- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Funa - Con Cá Giếc

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 8985)
Lời Người Dịch: Mukôda Kuniko sinh năm 1929 ở Tokyo trong một gia đình tư doanh ngành bảo hiểm, chị cả của ba người em. Bà tốt nghiệp khoa văn học Nhật Bản trường Nữ Đại Học Chuyên Nghiệp Jissen rồi phụ trách biên tập ít lâu trong tòa soạn một tạp chí ngoại quốc chuyên về điện ảnh, vừa theo đuổi những sở thích cá nhân như trượt tuyết, leo núi và du lịch. Bước vào lĩnh vực truyền hình từ thập niên 1970, bà trở thành một trong những nhà viết kịch bản phim ăn khách nhất Nhật Bản từ trước đến nay. Năm 1976 bà mới chuyển qua viết tiểu luận cho tờ Ginza Hyakuten và chính thức gia nhập làng văn năm 1978 với tập bút ký Thư Tạ Tội Cùng Cha (Chichi no Wabijo). Ba truyện ngắn về sau gộp lại trong Những Quân Bài Kỷ Niệm (Omoide no Torampu, 1981) giúp bà đoạt ngay giải Naoki.

Ngày 22 tháng Tám năm 1981, bà đột ngột tử nạn phi cơ trên vùng trời Đài Loan giữa khi tài năng đang độ chín muồi và danh thanh lên tột đỉnh, gây xúc động trong quần chúng Nhật Bản (Mukôda boom). Tập truyện Thời May Vận Rủi (Odoki Medoki) trong đó có Con Cá Giếc (Funa), vốn tập hợp một số truyện ngắn đăng liên tục trên tờ Shosetsu Shincho, chỉ chính thức ra mắt người đọc năm 1985, sau khi tác giả mất.

Mukôda Kuniko hành văn như một ký giả nhật báo hay nhà cước bản truyền hình, ít trau chuốt nhưng giàu tình tiết thú vị, “nhìn thấy và hiểu được những gì người khác không thấy, không hiểu”, phần lớn kết thúc bằng một nhận xét châm biếm, dí dỏm. Truyện thường lồng trong khung cảnh gia đình giai cấp trung lưu (giai cấp chủ yếu của xã hội Nhật) và đề tài xoay quanh sự thiếu thông cảm giữa nam nữ, nỗi lo âu trước ngưỡng cửa tuổi già cũng như niềm cô đơn trong cuộc sống của con người hiện đại.

Người dịch, ngoài việc sử dụng bản Nhật ngữ của nhà Shincho Bunko in năm 1985 (đã nói ở trên), có cơ hội tham khảo bản dịch ra Anh văn của bà Matsumoto Tomone, giáo sư Nhật ngữ ở Mỹ và ở Úc (xem Mr Carp, trong The Name of the Flower, tuyển văn Kuniko Mukôda, Stone Bridge Press, Berkeley, CA, USA, 1994).

Nguyễn Nam Trân

 

“Chết, có ai vô nhà mình!” Mayumi, đứa con gái lớn, thì thầm. “Cửa bếp mở toang kìa! Không chạy vào đâu!”.

Tuy Mayumi là con mình đẻ ra nhưng Shiomura hơi khó chịu mỗi lần thấy nó suy luận kiểu đó. Thầy dạy dương cầm thì lại khen dối, bảo nó có độ thẩm âm rất cao. Mỗi khi được dịp, nó đều chứng tỏ mình thính tai và chắc vì cớ đó, còn những hai năm nữa mà cô nàng đã rêu rao khi vào đại học sẽ theo ngành âm nhạc. Nó có lần quả quyết đồng hồ báo thức nhà hàng xóm cách đó hai căn để quên không tắt, hay tiếng rao hàng của người bán khoai lang lùi tro độ rày khang khác, và khi Shiomura cho biết không nghe hoặc không thấy gì thay đổi ráo thì nó gắt ầm, chê bố điếc.

Lần nầy lại bị con coi thường, Shiomura ngoan cố thốt ra một câu chống báng:

- Có ai đâu nào! Mày chỉ nghe láo.

Năm thì mười họa mới thấy Miwako, vợ Shiomura, về hùa với chồng:

- Có ai đến họ phải lên tiếng chứ!

