- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (Phần 2)

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9212)
C. CHIẾN DỊCH MÙA THU 1947 (LÉA-CEINTURE):

Ngày 7/10, Pháp mở chiến dịch “Léa” (10-11/1947) tấn công Việt Bắc. Léa là tên một ngọn đèo cao 1,362 mét trên đường số 3, giữa Nguyên Bình (Cao Bằng) và Bắc Kạn. Lực lượng mũi nhọn là các toán biệt kích Dù được thả xuống ngay tỉnh lỵ Bắc Kạn và thị trấn Chợ Mới, nhằm chộp bắt cơ quan đầu não của chính phủ Hồ. Tuy nhiên, Hồ đã sớm di tản đến một khu vực khác. Trường Chính Đặng Xuân Khu đang chủ tọa một buổi họp tại Bắc Kạn kịp thời trốn xuống hầm trú ẩn. Chỉ có Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng không bộ nào, bị bắt sống và tình nghi là chính Hồ. Ngoài ra, còn có phụ tá của Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính, cùng một số nhân viên thứ hạng khác.

Ngày 7/10, Pháp cũng chiếm được Tong và Sơn La. Nhưng hai mũi chủ lực Pháp gồm một cánh thiết giáp có Bộ binh tùng thiết di chuyển từ Lạng Sơn lên Cao Bằng trên đường số 4, dưới quyền Trung tá Beaufré; và một đoàn giang hạm, mang theo hai tiểu đoàn Bộ binh, do Communal chỉ huy, từ Hà Nội ngược sông Hồng lên sông Lô, rồi sông Gầm. Hai cánh quân này sẽ như hai gọng kìm vây chặt an toàn khu Việt Minh, phá hủy đài phát thanh, các kho tàng, tiêu diệt chủ lực, và yểm trợ việc thiết lập các tiền đồn dài theo biên giới để cắt đứt đường tiếp vận của Trung Hoa. Điểm hẹn là Đài Thị, đông bắc Chiêm Hoá 12 cây số.

Vì mực nước sông Hồng lên cao, hai ngày sau, cánh quân hỗn hợp thủy-bộ của Đại tá Commumal mới từ Hà Nội ngược sông Hồng lên sông Lô, hướng về Tuyên Quang.

Trong khi đó Nhảy Dù tiếp tục truy kích hàng ngũ lãnh đạo Việt Minh. Ngày 9/10, Tướng Salan thả thêm 300 quân Nhảy Dù ở phía Đông Nam Cao Bằng, tăng cường cho lực lượng cơ giới của Beaufré. Một chiếc Junker 52 bị bắn hạ. Đại tá Lambert, Tham Mưu Phó của Salan, cùng 10 sĩ quan tùy tùng bị tử nạn. Việt Minh tịch thu được toàn vẹn kế hoạch hành quân Lea, và 4 ngày sau chuyển về Bộ Tổng Tư lệnh của Võ Nguyên Giáp.

Ngày 13/10, Nhảy Dù Pháp chiếm Bắc Kạn, Cao Bằng; 20/10, chiếm Yên Báy; 21/10, chiếm Chapa; và 30/10, chiếm Lào Kay.

Ngày 20/11/1947, Salan mở thêm chiến dịch Ceinture [Vòng Đai hay Thắt Lưng]. Đây là giai đoạn II của chiến dịch Việt Bắc. Chiến dịch này nhằm lùng bắt cho bằng được cơ quan đầu não của Việt Minh (tại khu vực núi đá Đình Cả) và phá nát căn cứ địa trong khu vực tứ giác Tuyên Quang-Thái Nguyên-Việt Trì-Phủ Lạng Thương. 9 tiểu đoàn từ Hải Dương tiến lên tảo thanh phía Đông, Đông Bắc và chính Bắc Hà Nội. Đồng thời lập thế cản để đón đường các đơn vị từ phía rút Bắc về.

Ngày 19/12/1947, Chiến dịch mùa Thu của Salan chấm dứt. Mặc dù có những thắng lợi đáng kể, Salan không đạt được mục tiêu chiến lược. 60,000 quân Pháp cùng giang hạm, không quân và thiết giáp chỉ có thể tịch thu và phá hủy một số kho tàng của Việt Minh cùng ba trạm phát tuyến. Mục tiêu chính, tức toàn bộ chính phủ Hồ, đều chạy thoát. Đài phát thanh Việt Minh tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, những đợt phản công của Việt Minh gây tổn thất đáng kể cho lực lượng Nhảy Dù Pháp.( 76)

Đáng sợ hơn nữa, từ ngày 12/10, Hồ ra lệnh “tiêu thổ kháng chiến.” Làng mạc bị thiêu hủy. Đường xá, cầu cống bị phá hoại. Nền kinh tế quốc gia ngày một phá sản. Qua đầu năm 1948, tuyến giao thông từ Lào Kay tới Cao Bằng của Việt Minh trở lại tình trạng tự do như cũ.( 77)

Tại miền Nam, việc điều quân Pháp ra Bắc tạo cơ hội cho Việt Minh tăng gia hoạt động. Mặc dù Việt Minh không tạo được chiến thắng lớn nào, những vụ phá hoại đồn bót, cầu cống, ám sát, thủ tiêu diễn ra khắp nơi. Hai vụ ám sát gây tiếng vang nhất là cái chết ngày 10/10/1947 của Nguyễn Văn Sâm (1898-1947) tại Sài Gòn và Trương Đình Tri ở Hà Nội.( 78)

D. THỎA ƯỚC HẠ LONG 6-7/12/1947:

Như mũi tên đã rời khỏi giây cung, thí nghiệm Bảo Đại tiếp tục chu trình tiến hoá. Báo chí Paris nhập cuộc. Ngày 18/11/1947, Le Monde đăng bài của André Blanchet, đề nghị trả độc lập cho một nước Việt Nam độc lập dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại. Các đoàn thể, tổ chức chống Cộng người Việt chuẩn bị đón Bảo Đại về nước. Quan trọng hơn, Bollaert quyết định gặp Bảo Đại để thương thuyết. Ngày 6-7/12/1947, hai bên gặp nhau ở Hạ Long. Bollaert ký với Bảo Đại một tạm ước [protocol], theo đó, Bảo Đại sẽ trở lại Đông Dương thành lập chính phủ thống nhất ba miền. Việt Nam sẽ được trao trả độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Về ngoại giao, Pháp sẽ chịu trách nhiệm, nhưng sẽ đưa viên chức Việt vào ngạch ngoại giao. Về quốc phòng, Việt Nam có quân đội riêng, nhưng quân đội này phải hứa sẽ tham chiến trong khối LHP. Quan trọng nhất là mật ước Pháp sẽ ngưng thương thuyết với Hồ.( 79)

Ngày 12/12, Bollaert về Pháp báo cáo. Ba ngày sau, 15/12, Paris tuyên bố sẽ cho Bollaert “toàn quyền hành động và thương thuyết cần thiết để tái lập hoà bình và tự do tại Việt Nam.” Bản tuyên cáo này nhấn mạnh rằng vì Hồ đã bác bỏ đề nghị của Bollaert trong diễn văn ngày 10/9 tại Hà Đông, Pháp đã ngưng mọi nỗ lực thương thuyết với Việt Minh. Bốn ngày sau nữa, 19/12, Tướng Xuân qua Hong Kong yết kiến Bảo Đại. Ngày 23/12, chính phủ Pháp lại ra tuyên cáo là thể theo lời yêu cầu của Paul Coste-Floret, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, Bollaert được phép xúc tiến việc thương thuyết với tất cả các phe phái ở Việt Nam.

Trong khi đó, chính phủ Truman bắt đầu lo ngại về sự sụp đổ của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Trung Hoa lục địa. Tướng Marshall được gửi qua Trung Hoa, hy vọng tìm một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quyết định ngả theo Nga, công kích mãnh liệt chính sách Mỹ. Bầu không khí chiến tranh lạnh khiến Mỹ chú tâm hơn đến Đông Dương, trực tiếp ủng hộ cuộc tái xâm lăng Việt Nam của Pháp.

Ngày 29/12/1947, báo Life đăng bài “The Saddest War” [Cuộc chiến buồn thảm nhất] của William C. Bullitt, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp và Liên Sô, cổ võ việc trao trả độc lập cho Việt Nam theo kiểu Philippines; giao phó cho người Việt quốc gia chân chính [true nationalists] trách nhiệm lôi cuốn những phần tử quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh và tập sự cai quản đất nước. Mặc dù không nhắc đến Bảo Đại, và cũng chỉ đăng hình Bollaert cùng Hồ, “phần tử quốc gia” mà Bullit nhắc đến được diễn giải như Bảo Đại. Thực ra, Bullitt chỉ đề nghị duy trì một chế độ chống Cộng thân hữu ở Đông Dương.( 80)

Từ ngày 7/1/1948, Bollaert và Bảo Đại lại bắt đầu gặp nhau tại Geneva để thương thuyết về điều kiện hợp tác. Nhưng hai bên không đạt được kết quả nào. Một mặt, vì mặc cảm trước sự công kích, chửi rủa tục tằn của hệ thống tuyên truyền Việt Minh Cộng Sản, Bảo Đại nói không thỏa mãn với những điều thỏa thuận tại Hạ Long, và đòi nhiều nhượng bộ hơn. Mặt khác, Bảo Đại không tin tưởng Bollaert, và lo ngại mình đang trở thành con cờ của Pháp trong việc hoà đàm với Việt Minh. Bởi thế, thương thuyết tạm ngưng sau ngày 12/1.

Để trấn an Bảo Đại, ngày 29/1/1948 Pháp bắt giam Blokov Trần Ngọc Ranh, trưởng phái đoàn VM ở Paris. Hôm sau, 30/1, Bollaert tuyên bố là Pháp nhất định không thương thuyết với Việt Minh nữa. Nhờ vậy, hai bên lại bắt đầu nói chuyện ngay tại Paris từ 5 tới 10/2. Nhưng Bảo Đại vẫn còn do dự chưa muốn về nước. Sau khi ghé ngang Cannes, Bảo Đại qua Geneva, và tuyên bố sẽ về lại Hong Kong vào tháng 3/1948, đồng thời hủy bỏ cuộc họp dự trù ngày 13/2/1948 (tức mồng 4 Tết Mậu Tý).( 81)

E. “KHO VŨ KHÍ CỦA THẾ GIỚI TỰ DO”:

Từ năm 1947, Ngô Đình Diệm đã liên lạc với viên chức Mỹ, xin viện trợ. Đây chẳng phải là sáng kiến mới mẻ gì của họ Ngô. Hầu hết chính khách Việt đều nhận rõ vị thế siêu cường của Mỹ, nhưng không có đường giây móc nối như anh em họ Ngô. Ngay chính Hồ cũng đã hoạt động cho Sở tình báo chiến lược [OSS] Mỹ trong hai năm 1944-1945, và lực lượng võ trang đầu tiên của Việt Minh được OSS Mỹ trang bị và huấn luyện. Hồ còn được đặt cho bí danh Lucius. Điều khiến Mỹ e ngại, và cuối cùng theo đuổi chính sách “hands-off” [không nhúng tay] khi Pháp tái xâm lăng Việt Nam là thành tích hoạt động cho QTCS của Hồ. Việc Hồ quyết định giải tán Đảng CSĐD từ ngày 11/11/1945 vẫn chưa đủ thuyết phục các viên chức Mỹ–những người vẫn chủ trương chỉ có Âu Châu mới đáng chú tâm hàng đầu.( 82) Dẫu vậy, trong hai năm 1945-1946, chính phủ Truman vẫn dành cho Hồ và Việt Minh đôi chút thiện cảm. Có lẽ nhờ sự can thiệp của Mỹ, Moutet đã đồng ý ký modus vivendi ngày 14/9/1946 cho Hồ an toàn trở lại Việt Nam vào hạ tuần tháng 10/1946. Hơn một tháng sau, dù biết rõ liên hệầ giữa Hồ với QTCS, Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn chỉ thị cho đặc sứ Moffat tìm cách gặp Hồ để giải quyết sự khác biệt Việt-Pháp bằng đường lối ngoại giao.( 83)

Sau khi Bollaert ký thông cáo chung Hạ Long (6-7/12/1947) với Bảo Đại, ngày 21/12, Diệm cùng Trần Văn Lý lên Hong Kong gặp cựu hoàng. Trước khi qua Geneva ngày 24/12, Bảo Đại ủy Diệm về nước tham khảo ý kiến các phe phái để thành lập chính phủ thống nhất. Diệm từ chối vì những nhượng bộ của Pháp quá ít. Ngày 26/12, Diệm trở lại Sài Gòn chờ đợi tình thế chuyển biến.

Điều ít ai biết là phía sau hậu trường, ngày 24/12/1947, Diệm bí mật gặp Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong là George D. Hopper, trình bày về nội tình VN và giải pháp Bảo Đại. Mục đích chính của “Giệm,” theo Hopper, là xin viện trợ Mỹ. Hopper chỉ ghi nhận mà không hứa hẹn gì.( 84)

Tại Việt Nam, đa số các chính khách chống Cộng đã tạm thời thỏa mãn. Ngày 25/12, mặc dù không ưa Xuân, Hoạch thành lập Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp để ủng hộ “giải pháp Bảo Đại.”( 85)

Riêng Diệm, qua đường giây Giám mục Thục, tổ chức một nhóm chống Cộng thân Mỹ. Tại miền Bắc, Diệm có những thân hữu cũ như Trần Trung Dung, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đình Thuần, v.. v... Tại miền Trung, Trần Văn Lý thành lập Đảng Xã Hội Công Giáo. Tại miền Nam, Diệm được Nguyễn Phước Hậu, Bertin, Nguyễn Bửu, Trần Tử Hoàng, v.. v... yểm trợ.( 86)

Tuy nhiên, vai trò Diệm bị lu mờ trước những khuôn mặt được Pháp chọn lựa. Một trong những lý do là thành tích hợp tác với Nhật của Diệm.

Chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 25/5/1948 của Hồng y Francis Spellman mở thêm đầu mối liên hệ với Mỹ cho anh em Diệm. TGM Sài Gòn, Cassaigne, mời Thục tham dự buổi tiếp đón Spellman.( 87) Trong tháng 6/1948, Trần Văn Lý chính thức thành lập Đảng Xã Hội Công Giáo, do Thục bảo trợ. Diệm được coi như lãnh tụ tối cao của đảng này.( 88) Tại Đà Lạt, Nhu cùng nhóm Linh mục Parrell tụ họp hạt nhân đầu tiên của chủ thuyết “Nhân vị.” Thuyết này dựa theo thuyết Personalisme [Nhân vị] của Emmanuel Mounier, đặt trên cơ bản thần quyền Ki-tô giáo.

F. CHÍNH PHỦ LÂM THỜI & THỎA ƯỚC HẠ LONG II (5/6/1948):

Trong khi đó, tại nội địa, các chuẩn bị cho Bảo Đại hồi hương vẫn tiếp tục. Ngày 27/1/1948, Cao Đài và Hoà Hảo ký hiệp ước tương trợ. Ngày 8/2, Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp [Rassemblement National Vietnamien] họp ở Huế.

