- Thư Tòa Soạn 91
- Tạ Chí Đại Trường: Tù Binh Chàm, Lực Lượng Sản Xuất Riêng Biệt Của Lí
- Nhớ Mẹ
- Tình Thế Những Người Viết Trẻ Hôm Nay
- Nói Chuyện Với Ly Hoàng Ly
- Ly Hoàng Ly Và Bóng Đêm
- Nói Chuyện Với Đỗ Hoàng Diệu
- Đỗ Hoàng Diệu Trong Không Gian Cổ Tích Huyền Ảo
- Theo Tôi Đi
- Người, Việc, Và "quán Tính..."
- Đại Hội X (2006) Đảng Cộng Sản Việt Nam:một Đại Hội Tiền Chế (phần 1)
- Đại Hội X (2006) Đảng Cộng Sản Việt Nam:một Đại Hội Tiền Chế (phần 2)
- Thơ Rumi
- Đêm
- Người Đi Xin Nước Mắt
- Tìm Anh
- Gương Thần
- Em Hỏi
- Trời Thu
- Đối Thoại Cùng Người-đàn-ông-có-trái-tim-bên-phải
- Không Có Cửa
- Luân Hoán: Ở Quán Cà Phê Factory
- Người Vác Chõng Tre
- Thế Dũng Phỏng Vấn Viên Linh: Văn Chương Tôi Không Phục Vụ Niềm Vui
- Qua Thời Gian
- Cuộc Tháo Thân Khỏi Địa Ngục
- Tiểu Thi
- Chân Dung Bội Bạc Vỗ Rền Bờ Vai
- Tấm Bản Thứ Hai
- Một Ngày Như Vậy
- Duyên Phận
- Đọc "xóm Đạo" Của Nguyễn Ngọc Ngạn
- Văn Hữu Và Bạn Đọc H L 91
- Mạn Đàm Văn Học H L 91
- Giới Thiệu Sách H L 91: Hoàng Mai Đạt Phụ Trách
- Thể Thơ "thất Ngôn Xen Lục Ngôn": Sự Sáng Tạo Thể Loại Đầu Tiên Trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam
Trước khi giới thiệu và phân tích tác phẩm một số ngòi bút trẻ xuất hiện những năm gần đây đã mang lại nguồn sinh lực mới cho văn học, chúng ta thử nhìn lại tình hình sinh hoạt sáng tác chung trong hai thập niên qua. Có thể chia khoảng thời gian từ 1986 đến 2006 làm ba giai đoạn với ba thế hệ nhà văn khác nhau,quy tụ những ngòi bút đã tạo được một phong cách nghệ thuật của riêng mình.
Trong thời kỳ được gọi là đổi mới, ba tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài nổi bật trong cách đoạn tuyệt với lối viết hiện thực tô hồng quen thuộc cũ; để nói lên sự thực bằng hình ảnh, bằng biểu tượng, bằng ẩn dụ, bằng ký hiệu ngôn ngữ. Một mặt, họ vừa phản ảnh được bộ mặt thật của xã hội như các nhà văn Dương Thu Hương, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Lập, v.v... mặt khác, họ đưa ra lối viết độc đáo, trình bày hiện thực khác hẳn những người đương thời. Nguyễn Huy Thiệp tạo khuynh hướng cực thực sắc bén, ngôn ngữ phũ phàng, cô đọng và đã ảnh hưởng sâu xa đến những người đi sau. Bảo Ninh có lối viết trữ tình bi đát rất độc đáo về chiến tranh, nhưng nỗi buồn cũng như văn phong của Bảo Ninh ít ai bắt chước được. Phạm Thị Hoài hình thành thế giới ngôn ngữ mặn, đắng, chua, chát đối chất với thứ ngôn ngữ nhạt, vô vị, lưỡi gỗ của xã hội đương thời, quật khai hệ thống ngôn ngữ tự do sống động và ý nhị của người dân Hà Nội.
Cùng thời điểm đó, ở hải ngoại xuất hiện Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác, bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ của văn học Việt Nam trong khoảng ba mươi năm gần đây, mô tả cuộc sống và tâm trạng người dân thành thị miền Nam trong suốt 20 năm (1960-1980). Tác phẩm xác định bản chất của người dân miền Nam trong chiến tranh và hòa bình.
