- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGUYỄN DU VỚI NGƯỜI ĐẸP DƯƠNG QUÝ PHI

08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 8944)


 tien-phong-duongquyphi1-987

 

 

NGUYỄN DU VỚI NGƯỜI ĐẸP DƯƠNG QUÝ PHI

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Để trả lời một bà TS. văn chương đang làm dậy sóng công luận vì miệt thị  “phái đẹp”:

 


Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời… Đó là những “nàng Kiều” Việt Nam: cô ca nữ trong “Long Thành cầm giả ca”, cô ca nữ trong “Điếu La Thành ca giả”, cô ca nữ trong “Ngô gia cựu đệ ca cơ”; là những “nàng Kiều” Trung Hoa: nàng Tiểu Thanh trong “Độc tiểu thanh ký”, hai bà vợ vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh (con gái vua Nghiêu) trong “Thương Ngô tức sự”, “Thương Ngô mộ vũ”, “Thương Ngô Trúc Chi ca, kỳ tam”, vợ con Lưu Thời Cửu, Thái Diễm Văn Cơ, Trác Văn Quân trong “Tam liệt miếu”, chị em Đại Kiều - Tiểu Kiều trong “Đồng Tước đài”, Dương Ngọc Hoàn trong “Dương phi cố lý”… Có thể nói, họ là những “nguyên mẫu”, là sự gợi ý, là nguồn cảm xúc và chất liệu đặc biệt để ông tạo ra nhân vật Kiều trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” bất hủ.

Theo chúng tôi, trong một lần “Bắc hành” qua Trường An, trong thân phận “tấm thân côi cút sống trôi nổi giữa vòng trời đất” (Lục xích phù sinh thiên địa trung- Mạn hứng 2), Nguyễn Du đã viết các bài thơ: “Mạn hứng 1,2”, “Dương phi cố lý”, “Bùi Tấn công mộ”, “Phân Kinh Thạch Đài”. Các địa danh trong những bài thơ trên không nằm trong chặng “Bắc sứ”. Nhưng xưa nay, các học giả không biết đặt chúng vào giai đoạn nào trong cuộc đời của nhà thơ. Các ông Bùi Kỷ, Lê Thước, Đào Duy Anh tuy xếp bài “Dương phi cố lý” vào tập “Bắc hành tạp lục” cũng cho rằng: Nguyễn Du cùng sứ đoàn trên đường lúc đi cũng như lúc về không đi qua Thiểm Tây, và không thể đến làng cũ của Dương Quý phi. Ông Trương Chính băn khoăn: “Trên đường đi sứ, nhà thơ không lên Thiểm Tây. Chưa rõ tại sao bài thơ này lại sắp xếp vào chỗ này?” (tức bài số 42, Bắc hành tạp lục)(1). Ông Nguyễn Văn Hoàn nêu ý kiến: Nguyễn Du không phải nhất định phải “đối cảnh sinh tình” mà có thể “ngưỡng vọng” từ bất kỳ nơi nào đó mà vịnh sử(2). Như vậy, phải chăng vì quan niệm Nguyễn Du chỉ có một lần “Bắc hành”, các nhà nghiên cứu lão thành đều nhất loạt cho rằng: nhiều bài thơ của Nguyễn Du viết về các địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử Trung Quốc đều rất có thể làm theo kiểu “trướng vọng” từ xa? Sự thật thế nào, chúng tôi xin được phép bàn trong một bài khác.

