- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Giới Thiệu Sách H L 91: Hoàng Mai Đạt Phụ Trách

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11315)
CHUYỆN LÀNG NGÀY ẤY

 

bút ký của Võ Văn Trực

Chuyện Làng Ngày Ấy là một trong những tác phẩm bị cấm lưu hành dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Với chủ trương "đưa ra ngoài ánh sáng những cuốn sách từng nằm trong số phận hẩm hiu, đen tối," nhà xuất bản Tạp Chí Văn Học chọn giới thiệu Chuyện Làng Ngày Ấy là cuốn đầu tiên trong nhiều loại sách cấm khác sẽ được in trong những ngày tới.

Võ Văn Trực là một nhà thơ đảng viên, làm việc lâu năm tại cơ quan Hội Nhà Văn. Về lý do viết Chuyện Làng Ngày Ấy , ông cho biết, "Khi mới bắt đầu tập viết văn làm thơ, tôi đã có ý định viết cuốn sách này. Ý nghĩ đó nung nấu trong người tôi dọc năm tháng học tập, công tác và sáng tác. Nhiều lúc định bắt tay vào viết, tối cố nén lại và tự bảo: ‘Để đến lúc về hưu hãy viết, thời gian càng lùi xa, nhìn trở lại càng đánh giá chính xác hơn các hiện tượng và vấn đề.’ Nhưng những năm gần đây, mỗi lần về quê, mỗi lần về quê hoặc mỗi lần gặp người làng trên các nẻo đường đất nước, tôi lại thấy bồn chồn, sốt ruột, một cái gì từ bề sâu thăm thẳm cứ trồi lên, dào lên và thôi thúc tôi phải viết – phải viết, không thể chậm trễ được nữa! [...]

"Đây là chuyện làng xóm, gia tộc, gia đình xẩy ra sau những năm cách mạng tháng Tám. Tôi ghi lại một cách trung thực những điều tôi nghe, tôi thấy, tôi biết ."

Nhà xuất bản viết, "Chính vì ‘ghi lại một cách trung thực’ qua cái nhìn của một nhà văn lúc về già nhìn lại nên Chuyện Làng Ngày Ấy thực sự là một cuốn biên niên sử sinh động về cuộc cách mạng ruộng đất, ‘đào tận gốc, trốc tận rễ’ tất cả những gì bị kết tội là ‘thuộc xã hội cũ’ ở làng quê Việt Nam. Trong vỏn vẹn có gần 200 trang in (170 trang thì đúng hơn ), Võ Văn Trực cứ lặng lẽ, từ tốn và chậm rãi đưa ra rất nhiều ‘sự thực của lịch sử’ mới nghe tưởng chuyện tầm thường, ngẫm lại mới thấy bàng hoàng, xót xa. Và rồi gấp sách lại, người ta thấy rõ cái mô hình cộng sinh từ ngàn đời nay của dân quê Việt Nam vẫn là làng xóm chứ tuyệt nhiên không phải những hợp tác xã nông nghiệp, những tập đoàn sản xuất theo mô hình Cộng Sản ."

Chuyện Làng Ngày Ấy được chia thành hai phần: phần đầu gồm 17 chương ngắn được tác giả viết để kể lại những chuyện ở làng quê của ông tại Nghệ Tĩnh, phần thứ nhì gồm những nhận xét về mỗi chương trong Chuyện Làng Ngày Ấy của một người tự nhận là "Mọt Sách."

Nhà văn Võ Văn Trực tâm sự, "Tôi xin dâng bạn đọc cuốn sách nhỏ này bằng hai bàn tay chân tình của tôi. Xin bạn hãy xem mọi điều tôi viết trong đó như những lời tâm sự tha thiết: chúng ta cùng chung tay đẩy lùi và xóa sạch mọi sai lầm ấu trĩ, cùng vun trồng nền văn hóa Việt Nam hiện đại được bắt rễ sâu trong truyền thống bốn nghìn năm của dân tộc ."