Đối với Miwako, hôm ấy là một Chủ Nhật đặc biệt. Thường ngày, cứ mượn cớ chơi gôn kia nọ, giờ này Shiomura đã trốn nhà ra đi từ lâu. Chắc nhờ ông trời tưới cho trận mưa nhỏ nên mấy khi gia đình Shiomura, thêm thằng Mamoru, đứa con trai mười một tuổi là đủ bốn người, mới có dịp quây quần ăn chung một bữa vừa quà sáng vừa cơm trưa. Tuy chẳng có đề tài gì đặc biệt, câu chuyện giữa họ rôm rả ra phết. Có lẽ Miwako hùa theo chồng vì thấy lúc không khí vui nhộn như thế này mà phải bỏ vào bếp để xem động tĩnh thì hơi tiếc.

- Mayumi, coi bộ lỗ tai mầy có vấn đề!

- Tai pa-pa mới có vấn đề chứ bộ. Cả tiếng cười của pa-pa cũng có âm cao bất thường không giống ai.

- Tiếng cười mà cũng có âm cao bình thường với bất thường à?

- Chớ sao!

Mặt con nhỏ Mayumi phúng phính nên thường bị chúng ghẹo là Xíu Mại, mỗi khi nó nổi xung thì mắt trợn trắng dã giống như Miwako, mẹ nó.

- Pa-pa bảo con nói dối thì cứ thử cười đi. Mỗi mình pa-pa là có tiếng cười khác đời thôi.

Shiomura bị khiêu khích, thử cười thành tiếng nhưng anh ta chợt ngừng lại, lấy cớ là không có gì đáng cười mà cố gắng làm cho bằng được thì hơi kỳ. Nghe thế, ba mẹ con không khỏi bật cười. Thằng bé Mamoru ngày thường vẫn ít nói mà cũng phụ họa, nhưng người cười to và thích thú hơn cả có lẽ là Miwako. Rốt cục, đến lượt Shiomura cười góp, nghĩ bụng một trưa Chủ Nhật, cả nhà đoàn tụ đông đủ vui đùa như thế này, không biết xét theo âm nhạc thì phải nói thế nào cho đúng, nhưng quả là nghe thích hơn cả một bản hợp xướng.

Người ta tin năm bốn mươi hai hay bị vận hạn nhưng sao ở tuổi này, Shiomura hên ơi là hên. Làm thân tư chức, thật ra chưa thấy gì ảnh hưởng tức thời đến mình, nhưng hồi đầu năm, gặp dịp thuyên chuyển trong sở, ông xếp trực tiếp của anh ta được phong giám đốc điều hành. Tiền vay để mua ngôi nhà đang ở, chỉ còn trả một lèo nữa là xong. Sức khỏe: huyết áp tốt, bao tử bình thường. Đánh gôn thì đường banh cũng ngọt xớt.

“Ốc sên bò trên lá, Chúa ngự trên trời, ai ở đâu yên phận nấy!” Câu nói đó hình như của Browning(1)? nhưng chắc mảnh vườn nhà chỉ bé bằng lỗ mũi nên sống ở đây đã bao nhiêu năm mà Shiomura vẫn chưa thấy bóng con sên nào.

Mayumi thì thầm:

- Ấy, có trộm...

Nó muốn nói trong bếp có người.

Rồi hạ thấp giọng hơn:

- Đấy, kẻ trộm vừa khép cửa đi ra...

- Khó chịu ghê nghen, con nhỏ này!

Shiomura như muốn bảo nếu nghi ngờ gì sao mầy không tự vào bếp mà xem. Miwako cũng lên tiếng:

- Bếp có gì đáng lấy. Trộm vào nhà này chỉ mất công toi!

Mẹ nó vừa cười vừa đứng dậy. Nhưng khi mới đưa mắt liếc nhìn về phía bếp, Miwako bỗng thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc, quay đầu lại với vẻ mặt mất hết tin tưởng.

- Gì vậy má nó. Mất cái gì rồi hả?

- Không mất gì cả. Chỉ thêm thôi!

Trên nền đất, cạnh cửa ra vào nhà bếp, có ai đặt cái xô nhựa màu vàng, trong đó có con cá giếc dài độ mười lăm phân.

