- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mảnh Vỡ (Riêng Cho Giọt Nước Mắt Màu Sen Trắng)

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7955)
Quê hương của anh chàng họ Đào này là Việt Nam.

Cha mẹ sinh anh trên miền đất hẻo lánh, nghèo xơ, hứng chịu hết những thảm họa do thiên tai và cuộc chiến tương tàn. Anh lại còn bị thêm cái ách vô phương cứu chữa mà người đời gọi là đại họa nhân quần.

Thời thơ ấu, Đào Tường đói quá phải ra giữa chợ kiếm ăn. Em kiếm ăn trong một tình cảnh thương tâm. Trong các hàng quán, thực khách ăn xong vất đồ thừa xuống đất, em cùng chó vui vẻ chia. Ăn xong, thú với người nhìn nhau, nghẹn ngào. Thời nào cũng có chợ búa, thời nào cũng có người ăn không hết. Em lớn lên từ những vật rơi vãi đó. Thượng Đế coi như tạm thời hoàn tất một công trình, rồi bỏ xó.

Lớn khôn, khi ý thức được những điều làm cho mình đau, thì anh lại bị liên tiếp những vố đau khác. Cũng như những người đàn ông trên đời, trước hết sa vào chiếc bẫy ái tình. Cuộc tình của anh, tưởng chừng lay chuyển được cả sông núi. Ngờ đâu! Người anh yêu là một thiếu phụ bị chồng ruồng bỏ. Giữa lúc hoang mang, không hiểu ngọn nguồn phụ bạc, thì gặp anh trong một chòi hoang bên đường, hai người cùng đụt một cơn mưa bất ngờ.

Điều làm anh run lên từng cơn hôn mê khủng khiếp ngày ấy không phải những giọt mưa buốt thấu xương, mà chính là lò luyện hương phù chú ở thân thể người đàn bà rạn, bốc hơi. Nàng là ai mà dễ sợ thế? Nàng từ đâu đến mà chưa vói tay đã thu tóm cả vạn vật về? Cơn mưa vẫn tầm tã bên ngoài. Trong, không ai nói với ai một lời. Họ lặng lẽ soi vào cõi tận cùng của cơ ngơi đang cuồn cuộn xây đắp. Cho đến khi đêm xuống, bóng tối đẩy anh chui vào chiếc kén lộng lẫy, hóa tằm.

Đến đây, Thượng Đế lại can thiệp, vá thêm một miếng vào mảnh đời rách nát của một người, cho anh một ân huệ tựa như ngày xưa giữa chợ, vui vẻ, náo nức hưởng hết cái thừa mứa dưới gầm bàn. Đó là đêm kinh thiên động địa. Trăng sao tỏa ướt đầm đầm. Sáng hôm sau, cùng với đất trời thức giấc, họ dắt nhau về. Cha mẹ anh đón nhận con dâu trong sự ngỡ ngàng.

Cha nói:

“Lấp sông, xẻ núi, làm được, không khó. Lấy vợ có nhan sắc như con nầy khó. Con mình coi ra có phúc.”

Mẹ thêm:

“Chồng làm quần quật suốt ngày mà vợ chỉ đứng trước tấm gương tô son điểm phấn. Con nhà bần đinh đi rước công chúa về.”

Khi có vợ, Đào Tường xin làm nghề khuân vác ở bến sông. Những bao lương thực chở từ nông thôn về hay những lô hàng hóa từ thành thị chở đi, anh đều xê vai vào vác. Anh làm việc suốt ngày, hăng say, bền bĩ, không mong ai giúp sức, lòng vui như mình đã được in đâu đó một vết son.

Con người bình dị như thế, ai ngờ được, bỗng nhiên trở thành một nhà sưu tầm độc đáo, anh kiên nhẫn truy tìm cái thế giới vô cùng tận ấy, chất thành đống cao vút trong vũng ước mơ của đời mình. Còn biết bao điều anh chưa khám phá hết, thì một ngày kia, người đàn bà ấy bỏ đi. Ra đi công khai không sợ hãi, dấu diếm. Lại kêu xích lô vào tận cửa, dọn hết đồ đạc có giá trong nhà mang ra chợ trời. Cũng như những cuộc tình khác lúc tan, nàng cũng có nói đôi câu tạ từ. Còn anh, ngồi lặng câm đá tảng, bao nhiêu cột chống trời chắt chiu từ thuở nào khi không sụm xuống. Cuối cùng anh đi trên mặt đất rung rinh để tiễn đưa nàng ra đầu ngõ. Dường như có tiếng nàng:

Quay về đi, về đi thôi, anh. Kiếp sau lại gặp nhau. Anh không tìm em, thì em tìm anh!”