Về mối tình sử tạo nên bao giai thoại có kết cục thảm khốc của Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi (Ngọc Hoàn, Thái Chân) đã có hàng trăm bài viết miêu tả, bình luận từ xưa tới nay, nhiều lần được đưa lên sân khấu và màn ảnh lớn - nhỏ. Đường Minh Hoàng là vị hoàng đế thứ 6 của nhà Đường đã đưa triều đại này đạt tới đỉnh cao thịnh trị. Ông còn là một vị hoàng đế có tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, làm thơ, soạn ca nhạc và điệu vũ. Còn Dương Quý phi là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa, ái phi số một của Đường Huyền Tông, là người rất lãng mạn, thông minh lanh lợi, đàn hát hay, nhảy múa giỏi, nổi danh với điệu múa "Nghê thường vũ y khúc". Bà cũng là người không tham quyền thế. Vẻ đẹp, chuyện tình và số phận của bà có lẽ hơn ai hết điển hình cho cái quy luật trớ trêu: “hồng nhan bạc mệnh”. Năm 757, sau 2 năm Dương Quý phi bị quan quân nhà Đường giết chết trong loạn An Sử, khi Đường Túc Tông dẹp xong loạn, Thái Thượng Hoàng Đường Minh Hoàng cho người xây lại mộ cho quý phi (mộ gió). Hiện tại mộ của Dương Quý phi ở tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 60 km (xưa là Tràng An, kinh đô nhà Đường), trở thành di sản văn hoá cấp tỉnh, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi là cảm hứng cho rất nhiều tác giả văn chương Trung Hoa suốt hơn nghìn năm, nổi bật nhất là Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Lý Thương Ẩn, v.v. Bạch Cư Dị viết “Trường hận ca” tuyệt tác: Xin kết nguyện chim trời liền cánh/ Xin làm cây cành nhánh liền nhau/ Thấm chi trời đất dài lâu/ Giận này dằng dặc dễ hầu có nguôi… Ba nghìn cung nữ bao người/ Mà lòng yêu dấu riêng nơi một nàng (Tản Đà dịch). Lý Bạch có ba bài “Thanh bình điệu” ca tụng sắc đẹp của Ngọc Hoàn: Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng/ Gió xuân dìu dặt giọt sương trong/ Ví chăng non ngọc không nhìn thấy/ Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông (Ngô Tất Tố dịch). Dương Quý phi cũng trở thành đề tài cho văn học, hội họa, âm nhạc từ xưa tại các nước Á Đông như Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam, v.v.

Bài thơ “Dương phi cố lý” của Nguyễn Du xưa nay ít được nói đến, hay chỉ được điểm sơ qua trong các bài nghiên cứu về tiểu sử Nguyễn Du hay về thơ chữ Hán Nguyễn Du (Trừ một bài rất dài và uyên bác của GS-TS. Trần Ngọc Ninh, song có điều, hình như ông chỉ mượn bài thơ này để minh chứng cho những quan điểm mỹ học, triết học của các tác giả phương Tây).(3)

(4)






西


DƯƠNG PHI CỐ LÝ


Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,

Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh.

Tự thị cử triều không lập trượng,

Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành.

Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến,

Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình.

Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ,

Đông phong thành hạ bất thăng tình.


Dịch nghĩa

QUÊ CŨ DƯƠNG PHI


Mây núi lơ thơ, bờ sông hoa tươi sáng

Đây là nơi người ta nói rằng Dương phi đã sinh.

Bởi tại cả triều đình đều là người đứng im như ngựa gỗ

Khiến cho nghìn đời còn đổ oan cho người đẹp tội làm nghiêng thành

Cung Nam Nội cỏ cây hiu hắt, cỏ bồng mọc khắp

Đồng Tây Giao tịch mịch, gò đống đã san bằng 

Tìm đâu cho thấy những cánh hồng tan tác

Dưới thành gió đông thổi, khiến lòng ngậm ngùi không kể xiết


Dịch thơ:


Mây rừng hoa bến cảnh xinh xinh,

Nghe nói Dương phi đất ấy sinh.

Ngán nỗi cả triều đều lập trượng,

Oan thay đổ tội đến khuynh thành.

Cỏ cây Nam Nội đà man mác,

Gò đống Tây Giao cũng vắng tanh.

Tìm mảnh hoa tàn đâu chẳng thấy

Dưới thành gió thoảng xiết bao tình.