*****

- Cái này là giống gì vậy?

Shiomura la hoảng.

- Không phải mầy hả, Mamoru? Không phải tụi bạn hẹn đem cá đến cho mầy à?

Mamoru cúi xuống nhìn kỹ con cá, lắc đầu cho biết làm gì có chuyện đó. Miwako cũng như Mayumi đều không có ý kiến.

- Lạ chưa? Không ai biết tại sao à? Nó đến đây cách nào? Cá giếc làm gì có chân!

Đột nhiên, Shiomura đâm ra to tiếng. Cả nhà từ vợ, con gái, con trai đều đứng xuôi xị.

- Thôi, rồi rồi! Miwako kêu lên. Cá của pa-pa tụi bay, chớ ai!

Shiomura cảm thấy ngực y như có ai xáng cho một chùy sắt đánh ầm.

- Ê, má nó giỡn hoài!

- Bình tĩnh thử nghĩ cho kỹ đi ông! Shiomura cảm thấy gân chỗ lúm đồng tiền trên gò má mình bỗng máy máy giật giật.

- Chớ ba nó có chê ông bạn nào ham câu cá là không biết cách câu không? Ví dụ ba thách họ câu nổi con cá giếc lớn cỡ này. Làm người ta cay cú, lẳng lặng đem cá câu được thảy vào nhà cho mình biết mặt?

Shiomura hú hồn.

Đỡ quá. Nếu thế Miwako chưa đánh hơi được gì. Tuy vậy, mình chớ để lộ ra nét mặt. Shiomura mới làm bộ thản nhiên, lắc đầu đáp:

- Anh có thằng bạn nào dân câu đâu! Chẳng có đứa nào hết!

- Thiệt tình ba nó không nhớ ra tại sao à!

- Nói vậy cũng nói. Anh mắc mớ gì phải nhớ?

Giọng của Shiomura bỗng đanh lại, coi bộ mất tự nhiên.

- Em nghe có người ra mở thùng thơ thì bắt được mấy tờ giấy bạc mười ngàn hổng biết ai bỏ vào thôi, chớ chưa nghe vụ đem cá chép thảy vô nhà thiên hạ bao giờ!

Miwako vừa nói vừa nhìn Shiomura với cặp mắt đượm chút lo lắng.

- Hay mình báo cảnh sát hở ba?

- Phiền mấy ổng! Tiền bạc gì cho cam!

Không muốn làm rộn cảnh sát và tuy chắc gì quan trọng đến nỗi người ta đưa lên mặt báo, anh ta nghĩ dù sao chuyện bé thế này đừng xé ra to.

- Ba ơi, đây khác gì mình lượm đồ người ta đánh rớt, đâu có quyền giữ, hở ba. Con nhỏ Mayumi dạo sau này ưa lý sự.

- Đồ rơi đồ rớt đã đành nhưng tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp, ai chịu đây!

Shiomura cố chầy cối chống trả.

Nhưng tuyệt đối không cho đem ra cảnh sát.

- Xâm nhập gia cư gì một con cá! Ba nó cũng đừng nói quá!

Miwako cười góp lời.

Thấy vợ mình vui vẻ, Shiomura an tâm trở lại:

- Thôi, phóng sinh nó đi?

Khi bố nó móc túi định lì xì thằng con chút ít để đền bù, Mamoru nãy giờ đang thọc đầu ngón tay vào xô nước chơi với con cá, mới nói thôi, cho con nuôi nó đi ba. Nó choàng tay ôm cả cái xô vào lòng, nói con không đòi cái bàn trượt có bánh lăn(2) mới làm gì, thay vào đó, con giữ con cá là đủ. Thường ngày thằng bé ít nói nhưng như cóc một khi đã mở miệng, không bao giờ nó rút lại lời. Shiomura từng cấm nó nuôi chó, nuôi mèo, bồ câu đưa thư... với lý do chúng làm bẩn nhà nhưng trường hợp cá giếc, anh ta chưa nghĩ ra cớ. Mayumi phản đối, bảo cá ở đâu lọt vào nhà nghĩ mà kinh, nuôi làm gì, vợ anh ta cũng chần chừ chưa quyết, nhưng thằng lỏi cứ ôm cứng cái xô nên rốt cuộc cả nhà đành chịu thua.