Mọt Sách viết thêm, "Vì sao cuốn sách mang nguyện vọng đẹp đẽ vậy lại bị cấm xuất hiện ở trong nước? Đó là vì nó giản dị và chân thực và chính vì ‘giản dị và chân thực’ nên giá trị của nó mạnh mẽ không thua gì thuốc nổ làm vỡ tung mọi bưng bít, che giấu, gây nhiễu và cả ngụy tạo về một thời kỳ lịch sử vừa mới qua đây thôi, hãy còn nóng hổi tính thời sự. Xin hãy đọc và lan truyền nó ."

Chuyện Làng Ngày Ấy dày 260 trang, ấn phí 12 Mỹ kim. Địa chỉ liên lạc: Tạp Chí Văn Học, P.O. Box 1359, Garden Grove, CA 92842. Email: tapchivanhoc@yahoo.com.

 

VÕ PHIẾN AND THE SADNESS OF EXILE

biên khảo của John C. Schafer

Võ Phiến And The Sadness Of Exile (Võ Phiến Và Nỗi Buồn Lưu Vong) viết tiếng Anh, được giáo sư John Schafer biên soạn rất công phu với sự trợ giúp, tài liệu của những nhà phê bình, người viết trong cộng đồng người Việt. Đây là cuốn sách phê bình đầu tiên được viết bằng Anh ngữ về một tác giả Việt Nam thời hiện đại. Ông John Schafer không xa lạ đối với văn hóa Việt. Ông từng dạy Anh văn tại Việt Nam từ năm 1968 đến 1973, có những bài viết được đăng trên các tập san về văn chương Việt Nam. Ông dạy văn chương tại Đại Học Humboldt State, Bắc California.

Trong thời gian dạy học tại Huế, ông Schafer có dịp đọc tuyển tập truyện ngắn Thương Hoài Ngàn Năm . Từ đó ông tiếp tục đọc thêm các tác phẩm văn thơ khác của Võ Phiến, biết nhiều về văn hóa Việt Nam, về hậu quả của chiến tranh và cách mạng đối với những dân làng chất phác, về đời lưu vong của người Việt tị nạn. Giáo sư Schafer viết, "Mục đích của tôi trong cuốn sách này là giới thiệu đến độc giả nói tiếng Anh một nhà văn có thể nói được kính trọng nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại."

Giáo sư Peter Zinoman tại Đại Học California-Berkeley viết, "Võ Phiến And The Sadness Of Exile của John Schafer là sách cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về văn chương Việt Nam hiện đại [...]. Ông Schafer đã biên khảo sâu rộng qua nhiều khía cạnh về một tác giả có địa vị cao trong văn chương Việt Nam. Ông đọc kỹ những tác phẩm quan trọng nhất, tìm kiếm tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả, chú trọng những bài phê bình theo thời gian, phân tích có sức thuyết phục về sự tương quan giữa những tác phẩm của Võ Phiến trong bối cảnh lịch sử, văn hóa và trí tuệ mà từ đó những tác phẩm đã ra đời."

Ông Barry Hillenbrand, một ký giả làm việc cho tuần báo Time , nhận xét, "Trong cuốn sách của John Schafer chúng ta gặp nhiều nhân vật hấp dẫn của Võ Phiến, một nhà văn biết trân trọng những cuộc sống tầm thường của người Việt Nam. Những đời thường này sống qua chiến tranh và rồi bước vào một khoảng trống cô đơn của kiếp lưu vong. Ông Schafer viết với lối hành văn duyên dáng, tránh được sự khô khan như trong những bài nghiên cứu. Đọc sách của Schafer mở ra một thế giới Á Châu bí mật mà hầu hết chúng ta ít có dịp được bước vào."

Võ Phiến And The Sadness Of Exile tham khảo tài liệu của nhiều người viết như Đặng Tiến, Lê Tất Điều, Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Lạc Tiếp, Tạ Chị Đại Trường, Thụy Khuê, Trần Trọng Đăng Đàn, và Vũ Hạnh.

Võ Phiến And The Sadness Of Exile dày trên 350 trang, do Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á của trường Northern Illinois University tại DeKalb in ấn và phát hành. Giá bán $28 Mỹ kim. Liên lạc: Southeast Asia Publications, Center for Southeast Asian Studies, Northern Illinois University, DeKalb, Illinois 60115. Có thể vào trang www.niu.edu/cseas/seap để biết thêm.

