- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MIỀN SƯƠNG TRẮNG

17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6652)

Tranh Minh Phong Le -nhin
Nhìn- tranh Lê Minh Phong

TRẦN QUANG PHONG

(Tản văn)

 MIỀN SƯƠNG TRẮNG

 Tặng tôi và những ngày thân ái      

 

 

 

           Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.

 

           Liễu trong bộ quần áo mậu dịch viên mỉm cười xinh xắn…Các anh uống gì?... Đôi mắt của Nhuần chợt sáng lên trong khi chúng tôi đều mỉm cười, Liễu xé ba phiếu và Nhuần là người đến quầy chế biến bưng cà phê trở về bàn với sự trợ giúp của Liễu (một đặc ân). Chúng tôi tay run run quấn điếu thuốc rê, nhả từng làn khói thuốc, nhấp dè sẻn từng giọt cà phê và thân thể ấm dần trở lại. Những giai điệu mượt mà tình cảm vang lên trong chiều mưa tha hương hiu hắt…Love story, Romance, Romance De Amour… chúng tôi chìm vào không gian lãng mạn. Quán vắng khách, Liễu se sẽ nép vào bên Nhuần…

 

          Tôi ngậm ngùi nhớ lại những quán cà phê thuở ấy, những đêm trăng chúng tôi ngồi ở Thủy Tạ nhìn trăng ngân sương trắng mặt hồ. Ngồi ở Thanh Thủy ngắm nắng ban mai long lanh những ngọn cổ tùng. Thèm tiếng hát Khánh Ly chúng tôi ghé vào cà phê Tùng uống cà phê trong những tách sứ sang trọng và ấm … Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau. Như bóng chim cuối đèo… Mối tình của Nhuần và Liễu là một mối tình buồn, yêu nhau ba năm chỉ là những cuộc hẹn hò dìu nhau qua phố, cuối cùng rồi cũng chia xa. Đêm ấy tôi thức trắng với Nhuần, đôi mắt một mí ngân ngấn nước mắt, hai đứa hút hết mấy gói Mai và có lẽ là đêm dài nhất của cuộc đời Nhuần?

 

            Chúng tôi đói và rét, bữa ăn là cơm hẩm độn nhiều mì hay bắp, nước chấm chủ yếu là muối pha với nước, canh củ cải già váng lên một lớp mỡ nổi lều bều vài tép mỡ. Có khi chỉ là một ổ bánh mì khiêm tốn và một chén canh cà rốt. Được uống một ly sữa đậu nành nóng béo ngậy ở quán chị Hồng, đối diện với trường cấp III Bùi thị Xuân trong tiết trời buốt giá là một hạnh phúc, càng tuyệt vời hơn nữa khi được ăn một cái bánh cam nóng, dòn, ngọt, béo và một điếu Samit thơm lừng. Những lúc hết nhẵn cả tiền mua thuốc lá, chúng tôi bắt dế nghĩa là nhặt những tàn thuốc lá vương vãi trong phòng, đôi ba tàn là có một điếu thuốc rê hút hết sức phê.

 

               Những phong thư gửi cho các bạn khắp bốn phương trời. Ôi! Những bức thư giấy trắng, mực xanh mang những buồn vui xa xứ, ước mơ của tuổi thanh xuân. Những dòng chữ nắn nót màu tím viết trên giấy pơluya hồng mang theo tình yêu cháy bỏng đầu đời, được ép vào những cánh hồng thơm ngát. Ôi! Cái thuở lần đầu chia tay với bạn gái ngỡ như thế giới này sụp đổ và mình sắp chết đến nơi. Tan trường chúng tôi đứng trước cổng Trường Bùi Thị Xuân chọc ghẹo các em nữ sinh ngây thơ và nhận lại những dẩu môi, nguýt mắt nũng nịu thật là đáng yêu. Chiều chủ nhật theo chân các cô gái xóm đạo duyên dáng trong tà áo dài thướt tha, cúi mặt thẹn thùng bước vào giáo đường Con Gà cổ kính.

