- Thư Tòa Soạn 89
- Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 2)
- Vũ Ngự Chiêu: Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ “trung Quân” Sang “ái Quốc”
- Nguyễn Phạm Hùng: Về Tính Thống Nhất Giữa Văn Học Triều Tây Sơn Và Văn Học Triều Nguyễn
- Mênh Mông Chật Chội, Chật Chội Mênh Mông
- Nguyễn Nam Trân: Văn Học Đại Chúng Nhật Bản Hiện Đại: Tiểu Thuyết Trinh Thám Và Khoa Học Giả Tưởng
- Nốt Chủ Âm - Kiino-to
- Thuyền Ai Thấp Thoáng
- Nguyễn Văn Lục: 20 Năm Triết Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam 1955 - 1975
- Tức Nước (trích Đoạn Tiểu Thuyết Bể Dâu)
- Câu Chuyện Văn Nghệ Đêm Giao Thừa Với Nhà Thơ Lê Đạt
- Mimơza (từ Tình Epphen Ii)
- Gió Lùa Qua Cửa
- Cuối Tháng
- Tình Chiều
- Đêm, Từng Mảnh...
- Chiếc Áo
- Người Ở Lại Toul Sleng
- Bắt Đầu Tháng Tư Rồi Đó Em
- Mắt Lệ
- Ngôi Sao Và Hạt Bụi
- Hoa Muộn - Bàn Chân Mẹ
- Mẹ
- Cái Chết Biện Minh
- Thơ Dư Thị Hoàn
- Bến Bờ Đợi Mong
- Vẫn Còn Xa Cách
- Dớp
- Thôi Đành Để Gió Cuốn Đi
- Yêu
- Khổ - Chỉ Vì
- Những Giấc Mơ
- Vắng Mặt
- Mùa Đang Mới
- Thơ Nguyễn Nam An
- Huỳnh Lê Nhật Tấn: Gió Núi
- Sáng Tạo Và Bệnh Tật
- Mạn Đàm Văn Học
- Phụ Trang
PARIS, ngày 27.12.2007 (PTTPGQT) - Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa gửi sang Paris cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bản Tuyên cáo của Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo) về vấn đề Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm nay từ Thanh Minh Thiền viện ở Saigon, thừa ủy nhiệm Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ký bức Tuyên cáo. Trọng tâm bức Tuyên cáo đòi hỏi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trao quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân như kế sách dân tộc mỗi khi có ngoại xâm trong truyền thống văn minh nước Việt. Vì lẽ “ba triệu đảng viên Cộng sản và nửa triệu bộ đội hiện tại chưa đủ thế và lực bảo vệ tổ quốc trên mặt quốc phòng, chưa đủ uy và dũng mở rộng mặt trận chính trị và ngoại giao quốc tế, mà cần tới sự tham gia toàn diện của 85 triệu dân và khối lượng Người Việt hải ngoại”. Để đạt tới sự tham gia toàn quốc, Nhà cầm quyền Hà Nội phải “loại bỏ ngay điều 4 trên Hiến pháp tạo điều kiện cho sự tham gia cứu quốc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc, mọi gia đình tôn giáo và chính trị”, hầu tiến tới việc “cấp tốc triệu tập Hội nghị Diên Hồng cho thế kỷ XXI”.
Tuyên cáo xác định vai trò Phật giáo như một yếu tố dân tộc: “Với trách nhiệm của người công dân, và trong cương vị một tôn giáo từng đóng góp vào công trình lập quốc suốt hai nghìn năm qua, Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không thể im lặng khi tổ quốc lâm nguy, nên cất lời kêu gọi giới sĩ phu thời đại trong nước và ngoài nước hãy khẩn cấp đứng lên vận động hợp quần cứu nguy. Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẵn sàng tham gia hậu thuẫn mọi công trình bảo vệ non sông và nòi giống”.
Sau đây là toàn văn bức Tuyên cáo của Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
----------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2551 (Số 08 /VHĐ/VT)
Tuyên cáo của Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất về việc Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm câm nín, bị bức hiếp, thanh niên, sinh viên trong nước và Cộng đồng người Việt Tị nạn nước ngoài không hẹn mà cùng nhau xuống đường nói lên tiếng nói bất khuất của nghìn năm văn hiến Việt : Không để ngoại nhân xâm lấn đất ! Ngày nay, tiếng nói ấy mở rộng biên cương ra đến biển : Không để ngoại nhân xâm lấn biển!
Sáu mươi hai năm trước, tiếng nói bất khuất ấy từng vọng lên qua lời nhạc "Thần dân nghe chăng sơn hà nguy biến !" khi toàn dân cùng đứng lên giành độc lập sau một trăm năm Pháp thuộc.