Thế hệ thứ nhì -với những tên tuổi như Nguyễn Bình Phương, Bùi Hoằng Vị, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà... ở trong nước và Trần Vũ, Đỗ Khiêm... ở ngoài nước- ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Thiệp trong khía cạnh: 1- sử dụng nhân vật lịch sử để đả phá sự tôn sùng lãnh đạo. 2- phơi bày mặt thật của xã hội dưới cái nhìn cực thực, tàn nhẫn không nhân nhượng, không thoả hiệp. Nhưng đặc biệt họ vận dụng hai yếu tố mới: tưởng tượng và huyền ảo. Nguyễn Bình Phương ném hoả mù huyền ảo về một vùng đất mà con người bị vùi dập, đánh đập, tàn nhẫn, điên loạn từ lúc còn là thai nhi; vùng đất sản sinh ra những đứa trẻ chết già trong không khí máu mê truyền kiếp. Dường như Nguyễn Bình Phương có tham vọng viết lại lịch sử đẫm máu của dân tộc Việt Nam. Trần Vũ pha chế các nhân vật lịch sử trong không khí huyền ảo sống chết lộn sòng, trộn trạo quá khứ, hiện tại và tương lai thành những hoạt cảnh tàn khốc và phi lý của chiến tranh, của sự tàn phá văn hoá. Trong truyện Giáo sĩ Trần Vũ chế biến lịch sử truyền giáo, lịch sử thực dân, lịch sử chữ quốc ngữ, lịch sử Tự Lực văn đoàn thành một thứ potion magique, uống vào là bị tẩu hoả nhập ma. Đỗ Kh. -ngòi bút tài tử, globle-trotteur trong văn phong, trong tư tưởng, trong di chuyển, trong bút ký, truyện ngắn- mang lại cho không khí văn học căng thẳng và trầm trọng đương thời cái humour thiếu vắng, ánh mắt nhìn xa về thế giới bên ngoài, để người Việt có thể thấy nỗi đau của những dân tộc khác, hòng thoát khỏi sự tự xoa tự thán một ung nhọt đã tầy của chính mình.
Bùi Hoằng Vị hình thành thứ hiện thực bí mật chôn vùi dưới nhiều tầng, hiện thực "ngụy", hiện thực chui của những thực thể không có quyền phát biểu. Hoằng Vị mô tả điều kiện sống của những người ở dưới tầng trệt thiên đường, một loại công dân hạng nhì sau ngày họ bị giải phóng. Nguyễn Việt Hà trở thành cây bút biếm họa chua cay về bộ mặt bát nháo của xã hội "mở cửa" đương thời. Trường hợp Tạ Duy Anh rất điển hình, những tác phẩm đầu tiên của anh như Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, vẫn còn nằm trong không khí hiện thực truyền thống, nhưng đến tiểu thuyết Đi tìm nhân vật (2002), Tạ Duy Anh viết theo cấu trúc mở, đưa người đọc vào những mê lộ đầy bí ẩn, không lối thoát, tác phẩm bao trùm những khía cạnh tối tăm của con người mặt nạ, sống trong một xã hội mật vụ luôn luôn bị theo dõi, hoặc chính mình đi theo dõi người khác. Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh bị chính thức cấm bán, cấm bàn.
Trừ trường hợp Nguyễn Việt Hà và Đỗ Kh. viết dễ đọc, đặc điểm chung của những ngòi bút trong thế hệ thứ hai này là giấu kín hiện thực dưới một thứ bút pháp thần trú, khiến độc giả phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới mong tìm ra manh mối, nhất là Nguyễn Bình Phương và Bùi Hoằng Vị.
Tại sao họ lại phải viết kín đáo đến độ khó hiểu như vậy? Có hai lý do: Nhà văn trong nước không thể trình bày trực tiếp sự thực xã hội, sự thực lịch sử, họ phải tìm con đường an toàn hơn bằng cách viết kín, viết khó hiểu, để ít nhất người duyệt không thấy được ngụ ý sâu xa trong tác phẩm. Lý do thứ nhì thuộc về sự đòi hỏi của văn chương hiện hành: các tác phẩm hiện đại thường muốn có cấu trúc mở, hàm chứa nhiều nghiã, nhiều cách đọc và cách hiểu khác nhau. Một tác phẩm mở như vậy chắc chắn khó đọc hơn tác phẩm truyền thống, bắt người đọc phải cộng tác, phải tìm kiếm, phải suy nghĩ.
Nhà nước không có chính sách kiểm duyệt công khai, nhưng tất cả những tác phẩm đụng đến chiều sâu của sự thực như Truyện kể năm hai ngàn của Bùi Ngọc Tấn, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Tuổi hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp... trong những chừng mức khác nhau, cách thể hiện khác nhau, đều bị loại trừ. Tập Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu vừa in xong đã bị đánh tơi bời, Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm thảo vì Cánh đồng bất tận. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể tìm đọc các tác phẩm giá trị bị cấm qua hệ thống in chui hoặc trên mạng internet.
