- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tam Quan Của Phạm Ngọc Lương

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 10009)

Phạm Ngọc Lương, sinh ngày 13/11/1981 tại Hải Phòng, xuất hiện trên Hợp Lưu 86 (tháng 12/2005-1/2006) và Hợp Lưu 87 (tháng 2-3/2006) với 2 truyện ngắn Cát hoangXóm bờ mương, truyện thứ ba Lơ lửng trên cao viết xong tháng 4/2006, in trên Hợp Lưu 90 (tháng 8-9/2006), tạo thành bộ tam quan (ba áo quan): chôn chữ, chôn môi trường sống và chôn đạo đức con người.

Truyện của Phạm Ngọc Lương tỏa ra một không khí, thoáng tưởng dịu dàng, nhưng đọc kỹ thì thật sự kinh hoàng: pha trộn giữa điên và thực về cái chết. Ba cái chết: chữ chết, môi trường chết và đạo đức chết dẫn đến cái chết thứ tư: cái chết của con người. Cái chết là nhân vật chính trong bộ tam quan của họ Phạm: một thế giới khép kín đầy bi kịch, mọi sự ghê gớm đều đã có thể xẩy ra. Thế giới đầy mật mã của người điên, mà người bình thường không thể hiểu. Ảnh hưởng giao thoa giữa Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Bình Phương trong ngòi bút trẻ đầy tài năng này. Những nhân vật trong truyện của Phạm Ngọc Lương thường sống trong trạng thái thác loạn khó phân biệt giữa người và không còn là người.

Cả ba truyện ngắn đều xoay quanh tác động của bạo lực, mù chữ, tàn ác, trong một xã hội đóng cửa. Ba bi kịch kín, trong ba bối cảnh hoàn toàn khác nhau: Cát hoang trình bày chủ đề hãm hiếp và chôn vùi chữ nghiã. Xóm bờ mương xoáy vào sự hãm hiếp lòng trinh, và chôn sống môi trường. Lơ lửng trên cao là câu chuyện của một gia đình bít kín: đạo đức tháo lui, tất cả bạo lực, dốt nát, loạn luân, tàn ác đã có thể diễn ra trong căn nhà đóng hộp, người biến thành chuột, sống như chuột.

 

Thế giới Cát hoang thu hẹp trong bãi đất nhô lên giữa dòng sông: "bãi đất nổi giữa dòng sông, nhô cao hẳn lên và chạy thành vạch dài" bao quanh bãi đất là một dải cát khá rộng: cát lầy. "Không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ". "Phía trên đầu họ là hai cây cầu, tầu hú còi trên đầu, ô-tô lũ lượt kéo nhau đi, xe đạp, xe máy và có cả bước chân người, nhưng họ đủ thấp để không cảm thấy gì cả" (HL86, trang 203).

Những người sống trên dải đất ấy, hoặc chưa là người, hoặc đã qua thời kỳ là người. Họ sống một đời đặc biệt, đêm không ra đêm, ngày không ra ngày, "trăng không còn trăng nữa, sao không còn sao nữa".

Họ sống đời hoang dại không đèn không ánh sáng, trạng thái gần như ăn lông ở lỗ: "Con họ không đi học. Họ không cho con đi học. Họ, lọt thỏm giữa dòng sông, giữa hai con đê hùng vĩ, nhà cao tầng và một chùm ánh sáng không bao giờ chiếu tới. Phiá trên đầu họ mênh mông, họ đủ thấp để không nhìn lên cao".

Thế giới cát hoang là một ốc đảo có sa lầy vây quanh, không ai có thể thoát ra được, tìm cách thoát thì sẽ đụng ngay với "Cát nhún nhún. Dấu bàn chân in thành hàng". Bên trên (cầu), có xe hơi, có ánh sáng, có "văn minh", nhưng những người trên ốc đảo thấp quá, họ không nhìn lên cao, vả lại "nhà cao tầng và một chùm ánh sáng không bao giờ chiếu tới".

Trong không khí như thế, bỗng một người con gái xuất hiện. Sự xuất hiện và cái chết của nàng có thể chia làm sáu hồi.

