- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mạn Đàm Văn Học H L 92

11 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 8362)

Văn hoá – Xã hội

ĐẠO VĂN

 

Nôm na mà nói thì là ăn cắp văn. Như nhà văn Võ Thị Hảo có lần đã lên tiếng : « Truyện của tôi bị ăn cắp trắng trợn (…). Tôi sẽ kiện đến tận cùng (…) », khi tác phẩm Máu của lá của bà bị / được chép nguyên xi (chỉ thay đổi tên các nhơn vật) in lại trên tờ Văn nghệ, kí Phạm Minh Phong. (1) Một thí dụ khác ít kĩ xảo hơn (không bỏ bớt hay sửa chữa một chữ nào) mà nạn nhơn chính là tác giả mấy dòng này. Người ta đã ăn cắp trọn vẹn bản dịch bài Jean-Paul Sartre, một tiểu thuyết gia của Maurice Nadeau do chúng tôi chuyển ngữ, đem in lại trong tập Tiểu thuyết Pháp từ Thế chiến thứ hai cũng của Maurice Nadeau do Trần Nhựt Tân phiên dịch.(2) Ngoài ra, nên ghi nhận thêm rằng trong nền văn học của chúng ta ở hải ngoại cũng không thiếu thứ văn tặc đặc cách này.

Nhưng phải nói rằng ở Pháp, và chắc ở các nước tân tiến khác trên thế giới, những kiểu đạo văn như vậy khó có thể xảy ra. Một là vì giới quan sát và phê bình ở các nước này rất ư nhạy bén, lại có trình độ văn học và lịch sử văn học, nên khó bề qua mắt họ được (3) ; hai là vì giới làm văn và dịch thuật hằng biết tự trọng, ai đâu lại giở trò gian lận loại đó mà hòng tiến thân.

Vậy mà, trên thực tế, ở Pháp…

 

Đạo văn ngày càng thạnh hành

Có điều là nó mang một hình thái khác. Vì chưng những kẻ đạo văn không / ít còn thuộc giới làm văn và dịch thuật như trước - giới này buộc phải tự động bỏ cuộc, nhường chỗ cho giới học đường ; và, phần khác, những trích đoạn ăn cắp không cắt xén trên sách in mà trên mạng Internet. Nói cách khác, nạn cóp-nhặt-lắp-ghép, hay nói theo tiếng Pháp là copier-coller (cả hai động từ kép Việt và Pháp đều được sáng chế để chỉ định khái niệm mới này), đang hoành hành ngày càng trắng trợn trong nền giáo dục, từ cấp trung học, đại học tới cấp nghiên cứu - sao chép thẳng trên màn vi tính, rồi xáo trộn biến thành của mình.

Bao nhiêu bài tập, thuyết trình, trước thuật, luận án đã được hoàn thành nhờ máy vi tính bằng cách cóp-nhặt-lắp-ghép mà không bị, hay đúng hơn, ít khi bị lật tẩy. Có thể bảo đây là mặt trái của một ngành công nghệ vô cùng tiện lợi và thuận lợi, và được hâm mộ hết mình - cứ nghĩ tới ông bầu Microsoft Bill Gates được tiếp rước nồng hậu như thế nào ở trường Đại học Bách khoa Hà nội vừa rồi thì rõ. Người ta kể chuyện học trò quèn làm bài tại nhà bỗng dưng được chấm điểm cao, thậm chí có những vị tiến sĩ ra trường nhờ ở loại luận án không một dòng chữ nào do chính tay mình viết ra, chẳng khác gì ở đâu đây trên mảnh đất nhiều anh tài và lắm âm binh của chúng ta ngày nay.

Là bởi lối gian lận kiểu này xét ra rất dễ thực hiện hơn trước kia nhiều, thời mà nền tin học chỉ mới phôi thai, Internet chưa bành trướng rộng rãi như hiện nay. Cực dễ, chỉ cần bấm nhẹ một cái, là đà sẵn có trước mắt mọi thông tin cần thiết và mọi chi tiết thuận tiện cho việc cóp-nhặt-lắp-ghép chưa chắc ăn khớp với trình độ hiểu biết của đương sự, cũng như y thị chưa chắc đã thấu triệt những điều mình đang sao chép. Tuy vậy nó vẫn cứ lan tràn với một tốc độ chưa từng thấy, bởi cho tới nay ở Pháp (còn ở các nước tân tiến khác ? chúng tôi không rõ) chừng như chưa có lá chắn nào ngăn chặn nó một cách hữu hiệu.