Không chỉ mất vợ, một thời gian sau, cha mẹ anh nối nhau vĩnh biệt. Cả hai người đều mang một căn bệnh: buồn, thấm đòn đời, mất ăn mất ngủ, thường xuyên co hai cánh tay ép về phía ngực để tự vệ, như lúc nhìn thấy lưỡi dao găm nhọn hoắt của tên đạp xích lô vào chở đồ đạc nhà mình. Cả hai người chết đều không nhắm mắt. Khi bàn tay anh vuốt cho bốn con mắt của đấng sinh thành xuôi xuống, ấy là lúc anh nở được một nụ cười. Khi nụ cười tắt, một chuỗi âm thanh phát ra từ cổ họng, nghe ấm ức như nước chun qua ống cống nghẹt.

Nhà tan nát không lâu, anh nhận giấy lên đường nhập ngũ. Chiến trường khốc liệt, máu đổ xương rơi đang đợi anh ngoài chiến địa. Kẻ vô danh tiểu tốt nầy vẫn biết mình còn có một quê hương đang lâm nguy. Thế là anh xông lên, không cần tiếng kèn thúc quân, không một mảy may nghĩ tới huy chương đeo ngực, vòng hoa quàng cổ. Đất nước mênh mông, tử địa mênh mông, anh lao tới phía trước. Cái lao tỉnh táo nhẹ tưng, như ngày xưa lao vào vú mẹ khi đói. Một chân anh bị đạn thù cắt ngang.

Người thương binh không còn ai thân thuộc để trở về, nên cấp trên lưu lại trong quân ngũ để chăn mấy con bò cho đại đội công vụ. Họ đặt cho anh một chiếc chân giả bằng nhôm nguyên chất tận Sài gòn để anh theo kịp những con bò trên đồi. Cỏ non xanh, lông bò vàng cùng với chân trời tím màu lửa khói ở phía xa hơn, vẽ nên một bức tranh mà chân dung anh ở giữa, trong thế đứng hiên ngang, chịu chơi. Anh coi bò như bạn, đặt cho chúng những cái tên mang địa danh mà đơn vị anh đã từng cố thủ một mất một còn.

Không ngờ, một ngày đẹp trời, chú A Sao đến lúc động tình, ngửng mỏ lên cao, hít cái mùi hoa tràm đậm đặc bay la đà, rồi tung một cú đá hậu tóe lửa vào cái chân còn lại của anh. Địch bắn đã đau, bò đá không thua. Cái đau cha mẹ chết, tình yêu tan bọt bèo, cộng với thân thể không giống ai. Đó là lúc anh thành người vô dụng, trở về trên con hẽm mùa đông.

***

Con hẻm chạy men theo bờ ao bao quanh Thành Nội. Dân ở đây đã bao đời sống bằng nghề cắt cổ nhổ lông gà vịt, mang ra các chợ bỏ mối hay đem giao tận các nhà hàng ăn uống. Từ sáng tinh sương, tiếng kêu thất thanh của đám gia cầm bị lôi cổ ra khỏi chuồng trở thành một bản hợp xướng xốn xang. Chính những bàn tay dính máu ấy, khi chiều xuống, giữa mênh mang sương khói, họ uốn lượn mái chèo, lách chiếc ghe đan len qua hằng hà búp sen non đang cố trồi lên mặt váng bèo. Rêu phong lớp lớp không ngừng phủ đắp lên thành quách lở. Biết bao triều đại đã đi qua mà cảnh sắc vẫn còn lơ lửng bên người.