 

            Con dốc Trương Định nối liền nhà hát Hòa Bình và đường Phan Đình Phùng, có một ngách hẹp khoảng hai mét chuyên bán sách cũ. Chủ nhà là một thầy giáo trung niên cao, gầy có mái tóc chớm bạc, có lẽ vì túng quẩn phải bán đi những quyển sách yêu quí của mình. Ở đây, tôi gặp những ấn phẩm cũ còn mới tinh như Tạp chí Văn, Bách Khoa, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng, Nỗi Buồn Con Gái của Nhã Ca, Vang Bóng Một Thời được in trên giấy trắng khổ lớn của Nguyễn Tuân, Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư…Tôi đọc say mê dù chẳng hiểu gì, và chẳng hiểu gì tôi lại càng say mê đọc, như một miền đất hoang vu và tôi bước đầu đặt dấu chân khám phá.

 

             Những cơn mưa rủ nhau trốn biệt, trời nắng vàng và mây trắng trôi lang thang trên bầu trời xanh biếc. Thời tiết ngày càng trở lạnh, buổi trưa chúng tôi thường nằm nghỉ dưới tán thông xanh trên đồi Cù đối diện với Trường Đại Học, cỏ non xanh mơn mởn, không gian yên tĩnh ru chúng tôi vào giấc ngủ hiền hòa. Những cành cây Anh Đào tưởng như chết khô đã ánh lên màu hồng, đã toát lên sức sống. Trời càng ngày càng lạnh, nắng long lanh tỏa, sương mù mỗi sáng mỗi chiều trắng rừng thông, trắng mặt hồ, phố vốn trầm mặc giờ lại càng mơ hồ trầm mặc dốc thấp dốc cao.

 

             Đã tàn Thu rồi, vàng… vàng dốc phố, vàng con đường, vàng lưng đồi, vàng lũng vắng. Lữ khách đang ngoằn ngoèo trên con đường yên ả, ngây ngất  hương thông tinh khiết chợt dừng lại bàng hoàng. Một màu vàng rực rỡ của dã quì lẩn khuất trong sương khoác lên thành phố. Một màu vàng quyến rũ man dại, hừng hực sức sống. Tôi nằm giữa đồi dã quì gối đầu lên những trang sách Lý Thuyết Bất Nhị Trong Thiền Tông Phật Giáo của Phạm Công Thiện nhìn lên áng mây trắng lang thang trên bầu trời xanh biếc. Một mái tóc xanh ngang vai, một đôi môi chu đỏ cúi xuống. Tôi chìm vào cơn mê dại hổn hển nồng nàn, cả hai như hòa vào nhau và hóa thành cánh bướm bay lượn khắp núi đồi lãng đãng sương trắng, vàng rực rỡ cánh dã quì.

 

             Thành phố buồn, nhớ không em, ngày chủ nhật, ngày của riêng mình… Người ta đến nơi này thường là có đôi có cặp, nhưng tôi nghĩ chỉ một mình mới cảm hết vẻ đẹp nơi này, là nét trầm mặc hoang liêu, là rưng rưng buốt giá, là miền sương trắng lung linh. Ôi! Miền sương trắng lung linh, tôi đi trong mơ hồ ven các con đường những cây Anh Đào đã hồi sinh nở hoa đỏ thắm, những cánh đào rơi lả tả xuống thảm cỏ mịn màng. Có tiếng cười trong veo bên khung cửa sổ, tiếng vó ngựa thoảng qua cuối đồi thông xanh biếc. Tôi đi trong tuyệt vời cô độc của những giấc mơ mang tiếng cười dòn dã ở ngã năm Phù Đổng Thiên Vương, của tiếng thở dài u hoài của của gã lang thang trên con đường Đinh Tiên Hoàng nên thơ nằm dưới chân đồi Cù lặng lẽ.

 

             Là giấc mơ của bạn tôi, Nhuần… mỗi chiều cài lại chiếc khuy cổ áo lính bạc phếch chỉnh tề ( thay cho áo khoác), đút quyển truyện kiếm hiệp cũ mèm vào túi nheo đôi mắt một mí mỉm cười và bước vào chiều sương rét mướt. Tôi biết Nhuần sẽ đi bộ mấy cây số, dừng chân bên cột đèn đường vàng vọt đọc truyện trong khi đợi chờ người yêu. Là tiếng cười sảng khoái khi chui vào gầm cầu thang chợ Hòa Bình cởi chiếc áo khoác mới tinh bán lấy tiền chia cho bạn bè uống rượu vơi bớt nỗi tha hương trong đêm Giáng Sinh rực rỡ.