Thật ra, không phải trước đây không có gian lận trong nhà trường, trong phòng nghiên cứu. Nhưng hồi ấy đương sự ít nữa cũng phải bỏ ra chút nào công sức lục lọi, tìm tòi tư liệu trong thư viện, chịu khó cắt xén câu này đoạn nọ rồi tùy cơ mà tán hươu tán vượn thêm. Nghĩa là cũng phải cố gắng và nghĩ ngợi ít nhiều thì mới nên việc, chẳng như bây giờ chỉ biết có cóp nhặt rồi lắp ghép mà thôi, tương tợ thứ thao tác nhận thấy hằng ngày trên báo chí mà chúng ta thường gọi một cách bàng quan là (do mỗ) tổng hợp.

 

Ngăn chặn đầu ra

Trước tình trạng bất ngờ này, giáo giới cảm thấy lúng túng, không biết phản ứng ra sao, trong lúc bộ Giáo dục thì cứ im ỉm như chẳng có việc gì.

Cho tới khi có một Công ti tin học hiệu là Compilatio (Sưu tập, cóp nhặt – chẳng rõ tên đặt Compilatio không có chữ n cuối có hàm ý hóm hỉnh chút nào chăng), nhờ ở một logiciel (phần mềm) do mình sáng chế dành để vạch ra những trang sao chép, tiến hành một cuộc điều tra trong giới đại học và nghiên cứu. Kết quả cho thấy toàn thể 995 doctorants (thí sanh tiến sĩ) đều sử dụng Internet như kho dữ liệu dự trữ đầy đủ mọi tiết mục cần thiết cho luận án, chỉ có mỗi một nửa là còn chịu khó lục lọi tìm tòi thêm trong các thư viện quốc gia và đại học. Và trong số 190 nhà giáo được dò hỏi, thì 90 % đã phải đụng đầu đối mặt với hiện tượng cóp-nhặt-lắp-ghép rất ư khó xử cho họ. Về phía sanh viên thì 70 % chắc mẩm rằng luận văn hay luận án nào cũng chứa ít nhứt là ¼, một phần tư sao chép y chang chẳng chút ngại ngùng, tin rằng tài liệu công bố trên mạng không có chủ sở hữu, cứ tùy tiện trưng dụng theo ý mình.

Bấy giờ giáo giới mới ngã ngửa, hấp tấp tìm kế ngăn chặn. Một cách rời rạc, lẻ tẻ, chủ quan, mạnh ai nấy lo, không qui theo một ước định nào. Thể như chỉ để phòng ngự, cầm cự, chớ không có sách lược chung đề ra cho mọi người cùng hưởng ứng. Chẳng hạn như bà Barbera (dấu tên) dạy Pháp văn trung học ở ngoại ô Paris cấm học trò in tài liệu trong phòng vi tính, mà chỉ cho phép chép tay : như vậy, ít nữa đương sự cũng phải đọc từng câu từng chữ. Bà nói : « Bước đầu bắt bọn nó suy nghĩ đó thôi... » và, đồng thời, đặt nhiều câu hỏi lắt léo không thể tìm thấy giải đáp trên mạng, để « bắt bọn nó phải ráng sức rặn óc ». Còn ông François (dấu tên) dạy triết ở thành phố Metz, thì đơn thuần cho bài làm ngay trong lớp, chớ không ra đề làm tại nhà ngoài giờ học. Ông nói : « Bọn nó hết còn cơ hội copier-coller nữa. » Như vậy, cả hai, bà Barbera lẫn ông François, chỉ có thể ngăn chặn gian lận ở đầu vào mà thôi.

Hiện nay, giáo giới vẫn còn bỡ ngỡ trước nạn cóp-nhặt-lắp-ghép ngày càng trắng trợn. Một phần vì không dễ gì là dò thấy ngay được và, phần khác, dầu có ngờ ngợ đi nữa thì còn phải dành đủ thời giờ và công sức để kiểm tra và chứng minh, hai điều khó được thực thi trong hoàn cảnh hiện tại. Thành thử nhiều lúc họ (phải) lờ đi cho qua việc.

