- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ăn Sáng Ở Berlin

11 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 7492)

w-final3-hopluu92-270_0_101x300_1Câu chuyện này xảy ra đã lâu rồi. Lâu đến chính tôi cũng không nhớ được đích xác là xảy ra ở đâu nữa. Tôi chỉ nhớ một cách láng máng rằng hình như đấy là một nơi đô hội... và vì thế mà rất có thể là Berlin.

 

Chúng tôi quen nhau đã khá lâu. Là nhà văn và đã có đến dăm cuốn sách khá dày in ở Việt Nam, nên khi biết tôi cũng có viết lách đôi chút, thỉnh thoảng anh Kh. lại vỗ vai tôi rất thân mật:

- Hôm nào thằng em có thời gian thì vào chỗ tao chơi. Tao cho mày xem mấy cái này hay lắm.

Sau này thì tôi biết, tính anh vậy. Tác phẩm nào của anh, hoặc đã viết, đã in thành sách, thành báo, hoặc đang viết, hoặc là mới chỉ bắt đầu viết một đôi dòng, thậm chí mới chỉ manh nha một đôi chút ý tưởng trong đầu mà thôi, thì theo anh đều vẫn cứ thuộc loại "bất hủ" cả, và gặp ai anh cũng muốn mang cái điều vô giá ấy ra mà khoe.

Và thật lòng, tôi cũng muốn khi nào có dịp thì sẽ đến thăm anh một lần, vừa gọi là để khỏi phụ tấm lòng tốt của anh, vừa để cho biết nhà biết cửa, biết đâu sau này lại là chốn đi lại cũng nên. Nhưng rồi vì bận nhiều công việc quá, nên mặc dù lần gặp nhau nào anh cũng mời rất nhiệt tình thì tôi vẫn cứ chưa thể thu xếp thời gian để đến để chơi với anh được.

Một lần, ở Berlin có một cuộc hội thảo kéo dài đến hai ngày. Vì đề tài được mang ra thảo luận rất quan trọng, nóng bỏng, vừa có tính thời sự lại vừa có tính chiến lược, và vì một trong số diễn giả thuyết trình chính là cụ Đ., một người rất nổi tiếng, nghe đâu ở mãi tận Paris cất công sang, nên tôi quyết định phải theo dõi từ đầu đến cuối. Mà như thế có nghĩa là dù có bận đến mấy thì tôi cũng vẫn phải ở lại ít ra là một đêm. Và ngẫu nhiên làm sao, khoảng mười giờ tối, khi ngày hội thảo thứ nhất vừa kết thúc, trong đám đông nhộn nhịp hàng mấy trăm con người, tự nhiên tôi thấy anh Kh. đột ngột xuất hiện trước mặt mình. Vừa bắt tay tôi thật chặt, anh vừa tươi cười rất vui vẻ:

-Thế nào thằng em? Có muốn về chỗ tao không thì bảo. Hôm nay thì chú mày chẳng có lý do gì mà từ chối nhé.

Cũng vừa lúc ấy, ông H., một người trong ban tổ chức, bật micro lên, ồm ồm thông báo cho tất cả mọi người:

-Thưa toàn thể ông bà anh chị em... Ông bà anh chị em chú ý này... Mặc dù đã muộn, song ban tổ chức của chúng tôi biết là một số ông bà anh chị em vẫn còn muốn tối nay được gặp gỡ, thăm hỏi hoặc trao đổi thêm với cụ Đ. về một số vấn đề. Đấy là một ý kiến rất tốt, rất hay, xuất phát từ tấm lòng yêu quý cụ Đ. của ông bà anh chị em, và sự trăn trở với hiện trạng của đất nước. Nhưng vì cụ Đ. hơi mệt. Ông bà anh chị em biết đấy, cụ đã có tuổi rồi, và đã thế, hôm nay hầu như cụ lại phải nói từ đầu đến cuối nữa. Vậy nên cụ có nhờ tôi thông báo lại với ông bà anh chị em là xin khất đến một dịp khác. Và ban tổ chức chúng tôi cũng thấy thế là hợp lý. Vậy tối nay, xin đừng ai trong số ông bà anh chị em chúng ta có mặt ở đây làm phiền cụ nữa. Để cụ nghỉ.