Ba người đó rủ nhau vào nhà kho để kiếm một cái đồ chứa lớn hơn cho con cá. Mỗi Shiomura ngồi lại, lúc bấy giờ mới thấy anh ta thở phào một cái như trút đi gánh nặng..

Còn nghi ngờ gì nữa: đúng là Funakichi nhà ta rồi. Không còn nhớ rõ ràng mặt mũi nó nhưng Shiomura nhận ra ngay cái kỳ trên sống lưng như chia đôi thân cá kia. Mới có một năm không gặp mà nom nó béo và to hẳn ra. Shiomura chỉ thắc mắc một điều: cớ gì người đàn bà ấy lại kiếm chuyện đem cá bỏ vào nhà mình như thế này.

Người đàn bà có cái tên là Tsuyuko.

Dạo ấy, cô ta tuổi cỡ băm lăm, có lần lấy chồng rồi nhưng lại dang dở. Cô quen Shiomura hồi mới quay về giúp việc cho người bà con mở cái quán ăn nhỏ gần khu Ikebukuro.

Shiomura vốn yếu rượu, một hôm đến quán, say đến độ cho chó ăn chè, nàng ta phải bỏ công dọn dẹp đến điều. Để đền ơn, Shiomura mua tặng cô cái xắc tay, nhân thế, gặp nhau hai ba lần nữa, rồi trong thời gian ấy, cái việc không ai đợi cũng đến đã đến thật.

Tsuyuko chính ra đâu đẹp hơn ai, người khẳng khiu và yếu ớt nhưng được cái dễ bằng lòng, hễ ai làm được cho cô việc gì dù bé nhỏ đến đâu, cô cũng tỏ ra quí hóa. Đề tài nói chuyện của cô cũng chỉ tầm phào trời mưa trời nắng, ít khi cô biểu lộ vui buồn qua lời ăn tiếng nói mà chỉ bày tỏ tình cảm cụ thể ở trên giường. Lưng Shiomura còn cả vết thương móng tay cô ấy cào cho, ngày hè khi phải tìm cách che giấu nó trước cái nhìn của vợ con, nhiều lần anh ta cũng toát mồ hôi lạnh.

Bỗng có hôm Shiomura ý thức ra việc mình đến thăm Tsuyuko mỗi tuần một lần đã thành thói quen. Khoảng thời gian đó cũng là lúc cô nàng bắt đầu nuôi giếc.

Con cá giếc đó Tsuyuko xin được từ bọn trẻ con hôm chúng nó câu được ở đâu đấy và đang chực ném nó xuống dòng nước một con lạch bẩn. Tình cờ Tsuyuko đi ngang qua, thấy ném cá xuống dòng nước đầy bọt thuốc giặt thì thà giết nó còn hơn, mới nói thôi tụi con để cô xin, rồi đem về nhà, mua cái bồn cá vàng và rộng con giếc vào đó.

Tsuyuko vốn sinh đẻ ở Kasumi-ga-ura là vùng ven biển nên nuôi cá khá thạo.

- Anh thấy nó đang dòm chừng mình, em ạ.

Hồi đó, nàng ta trọ một căn hộ rẻ tiền có hai buồng, một gian rộng tám chiếu, gian kia ba.

Trên đầu tấm nệm trải làm chỗ hai người nằm, cô cho đặt cái bồn cá.

- Không sao mà, tụi cá nó cận thị đó anh!

Nào biết cô thật hay đùa nhưng chưa hết câu, cả người cô đã ôm riết thân mình Shiomura như dây hoa chuông leo quấn quanh sào trúc.

- Thà em ở mãi một mình không sao nhưng lỡ sống hai mình rồi, có khi muốn quên đi cũng quên không nổi. Lúc nào anh không tới thăm, nếu trong phòng không có vật gì động đậy cho có bạn, thiệt em buồn đứt ruột đó anh.

Cô đặt tên con cá là Funakichi (Chú Giếc), lâu lâu lại vỗ béo chú ta bằng mấy hạt cơm vãi.