Tình trạng này dẫn đến phản ứng sau đây của một số nhà văn trong thế hệ thứ ba: nhiều người hướng về khiá cạnh sex, hoặc ngôn ngữ tục, hoặc cả hai. Ở ngoài nước, có lẽ vì muốn biểu hiệu cái gọi là "tự do tư tưởng" (hơi chậm trễ đối với thế giới); còn ở trong nước, rất có thể bởi vì ai cũng biết những chủ đề chính trị xã hội, không thể có đất sống, người viết bèn xoáy bút xuống những hoạt động hạ bộ của cơ thể, cũng là một cách xác định tự do. Điều đó ít nhiều giải thích hiện tượng lạm phát tình dục, lạm phát chữ tục, trong văn chương hiện nay. Nhưng con đường này khá gian nan.
Nếu người viết chủ ý dùng "chữ tục" để chống lại những "chữ giả" trong thứ đạo đức giả hình của một xã hội cổ hủ, của nền chính trị giáo điều, thì nhất thiết phải có một "tay nghề", một nội lực thâm sâu, một nghệ thuật cao cường xuất chúng. Trên văn đàn kim cổ đã nhiều người dùng độc trị độc như thế: Hồ Xuân Hương hoặc xa hơn nữa François Rabelais. Tại sao họ thành công? Bởi họ rất trào tiếu. Cả hai đều dùng chữ tục và điểm vào sinh hoạt phần dưới của con người để đả phá những tệ đoan xã hội, Rabelais thời Trung cổ và Hồ Xuân Hương cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm của họ chuyên chở cả cười lẫn tục trong một cấu trúc nghệ thuật, ngôn ngữ và tư tưởng hoàn mỹ.
Kinh nghiệm cho thấy tất cả những chuyện tiếu lâm dân gian, được truyền tụng từ đời này sang đời khác, cũng thế, bởi chúng pha trộn hai yếu tố cười và tục như một cặp phạm trù không thể tách rời, hai yếu tố bổ túc cho nhau như âm với dương, như phải với trái. Nếu bạn chỉ nói tục, viết tục không thôi, mà bạn không có humuor thì những cái gì bạn nói hoặc viết ra sẽ chỉ là những lời lẽ thô tục, nghiã là nghe xong, đọc xong người ta khó chịu rồi quên ngay.
Nhưng khi cái tục đi đôi với cái cười thì lại khác: Tục được hoá giải. Bởi tất cả những gì trịnh trọng đều cần được hoá giải bằng tiếng cười: ví dụ chính trị và làm tình là những động tác hết sức "trịnh trọng", trịnh trọng bậc nhất. Bạn không thể cười khi đăng đàn diễn thuyết chính trị; bạn cũng không thấy ông Tổng Bí Thư nào cười khi đọc diễn văn, và đố bạn cười khi làm tình. Để biểu hiện những sinh hoạt có tính chất trịnh trọng, tuyệt đối căng như vậy, cần phải có một sự trung hoà, giải nhiệt. Chất giải nhiệt là tiếng cười. Hầu như các tác giả kiệt xuất trong văn chương xưa và nay đều biết xử dụng tiếng cười như một lợi thế hàng đầu của nghệ thuật, của đấu tranh. Cho nên những hệ thống giáo điều cổ sơ nhất như giáo hội, luôn luôn cấm cười. Những cuốn sách cười đầu tiên của nhân loại bị giáo hội cấm. Các chế độ toàn trị sau này chẳng sáng tác ra điều gì mới, họ bắt chước giáo hội thời cổ. Dưới các thể chế dân chủ, người dân- ngoài diễn văn trịnh trọng của các vị lãnh đạo (đảng phái đối lập hoặc cầm quyền) chỉ thừa dịp là rót vào tai- còn được nghe, được thấy nghệ sĩ nhái lại giọng điệu trịnh trọng của các vị đó trên những kênh truyền thanh truyền hình đại chúng. Đó là phương thuốc giải nhiệt đắc lực, bình dân và không tốn kém.