Sau khi chính phủ Ramadier khẳng định vẫn tin cậy Bollaert trong việc thương thuyết với Bảo Đại, cuối tháng 2/1948, Diệm lại qua Hong Kong. Ngày 14/3, Bảo Đại về tới Hong Kong. Sau đó, tiếp kiến Chủ tịch các Hội Đồng An Dân Hà Nội và Hội Đồng Chấp Chánh Huế. Tướng Xuân và Lê Văn Hoạch cùng những người khác yêu cầu Bảo Đại xúc tiến nhanh hơn việc thương thảo. Xuân cũng đồng ý thống nhất 3 miền.

Đại diện Hoà Hảo-Dân Xã là Trần Văn Soái, Lê Văn Kính (tức Lương Văn Tường, Lương Trọng Tường hay Kinh Lý Tường), Phan Khắc Sửu và Nguyễn Hữu Đạt (?)qua Hong Kong gặp Bảo Đại từ ngày 19 tới 26/3/1948. Bởi thế, Bảo Đại sai Diệm về Sài Gòn báo cho Bollaert biết là “Nguyện vọng của dân Việt vượt quá những điều ký kết ở Hạ Long.”( 89)

Mặt khác, ngày 26/3, Bảo Đại viết thư cho đại diện những đoàn thể chính trị và tôn giáo, khẳng định chấp thuận việc thành lập chính phủ lâm thời trung ương để thương thuyết với Pháp. Cuối tháng 4/1948, Xuân qua Hồng Kông gặp Bảo Đại; được Bảo Đại chấp thuận cho lập chính phủ trung ương lâm thời. Đầu tháng 5/1948, Paris phê chuẩn việc Xuân làm Thủ tướng, và sẽ trực tiếp ký Hiệp ước với Bollaert, với sự “chứng kiến” của Bảo Đại.( 90)

Ngày 15/5, Bảo Đại gửi thông điệp cử Xuân đứng ra thành lập Chính phủ trung ương lâm thời.( 91) Năm ngày sau, 20/5, một nhóm 37 người, có cả Phạm Công Tắc, họp Đại hội tại Sài Gòn, ký quyết nghị “Vâng thánh ý” lập Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam. Tại Đại hội này, các đại diện ra tuyên cáo: Việt Nam là một nước đồng minh mà không phải “liên hiệp” [associés]; VN có quyền gửi các lãnh sự ngoại giao; VN có những nhân viên ngoại giao ở hải ngoại; VN có thể được các nước ngoài nhìn nhận, mà như thế được tình trạng “dominion” như của Bri-tên.( 92)

Ngày 21/5/1948, chính phủ Trung ương Lâm Thời thành hình. Hai ngày sau, 23/5, Nguyễn Văn Xuân ký Sắc lệnh số 1, thành lập “Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam,” do Xuân “chủ tọa.”( 93) Ngày này, Bollaert và Xuân trao đổi văn thư về việc thành lập chính phủ trên. Bốn ngày sau, 27/5, Xuân trình diện chính phủ lên Bảo Đại ở Hong Kong.( 94) Ngày này, Robert Schumann “ghi nhận” sự thành lập chính phủ Xuân. Ngày 1/6/1948, Xuân công bố danh sách chính phủ. (95)

Ngày 3/6, khi Xuân ra trước Hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ, yêu cầu được yểm trợ trước khi đi Hạ Long, Đảng Quốc Gia Độc Lập, mới thành lập, công kích Xuân là bán đứng Nam Kỳ. Dẫu vậy, ngày 5/6/1948, Bollaert và Xuân cùng các đại diện chính quyền ở ba miền (Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí [Bắc], Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng [Trung], và Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch [Nam]) gặp nhau trên chiến hạm Duguay-Trouin, “dưới sự chứng kiến” của “đế “ Bảo Đại. Sau đó ra Tuyên ngôn chung (Déclaration Commune) 3 điểm; theo đó, điều 1 xác định: “Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi nước Việt Nam. Về phần mình, nước Việt Nam tuyên bố chịu gia nhập vào Liên Hiệp Pháp với danh nghĩa một quốc gia đồng hội với nước Pháp.”( 96)

Ngoài Tuyên Ngôn Chung nói trên, còn có một phụ bản mật, với nội dung tương tự như mật ước ngày 7/12/1947. Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân và Bollaert cũng ra ba tuyên cáo riêng lập lại những điều căn bản trên.( 97) Ngay sau đó, Bảo Đại rời Hong Kong qua Paris.

Ít nữa thì Hiệp ước Hạ Long cũng mang lại vài tin vui. Điều khiến Pháp hài lòng nhất là ngày 17/6/1948, Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, mang quân về hợp tác với Bảo Đại. Ngày Chủ Nhật, 1/8/1948, Xuân bổ nhiệm Bảy Viễn làm Đại tá tạm thời, tùng sự dưới quyền Trần Văn Hữu.( 98)

Để làm vui lòng giáo phái Hòa Hảo, Xuân cử Lê Công Bộ làm Thứ trưởng Nội vụ, và ngày 26/6/1948, phong Trần Văn Soái lên Thiếu tướng thực thụ.

G. HIỆP ƯỚC ELYSEE (8/3/1949):

Mặc dù đã ký Hiệp ước Hạ Long II, dư luận Pháp vẫn chưa muốn trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Bollaert rất bất mãn, tuyên bố chỉ trở lại Việt Nam nếu Quốc Hội Pháp công nhận thỏa ước này. Ngoại trưởng Marshall nỗ lực can thiệp, nhưng cả hai chính phủ Robert Schumann và André Marie đều ngần ngại.( 99)

Trong khi đó, Bảo Đại không chứng tỏ dấu hiệu nào sẽ về nước ngay. Có nhiều nguyên do. Trước hết là phản ứng dữ dội của phe Việt Minh Cộng Sản. Ngay trong ngày 7/6, Hồ đã gay gắt phản đối việc “bọn bù nhìn” [fantoche] ký kết hòa ước với bất cứ nước ngoài nào. Cơ quan tuyên truyền Việt Minh cũng phát động chiến dịch bôi nhọ từ Bảo Đại tới những người khác trong chính phủ Xuân. Việt Minh cũng gia tăng hành động khủng bố –kể cả chôn sống–để ngăn chặn phong trào về tề.( 100) Xuân và các cộng sự viên cũng bị lên án tử hình.

Mặt khác, Bảo Đại vẫn nhấn mạnh đòi hỏi thống nhất lãnh thổ và độc lập thực sự.( 101)

Quan trọng hơn cả là sự chống đối của thành phần bảo thủ Pháp. Theo một viên chức Mỹ, Phụ tá Tây Âu Vụ Bộ Ngoại Giao Mỹ, Wallner, chính phủ Schumann đang chuẩn bị ra điều trần về ngân sách quân sự và quĩ yểm trợ kinh tế trước khi QH tái nhóm ngày 15/7, nên có lẽ chẳng dám ném ra thỏi thuốc nổ Đông Dương. Trong khi đó tại QH các đảng Cộng Sản, Gaullist và PRL chắc chắn sẽ chống đối. Số dân biểu Xã Hội chống lại có lẽ không nhiều, mặc dù nghị quyết về vấn đề thương thuyết với HCM đã thông qua. Có lẽ Schumann sẽ không đưa vấn đề ra trước Quốc Hội, nhưng Bollaert thì nhất quyết đòi Quốc Hội thảo luận, hoặc sẽ từ chức. Wallner đề nghị Marshall nên cảnh giác chính phủ Schumann là Pháp đang đối diện hai con đường: chấp nhận ngay nguyên tắc Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp và thống nhất ba kỳ; hoặc, sẽ mất cả Đông Dương.( 102)

Thêm vào đó, ngày 28/8/1948 chính phủ André Marie (26/7-28/8/1948) bị đổ. Ngày 11/9, Henri Queuille được cử lập chính phủ mới, với Schumann làm Ngoại trưởng, Ramadier nắm Quốc Phòng. Tháng 10/1948, Bollaert về nước. Ngày 20/10, Queuille cử Léon Pignon làm Cao Ủy Đông Dương.( 103) Pignon vội xúc tiến ngay việc thương thuyết với Bảo Đại, vì lúc này áp lực của Liên Bang Mỹ ngày một mạnh.( 104)

Những chiến thắng liên tiếp của Mao Trạch Đông tại lục địa khiến Pháp hối hả hơn trong việc thực hành thí nghiệm Bảo Đại. Ngày 22/1/1949, Tưởng Giới Thạch từ chức, rồi bay ra Đài Loan. (Lý Tôn Nhân lên thay). Đang điều đình với Bảo Đại, Chủ Nhật, 24/1/1949, Cao ủy Pignon phải hối hả bay về Đông Dương đối ứng tình thế mới. Đầu tháng 2/1949, Đảng CSTQ chiếm Bắc Kinh.

Biến cố này khiến thương thuyết Pháp-Bảo Đại vượt nhanh qua những trở ngại kỹ thuật. Ngày Thứ Tư, 17/2/1949, Bửu Lộc, Chánh văn phòng của Bảo Đại, từ Cannes về Paris. Buổi tối, Lộc cho Đại sứ Mỹ Caffery biết rằng Bảo Đại sẽ được Tổng thống Pháp Vincent Auriol mời lên Paris ký Hiệp ước vào tuần sau, và trở về Việt Nam bằng tàu chiến vào đầu tháng 4/1949.( 105)

Ngày 25/2, chính phủ Pháp cho báo chí Paris công bố nội dung thỏa ước Pháp-Bảo Đại. Rồi, ngày 8/3/1949 Auriol trao đổi công hàm với Bảo Đại, theo đó “Pháp long trọng công nhận” một nước Việt Nam độc lập và dân chúng có quyền tự do quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình, theo tinh thần Hiệp ước Hạ Long, kèm theo một phụ bản các điều thỏa thuận với Pignon.( 106)

Phía sau hậu trường, Bộ trưởng Hải ngoại Coste-Floret vận động Quốc Hội Pháp biểu quyết cấp thời một sắc luật thành lập một Hội đồng Lãnh thổ Nam kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine, HĐLTNK), gồm 12 đại diện Pháp và 24 đại diện Việt, để quyết định số phận Nam Kỳ. Viên chức Pháp cũng giữ kín nội dung “Hiệp ước Elysée” tới ngày Bảo Đại về nước, dự trù vào 25/4/1949 để có một “kích xúc tâm lý” (choc psychologique).( 107)

Ngay ngày Thứ Năm, 9/3, Quốc Hội Pháp bắt đầu thảo luận về Thỏa ước Elysée và nhất là vấn đề Nam Kỳ. Báo Franc-Tireur của Đảng Xã hội Gaullist đăng một lá thư đề ngày 17/1/1949 của Guy Mollet gửi Thủ tướng Queuille: Bác giải pháp Bảo Đại, và kêu gọi thương thuyết với Hồ. Theo dân biểu Jean Guillon, “Giải pháp quân sự không thể thắng; Bảo Đại chẳng có một chút uy thế nào ở Việt Nam. Việt Nam đứng sau lưng Hồ Chí Minh. Trước tiên phải thương thuyết với Hồ Chí Minh.”( 108)

Hôm sau, 10/3, nhiều dân biểu Cộng Sản và Gaullist tiếp tục phản đối. Dân biểu Guillon cho đó là “sự sao chép vụng về của Hiệp ước [sơ bộ] 6/3/1946, chỉ là một thứ hình thức (facade).” Việc làm của Coste-Floret, theo Guillon, “thiếp vàng lại một ông vua mất chức, được biết nhiều ở các sân golf tại Cannes hay những tay bồi rượu ở các hộp đêm hơn là trong lớp nông dân.”( 109)

Guillon cũng cho rằng chính phủ Pháp đã chịu áp lực của Mỹ, đề cập đến chuyến thăm Đông Dương của Bullit, cựu đại sứ Mỹ ở Paris, vào tháng 9/1948; rồi cảnh cáo rằng thanh niên Pháp đang bị giết để bảo vệ quyền lợi kinh tế của My.ờ Theo Guillon: “Thực ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh không làm hài lòng ông Bullit, vì trong thời gian Nhật đầu hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối những đề nghị do Tướng Gallagher nhân danh Washington đưa ra.” Guillon cũng dẫn lời của Cuisinier, trên báo Revue socialiste [Tạp chí Xã hội] số tháng 7/1948, nhận định về Hồ:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qui tụ được những người quốc gia không đảng phái cũng như một số đông những người Ki-tô giáo yêu nước. Chống lại ông ta chỉ có cựu quan lại, cựu công chức, vài trưởng giả giàu có–mà không phải tất cả họ–và những cá nhân, dưới chế độ Nhật cũng như Pháp, đã nghĩ đến sự gia tăng quyền lợi bản thân mà họ có thể rút ra từ phe này hay phe kia, dù không vì bất cứ phe nào, trước khi nghĩ đến tổ quốc hay việc bảo vệ một lập trường chính trị.” (110)

Guillon còn dẫn lời cựu Thủ tướng Léon Blum, trên báo Le Populaire ngày 6/8/1947:

“Thưa vâng, người ta phải thương thuyết với những đại diện thực (authentiques) và xứng đáng (qualifiés) của dân chúng Việt Nam, bất kể họ là ai, bất kể chính kiến hay cá nhân nào. Vâng, Hồ Chí Minh chưa chết, dù ai có nói gì đi nữa, ông ta còn sống, đã tiếp kiến ông Paul Mus, đã gửi cho tôi một công hàm ít ngày trước, là đại diện chính thức và xứng đáng của dân chúng Việt Nam.”( 111)

Dẫu vậy, ngày Thứ Bảy, 11/3, Quốc Hội Pháp chấp thuận lập Hội đồng Lãnh thổ Nam Kỳ [HĐLTNK] với số phiếu 387/193. Dự thảo luật này chuyển lên Thượng viện (Conseil de la République) để biểu quyết ngày hôm sau. Ngày Chủ Nhật, 12/3, Thượng Viện Pháp, với số phiếu 185/97, chấp thuận dự luật thành lập HĐLTNK với vài sửa đổi. Sau đó, gửi trả lại Hạ Viện. Hạ Viện chấp thuận. Luật này được in trên Công báo [JOF] ngày 24/3/1949. Thủ tục này dựa theo Điều thứ 75 của Hiến pháp: Một phần lãnh thổ của Cộng Hoà Pháp hoặc Liên Hiệp Pháp có thể biến đổi, do Luật của Quốc Hội, sau khi đã tham khảo với Hội nghị địa phương và Hội đồng Liên Hiệp Pháp. Như thế, theo Điều 27 của Hiến pháp, không cần phải trưng cầu dân ý (referendum). Thứ Ba, 14/3/1949, Pháp ban hành Luật tổ chức HĐLTNK. Hội đồng gồm 16 Pháp (12 nghiệp đoàn, thương gia; 4 tự do) và 48 Việt (8 Sài Gòn, Chợ Lớn; 40 cho các tỉnh). Ngày 23/3, ban hành Nghị định áp dụng luật ngày 14/3/1949 tại Đông Dương. Ngày 10/4, HĐLTNK bầu xong, gồm 54 thành viên, 14 Pháp và 40 Việt. Ngày 24/4, HĐLTNK đồng ý tái nhập Nam Kỳ vào Việt Nam.( 112) Ngày 24/4/1949, Bảo Đại lên đường về nước. Bốn ngày sau, 28/4, Bảo Đại từ Singapore về tới Sài Gòn, nhưng lên thẳng Đà Lạt.( 113)

Mãi tới ngày 10/6/1949–sau khi Quốc Hội Pháp chấp thuận cho Nam Kỳ sát nhập vào Việt Nam (3/6/1949) và Tổng thống Auriol ban hành Luật công nhận Việt Nam thống nhất (4/6/1949), đồng thời báo chí Pháp công bố một thư Auriol gửi Bảo Đại khẳng định QH Pháp đã thông qua luật sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam; như thế “độc lập và thống nhất của Việt Nam, trong Liên Hiệp Pháp, đã trở thành sự thực” (6/6/1949)–Bảo Đại mới xuống Sài Gòn trao đổi văn kiện với Pignon và ra mắt quốc dân.

