- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BẾN ĐÒ XƯA

25 Tháng Ba 20209:25 CH(Xem: 23532)


trang Quan Tranh- NgHoangNam
Trăng Quán Tranh- ảnh Nguyễn Hoàng Nam

1. Tôi rất thích hai câu thơ này trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều:

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ

Quán thu phong đứng rũ tà huy

Đọc hai câu này, lúc còn học trung học, tôi cứ nghĩ phải có một cái cầu tên là cầu Thệ thủy (viết hoa) và một cái quán tên là quán Thu phong (cũng viết hoa). Cầu và quán đã được nhân cách hóa: ngồiđứng.

Thực ra thì chẳng có cầu nào là cầu thệ thủy, chẳng có quán nào là quán thu phong cả. Tôi thấy thấp thoáng trong hai câu thơ kia là hình ảnh một bến đò hiu hắt dưới bóng nắng chiều rời rã, dòng nước cứ xuôi chảy miên man, không bao giờ dứt.

Hình ảnh một bến đò xưa cứ ám ảnh mãi trong tôi:

“... Có một thoáng mù sương

Lẩn trong chiều cổ độ”...

                   (“Có ta và em” – NP phan)

“Cổ độ” là hình ảnh bến đò xưa và dòng sông thời thơ ấu của tôi.

Đã nhiều lần tôi nhủ lòng là phải về thăm lại bến đò xưa. Nhưng cuộc sống cứ cuốn lấy tôi. Cứ mãi lần lữa, dây dưa.

 

2. Tôi có dịp trở lại thăm nhà ngoại sau hơn bốn mươi năm.

Cậu Ba là người em cùng mẹ khác cha với mẹ tôi. Cậu mất đột ngột do đột quỵ lúc hơn bảy mươi lăm tuổi. Vợ chồng tôi phải về để tang cậu. Có lẽ đã hơn bốn mươi năm tôi mới trở lại thăm nhà ngoại. Ngoại đã mất từ lâu, năm nào tôi cũng không nhớ. Mẹ tôi cũng đã xa anh em chúng tôi hơn một năm khi ngoài tám mươi.

Căn nhà của ngoại ngày xưa bây giờ đã thay đổi quá nhiều, tôi không thể nhận ra. Con đường đất trước nhà ngoại đã được đổ bê tông. Hai gian nhà tranh đã được thay bằng hai căn nhà ngói liền nhau với các tiện nghi của cuộc sống hiện đại ở vùng nông thôn. Những thửa ruộng xung quanh nhà, bây giở đã là khu vườn rộng, có mấy cây xoài to lớn. Tôi hỏi mợ tôi:

- Con nhớ hồi xưa có hai cây mít ở hai đầu nhà và trước nhà là một cái mương nước, phải không mợ?

- Đúng rồi, trí nhớ con tốt đó. Hai cây mít đã chết từ sau khi ngoại con mất. Cái mương nước trước nhà cũng bị lấp sau khi xã làm lại hệ thống thủy lợi.

- À, bến đò Cầu Voi bây giờ còn không hả mợ?

- Không còn bến đò nữa. Mà sao con lại hỏi bến đò Cầu Voi?

Tôi chỉ cười, không nói gì.

Xong việc thì trời đã tối. Vợ chồng tôi phải vội trở về thành phố.

 

3. Đó là vào khoảng gần cuối năm 1964.

Năm ấy tôi đang học lớp Tư (tức là lớp Hai bây giờ) trường làng. Mới vào học độ chừng hai tháng thì tôi phải nghỉ học vì chiến tranh nổ ra trên khắp cả tứ thôn Đại Điền. Quê tôi đồng khởi, phá ấp chiến lược, thành lập “chính quyền cách mạng”. Cha mẹ tôi và mọi người vẫn gọi năm ấy là năm “ly sơn”. Trường tiểu học nơi tôi học đóng cửa. Các thầy cô giáo cũng đã rời trường. Bạn bè tản mát.

Vì tuổi còn quá nhỏ, tôi chẳng nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ rằng, tôi không phải đi học mà rong chơi thỏa thích, nào bắt dế, bắn chim, thả diều và rất nhiều trò chơi vui vô kể. Tối đến, thỉnh thoảng được coi các đoàn văn công diễn ở trụ sở thôn (Trụ sở sau này bị đánh sập một lần và sau đó bị đốt cháy một lần nữa nên vẫn thường gọi là “Trụ sở sập” hay “Trụ sở cháy”). Các tiết mục múa hát, cả diễn kịch có anh lính giải phóng đánh nhau với anh lính cộng hòa. Tôi nhớ có người đã nhảy lên sân khấu đòi đánh anh lính cộng hòa trong khi vở kịch đang diễn. Tất cả khán giả là người dân quê tôi.

Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là bộ đội chủ lực gì gì đó.