Kẻ tật nguyền phờ phạc đến đây, nương náu dưới mái miếu âm hồn từ lâu không người hương khói. Công việc đầu tiên của anh là lấy mẻ sành khắc lên vách tên mấy chục đồng đội cùng chiến đấu ngày nào đã chết. Anh trở thành một nhà điêu khắc khéo tay, cẩn trọng, thành khẩn. Máu ứ trong tim óc đã lâu, nay chạy rần rật, chuyền qua đường khắc, tưởng như hồn thiêng sông núi rủ nhau lục tục kéo về.

Miếu âm hồn, nơi chuột bọ, nhện gián tung hoành lâu lắm, bỗng một sớm vang lời kinh nguyện và trầm hương nghi ngút. Không biết góp nhặt từ đâu, con người ngu ngơ, ít học ấy đã dệt được một bài kinh dài nghe ra não nùng, ai oán. Có lẽ, ngoài người sáng tạo ra, không ai hiểu hết ý nghĩa của kinh, chỉ biết khi nghe lòng rộn lên, hoài tưởng, một cảm giác an nhàn như mình đang sống trong thời bình, chưa có gì mất, không ai uy hiếp, bóng tối bị đẩy lùi không kèn không trống. Cùng với tiếng kinh ngun ngút tỏa, thời gian ngừng trôi, gió hết thổi, cây cối lặng yên, lũ chim bói cá mới thay bộ ngực màu cánh gián bằng lụa hoàng hoa bay về từng đàn đậu trên những nhánh sầu đông trụi lá. Bọn trẻ con bu tới chật ních sân am, người lớn đứng xa chỏng tai nghe. Tất cả đều bị bàn tay hộ pháp vô hình khống chế, ném vào thế bị động.

Người trong hẽm, từ lúc lọt lòng mẹ đã từng nghe quen tiếng gà vịt quang quác lúc bị chọc tiết hòa với tiếng sóng bì bõm chạm vào bờ ao lở, nay còn phải đối đầu với một thứ âm thanh quái đản. Có người buột miệng, hỏi:

“Để đuổi cô hồn gà, vịt chết oan à?”

“Không phải.”

“Đuổi ai?”

“Không đuổi ai hết.”

“Làm chi mất công. Nhổ lông gà vịt có tiền, được no.”

Đào Tường cười xòa, không hiểu người ta muốn nói gì. Từ ngày vào đây, anh chưa bao giờ đói. Bởi ngoài giờ kinh cầu cho đồng đội, anh còn huy động được một lực lượng toàn trẻ mồ côi nhặt lông quấn thành chổi đem đi bán dạo kiếm được tiền. Không biết học ở đâu, anh làm ra những chiếc chổi khá ngoạn mục. Có cái đơn giản như hoa xương rồng mới nở ngoài động cát, có cái mượt mà như đuôi chú sóc leo trên cành nhãn ló lên khỏi tường mốc bên kia, có cái rũ rượi cành liễu sang thu, có cái ăm ắp vui vẫy chào như hoa lau đồi xuân. Thiên nhiên đã vẽ sẵn nhiều màu sặc sỡ lên lông rồi, anh chỉ việc kết lại theo ý nghĩ của mình.

Chán kẻ cho anh là tên ma đầu làm đảo ngược trật tự xã hội. Đất nầy không phải là nơi dung thân của kẻ đầu đường xó chợ. Nếu không ra tay trừ khử trước đi, một ngày không xa, bọn trẻ mồ côi kia, sẽ công kênh hắn đi nghênh ngang trong phố phường như hảo hán, thì trở tay không kịp nữa. “Trở tay không kịp” ở đây, đối với họ là, tiểu thương chợ Đông Ba ngưng buôn bán. Những con đò từ thượng nguồn đến hạ lưu sông Hương tụ họp về để cho bọn gái giang hồ lộ diện. Rồi phố nọ phường kia chống cửa lên nhìn đứa con rơi của trời ngất ngưởng lên ngôi. Thế là anh bị tóm cổ vào ngục thất.