(Lê Thước - Trương Chính dịch)


Toàn bộ bài thơ đã được tác giả dùng một bút pháp độc đáo của văn chương trung đại để xử lý thời gian nghệ thuật: đó là phép “nghịch tự” (tự thuật đảo ngược) - từ hoàn cảnh hiện tại trở về quá khứ, rồi từ quá khứ trở về hiện tại để suy ngẫm, cảm xúc; bằng cách đó, thời gian như có độ lùi đáng kể, và như thế, không gian và sự suy tưởng được mở rộng trong tâm trí tác giả lẫn người đọc.

Liên 1. Sơn vân tước lược ngạn hoa minh,/ Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh. Mây núi thưa thớt, hoa bên bờ sông rực rỡ -  Nghe nói rằng Dương phi đã sinh ở đất này…


Quê Dương phi ở làng Bồ Châu, huyện Vĩnh Nhạc, nay thuộc thành phố Tây An - tỉnh Thiểm Tây - một trong 4 kinh đô lớn của Trung Quốc, từng trải qua 13 triều đại. Tây An cũng là điểm cuối của con đường tơ lụa huyền thoại Trung Hoa, nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp; nơi có cung điện Hoa Thanh Trì do Huyền Tông xây dựng nhằm chiều chuộng người tình. Khi Nguyễn Du tới đây, cung A Phòng nguy nga nhà Tần đã từng bị đốt cháy hàng tháng trời, các cung nhà Hán, nhà Tùy, nhà Đường cũng chỉ còn nền gạch; cuối thời nhà Đường, kinh đô dời xuống Lạc Dương. Cảnh vật cố đô Trường An qua nhiều thế kỷ thăng trầm của các triều đại đã trở nên tiêu điều, hoa dại bên sông sáng rực lên giữa chốn núi sông thưa thớt vắng vẻ như làm nền cho lời truyền tụng mơ hồ “nghe nói” (kiến thuyết), lại càng làm tăng thêm sự tiêu điều, hoang vu vốn có.

Liên 2. Từ hiện tại ấy, tác giả dẫn người đọc quay trở về quá khứ, và lập tức đi vào ngay trung tâm sự kiện lịch sử, vào cốt lõi sự thật một cách khái quát và cũng rất cụ thể. Trong khi Nguyễn Du xót thương, bào chữa cho Dương Quý phi, ông đã “xâu táo” luôn những kẻ mày râu hèn hạ bằng thái độ miệt thị của mình: Tự thị cử triều không lập trượng/ Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành - Bởi tại cả triều đình đều là kẻ đứng im như ngựa gỗ - Khiến cho nghìn đời còn đổ oan cho người đẹp tội làm nghiêng thành!


Sách sử cho biết: Năm 755 An Lộc Sơn khởi loạn, chiếm kinh đô Trường An, thề quyết chiếm cho được Dương Quý phi, Đường Minh Hoàng đã đem nàng chạy sang đất Thục. Đến Mã Ngôi, ba quân nổi giận, không chịu đi tiếp, bàn nhau giết anh trai của Dương Quý phi là Dương Quốc Trung và ép vua giết Dương phi, vì cho rằng anh em nàng chính là nguyên nhân của mối loạn này. Vua năn nỉ ba quân tha cho Dương Quý phi. Quân sĩ tung hô vạn tuế nhưng không chịu đi tiếp. Các quan đại thần hết sức khuyên nhà vua nên dẹp bỏ tình riêng để chiều lòng ba quân, bằng không giặc đuổi đến nơi thì khó toàn mạng. Vua đành chịu, chỉ đứng yên mà khóc nhìn Dương Quý phi bị thắt cổ trên cây liễu trước sân chùa. Bấy giờ nàng mới 37 tuổi. (Trong một bộ phim điện ảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, các nhà làm phim đã cho Dương Quý phi uống thuốc độc tự tử, và chết trong vòng tay người tình sau một cuộc “mây mưa đánh đổ đá vàng”!)  