Lắng nghe xong mấy câu này, anh Kh. lại nắm lấy tay tôi:

-Đấy thấy chưa? Tao đã bảo mà. Tối nay chú mày có ở lại đây thì cũng chẳng có vị gì. Thôi, về chỗ tao đi.

Và anh kéo tôi đi luôn.

 

Đấy là một ngôi nhà cũ kỹ ở trong một dãy phố cũng thuộc loại cũ kỹ nhất ở phía đông Berlin. Những bức tường được xây cất rất cẩu thả đã mục nát, lớp vữa bên ngoài mòn hết, để trơ ra những viên gạch non, kém phẩm chất. Mấy ngọn đèn quả lê đồng chiếu một thứ ánh sáng đỏ quạch xuống chiếc cầu thang gỗ đen xì, ọp ẹp với đã mòn vẹt hẳn xuống ở lối đi và chiếu nghỉ, chiếu tới. Dọc theo hành lang hẹp và tối, người ta có thể thấy nhữg khung cửa nhỡ cỡ, không ra to mà cũng chẳng ra hẹp, với những chiếc cánh cửa tróc nở nặng nề... Vừa tra chiếc chìa khóa to đùng vào ổ, anh Kh. vừa thì thào bảo tôi:

-Cùng chung sống ở tầng này với tớ còn mấy thằng dân bản xứ nữa. Thằng nào cũng có vấn đề cả. Nhưng mặc kệ, chú mày cứ thoải mái như ở nhà nhé.

Chỉ một lúc sau thì tôi biết mấy người "có vấn đề" này là ai. Vì, vào trong nhà rồi, vừa dọ dẫm bật đèn, anh Kh. vừa nói khe khẽ:

-Đấy là hai thằng người Đức ở hai phòng bên kia. Cả hai thằng đều mắc bệnh trầm cảm nặng. Chúng nó không thích ồn ào đâu... Nhưng mặc kệ...

Mặc dù lần đầu tiên đến thăm nhà anh Kh., nhưng tôi cũng cứ phải ghi nhận một điều là anh rất quan tâm đến sự tự do của tôi. Chẳng hạn, anh liên tục bảo:

-Chẳng mấy khi chú mày đến chơi với anh. Chú mày cứ thoải mái như ở nhà nhé...

Hoặc là bảo:

-Còn bọn xung quanh ấy mà. Chúng nó làm gì kệ chúng nó. Thí dụ như khi thấy mình ăn cái gì chúng nó cũng có vẻ lợm giọng, thậm chí ghê tởm nữa, thì chú mày cũng đừng vì thế mà phải để tâm.

Anh Kh. bảo tôi thay quần áo, dẫn ra toa let chỉ bồn rửa mặt, bồn cầu, và hướng dẫn cách sử dụng như thế nào. Vì so với những cái bồn rửa mặt và bồn cầu hiện nay, những thứ này vừa cũ kỹ, vừa có cấu tạo rất phức tạp, không lưu ý thì không làm gì được. Xong anh lại mang vào phòng một cái xô nhựa, cẩn thận để vào một góc dễ thấy nhất, rồi nói:

-Đêm chú mày có cần gì thì cứ giải quyết thẳng vào đây nhé. Nói chung, chú mày cứ thoải mái như ở nhà. Anh em mình chỉ không nên đi lại nhiều ngoài hành lang thôi. Ý anh nói là để khỏi ảnh hưởng đến mấy thằng kia. Chẳng hiểu sao mà chúng nó hay sợ vớ sợ vẩn lắm... Nhưng mà mặc kệ chúng nó.

