- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những Giấc Mơ

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8548)
Định cư ở Đức gần mười bốn mười lăm năm nay, nhưng những câu chuyện trong các giấc mơ của chú Sinh bao giờ cũng xảy ra ở Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mà thôi. Thế chẳng biết là lạ hay không la, chuyện mơ mộng thường vô lý mà, và cũng chẳng biết những điều đó có chứng tỏ sự hội nhập chật vật của chú vào cuộc sống ở xứ lạ không, chuyện mơ mộng thì ai tính làm gì.

Cả đêm qua, chú Sinh có một chuỗi những giấc mơ chồng chéo lên nhau rất phức tạp và vì thế mà rất khó lý giải nếu như có ai muốn lý giải giúp chú.

Thì đầu tiên, chú Sinh cũng chỉ chập chờn mơ một giấc mơ mà kể lại nó như một câu chuyện hơi có tính chất hài hước thôi... Đã vài chục năm không gặp nhau một lần nào, vậy mà chẳng hiểu sao chú lại mơ thấy hai cô bạn gái học cùng trường phổ thông ngày xưa. Đấy là cô Ngọc và cô Ngà. Cũng vì vốn chẳng xinh đẹp hay có nét gì đặc biệt nên từ trước đến nay cả hai cô này đều chưa bao giờ được chú Sinh để tâm đến. Tất nhiên là chú cũng chẳng biết các cô công tác ở cơ quan nào. Vậy mà, cứ như trong mơ thì chú lại thấy rõ mồn một là cả hai người đều cùng làm việc ở phòng đọc của thư viện thành phố. Như bao giờ cũng thế, công việc ở đây nhàn nhã vô cùng, gọi là hai người làm nhưng thật ra chỉ một người cũng thừa sức... Chỉ có mỗi một việc là ngồi xem người ta đọc thôi thì ai làm mà chẳng được, ngay đến trẻ con cũng có thể.

Chú Sinh nghĩ, có lẽ cũng chính vì thế mà hai cô Ngọc - Ngà mới thỏa thuận với nhau để ăn bớt ăn xén thì giờ của nhà nước chăng. Hôm nào cũng vậy, hai cô đổi nhau, cứ một cô đã đến sớm thì một cô phải về muộn. Muốn làm gì thì làm, nhưng lúc nào cũng một cô có mặt ở vị trí chiến đấu là được rồi. Độc giả thì không cần phải bàn đến, sách báo đấy, các vị cứ việc lấy mà đọc, đọc xong thì để lại lên bàn, lên giá, hết giờ thì về cho người ta đóng cửa, các cô ngồi trực ở vị trí là đề phòng phải chiến đấu với mấy ông mấy bà trong ban giám đốc. Chẳng mấy khi, nhưng thảng hoặc các ông các bà có xuống kiểm tra đột xuất thì lúc nào cũng có người tiếp đón và cái chính là để chống chế, bao biện cho nhau.

Dạo ấy, ở tất cả các rạp chiếu phim trong thành phố đang đồng loạt chiếu một phim tình cảm gì đó rất hay của Hồng Kông hay Hàn Quốc gì đó. Hay đến nỗi rạp nào cũng chiếu một ngày bốn năm suất mà vé vẫn bán ra bao nhiêu cũng hết. Người ta đồn đại nhau thế nào đó để số người đến rạp càng ngày càng đông. Đi tới đâu, ở chỗ nào cũng chỉ thấy dân tình tụm năm túm ba kháo nhau về nhân vật này nhân vật kia hoặc các pha mùi mẫn sướt mướt trong phim, kích thích nhau đến nỗi nhiều người đã xem rồi vẫn muốn kiếm vé để xem lại - có người xem đi xem lại đến năm sáu lần rồi mà vẫn còn muốn xem nữa, với lý do chỉ là đợi đến đoạn ấy đoạn nọ để được cùng thút thít nhỏ nước mắt khóc với nhân vật nọ nhân vật kia... Một hôm, tự nhiên chẳng hiểu vì sao chú Sinh lại nổi hứng lên, quyết tâm bóc mẽ cái kiểu ăn thật làm giả của cô Ngọc, cô Ngà cũng như của toàn thể cán bộ công nhân viên cái thư viện này ra trước bàn dân thiên hạ. Biết là cả thư viện từ bà giám đốc cho đến mấy cô thủ thư quèn đều chưa ai được xem bộ phim này, chú bèn nghĩ ra một kế. Trong mơ thì chuyện gì cũng dễ dàng và cũng có thể xảy ra cả. Chẳng biết chú kiếm được ở đâu một nắm vé rồi mang đến dúi cho mỗi bà mỗi cô một cái. Tất nhiên là chú dúi một cách khéo léo và kín đáo, bí mật, để người nào cũng nghĩ rằng chỉ mỗi mình là có vé thôi, để rồi mỗi người một cách, tất cả đều bỏ giờ làm việc và có mặt trên cùng một hàng ghế ở trong rạp.