Rồi hai người xa nhau, nhưng không phải vì Shiomura đã chán Tsuyuko, anh cũng chẳng tiếc gì chút tiền trợ cấp nhỏ nhoi giúp nàng sống. Shiomura cho cổ rơi chỉ vì không muốn gia đình mình đổ vỡ. Trước hết, lý do anh ta lang bang đâu phải vì bất hòa với vợ nhà. Hai nữa, từ khi kẹt đi công chuyện cho hãng bên Xing-ga-po mất cả tháng rồi vào nhà thương vì chứng viêm đại tràng, nằm liệt giường thêm tháng nữa, tự nhiên chân cẳng anh xao lãng luôn việc lui tới nhà tình nhân đến cả năm. Shiomura tự nhủ giữa hai người xưa giờ nào đã thề non hẹn biển gì đâu thì nàng ta chẳng có cớ gì chính đáng để oán hận mình. Thế nhưng bây giờ, như thể cho quay lại cho Shiomura xem trọn cuốn phim quá khứ, Tsuyuko đem con cá giếc đặt trước mặt anh ta.

Shiomura không hiểu nổi hành động thảy con cá giếc vào nhà của Tsuyuko là để biểu lộ lòng căm tức, oán hận hay nhằm mục đích trả thù? Muốn giở ngay điện thoại để hỏi cho ra lẽ nhưng e sẽ sa xuống cái hố ấy thêm lần nữa. Chắc chắn trong lúc cả nhà anh ta vui cười như hội, Tsuyuko đã rình nghe. Khi hai vợ chồng lẫn hai đứa con xúm lại mà cười, Tsuyuko nghe tất cả và nghĩ thế nào về trận cười đó?

Chẳng thiết cái con cá giếc này chút nào. Phải chi lúc thằng Mamoru giành nuôi, mình tìm cớ thẳng tay từ chối thì phải gọn hơn không!

Bây giờ bàn lui là họ sinh nghi. Bọn con nít chắc mau thích chóng chán thôi. Để đợi ít lâu rồi kiếm cơ hội mà thả nó xuống nước.

Khuôn mặt giếc ta không biểu lộ mảy may tình cảm. Mắt tròn xoe, trơn ướt như ai cắt bao nhựa ny-lông dán lên, chẳng khác mắt mấy con cá chép vẽ treo trên cây nêu ngày hội nhi đồng(3). Nhìn ngang thì thật uy nghiêm nhưng nhìn chính diện thì nó có khuôn mặt hệt ông thủ tướng “độc diễn” Yoshida Shigeru(4). Cái mặt cáo già khó đoán được bên trong nghĩ gì và cái miệng hay nhóp nhép hớp ra hớp vào. Shiomura ngó đăm đăm con cá, có lúc tưởng mình đã bắt gặp cái nhìn của nó nhưng dường như Funakichi chả nhận ra anh ta nên cặp mắt phủ lượt ny-lông đen kia không có vẻ gì như muốn nói “A, ông đấy ạ!” hay “Lâu rồi mình mới gặp lại nhau, ông nhỉ!” khiến Shiomura không sao hiểu được dụng ý của Tsuyuko.

Ngày Chủ Nhật hôm ấy, nhốn nháo ba chuyện cá giếc, rồi cũng trôi qua.

Vì không tìm ra cái đồ chứa nào đủ chỗ để nuôi cá, thằng Mamoru vay trước mẹ nó ít tiền túi rồi chạy ra tiệm bán cá vàng bên hàng xóm mua về một cái bồn cỡ lớn, vuông vắn, mất của nó hết ba nghìn rưởi yen. Chủ tiệm căn dặn nó đủ điều, nào là không được dùng ngay nước máy mà còn phải đem nước để ngoài nắng ít nhất nửa buổi đến một ngày, không thì cho ít chất hóa học khử nước cái đã. Theo lời chỉ dẫn, Mamoru vặn nước máy vào bồn rồi bỏ vào đó hai viên thuốc khử cơ-lo, màu trắng và tròn như hạt đậu con, hòa tan xong rồi mới đặt cá vào. Không hiểu vì sao, vào được bồn mới là giếc ta đã tung ra một lượng chất thải nhiều đến té ngửa. Nó có vẻ khoan khoái phóng ra những thỏi phân tròn và dài như thanh bút chì con, loại bút người ta vẫn dùng kèm sổ tay bỏ túi.

- Mầy to gan đấy nhé, Funakichi!