Cùng phòng với anh Kh. còn một người đàn ông nữa. Anh ta nằm trên một cái đệm cũ kỹ đến mức mấy cái lò so bằng dây thép han rỉ đã lòi cả ngoài, đặt ở một góc phòng. Tôi cứ nghĩ là người này đã ngủ say rồi, nên cũng hơi ngỡ ngàng, vì vừa nghe anh Kh. nói xong câu ấy, lại thấy anh ta vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa nói ngay một câu dài, giọng tỉnh như sáo:

-Đi rồi... Cả hai ông ấy được xe cứu thương chở vào bệnh viện từ lúc chập tối rồi. Hình như đến cả tuần nay mấy ông chẳng chịu ăn uống cái gì. Chiều nay, ông bố bà mẹ với mấy ông em đến thăm, thấy cả hai ông đều nằm xẹp như dán trong nhà, không ngồi dậy nổi nữa nên đã gọi xe đến đưa đi rồi. Đêm nay hai ông có nhảy tuýp ngoài hành lang cũng chẳng ai nói gì đâu. Mà cũng không phải giải quyết cái gì trong này cả. Kinh bỏ mẹ.

Anh Kh. vừa chỉ người đàn ông vừa nói với tôi:

-Giới thiệu với chú mày, đây là anh Th. làm trong bệnh viện đa khoa cách đây khoảng một tiếng vừa tầu điện vừa xe buýt.

Rồi lại vừa chỉ tôi vừa nói với người đàn ông một câu trịnh trọng làm tôi hơi bối rối:

-Còn giới thiệu với chú Th. đây là chú P. cũng là dân viết văn như anh.

Tôi nhìn Th. và thấy anh ta cũng phương phi chẳng kém gì ông anh Kh. của mình. Cả hai người đều to béo, chân tay khuềnh khoàng, lưng như cánh phản, bụng to như đeo cái bị, hay như bụng người đàn bà sắp đến tháng đẻ, có điều nhẽo hơn mà thôi, mặt với gáy, với cổ đều nung núc những mỡ là mỡ, và đặc biệt là cả hai cái đầu đều hói bóng.

-Anh làm bác sỹ trong bệnh viện ạ. Ở khoa nào hả anh?

Tôi hỏi Th. và rồi để thấy anh ta lắc đầu:

-Bác sỹ bác sọt gì đâu. Tôi làm nhân viên, làm vệ sinh, lau chùi, quét dọn, một ca có tám tiếng ấy mà...

-Thế ạ...

Nhưng tôi chưa nói hết câu thì anh Kh. đã xen vào:

-Tám tiếng nhưng chú mày làm ngày hai ca liền thì cũng thành mười sáu tiếng. Cũng nhiều đấy chứ.

Rồi quay sang tôi, anh tiếp:

-Chú mày không biết là ông em này nó khổ đến thế nào đâu. Trước đây mấy năm, ông ấy có một cái quán to vào loại nhất nhì trong số những cái quán Tầu ở phía Đông Berlin này. Cái quán ấy đang là bán được lắm, nhưng mà ông chủ của nó thì lại chết vì gái. Chú mày tính, đón một con bé đang trong danh sách bị trục xuất về nước trong trại tỵ nạn ra, làm giấy tờ chu đáo cho nó, rồi để nó lừa cho một phát trắng tay luôn. Bây giờ lại còn phải nai lưng ra mà làm một ngày mấy ca để trả nợ nữa chứ...

Nếu cứ nghĩ đã là nhà văn thì cửa nhà, gia cảnh phải bê bối, bề bộn thì anh Kh. của tôi này đúng là nhà văn chính hiệu rồi. Bê bối, vì anh đã rất thật thà kể với tôi là có tới hai bà vợ và năm đứa con cả trai cả gái, vậy mà hiện không sống chung được với ai..