Hồi một: "Một hôm có người con gái xuất hiện. "Con điên" họ nháy nhau. Cô điên ngồi trên bãi cát, dùng gậy vạch ngoằn ngoèo trên cát, lẩm nhẩm. "Kệ nó. Con điên". Họ nháy nhau. Lũ trẻ mò tới... Cô vạch xuống đất. "A". Cô nhìn lũ trẻ. "A". Cô chỉ xuống đất. "A". Cô vẫy tay. "A". Lũ trẻ nhìn nhau. Lũ trẻ "A". "Chữ đấy". Một người nói. "Chữ". Họ gật đầu với nhau". Bút pháp ở Cát hoang là bút pháp khật khừng, đứt quãng của điện ảnh. Sự xuất hiện của người con gái được ghi nhận bằng phương pháp script, tức là tuyệt đối bỏ hẳn lối mô tả thông thường; người viết chỉ ghi đúng những âm thanh và cử chỉ phát ra, mà không hề liên lạc chúng với nhau. Nhờ thế, cái màn "bình dân học vụ" ở đây, không những trở nên quái đản mà còn mang không khí tiền sử: những chữ nhau nối tiếp và lập lại: nháy nhau, nhìn nhau, với nhau, cho thấy hình ảnh một tập thể, ăn lông ở lỗ, trong không khí bầy đàn. Rồi những âm thanh và dấu hiệu phát ra từ quần thể ấy, chứng tỏ đó là những thực thể câm, điếc, những kẻ không biết có phải là người, hay nếu là người, thì cũng đã qua thời kỳ làm người, đã quên tiếng nói, chỉ còn biết u a, u ơ, đã quên sạch chữ, không còn biết chữ là gì.

Hồi hai của bi kịch nằm trong đoạn sau đây: "Cô điên ngồi tịt trong lều... Cô ngồi thu lu một góc. Một người thấy cái lều. Một người đàn ông. Người đàn ông tiến lại. Cô xua tay, lắc đầu, mắt trợn trừng, cuống cuồng bỏ chạy".

Tác động của người đàn ông trên "cô điên" trong cảnh hai này dẫn đến hậu quả là hồi ba: "Cô điên nằm thở dốc. Bụng cô ngày một to, đến nay đã quá to". Và cảnh ba dẫn đến hồi bốn, tạm gọi là cảnh đỡ đẻ cho "cô điên" như sau: "Họ ngoạc mồm ra, họ phùng mang, tay họ ấn, họ lần, họ bóp, họ nắn xem còn cái của nào dắt ở đấy. Cô đau, cô rú lên ằng ặc. Tay cô vung loạn xị, cào, cấu, mắt đỏ xọc. Vợ bọn đàn ông dạt ra, rồi lại xắn tay lao vào.

"Yên nào, để bọn chị giúp". Trong hồi bốn, hành động của bọn "vợ đàn ông" bâu chung quanh người con gái bất hạnh rất khả nghi, không biết là để đỡ đẻ hay chỉ nắn bóp nàng để tra của, tra chữ, hoặc tra thứ gì khác, bởi hai chữ cái của ở đây rất mờ ám, chuyên chở nhiều ý nghiã mập mờ đen tối.

Hồi năm, sau vụ việc đỡ đẻ này, tình trạng người con gái biết chữ được mô tả như sau: "Khi tỉnh lại thì chỉ còn mình cô... Cô hé mắt, mí mắt thâm đen sâu trũng vụt mở rồi nhắm lại. Cô há miệng nuốt khan không khí, bờ môi nứt khô, mớ tóc bết mồ hôi ngả rũ ra theo cái bức non tháng bốn. Mùi tanh ngái nồng trong lều bu ruồi đến, chúng vo ve bên tai. Cô lắc đầu, lắc mạnh đầu, ngọ nguậy. Ruồi tản ra, ruồi bu lại. Khát quá. Cô há miệng hớp không khí rồi rướn người bò ra khỏi lều. Cô bò xuống sườn đất thoải. Cô bò ngang qua bụi thấp, bò qua hoa dại. Cỏ gà vướng vào tay. Cô bò xuống cát khô. Cát lạo xạo, lạo xạo. Cô bò xuống cát mềm. Cát nhun nhún. Cô vục mặt vào nước. Dòng nước đục phù sa. Uống ừng ực. Nước mát. Cô chụm ngón, vốc nước. Tõm tũm. Nước văng tung tóe. Tõm tũm.

"Tỉnh rồi đấy hả? Vui nhỉ!"

"Đỡ chút nào chửa? Khoẻ chửa?

Mấy người đàn bà ngồi giặt gần đấy. Mấy người đàn bà hích hích."

Cảnh này được mô tả kỹ càng và phũ phàng. Khoẻ chửa: chỉ một dấu hỏi thêm vào cũng có nghiã quái gở. Người thiếu nữ bất hạnh đã biến thành con vật hấp hối, nhưng đồng thời những kẻ tạm gọi là người (vợ bọn đàn ông) bu chung quanh nàng, còn tệ hơn, đã mất hẳn tính người, trở thành vượn khỉ, diễn tả sự vui thú bằng những cái "hích hích" trước sự hấp hối của đồng loại.

Hồi sáu: "Cô cảm giác có cái gì đó tách ra, rớt xuống, từng giọt, từng giọt một. Nó loang ra cái váy ngắn ai đó mặc cho cô. Đỏ. Nó xuôi thành dòng theo bắp chân. Thành dòng. Vo tròn từng hạt lẫn vào cát. Đỏ. Cát mềm sựt, cát há ra."