Tác giả dùng hình ảnh Không lập trượng (tức tám con ngựa phải đứng im trong hàng gậy lúc thiết triều theo phép tắc nhà Đường) để miêu tả thực sinh động và chính xác cái sự thật: cả một lũ triều thần ngu muội, bất tài, tham sống sợ chết mà buộc một người đẹp vô tội phải chết oan uổng! Khổ nỗi, ở đất nước ấy, từ xưa một định kiến ác nghiệt đã in hằn trong óc cả người dân thường: Loạn phỉ giáng tự nhiên, sinh ư phụ nhân - Loạn chẳng phải giáng từ trên trời xuống mà sinh ra từ đàn bà ( Kinh Thi, bài Chiêm ngưỡng).


Trong việc miêu tả chứa đựng sự mỉa mai, khinh miệt, phẫn nộ ấy dường có cả quan niệm về chân lý lịch sử của tác giả: Đường Huyền Tông mới là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất về loạn An Sử. Sau nữa, một hoàng đế vì muốn được sống sót mà vất bỏ người yêu cho số phận, không thể bảo vệ được người phụ nữ của mình, bất lực trước bọn quần thần đòi giết người mình yêu thương, thì liệu có xứng đáng với tình yêu và sự gửi gắm tính mệnh, sự đón chờ hạnh phúc của người đàn bà mà Bạch Cư Dị hết lời ngợi ca: Hồi mâu nhất tiếu bách mị sinh/ Lục cung phấn đại vô nhan sắc - Nàng đưa mắt mỉm cười, trăm vẻ đẹp hiện ra - Các phi tần trong sáu cung đều thành không nhan sắc (Trường hận ca)?

Liên 3. Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến/ Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình - Cung Nam Nội cỏ cây hiu hắt, cỏ bồng mọc khắp - Đồng Tây Giao tịch mịch, gò đống đã san bằng. 


Nam Nội là nơi Đường Minh Hoàng cho xây cung Hưng Khánh huy hoàng để cùng thưởng ngoạn với Dương Phi - nơi có suối nước nóng nhân tạo và đài ngắm trăng do các đạo sĩ dựng lên tạo ra một cung Quảng Hàn dưới trần, nay chỉ còn dấu vết ở cỏ cây xưa thưa thớt nơi nền móng, và cỏ bồng mọc hoang cao ngất bốn bề.