-Chúng nó tệ lắm chú mày ạ. - Anh nói. - Con thứ nhất là dân văn công, đồng bóng, lẳng lơ, bướm để ngoài quần thì không nói làm gì. Nhưng đến con thứ hai, giáo viên, dạy văn hẳn hoi mà cũng không coi mình là cái chó gì thì mới chó chứ.

Sau này thì tôi biết, cả hai bà vợ anh Kh. đều bỏ anh mà đi với những người đàn ông khác. Mấy đứa con anh thì đều thuộc loại trẻ hư cả. Cả mấy đứa đều bỏ nhà, bị bọn trẻ xấu quyến rũ, lang thang hoặc ngoài ga hoặc các bến tầu điện ngầm hoặc trước cửa các siêu thị, sống bằng cách xin xỏ khách qua đường hoặc lục lọi trong các thùng rác.

Còn bề bộn thì chính mắt tôi trông thấy. Trong căn phòng chưa đến mười lăm mét vuông của mình, anh kê tới ba bốn cái tủ. Mà mỗi cái tủ của anh là một mầu và cái nào cũng cũ kỹ, mốc meo, ọp ẹp, xiêu vẹo, không mất hẳn cánh thì cũng mất bản lề. Sách báo, băng nhạc, chăn ga, giấy tờ, quần áo cũ, cái mặc rồi, cái chưa giặt để bề bộn trong những ngăn tủ ấy và để cả trên giường, trên bệ cửa sổ, trên lò sưởi, dưới gầm giường, gầm tủ, gầm chạn để bát đĩa, thức ăn..., nói chung là chỗ nào cũng có. Một cái ti vi to tướng được bật suốt đêm ngày. Hai cái máy tính lúc nào cũng mở, chạy ro ro nhưng màn hình thì tối om, phải căng mắt ra mới đọc được những dòng chữ mờ mịt, cồ cộ to như những quả trứng gà...

Thấy tôi chăm chú nhìn gáy của mấy cuốn sách xếp trên kệ, anh Kh. nói:

-Sách của tao đấy. Để rồi tao sẽ tặng chú mày mấy cuốn.

Rồi vừa ngồi xuống chỗ máy tính, anh vừa tiếp:

-Tớ cũng vừa viết được mấy thứ. Để tớ in ra cho mà đọc.

Sáng hôm đó, tôi phải dậy từ rất sớm, phải chạy bốn tiếng đồng hồ trên xa lộ mới tới được Berlin, rồi suốt cả chục tiếng đồng hồ nữa phải căng tai nghe ra mà nghe cụ Đ. cùng mấy cụ, mấy ông, mấy bác, mấy anh, mấy chị nữa thao thao bất tuyệt đủ mọi điều trên hội trường, nên đến lúc đó đã mệt bã cả người. Tôi buồn ngủ lắm rồi. Thú thật là tôi chỉ muốn tìm một chỗ nào đó để ngả lưng mà thôi, chứ chẳng muốn đọc cái gì. Nhưng viết là viết thế, còn lúc ấy tôi vẫn phải lịch sự mà nói với anh Kh.:

-Vâng… Anh cứ in ra cho em xin… Rồi em sẽ đọc dần dần.

Hình như anh Kh. chẳng để ý gì đến nỗi mệt mỏi, khổ sở của tôi. Tôi thấy anh vẫn tỉnh queo vừa ngồi nghe cái máy in cổ lỗ sỹ soàn soạt chạy qua chạy lại, mấy phút mới được một trang vừa rề rà:

-Ừ! Chú mày nói đúng đó. In ra rồi để chú mày đọc dần dần thôi. Mấy trăm trang chứ có ít đâu.

Tôi lại cũng đói nữa. Cả ngày hình như chỉ có một khúc xúc xích, vài lon bia còn thì toàn cà phê và thuốc lá nên lúc ấy tôi cảm thấy cồn cào ghê gớm. Mà vừa mệt, vừa buồn ngủ, vừa đói lại phải vừa ngồi chịu chuyện lúc thì với anh Kh. lúc thì với anh Th. thì khỏi cần nói, ai cũng biết là tôi đã khổ sở như thế nào.