 

Kinh nghiệm

Riêng chúng tôi, thường có trách nhiệm đọc qua luận văn cao học và luận án tiến sĩ của sanh viên ngoại quốc, trong đó có sanh viên Việt nam du học tại Pháp, trước khi họ đem đi bảo vệ trước hội đồng giám khảo, thì quả là có không ít trường hợp cóp-nhặt-lắp-ghép như đã trình bày. Rất dễ thấy khi bút pháp không thật đồng đều, chỗ thì khúc mắc lủng củng, chỗ thì quá ư gẫy gọn nói chung thường là những đoạn sao chép. Trong các trường hợp này, phản ứng của chúng tôi không khác gì phản ứng của phần đông các vị hướng dẫn : nhắc chừng họ chớ nên ỷ y tới mức không thể chấp nhận được. (4)

Nhắc chừng vậy thôi, chớ không nghiêm minh xử lí.

TRẦN THIỆN-ĐẠO

(Paris, 2/05/2006)

 

(1)Xem Văn nghệ, số 26, ngày 25/06/2005 ; trên mạng vnExpress, ngày 21/10/2005, Võ Thị Hảo khẳng định : « Tôi là Võ Thị Hảo chứ không phải Phạm Minh Phong.»

(2)Xem Trần Thiện-Đạo, Chủ nghĩa hiện sinh & thuyết cấu trúc (Nxb Văn học - 2001), tr. 211-227 ; Maurice Nadeau, Tiểu thuyết Pháp từ Thế chiến thứ hai (Nxb Văn học, Người dịch : Trần Nhựt Tân - 2002), tr. 119-133. Xin có lời cảm ơn Trần Hinh đã chỉ cho chúng tôi thấy chỗ không mấy tế nhị này. Điều lạ là cả hai thí dụ dẫn trên lại qua mắt được ban biên tập một tuần báo lớn như tờ Văn nghệ và một nhà xuất bản lớn như Nxb Văn học.

(3)Trường hợp nhà văn Bernard-Henri Lévy là thí dụ điển hình. Trong một bài phỏng vấn đăng trên nhựt báo Le Monde (Thế giới) ngày 5 tháng Giêng 1978, ông đã cứ gọi là tình cóp nhặt (chỉ có) sáu dòng thi phú của Saint-John Perse (1887-1975) lắp ghép vô lời nói như là của chính mình, thì bị cả giới phê bình đồng lượt lên tiếng chỉ mặt ngay liền hôm sau.

(4)Nghĩa là chưa tới mức như trong trường hợp kì thi học sanh giỏi quốc gia năm 2006 ở Thái bình mà kết quả bị hủy bỏ vì bài làm của thí sanh giống nhau như đúc.

 

 

Paris văn học

NGÒI VIẾT BẮT NGUỒN TỪ ĐỜI SỐNG

 

Năm 2004, có một sự cố bất ngờ xảy ra trên văn đàn Pháp. Hai tác phẩm đầu tay, của một cô gái chưa tròn mười tám được độc giả đổ xô nhau mua, và của một ông cụ vào hàng cổ lai hi (bấy giờ đã 76 tuổi) được Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng hằng năm của mình. Cô gái có tên là Faïza Guène, tác giả cuốn Kiffe kiffe demain (Ngày mai, thì cũng ‘dzậy’ thôi – Nxb Hachette-Littératures), beurette, Ả rập sanh đẻ ở Pháp hoặc lớn lên ở Pháp từ nhỏ ; còn ông cụ thì có tên là Bernard de Boucheron, tác giả cuốn Court serpent (Rồng rắn ngắn đuôi – Nxb Gallimard), cán bộ ngoại giao cao cấp nghỉ hưu.(1)

Cuốn truyện Ngày mai cũng ‘dzậy’ thôi của Faïza Guène bấy giờ bán hơn 350 000 bản và đến nay đã được dịch trên 20 thứ tiếng nước ngoài. Ngày thứ năm 24/08/2006 hôm nay đây, Nxb Hachette-Littératures lại cho phát hành một tác phẩm khác, tựa là Du rêve pour les oufs (Mộng tưởng cho bọn khật khùng).(2) Tác phẩm thứ hai của tác giả beurette này cũng vui nhộn chẳng thua gì cuốn truyện đầu tay và, nếu bạn đọc cho phép, chúng tôi sẽ ví nó, về mặt văn phong, với tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (1911-1939). Bởi nó, cũng như tác phẩm này, bắt nguồn từ cuộc sống vừa đen tối vừa trào lộng.