Luật pháp nương theo những lời tố cáo vu vơ trong thư nặc danh, kết tội anh vi phạm thuần phong mỹ tục, phóng uế bừa bãi trên con ao toàn liên hoa nở và xúc phạm trầm trọng đến những nơi thờ tự tôn nghiêm bởi những chiếc chổi lông gà do anh sản xuất có lông vịt lẫn lộn vào. Vịt là loài bản chất thích lặn hụp trong chốn bùn lầy, lông chúng tất phải dính cặn bã nhơ nhớp. Xưa nay, lũ quân tử tự xưng vốn cho vịt đạo đức giả, lừa đời, cố giữ mình thanh thản bơi trên mặt nước mà đôi chân thì chọi chí tử phía dưới.

Với một bản án lạ lùng như thế, nếu không phải là Đào Tường, thì sẽ té ngữa ra mà oán trời đất. Chỉ có anh là không. Trong nhà tù tối tăm, trong am miếu hoang vu, trong quán xiêu đụt mưa, trên chiến địa thắm máu hay trên đồi cỏ theo bò hâm hấp nắng nôi, cũng thế thôi. Đời! Xưa nay vẫn thế rồi! Ở tù được bốn năm thì nước mất. Vừa mới ra khỏi nhà lao, không biết đi đâu, thì người “phế binh chế độ cũ” bị một toán người xưa kia hoạt động nội thành cho kẻ thù xúm lại đánh một trận đòn nhừ tử. Họ không dùng báng súng, gậy gộc, mà dùng toàn cành cây long não bẻ bên đường đánh anh. Cho đến khi những chiếc lá tơi tả lìa cành đắp un lên mình anh một lớp dày, rồi bỏ đi.

Kẻ đánh cũng như người qua đường tưởng anh chết rồi. Nhưng anh không chết, anh nằm dưới mộ lá, một ngón tay còn cựa quậy được, anh vạch lá nhìn trời. Trời vẫn xanh biếc, có những áng mây rực rỡ bay qua. Khoảnh khắc dưới mộ lá, anh nghe quanh mình có tiếng dế mèn vọc đất. Thêm mấy chú chuồn chuồn rôm rả gọi nhau, cả những cô bướm đêm đi tìm cuộc tình mới mất ghé qua... Một thế giới mới rộn ràng, đang chuyển mình bôi xóa mọi thứ để chuẩn bị bước vào đêm đen. Trong mộ lá, anh nghe thì thào lời mẹ ru thuở còn nằm nôi. Mẹ ở đâu dưới tầng tầng đất dày nầy? Thịt xương mẹ đang trên đà huỷ hoại phát ra âm thanh như sấm rền. Và, một cuộc tình đã trôi đi lâu, mà con đò chở nó vẫn còn cắm neo gần bên.

***

Trong đám người ngơ ngác tới Mỹ những năm đầu tiên, ai ngờ có cả Đào Tường. Không biết bằng cách nào kẻ tật nguyền như thế lại vượt đại dương bao la để đến được đây. Thật quả không nhầm. Chính hắn. Một chân bị đạn cắt, chân còn lại móng bò cứa mấy đường gân làm cho cơ bắp co rút dị dạng. Bản mặt kia, chưa lặn phai vết đánh dập bầm của bọn nổi dậy. Cái nắm xương thịt bơ vơ kia vẫn đeo tòng teng theo một mớ bòng bong dĩ vãng. Hắn vẫn thế, vẫn mang nét mặt không buồn, không vui, từng ngày lê đôi nạng gỗ chênh vênh trên phố lạ.

Không it người phương đông xưa nay vẫn quen thói, hai tay luôn bận rộn, một chuẩn bị bưng bô cho kẻ có thể nhờ được đái, tay còn lại thủ sẵn ngọn lưỡi lê chực đâm vào mạng mỡ kẻ khốn cùng. Cả hai tư thế đều nhập nhằng, ba láp. Người ta lại hội họp nhau để lý giải về hiện tượng nầy. Có kẻ đã khàn cổ trước đám đông để định nghĩa hai chữ tự do và kết luận, con người như thế cũng đi tìm tự do chăng? Có kẻ sửng sốt hốt hoảng, muốn xô đẩy người cùng chủng tộc vào bước đường cùng, đưa cao hai tay lên trời khấn rất lâu, không biết họ xin gì với đấng vô hình?