 

             Là giấc mơ của que cà rem ngọt lịm tan chảy óng ánh dưới ánh mặt trời mùa hạ…Trống trường ra chơi vang lên, những thằng học trò nghịch ngợm ùa xúm quanh chiếc xe đạp có chiếc chuông reo leng keng trên cổ lái, phía sau yên xe là chiếc thùng xốp. Có khi hai ba thằng chia nhau một que… Lan, người con gái tóc ngang vai, mặc áo thun tím như que cà rem trong giấc mơ tôi. Tôi nhớ bãi cát trắng thoai thoải, những lùm dứa lúp xúp, bóng em bước lên chiếc thúng chai tan dần vào ánh trăng nhợt nhạt thượng tuần trên biển, bỏ lại trên ngực áo tôi đầm đìa nước mắt.

 

               Đó là những tháng ngày ly tán. Đó là những tháng ngày bất an. Những bạn bè thuở ấy có đứa còn ở lại gác trọ trần gian, có người đã ra đi… Như Lan, như Nhuần… Tất cả như những cánh Dã Qùi vàng rực buổi tàn Thu, như những cánh Anh Đào lả tả rơi hồng trong sương sớm chớm xuân. Mỗi khi trở lại nơi này, như ngày xưa, tôi lại ngồi dưới chân Linh Sơn Tự mỗi chiều. Để nghe tiếng chuông tan vào hư không, để nghe đôi vai khe khẽ buốt lạnh, bóng tối lan dần trên hàng thông cổ thụ… Ôi! Miền sương trắng… Đêm xưa ra phố với người, giờ đây xuống phố với ngày vô vi…

 