Ấy vậy mà hình như chỉ có mỗi anh Kh. là vẫn không biết hoặc làm ngơ như không biết. Anh vẫn bền bỉ ngồi đợi cái máy in chậm chạp đùn ra từng trang, vừa kiên nhẫn giải thích cho tôi:

-Cái này là tớ viết sau chuyến…

Và cứ thế, anh kể về những chuyến đi dọc đi ngang nước Đức, những chuyến đi Bỉ, đi Pháp, đi Hà lan hoặc đi về Việt Nam cùng những sự kiện đáng nhớ, đáng để sử sách lưu lại. Tôi không nhớ mình đã gục xuống lúc nào, cũng như không biết một trong hai anh Kh. và Th. thì anh nào đã kê cho tôi một cái đệm cũng cũ nát chẳng kém gì cái đệm mà tôi đã kể ở trên rồi dìu hoặc bê tôi ra đặt lên đấy. Tôi cũng chẳng rõ là mình đã ngủ được bao nhiêu tiếng, chỉ biết là khi mở được mắt ra thì trời đã sáng lắm rồi.

-Chú mày ngủ ngon quá đấy. - Anh Kh. nói với tôi, thân mật như một người anh trai nói với thằng em. - Thôi dậy đi. Dậy đánh răng, rửa mặt, ăn sáng xong rồi còn đi kẻo muộn.

Một cách uể oải, tôi ngồi dậy. Nhìn sang bên, thấy một cái đệm đã được dựng lên sát tường, tôi hỏi :

-Anh Th. đi làm rồi hở anh?

- Ừ ! Đi rồi. - Anh Kh. trả lời sau một cái chép miệng và một tiếng thở dài thườn thượt. - Nó đi từ lúc năm giờ kia, và làm ở đấy đến tận mười một giờ đêm mới về.

- Thế là mười tám tiếng đồng hồ liên tục. - Tôi vừa hỏi vừa rùng mình vì khả năng làm việc thật dẻo dai của con người.

- Ừ đúng mười tám tiếng cả đi cả về. - Anh Kh. gật đầu, đồng ý với sự tính toán của tôi, rồi thêm. - Nhưng mà thế thì cũng chỉ mới bằng tớ. Chú mày biết không. Lúc nó đi tớ cũng dậy và ngồi vào bàn viết ngay cho đến tận lúc nó về. Nhiều hôm, mải mê quá đến quên cả ăn uống.

Nghe nhắc đến hai chữ «ăn uống », tôi lại thấy bụng mình nhói lên vì đói. Nhưng may mà anh Kh. đã nhắc lại:

-Thôi chú mày đứng dậy làm cái gì thì làm mau mau đi rồi còn ăn. Đồ ăn tớ đã chuẩn bị xong hết cả rồi, giờ chỉ xào lên cho nóng là anh em mình xơi thôi.

Không chờ phải giục lần nữa, tôi đứng dậy đi ngay ra toa let. Và như anh Kh. đã bảo trước là vì hai ông mắc bệnh trầm cảm của anh ở mấy phòng bên đã phải vào bệnh viện hết rồi nên tôi cứ việc tự nhiên như ở nhà.

Trong khi tôi đánh răng rửa mặt thì anh Kh. cũng vào bếp để tiếp tục làm cho xong bữa ăn đã chuẩn bị trước. Chỉ một lúc sau đã nghe tiếng dầu sôi trong chảo xèo xèo. Rồi mùi hành phi dậy lên. Rồi sau đó là mùi thịt ướp nước mắm, tỏi và nhiều thứ gia vị khác, chỉ ít phút sau đã rạo rực ở khắp mọi nơi, đến một người dẫu đã no căng rốn còn phải tứa nước miếng, thì một kẻ đã đói mềm ra như tôi lại càng thấy bủn rủn cả chân tay.