Hôm ấy, như thường lệ, theo quy ước của hai cô thì vì cô Ngọc đi làm sớm hơn mấy giờ nên sẽ được về trước mấy tiếng. Cô ung dung đi tới rạp xem phim, trong lòng đinh ninh là ở thư viện mọi việc đã có người đối phó, lo liệu chu đáo. Vậy mà vừa vào rạp, ngồi chưa ấm chỗ, cô đã ớ người ra khi chỉ một lúc sau đã thấy cô Ngà hớn hở ngồi xuống ngay bên cạnh... Tưởng tượng ra cảnh cô Ngà mặt đỏ lên lúng túng không biết giải thích với cô Ngọc thế nào cũng như cảnh hai cô bối rối như gà mắc tóc trước mặt bà giám đốc khó tính, chú Sinh khoái quá, bật cười thành tiếng khanh khách.

Tỉnh giấc, biết là mình đang mơ, chú Sinh nhắm mắt lại để rồi chỉ một lúc sau đã chập chờn đi vào giấc ngủ, chập chờn có một giấc mơ khác. Các giấc mơ của chú càng về sau càng có vẻ phức tập hơn. Lần này thì chú mơ thấy chính mình cũng đi xem phim. Đang còng lưng phóng xe đạp vù vù trên phố thì chú bỗng thấy có thằng nào chạy hồng hộc tới rồi vừa nhảy đến huỵch một cái lên chiếc boocbaga đằng sau vừa nói:

- Anh cho em đi nhờ ra Bờ Sông tí.

Xong, chẳng đợi chú có ra Bờ Sông và có bằng lòng hay không, thằng đó cứ ôm cứng lấy chú. Mà chẳng phải chỉ có thế, ôm được một lúc, thằng chết tiệt lại giở trò sờ soạng khắp nơi làm chú thấy nhột nhạt vô cùng... Nhưng chú vẫn cố chịu đựng, mãi cho đến khi hai bàn tay của nó đưa lên xoa hết ngực bên này đến ngực bên kia thì chú nhột quá đến không chịu được nữa phải hét lên đẩy nó xuống đất.

Nhưng chú Sinh cũng chỉ tỉnh giấc một thoáng rồi lại tiếp tục đi vào giấc mộng ngay. Tim chú đập thình thình, liên hồi kỳ trận như trống trận. Lâu lắm rồi, chú chỉ mặc áo phông, nhưng trong giấc mơ này thì chú thấy mình diện một cái sơ mi trắng tinh. Chú đưa tay lên ngực, sờ đến túi áo và lại giật mình một lần nữa. Thì ra cái thằng khốn nạn vừa nhảy lên xe kia, trong lúc sờ soạng, vuốt ve chú đã móc mất cái vé với mấy chục đồng bạc mà chú vẫn để ở túi áo ngực từ lúc nào rồi.

Vừa cảm thấy tiếc đứt ruột cái vé xem phim vừa thấy căm phẫn ghét cay ghét đắng thằng móc túi khốn kiếp đầy thủ đoạn, mở mắt ra chú Sinh mới biết rằng mình lại vừa mơ một lần nữa. Nhưng chú lại thiếp đi ngay để rồi chỉ một lúc sau đã thấy đạp xe lông nhông trên phố. Tự nhiên chú thấy một toán đến bốn năm người bạn ngày trước cùng làm công ty đang ngồi trong một quán nước. Vì cả mấy người này đối với chú đều khá thân, nên chú chủ động dừng xe lại ngay. Và vì trong thâm tâm vẫn còn muốn đi xem phim, nhưng trong túi chẳng còn vé cũng chẳng còn tiền để gửi xe đạp, nên chú bèn cất tiếng hỏi ông bạn thân nhất:

- Anh Bền, anh cho em xin mấy chục được không?

Để rồi như mọi khi, ông anh vui vẻ móc túi rút ví lấy tiền đưa ngay cho chú:

- Có đây. Chú mày. Cầm lấy đi.