Những chuyện này tôi sẽ kể thêm sau khi có dịp.

Tôi cứ suốt ngày rong chơi trong gần một năm học.

Khi bắt đầu vào năm học tiếp theo, trường học vẫn chưa được mở lại.

Không thể để con phải nghỉ học, cha tôi đã bàn với bác Hai tôi, bằng cách nào đó phải cho lũ trẻ đi học trở lại. Lũ trẻ ở đây là tôi và chị Sáu (con của bác Hai), lớn hơn tôi một tuổi.

Tôi có người chú họ ở Phú Ân Nam, bên kia sông Cái. Dạo ấy, vùng này còn tương đối an ninh (như cách nói của người lớn). Nhà chú tôi ở gần cầu Ông Bộ, ngay bên đường quốc lộ 1, trên đường về thị xã. Chú tôi làm nghề thợ mộc, có nhà cửa, cơ ngơi làm ăn khá rộng rãi, đàng hoàng. Bên kia cầu Ông Bộ là thôn Võ Cạnh thuộc xã Vĩnh Trung, quận Vĩnh Xương.

Thôn Võ Cạnh nổi tiếng vì nó gắn liền với câu ca dao về các đặc sản của “Xứ trầm hương”:

          Yến sào Hòn Nội

          Vịt lội Ninh Hòa

          Tôm hùm Bình Ba

          Nai khô Diên Khánh

          Cá tràu Võ Cạnh

          Sò huyết Thủy Triều

          Đời anh cay đắng đã nhiều

Về đây ngọt sớm ngon chiều với anh

          Trong sáu đặc sản trên đây, có hai món bây giờ có lẽ đã “tuyệt tích giang hồ” là nai khô Diên Khánh và cá tràu Võ Cạnh.

          Võ Cạnh còn nổi tiếng với tấm bia Võ Cạnh. Bia Võ Cạnh được Viện Viễn Đông bác cổ phát hiện tại làng Võ Cạnh và đưa về Hà Nội năm 1910. Đây là tấm bia cổ duy nhất còn lại của vương quốc Champa xưa, khắc bằng chữ Sanskrit, là tấm bia cổ nhất vùng Đông Nam Á, có giá trị lịch sử lớn.

Đó là những gì về Võ Cạnh tôi biết về sau này.

Cha mẹ tôi đã gửi tôi và chị Sáu ở trọ nhà chú Năm và học ở Trường Tiểu học Võ Cạnh, nằm phía bên kia cầu Ông Bộ, cách nhà chú chỉ khoảng vài trăm mét.

Trường Tiểu học Võ Cạnh nằm bên cạnh đình Võ Cạnh, một ngôi đình cổ, uy nghi.

Đó là một ngôi trường nhỏ, nằm sát bên đường quốc lộ, một dãy nhà hình chữ L, có khoảng năm sáu phòng gì đó, tường xây, lợp ngói.  Tôi và chị tôi vào học lớp Ba (cũng là lớp Ba hiện nay) mặc dù chưa học xong lớp Tư. Tôi nhớ lớp học có khoảng bốn chục học sinh mà bây giờ tôi chẳng nhớ ra ai cả, trừ một bạn có học chung với tôi ở bậc trung học mấy năm sau đó.

Ở trọ nhà chú Năm, tôi và chị tôi chỉ lo ăn học, chẳng phải làm việc gì vì còn quá nhỏ. Nhà chú cũng có mấy đứa con cùng trang lứa với chúng tôi nên vui chơi thỏa thích, nhất là vào chập tối, lúc ăn cơm xong (vì ban ngày phải đi học cả ngày).

Những đêm sáng trăng, chúng tôi chơi đủ trò chơi từ u mọi, cút bắt, bịt mắt bắt dê... Có một dạo, tôi bị “quáng gà”, chắc là do ăn uống thiều chất, với lại tôi cũng rất kén ăn. Ban đêm tôi chẳng nhìn thấy gì, không chơi được trò chơi gì, tức muốn phát khóc. Sau một thời gian ngắn, chừng hơn tháng gì đó, thì cũng tự khỏi, không biết làm sao.

Nhiều đêm, nhớ nhà, nhớ cha mẹ và các em, tôi cứ nằm khóc rưng rức mà chẳng có ai dỗ dành.

 

4. Dòng sông Cái ngăn giữa hai thôn Phú Ân Nam (thuộc xã Diên An) và Phú Ân Bắc (thuộc xã Diên Phú). Lúc ấy, từ bên này sang bên kia hoặc ngược lại, phương tiện duy nhất là đi bằng đò. Từ Phú Ân Nam, gần nhà chú tôi, có một con đường nhỏ chạy giữa cánh đồng lúa của làng, dẫn đến một bến sông. Bên kia sông là bến đò Cầu Voi. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì nó nằm gần bên một chiếc “cầu tre lắt lẻo” tên là Cầu Voi (Không hiểu sao lại gọi là Cầu Voi), bắc ngang một nhánh sông nhỏ. Ở đó, thường có một chiếc nhỏ đò chờ đưa khách qua sông.