Tôi thay quần áo, đi ra bếp thì đã thấy anh Kh. dọn xong bàn ăn. Chỉ vào đĩa thịt xào hành thơm phức và cái chính là to đùng đặt ở giữa bàn, anh vừa xoa tay vừa bảo tôi :

-Tính tớ không thích bầy vẽ. Có khách hoặc không có khách, tớ cũng chỉ làm độc một món thôi. Nhưng yêu cầu món ăn của tớ bao giờ cũng phải thật nóng, nóng dòn đi, phải thật nhiều hành, nhiều mùi, nhiều hạt tiêu… có nghĩa là phải thật thơm, thật cay. Thế mới ngon.

Anh còn nói thêm :

-Sở dĩ làm nhiều đồ ăn như thế này, là vì một ngày tớ chỉ ăn có một bữa thôi. Không phải vì phải tiết kiệm cái gì. Tớ chỉ tiếc thời gian, nếu ngày nào cũng mấy lần bày vẽ ăn uống thì còn thời gian đâu cho sáng tác nữa.

Rồi anh rót rượu ra hai cái chén lớn, vừa đưa vào tận tay tôi một chén vừa nói :

-Chú mày uống đi. Về cái khoản rượu này thì nhà tao nhiều lắm. Rượu Tây, rượu ta, rượu Tầu, loại nào cũng có. Hôm nay tao mời chú mày hẳn là rượu Mao Đài sáu mươi tám độ đấy. Uống thoải mái đi. Anh em mình lai rai, nhậu hết đĩa này rồi đi là vừa.

Xong không đợi tôi phải có một vài lời đáp lễ như thế nào, anh cứ thế gắp bỏ vào bát của mình luôn một gắp to đùng.

Phải công nhận một điều là anh Kh. có tay nghề nấu ăn. Tôi nghe người ta vẫn nói là ông nào sống độc thân, ông nào bị vợ bỏ, con bỏ thường nấu ăn dở ẹc. Nhưng xem ra điều này không áp dụng được vào trường hợp của anh Kh.. Bằng chứng là món thịt, mà đến tận lúc bấy giờ tôi vẫn không phân biệt được là thịt lợn, thịt gà tây, thịt ngỗng, hay thịt thỏ, thịt bò, thịt cừu, thịt súc vật nuôi, thịt thú rừng hay thịt gì… mà anh xào lên sao lại trông ngon mắt đến thế không biết nữa.

Những hôm khác, đi dự tiệc tùng ở đâu thì tôi cũng vẫn cứ hay làm khách, ăn gì, uống gì cũng dè dè. Tính tôi vậy. Và vì thế mà tôi vẫn thường bị người nọ người kia trách, thậm chí xỉ vả rằng sang tây bao nhiêu năm rồi mà không sửa được cái thói cổ hủ.

Cho đến buổi sáng hôm ấy cũng thế. Mặc dù chỉ có hai anh em, và dù chai rượu Mao Đài quá hấp dẫn cũng như thái độ rất tự nhiên, chân thành của anh Kh., chẳng hiểu sao tôi vẫn cảm thấy lúng túng gò bó thế nào ấy. Thế rồi tự nhiên có một một làn gió lạnh và một mùi gờn gợn từ đâu ập đến làm tôi gai gai hết cả người. Tôi cảm thấy nôn nao, có cái gì đó trong dạ dầy cứ đưa ngược lên, từng đợt, từng đợt, mồm miệng nhạt tanh, mọi cảm giác đói khát và thèm ăn thèm uống biến đi đâu mất sạch. Tự nhiên tôi thấy đĩa thịt rất to trước mặt mình chẳng còn một chút hấp dẫn nào nữa. Và thế là, chưa kịp nâng bát nâng đũa lên, tôi đã vội bỏ xuống:

-Em phải xin lỗi anh thôi. Em không quen ăn sáng anh ạ. Lúc đầu em cũng định ăn với anh một chút cho vui. Nhưng bây giờ em thấy trong người làm sao ấy. Thôi, xin phép anh để khi khác vậy.