Những cử chỉ này khiến chú Sinh rất hưng phấn. Tự nhiên chú cảm thấy vẫn yêu đời, yêu người quá. Thì ra trên đời này loài người ăn ở đối xử với nhau một cách chân thành, tình nghĩa chưa phải là đã tuyệt chủng.

Chú Sinh đã định đạp xe đi, nhưng một người bạn khác, cũng rất thân với chú, ông Toán thì phải, lại đưa tay lên xem đồng hồ rồi nói:

- Hãy còn sớm lắm. Đi đâu mà vội. Vào đây làm chén nước với anh em đã.

Có thể là hãy còn sớm thật. Song cái chính là nể mấy người bạn, chú Sinh bước vào quán. Nhưng chảng hiểu sao, chưa kịp uống nước chũng chưa kịp làm cái gì cả, quay đi quay lại chú đã thấy cả mấy người bạn theo nhau biến đi đâu mất sạch. Xung quanh chú toàn người lạ và điều đáng nói nhất là cái xe đạp chú vừa dựng ở đây chẳng biết bằng cách nào đã không cánh mà bay. Mà cái xe đạp này đâu có phải của chú. Để sử dụng nó một lúc, chú phải mượn của một anh cùng làm trong phòng, và anh này thì cũng nghèo lắm, biết ăn biết nói với anh ta làm sao bây giờ được đây.

Chuyện mất tiền rồi một lúc sau lại mất luôn cái xe đạp làm chú Sinh hốt hoảng thực sự. Người chú lạnh toát, mồ hôi mồ kê vã ra khắp mọi nơi đầm đìa. Thực sự thì chú không còn biết mình đang mơ nữa. Đây là cái xe đạp thứ hai trong đời chú đánh mất rồi. Lần này là xe của ông bạn, còn lần trước là cái SK của bà chị họ... Hôm ấy chú có việc đến ủy ban khu phố xin sao cái bằng tốt nghiệp đại học, song vừa ngó đến cái xe đạp thì thấy nó đã bị xịt cả hai bánh, chú đang định dắt đi sửa thì gặp bà chị đến chơi, tiện thể bèn hỏi mượn luôn, ai ngờ đâu chờ đến lúc xin được con dấu quay ra thì cái xe đã biến mất tăm hơi rồi. Chú Sinh vẫn còn nhớ như in, lúc nghe chú bảo mất xe rồi bà chị họ đang ngồi bỗng té ngửa ra giường, ngất xỉu, mặt tái mét, tưởng cắt không còn hột máu. Chẳng gì thì nó cũng là cả gia tài của vợ chồng chị, phải gom góp, phấn đấu bao nhiêu năm mới mua được. Đận ấy nhà chú cũng khốn đốn. Để có tiền trả bà chị mua cái xe mới, ông bố chú phải rút sổ tiết kiệm, bà mẹ cũng phải hy sinh cái nhẫn một chỉ.

Phải khó khăn lắm chú Sinh mới mở mắt ra được, tỉnh giấc rồi mà vẫn thấy tim đập chân run. Nhưng chỉ được một lúc, chú đã lại thiếp đi ngay và lại mơ thấy đang rong ruổi một mình một xe trên đường Thanh Niên. Thời buổi này người ta đi xe máy cả, nhưng vì chú chưa biết sử dụng loại phương tiện này nên chỉ mơ thấy xe đạp. Gió từ Hồ Tây mát rượi phả vào mặt làm chú cảm thấy sảng khoái. Và có lẽ vì khoái chí quá mà tay lái chú đâm chệch choạc, đang ở làn trong, làn dành cho xe đạp, chẳng biết thế nào mà chú lại đánh tay lái ra ngoài tí nữa thì đụng phải một cái xe con.

Đấy là một chiếc xe bốn cửa loại kiểu cách nhất của Nhật đang phóng như bay. Vậy mà, trong lúc tấp vội vào lề đường, chú Sinh vẫn còn kịp nhận ra được một người đang ngồi trong xe là ai đồng thời nhận ra năng khiếu làm tình báo của mình. Thì đấy, có ai ngờ được cái thằng mặt phèn phẹt, tóc gọng kính vừa thò đầu ra ngoài cửa xe sa sả mắng chú là đồ mù mở muốn chết à kia lại chính là một thằng tổ trưởng một tổ sản xuất ở công trường của chú. Ngày chú Sinh còn ở nhà, thằng này vẫn còn đang học dở dang lớp bảy bổ túc văn hóa và chỉ vì có chút dây mơ rễ má với ông giám đốc công ty mà được cử làm tổ trưởng. Vậy mà chỉ trong có mấy năm nó phấn đấu thế nào mà đã bảo vệ xong luận án tiến sỹ khoa học kỹ thuật và hiện là tổng giám đốc một công ty gì đó to lắm, dưới trướng là cả dăm nghìn cán bộ công nhân viên, trong đó có cả gần trăm kỹ sư, tiến sỹ với nhièu vị từng tu nghiệp ở Tây ở Mỹ về.