Trong thời gian chờ đợi, Bảo Đại vận động xin viện trợ Mỹ. Ngày 2/6, Đại sứ Bruce từ Paris điện báo rằng “Quốc trưởng” Bảo Đại muốn được Mỹ nhìn nhận trên thực tế (de facto recognition), được viện trợ kinh tế trực tiếp, và giúp vũ khí qua trung gian Pháp (50,000-60,000 súng). Cũng muốn Mỹ gửi đến những phái đoàn thiện chí, và nâng Toà Tổng lãnh sự lên hàng Phái bộ (Legation).( 114) Tuy nhiên, đa số chuyên viên Mỹ đều cho rằng Thỏa ước Elysée “quá ít, quá chậm” (too little, too late). Pháp cần rộng rãi hơn nữa trong việc diễn dịch và thi hành thỏa ước, vì giải pháp Bảo Đại chỉ có khoảng 50-50 thành công. Giám Đốc Tây Âu vụ, Douglas MacArthur II, khẳng định các quan điểm cho rằng Mỹ sẽ đổ viện trợ vào Đông Dương để ngăn chặn vùng này lọt vào tay CS, hay quân viện Mỹ sẽ giúp Pháp đạt một chiến thắng quân sự, hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm.( 115)

Bởi thế, mặc dù trong thông điệp chúc mừng Bộ Ngoại Giao Pháp về Hiệp ước 8/3/1949, Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh rằng “Dân tộc Việt Nam sẽ mắc phải một lầm lỗi tai hại nếu không ủng hộ chính phủ thành lập qua Hoà ước 8/3/1949,” ngày 2/5, Ngoại trưởng Dean Acheson chỉ thị cho Tổng lãnh sự Abbott ở Sài Gòn: “Phải cố tránh gây sự hiểu lầm là Mỹ trên thực tế nhìn nhận chế độ Bảo Đại.”( 116) Cho tới ngày 7/10/1949, sau khi Mao tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, chính phủ Mỹ vẫn cảm thấy chưa tiện công nhận chính phủ Bảo Đại.

Sự trì hoãn của Mỹ phản ảnh sự khác biệt sâu đậm giữa Pháp và Mỹ. Đông Dương, với Pháp, là quyền lợi chính trị, kinh tế và văn hóa. Với Mỹ, chiến lược chống Cộng là bản căn. Buổi nói chuyện ngày 13/4/1949 giữa W. Walton Butterworth, Giám đốc Viễn Đông vụ, và Charles S. Reed, Đông Nam Á vụ, với Jean Daridan, Cố vấn Toà Đại sứ Pháp, phần nào phản ảnh tâm ý các viên chức Mỹ. Khi Daridan đặt câu hỏi liệu Mỹ có yểm trợ Bảo Đại hay chăng nếu sau một thời gian kế hoạch Bảo Đại chứng tỏ có tiến bộ, Butterworth khẳng định chỉ muốn giúp những người chống Cộng.( 117)

Ngày 10/5, Ngoại trưởng Acheson chỉ thị cho Tổng Lãnh sự Abbott: Mỹ muốn thí nghiệm Bảo Đại thành công vì chẳng có một lựa chọn nào khác hơn. Đang chờ cơ hội thuận tiện để công nhận Quốc Gia Việt Nam, cũng như cho viện trợ vũ khí và kinh tế. Tuy nhiên, muốn Pháp có những nhượng bộ cần thiết trước khi chiến thắng của Mao Trạch Đông tạo ảnh hưởng tại Đông Dương. Với những người quốc gia, nếu Pháp nhân nhượng những điều cần thiết, có thể thuyết phục họ rằng: 1/ mục đích yêu nước của họ có thể thực hiện được qua sự thoả thuận Pháp-Bảo Đại; 2/ chính phủ Bảo Đại đại diện đích thực cho Việt Nam vì có thể bao gồm cả những phần tử không Cộng Sản hiện đang ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh; 3/ Bảo Đại là giải pháp duy nhất bảo vệ Việt Nam trước những âm mưu xâm lấn (khuynh đảo) của Trung Cộng.

Cũng cần cảnh cáo Bảo Đại về sự nguy hiểm nếu mời Cộng Sản tham gia chính phủ. Mối quan tâm của Mỹ là liệu chính phủ Bảo Đại có thể tồn tại được hay chăng. Abbott không nên đi Đà Lạt tiếp xúc Bảo Đại, nhưng có thể tiếp xúc không chính thức với những người thân cận của Bảo Đại.( 118)

Ngày 20/5/1949, Acheson còn chỉ thị Lãnh sự Hà Nội William Gibson giải thích thêm cho Xuân những điểm sau: Nhìn vào quá khứ của Hồ, không thể có kết luận nào hơn rằng Hồ là Cộng Sản, nếu (1) Hồ không tuyên bố cắt đứt liên hệ với Liên Sô và chủ thuyết Cộng Sản, và (2) tiếp tục được báo chí Cộng Sản ca ngợi cũng như ủng hộ. Hơn nữa, Mỹ không thấy khía cạnh quốc gia của Hồ qua lá cờ đỏ sao vàng. Vấn đề Hồ vừa là Cộng Sản, vừa là quốc gia không đáng lưu tâm (irrelevant). Tất cả những cán bộ Stalin ở các nước [cựu] thuộc địa đều là người quốc gia. Sau khi đã đạt được mục đích quốc gia (tức độc lập), mục tiêu kế tiếp sẽ là biến quốc gia thành phụ thuộc cho mục đích Cộng Sản, và tận diệt không những chỉ người chống đối, mà cả các phần tử bị nghi ngờ là không đúng đường lối.... Nếu mời Hồ và CS gia nhập chính phủ Bảo Đại, chỉ đình hoãn việc Việt Nam trở thành độc lập, hay một vệ tinh của Cộng Sản cho tới lúc thời cơ của những người quốc gia bị kém sút. Dĩ nhiên, trên lý thuyết, có thể thiết lập một chế độ Cộng Sản quốc gia như Yugoslavia [của Tito] tại bất cứ vùng nào ở xa vòng kiềm toả của Hồng quân Liên Sô. Nhưng Việt Nam đang trong vòng kiềm tỏa của Hồng quân Trung Hoa. Nếu Pháp đồng ý thực hiện Thỏa ước Elysée một cách cấp tiến, việc quan trọng nhất của Bảo Đại và Xuân là phải lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng. Như trong trường hợp Trung Hoa, nước Mỹ không “bỏ rơi” (wrote it off) chính phủ Thạch, mà chính những người quốc gia Trung Hoa yếu kém quá mức và không có ý chí tranh đấu.( 119)

Chẳng hiểu có sự tiến cử của Reed hay chăng–lúc này Reed đã về Ban Viễn Đông vụ ở BNG Mỹ–dịp này đích thân Bộ trưởng Hải Ngoại Coste-Floret cố gắng thuyết phục Diệm lập chính phủ, nhưng không thành công. Diệm nêu lý do sợ giáo dân Ki-tô bị VM thảm sát.( 120)

Ngày 1/7/1949, Bảo Đại ký sắc lệnh số 1-CP công bố danh sách chính phủ.( 121) Ngày 12/7, Bảo Đại về Huế. Ngày 14/7, từ Huế, Bảo Đại hiệu triệu quốc dân. Hai ngày sau, 16/7, ra Hà Nội.

Ngày, 15/7/1949, Giáo hoàng Pius XII (1939-1958) ra lệnh “rút thông công” bất cứ ai có liên hệ với Cộng Sản. Thánh lệnh này phần nào giải tỏa mối lo ngại của Diệm, nhưng Diệm vẫn chưa chịu hợp tác với Bảo Đại. Trong khi đó, các cộng đồng Ki-tô ngày một nghiêng về phía Thế giới Tự Do, thắp hồng “cuộc thánh chiến” chống Cộng Sản.

Ngày 21/9, Diệm về Huế, sống ở nhà Ngô Đình Cẩn (1911-1964), em trai áp út. Ngày 22/11–trong khi Hồng quân Trung Cộng đang tiến sát dần tới biên giới Việt-Hoa–Diệm rời Huế vào Sài Gòn, rồi Vĩnh Long, và Đàợ Lạt (2/1950).

Tháng 3/1950, Giám mục Từ tại Phát Diệm sai Lê Quang Luật vào Nam yêu cầu Diệm đừng “chùm chăn” và “ngang bướng” nữa, cần yểm trợ Bảo Đại.( 122) Ngày 9/4/1950, Tổng lãnh sự Mỹ Edmund Gullion, XLTV Đại sứ, báo cáo chính phủ Nguyễn Phan Long sắp đổ và Trần Văn Hữu có thể lên thay. Gullion nghĩ rằng Pháp hẳn muốn Diệm, nhưng Bảo Đại không đồng ý.

Giữa năm 1950, Diệm có ý định thành lập một lực lượng thứ ba, thân Mỹ, chống Pháp để lôi kéo những người bất mãn trong hàng ngũ Việt Minh. Cuối tháng 6/1950, tổ chức Phong Trào Quốc Gia Quá Khích ra đời ở Trung và Nam Việt, có liên hệ với Diệm.

H. HỒ NGẢ THEO CỘNG SẢN:

Từ năm 1947-1948, Hồ Chí Minh bắt đầu có liên lạc chặt chẽ với Trung Cộng. Một trung đoàn TC thuộc tỉnh Quảng Đông đã được Hồ cho phép hoạt động tại vùng Việt Bắc để tránh sự tận diệt của Tưởng Giới Thạch. Từ tháng 6 tới tháng 10/1949, một số đơn vị Việt Minh cũng tham dự vào chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn ở vùng ranh giới Vân Nam/Quảng Tây của Trung Cộng. Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm 1950, Hồ mới công khai ngả theo phe Cộng Sản. Do sự khuyến khích của Bắc Kinh, ngày 15/1/1950, chính phủ Việt Nam DCCH của Hồ chính thức công nhận chế độ Mao Trạch Đông.

Từ thượng tuần tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đi bộ 17 ngày đêm qua tới Nam Ninh (Quảng Tây), rồi được Lưu Thiếu Kỳ đón lên Bắc Kinh. Hồ cho biết mục đích của chuyến đi là xin viện trợ. Vì cả Mao Trạch Đông lẫn Chu Ân Lai đã qua Mat-scơ-va, ngày 3/2, Lưu Thiếu Kỳ dàn xếp cho HCM qua Nga. Tại Mat-scơ-va, HCM được gặp Stalin. Stalin hỏi Hồ về lý do giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương (chính thức từ ngày 11/11/1945), rồi chỉ thị cho Mao tiếp tay Đảng CSĐD. Đây là lần đầu tiên Hồ được gặp “người thép” Nga, dù đã chính thức hoạt động cho QTCS từ hơn phần tư thế kỷ trước.( 123)

Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Bắc Kinh, ngày 15/1/1950, đài phát thanh Việt Minh đã công bố nhìn nhận chính quyền Cộng Sản Trung Hoa, và yêu cầu các nước Cộng Sản mở quan hệ ngoại giao với chính phủ VNDCCH. Ba ngày sau, 18/1, Bắc Kinh nhìn nhận VNDCCH. Ngày 30/1 đến phiên Mat-scơ-va. Các nước Cộng Sản khác liên tục mở bang giao với chế độ Hồ.

Ngày 17/2/1950, Hồ tháp tùng phái đoàn Mao và Chu Ân Lai rời Mat-scơ-va. Sau đó, Hồ ở lại Bắc Kinh tiếp tục thảo luận về viện trợ. Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Trung Cộng, đích thân điều động công tác “nghĩa vụ quốc tế” này. Hồ xin Bắc Kinh cung cấp chuyên viên quân sự để cố vấn và chỉ huy từ cấp Trung đoàn và Sư đoàn trở lên, nhưng Lưu Thiếu Kỳ chỉ đồng ý gửi cố vấn. Luo Guibo [La Quí Ba] được chọn làm Cố vấn trưởng chính trị; trong khi Wei Guoqing [Vi Quốc Thanh] cầm đầu phái đoàn cố vấn quân sự với nhân số khoảng 280 người. Trung Cộng cũng hứa giúp huấn luyện và trang bị vũ khí cho 6 đại đoàn (sư đoàn) Việt Minh. Các trung đoàn đầu tiên qua Vân Nam huấn luyện thuộc Đại đoàn Quân Tiên Phong (308) của Vương Thừa Vũ, và 312 của Lê [Trịnh] Trọng Tấn. Để bảo đảm cho việc tiếp vận từ Trung Cộng, Bắc Kinh giúp Hồ mở chiến dịch biên giới “Cao-Bắc-Lạng,” hay Lê Hồng Phong II (16/9-14/10/1950), nhằm tiêu diệt lực lượng đồn trú tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Người thực sự chỉ huy trận này là Chen Geng [Trần Canh], Tư lệnh Quân Khu Vân Nam, do Hồ xin đích danh. Tướng Marcel Carpentier rúng động, phải cho lệnh triệt thoái tất cả những vị trí trú quân dài theo biên giới, chỉ giữ lại Tiên Yên-Móng Cáy.( 124)

Từ ngày này, thế trận đã thay đổi hoàn toàn. Việt Minh bắt đầu chủ động chiến trường. Chính phủ Hồ được giao nhiệm vụ mới: Tiền đồn của Xã hội chủ nghĩa.( 125)

Trong khối Tự Do, ngày 4/2/1950, Mỹ nhìn nhận chế độ Bảo Đại vì “Hồ đã để lộ bản chất thật sự Cộng Sản.” Rồi đến Bri-tên và một số nước khác. Từ ngày này Pháp tìm cách lôi kéo Mỹ và Bri-tên vào trận chiến chống Cộng ở Đông Dương. Đại sứ Donald Heath (1950-1954) của Mỹ thận trọng thêm vào mối đe dọa của Trung Cộng hai chữ “Nga Sô.” Việc Mỹ tham chiến ở Triều Tiên từ tháng 6/1950, và nhất là cuộc triệt thoái các tiền đồn biên giới Việt-Hoa, khiến cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga bắt đầu chi phối nội tình Việt Nam. Pháp bị đặt vào vị thế cực kỳ tế nhị. Một mặt, cần thành lập quân đội bản xứ để phụ giúp cho quân viễn chinh Pháp; và ngày càng tùy thuộc nhiều hơn vào viện trợ Mỹ. Mặt khác, giới thẩm quyền Mỹ không ngừng áp lực Pháp phải trao trả dần độc lập cho Việt Nam, và áp lực Mỹ gia tăng theo viện trợ.