Cảnh sáu này có thể coi như là chung cục của bi kịch: những kẻ "hích hích" đã thắng, đã hoàn tất nhiệm vụ chôn vùi "người điên" trong sa lầy Cát.

Truyện ngắn Cát hoang có cấu trúc thơ hiện đại, bởi tính cách độc lập mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn, và những chữ, những câu, những đoạn này lại không được liên kết với nhau theo trình tự logique, cho nên rất khó đọc. Ngoài ra, mỗi chữ, mỗi câu, mỗi cảnh, mỗi đoạn, đều có nhiều ngụ ý, chia cách nhau bằng những tạp âm (tức là những chữ, những câu, không liên lạc gì với những chữ, câu trước) như để phá rối trật tự logique, quấy quả người đọc truyền thống.

Nếu phiên dịch theo một chiều đơn giản, dễ đọc, chúng ta có thể tóm tắt như sau: Người con gái biết chữ chẳng hiểu từ đâu đến xóm này, khi nàng vạch chữ A dạy trẻ nhỏ, mọi người xì xào chỉ chỏ bảo nhau: "chữ đấy". Trong xóm Cát hoang chữ đã trở thành sản phẩm của hành tinh khác. Người con gái biết chữ lập tức trở thành "con điên". Trong thế giới Cát hoang mọi giá trị đã bị đảo ngược: biết chữ là điên, người bình thường phải biết u ơ, ú ớ, như đám dân cư trên đảo cát.

Và tập thể dân cư trên đảo, được mô tả như sau: "Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà, họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo. Chó mèo của con họ lại đi rình bắt thỏ nhà khác". "Chó mèo con ra đời, chó mèo lớn vênh vang đi lại, chúng gầm gè những bóng đen lúi húi ở bãi cát, bọn thỏ buồn nhai cà rốt trong lều." Như vậy, người dân ở mảnh đất này biết chia đều đất đai, của cải, họ cộng phân tài sản. Nhưng tại sao họ lại không nuôi đàn ông? Có thể hiểu ám hiệu này như một cách chối bỏ đàn ông, xua đàn ông vào chỗ chết, chỗ chết nào? Đánh nhau chăng? Dù sao chăng nữa thì đó cũng là một xã hội bầy đàn, ham chiến và nuôi gia súc, thích những hàng thuộc hạ chó mèo dễ sai bảo, để đi rình bắt bọn thỏ ngây thơ. Chó mèo lớn lên "vênh vang đi lại", "gầm ghè những bóng đen lúi húi ở bãi cát".

Xã hội cát hoang là một xã hội hạ người xuống hàng gia súc, hiện hữu bằng sự rình bắt và đánh nhau. Cũng không cần cho con cái đi học, bởi chữ nghiã là sở hữu của người điên. Và đối với bọn điên, chỉ có cách trị liệu đơn giản nhất là hãm hiếp, hành hạ thả cửa, rồi vùi sâu trong sa lầy, cho chìm nghỉm. Diệt tuyệt: tuyệt mống con điên, cái chữ. Họ bảo nhau: "Sụt xuống cát rồi. Kia, kia kià, còn vạt áo đấy". Còn cái nòi nào trong bụng "con điên" thì phải moi ra cho hết, đầy chúng đi xa, giấu đi: "để xa lắm, không ai biết".

Mỗi hình ảnh trong truyện đều có thể có những ý nghiã khủng khiếp đối với người này, mà hoàn toàn vô nghiã đối với người kia. Tất cả rối rắm trộn lẫn như một thứ bi kịch u uất, không đầu, không đuôi. Phải đọc bằng dư âm, đọc như ám hiệu... Ví dụ những âm thanh "ngày ngày tháng tháng" hoặc "ngày tháng, ngày tháng", cùng để chỉ thời gian trôi qua, chỉ khác cách xếp đặt trật tự, mà chúng có tác dụng khác hẳn nhau: ngày tháng, ngày tháng, cho thấy thời gian đang nhảy cóc, trong khi ngày ngày tháng tháng là thời gian liên tục khoan thai đi bước một đều đều.

Mỗi ký hiệu ngôn ngữ trong truyện trở thành ám hiệu. Một ngòi bút mới viết truyện ngắn đầu tiên mà đã dầy kinh nghiệm về ngữ thanh, thế giới trong Cát hoang là hợp âm những ám hiệu ngữ thanh, bởi những điều muốn nói ra khủng khiếp quá, không thể nói được, chúng đã vượt quá cỡ của sự mô tả, và chỉ có thể trình bày qua ký hiệu âm thanh, một cách ú ớ, như ám hiệu của người câm, chỉ trỏ, ra dấu về phiá một xã hội đã mất trí, đã không còn là người, mà bạo hành là nền tảng: xã hội thu nhỏ thành một nhóm bán khai sống trong luật bầy đàn.