Còn ở trên cánh đồng Mã Ngôi tịch mịch tựa nghĩa địa ngoài cửa Tây (Tây Giao) của kinh đô Trường An, nhà thơ như còn nghe văng vẳng tiếng reo hò thú vật của binh lính và sự “ngậm miệng ăn tiền” đớn hèn của cả triều thần buộc Dương phi phải chết làm “lễ tế thần” cho những kẻ khát máu… Tất cả nay cũng đã bị san bằng không còn một vết tích (Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình). Và trong sự tịch mịch kia, chắc hẳn Nguyễn Du đã nhớ tới Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Lý Thương Ẩn - những nhà thơ đã xót thương, đồng cảm sâu sắc cho người đàn bà đẹp bất hạnh. Lý Thương Ẩn, tác giả thời vãn Đường với bài thơ “Mã ngôi” nổi tiếng đã “luận” về cái sự kiện khiến địa danh nhỏ bé này bước vào sử sách: Thử nhật lục quân đồng trú mã/ Đương thì thất tịch tiếu Khiên Ngưu - Ngày hôm nay sáu quân nhất tề dừng ngựa - Đêm hôm ấy, đêm thất tịch cười sao Khiên ngưu… Khi An Lộc Sơn phá vỡ Đồng Quan, Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý phi chạy vào Tứ Xuyên - đất Thục thì xảy binh biến: lục quân - đội quân của thiên tử đều dừng ngựa, giết Dương Quốc Trung, đòi vua trị cả Dương Quý Phi vì họ cho rằng đó là nguyên nhân của ly loạn, vua đành sai thái giám Cao Lực sĩ thắt cổ ái phi để yên lòng quân sĩ. Kết cục đó ở Mã Ngôi thực đối lập tương phản với với lời thề đêm thất tịch ở Điện Trường Sinh: “Trên trời nguyện làm chim liền cành, dưới đất nguyện làm cây liền cành”, đêm ấy, Đường Minh Hoàng mỉm cười ghé vào tai Dương Qúy phi: “Đêm nay sao ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau không biết vui thú đến thế nào! Đáng tiếc hợp ít ly nhiều, sao bằng hai ta đêm ngày đoàn tụ”; còn nàng ngậm ngùi nói: “Cõi đời hoan lạc rồi có lúc tan, sao bằng Ngưu Lang - Chức Nữ tuy lâu ngày mới gặp nhau nhưng mỗi năm còn được đoàn tụ một lần”, và “nói xong nức nở, lệ nhỏ như mưa” (Minh Hoàng tạp lục)(5). Trong bài “Mã ngôi” này, hai câu kết là một lời chất vấn: Như hà tứ kỷ vi thiên tử/ Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu - Cớ sao đã làm thiên tử đến bốn chục năm trời - Mà không bằng chàng họ Lư có nàng Mạc Sầu? Chua chát thay, hơn 45 năm (tứ kỷ) ở ngôi vị thiên tử mà không giữ nổi mạng người vợ tuyệt thế giai nhân, chẳng bằng mối tình sắt son chung thủy của đôi vợ chồng bình dân hạnh phúc đời Hán cách đó tám thế kỷ!


Liên 4. Hai câu cuối đóng lại bài thơ đồng thời mở ra trực diện toàn bộ nỗi niềm  tiếc thương của nhà thơ đối với một cuộc đời tài hoa nhan sắc mà bạc mệnh, mang âm hưởng thi ca của cả một đời sáng tạo chỉ coi chữ Tình là thiết yếu, là giá trị cao cả, là lẽ tồn tại chính: Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ/ Đông phong thành hạ bất thăng tình - Tìm đâu cho thấy những cánh hồng tan tác - Dưới thành gió đông thổi, khiến lòng ngậm ngùi không kể xiết… Nỗi buồn thương mênh mông đó của Nguyễn lại thêm một lần bước vào “mối hận Kim Cổ” (cổ kim hận sự) trong một trái tim luôn rớm máu, ngay cả những lúc thân phận ông phiêu dạt “chân không bén rễ mặc gió bay như ngọn cỏ bồng” (Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng - Mạn hứng 2)…

Có thể đem bài thơ này làm thao tác “chồng văn bản”(6) với bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” mà Nguyễn Du viết bên Tây Hồ - Giang Nam trong một lần “Bắc hành”, thương cho một kỳ nữ vào lúc Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư - Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang, mà tàn hồng - mảnh hoa tàn ở quê cũ Dương phi cũng chính là Chi phấn hữu thần liên tử - Son phấn có linh hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết… Hoặc “chồng văn bản” với bài “Điếu La Thành ca giả” viết ở Nghệ An khóc một người đẹp vắn số: Nhất chi nùng diễm há Bồng Doanh/ Xuân sắc yên nhiên động lục thành/ Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh/ Trủng trung ưng tự hối phù sinh - Như cánh hoa thắm từ cõi tiên xuống - Sắc đẹp uyển chuyển làm rung động cả sáu thành - Thiên hạ ai kẻ thương người bạc mệnh? - Dưới mồ, chắc cũng hối hận cho kiếp phù sinh…

Thế là, chúng ta chợt hiểu tâm sự chung của Đại thi hào trước những số phận tài hoa bạc mệnh - cái điều tạo nên sự độc đáo trong thi tài của ông: Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư - Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời - Ta tự coi như người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng (Độc Tiểu Thanh ký).