Winston Churchill–người cực lực chống lại kế hoạch Quốc tế quản trị [International Trusteeship] Đông Dương của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và tác giả thuật ngữ “bức màn sắt” ở Âu châu–sau ngày lên nắm chức Thủ tướng Bri-tên lần thứ hai, cũng muốn dựng “bức màn tre” ở Đông Dương. Nhưng Churchill chỉ muốn góp ý mà không tán thành việc gửi quân tác chiến qua Đông Dương.( 126)

VI. “LÊ GÓT NƠI QUÊ NGƯỜI”:

Trong bài hát “Suy Tôn Ngô Tổng Thống,” để tô hồng cho thành tích cách mạng của Diệm, nhà văn Thanh Nam viết: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người, cứu đất nước, v.. v...” Thực tế, cuộc hành trình ra ngoại quốc của Diệm chẳng có vẻ gì gian khổ. Trước hết, qua Mỹ, được gặp gỡ những nhân vật quyền thế; rồi qua Vatican gặp Giáo hoàng Pius XII; trở lại Mỹ, tu học ở các tu viện và diễn thuyết đó đây; và cuối cùng qua Belgium, vận động làm Thủ tướng.

A. QUA MỸ XIN VIỆN TRỢ:

Ngày 18/6/1950, Giám mục Thục gặp XLTV Đại sứ Gullion tại Sài Gòn, xin giấy nhập cảnh Mỹ trên đường qua Roma dự năm Thánh cho mình và Diệm. Tháng 7/1950, có tin Diệm nhiều lần bị Việt Minh đe dọa đến tính mạng. Ngày 15/7, Diệm về Huế thăm mẹ bị đau nặng. Ngày 2/8, Diệm trở lại Sài Gòn sau khi ghé ngang Đà Nẵng. Ngày 14/8, Diệm cùng Thục rời Sài Gòn trên tàu La Marseillaise. Gặp Cường Để ở Nhật, bàn việc thành lập một chính phủ chống Cộng.( 127)

Ngày 2/9, Diệm và Thục tới Mỹ. Hơn hai tuần sau, ngày 21/9, William S. B. Lacy, Trưởng Nha Philippines và Đông Nam Á, tiếp Diệm và Thục. Thục tuyên bố phải lập một quân đội quốc gia, lấy giáo dân Ki-tô làm hạt nhân để không sợ đào ngũ mang súng hàng VM. Lacy nhận xét rằng Thục mới là phát ngôn chính, trong khi Diệm chỉ tán thưởng ý kiến Thục.( 128)

Ngày 15/10, Diệm và Thục rời Mỹ qua Paris. Sau đó, xuống Roma, rồi trở lại Paris vào trung tuần tháng 11/1950. Ngày 8/12/1950, Thục rời Âu Châu trở lại Việt Nam. Cuối tháng đó, Diệm, qua trung gian Bửu Kĩnh, Nghị viên Hội Đồng Liên Hiệp Pháp, gửi cho Bảo Đại một thư riêng, đề nghị một chương trình hoạt động.( 129) Sau đó Diệm lại sang Mỹ. Ngày 15/1/1951, Diệm khai với nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ là mới từ Paris qua được khoảng một tháng để nghiên cứu về giáo lý và cơ cấu chính quyền Mỹ. Nói thêm là đã cho Bảo Đại biết sẵn sàng làm Thủ Tướng với một số điều kiện.( 130)

Trong thời gian ở Mỹ, nhờ sự che chở của Francis Spellman, Hồng Y Giám đốc Tuyên úy Ki-tô Roma trong quân đội Mỹ, Diệm tá túc tại Tu viện Maryknoll, thuộc tỉnh Lakewood, tiểu bang New Jersey. Có dịp làm quen với Thẩm phán Tối cao Pháp viện William O. Douglas, nhiều Thượng Nghị sĩ, Dân biểu như Mike Mansfield (Montana), John F. Kennedy (Massachusetts), Walter Judd, v.. v... Diễn thuyết tại nhiều nơi. Từ ngày này, Diệm trở thành một lá bài “chí sĩ quốc gia chống Cộng” trừ bị của Mỹ. Diệm cũng thường tuyên bố mình là nhân vật được biết nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ thua có Hồ Chí Minh.( 131)

Đại sứ Heath nhiều hơn một lần tiến cử Diệm trong các cuộc khủng hoảng chính phủ, nhưng cả Bảo Đại lẫn Pháp chỉ muốn những người đáng tin cậy như Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, v.. v... Ngày 12/5/1952, chẳng hạn, Heath đề nghị cho Bảo Đại nắm chức Thủ tướng, và mời những người có khả năng như Nguyễn Hữu Trí hay Ngô Đình Diệm vào nội các, với chức vụ Phó Thủ Tướng; Pháp ra tuyên ngôn về một chính sách “tiến hoá” (evolutionary statement) đối với nền độc lập của Việt Nam; sửa đổi một số điều khoản lỗi thời trong Hiệp định 8/3/1949 và Hiệp ước Pau; đẩy mạnh hơn việc thiết lập QĐVN.( 132) Khoảng một năm sau, ngày 28/4/1953, Heath nhận xét rằng Bảo Đại thông minh và hữu dụng như biểu hiệu đoàn kết Bắc-Nam, nhưng không có khả năng cỡ Churchill và đại loại; Tâm nhiệt tình và hữu hiệu, nhưng không đủ khả năng đoàn kết toàn quốc vì tính tình và lập trường thân Pháp; chỉ còn lại hai ứng cử viên Diệm và Trí. Hiện tại, Diệm không được vì cứng cổ [intransigence], chống Pháp, không được Bảo Đại ưa, và không ưa Bảo Đại. Chỉ còn lại Trí xứng đáng nhất.( 133)

B. QUA ÂU CHÂU:

Sau khi Joseph Laniel (6/1953-6/1954) đồng ý trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam ngày 3/7/1953,(134) họ Ngô ráo riết vận động lên cầm quyền. Tại Việt Nam, Thục và Nhu mở rộng hoạt động với các tổ chức tôn giáo và chính trị. Nhu hợp tác với Lê Văn “Bảy” Viễn, Phạm Công Tắc, v.. v... mưu toan thành lập một liên minh chính trị vào cuối năm 1953. Đầu năm 1954, Thục, Nhu cùng nhóm Tinh Thần của Y sĩ Trần Văn Đỗ và Liên Đoàn Thanh Lao Công của Trần Quốc Bửu lập ra tổ chức tiền thân của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, tức Cần Lao.( 135)

Diệm cũng từ Mỹ sang Belgium lo tiếp xúc Bảo Đại, mới từ Việt Nam qua Pháp chữa bệnh sán gan. Ngày 14/5, Bảo Đại gọi Diệm qua Paris, và Diệm đồng ý hợp tác. Ba ngày sau, Bảo Đại cử em trai Diệm, Ngô Đình Luyện, làm “đặc phái viên” tại Hội nghị Geneva để bí mật tiếp xúc với Mỹ. Ngày 24/5, khi được nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris tiếp kiến, Diệm tiết lộ đã được Bảo Đại ủy quyền về Việt Nam nghiên cứu việc thành lập một chính phủ mới. Diệm dự định rời Pháp ngày 26/5, nhưng sau đó hủy bỏ.

Sau cuộc gặp gỡ này, Mỹ chấp thuận Diệm, không vì Diệm là nhân vật lý tưởng, mà vì những người tiền nhiệm quá kém cỏi, và Diệm có hậu thuẫn của một số giáo mục Ki-tô. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Dulles vẫn còn chủ trương khuyến khích Pháp tiếp tục hiện diện ở Đông Dương, nên chưa thuận yểm trợ trực tiếp cho QGVN như Bảo Đại và Diệm yêu cầu. Phần Bảo Đại cũng được một nhóm cực hữu Pháp áp lực đưa Diệm lên thay Bửu Lộc. Nhưng cái giá Diệm đòi hỏi khá cao: Toàn quyền về dân sự và quân sự. Trước ám ảnh đại họa Pháp sẽ cắt nửa nước cho Việt Minh, và tổng tuyển cử trong một thời gian ngắn để giải quyết thể chế chính trị tương lai, Bảo Đại đành nhân nhượng–chỉ bắt Diệm phải thề trước thập tự giá là tuyệt đối trung thành, và duy trì ngôi báu nhà Nguyễn.

Cuối cùng, ngày 16/6/1954, giữa lúc chính phủ Laniel đã từ chức và Pierre Mandès-France có nhiều triển vọng lên làm Thủ tướng, Bảo Đại bổ nhiệm Diệm làm Thủ tướng toàn quyền. Ngày 25/6/1954, Diệm cùng một đoàn tùy tùng nhỏ lên đường về nước.

Chính Đạo

[Trích: Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng]

----------------------------

Phụ chú: Jean Baptiste Ngô Đình Diệm:

1. Department of Defense, US-Vietnam Relations, 1945-1967, 12 books, (Washington, DC: GOP, 1971), Bk 11, tr. 36-41. Xem thêm chú 3 infra.

2. Xem, chẳng hạn, Bernard B. Fall, The Two Vietnams: A Political and Military Analysis (New York: Praeger, 1965), tr. 235ff. Fall ghi nhận Khả là “Thượỳng thư Bộ Lễ” sau khi từ chức đã cắt mọi liên lạc “với những kẻ xâm lăng đáng ghét,” “ủng hộ Phan Bội Châu,” và truyền xuống cho các con như Khôi và Diệm một tinh thần quốc gia nồng nhiệt;” Ibid., tr. 235. Fall, một học giả gốc Pháp viết khá nhiều về Việt Nam và chết tại Việt Nam, nhận định: “Sự kiện Bảo Đại là người kế thừa của các hoàng đế yếu ớt trong việc chống lại Pháp cũng có thể gây ra sự khinh thường ông ta trong Diệm” [The fact that Bao Dai was the descendant of emperors who had been weak in their resistance to the French may also account for Diem’s contempt for him]; Ibid., tr. 475n3. Một lời võ đoán dễ hiểu trong thập niên 1950-1960. Thực ra, từ thời Đồng Khánh (1885-1889), các vua nhà Nguyễn do Khâm sứ và Toàn quyền Pháp lập nên, và chỉ còn công dụng của “một vòng hoa,” để hợp thức hóa chế độ “Bảo hộ” Pháp. Quan lại thì được tuyển từ giới trung gian bản xứ mà đa số là giáo dân Ki-tô hay cựu bồi bếp của viên chức, sĩ quan Pháp. Thành phần “tân trào” này hiểu rất rõ vị thế “làm kiểng” của các vua Nguyễn. Ngoài ra, Khả còn có liên hệ thân thiết với phòng Thành Thái (1889-1907), và từng nuôi tham vọng biến Thành Thái thành một vua theo Ki-tô giáo đầu tiên. Sự khinh thường phòng Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945) là điều dễ hiểu. Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2000). [Sẽ dẫn: Các vua cuối] Ngoài ra, Diệm không ưa Bảo Đại vì đã hai lần ký Dụ đầy Diệm ra Quảng Bình. Xem chú 18 infra.

3. Department of State, Office of Libraries and Intelligence Acquisitions, “Biographic Report: Ngo Dinh Diem, President of the Republic of Vietnam, To Visit Washington [May 8-10, 1957],” BR No. 203 (April 18, 1957); Richard Nixon Library (Yorba Linda, CA), Prepresidential Papers, PPS 320.99.33.1-2. [Sẽ dẫn, Ngo Dinh Diem (1957)]

4. Direction des Services FrancỄais de Securité en Indochine [DSFSI], “M. Jean Baptiste Ngo Dinh Diem, dit Nguyen Ba Chinh;” SHAT (Vincennes), Indochine, [10H 4195]. Tài liệu này hiện vẫn chưa giải mật. Xem phóng ảnh trong Nguyên Vũ, Paris Xuân 96 (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 165; Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr. 15-16. Những chi tiết không có phụ chú trong bài này đều trích dẫn từ tài liệu trên. Xem thêm Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu [VNNB], tập III: Nhân vật chí, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 262. Sẽ dẫn: Nhân vật chí, 1997.

5. Tình báo Mỹ ghi Diệm sinh trong mộỳt gia đình đã theo đạo Ki-tô từ thế kỷ 17 và nhiều thế hệ đã sản xuất ra những bậc tu hành và quan chức nổi danh. Cha là Thượng thư bộ Lễ và Lord Chamberlain cho vua Thành Thái, từng du học ở Malaya; Ngo Dinh Diem (1957) [Giốạng tài liệu của Fall & Sharplen]]

6. Theo Lansdale, Diệm “đã cắt bỏ mối tình với người yêu đầu đời để dâng hiến cho tổ quốc” nên 60 tuổi vẫn còn độc thân. Xem chú 1 supra. Nhưng nhiều người đương thời, như Tướng Trần Văn Đôn André, cho rằng Diệm thiếu khả năng tình dục.

7. Xem Ngô Đình Diệm, “L’Encrier de S. M. Tu-Duc: Traduction des Inscriptions [Nghiên mực của vua Tự Đức: Bản dịch những chữ khắc];” Bulletin des Amis du Vieux Hue [BAVH], Bộ IV, số 3 (Tháng 7-9/1917), tr. 209.

8. Phỏng vấn ngày 2/11/1985 tại Paris; Ngô Đình Diệm, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian (1863-1864);” BAVH, Bộ VI, Số 1bis và 2 (Avril-Juin 1919), tr. 161. Ở đầu bài, Diệm được giới thiệu là “học sinh trường Hậu bổ,” và bài này đã được đọc tại các buổi họp [hôi thảo] ngày 27/8 và 3/12/1918, và 4/3/1919. Ibid. Diệm chỉ dịch một phần tập tâu của Phan Thanh Giản và Phạm Phú ThứÔ, dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Đình Hòe. Phần còn lại (thiếu đoạn đi sứ Espania) do Trần Công Tạn dịch; BAVH (1921), tr. 147-187.Tác giả đa tạ ông Nguyễn Đắc Xuân đã cung cấp phóng ảnh bài viết này của Ngô Đình Diệm.