Cho nên, nếu muốn chống lại sự độc tài bằng chữ tục hay bằng các sinh hoạt hạ bộ, thì có lẽ không gì bằng tiếng cười, và chúng ta nên học cái humour cao cường của những người đi trước. Chính cái cười mới là thượng sách, là nòng cốt chống lại các sự trịnh trọng giáo điều. Còn vài ba chữ tục, lẻ tẻ, tung ra rải rác trong văn xuôi, văn vần, không ăn thua gì, đôi khi đặt không đúng chỗ, còn làm cho người đọc khó chịu, gây tác dụng ngược chiều. Bút Tre và Đồng Đức Bốn có những câu thơ tục tuyệt tác. Đỗ Kh. đôi khi cũng có những câu thơ tục dí dỏm. Đó là những người có "uy-mua". Tiếc rằng văn nghệ của chúng ta thiếu các cây bút "uy-mua" như thế, cho nên những lời tục thường thấy trên báo chí sách vở hiện nay phần lớn chỉ là những lời tục tĩu, vô vị.
Điểm thứ nhì, về những sự được gọi là "hot", những màn sex "táo bạo", trong truyện ngắn, truyện dài hiện nay. Dường như ở đây cũng lại có sự thi đua, sự lạm phát, có lẽ vì người viết chưa thấu rõ ý nghiã và bản chất của văn chương.
Phê bình văn học không chú ý đến những màn này, bởi chúng ở ngoài văn chương. Roland Barthes -dẫn tư tưởng của Lacan, Leclaire- có ý cảnh cáo những ngòi bút thiên về khuynh hướng mô tả khoái lạc. Khi đối chất le texte de plaisir (văn bản thú vị, văn bản gây khoái cảm) với le texte de jouissance (văn bản khoái lạc), Barthes cho rằng: "Cái thú vị, cái khoái cảm thì nói được, còn cái khoái lạc không nói được, nó tự cấm " (Le plaisir est dicible, la jouissance ne l’est pas. La jouissance est in-dicible, inter-dite). Tại sao? Bởi kẻ đang nói (hay viết) thì không (hưởng thụ) khoái lạc mà kẻ đang (hưởng thụ) khoái lạc thì không nói (viết). Nhà văn và người đọc (văn bản thú vị) đều chọn chữ nghiã, cho nên không thể chọn khoái lạc. Và "phê bình văn học chỉ chú trọng đến những văn bản thú vị, không bao giờ để ý đến văn bản khoái lạc (...) Phê bình cấm trình bày khoái lạc." (La critique porte toujours sur des textes de plaisir, jamais sur des textes de jouissance (...) La présentation de la jouissance lui est interdite [Trích Le plaisir du texte( Thú đọc sách) Roland Barthes, trang 32]. Nhận xét của Barthes rất thú vị và chí lý.
Những ngòi bút chuyên trị khoái lạc thường vô ích cho văn chương. Văn bản của họ không thú vị. Không là đối tượng của phê bình.
***
Trở về với những nhà văn trong thế hệ thứ ba mà chúng tôi chọn để giới thiệu, nét đầu tiên nổi bật và khác biệt đối với thế hệ thứ nhì là nếu thế hệ trước toàn cây bút nam, thì ở thế hệ này (phần lớn sinh trong thập niên 80), lại toàn là nữ. Những ngòi bút mới này vừa có nghệ thuật, vừa can đảm. Đa dạng trong cách trình bày hiện thực, chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội đương thời và can đảm nói lên những điều đáng nói, không sợ sức ép của tư tưởng bảo thủ và hệ thống kiểm duyệt lỗi thời. Họ đã viết hoặc đang viết những tác phẩm vượt ra ngoài khuôn sáo cũ, như Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi, Đình Đình, Phạm Ngọc Lương. Có người đã thành danh, có người mới viết. Vấn đề chính là làm sao tồn tại. Tiếp tục và tồn tại. Ở hải ngoại, Nguyễn Thị Thanh Bình, một ngòi bút nhiều kinh nghiệm cũng vừa đưa ra những truyện ngắn mới, khác hẳn lối viết trước đây của chị.
Giới thiệu một số những ngòi bút mới xuất hiện trong vài năm gần đây, tiêu biểu cho một khuynh hướng đổi mới văn học qua tầm nhìn, trong văn phong và đôi khi trong cả cách đổi mới chính mình, chúng tôi muốn trình bày một diện mạo văn học mà số đông độc giả chưa có dịp tiếp cận, nhất là độc giả trong nước, bởi nó khác hẳn những gì đang được chính thức công nhận. Tiếng nói của những nhà văn trẻ qua phần phỏng vấn (nếu thực hiện được) cho thấy nguyện vọng và tình hình sinh hoạt của những cây bút mới hiện nay ở trong nước. Các chương trình này đã được truyền thanh liên tiếp trên RFI từ đầu năm 2006 đến nay, chúng tôi ghi lại để gửi đến độc giả Hợp Lưu.
THỤY KHUÊ
Paris, tháng 9/2006