 

Đời sống di dân…

Cô nàng Alheme Galbi hít thở ở Ivry ngoại thành Paris, trong khu phố Khởi nghĩa (Insurrection), tuy sanh đẻ ở Tlemcen, Barr el-Djazâ-ir, phía bên kia bờ Địa trung hải. Chưa đầy đôi mươi, nhưng Alheme đã phải gánh vác việc trông coi thằng em trai tên là Fouad, 16 tuổi, phá phách chẳng ai bằng. Bởi cha nàng bị tai nạn lao động, tật nguyền, suốt ngày chỉ biết hút điếu này tới điếu khác, mắt chú vào màn ảnh truyền hình để giải khuây. Thường xuyên mỗi quí, nàng đều phải đến Tòa hành chánh quận xếp hàng từ sáng tới chiều xin giấy cư trú, mặc dầu nàng vẫn cho mình ‘‘gần như là người Pháp chánh cống, lớn lên ở Pháp kia mà’’.

Thật ra, đây là Mộng tưởng như chính tên Alheme cha mẹ đặt cho nàng. Di cư cùng cha sang Pháp kiếm ăn hồi 11 tuổi, nàng nay đã trưởng thành, nhưng khó tìm việc bởi gốc gác của mình, thỉnh thoảng mới kiếm được loại việc lặt vặt để nuôi miệng. Ở nhà, Altheme thường hay giúp đứa con gái nhỏ của Tante Mariatou, thím láng giềng gốc châu Phi đen cùng tầng với mình, học bài và làm bài. Còn thím Mariatou khéo léo như một tay thiện nghệ thì chải tóc và thắt bím cho nàng. Hoặc cất tiếng hát một mình mình nghe những bài tình ca muôn thuở của hai bờ Địa trung hải. Nàng cũng thường hay tâm tình với hai con bạn đồng lứa gần gũi nhứt là các cô nường Linda và Nawel cùng hoàn cảnh với mình, hai cô nường này không ngớt giới thiệu cho nàng nhiều anh chàng trai tơ fiancés lẳng lơ khiến nàng vừa thấy ngượng vừa thấy khoái. Lâu lâu, nàng nhận được thư của mấy cô, dì còn ở phiá bên kia bờ Địa trung hải tận vùng sâu vùng xa gởi qua như những quà tặng kèm theo đôi lời nửa trách móc nửa ganh tị.

Rồi những khi cảm thấy bực bội, có cơ nổi khùng, hay có cơ ‘’péter un boulard’’ theo tiếng lóng trong nguyên tác, vì cuộc đời di dân ở ngoại thành quá ư khổ cực, mệt mỏi, thì nàng liền bôi đen nhựt kí trang này qua trang khác tránh tình huống chán chường có thể xảy tới với mình. Kết quả là 210 trang Mộng tưởng cho bọn khật khùng phát hành hôm nay, kể chuyện hằng ngày của một cô gái trẻ sans papiers, không có giấy phép cư trú chánh thức, sống chui sống nhủi ở ngoại thành Paris.

… dưới mắt tác giả

Đời sống trong khu phố ngoại thành : « Khó mà chấp nhận được cách nhìn phiến diện, chỉ trông thấy đơn thuần có hai thành phần thiện, ác đối chọi nhau, một bên là những người lương thiện giàu lòng nhơn ái đặt lên trên bệ thờ, còn bên kia thì rặt một bọn ác ôn cần phải triệt hạ. Ngoại ô đâu có như vậy, bởi đa số người dân ở đây đều lặng lẽ làm ăn, âm thầm kiếm sống để nuôi vợ nuôi con. Tôi không khỏi lấy làm phẫn nộ cực cùng khi nghe thấy người ta cứ xem nó như là một thứ sở thú. »