Rồi kệ anh Kh. chèo kéo thêm vài câu nữa, tôi cứ thế đứng lên, để mặc anh một mình với đĩa thịt.

 

Buổi hội thảo đã thành công tốt đẹp. Nhiều thắc mắc, bức xúc được giải đáp, nhiều tồn tại được giải quyết và nhiều phương hướng với nhiều hứa hẹn mới đã được sốt sắng đưa ra. Đấy là phát biểu đánh giá của ban tổ chức trước khi chia tay «ông bà anh chị em…» và hẹn gặp lại như cách nói của mấy vị này. Và tôi cũng cảm thấy thế, dù suốt cả hai ngày tôi chỉ ngồi yên ở một góc hội trường chứ không nói câu nào.

Đấy là nói chung, còn riêng chuyến đi của tôi, sẽ cũng được kể là thành công, nếu sau này trong một buổi tụ bạ bia bọt với mấy người bạn, tôi đừng kể đến rất chi tiết về bữa ăn rất có ấn tượng như tôi vừa kể ở trên kia. Vì rằng, khi nghe tôi vừa tả xong món thực phẩm mà tôi không thể đánh giá là đã được chế biến từ thịt của một loại động vật nào, thì một ông bạn rất thân của tôi đã đứng ngay lên tuyên bố một cách rất dõng dạc rằng:

-Cũng may là mày chưa kịp đụng đũa đấy. Nếu không thì mày đã bị ông nhà văn kia lừa một quả đắng lắm rồi thằng em ơi!

Rồi trong khi tôi há miệng thật to, không biết là mình bị lừa cái gì, lừa như thế nào mà bảo đắng lắm, thì người bạn ấy đã nói hỏi :

-Mày có biết ông ấy định cho mày ăn cái gì không?

Rồi không đợi tôi kịp nói không nữa, anh ta tiếp luôn:

-Chính là thịt người đấy em ạ.

-Thịt người?

Tôi giật nẩy mình, người ngớ ra, tưởng không thể nào tin được. Nhưng khi nghe anh ta giải thích, và quả quyết rằng nhiều người cũng đã bị lừa như thế. Rằng chính một người bạn của anh ta đã từng bị ông Kh. chuốc rượu rồi cho ăn cái món thịt người ghê gớm ấy thì dẫu không muốn tin, tôi cũng cứ buộc phải tin.

Vâng, đấy chính là thịt người, là món ăn quen thuộc của ông Kh. Hay nói chính xác hơn, đấy chính là những món ăn được chế biến từ những cái nhau của sản phụ mà hàng ngày ông Th. vẫn bằng một cách nào đó lấy được từ bệnh viện mang về cho ông ta. Ở Việt Nam, trong thời kỳ đói khổ nhất, người ta đã phải sử dụng đến cả loại thực phẩm bất đắc dĩ này mà không để ý đến một điều là cái gì cũng có thể trở thành thói quen, cái gì ăn mãi rồi cũng đâm nghiện. Nghiện đến mức chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng ông nhà văn của tôi đã sang đến tận đây rồi vẫn không thể nào bỏ đi được.

Sau này, trong một dịp đến Berlin khác, tôi tìm mãi mới gặp được ông Th. để một lần nữa hỏi lại cho ra lẽ cái tin kinh khủng này và đã được ông hoàn toàn xác nhận. Đúng như thế, khi biết được ông Th. lúc này đã thất thế, xin được vào làm nhân viên trong bệnh viện đa khoa ở…, ông Kh. đã đề nghị ông để ý xem người ta cất nhau thai của sản phụ ở đâu thì lấy mang về cho ông ta. Và bù lại, ông ta sẽ không tính tiền thuê một chỗ ngủ của ông Th, một tháng đâu khoảng trăm hay hơn trăm Euro.

 

Nguyễn Hoài Phương
Tháng 11 - 2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14743)