Ngày nay, trước cơn lâm nguy của tổ quốc, HỘI ĐỒNG LƯỠNG VIỆN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
- Nhận định rằng, từ 1956, do chủ nghĩa đại đồng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh, Nhà cầm quyền Hà Nội đã từ khước sự toàn vẹn lãnh thổ, xóa nhòa biên cương tổ quốc trên biển, đem lãnh hải dâng hiến cho Bắc phương. Nên Ngọai trưởng Ung Văn Khiêm tuyên bố công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung quốc. Sang đến ngày 14.9.1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính thức gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai minh xác bằng văn bản chủ quyền Trung quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Nhận định rằng hai Hiệp ước biên giới Việt Trung ký kết ngày 30.12.1999 và Hiệp ước Vịnh Bắc Việt ký kết ngày 25.12.2000 làm mất đi bao nhiêu nghìn cây số vuông mà tiền nhân đổ máu xương gầy dựng và bảo vệ.
- Nhận định rằng từ năm 2004, Nhà cầm quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đã nhu nhược, đánh mất uy lực quốc phòng, không còn bảo vệ được sinh mệnh giới ngư dân Việt Nam sinh sống trên biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi cạnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Nhận định rằng Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ lo bảo vệ chủ nghĩa Xã hội mà không lo bảo vệ biên cương tổ quốc và sự an ninh, hạnh phúc của 85 triệu dân, chỉ lo mất Đảng chứ không lo mất Nước.
NAY CẤT LỜI KÊU GỌI :
1. Toàn dân trong và ngoài nước mau chóng kết hợp thành một khối để bảo vệ non sông và nòi giống. Người dân trong nước hãy nhất tề đứng lên đòi hỏi Quyền sống, Quyền tham gia bảo vệ tổ quốc. Người Việt hải ngoại xin một lòng hậu thuẫn cuộc đấu tranh trong nước và vận động quốc tế làm sáng rõ chủ quyền Việt Nam và sự hậu thuẫn thế giới bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quê hương;
2. Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam học lại bài học dân chủ của tổ tiên khi tổ quốc lâm nguy, cấp tốc triệu tập Hội nghị Diên Hồng cho thế kỷ XXI để :
2.1. Ý thức rằng ba triệu đảng viên Cộng sản và nửa triệu bộ đội hiện tại chưa đủ thế và lực bảo vệ tổ quốc trên mặt quốc phòng, chưa đủ uy và dũng mở rộng mặt trận chính trị và ngoại giao quốc tế, mà cần tới sự tham gia toàn diện của 85 triệu dân và khối lượng Người Việt hải ngoại;
2.2. Từ ý thức cấp cứu nói trên, loại bỏ ngay điều 4 trên Hiến pháp tạo điều kiện cho sự tham gia cứu quốc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc, mọi gia đình tôn giáo và chính trị;
2.3. Triệu tập Hội nghị toàn dân bao gồm các cộng đồng tôn giáo và các đảng phái dân tộc ra đời từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, mở đầu công cuộc hóa giải các tranh chấp, hận thù nẩy sinh từ các ý thức hệ ngoại lai gây thành hậu quả bản địa thảm thương suốt sáu mươi năm chưa dứt, hầu đặt cơ sở cho việc trao quyền lãnh đạo cho toàn dân trong một thể chế dân chủ tam quyền phân lập và đa đảng.
Trong quá khứ lịch sử, khi toàn dân cùng đứng lên chống ngoại xâm, thì lãnh thổ toàn vẹn, chủ quyền thiết lập, độc lập dân tộc hoàn thành, văn hiến phát huy. Quy luật tối hậu này mãi mãi là tư tưởng chỉ đạo nhằm bảo vệ chủ quyền và văn hóa dân tộc, bảo vệ tự do, no ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Cho nên, khi tiếng nói và ý chí của toàn dân được thể hiện trên toàn quốc mới cản ngăn được mọi bước tiến ngoại bang xâm lược. Lịch sử Việt Nam là minh chứng hùng hồn cho quy luật tất yếu này.
Với trách nhiệm của người công dân, và trong cương vị một tôn giáo từng đóng góp vào công trình lập quốc suốt hai nghìn năm qua, Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không thể im lặng khi tổ quốc lâm nguy, nên cất lời kêu gọi giới sĩ phu thời đại trong nước và ngoài nước hãy khẩn cấp đứng lên vận động hợp quần cứu nguy. Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẵn sàng tham gia hậu thuẫn mọi công trình bảo vệ non sông và nòi giống.
Làm tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 27.12.2007
T.U.N Đức Đệ tứ Tăng thống
Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