9. Xem báo cáo về cuộc đàm thoại ngày 28/4/1955 giữa Bảo Đại với William Gibson, Đệ nhất thư ký Tòa Đại sứ Mỹ; FRUS, 1955-1957, I:332-336; Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu [VNNB], 1939-1975, tập I-C: 1955-1963 (Houston, TX: Văn Hóa, 2002), tr. 54-55.

10. Nguyên văn: “A year after his decision to give up becoming a priest. Diem falsified his age and took competitive examinations for the equivalent of a highschool diploma;” Robert Sharplen, The Lost Revolution (New York: Harper & Row, 1966), pp. 106-107.

11. Xem tiểu sử Thục trong CAOM (Aix), GGI, CP 125; Chính Đạo, Nhân vật chí, 1997:312; Idem., Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004), tr. 464-465. Tại Việt Nam, tưởng cũng nên ghi nhận, có tục lấy tên “mẹ già,” tức vợ chính thức, để khai sinh cho các con ngoại hôn hoặc thê thiếp.

12. Xem Chính Đạo, VNNB, Tập I-C: 1955-1963, tr. 110.

13. [After being instructed at home and attending the Pellerin school in Hue, he studied briefly for the priesthood]. Ngo Dinh Diem (1957)] Năm 1957, an ninh Mỹ chỉ ghi Diệm là “a devout Catholic.”

14. Theo Bernard Fall, niềm tin tôn giáo của Diệm là một loại hiếu chiến tàn bạo của một Quan tòa Dị giáo [ruthless militancy of the Grand Inquisitor]. Khi một người Pháp nói “tín ngưỡng chung của chúng ta,” Diệm thản nhiên trả lời: “Tôi tự cho tôi là một tín đồ Ki-tô Spain [Tây Ban Nha],” tức cuồng đạo hơn là hòa hoãn theo kiểu Ki-tô Pháp; Two Vietnams, 1965:236.

15. Xem Chính Đạo, Hồ Chí Minh (1892-1969), Con người & Huyền thoại, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1993-1997), tập I:161-162; Phụ bản 5, trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, 1883-1945, tập II:602-604. Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược, đã dẫn lời “một đại quan về hưu” để bài bác chi tiết trộn tro than Ngự sử Phùng bắn xuống sông Lam. “Đại quan về hưu” này chắc không thể biết rõ sự việc bằng Khâm sứ Huế, người viết báo cáo vào tháng 2/1896, hay báo cáo của chính Nguyễn Thân. Đó là chưa nói đến thói quen chối tội của các phạm nhân chiến tranh [war criminals], hoặc âm mưu ngụy tạo lịch sử để bảo vệ cho thượng cấp và đồng đạo (kiểu “Việt Cộng ném lựu đạn trước đài phát thanh Huế tối ngày 8/5/1963,” “nhân viên an ninh Mỹ ném mìn plastic tối 8/5/1963,” “toàn dân Việt Nam ghi ơn Ngô Tổng thống”). Xem, Vũ Ngự Chiêu, “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức;” Đi Tới (Montréal, Québec), XII, số 83 (7-9/2005), tr. 4047; Hợp Lưu (Santa Ana, CA), số 84 (8/2005), tr. 194-206. Đáng tiếc vì không được huấn luyện về phương pháp nghiên cứu và viết sử, lại không có tư liệu, Trần Trọng Kim khiến tập phổ thông lược sử của ông chứa nhiều dữ kiện và nhận định lầm lạc.

16. Có tài liệu ghi Khả là Chưởng giáo đầu tiên của trường Quốc Học; E. Le Bris, “Le Quoc Hoc;” BAVH (1916), số 1, tr. 80. Đây có lẽ dựa theo Dụ năm 1896 của Thành Thái, nhưng Toàn quyền Pháp không chấp thuận. Giám đốc trường này là một người Pháp. Về chức “Thượng thư” của Khả, chúng tôi chưa thấy một tài liệu nào. Trong bài “Une ascension sur l’écran du roi: Poésie de S. M. Tu Duc, traduite par Ngô Đình Khả, Ministre honoraire; BAVH, số 2 (4-6/1916), tr. 223-227–bản dịch một bài thơ nói về chuyến du ngoạn của vua Tự Đức–Ngô Đình Khả chỉ ghi “hàm Thượng thư,” khác xa với chức Thượng thư thực sự, nói chi “Thượng thư đầu triều.” Trần Lục, hay cha Sáu [Père Six] ở Phát Diệm, một tay chân tín cẩn của Giám mục Puginier, cũng được thưởng hàm Thượng thư và Bắc đẩu Bội tinh.

17. Lời chứng của Nguyễn Thi, cựu Ủy viên Hành Kháng tỉnh Ninh Thuận, trên báo Nhân Dân ngày 16/7/1954, dẫn trong Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, 5 tập (Hà Nội: NXB Khoa Học, 1964-1978), tập I (1964), tr. 36. Hai tác giả khác ghi là việc Diệm dùng đèn cầy đốt hậu môn tù nhân CS khi làm Tri phủ Hòa Đa; Nguyệt Đàm và Thần Phong, Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm (Sài Gòn: 1964), tr. 18. Theo hai tác giả này, nhân chứng là Cử nhân Nguyễn Trác, cựu Nghị viên trưởng An Nam. Xem thêm, Bùi Nhung, Thối nát (Sài Gòn: 1969); Hoàng Trọng Miên, Đệ nhất phu nhân (Los Alamitos, CA: 1989), I:128-129. Theo tài liệu Bộ Ngoại Giao Mỹ, Diệm tốt nghiệp thủ khoa năm 1921; năm 1929 đã làm quan đầu tỉnh. Khi ở Quảng Trị năm 1930- 1931, Diệm dùng những thủ đoạn nghiêm khắc để đàn áp, v.. v... [“From 1922 to 1929 he was a district chief in the territorial administration of Annam and during the next four years he served as a province chief. While in Quang Tri province during the 1930-1931 Communist-led insurrections he used drastic methods in repressing agitators and revolutionaries, thus incurring the enmity of left-wing nationalists. In 1932-1933 he headed a commission to investigate charges of corruption in the upper echelons of the Annamese administration;” Ngo Dinh Diem (1957) [p.5]].

18. Thư Ngô Đình Thục gửi Decoux ngày 21/8/1944; CAOM (Aix), PA 14, c. 2. Thư này do tác giả công bố lần đầu trong Luận án Tiến sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison năm 1984, rồi trên báo Lên Đường (Houston) năm 1989; in lại trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu [VNNB], 1939-1975, tập I-A: 1939-1946, tr. 200. Vài cá nhân đặt nghi vấn là Pháp ngụy tạo tài liệu trên. Nghi vấn này do sự thiếu hiểu biết về phương pháp bảo quản tài liệu văn khố. Hơn nữa thủ bút và chữ ký của Thục khó thể giả mạo. Tưởng cũng nên ghi thêm rằng một vài cá nhân (như Lê Trọng Văn, Bùi Kha) đã tự động tẩy xóa bút phê của Decoux cũng như ghi chú của nhân viên văn phòng Toàn quyền và dấu cùng chữ ký thị thực của Văn khố Aix-en Provence Pháp trên phóng ảnh tài liệu trên, in vào sách họ.

19. Nguyên văn: “FrancỄais ne veulent pas de nous, parce que nous sommes trop entiers, à fortiori Japonais qui préfèraient souplesse PHAM QUYNH dont ils vantent talent.” Báo cáo số 1806, A,B,C,D ngày 18/8/1944, Surete gửi DirSurGe; CAOM (Aix), 14 PA, c.2, d.19; trích đăng trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:856.

19bís. Thư Ngô Đình Thục gửi Decoux ngày 21/8/1944; CAOM (Aix), PA 14, c. 2.

20. Xem chi tiết trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:1111-1145.

21. Nói rộng hơn, nhóm Sarraut-Pasquier áp dụng chính sách “hợp tác” [collaboration]. Giữa thập niên 1920, Pasquier còn chiêu hồi những thành phần chống Pháp như Phan Bội Châu và sử dụng các văn thân từng bị dính líu vào phong trào chống sưu thuế 1908 tại miền Trung. Huỳnh Thúc Kháng, chẳng hạn, được cử làm Chủ tịch Hội đồng Dân cử Trung Kỳ, và xuất bản tò Tiếng Dân bằng quốc ngữ để quảng bá chủ trương “thờ người Pháp để cầu tiến bộ.”( TTLTQG 2 (TP/HCM), RSA/HC, HS 1869.

22. “Ngôi sao” thứ hai của Pasquier là Bùi Bằng Đoàn (1890-1955), từ Tuần phủ lên chứÔc Thượng thư Bộ Hình. Ngày 6/5/1933, năm tân Thượng thư mới có mặt đầy đủ tại Huế nhân dịp gắn huy chương cho Bài và 4 ngườợi khác. Ngày 17/5, Thibaudeau chủ tọa phiên họp Hội đồng Nội các đầu tiên. Mười ngày sau, 27/5, tân Nội các họp dưới sự chủ tọa của Bảo Đại và Pasquier. Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập III:793, 1111-1129 (Phụ bản bài tường thuật trên báo Nam Phong số 184 (5/1933). Đoàn sau này hợp tác với Hồ Chí Minh.

23. Theo Tổng Lãnh sự Hong kong, Diệm tuyên bố là bạn lâu đời của Bảo Đại, đã phục vụ như “Tể tướng” những năm cũ, và hai gia đình có liên hệ gần gũi [Ngo Dinh Giem [Diem] claimed that he was an old friend of Bao Dai, had served as his Prime Minister in former years, and that their families enjoyed close relations”]; CĐ 450, 30/12/1947, Hongkong gửi BNG; FRUS, 1947, VI:153. Việc tự đánh bóng để “bán mình” [sell yourself] cho Mỹ này không được tài liệu văn khố Pháp chứng minh. Thực tế, Diệm, như đã lược nhắc, chỉ được đặc cách lên hàng Thượng thư Bộ Lại, mà phận sự và quyền lợi đồng đều với bốn bộ khác, và năm 1935, chỉ được Bảo Đại cho lại chức Thượng thư hàm. Xem chú 21 infra.

24. Báo cáo ngày 10/5/1933, Pasquier gửi Colonies; CAOM [Aix], INF, c.366/d.2905; trích in trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập III:785-809, 1111-1145. Xem Phụ bản báo Tiếng Dân trong sách này.

25. Báo cáo số 303-A.P., 22/7/1933, Gougal gửi Colonies; CAOM (Aix), INF, c.366/d.2905; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:804-806.

26. Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:806-807. Gần ba chục năm sau, Diệm tuyên bố với một viên chức Mỹ rằng sở dĩ Diệm từ chức, ngoài tinh thần chống thực dân, còn vì không đồng ý với chính sách “chống Cộng” của Pháp. Theo Diệm, Cộng Sản là sản phẩm của các chính phủ tả phái Pháp. Xem Memorandum of a Conversation, Saigon, Jan 16, 1962; FRUS, 1961-1963, II:41-42. Nội dung buổi nói chuyện này chứng tỏ Diệm, dù tự nhận đã nghiên cứu về Cộng Sản từ năm 1922 qua các tài liệu Switzerland, chẳng biết gì vai trò của địa bàn Trung Hoa cùng hoạt động của DALBURO Liên Sô Nga ở Vladivostok, Thượng Hải hay Hong Kong. Ngoài ra, Diệm có vẻ “rất linh động và sáng tạo” trong việc diễn giải thành tích dĩ vãng của mình. Năm 1963, Đại sứ Henry Cabot Lodge đi đến kết luận, không hẳn đã chủ quan, rằng Diệm và họ Ngô thuộc loại “dối trá và tội phạm” (liars and criminals); Ibid., IV:tài liệu 69 (deception, IV:127),77 (medival view of life; IV:143), 221.

27. CAOM (Aix), INF, c.366/d.2905; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:808.

28. Năm 1934, Thục cũng tìm cách đả kích Bảo Đại bằng cách áp dụng “giáo luật” vào đám cưới của Bảo Đại với Nam Phương hoàng hậu (tức bắt Bảo Đại phải “rửa tội” trước khi làm đám cưới). Pháp giải quyết bằng cách cho một linh mục Pháp cử hành lễ cưới trong bí mật.

29. Note số 2995-SP/C, Huế, 4/4/43; CAOM (Aix), 14 PA, c.1. Ít tháng sau, do sự dàn xếp của Thân Thị Nam Trân (1905-1986), vợ Luật sư Trần Văn Chương (1898-1986), Nhu khiến gia đình Nguyễn Liên phải hủy bỏ cuộc đính hôn để Nhu kết hôn với Lệ Xuân, con gái thứ hai của Nam Trân và Chương, thua Nhu tới 14 tuổi.

30. Mối hiềm khích, nếu không phải hận thù, giữa họ Ngô và Phạm Quỳnh, là điều bất cứ giới chức quan lại nào ở Huế đều rõ. Các viên chức Pháp quyết định không ngả theo phe nào, theo đúng chủ trương chia để trị. Theo an ninh Pháp, “những phần tử trong họ Ngô, đặc biệt là Khôi, nuôi dưỡng lòng hận thù ngày một sâu đậm đối với Phạm Quỳnh người đã thụ hưởng nhiều lợi lộc nhất trong ‘cuộc đảo chính ngày 2/5/1933.’ Từ một nhà báo, Quỳnh đã trở thành Thượng thư Bộ Quốc Dân Giáo Dục, rồi thăng lên chức Tổng lý khá nhanh, nắm giữ tước cao nhất của hệ thống quan lại (Tứ trụ triều đình) năm 1944. Từ từ theo sự thăng tiến về danh vọng của Phạm Quỳnh, hận thù giữa họ Ngô với Phạm Quỳnh càng gia tăng . . . .;” “M. Jean Baptiste Ngo Dinh Diem, dit Nguyen Ba Chinh,” tr. 2; SHAT (Vincennes), 10H 4195. Xem thêm chi tiết trong Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940 and 1946,” Ph.D. dissertation, December 1984, Univ. of Wisconsin-Madison, Part I, chapters 3, 4 & 6. Báo Tiếng Dân trong tháng 5/1933 cũng có bài xa gần nhắc nhủ “những người được cái của người khác đừng nên vội mừng” (có lẽ ám chỉ Phạm Quỳnh) và kết luận rằng mọi việc đều do Pháp chủ xướng. Huỳnh Thúc Kháng, tưởng nên nhấn mạnh, cùng chủ trương “thờ người Pháp làm bậc thầy để cầu tiến bộ” như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, v.. v...

31. CAOM (Aix), GGI, 7F 29, tr. 56. Matsushita [Tùng Hạ] đã tới Đông Dương từ thập niên 1920. Năm 1938, bị trục xuất; nhưng trở lại Sài Gòn từ năm 1941. Matsushita thường tuyên bố là bạn thân và đại diện của Cường Để.