 

*

 

Xóm bờ mương trình bày một dòng sông, đúng hơn là cái chết của dòng sông. Đời sông cũng như đời người: có tuổi hoa niên, có lúc cạn nguồn rồi chết. Nhưng con sông trong Xóm bờ mương chết bất đắc kỳ tử. Nó bị con người bóp chết: "Con sông rùng mình. Con sông cuồng nộ giãy giụa. Trong lòng nó toàn rác, đầy rác, ứ những rác."Hôi tanh quá, một con sông hôi tanh" ai cũng bảo thế, ai đi qua cũng bịt mũi. Ngày ngày mặt trời thả rong đàn nắng trên sông, đàn nắng không có mũi, chỉ có chân. Đàn nắng nhẩy lách tách, nhưng không có con gì chơi với chúng. Cá không lên đớp, bọ nước không chạy, bèo không mọc nổi, chúng trương phềnh và mục nát từ lâu rồi" (Xóm bờ mương, Hợp Lưu 87, trang 176).

Sông ơi, có phải mi là Tô Lịch? Vừa thơ mộng vừa làm ta rùng mình: lời văn đi đôi với lời sông, vừa thơ mộng vừa rẫy chết: "Ngày ngày mặt trời thả rong đàn nắng trên sông, đàn nắng không có mũi, chỉ có chân". Một thứ bút pháp lạ lùng đầy chất thơ nhưng đọc kỹ không khỏi hãi hùng. Trước hết là hai chữ "đàn nắng" trong câu "mặt trời thả rong đàn nắng trên sông" gợi ra một cảnh vô cùng thơ mộng: vừa cho thấy mẹ mặt trời thả xuống những chú bé nắng non, lon ton kéo nhau đi từng đàn, vừa cho nghe tiếng đàn của lũ bé nắng: lũ nắng vừa đi vừa đánh đàn! Hình ảnh và âm thanh đang vô cùng thơ mộng như thế, bỗng đến câu sau: "đàn nắng không có mũi, chỉ có chân": hoá ra là một đàn nắng quái thai, dị tật. Vì "không có mũi" cho nên chúng mới không ngửi thấy mùi hôi tanh, mục nát của dòng sông, cho nên chúng vẫn vô tình đàn hát!

Chưa thấy cái bi đát nào lạ lùng đến thế: nó không trực tiếp toát ra từ một thứ tâm lý nhân vật, hay một tình thế éo le đã được nghiền ngẫm sắp đặt từ trước, mà toát ra từ những con chữ vô tâm, vô tình mà gây bi đát. Ở một ngòi bút trẻ mới viết, sự tinh vi như vậy quả thật hiếm hoi.

Phạm Ngọc Lương từ từ dẫn người đọc vào bi kịch, với ngòi bút gần như vô tình của đứa bé gái cầm que cời rác: "Cái ngày mà con sông mang bệnh, có một cô bé buồn lắm. Nó đan những lá tre thành thuyền, nó ghép cọng rau muống thành bè, trên bè chất đầy cọng cải non, rồi nó thả bè xuôi theo dòng nước. Thuyền không trôi. Con bé lấy que cời, rác dập dềnh lên xuống. Nó buồn lắm, chạy về khóc rưng rức trong lòng bà nội".

Hình ảnh một con bé đan những lá tre thành thuyền, ghép cọng rau thành bè, trên chất đầy cọng cải non, rồi thả thuyền, bè của nó trôi theo dòng nước, là hình ảnh tuổi thơ xây dựng, tuổi thơ sản xuất và tập bán buôn như người lớn, tuổi thơ hồn nhiên và êm đềm nhất. Nhưng tuổi thơ của đứa bé không trôi được, rác rưởi bềnh bồng đã chặn đứng đường đi. Tuổi thơ thiên thần của nó gặp cản lực đầu tiên trong đời: Rác.

Nếu trong truyện Cát hoang, sa lầy cát là chỗ người ta chôn người, chôn chữ, thì trong Xóm bờ mương, con sông là mộ địa của môi trường. Người ta giết sông, giết môi trường sống. Con sông đã mất nhiệm vụ chở thuyền, chở rau, chở thực phẩm ngược xuôi xuôi ngược, con sông đã bị cất quyền nuôi sống con người. Sông bây giờ chỉ còn nhiệm vụ chở rác, sông cạn dần như sự phản kháng èo uột cuối cùng của dòng nước, trước khi từ trần. Lịch sử dòng sông trùng hợp với lịch sử đời người bên sông: từ bà đến cháu, đời họ cũng chảy từ trong vào đục: "Cháu nội buồn thiu nhưng nội biết làm sao. Nội ở bên con sông này từ hồi nó trong vắt, đến giờ nước đen sì, đời người trôi qua tự bao giờ, nội khô đét và giòn như than củi".