Một ngày kia, có người ngồi trong quán rượu, lòng nhức nhối khi nghe tiếng nạng gỗ âm vang dưới hàng cây phong bên vệ đường, bỗng biến thành nhà văn, vội vàng trở về thư phòng thức suốt năm canh, nhiều đêm như thế, để viết về cuộc đời của một kẻ trôi sông lạc chợ không đủ can đảm kết liễu mạng sống, còn đến đây bêu xấu giống nòi. Đoạn cuối tác phẩm vĩ đại ấy, nhà văn hô hào, phải tìm mọi cách nắm chặt tay nhau hạ sát nhân vật chính trong truyện, thả xác hắn xuống biển. Trước khi thả, phải cột đá nặng vào thân, đừng cho trôi về cố hương. Rồi bọn họ họp nhau ở một quán cà phê, hí hửng ký vào biên bản thề không đội trời chung với hắn. Như khi xưa dưới mái âm hồn, đang ngủ có người đột ngột dựng cổ dậy hỏi những câu vu vơ, nay có người chận ngang đường, gay gắt:

“Ê, biết con rận có mấy chân không?”

Anh trả lời liền:

“Không.”

“Mầy dám mang rận từ Việt Nam qua đây, hả?”

Anh chưa kịp trả lời thì người hỏi đã bỏ đi. Y không nhổ nước bọt, nhưng quăng lui cái nhìn căm gan còn nặng ký hơn cả Lê Quýnh khi nhìn bọn Tàu đè đầu gọt tóc đám đồng liêu trên bước đường theo phò Lê Chiêu Thống. Tự do, có rồi. Người ta quay sang phục vụ cho bao tử. Điều nầy xem ra cực kỳ cấp bách, không châm chước. Men theo lối qủy đi, họ len lỏi rất thành thạo, bài bản. Đó là lúc, Đào Tường khám phá ra rằng, chính mình đã đem điều không vui cho kẻ lưu lạc cùng màu da. Anh không biết con rận có mấy chân, nhưng biết nó hút máu người để sống. Và, “con rận” mà người ta cho là anh mang theo ấy chỉ là chú bọ dừa vui tính, vừa mới từ cành phong đỏ ối phóc qua, bám vào cổ áo anh. Một con cá sợ chết đuối. Đám bồ nông còn lượn vòng quanh.Thế là anh bỏ đi.

Ngày đi, trời đất nặng chĩu. Anh buồn lắm, mắt rân rấn chực khóc. Thêm một lần nữa, bất đắc dĩ phải xa nơi mình muốn sống, còn phảng phất một chút hơi hám quê nhà. Người Mỹ không vô tâm như ta tưởng. Cha ông họ khi đến đây, trên vai đã cồng kềnh mớ hành trang đầy hoài nghi và khát vọng tìm kiếm. Họ hăng hái khai quật những gì chưa phơi bày. Khi giấc mộng chinh phục vũ trụ đã có, họ chuyển hướng sang lục lọi những điều bí ẩn trong con người. Họ đánh mùi rất nhạy trước những hiềm khích của đám dân thiểu số bị nghịch cảnh lùa đuổi tấp dạt đến đây. Trường hợp một người Việt Nam mình mang đầy thương tích, bị đồng hương đòi cột đá ném xuống biển đã làm cho họ chú ý. Cuối cùng họ tìm ra manh mối.

Hắn là ai? Câu trả lời vô cùng kinh ngạc. Lòng họ chùng xuống, vội vã cám ơn Thượng Đế đã cứu vớt nhân loại qua hình ảnh một con người từ chóp núi bị xô té lăn cù xuống vực. Trên đường rơi, bị xóc biết bao mũi đá, hốc cây, vẫn còn được sống, tâm hồn yên ổn. Họ vui mừng khôn xiết, sau khi khám phá ra rằng, bầy người có thể tồn tại khi thân xác bị liên tiếp những vết thương trong chiến tranh, mà đất nước họ kéo cái đuôi lê thê trong nỗi khiếp đảm từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Anh, là một câu giải đáp cho toàn bộ những thắc mắc về hội chứng sau cuộc chiến bỏ cuộc giữa đường, mà lâu nay tốn kém không biết bao thì giờ, giấy mực, tiền bạc và tệ hại hơn, mầm mống tranh chấp quyền lực từ đó nẩy sinh.