Thường thì cứ vào cuối buồi chiều cuối tuần (có khi hai tuần), tôi và chị tôi xin phép chú thím, dắt díu nhau về thăm nhà. Hai đứa bé, một lên tám, một lên chín tuổi lôi thôi lếch thếch đi bộ quãng đường dài sáu cây số. Chị đi trước, em lẽo đẽo theo sau, nhiều lúc đi theo không kịp chị, cứ vừa đi vừa khóc, cố chạy theo cho kịp chị để còn lên đò qua sông.

           Chị Ngôi là người chèo đò đưa chúng tôi qua lại trên dòng sông Cái. Bây giờ tôi cũng không hình dung ra được khuôn mặt chị, chỉ nhớ là chị còn trẻ, hơn chúng tôi độ gần mười tuổi, hay đội chiếc nón lá. Hôm nào chị bận việc gì đó không chèo đò thì có cha chị (tôi đoán vậy) chèo thay. Mấy mươi năm rồi, không biết bây giờ chị thế nào, gia đình, chồng con ra sao, sinh sống nơi đâu?  

Tôi nhớ có hôm hai chị em về đến cánh đồng gần nhà thì súng bỗng nổ vang, đạn bay “chíu chíu” trên đầu, đạn cối nổ ngay trước mặt, chớp lửa nhoáng nhoàng. Phía bên này và phía bên kia từ trong các khu vườn nhà dân thi nhau nã đạn về phía nhau. Chị em tôi nháo nhào chạy dưới hai làn đạn, chạy cả xuống ruộng bùn, vừa chạy vừa la khóc. May mà cũng về được đến nhà không sao cả.

Trong thời gian tôi học lớp Ba tại Trường Tiểu học Võ Cạnh, chiến tranh vẫn diễn ra ở tứ thôn Đại Điền và ở nhiều nơi khác.

Sau gần một năm thì “chính quyền cách mạng” ở tứ thôn Đại Điền giải tán. Phía “quốc gia” tấn công ác liệt để giành lại vùng tứ thôn Đại Điền. Phong trào “ly sơn” tan rã, cán bộ, du kích rút hết lên núi.

Hết năm học, tình hình tạm yên. Cha tôi đưa chúng tôi về quê. Chúng tôi giã từ chú thím và các em, giã từ thầy cô và các bạn học trường Võ Cạnh trong tiếc nuối bùi ngùi.

Tôi về lại Trường Tiểu học Đại Điền Đông, học lên lớp Nhì.

Đó là vào khoảng tháng 9 năm 1966, năm Bính Ngọ.

          Năm sau và những năm sau nữa, khói lửa chiến tranh lại tiếp tục bùng lên dữ dội.

5. Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn còn gay gắt.

Từ nhà ngoại, tôi chạy xe dọc theo xóm thôn bên bờ bắc sông Cái. Nhà cửa khang trang, ruộng đồng tươi tốt. Đi mãi một lúc thì đến Cầu Voi. Chiếc cầu tre năm nào được thay bằng chiếc cầu bê tông kiên cố.

Bến đò Cầu Voi năm nào đâu rồi?

Tôi hỏi một chị bán hàng gần cầu:

- Xin lỗi chị, chị có biết bến đò Cầu Voi chỗ nào không?

- Em không biết bến đò nào cả, chỉ biết Cầu Voi này thôi. À, có khi anh hỏi bà bác kia kìa, bác ấy lớn tuổi chắc là biết.

Tôi tiến tới người phụ nữ lớn tuổi, chắc cũng xấp xỉ tám mươi, trông còn khá khỏe mạnh, lễ phép hỏi:

- Thím cho cháu hỏi, thím có biết bến đò Cầu Voi hồi xưa bây giờ ở đâu không ạ?

Thím nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi lại:

- Cháu người vùng này hay ở đâu? Muốn tìm nhà bà con ở đây à?

- Dạ, quê cháu bên Đại Điền. Hồi nhỏ, cháu trọ học bên Phú Ân Nam, hàng tuần hay đi về thăm nhà, qua bến đò Cầu Voi này. Cũng đã lâu lắm rồi, chắc cũng gần năm mươi năm. Cháu chỉ muốn thăm lại bến đò ngày xưa thôi ạ.

Thím cười giòn giã:

- Bến đò Cầu Voi đã bỏ lâu rồi cháu ạ. Nó nằm ở chỗ kia kìa.

Theo tay bà thím chỉ, tôi thấy mấy ngôi nhà cây cối um tùm, không có lối nào dẫn xuống bến sông.