Cú chỉ tẹo nữa thì đụng xe làm chú Sinh hoảng quá mở choàng mắt ra. Nhưng đêm vẫn còn dài lắm, và như ngay sau đấy chú lại chìm vào giấc ngủ. Lần này thì chú mơ thấy mình đưọc đi xe hơi. Lại một ông tổng giám đốc khác, cái ông nguyên là tổ trưởng tổ vận chuyển bốc vác thuộc công ty chú ngày xưa chẳng biết tại sao lại nổi hứng lên rủ chú đi ăn. Trong khi chú Sinh chập chờn nghĩ, tại sao có người lúc nào cũng ăn được nhỉ, sao lúc nào người ta cũng chỉ nghĩ được đến miếng ăn mà thôi, sao không đổi câu lấy dân làm gốc” thành lấy ăn làm gốc” thì ông tổng giám đốc vui vẻ:

- Hôm nay tôi phải mời ông một bữa thịt rắn toái loái.

Nghe đến hai chữ thịt rắn”, chú Sinh chợt rùng hết cả mình. Tưởng tượng ra loài bò sát nhớp nhúa ấy, chú thấy gai hết cả xương sống, vậy mà ông tổng vẫn thao thao bất tuyệt:

- Từ con rắn người ta có thể chế biến ra nhiều món lắm. Nào là chả rắn, nem rắn, lẩu rắn, nộm rắn, cháo rắn, nào là rắn luộc, rắn xào, rắn quay, rắn kho, rắn nướng... hàng chục, thậm chí hàng mấy chục món rắn, món nào cũng thuộc loại đặc sản cả. Mà ông biết tại sao dân tình lại khoái nhậu thịt rắn không?

Rồi không đợi chú Sinh trả lời (thực chất là chú có muốn thì cũng chẳng biết trả lời thế nào cho phải), ông vẫn tiếp tục:

- Người ta thích ăn thịt rắn vì cái ngon cái lạ miệng của nó là đi một lẽ. Nhưng một lẽ khác, tôi nghĩ quan trọng hơn, là còn vì đặc tính riêng của loài rắn ông ạ. Thì ông thấy đấy, trên đời này có giống vật nào lại giỏi luồn lách bằng nó. Chẳng có chân có tay gì, vậy mà bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào cũng có thể lần mò đi tới được hết...

Ông ta còn nói rất nhiều nữa, sau đó đi tới kết luận :

- Người ta thích ăn thịt rắn, một phần cũng là vì muốn có những đặc tính của nó. Ở đời này mà không biết luồn lách thì chỉ có mà chết. Dứt khoát chết, không sớm thì muộn. Hôm nay tôi phải mời ông một bữa thịt rắn toái loái, chưa chán chưa rút về hang ổ.

Nhưng dù ông tổng có nói kiểu gì đi chăng nữa thì chú Sinh vẫn không muốn đi cùng. Chỉ nghĩ đến chuyện đưa miếng thịt rắn lên miệng là chú đã thấy buồn nôn lắm rồi, còn đến mức trườn trườn được như nó nữa thì thật là khủng khiếp. Vậy nên, trước sau gì thì chú vẫn một mực vừa kiên quyết vừa lịch sự, khéo léo với ông tổng giám đốc:

- Xin lỗi ông... Tôi vừa ăn bánh mỳ rồi.

Song cũng như tất cả các ông tổng giám đốc khác, mặc dù chỉ ở trong giấc mơ của chú Sinh mà thôi, nhưng không dễ gì mà ông tổng giám đốc này lại dễ dàng bỏ cuộc. Khi đã thấy không thể mời chú đi ăn đặc sản thịt rắn được, ông chuyển hướng:

- Vậy thì mời ông đi ăn tiểu hổ. Tôi biết một quán tiểu hổ, gần đây thôi, nó chém hơi chặt một tí thật nhưng mà ngon thì phải nói là trên cả tuyệt vời.