 

NGÔN NGỮ TUYẾT

tập truyện của Ngô Nguyên Dũng

Từ một miền tuyết ở xứ Đức, nhà văn Ngô Nguyên Dũng viết đều đặn từ cuối thập niên 80, nay cống hiến những độc giả quí mến ông một tập truyện mới nhất, cuốn sách thứ 10 của ông. Tác giả nói về tác phẩm mới như sau: "Chín truyện ngắn trong tuyển tập này mang chung một chủ đề ‘Tình Yêu và Dục Tính.’ Theo tôi, Tình Yêu là bản sắc của Dục Tính, vì Tình Yêu bất diệt, trong cả cái Chết; Dục Tính, không. Dẫu vậy, cả hai cũng chỉ là một thứ biểu tượng dâng tặng cho đời sống hương sắc, hạnh phúc... và những giấc mơ ."

Tuy cùng một chủ đề, những truyện trong Ngôn Ngữ Tuyết vươn tới nhiều góc cạnh trong cuộc sống của người Việt xa xứ, từ nỗi rạo rực trở về trong lòng của một phụ nữ trước một mối tình cũ với bạn chồng trong truyện "Ngôn Ngữ Tuyết," dục tính hồi sinh trong cơ thể của một ông lão với vợ trong "Chờ Đê Vỡ," đến sự cám dỗ tình dục một phụ nữ phải đối phó trong lúc chồng lâm trọng bệnh mà con trai của ông chính là nơi xuất phát sự thu hút kia.

Truyện "Tiếng Suối Đêm Giao Thừa" có đoạn như sau: "Trong bóng tối giao hoan với chồng, tôi không khỏi tưởng tượng đấy là Jan của hai mươi năm trước, thuở tóc còn rậm, mắt còn tinh anh, thịt da còn săn chắc. Và tôi rùng mình nhận ra đấy là chính là Danny bây giờ. Nếu khi trước tôi thường xuyên phân vân trước ám ảnh chiến tranh và cái chết, giờ đây tôi dùng dằng giữa hai người đàn ông cùng huyết thống. Tôi không muốn bào chữa, nhưng đúng hơn, với tôi lúc ấy hai người là một. Họ chỉ khác nhau một đoạn thời gian không tới ba mươi năm ."

Võ Phiến từng mô tả truyện của Ngô Nguyên Dũng: "Và khi câu chuyện dừng lại, chúng ta không kịp dừng theo. Cái truyện nó vươn ngoài truyện, nó dấy động một cõi mông lung ." Nhận xét này vẫn đúng với chín truyện của ông trong Ngôn Ngữ Tuyết .

Ngôn Ngữ Tuyết do Quyên Book xuất bản, dày hơn 200 trang, ấn phí $12 Mỹ kim. Liên lạc nqread@yahoo.com.

 

BÔNG HỒNG TẠ ƠN

những bài viết của Nguyễn Đình Toàn

Bông Hồng Tạ Ơn gồm 190 bài viết về những tác giả, ca sĩ Việt Nam của ông Nguyễn Đình Toàn. Bông Hồng Tạ Ơn được chia thành bốn phần in trong hai tập: tập 1 dành cho nhạc sĩ, ca sĩ; tập 2 dành cho tác giả thơ, văn và nghệ sĩ tạo hình.

Trước năm 1975 ông Nguyễn Đình Toàn từng nổi tiếng, được yêu thích qua chương trình "Nhạc Chủ Đề" trên đài phát thanh tại miền Nam Việt Nam. Hai tập Bông Hồng Tạ Ơn là "lòng biết ơn, đối với những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất." Ông viết trong lời giới thiệu sách: "Đây không phải là cuốn sách nghiên cứu hay phê bình văn học, nghệ thuật.

"Mục đích của người viết chỉ nhắm chia sẻ chút hiểu biết, những gì còn nhớ được về các tác phẩm, tác giả mình yêu thích, với những người có cùng cảm nghĩ, như một cách bầy tỏ lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn, đối với những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm ra được cho đất nước, nhờ đó, mọi người đã được thừa hưởng.

"Phần khác, để các bạn trẻ sinh trưởng ở trong ngoài nước, không biết nhiều về Việt Nam, một lúc nào đó, muốn quay về tìm các tác giả trong nước, có thêm chút dấu vết, tài liệu ..."