32. Xem chú 13 supra. Anh em Diệm, thường rất thích “thề trên thập tự giá” nhưng ít khi giữ những lời thề này, kể cả lời thề “trung thành” với Bảo Đại trước khi về làm Thủ tướng toàn quyền dân và quân sự vào tháng 6/1954. Xem infra.

33. Thời gian này, Decoux như ngồi trên lửa. Một mặt, phe Gaullist tăng gia hoạt động “kháng Nhật,” và Paris hoàn toàn im lặng trước nỗ lực xin qui phục của Decous. Mặt khác, Decoux đang đối diện mối hiểm họa sẽ bị Nhật tước đoạt quyền lực. Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III: 858-862.

34. Nguyễn Xuân Chữ, Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ (Houston: Văn Hóa, 1996), tr. 243-249.

35. Vũ Ngự Chiêu, The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Vietnam (4-8/1945) / Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế Quốc Việt Nam (4-8/1945) (Houston: Văn Hóa, 1996). Bản Anh ngữ tập sách nhỏ này, trích ra từ luận án năm 1984, đã in trong Journal of Asian Studies vào tháng 2/1986; Bảo Đại, Le Dragon d’Annam (Paris: Plon, 1980), tr. 106. Mùa Thu 1945, Giám mục Thục cho rằng sở dĩ Diệm không nhận lời vì thấy chế độ do Nhật lập nên khó tồn tại lâu dài; hơn nữa quanh Bảo Đại có những thành phần tả phái và franc-macỄon [tam điểm]. CAOM (Aix), GGI, CP 125. Lời chứng này khó tin cậy. Mục đích của Thục là biện minh cho sự hợp tác với Nhật của Diệm, một tội ác chiến tranh ở thời điểm này. Và có thể Thục cũng không biết đến, hoặc tảng lờ quyết định của Tsuchihashi hay lời tuyên bố sẽ tống giam Cường Để vào Côn đảo nếu Hoàng thân về nước. Nhân viên an ninh Pháp, năm 1954, cho rằng Diệm từ chối lời mời lập chính phủ vì Nhật không chịu cho thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam; SHAT (Vincennes), 10H 4195. Theo ký giả Sharplen, “Diem refused, not because he objected to the Japanese but because he did not feel he would be able to establish a free government–among other things, the southernmost area of Cochin China was initially be excluded from it. Furthermore, he now saw the handwriting on the wall and did not want to put himself in the position of being declared a collaborator when the war was over. He returned to Saigon and waited;” 1966:110.

Ngo Dinh Diem is thought to have spent a good deal of time in Japan in the 1930’s, when he had many contacts with the exiled nationalist Prince Cuong De. He returned to Vietnam before World War II broke out. . . . Ngo Dinh Diem ( 1957)]

36. Cuối tháng 7, đầu tháng 8/1945, có những vận động đón Cường Để hồi hương làm Cơ Mật viện trưởng cho Bảo Đại, nhưng Cường Để không về nước được vì chiến tranh chấm dứt đột ngột vào giữa tháng 8/1945.

37. Chủ tịch Ủy Ban Chính Trị Bắc Bộ bị bó buộc trao chính quyền cho nhóm Nguyễn Khang-Nguyễn Quyết ngày 19/8/1945. Xem Chữ 1996:284-290. Tài liệu CS Việt Nam cho rằng đây là một cuộc “cách mạng,” nhưng chưa phải là “cách mạng vô sản.” Xem những bài viết trên Cờ Giải Phóng (Hà Nội) từ tháng 8 tới tháng 11/1945.

38. FRUS, 1952-1954, XIII:554.

39. FRUS, 1961-1963, II:42.

40. [In September 1945 he was arrested by the Viet Minh and held until March 1946, being offered a cabinet post by Ho Chi Minh and refusing it]; Ngo Dinh Diem ( 1957) [p.5]; Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: Viking Press, 1983), tr. 216-217.

41. CAOM (Aix), GGI, CP 125; Nhân vật chí, 1997:313.

42. Vẫn theo Drapier, Nhu, lúc ấy đang làm việc tại Hà Nội, không dám ra khỏi nhà vì sợ bị bắt cóc. Tại Huế cũng có tin Thục bị Việt Minh bắt; CAOM (Aix), GGI, CP 125.

43. Giám mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm, 1945-1954 , tr. 117.

44. Trước đây, có tranh cãi về hai chữ “giải pháp” [solution] và “thí nghiệm” [experiment]. Biến cố lịch sử cho thấy lá bài Bảo Đại không giải quyết được nhu cầu của phe chống Cộng, tức tiêu diệt chế độ Hồ Chí Minh, nên không thể là một “giải pháp.” Nó vẫn nằm trong phạm trù một “thí nghiệm.” Về cuộc tái xâm lăng của Pháp, xem Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change,” Part III: “The Brutality of World Politics” (1984); Georges Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine (Paris: 1985); Général de Gaulle et l’Indochine (Paris: 1982).

45. Nguyên văn: “À mon avis, il serait avantageux pour le calme de rétablir le Roi comme chef régulier avant le 9 mars.” Ngày 28/12/1945, trong thư gửi một giáo sĩ Pháp, Drapier cho rằng gia đình Bảo Đại là “gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân Việt (la plus francophile de tous les annamites); CAOM (Aix), CP 125.

46. Trần Trọng Kim, Kiến Văn Lục: Một Cơn Gió Bụi (Sài Gòn: 1969), tr. 134ff. Sẽ dẫn: MCGB, 1969.

47. D’Argenlieu, Chronique, 1985:385-92.

48. Nguyên văn công điện số 2464/CI/142, ngày 23/1/1947, như sau: “Ne suis pas d'accord. Ne rien décider avant que nouveau gouvernement ait formé directives;” d’Argenlieu, Chronique, 1985:387.

49. Số người chủ trương thương thuyết với Hồ chỉ có Đảng Cộng Sản Pháp và một số cá nhân như Léon Blum. Ngày 31/12/1946, trong phần trích dịch dư luận báo chí ở Paris, L'Humanité đăng lại lời bình luận của Le Parisien libéré [Người Paris Giải Phóng]: “Sẽ là một sự điên rồ khó tha thứ khi mưu toan đặt lên một chính phủ bù nhìn nào đó sẵn sàng hợp tác với chúng ta, nhưng không có nền tảng dân chúng. Một sự điên rồ mà trong tương lai sẽ rất đắt giá cho chúng ta.” (Nguyên văn: Ce serait une impardonable folie que de susciter pour pouvoir comme partenaire, un quelconque gouvernement fantoche prêt à la collaboration avec nous, mais sans fondement populaire. Une folie qui dans l'avenir nous couterait fort cher).

50. Cầm đầu nhóm này là phe Gaullist. Xem infra.

51. Nguyên văn: “Chính trị với tôi đã hết. Dân tộc tôi đã muốn dân chủ: tôi không có gì chống lại điều đó, bởi vì ngay từ đầu tôi đã cộng tác với chính phủ mới.... Tôi rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh” [La politique est pour moi une chose morte. Mon peuple a voulu une démocratie: je n'y ai fait aucune opposition, puisque j'ai même accepté, au début, de collaborer avec le nouveau gouvernement.... J'ai beaucoup d'estime pour le Président Ho Chi Minh....]; Combat (Paris), 15/10/1946; PA 28, Carton 7, d. 164; trích đăng trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, III:995-996.

52. SHAT (Vincennes), 10H 643.

53. AAN, 1946 [Séance du 20 décembre 1946]:196.

54. AAN, 1946, [2è Séance du 23/12/1946]:321.

55. AAN, 1947:882-883.

56. AAN, 1947:835.

57. AAN, 1947: 856, col 2.

58. Những tài liệu văn khố Nga và Trung Cộng mới giải mật cho biết Hồ chỉ chính thức nối lại liên hệ với Liên Sô Nga từ tháng 2/1950. Nhưng Stalin giao cho Bắc Kinh cai quản Đông Dương. Theo một viên chức Trung Cộng, tối 16/2/1950, Stalin từ chối lời đề nghị của Hồ là Liên Sô và VNDCCH ký Hiệp ước hữu nghị giống như Nga mới ký với Trung Cộng.

59. Blokov Ranh (1909-1952?), em trai Trần Phú (1904-1931), Tổng thư ký đầu tiên của Đảng CSĐD, từng theo học Đại học Phương Đông [KUTV] Mat-scơ-va và một thời gian là “bạn đồng hành” của Nguyễn Thị Vịnh (Minh Khai) (1910-1941) ở Trung Hoa; CAOM (Aix), SPCE, carton 367. Năm 1947, Ranh bị Pháp bắt giữ cùng Bourov Dương Bạch Mai (1904-1964), nhưng phải trả tự do vì áp lực của Đảng Xã Hội và báo Figaro; AAN, 1947, 833; Ibid., 1949, II:1509. Năm 1949 Ranh qua Tiệp Khắc, sau bị khai trừ khỏi Đảng CSĐD, khi tái lập Đảng Lao Động Việt Nam năm 1951 (cùng Lê Hy); Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả (Bắc Kinh: 1987), tr. 319-321.

60. CĐ số 1313, 27/3/1947, Caffery gửi BNG; FRUS, 1947, VI:81-82.

61. CĐ số 154, 7/5/1947, O’Sullivan gửi BNG; FRUS, 1947, VIII:94-95. De Pereyra, tưởng nên thêm, chủ trương thí nghiệm Bảo Đại. Nhưng từ năm 1950, de Pereyra hết hy vọng ở thí nghiệm chống Cộng này.

62. CĐ 289, 17/4/1947, Bangkok gửi BNG; FRUS, 1947, VI:87-88; CĐ 361, 7/5/1947, Bangkok gửi BNG; Ibid., VI:92-93.

63. Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây (Hà Nội: NXB QĐND, 2001), tr. ; CĐ 145, 7/5/1947, Bangkok gửi BNG; FRUS, 1947, VI:93-94.

64. Thành phần chính phủ thứ tư của VNDCCH như sau: Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Cố vấn: Vĩnh Thụy; Ngoại Giao: Hoàng Minh Giám; Quốc phòng: Tạ Quang Bửu; Tài chính: Lê Văn Hiến; Tư pháp: Vũ Đình Hoè; Kinh tế: Phan Anh; Canh Nông: Ngô Tấn Nhơn(?);Y tế: Hoàng Tích Tri; Lao động: Nguyễn Văn Tạo; Cứu tế, Xã hội: Chu Bá Phượng (?);Giáo dục: Nguyễn Văn Huyên; Cựu chiến binh: Vũ Đình Tụng (Y sĩ, Ki-tô); Trong hàng Thứ trưởng, có: Trần Duy Hưng (Nội vụ), Trần Văn Bính (Tài chính), Trần Công Tường (Tư Pháp), Nghiêm Xuân Yêm (Canh Nông), Tôn Thất Tùng (Y tế), Nguyễn Khánh Toàn (Giáo dục), Ngô Tử Hạ (Cựu chiến binh); Cù Huy Cận (Kinh tế Nhà nước).

65. Ngày 28/12/1945, trong thư gửi một giáo sĩ Pháp, Tổng Giám Mục Drapier cho rằng gia đình Bảo Đại là “gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân chúng Việt Nam (la plus francophile de tous les annamites), và theo ý ông ta, nên cho Bảo Đại lên ngôi như trước ngày 9/3 (À mon avis, il serait avantageux pour le calme de rétablir le Roi comme chef régulier avant le 9 mars); CAOM (Aix), CP 125.

66. Ngày 2/2, Kim xuống tàu thủy từ Hong Kong về Việt Nam. Tới Sài Gòn, Kim tạm trú trong nhà Luật sư Trịnh Đình Thảo, cựu Thượng thư Tư pháp trong chính phủ Kim (4-8/1945). Pignon và nhiều người khác, gồm cả cựu Khâm sai miền Nam Nguyễn Văn Sâm, hay tới thăm viếng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, d'Argenlieu bị Dân biểu Bollaert thay thế. Tân Cố vấn chính trị Michel chỉ ghé thăm Kim một lần ngày 8/5/1947, rồi từ đó biệt tín. Nhóm Quảng và Đán cũng xa lánh dần Kim, làm việc cho những “sứ giả” mới của Bảo Đại như Phan Văn Giáo và Trần Văn Quế; Trần Trọng Kim 1969:161-169,171-174,178. Theo Phạm Khắc Hoè, ngày 8/2/1947, Phan Huy Đán và Đinh Xuân Quảng đưa Hoè tới gặp Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Sâm ở nhà Trịnh Đình Thảo; Phạm Khắc Hoè 1987, tr. 312-4.

67. CAOM (Aix), INF, c.138-139, d. 1245.

68. Ibid; FRUS, 1947, VI:133.

69. SHAT [Vincennes], 10H 643.

70. Ibid., 10H 252?. Xem thêm Quang Toản & Nguyễn Hoài, Những hoạt động của bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo trong thời kỳ kháng chiến (1945-1954) (Hà Nội: NXB Khoa Học, 1965), Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1945-1975, tập II-A: Các tổ chức tôn giáo (đang in).

71. FRUS, 1947, VIII:133-134.

72. FRUS, 1947, VIII:138-139.

73 . FRUS, 1947, VIII:140-141.

74. FRUS, 1947, VI:139-40.

75. Chính phủ Nguyễn Văn Xuân ngày 8/10/1947 gồm có: Thủ tướng: Xuân; Phó Thủ tướng: Trần Văn Hữu; Bộ trưởng [BT] Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ; BT Công chính: Nguyễn Văn Tÿ; BT Canh Nông: Trần Thiện Vàng; BT Thông tin: Nguyễn Phú Khai; Thứ trưởng Thông tin: Trần Văn Ân.

76. Vào cuối chiến dịch Léa, hơn 1,000 lính Pháp tử trận, và khoảng 3,000 người bị thương. Võ Nguyên Giáp ghi rằng VM chỉ chết 260, 168 bị thương; Chiến đấu trong vòng vây, 3rd rev. ed (Hanoi: QDND, 2001), tr. 170 [138-180]; Lịch sử, 1986:169-70.

77. Am Consul, Hanoi, to State Dept, 9 Feb 1948, 851G.00/2-948, RG 59; Ronald H. Spector, United States Army in Vietnam, Advice and Support: The Early Years, 1941-1960 (Washington, DC: Center for Military History, United States Army, 1983), tr. 90.

78. Từ Hong Kong trở về, ngày 17/9, Sâm nhân danh MTQGTNTQ gửi thư cho TT Truman, yêu cầu can thiệp vào Đông Dương; FRUS, 1947, VI:142-143. Sâm cũng quyết định xuất bản báo Quần Chúng tại Sài Gòn để có cơ quan ngôn luận trong tay. Cái chết của Sâm đã được cảnh cáo từ trước–Ngày 23/6/1947, báo L'Echo du Viet-Nam [Dư Luận] của Nguyễn Phan Long loan tin Sâm đã bị Tòa án Mặt trận Quân Khu VII của Nguyễn Bình cho lệnh bắt giải ra xét xử về tội vi phạm lệnh giải tán MTQGTNTQ.