Môi trường sống của đứa bé và nội nó trôi theo dòng sông, từ trong vắt, đến đen sì, rồi khô đét thành than củi. Nếu trong truyện ngắn Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, hai ông cháu thằng Cộc dùng đấtnước để nhào nặn cuộc sống và xây dựng đất nước, thì trong truyện ngắn Xóm bờ mương của Phạm Ngọc Lương, hai bà cháu đứa bé bất lực nhìn sự phá hoại môi trường từ dòng sông: người ta giết sông trước khi tự giết mình. Bởi sông cũng là đất,nước, sông là đất nước keo sơn gắn bó. Nước cạn, liệu đất có còn không? Và người nữa, người sống bằng gì?

Xóm bờ mương tương đối dễ hiểu hơn Cát hoang một chút, người đọc lần hoài cũng tìm thấy đầu mối: Con bé tên Miên, cô miên như giấc ngủ. Nó là bào thai của bạo hành và oan trái: Mẹ làm điếm, bố giết vợ. Không ai chơi với nó. Hai bà cháu sống bên sông. Từ hồi người ta xây đường cạnh sông, nội nhốt nó trong nhà không cho ra sông chơi nữa. Con bé lớn dần trong không gian chật chội tù hãm. Nó điên. Nó đẹp. Người ta đánh lừa nội, hiếp nó. Bị hiếp tập thể tay ba, con bé hết điên, trở thành "người bình thường", nó hành động "bình thưòng": trấn lột mụ tú bà đã lừa nội, rồi đi biệt tích.

Nội già rồi lẫn. Nội vẫn hy vọng một màu vàng hoa cải, nhưng chuồn chuồn đỏ vẫn tràn đầy. Không biết dòng sông chết lúc nào. Cái chết của dòng sông song song với cái chết của bà, song hành với định mệnh của cháu: từ trong sang đục.

Xóm bờ mương là một câu chuyện cổ tích kinh dị, lối viết đầy ám hiệu thơ mộng hãi hùng. Ám ảnh số ba (đã có trong Cát hoang) mập mờ như ba miền đất nước. Ám ảnh dòng sông chết, như Tô Lịch khắc khoải trút hơi thở cuối cùng. Bé Miên, có cái tên mộng du như giấc ngủ, mong manh như tơ bông. Miên của trong trắng, Miên đầy óc tưởng tượng, Miên muốn yêu, muốn sống, Miên là công chúa ngủ trong rừng. Nhưng Miên không có hoàng tử đánh thức dậy. Miên bị đánh thức bằng bạo lực, hiếp đáp. Miên trở thành bạo lực, trôi theo bạo lực và bị dập vùi trong môi trường đục ngầu của bạo lực lịch sử.

Và trên trời, màu đỏ đã phủ lấp màu vàng.

 

*

 

Lơ lửng trên cao xoáy vào một thứ bạo lực khác: bạo lực trong gia đình. Đây là một truyện ngắn đã được xé vụn, nằm trong tay một đứa con trai tật nguyền, nửa khờ, nửa dại. Nó kể lại chuyện mình, trình tự vụn nát. Nó xưng tôi. Chuyện nó kể cũng loạn xà ngầu như đầu óc nó, nhưng những mảnh vụn của nó tạo ra một không khí, một áp lực, một sức ép nghẹt thở. Nát đến nỗi không thể dựng lại thành "cốt truyện" mà chỉ có thể đọc và nghe một cách rất trừu tượng: "đọc" những hình ảnh, những ám ảnh, những hiện trạng, những tình thế, những không khí, những tiếng động...