Thái độ của Nguyễn Du trong “Dương phi cố lý” cũng chính là thái độ của Lý Thương Ẩn, của Bạch Cư Dị (câu đầu tiên của “Trường hận ca” là lời phê phán khá quyết liệt bản chất hiếu sắc coi khinh vận nước của bậc “Thiên tử”: Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc - Vua Hán, tức Đường Minh Hoàng trọng sắc đẹp, luôn nghĩ đến người làm nghiêng nước); và của Lỗ Tấn sau này trong thiên tạp văn “A Kim”: “Tôi không tin những chuyện như Chiêu Quân xuất tái có thể làm cho nhà Hán yên… cũng không tin Dương phi làm nhà Đường loạn lạc. Tôi cho rằng trong xã hội nam quyền thì phụ nữ quyết không thể có một sức mạnh lớn lao như vậy được, nước mất hay còn, người đàn ông phải gánh lấy trách nhiệm. Nhưng trước nay các nhà văn nam giới đại để đều đem tội bại vong đổ lên đầu nữ giới, đó thật là những anh đàn ông tồi, không đáng giá một đồng xu” (Trương Chính dịch)(7) .

***


Bài “Dương phi cố lý” của Nguyễn Du cũng khá điển hình cho thể thơ luật thi thất ngôn sử dụng thủ pháp lược bỏ đại từ nhân xưng làm chủ ngữ, dùng điển cố hoặc sự việc chọn lọc để tạo nên “sự tương giao giữa các chủ thể” hòa hợp với nhân vật trữ tình là tác giả(8). Bài thơ chỉ có 8 câu song lại đủ sức nối vào/ bổ sung cho cảm hứng “trường hận” của các văn - thi sĩ Trung Hoa nhiều thế kỷ đối với một mối tình đẹp mà kết cục đầy bi thảm; là tiếng nói của người “có con mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân); và nó góp phần tạo nên “hợp âm chủ” cho cả một hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du - đó là tiếng khóc lớn cho bao nỗi “đoạn trường” của thập loại chúng sinh - trước hết là của bậc nữ lưu tài sắc - được tập đại thành trong kiệt tác “Truyện Kiều”.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

_______

1. “Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Lê Thước - Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp. NXB Văn học, HN, 2012 (In lại theo bản 1965).

2. “Vấn đề văn bản và tâm thế đi sứ của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục” (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12 năm 2013, tr.23).

3. “Vị trí và ý nghĩa của bài thơ Dương phi cố lý của Nguyễn Du” - Trần Ngọc Ninh (California, Mỹ) - http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4832-vi-tri-va-y-nghia-cua-bai-tho-duong-phi-co-ly-cua-nguyen-du.aspx

4. Dẫn theo “Nguyễn Du - Toàn tập”, tập 2, Mai Quốc Liên - Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, giải thích. NXB Văn học HN, 2015

5. Theo “Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ” - Nguyễn Khắc phi, NXB Giáo dục, HN, 1998, tr.160.

6. Phương pháp chồng văn bản của C. Mauron: “chồng lên nhau những bài thơ và tìm ra những liên tưởng, những ẩn dụ được lặp đi lặp lại như một ám ảnh” (“Phân tâm học và Phê bình văn học”. Liễu Trương: NXB Phụ nữ, HN, 2011, tr.157). Xem thêm: “Đại thi hào Nguyễn Du: Huyền thoại cá nhân về một hành trình sáng tạo nghệ thuật” - tạp chí KIỀU HỌC số 1

7.“Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ”… Sđd, tr.164

8. “Về thi pháp thơ Đường”. Frangc,ois Cheng (Nguyễn Khắc Phi dịch) NXB Đà Nẵng, 1997, tr.110

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2283)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2257)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1405)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 1514)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2195)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.
22 Tháng Mười Hai 202312:10 CH(Xem: 3127)
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối, Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang: Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi, Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 3812)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 3893)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 3917)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4251)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.