Rồi cũng như lúc trước, chưa đợi Sinh trả lời là có muốn đi hay không thì ông đã vừa nuốt nước bọt vừa kể:

- Mấy năm nay ở ta rộ lên phong trào ăn thịt mèo ông ạ. Quán nào muốn đông khách thì phải có thịt mèo. Đi đến đâu cũng thấy thịt mèo. Bạn bè sang hèn gì cũng thịt mèo. Năm bảy người, đại trà cũng thịt mèo mà một hai người la rai cũng thịt mèo. Không kể đầu tháng, cuối tháng, lúc nào cũng thịt mèo được. Thịt mèo là đầu bảng.

Bài diễn văn” về thịt mèo của ông tổng còn khá dài, nhưng vì trong mơ nên chú Sinh không thể nhớ được cặn kẽ từng câu từng chữ một. Chú chỉ nhớ đại khái lý do tại sao người ta lại thích ăn thịt mèo mà ông tổng đưa ra:

- Triết lý ra thì thấy nó cũng hay lắm ông ạ. - Ông tổng nói. - Ông thừa biết là dân ta có thói quen cái gì cũng kiêng. Trước khi làm một việc gì có ý nghĩa trọng đại, hay đầu năm, đầu tháng... người ta không dám ăn mực vì sợ đen, không dám ăn ốc vì sợ chậm chạp, không dám ăn chuối vì sợ trượt ngã, không dám ăn thịt chó, thịt vịt, không dám ăn cá mè, cá trắm... Vậy thì - ông lim dim mắt khoái trá - trong khi ai cũng muốn càng ngày càng leo cao hơn, leo xa hơn, nhảy cao hơn, nhảy xa hơn thì tại sao người ta lại không ăn thịt mèo. Xét cho cùng thì về tất cả các khoản này chỉ có mỗi anh mèo là nhất. Anh ta leo cao, leo xa, nhảy cao, nhảy xa rất giỏi mà lại không bao giờ bị ngã, bị vấp, nghĩa là rất an toàn.

Ông còn nói thêm một hồi nữa rồi đi đến kết luận:

- Cái anh mèo ấy, vì anh ta tuyệt vời như thế nên anh ta phải hy sinh. Hôm nay tôi phải đích thân mời ông xơi món thịt mèo thứ thiệt.

Chú Sinh tròn mắt, ngạc nhiên:

- Ông nói thế có nghĩa là có cả thịt mèo rởm chăng?

- Tất nhiên! Tất nhiên! - Ông tổng giám đốc cười khà khà. - Ông đi lâu rồi không biết, chứ ở ta bây giờ cái gì chúng nó cũng có thể làm rởm hết, đã làm được thịt bò, thịt bê, thịt chó rởm thì tại sao chúng nó lại không làm thịt mèo rởm. Vậy nên, tôi phải đưa ông đến cái quán này. Ở đấy có con mẹ đồ tể phải nói là trình độ cao cường. Mình cứ phải là nhìn tận mắt thấy con mẹ lấy dây thừng chằng vào cổ con mèo như thế nào, đút nó vào bao tải đập chết ra làm sao. Cứ phải tận mắt thấy nó nhúng nước làm lông, sau đó thì thui vàng, chặt ra từng miếng, ướp mắm muối, riềng mẻ... rồi xào nấu ngay tại chỗ thì mới gọi là ăn được đồ thật, đồ bổ ông ạ. Mà cái quán này cũng ở gần ngay đây thôi. Ta đi nhé. Mấy khi bạn cũ gặp nhau.

Lúc nói đến mấy chữ: Mấy khi bạn cũ gặp nhau”, ông tổng vừa cười hề hề vừa lấy tay vỗ thật mạnh vào vai chú Sinh.

Có thể vì cái vỗ vai ấy mạnh như một cú đấm làm chú giật nẩy người, tỉnh giấc. Nhưng cũng có thể là lúc đó trời đã tảng sáng, mặt trời rọi qua cửa sổ chiếu thẳng vào mặt làm chú phải mở mắt. Cũng có thể lúc đó đã đến giờ ăn của con Miu - Miu tam thể bốn tuổi rất đẹp và rất ngoan của cô chú. Kìa, xem cô ả vừa meo... meo... gừ... gừ... vừa cạ cạ bộ lông mịn màng, mượt như nhung vào lòng mà thấy dễ thương không thể nào chịu được.

NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG (Germany)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12955)
(Xem: 14393)
(Xem: 15782)
(Xem: 15180)
(Xem: 15199)
(Xem: 16006)
(Xem: 14627)
(Xem: 14379)
(Xem: 14377)
(Xem: 15341)