Các cuộc xuống đường : « Các cuộc xuống đường đập phá tháng 11 năm ngoái có gì là khó hiểu đâu. Nó đã âm ỉ từ hai chục năm rồi. Cả một vấn đề xã hội cứ mãi bị giả trang từ lâu thành những cơn khủng hoảng tinh thần dính tới gốc gác dân tình ở ngoại thành. Đừng nên bịt mắt mình nữa, nghĩ rằng bọn trẻ nổi dậy như vậy là vì đã mất hết dấu mốc để nương tựa. Mỗi khi có ai hỏi bọn trẻ muốn gì, thì bọn này đều đồng thanh một lời duy nhứt là : việc làm ! Tiếc một điều là trong cuộc phản kháng này, thấy có nhiều bực tức, nhưng lại thiếu thông điệp cụ thể và ý thức chánh trị. Thành ra mười tháng sau, hiện giờ tôi cảm thấy hụt hẫng thế nào : hoá ra tình thế vẫn cứ y như cũ. »

Phụ nữ di dân (nguyên tác tiếng lóng là les meufs) : « Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng tương lai các khu phố ở ngoại thành nằm trọn trong tay les meufs. Các phụ nữ di dân hằng tỏ ra hết sức sáng suốt và năng động, chớ không như cánh đực rựa ngày tối chỉ biết than vãn mà thôi. »

Trục xuất : « Tuần rồi mới từ Brazil trở về, mở vô tuyến thấy cảnh cảnh sát trục xuất một cách hung bạo đám di dân nghèo khổ chiếm cứ công trường bỏ trống từ lâu ở miệt Cachan. Tôi đã bật khóc, nước mắt lưng tròng. Tất nhiên là khi họ ra tay, lực lượng cảnh sát biết trước là mình sẽ tóm cổ được rất nhiều người không có giấy phép cư trú. Tôi chợt lấy làm xấu hổ vô cùng cho đất nước tôi là nước Pháp này, nước mà tôi thật hãnh diện mỗi lần có dịp ra nước ngoài. »

Còn đây là chuyện bánh mì : « Những lần đi mua bánh mì ở phía họp chợ, đều bận rất nhiều thời giờ trò chuyện lâu lắc với khá đông người quen. Trên đường cứ gặp mặt biết bao bè bạn xa gần. Trong tiệm bánh mì, thì chào hỏi khách hàng. Còn trên đường về, thì lại nhấm nháp hết khúc này đến khúc khác, còn lại thì bẻ cho bọn con nít. Vừa tới nhà đã thấy gần hết trơn chiếc bánh. Liền bị má thúc đi mua chiếc khác, rồi lại chuyện trò tiếp… »

Và còn nhiều chuyện khác, không thể trích thêm.

 

Thích thú

Trong lời giới thiệu tác phẩm Mộng tưởng cho bọn khật khùng sáng nay, nhà văn nữ trẻ, rất trẻ, chưa tròn tuổi 21 Faïza Guène có nói qua việc viết lách của mình như sau: « Viết tác phẩm này, cũng như tác phẩm đầu tay, tôi không hề thấy cực nhọc chút nào. Viết văn đối với tôi không phải là một khổ sai, mà là một thích thú. »

Âu đó cũng là phần dành đặc biệt cho độc giả chúng ta hôm nay.(3)

TRẦN THIỆN-ĐẠO

(Paris, 24/08/2006)

 

(1) Xem bài Tác phẩm tiểu thuyết đầu tay, trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ - những tiếng cười giòn (Nxb Thanh niên) sắp phát hành.

(2) Xin lưu ý các dịch giả : hai cuốn truyện đều đầy dẫy tiếng lóng của giới trẻ sống trong nhiều nền văn hóa trộn lẫn ở ngoại ô nước Pháp. Đa số không, hay chưa, có ghi trong tự điển, cả trong tự điển tiếng lóng – nhan đề hai tác phẩm (kiffe kiffe, oufs) làm bằng.

(3) Khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới một nhà văn nữ khác, cũng sống trong bầu khí hòa lẫn hai nền văn hóa Bắc Phi và Pháp, là Nina Bouraoui (sanh năm 1967), tác giả thiên truyện thứ chín nhan là Mes mauvaises pensées (Ý tưởng xấu trong tôi – Nxb Stock), trúng giải Renaudot 2005. Xem Trần Thiện-Đạo, Các giải văn chương 2005 ở Pháp (trên báo điện tử Vietnam net, ngày 16/11/2005).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14636)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14742)