Đào Tường khi không nổi tiếng như cồn. Từ nơi trốn đồng hương ở thị trấn hẻo lánh miền Bắc, nhiều cơ quan từ thiện, hội đoàn, hội thánh, trường học, trại huấn luyện quân sự, nhà săn sóc kẻ bị bệnh tâm thần... đã đưa anh lên xe không mui, chạy chậm qua những phố xá chật ních. Có người mất chồng, mất con ở sông núi xa xôi kia, không kềm được cơn xúc động, nhảy lên xe, ôm hôn anh, như hôn một người thân từ cõi chết về.

“Thượng Đế còn làm phép lạ”. Đó là câu thuyết minh dưới tấm hình anh đang nở nụ cười tươi đăng trên trang nhất báo chí, mở màng cho chiến dịch rộng lớn, mang anh đi diễn thuyết khắp nơi. Chỉ nhìn con người ấy, trí óc người khác nẩy sinh ra trăm ngàn đề tài lạ. Dưới mái trường đào tạo mầm non của đất nước, các vị giáo sư không cần phải lên bục giảng. Nhìn thấy anh, đám học trò cũng hiểu rằng, ý chí con người sẽ thắng vượt tất cả, thân bại mà tâm không liệt, là anh hùng thứ thiệt, học lấy. Trong các giáo đường, nhà nguyện, các vị chủ chiên không cần phải đọc Thánh Kinh. Nhìn anh, bổn đạo đã thành tâm hối cải, bởi tội lỗi của thiên hạ không chỉ đóng đinh một mình Chúa Cứu Thế, mà đóng đinh nhiều người.

Sau cùng người ta dẫn anh đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đứng thật lâu dưới bức tường tưởng niệm. Anh cúi đầu xuống thấp, xòe năm ngón tay vuốt lớp bụi phủ nhòa tên tuổi chiến sĩ tận vong. Cử chỉ anh thận trọng, đẫm buồn thương, y như ngày nào vuốt mắt cha mẹ, y như mới đây nhẹ nhàng phủi chú bọ dừa trên cổ áo. Chú bọ dừa bị “chụp mũ” kia bay quanh quanh giữa trời một lúc rồi chìm trong màn sương. Qua thông dịch viên, anh nói với đám đông:

“Chỉ có những người nầy, không bỏ nước tôi mà đi...!”

Anh muốn nói thêm điều gì nữa nhưng cổ đã nghẹn. Những người chung quanh cho anh nói chừng đó đủ rồi. Đủ rồi, một đám mây ùn ùn chở đầy hồn vía tả tơi của hơn năm vạn sinh linh chết bờ chết bụi trên đất nước Việt Nam nhỏ bé bay về. Với đầu óc thực tế, người Mỹ không chỉ đối với một nhân vật mà họ coi như tấm gương soi chung có thế. Cứ mỗi lần họ mời anh ra giữa đám đông là mặc cho anh một chiếc áo mới nhiều túi, có tua ren vàng, thêu hình cánh chim đại bàng bằng kim tuyến đang tung bay. Nếu người ta tặng anh cành hoa hồng thì thế nào cũng có những tờ Mỹ kim quấn vào đó. Thế là chẳng bao lâu, anh trở thành một người giàu to. Cơ trời lại một lần nữa biến hóa khôn lường, không ngờ.

***

Con đường leo lên đồi đến nhà Đào Tường ngày nay mòn nhẵn dấu chân người. Không biết ai đến với anh và đến làm gì nhiều thế? Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất. Từng buổi chiều Đào Tường ngồi đưa đôi mắt lạc loài nhìn xuống đồi, lòng tan nát. Một bức tường vô hình xuất hiện bốn phía, chỉ trổ cho anh một cánh cửa tò vò để nhìn về quê nhà. Tổ quốc ngàn dặm xa, không biết ở hướng nào?

HỒ MINH DŨNG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12294)
(Xem: 13836)
(Xem: 15107)
(Xem: 14679)
(Xem: 14672)
(Xem: 15273)
(Xem: 14115)
(Xem: 13867)
(Xem: 13903)
(Xem: 14792)