Có lẽ những "dấu vết" đáng giá nhất trong Bông Hồng Tạ Ơn là những bài viết về các nhạc sĩ mà ít người biết đến mặc dù mấy nhạc sĩ này đã có những nhạc phẩm từng được nghe một thời. Thí dụ như nhạc sĩ Thanh Bình tác giả bài "Những Nẻo Đường Việt Nam;" Tô Vũ bài "Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa;" Phạm Ngữ với bài "Nhớ Quê Hương;" và Lê Bình với bài "Đường Lên Sơn Cước."

Nguyễn Đình Toàn cũng có nhiều bài viết đáng đọc về những tác giả văn, thơ, nghệ sĩ tạo hình quen biết đối với ông mà xa lạ đối với những người sống bên ngoài lãnh vực văn chương, mỹ thuật.

Hai tập Bông Hồng.

 

HOA ĐỊA NGỤC tập thơ của Nguyễn Chí Thiện Sau mấy lần được in tại hải ngoại dưới những tựa như Tiếng Vọng Từ Đáy Vực , Bản Chúc Thư Của Một Người Mang Tên Việt Nam , lần này những bài thơ nẩy lên trong ngục tù Cộng Sản của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện thực hiện theo đúng ý muốn của ông. Hoa Địa Ngục gồm những bài thơ được gọi là ngục ca mà tác giả đã viết trong những năm tháng bị tù đày dưới chế độ Cộng Sản tại miền Bắc. Ông bị tù từ năm 1961. Đến năm 1979, trong thời gian được thả vì lý do sức khỏe, ông lén đưa tập bản thảo Hoa Địa Ngục vào Tòa Đại Sứ Anh tại Hà Nội để nhờ chuyển ra nước ngoài. Hoa Địa Ngục được giới thiệu như sau: "Đối với ai còn tin ở nhiệm mầu của cuộc sống thì cuốn sách này phải xem là một phép mầu trong hơn một nghĩa. Ngôi trong đáy địa ngục Gulag Việt Nam mà vẫn tin là có ngày ông sẽ thắng được Cộng Sản là một nhiệm mầu đầu tiên. Đưa được thơ ông cho Tòa Đại Sứ Anh để chuyển ra hải ngoại, dư như sau đó ông phải giá bằng 12 năm tù, cũng đã là một nhiệm mầu thứ hai. Rồi chính tập thơ lại cứu ông, đưa ông sang thế giới tự do, đó mà một nhiệm mầu thứ ba. Còn nhiều điều khác lạ hơn nữa trong trường hợp cuốn sách thơ để đời của ông nên Nguyễn Chí Thiện chỉ muốn được biết như là tác giả của một tập thơ duy nhất: tựa như Baudelaire là tác giả bất hủ của tập Ác Hoa (Les Fleurs du Mal,) ông chỉ mong tên tuổi ông gắn liền với một cuốn, Hoa Địa Ngục ." Sự đọa đày tàn bạo trong lao tù đưa đến những lời sau đây của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện: "Nằm ở trong xà lim, tôi đã lường trước được rằng sẽ có bạn thấy viết về Cộng Sản mãi là nhàm chán, nên có làm mấy câu thơ để xin các bạn đó thông cảm cho tôi: Không sống trong lòng Cộng Sản Bạn nên thông cảm một điều Chế độ Mác Lê tôi sở dĩ nói nhiều Tới mức phát nhàm, phát chán! Vì thực tế không nhàm, không chán Mà kinh hoàng, ai oán lắm, bạn ơi! Tôi sẽ nói khắp nơi Sẽ nói suốt đời Nói tới muôn đời Nói mãi !" Hoa Địa Ngục dày trên 500 trang gồm những bài ngục ca, thơ được phổ nhạc, những bài viết của tác giả. Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ xuất bản với giá bán $20 Mỹ kim cho sách bìa mềm. Liên lạc 2607 Military Rd., Arlington, VA 22207. E-mail: canhnam@dc.net.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12263)
(Xem: 13797)
(Xem: 15074)
(Xem: 14651)
(Xem: 14643)
(Xem: 15250)
(Xem: 14083)
(Xem: 13838)
(Xem: 13865)
(Xem: 14760)