Trần Quang Phong

Cam Ranh  4/ 2020

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Sáu 20227:35 CH(Xem: 8081)
Thuở nhỏ, tôi cứ đinh ninh họ Phan nhà tôi toàn là người bên lương, không có ai và không có nhà nào theo đạo Thiên chúa. Đối với tôi, những người bên đạo rất xa lạ bởi không cùng tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên như mình, mặc dù làng tôi rất gần hai giáo xứ lớn của tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh xưa: Giáo xứ Đại Điền và giáo xứ Cây Vông.
29 Tháng Sáu 20226:56 CH(Xem: 8335)
Bút hiệu, một ẩn khuất của định mệnh, vô hình chung đã gắn bó cùng tác giả cho đến hết một đời người. Nói thế chẳng có nghĩa là tôi đã duy tâm, nhưng phải nghiệm theo cách đó mới giải thích được "Sao Trên Rừng" của ngàn thông trên vùng thâm u Phương Bối. Từ balcony của căn chung cư nhỏ, tôi hay đứng ngó mông ra xa nhìn chút nắng nhạt nhoà trên những tàn cây thấp rất xanh, chi chít mọc dọc theo bờ sông bên kia, nơi có con đường mòn rất dài, loanh quanh dẫn qua Làng Báo Chí.
29 Tháng Sáu 20225:07 CH(Xem: 7075)
Quên bớt dần đi sẽ thấy tổn thương mình bé lại, thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn, thấy oán hận phôi pha theo ngần ấy thời gian không còn trong tâm tưởng. Đa phần những người quên mất dần mọi thứ dần trở nên hiền hòa hơn, tôi thấy như vậy đó. Sư Giác Nguyên giảng mình càng đau đớn, khổ đau hơn vì mình còn ham muốn nên tiếc nuối hoài những gì đã mất. Đi về phía cuối rồi cũng rơi rớt mất dần chẳng còn gì. Nếu ta có một tôn giáo để tin mà nương tựa thì tuổi hoàng hôn sẽ được an bình.
22 Tháng Sáu 20221:27 SA(Xem: 8060)
Mùa trăng, với chúng tôi chỉ có một ngày duy nhất. Đúng rằm, phải đúng ngày 15. Nghe cứ như ngày của cúng bái khói hương, với hoa trái cùng tiếng chuông chùa trong những chiều lao xao, đình đám...
17 Tháng Sáu 202212:07 SA(Xem: 8933)
Trong những ngày chờ đợi có nhà sản xuất phim, T. cận tôi ngồi đọc và hỏi han để lấy tư liệu cho một cuốn sách nhỏ đang “âm mưu”, viết về đời sống Điện ảnh nước nhà & thân phận những thế hệ người làm phim từ trước tới nay - trong đó có tôi. Tôi đọc lại hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn mà tôi hâm mộ kể từ khi đọc cuốn “Bông hồng vàng” của K. Pautovski do ông dịch từ tiếng Nga… Tôi chợt nhớ lại những ngày tháng không được làm phim, phải rời cơ quan vào Sài Gòn làm thuê, viết thuê…
25 Tháng Năm 20226:26 CH(Xem: 7710)
“Anh trẩy chùa Hương phía xót thương”, đó là câu thơ thường chợt hiện trong tôi giữa những ngày rong ruổi khắp Kinh Bắc làm phim về Học Vấn vùng đất này - theo yêu cầu của Sở Giáo dục Hà Bắc, sau đó là làm phim chân dung về thi sĩ Hoàng Cầm - theo nhu cầu của đạo diễn Tự Huy và bản thân tôi…
29 Tháng Tư 20221:40 SA(Xem: 8175)
Xin mượn tạm tên tập thơ của thi sĩ họ Chế để miêu tả cảnh tượng cơ quan cũ của tôi trong ngày 30 tháng 4 lịch sử, cùng tâm trạng chung của nhiều cô bác, anh chị em từng làm việc tại đây: Hãng phim truyện VN, 4 Thụy Khuê Hà Nội, cơ sở làm phim truyện lớn nhất nước - mặc dù tính chất Điêu tàn mới chỉ nói được phần nào cái vẻ ngoài của hiện tượng cũng như bản chất sự việc… / ... Nền điện ảnh đàn em, sinh sau đẻ muộn ở ta tuy không mắc căn bệnh ung thư tới độ trầm trọng như sự miêu tả của Bondarev, song lại không có đủ nội lực để tự vượt thoát và tự “xạ trị” như “ông lớn Mosfilm”, nên đã bị “đầu độc” một lần tới gần chết vào đầu những năm 90 thế kỷ trước - khi Liên Hiệp Điện ảnh VN đã có chủ trương hãm hại nó bằng nhiều phương thức khá tàn độc - trong đó có việc xóa bỏ tất cả các rạp chiếu phim và chuyển chúng thành quán bia, vũ trường, các kinh doanh văn hóa lặt vặt không dính líu gì tới Nàng tiên thứ Bảy… Hãng phim, cùng cả nền ĐA dân tộc chết lâm sàng từ đó...
02 Tháng Tư 202212:34 SA(Xem: 8687)
Tôi sinh ra ở Hà Nội, và xa Hà Nội năm tôi 18 như một bài ca người ta thường hát. Tôi cũng có người em mười sáu trăng tròn. Khi cả hai cùng di cư vào Nam năm 54, gặp nhau lại. Mối tình học trò đó, như bong bóng mùa mưa tan lúc nào không hay. Bốn mươi năm sau, tôi trở lại Hà Nội vào mùa Thu, năm mới mở cửa, đường phố, nhà cửa gần như không thay đổi, nhưng cũ đi nhiều
20 Tháng Ba 20228:41 CH(Xem: 8691)
Không quên hỏi em đang ở đâu. Loay hoay rất lâu với nét chữ vòng vo, tội nghiệp, em viết cho tôi số phone, địa chỉ. Tránh câu hỏi em đang làm gì, tôi chỉ nói khéo: Việc em làm có vui không? Và bằng giọng rất thản nhiên không ngờ, em nói đúng như lời tôi đã nghe từ 30 năm trước: ” Dạ, em làm đĩ ”.
25 Tháng Hai 20226:47 CH(Xem: 9568)
Chợ An Đông và khu chung cư chung quanh chợ được xây cất vào năm 1954, năm đất nước chia đôi, trên một khu đất trống và rộng thuộc Quận 5 Chợ Lớn. Toàn bộ khu vực này nằm ở giữa hai đại lộ Hùng Vương có con đường sắt chạy song song ở phía bắc và đại lộ Hồng Bàng ở phía nam; tiếp giáp hai mạn đông, tây là hai con đường nhỏ Yết Kiêu và Nguyễn Duy Dương. Chung cư An Đông gồm bốn khu ba từng, mỗi khu hình chữ L, bao quây lấy chợ nằm ở chính giữa, tổng cộng gồm khoảng bốn năm trăm đơn vị gia cư.