Nhìn sang bên kia sông, tôi cũng không thấy dấu vết gì ngoài hàng tre xanh mướt.

Bến đò xưa, từ lâu đã không còn nữa.

Tôi cám ơn chị bán hàng và người thím, rồi thẫn thờ nhìn ra dòng sông.

Chiều đã xuống. Nắng tắt dần.

Trong lòng tôi là một khoảng trống mênh mang.

                                                                  

Tháng 10/2016

NP phan

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Sáu 20241:24 SA(Xem: 7988)
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại… tôi nhìn những mùa hè trôi qua trong nuối tiếc, dẫu biết rằng là lẽ thường hằng nhưng trong lòng không khỏi xót xa. Những người bạn cũ đi xa, người còn ở lại lướt qua nhau như người xa lạ. Tôi ngồi đó trong bóng chiều tà, nắng chiều vàng sao mà lặng lẽ. Ôi! Hai hòn bi ve tội nghiệp, đã lăn gần hết đoạn đường trần ,tôi nghiêng xuống cuộc đời bằng nụ cười ngạo nghễ, có ai về nhặt lại tiếng ve ran….
05 Tháng Sáu 20241:02 SA(Xem: 7905)
Một tháng qua, sự xuất hiện của hành giả Minh Tuệ cùng sự "biến mất" khá bí hiểm của ông cùng các vị đồng tu đã tựa một tiếng sét giữa trời quang, hay như một vệt sao chổi vụt qua bầu trời, và báo trước cho không ít người cái điều đã nằm sâu trong triết lý Phật giáo mà sư Vạn Hạnh đã đúc kết: “Thân như bóng chớp có rồi không” (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô), hoặc như tên một tác phẩm lớn của nhà viết kịch người Tây Ban Nha P. Calderón: “Đời là giấc mộng”…
05 Tháng Sáu 202412:51 SA(Xem: 7874)
THƯ KIẾN NGHỊ / Hà Nội 1/6/2024 / Kính gửi Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính thưa các vị Pháp chủ, Đại lão Hòa thượng tôn quý! Tôi là người hoạt động trong ngành điện ảnh xin khẩn thiết gửi tới các quý ngài đôi kiến nghị chân thành sau đây:
22 Tháng Tư 202412:07 SA(Xem: 9437)
Vào ngày 31 tháng 10 năm 1974, nhật báo Sóng Thần do tôi làm chủ nhiệm bị chính phủ kiện ra tòa với tội danh “phỉ báng mạ lỵ” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Việc này xẩy ra sau khi số báo đề ngày 21 tháng 9, 1974 bị tịch thu vì đã đăng tải bản cáo trạng tham nhũng trong chính quyền do Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng và Kiến tạo Hòa bình phổ biến. Có hai tờ nhật báo khác cùng chung số phận với Sóng Thần, đó là Đại Dân Tộc và Điện Tín. Phiên tòa cho hai tờ này được ấn định vào một ngày khác.
14 Tháng Tư 20249:53 SA(Xem: 10011)
Tôi vẫn nghĩ vợ chồng sống được với nhau cả một đời thì thương nhau phải biết. Tôi không có được cái may mắn này nhưng tôi thích ngắm những cặp đôi người già bên nhau ở tuổi xế chiều. Tôi trân trọng những đôi vợ chồng thương yêu kề cận suốt cuộc đời. Nhớ lời của bài hát hồi xưa tôi hay nghe: "Nhiều năm trời chẳng thương tình, để em làm kẻ đa tình". Phụ nữ khi ly hôn chồng thi thường có nhiều người khác phái để ý nhưng tôi không hề làm kẻ đa tình yêu đương vớ vẩn đâu nhé, tôi biết chắc rằng tôi là người chung thủy nếu tôi gặp đúng một người thương.
08 Tháng Tư 20248:51 CH(Xem: 10567)
Từ phòng ngủ của Tư-Lệnh bước ra, Y-Sĩ Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển xúc động, nghẹn ngào : “Thiếu-Tướng… đi rồi!” … Các Sĩ-Quan hiện diện, không cầm được nước mắt, kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt chủ tướng. Bác-sĩ Đàm-Quang-Hiển, hiện định cư tại Mỹ, bang Minesota, nguyên là y sĩ trưởng Sư-Đoàn 5 Bộ Binh, kiêm Tiểu-Đoàn-Trưởng Tiểu-Đoàn 5 Quân-Y. Vào trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy, ông được gọi lên, với hy vọng cấp cứu Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh vừa dùng súng tự sát... Bác sĩ Hiển khám nghiệm, bắt mạch….Nhưng không kịp ! Người đã “đi” rồi! Ôi ! Thực buồn làm sao!
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 11429)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 10261)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 11835)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 11778)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.