Ví dụ nó kể về người bà (nội): "Sự thực thì bà lấy những ba ông, nhưng tôi chẳng nhớ một ông nào cả. "Ông đầu tiên đẻ ra bố mày, ông thứ hai đẻ ra mẹ mày, ông thứ ba đẻ ra cái giống mày". "Bà ơi! thế ai đẻ ra hai chị con?". "Đẻ xong bố mày với mẹ mày thì hai ông đầu mất, ông thứ ba mệt quá xin nghỉ hưu, giao cho bố với mẹ mày chứ sao". (HL90, trang 171). Lời kể trên có hai giọng: một của cháu và một của bà, nhưng ai điên hơn ai? Lời nào tin được? Dường như đó là thông điệp chính mà tác giả muốn chuyển tải: Trong một môi trường khép kín, không điên rồi cũng thành điên. Sự độc tài của một gia chủ khôn ngoan, vô học, nói phủ, thích thua đủ cờ bạc, ăn, ngủ, chung đụng, lộn sòng, không phân biệt chồng với con, con với cháu, đã gây ra những bi kịch ghê gớm, không thể nào "tả" được: tất cả khép kín trong một cái hộp đựng chuột. Ở đây chúng ta lại thấy tình trạng chuột hóa con người, nhưng trong một bối cảnh khác hẳn Dương Nghiễm Mậu và Đỗ Hoàng Diệu: xã hội chuột hóa của Phạm Ngọc Lương. Nhân vật xưng tôi, bị coi là khờ, khùng, nhưng rất thính, nó nghe được tất cả những âm thanh khác phát ra từ đất, từ tầng trên, tầng dưới, từ bên ngoài, và nó chắp vá, ráp lại thành những mẩu vụn không hình dáng, tựa như chuyện của một con chuột kể về gốc gác gia đình mình!

Những mẩu vụn kể lại thường mang màu sắc bí ẩn, kỳ cục, như chuyện điên khùng, ví dụ: "Kì cục nhất là một buổi sáng sớm,tôi vừa tỉnh dậy, mới đặt chân xuống giường, thì có con chuột to bằng cổ tay rớt bịch trước mặt. Con chuột nhe răng ra cười đầy thách thức. Tôi tức giận đứng phắt dậy, dồn cả sức mạnh cơ thể xuống gan bàn chân, chà đi xát lại. Nó bẹt dí. Bà lom dom tiến tới gần tôi, tay cầm thanh gỗ to bản quật tới tấp, quật liên tiếp lên đầu, lên chân tay tôi, bà quật cả vào chim tôi, vừa quật vừa thét: "Phải tội. Đồ vô dụng, thứ gì cũng vô dụng". Tối đó bà thắp cây nến giữa phòng khách, tắt hết đèn, gọi bố mẹ, hai chị và bắt cả tôi nữa tới, bà trịnh trọng tuyên bố:

"Tao tuổi chuột. Một con chuột đen xì, gầy quắt, nhưng bao giờ cũng phải tha gạo về cho chúng mày ăn, béo núc ních cả lũ. Từ rày chúng mày tự mà nuôi thân. Còn mày! Đứa vẫn gọi tao là mẹ, thực ra thì tao nhặt mày ở sọt rác trong tấm vải be bét màu mè, có lẽ vì thế nên mày có hoa tay cũng nên. Ha ha. Mày có tin tao không hả con?".

Bố tôi nghĩ ngợi một hồi rồi gật gù, công nhận rằng chi tiết này có phần thực tế. Hoạ sĩ. Dám lắm chứ".

"Thực tế hoạ sĩ" phát sinh từ sọt rác. "Thực tế bà" thoát ra từ "tuổi chuột". Chuột bà sinh chuột con, chuột cháu... nhưng thằng nhỏ tàn tật, khờ khùng, là con hay cháu của "bà"? Nó lại không biết rõ "dòng dõi" của mình, nên nó co chân đạp chết dí "hiện thân chuột bà", nó bị đánh mắng là kẻ vô dụng, nhưng tại sao bà nó lại quật vào chim nó? Cả "thứ đó" của nó cũng vô dụng chăng? Vậy tội của nó chẳng những đã không nhận diện được "nòi giống" của mình, mà lại còn không có khả năng "phát huy nòi giống" tái tạo bầy đàn!

Một mẩu vụn khác, thằng nhỏ kể:

"Một tối, tôi đang áp tai xuống nền nhà thì bà cúi xát đầu, hỏi:

"Có nghe chuột nói chuyện bao giờ chưa?"

"Như thế nào hả bà?"

"Như người ấy".

"Thế thì không có. Chỉ có tiếng chút chít thôi".

"Mày ngu lắm. Người đấy".

…..

"Tôi hét lên: "Chuột chết". Bà đang nằm trên ván giật mình rơi xuống đất.

"Gãy chân, phải bó bột" Bác sĩ chuẩn đoán.

Tối đó bố lại đánh tôi.

"Rồi mày sẽ phải ân hận cả đời con ạ" Bố vừa quật vừa rít lên.

"Nó có hiểu gì đâu mà ân hận" Mẹ thở dài, nhìn lơ đãng ra đường.

Bà yếu dần, nhỏ dần, rồi 4 tháng sau thì mất."

