôi! Cái thuở lần đầu chia tay với bạn gái ngỡ như thế giới này sụp đổ và mình sắp chết đến nơi. Tan trường chúng tôi đứng trước cổng Trường Bùi Thị Xuân chọc ghẹo các em nữ sinh ngây thơ và nhận lại những dẩu môi, nguýt mắt nũng nịu thật là đáng yêu. Chiều chủ nhật theo chân các cô gái xóm đạo duyên dáng trong tà áo dài thướt tha, cúi mặt thẹn thùng bước vào giáo đường Con Gà cổ kính.

 

            Con dốc Trương Định nối liền nhà hát Hòa Bình và đường Phan Đình Phùng, có một ngách hẹp khoảng hai mét chuyên bán sách cũ. Chủ nhà là một thầy giáo trung niên cao, gầy có mái tóc chớm bạc, có lẽ vì túng quẩn phải bán đi những quyển sách yêu quí của mình. Ở đây, tôi gặp những ấn phẩm cũ còn mới tinh như Tạp chí Văn, Bách Khoa, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng, Nỗi Buồn Con Gái của Nhã Ca, Vang Bóng Một Thời được in trên giấy trắng khổ lớn của Nguyễn Tuân, Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư…Tôi đọc say mê dù chẳng hiểu gì, và chẳng hiểu gì tôi lại càng say mê đọc, như một miền đất hoang vu và tôi bước đầu đặt dấu chân khám phá.

 

             Những cơn mưa rủ nhau trốn biệt, trời nắng vàng và mây trắng trôi lang thang trên bầu trời xanh biếc. Thời tiết ngày càng trở lạnh, buổi trưa chúng tôi thường nằm nghỉ dưới tán thông xanh trên đồi Cù đối diện với Trường Đại Học, cỏ non xanh mơn mởn, không gian yên tĩnh ru chúng tôi vào giấc ngủ hiền hòa. Những cành cây Anh Đào tưởng như chết khô đã ánh lên màu hồng, đã toát lên sức sống. Trời càng ngày càng lạnh, nắng long lanh tỏa, sương mù mỗi sáng mỗi chiều trắng rừng thông, trắng mặt hồ, phố vốn trầm mặc giờ lại càng mơ hồ trầm mặc dốc thấp dốc cao.

 

             Đã tàn Thu rồi, vàng… vàng dốc phố, vàng con đường, vàng lưng đồi, vàng lũng vắng. Lữ khách đang ngoằn ngoèo trên con đường yên ả, ngây ngất  hương thông tinh khiết chợt dừng lại bàng hoàng. Một màu vàng rực rỡ của dã quì lẩn khuất trong sương khoác lên thành phố. Một màu vàng quyến rũ man dại, hừng hực sức sống. Tôi nằm giữa đồi dã quì gối đầu lên những trang sách Lý Thuyết Bất Nhị Trong Thiền Tông Phật Giáo của Phạm Công Thiện nhìn lên áng mây trắng lang thang trên bầu trời xanh biếc. Một mái tóc xanh ngang vai, một đôi môi chu đỏ cúi xuống. Tôi chìm vào cơn mê dại hổn hển nồng nàn, cả hai như hòa vào nhau và hóa thành cánh bướm bay lượn khắp núi đồi lãng đãng sương trắng, vàng rực rỡ cánh dã quì.

 

             Thành phố buồn, nhớ không em, ngày chủ nhật, ngày của riêng mình… Người ta đến nơi này thường là có đôi có cặp, nhưng tôi nghĩ chỉ một mình mới cảm hết vẻ đẹp nơi này, là nét trầm mặc hoang liêu, là rưng rưng buốt giá, là miền sương trắng lung linh. Ôi! Miền sương trắng lung linh, tôi đi trong mơ hồ ven các con đường những cây Anh Đào đã hồi sinh nở hoa đỏ thắm, những cánh đào rơi lả tả xuống thảm cỏ mịn màng. Có tiếng cười trong veo bên khung cửa sổ, tiếng vó ngựa thoảng qua cuối đồi thông xanh biếc. Tôi đi trong tuyệt vời cô độc của những giấc mơ mang tiếng cười dòn dã ở ngã năm Phù Đổng Thiên Vương, của tiếng thở dài u hoài của của gã lang thang trên con đường Đinh Tiên Hoàng nên thơ nằm dưới chân đồi Cù lặng lẽ.