79. CD 5398 ngày 16/12/1947, Caffery gửi BNG; FRUS, 1947, VI:151.

80. William C. Bullitt, “The Saddest War” [Cuộc chiến buồn thảm nhất]; Life (29/12/1947); FRUS, 1947, VI:110.

81. CAOM (Aix), INF, Carton 154.

82. Văn khố Nga và Trung Cộng chưa công bố hết tài liệu về những cuộc gặp gỡ giữa Hồ và Stalin trong tháng 2/1950, nhất là lý do biện minh cho việc giải tán Đảng Cộng Sản ngày 5/11/1945.

83. CĐ số 305, 5/12/1946, Acheson gửi Moffat; FRUS 1946, VIII:67-69; Department of Defense, US-Vietnam Relations, 1945-1947 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk 8, tr. 85-86.

84. Ngày 18/12/1947, Tổng Lãnh sự Charles Reed đã từ Sài-gòn điện trước cho Hopper rằng có thể “Giệm” [Diệm] sẽ ghé thăm; FRUS, 1947, VI:152-155.

85. CAOM (Aix), 7F 27.

86. Theo tình báo Pháp, ngày 8/2/1848, Diệm đồng ý với lập trường của VNQGLH: Độc lập - thống nhất. Năm Lửa Trần Văn Soái cùng lập trường, và tỏ ý quí trọng Diệm. Ngày 11/2/1948, Tiết [Thiet], một người thân cận Diệm và Nhu, từ chức Giám đốc báo Thống Nhất ở Huế, về Quảng Nam làm Giám đốc trị sự công ty bảo hiểm Le Secours. Lý do chính là không đồng ý với Trần Văn Lý. Ngày 12/2/1948, Diệm cử Đông đi Hà Tiên, Sa Đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long gặp một số linh mục kháng chiến cùng đại diện Cao Đài, Hoà Hảo để vận động cho Bảo Đại. Theo Đông, phần lớn giáo dân trong vùng Việt Minh ủng hộ kháng chiến; nhưng sẽ ngả theo Bảo Đại nếu được độc lập, thống nhất. Cũng định gửi một số sách báo vào vùng Việt Minh, như cuốn Tôi Muốn Tự Do. Nhu sẽ lên đường qua Pháp chừng hai tháng. Dự trù gặp Bảo Đại, và xuống Roma; SHAT (Vincennes),10H 4201.

87. Tháp tùng Spellman có Fulton G. Green. Thời Sự (Hà Nội), 7/3/1949.

88. CAOM (Aix), Indochine, 7F 29, tr. 57.

89. Nguyên văn: “Les aspirations du peuple vietnamien dépassaient les termes de l'accord d'Halong [12/1947].” SHAT (Vincennes), 10H 4138.

90. Ngày 12/5/1948, Đại sứ Mỹ Caffery điện báo về Washington là Vụ trưởng Á Châu Bộ Ngoại Giao Pháp tiết lộ rằng Paris đã cho phép Bollaert chấp thuận việc thành lập một chình phủ lâm thời với Xuân làm Thủ tướng. Tuy nhiên, chính phủ này phải đặt ở Hà Nội hay Huế. Việc thương thuyết giữa Bollaert và Xuân sẽ dựa trên căn bản Hiệp ước Hạ Long ngày 7/12/1947. Bảo Đại sẽ ký tên vào Hiệp ước mới (5/6/1948) giữa Bollaert và Xuân.

91. Công báo Việt Nam [CBVN], I:1 (4/6/1948), tr. 4.

92. SHAT [Vincennes], 10H 642.

93. Công báo Nam phần Việt Nam, 3:22 [31/5/1948]:359; CBVN, I:1 [4/6/1948]:7. Cùng ngày, Xuân ban hành Nghị định thứ 2, công bố tổ chức và chức quyền của chính phủ này; SHAT (Vincennes), 10H 642.

94. CBVN, I:1 [4/6/48]:4.

95. Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng, kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng: Nguyễn Văn Xuân. QVK, Phó Chủ tịch, Tổng trấn Nam Phần: Trần Văn Hữu. QVK, Tổng trấn Trung phần: Phan Văn Giáo. QVK, Tổng trấn Bắc phần: Nghiêm Xuân Thiện. QVK, Tùng Bộ Quốc Phòng: Trần Quang Vinh. Lễ nghi, Quốc Gia Giáo dục: Nguyễn Khoa Toàn. Nội vụ: Nguyễn Hữu Trí [không nhận] Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ. Tài chánh/Kinh tế Quốc gia: Nguyễn Trung Vinh. Công tác & Kế hoạch: Nguyễn Văn Ty. Thông tin, Báo chí & Tuyên truyền: Phan Huy Đán, Y sĩ [sau đổi tên thành Phan Quang Đán] Canh Nông: Trần Thiện Vàng. Y tế: Đặng Hữu Chí, Y sĩ. Thứ trưởng tùng Dinh Chủ tịch: Đinh Xuân Quảng. Thứ trưởng tùng Bộ Quốc gia Giáo dục: Hà Xuân Tế (CBVN, I:1, [4/6/1948]:15-6). Vì Nguyễn Hữu Trí từ chối Bộ Nội vụ, chức này do Xuân kiêm nhiệm. Ngày 25/9/1948, Trí được cử làm đại diện VN tại Paris, với Vũ Quí Mão làm “Đặc vụ viên.” “Chỉ dụ” ngày 9/6/1948 bổ nhiệm Đỗ Quang Giai làm Thứ trưởng Nội vụ; và Ngô Quốc Còn, Thứ trưởng Lao Động & Hoạt động xã hội (CBVN, I:2 [18/6/1948]:23-4). Qua ngày 28/6/1948, Lê Công Bộ làm Thứ trưởng Nội An (CBVN, I:3[31/7/1948]:35). Ngày 2/6/1948, Xuân ký sắc lệnh thứ ba, ban hành “Pháp qui tạm thời” (Statut Provisoire) của nước Việt Nam. Cờ vàng, 3 sọc đỏ. Quốc ca: Thanh niên hành khúc [nhưng không nhắc tên tác giả Lưu Hữu Phước. (Ngày 7/6/1948, Xuân ký sắc lệnh hủy bỏ pháp qui tạm thời này. Một tuần sau, ngày 14/6, Xuân ký Sắc lệnh liên quan đến các tổ chức công quyền tạm thời. Việt Nam chia làm ba 3 miền, thủ đô là Hà-nội. Quốc kỳ là cờ vàng (chiều dọc bằng 2/3 chiều dài), giữa có 3 sọc đỏ (dày bằng 1/15 chiều dọc của lá cờ và cũng cách nhau chừng ấy). Quốc ca: Thanh niên hành khúc. Theo Nguyễn Văn Tâm, Tâm là tác giả lá cờ vàng 3 sọc đỏ và chọn bài hát của Lưu Hữu Phước làm quốc ca. Theo Nguyễn Khánh, lá cờ vàng ba sọc đỏ là biến thể của lá cờ nền vàng ba sọc xanh của Cộng Hòa Nam Kỳợ.

96. Nguyên bản tiếng Pháp: “La France reconnait solennement l’indépendance du Vietnam auquel il appartient de réaliser librement son unité. De son côté, le Vietnam proclame son adhésion à l’ờUnion FrancỄaise en qualité d’Etat associé à la France. L’indépendence du Vietnam n’a d’autres limites que celles que lui impose son appartenance à l’ờUnion FrancỄaise.” CBVN, I:2 [18/6/48]:18; CAOM (Aix), GGI, Amiraux, 50062. Ngoài ra, 2/Việt Nam bảo đảm tôn trọng những quyền lợi của công dân Pháp, tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, và dành ưu tiên cho các cố vấn và chuyên viên kỹ thuật Pháp trong việc tổ chức nội bộ cùng kinh tế; 3/ sau khi thiết lập một chính phủ lâm thời, các đại diện Việt Nam và Pháp sẽ ký những thỏa ước về văn hoá, chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính và kỹ thuật.

97. FRUS, 1948, VI:25. Ngày 6/6/1948, tại Hà Nội, Báo L’Entente, cùng hầu hết các báo chí loan tin về “Hiệp ước” (Accords) Hạ Long. Theo các báo này, Bảo Đại đã ký hiệp ước với Bollaert, dưới sự chúng kiến của Nguyễn Văn Xuân. Theo Phó Lãnh sự Mỹ Edwin C. Rendall tại Hà-nội, cả ba người cùng ký, và Bảo Đại dùng thêm hai chữ “S.M.” (Sa Majesté) trước tên mình; FRUS, 1948, VI:24. Hôm sau, 7/6, Hồ phản đối việc “bọn bù nhìn” (fantoche) ký kết hòa ước với bất cứ nước ngoài nào. Ngày 9/6/1948, Tổng Lãnh sự Abbott gặp Xuân và Hữu. Theo Xuân cần đạt hoà ước gấp, nếu muốn có cơ hội thành công. Việc thương thuyết sẽ tiếp tục ở cả Pháp và Việt Nam, do “Siêu Đại sứ” Bảo Đại thực hiện. Có thể Bảo Đại sẽ hồi hương, nếu đó là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. (Tướng Pierre Boyer de Latour du Moulin, Tư lệnh Quân Pháp ở miền Nam thì cho rằng Bảo Đại sẽ hồi hương trong một thời gian ngắn). Xuân không mấy tin tưởng vào việc chiêu hồi những người Quốc Gia trong hàng ngũ Việt Minh. Việt Minh đang áp dụng những thủ đoạn hung bạo–kể cả chôn sống–để ngăn chặn phong trào về tề; FRUS, 1948, VI:25-6). Ngày 9/6/1948 này, Ferdinand Baeyens, Giám đốc Á Châu vụ Pháp, thông báo Đại sứ Bruce: Chính phủ Pháp rất bi quan về chính phủ Xuân. Bảo Đại không ưa Xuân, chỉ giữ Xuân cho tới lúc “tường đã khô.” Bộ Ngoại Giao và Hải ngoại Pháp đều muốn thay Xuân, chẳng hạn như Diệm; FRUS, 1948, VII:24-25.

98. Nghị định ngày 23/8/1948; CBVN, I:8 (4/9/1948):102. Bảy Viễn đặt bản doanh ở số 31, rue de Canton, Chợ Lớn

99. Ngày 3/7/1948, Ngoại trưởng Marshall điện cho Woodruff Wallner, Phụ tá Vụ trưởng Tây Âu, đang có mặt tại Paris:

1. Mặc dù vấn đề thống nhất ba kỳ của Việt Nam cần Quốc Hội Pháp phê chuẩn, nhưng Thủ tướng Robert Schumann cần công khai yểm trợ chữ ký của Bollaert;

2. Liệu chính phủ Schumann có gặp trở ngại khi đưa ra Quốc Hội biểu quyết việc thống nhất ba kỳ?

3. Mặc dù Schumann không dám đưa vấn đề ra trước Quốc Hội, nhưng có lẽ cần những lãnh đạo cao cấp nhất–Schumann, Bidault, và Coste-Floret–cùng ra sức;

4. Vấn đề sát nhập Nam Kỳ chỉ khó khăn trong hiện tại? Nếu thế, lúc nào thuận lợi?

5. Cần có những nhượng bộ nào để chứng tỏ thành khẩn khởi đầu?

Cuộc chiến ở Việt Nam đã kéo dài gần ba năm, và Pháp khó đạt một chiến thắng quân sự. Cuộc chiến này làm suy yếu nền kinh tế của Pháp và liên hệ của phương Tây với các sắc dân phương Đông. Quan điểm của Bộ Ngoại Giao Mỹ là sự tiếp tục cuộc biểu diễn những hình nộm mà Pháp đã sản xuất suốt hai năm qua chỉ giúp HCM mạnh hơn, và bảo đảm việc xuất hiện một quốc gia do Cộng Sản thống trị, ngả theo phe Liên Sô. Để tránh điều này, điều quan trọng hơn cả là phải cho cái gọi là chính phủ trung ương hiện nay, hoặc bất cứ một chính phủ chống Cộng nào, một cơ hội thành công bằng những nhân nhượng có thể quyến rũ đại đa số những thành phần không Cộng Sản; FRUS, 1948, VI:30.

Ngày 9/7/1948, Bollaert nói đang đòi Quốc Hội phải phê chuẩn Hiệp ước Hạ Long, như một điều kiện để trở lại Đông Dương. Bollaert đã yêu cầu chính phủ Schumann và Quốc Hội phải có hành động trước cuối tháng 7/1948, và hy vọng sẽ thuyết phục được Schumann đệ trình trước Quốc Hội toàn bộ hồ sơ. Tại Quốc Hội, Bollaert cũng tin rằng sẽ thắng lợi với một đa số vừa phải, để phê chuẩn thỏa ước Hạ-long cũng như chính sách của Bollaert tại Đông Dương. Quyết nghị của Quốc Hội cũng đương nhiên hủy bỏ Hiệp ước 1862 [đúng hơn, hiệp ước 1874], theo đó Nam Kỳ được cắt nhượng cho Pháp. Tuy nhiên, việc sát nhập Nam Kỳ trở lại với lãnh thổ Việt Nam cần một cuộc trưng cầu dân ý; nhưng trong hoàn cảnh hiện tại không dễ tổ chức trưng cầu dân ý. Về những thỏa ước kỹ thuật, Bollaert cho rằng có thể bắt đầu thảo luận từ mùa Thu 1948, không cần sự chấp thuận của Quốc Hội. Thứ Hai, 19/7/1948: Bollaert khẳng định QH phải phê chuẩn Hiệp ước Hạ Long. Không đồng ý với đề nghị “chấp nhận ngầm” mà Coste-Floret đưa ra ngày 17/7/1948. Bollaert cũng lo ngại Bảo Đại mải mê vui hưởng lạc thú ở Âu Châu, không muốn trở lại Đông Dương, và yêu cầu Mỹ can thiệp; FRUS, 1948, VI:34-35. (Thứ Hai, 19/7/1948: Thủ tướng Schumann xin từ chức. Thứ Tư, 21/7/1948: André Marie được cử làm Thủ Tướng. Thứ Hai, 26/7/1948: Chính phủ Marie nhiệm chức. Schumann, cựu Thủ tướng, nắm Bộ Ngoại giao. 5/8/1948: Đại sứ Caffery báo cáo: Bollaert không chịu trở lại Đông Dương nếu Quốc Hội không thảo luận về vấn đề thỏa ước Hạ-long. 19/8/1948: Thủ tướng Marie tuyên bố ủng hộ Tuyên Ngôn Chung Hạ Long. Tuy nhiên, chưa có một quyết định chính thức nào của Quốc Hội Pháp. ỳ Bollaert muốn được phê chuẩn chính thức như một hiệp ước, và trở thành Hiến chương của nền bang giao Pháp-Việt (Charte des rapports franco-vietnamiens).