Đó là một "nhà chuột" hơn là "nhà người". Và nếu ta ghép thêm một số "dữ kiện" nữa, thì sẽ thấy rõ hơn hoàn cảnh sống của họ. Hóa ra là gia đình này sống trong một cái hộp: "nhà tôi mái bằng, vuông như hai cái hộp kê khít lên nhau". Người chủ gia đình (bà) dùng chữ rất lạ: "Bà tôi luôn có thói quen dùng từ cọng. Hết cọng hành, cọng tỏi, cọng gạo, đôi khi bà còn hét toáng vào mặt tôi: "Cút. Đời tao có cọng cu nào đâu mà lòi ra cái mặt mày". Chữ cọng của bà cũng lại rất khả nghi, nó chứng tỏ bà có khả năng "manipuler" tiếng Việt: bởi "cọng" rau muốn đúng cú pháp phải viết là "cộng" rau (từ điển Lê Văn Đức- Lê ngọc Trụ). Điều này ít người biết, nhất là người Bắc. Và chữ cọng động từ, lại có nghiã là chung nhau lại, tức là cộng! (Vẫn từ điển Lê văn Đức-Lê Ngọc Trụ).

Một nghi vấn khác đặt ra: có thật là bà già vô tình mà dùng chữ, hay bà già giả đò ấm ớ chữ nghiã, thật ra bà rất tinh tường, bà không quê mùa, thất học như ta tưởng, bà cai trị gia đình trong chiều hướng đã định: đóng kín mọi người trong hộp, trong khuôn, trong hình thức cộng sinh, để dục tính vầy vò thể xác, tạo ra tình thế loạn luân không thể tránh được. Gia đình ấy là một tập thể sáu người gồm bà, bố, mẹ, chị lớn, chị út và tôi. Đặc điểm là bà chỉ có một mình, mà bà tạo ra "gia đình". Điểm thứ nhì, bà thích tụ họp đánh đấm (cờ bạc) và bà bao giờ cũng thắng: "Bà ơi! sao bà hay thắng thế? Đời tao có cọng cu nào đâu mà không đỏ bạc. Xéo".

Chính bà là thủ phạm vụ chuột hóa gia đình. Chính bà, sau khi chết ngồi trên bàn thờ, chỉ đạo cho con trai tiếp tục truyền thống loạn luân. Kẻ duy nhất trong gia đình có chút "sáng suốt", biết "yêu" người ngoài, biết học để thoát vòng dốt nát, như đứa cháu gái đầu lòng của bà (chị lớn) bị loại ngay. Kẻ manh nha máu nghệ sĩ như người con trai duy nhất của bà (bố), loanh quanh trong chiếc hộp, chỉ biết vẽ một loại chân dung, không ngoi lên được... Tất cả những mảnh vụn thông tin như thế, "ri ri" trong văn bản, những ký hiệu bí mật ấy chỉ là nhạc đệm để dẫn đến màn chót của bi kịch. Màn này được mô tả kỹ càng với một giọng rất thơ, chưa hề điên, chưa hề khùng:

"Chị trong đấy, nằm nghiêng ở phía đối diện, môi he hé mở, tay xuôi theo nếp áo mỏng. Bố đang đứng trước khung tranh ở gần cửa, tay đặt trên cọ vẽ, chăm chú, thành khẩn. Đột nhiên bố ném bút. Ngòi bút cắm thẳng vào tường, bật ngửa ra trên sàn. Bố quay về phía ảnh bà trên bàn thờ ôm mặt khóc. Những nén nhang cháy gần hết. Khói tản đi tự bao giờ.

"Không được. Mẹ ơi!... lừa. Không làm được. Mẹ ơi!..."

Bố với lấy chai rượu, dốc ngược vào cổ họng, rượu dềnh ứa xuống, thấm ướt cổ áo. Bố từ từ ngồi bệt xuống đất, mồm lẩm nhẩm. Tôi nghe rõ tiếng nói, tiếng nói quen thuộc vẫn cất lên khi áp tai vào tường.

"Này con ơi! Nở vung vãi những cánh hoa ra. Ta bảo con ơi, khì khì... rót thêm nữa vào. Đêm nay trăng muộn. Ta chờ trăng. Yêu trăng (...) Trăng nép vào sau lần áo con, cẩn thận, giấu mình, e lệ. Sau lần áo mỏng con ơi, trăng thở, trăng tràn, trăng chưa say. Đêm nay trăng thức muộn...".

Chị và bố tự lúc nào. Đẹp đẽ, gắn kết. Từng giọt mồ hôi túa ra từ những lỗ chân lông lấm chấm, vương vãi trên nền da trần, kết lại xuôi chảy thành dòng. Mắt chị nhắm nghiền, cần cổ thẳng băng, ngực căng phồng, hiện rõ từng chiếc xương sườn dưới lớp da (...) Chưa bao giờ tôi thấy bố sống động và uyển chuyển đến thế. Từng động tác hiện rõ dưới ánh sáng vàng của ngọn đèn như hút mọi điểm nhìn đến u mê đi. Tôi cảm giác cái gì đó lớn dậy từ từ, từng chút một, nó thúc vào tôi những cú huých khó chịu đến gai người.