 

             Là giấc mơ của bạn tôi, Nhuần… mỗi chiều cài lại chiếc khuy cổ áo lính bạc phếch chỉnh tề ( thay cho áo khoác), đút quyển truyện kiếm hiệp cũ mèm vào túi nheo đôi mắt một mí mỉm cười và bước vào chiều sương rét mướt. Tôi biết Nhuần sẽ đi bộ mấy cây số, dừng chân bên cột đèn đường vàng vọt đọc truyện trong khi đợi chờ người yêu. Là tiếng cười sảng khoái khi chui vào gầm cầu thang chợ Hòa Bình cởi chiếc áo khoác mới tinh bán lấy tiền chia cho bạn bè uống rượu vơi bớt nỗi tha hương trong đêm Giáng Sinh rực rỡ.

 

             Là giấc mơ của que cà rem ngọt lịm tan chảy óng ánh dưới ánh mặt trời mùa hạ…Trống trường ra chơi vang lên, những thằng học trò nghịch ngợm ùa xúm quanh chiếc xe đạp có chiếc chuông reo leng keng trên cổ lái, phía sau yên xe là chiếc thùng xốp. Có khi hai ba thằng chia nhau một que… Lan, người con gái tóc ngang vai, mặc áo thun tím như que cà rem trong giấc mơ tôi. Tôi nhớ bãi cát trắng thoai thoải, những lùm dứa lúp xúp, bóng em bước lên chiếc thúng chai tan dần vào ánh trăng nhợt nhạt thượng tuần trên biển, bỏ lại trên ngực áo tôi đầm đìa nước mắt.

 

               Đó là những tháng ngày ly tán. Đó là những tháng ngày bất an. Những bạn bè thuở ấy có đứa còn ở lại gác trọ trần gian, có người đã ra đi… Như Lan, như Nhuần… Tất cả như những cánh Dã Qùi vàng rực buổi tàn Thu, như những cánh Anh Đào lả tả rơi hồng trong sương sớm chớm xuân. Mỗi khi trở lại nơi này, như ngày xưa, tôi lại ngồi dưới chân Linh Sơn Tự mỗi chiều. Để nghe tiếng chuông tan vào hư không, để nghe đôi vai khe khẽ buốt lạnh, bóng tối lan dần trên hàng thông cổ thụ… Ôi! Miền sương trắng… Đêm xưa ra phố với người, giờ đây xuống phố với ngày vô vi…

 

Trần Quang Phong

Cam Ranh  4/ 2020

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 6331)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6123)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6998)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7087)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 7732)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 8191)
Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng ý để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thich khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas.
05 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 3347)
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ lả tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi những trại tù khổ sai của Việt Cộng, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch. Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguổn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc..
01 Tháng Chín 20224:56 CH(Xem: 2883)
Trong quá trình khảo sát kỹ lưỡng đó , một lần nữa , thú thực tôi chỉ có thể xếp tranh của anh vào Trường Phái Chọc Ngứa Thần Kinh Thị Giác (Itchy Poking for Optic Nerve) ! Tranh của anh quá dễ vẽ, chỉ cần cầm cọ lên rồi nhúng vào bảng mầu và quẹt tưới xượi với những nét kéo dài trên mặt vải ! Chả cần phải tĩa tót cho giống đôi mắt , cái mũi, đôi môi hay mái tóc của người mẫu, chả cần có cái nhìn phớt qua của họa sĩ ấn tượng ! Cái anh chàng họa sĩ trong hang động ngày xưa , lúc chán đời cũng có thể quẹt cọ tưng bừng như anh ấy mà ! Nhưng không, anh chàng họa sĩ hang động ấy làm việc nghiêm túc và lao động cật lực hơn anh nhiều, anh ta vẽ con bò ra con bò , con hươu ra con hươu, con ngựa ra con ngựa , con chim cú ra con chim cú ! Vì sao vậy ? Bởi vì khi anh ta cầm cọ để vẽ , trong đầu anh ta đã có một định ý ! Còn anh thì không ! Trong đầu anh không có một định ý nào cả , nên anh gọi các tác phẫm của anh là Ứng Tác , được trưng bày trong Phòng triển lãm tranh có tên là “Improvisation”
21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 8366)
Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…
06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7730)
Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ. Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động. Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.