100. FRUS, 1948, VI:25-26.

101. FRUS, 1948, VII:42. Ngày 9/7/1948, Bollaert ăn trưa với Bảo Đại. Khi Bollaert hỏi về việc hồi hương, Bảo Đại nói là còn tùy hoàn cảnh. Bảo Đại muốn đạt được càng nhiều nhượng bộ của Pháp càng tốt; FRUS, 1948, VI:32-33.

102. FRUS, 1948, VI:32-33. Ngày 14/7, Marshall chấp thuận đề nghị của Wallner, chỉ thị cho Đại sứ Caffery tiếp xúc chính phủ Truman. Ngày 15/7, Caffery thông báo đã hoàn tất nhiệm vụ, nhưng nhân viên Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết vấn đề cực kỳ khó khăn; Ibid., tr. 33-34. Nhưng năm ngày sau, 19/7, chính phủ Schuman bị đổ.

103. CAOM (Aix), INF, c. 154/1354.

104. Ngày Chủ Nhật, 17/1/1949, Lovett, XLTV Ngoại trưởng Mỹ, gửi công điện cho Đại sứ tại Pháp: Mỹ muốn thấy Pháp đi đến thỏa thuận với Bảo Đại hay bất cứ một “nhóm quốc gia chân chính” nào khác có khả năng lôi kéo đa số dân chúng, và không thể cam kết yểm trợ một chính phủ không vận động được dân chúng ủng hộ, sẽ biến thành một chính phủ bù nhìn, tách biệt khỏi dân chúng, và sự hiện hữu chỉ dựa vào binh lực Pháp. Caffery sẽ được thông báo về hành động phối hợp Mỹ, Bri-tên và Pháp để chống Cộng Sản sau khi nhận được báo cáo của Bri-tên; FRUS, 1949, VII:5. Ngày Thứ Tư, 20/1/1949, Đại sứ Caffery điện báo là Pignon cho biết đã đạt được các điểm căn bản. Hai bên đồng ý rằng cần Quốc Hội Pháp phê chuẩn việc thống nhất Nam Kỳ trước khi chính thức công bố các điểm thỏa thuận để bảo đảm rằng dân chúng sẽ chấp nhận giải pháp Bảo Đại. Vấn đề chủ quyền gồm 2 lãnh vực: Ngoại giao và nội bộ. Về nội bộ, việc bàn giao cơ cấu hành chính có thể thực hiện bất cứ lúc nào, nhưng về tư pháp, cần sắc luật của Quốc Hội. Chính phủ Pháp đang nghiên cứu thời điểm cho Bảo Đại hồi hương, và chuẩn bị hồ sơ chuyển qua Quốc Hội. Quốc Hội sẽ bàn thảo về việc này trước ngày bầu cử hàng tổng (canton) ngày 15/3/1949. Nếu chính phủ thay đổi lập trường, hay Quốc Hội không phê chuẩn, Pignon sẽ từ chức; FRUS, 1949, VII:6.

105. FRUS, 1949, VII:7.

106. FRUS, 1949, VII:10. Thư ngày 8/3/1949 của Auriol gửi Bảo Đại gồm 7 mục chính: Việt Nam thống nhất (Unité du Vietnam); Vấn đề ngoại giao (Question diplomatique); Vấn đề quân sự (Question militaire): Việt Nam sẽ có một quân đội riêng để duy trì trật tự, an ninh nội địa và bảo vệ đế quốc (la défense de l'Empire). Trong trường hợp tự vệ, có thể được các lực lượng Liên Hiệp Pháp yểm trợ (appuyé par les forces de l'Union francaise). Quân đội VN cũng tham dự vào cuộc bảo vệ biên cương của toàn Khối Liên Hiệp Pháp; Vấn đề chủ quyền trong nước (Souveraineté interne); Vấn đề tư pháp; Vấn đề văn hóa; Vấn đề kinh tế và tài chính (CP 290).

107. AAN, 1949:1545-6. Phụ bản các điều thỏa thuận chỉ công bố vào ngày 18/6/1949.

108. Nguyên văn: “La solution militaire n'est pas obtenue; Bao Dai ne jouit d'aucune autorité au Viet Nam. Le Viet Nam est derrière Ho Chi Minh. Il faut traiter en premier lieu avec Ho Chi Minh; AAN, 1949:1521.

109. AAN, 1949:1522-1523.

110. AAN, 1949:1523, col 3.

111. AAN, 1949:1523, col 3.

112. CAOM (Aix), PA 19, Carton 4/68; AAN, 1949:1590, col1; FRUS, 1949, VII:11.

113. SHAT (Vincennes), Indochine, 10H 642.

114. FRUS, 1949, VII:35-36.

115. FRUS, 1949, VII:27,31.

116. FRUS, 1949, VII: 21-22, 38-45.

117. FRUS, 1949, VII:19-20.

118. FRUS, 1949, VII:24-25; Pentagon Papers, Gravel, I:63.

119. FRUS, 1949, VII:29-30.

120. Irving 1975:69. Ngày Thứ Hai, 6/3/1949, tình báo Pháp báo cáo: Việt Minh triệu tập một buổi họp các cấp chỉ huy quân sự cấp trung đoàn tại Đồng-Tháp-Mười, hoạch định kế hoạch tấn công trả đũa việc Bảo Đại hồi hương, tức vào dịp không trăng từ 22 tới 28 tháng 3 (CP 208). Thứ Tư, 8/3/1949, Việt Minh thành lập Đặc khu Sài-gòn/ Chợ-lớn, gồm các tỉnh Gia-định, Chợ-lớn, và khu Đông-thành cũ (?).Quyết định này do Nguyễn Bình, Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thuần ký. Ban chỉ huy của Đặc khu: Chủ tịch: Tô Ký, Phó Tư lệnh Khu 7; Phụ tá: Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch, Ủy viên quân sự đặc khu Sài-gòn / Chợ-lớn; Bí thư: Ta Nhut Tu (?),Thanh tra chính trị và công an Đông Nam Bộ; Chủ tịch UBHC Sài-gòn/ Chợ-lớn; Chính ủy: Xung, Trưởng phòng chính trị Khu 7. Khu 7 cũ tiếp tục hiện hữu. Bộ Chỉ huy gồm có: Chỉ huy trưởng, Huỳnh Văn Nghệ; Phụ tá: Nguyễn Van Dung; Chính ủy: Nguyễn Văn Tri. (CP 208) Ngày 26/4/1950, nhân cuộc biểu tình chào mừng Bảo Đại hồi hương tổ chức linh đình tại Hà-nội, Việt Minh ném một quả lựu đạn, khiến một em bé tử thương. Theo Lãnh sự Gibson, Pháp kiều bắt đầu bán các cơ sở kinh doanh, chuẩn bị hồi hương; FRUS, 1949, VII:21.

121. Thủ Tướng: “Đức” Bảo Đại, Quốc trưởng. Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Xuân. Tổng trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Phan Long; Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệầ; Quốc Gia Kinh tế và Kế hoạch: Trần Văn Văn. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm Nội vụ: Vũ Ngọc Trản; BT Tài chánh: Dương Tấn Tài; BT Ngoại Giao: Lê Thăng; BT Quốc Phòng: Trần Quang Vinh; BT Thương Mại & Kỹ nghệ: Hoàng Cung; BT Canh Nông, Xã hội, Lao động: Phan Khắc Sửu; BT Công tác, Giao thông & Kiến thiết: Trần Văn Của; BT Quốc Gia Giáo dục: Phan Huy Quát; BT Thanh niên: Nguyễn Tôn Hoàn; BT Y tế: Nguyễn Hữu Phiếm; BT Thông tin: Trần Văn Tuyên. TTK Chính phủ: Đặng Trinh Kỳ; CBVN, II:2 [13/8/1949]:14. Ngày 3/7/1949, Bảo Đại ký sắc lệnh 4-CP, bổ nhiệm Nguyễn Hữu Trí làm Thủ hiến Bắc Việt; Phan Văn Giáo, Thủ hiến Trung Việt, và Trần Văn Hữu, Thủ hiến Nam Việt; CBVN, II:1 [6/8/1949]:6.

122. Ngày 24/3/1950, Luật tiết lộ với cơ quan tình báo Pháp (SEHAN) rằng Diệm không thân cận được với Bảo Đại vì bản tính nhu nhược (faible) và thiếu cương quyết (indécis) của Bảo Đại. Nếu lên nắm quyền, Diệm sẽ chống Cộng thẳng tay, mà muốn thế cần có sự tín nhiệm và yểm trợ tuyệt đối của Bảo Đại. Điều này chắc không có. Ngoài ra, lập trường chính trị của Diệm cũng khác biệt. Thứ nhất Diệm muốn biết chắc thể chế độ chính trị của Việt Nam sẽ được tương tự như India trong Liên Hiệp Bri-tên. Nhưng sự bảo đảm chắc chắn này không được chứng tỏ qua thực tế, như việc bàn giao chủ quyền, hay qua sự tiến hoá của các khuynh hướng chính trị tại Pháp. Luật thêm rằng tại miền Bắc, Diệm chẳng có bao nhiêu người ủng hộ, ngoại trừ phe Ki-tô chịu ảnh hưởng Phát-diệm. Tại Hà-nội, theo Luật, có thể có Trần Văn Lai, Trần Trung Dung và Nguyễn Xuân Chữ. SHAT (Vincennes), Indochine, 10H 1039.

123. Một trong những biên khảo xuất sắc về liên hệ giữa QTCS với Đảng CSĐD do học giả Anatoli Sokolov thực hiện. Ấn bản Việt ngữ của tác phẩm này, theo Sokolov, không được chính xác. Một số phụ chú đã bị cắt bỏ. Tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years, 1924-1941 (2003) của Quinn-Judge và tuyển tập Lê Hồng Phong (Hà Nội: 2002) cũng chứa đựng nhiều tài liệu Nga giá trị. Xem thêm những công bố của học giả Việt như Đỗ Quang Hưng, Trần Văn Hưng, v.. v... trong Tạp chí Lịch Sử Đảng (1999-2000).

124. Hầu hết các chi tiết trên đã được công bố từ thập niên 1950. Tuy nhiên, ngày tháng và chi tiết mới được tài liệu văn khố Trung Cộng xác tín từ thập niên 1990. Một trong những tác phẩm nên đọc: Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975 (Chapel Hill: Univ. of North Carolina Press, 2000), tr. 15-20. Xem thêm Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ (Hà Nội: NXBQĐND, 2001), tr. 10-16.

125. Đại tướng Giáp, trong tập hồi ký Điện Biên Phủ (1994) và trong các ấn bản mới của hồi ký (2001) đã ghi nhận sự thực lịch sử cay đắng này.

126. Ngày 21/6/1954, Churchill viết thư cho Eisenhower, đề nghị thành lập một chiến tuyến chống Cộng trong vùng Thái Bình Dương [“establishing a firm front against Communism in the Pacific sphere]. Churchill cũng tán thành việc thành lập một Liên Phòng Đông Nam Á, giống như Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương tại vùng Đại Tây Dương và Âu châu [We should certainly have a SEATO, corresponding to NATO in the Atlantic and European sphere]. Churchill nhấn mạnh: “In no foreseeable circumstances, except possibly a local rescue, could British troops be used in Indochina, and if we were asked our opinion we should advise against United States local intervention except for rescue;” FRUS, 1952-1954, XIII:1728-1729.

127. Sau đó, có tin đồn Cường Để về Bangkok, được một cán bộ CS tên Quy hết sức chiều đãi. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu nào minh chứng việc này.

128. FRUS, 1950, VI:884-886. Tối ngày 25/10/1950, Acheson điện cho Heath về việc thành lập QĐGVN. Theo Acheson, viên chức Pháp nghĩ rằng có thể đưa các lực lượng giáo phái vào, tổng số chừng 75,000 người. Thục, Chi và Diệm cũng muốn biến lực lượng Ki-tô Giáo thành một phần quân đội; Ibid., VI:909-10. Ý kiến của Thục, thực ra, chẳng có gì mới lạ. Từ năm 1947, quan tướng Pháp đã khéo léo sử dụng các sứ quân tôn giáo, và ngay cả băng đảng, để ngăn chặn Việt Minh. Các Đơn Vị Lưu Động Bảo Vệ Ki-tô Giáo của Leroy [UMDC] hoạt động không xa giáo phận của Thục. Tháng 7/1950, Bộ Chỉ Huy UMDC rời về tỉnh lÿ Bến-tre. Trung tá Leroy được làm Tỉnh trưởng tỉnh này [cho tới ngày 25/11/1952; SHAT (Vincennes), 10H 643.

129. Ngày Thứ Tư, 24/1/1951, XLTV Đại sứ Mỹ Gullion báo cáo là Bảo Đại đã nhận được thư của Diệm. Nhưng Bảo Đại không ưa Diệm vì Diệm từng nhiều lần từ chối hợp tác. Phần anh em Diệm và Thục chủ trương giải pháp lập Bảo Long lên ngôi, với Nam Phương và Cường Để làm Nhiếp Chính; FRUS, 1951, VI:359-61.

130. FRUS, 1951, VI:348.

131. Ngày 21/6/1954, Diệm nói với Đại sứ Heath: “I am best known figure in Vietnam after Ho Chi Minh;” FRUS, 1952-1954, XIII:1727. Khi đại ngôn điều này, Diệm quên mất Bảo Đại, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tường Tam, v.. v... Phê bình về lời hợm hĩnh của Diệm, một viên chức ngoại giao Mỹ nhận xét Diệm là “nhân vật thứ hai, cách rất xa, Hồ Chí Minh.”

132. FRUS, 1952-1954, I:134-41.

133. FRUS, 1952-1954, I:522-523.

134. Thương thuyết bắt đầu từ ngày 8/3/1954. Ngày 4/6/1954 [28/4/1954], Laniel và Nguyễn Trung Vinh ký thoả hiệp “kiện toàn [perfection] nền độc lập của Việt Nam.” Hiệp ước này chỉ được “paraphé” [ký tắt]; SHAT (Vinvennes), 1K 233, d. 40.

135. Xem chi tiết về tổ chức này trong Chính Đạo, VNNB, Tập I-C: 1955-1963 (Houston: Văn Hóa, 2000) & Tập II-B: Các tổ chức chính trị (Houston: Văn Hóa, đang in). Xem thêm Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, I:333-342. Nên lưu ý, trong Chính Cương của Cần Lao, không hề đề cập đến thuyết “sáng tạo” hay “tạo hóa” mà đôi lần đề cập đến thuyết “tiến hóa.” Điều này chứng tỏ Nhu có thể là một tín đồ Ki-tô, nhưng “chống Giáo sĩ” [anti-clerical] như Nhu thú nhận với Phái đoàn điều tra LHQ vào ngày 28/10/1963; UNGA, Agenda Item 77, Doc. A/5630, 7/12/1963.

Copyright 2007, by Chieu Ngu Vu & Van Hoa Publishing. All Rights Reserved.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12294)
(Xem: 13833)
(Xem: 15107)
(Xem: 14677)
(Xem: 14670)
(Xem: 15273)
(Xem: 14113)
(Xem: 13865)
(Xem: 13899)
(Xem: 14790)