Mẹ vào lúc nào không ai biết, cả tôi nữa, tôi cũng không biết, có lẽ cả bà trên bàn thờ cũng không biết. Có bao giờ mẹ chịu lên tầng hai đâu, trừ những ngày cúng giỗ. Mẹ đứng đấy im lìm như tượng đá, chứng kiến những khám phá không ngừng của bố, tựa như mẹ cảm nhận được sự chuyển động khác thường này mà đi tìm vậy. Tôi tin chắc điều này dù không khi nào thấy mẹ áp tai vào nền nhà. Đến tận khi bố bắt đầu rên rỉ, gấp gáp thở, cả mẹ và tôi mới giật mình. Mẹ nhìn quanh phòng, hai tay rối bời khua lên trong không khí, có một cái gì đấy mắc lại trong tấm lưới của thời gian và mẹ đã nắm được. Bố rống lên rồi gập người đổ xuống, có những đốm đỏ như màu vẽ loang nhanh ra nền.

Từ đó tôi không nghe được âm thanh gì trong đất nữa, có thể do tôi đã trèo lên bàn, leo lên nóc tủ, nhìn qua lỗ thông gió nên ngôi nhà đưa ra hình phạt. Bố ngã bật ra nền đất, yếu ớt và vụng về, choãi tay ra đằng sau chống đỡ thân mình nhớp nháp mồ hôi, đầu ngóc cao, trân trối nhìn mẹ bứt từng túm tóc ném vương vãi ra sàn, mồm thốt ra tiếng ri ri bất tận của loài côn trùng không lưỡi".

Từ đó "tôi lơ lửng trên cao".

Một hủy diệt tròn. Truyện đi từ điểm O để trở về O. Những mẩu viết đã bị chuột gặm, không đầu không đuôi, lại càng tạo sự kinh hoàng bí mật, về một căn nhà sập tiệm, đổ nát, vỡ vụn không thể cứu vãn nổi. Không khí nghẹt thở trong ngôi nhà hộp, trở thành một thứ huis clos, bi kịch kín bị xé nát thành trăm mảnh. Không thể biết tất cả khởi đi từ màn cuối hay từ màn đầu: vì ngôi nhà "vuông như cái hộp", mà sinh ra sự chung lộn loạn luân hay vì loạn luân mà phải đóng kín ngôi nhà? Người kể chuyện đã điên từ trước hay vì mục kích cảnh loạn luân của bố và chị mà trở thành điên loạn? Những liên lạc trong gia đình ấy thế nào? Ai là bà? Ai là cháu? Ai là mẹ ai? Ai là cha ai? Ai là con ai? Bao nhiêu câu hỏi: về môi trường sống, về đạo đức, về gia đình, về giáo dục, về bạo lực, về dốt nát... tất cả cuốn tròn như một mớ bòng bong.

Thằng nhỏ khờ là kẻ minh mẫn nhất trong gia đình, nó vốn thần đồng, nhưng bị sinh ra trong một môi trường không đạo đức, không giáo dục, nó được mục kích những lề lối sinh tồn khủng khiếp của tiền nhân. Từ trên cao nó ngã lăn đùng xuống đất, bất tỉnh, mất trí.

Ngôi nhà chuột là một cỗ quan tài trong bộ tam quan. Quan tài đầu tiên là bãi cát hoang có sa lầy be bờ, trên ấy người ta chôn "con điên", người ta hiếp chữ. Quan tài thứ nhì là xóm bờ mương có con sông cạn, đầy rác, mồ chôn môi trường sống. Ở đó, người ta giáo dục "tốt" cho đứa trẻ, và họ đã đạt chỉ tiêu trong công tác ác hóa con người.

Ngôi nhà chuột là chiếc quan tài thứ ba đóng kín con người không cho giao tiếp với thế giới bên ngoài. Là sự thoái hóa của một gia đình đóng hộp, sinh sôi nẩy nở trong sự ăn chung ở lộn cha con chồng vợ của một xã hội sống thường trực trong tình trạng ăn vào vốn, đục khoét dần chính mình. Sập tiệm. Hoá điên.

Như con Long Thử của Hồ Hữu Tường, dù bị đóng kín trong căn nhà hộp, vụn, vữa, nhưng với bản lĩnh cao cường, Phạm Ngọc Lương đã viết nên ba truyện ngắn kinh hoàng, về sự xuống cấp của đồng loại trong một xã hội khép kín 

Thụy Khuê
Paris, tháng 11/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12955)
(Xem: 14393)
(Xem: 15782)
(Xem: 15180)
(Xem: 15199)
(Xem: 16006)
(Xem: 14627)
(Xem: 14379)
(Xem: 14380)
(Xem: 15341)