Shiomura thì thầm, tưởng như không có ai nghe, chẳng ngờ vợ đang đứng sau lưng.

- Ủa, ba đặt tên nó là Funakichi à?

Anh ta nghe mà phát lạnh.

Ngoài cửa có tiếng người thu tiền báo bấm chuông. Người thu tiền cho tờ Asahi là một bà đứng tuổi, chững chạc, bấm chuông nhẹ nhàng mà ăn nói cũng nhỏ nhẻ, còn người của Yomiuri lúc nào cũng bấm loạn lên gần hỏng máy, làm chuông reo inh cả tai.

Bồn cá được đặt tạm thời chỗ cửa ra vào trên cái tủ giày guốc. Funakichi hình như không ưa cái ồn ào của người thu tiền cho báo Yomiuri, mỗi lần người ấy đến, nó cứ lồng lộn quậy tung thiếu điều muốn vọt khỏi bồn.

Chỗ cửa vào nước tung tóe khắp. Có đem giẻ lau ra thấm ngay đi nữa thì trên bậc thềm lên nhà bằng gỗ tếch (teak) và cả bức tường, vẫn còn đầy vết tróc loang lổ có lẽ do chất hóa học dùng để khử nước còn sót lại. Shiomura cay chuyện này lắm vì hồi cất nhà, thợ khuyên cứ dùng ván ép nhưng lấy cớ tiền đường là chỗ quan trọng trong nhà nên Shiomura chịu khó chi thêm để gắn danh mộc cho bằng được. Dầu không nghĩ Tsuyuko tìm cách rửa hận tình kiểu này nhưng anh ta vẫn không thể dằn nổi bực dọc và có cảm tưởng huyết áp mình đang lên cao đến nơi.

Nuôi cá mới khó nhọc làm sao. Phân đã nhiều và đồ ăn thừa thối đi dễ làm đục nước. Nước mà bẩn thì thể nào Funakichi cũng hích mõm vào thành bồn kêu long cong, phun ra hút vào những bong bóng nhỏ li ti, như thể tìm dưỡng khí để thở. Nếu mồi dưới dạng viên thì chả có vấn đề trên nhưng coi bộ nó không thích loại này. Mồi phải quệt vào đầu ngón tay đưa cho thì giếc ta mới xơi cho nhưng cứ rỉa xong nó lại đánh rơi ra đục cả nước.

Mamoru mua được một quyển ịbách khoa toàn thưỂ dạy đủ điều về cá giếc đem về nghiền ngẫm. Học hỏi thế nào không biết, một hôm nó bỗng mạnh miệng phát biểu: ịFunakichi có họ hàng với chúng mình đấy nhé!Ể làm bố nó nghe giật cả mình! Hỏi lý do mới biết ra thế này: cá không có chân nhưng thay vào đó, chúng nó có vây có kỳ và thuộc vào loại động vật có xương sống dưới nước, giống như tổ tiên nhân loại là động vật có xương sống trên cạn. Theo quan điểm thuyết tiến hóa thì cá phải gần gũi với người hơn một số động vật bốn chân trên cạn khác.

Nghe người ta kháo về mình như thế, Funakichi làm ra vẻ mặt hết sức trầm tư như thầm bảo: “Các cậu nghĩ gì, làm gì, tớ đều biết hết!”

Thế thì con cá này dám biết cả việc Shiomura không muốn mắc cở vì hát Karaoke sai nhịp, đã đi mua sách nhạc về nhờ Tsuyuko tập cho bài “Thuyền Ca” nổi tiếng của nữ ca sĩ Yashiro Aki. Nó làm gì không từng chứng kiến cảnh Shiomura trần truồng như nhộng từ bồn tắm bước ra, vờ múa Thái Cực Quyền làm trò cho Tsuyuko cười, rồi bất ngờ ôm ghì lấy cô nàng kéo lên giường.

Cái may của Shiomura là có người vợ tính ít nghĩ ngợi xa xôi như Miwako. Lúc con cá mới vào nhà, cô ta còn e dè đôi chút nhưng quá ba hôm thì đã coi nó chẳng khác một chú cá vàng tình cờ mua được vào dịp đi hội đền chùa nào đó và chăm sóc nó bình thường, không đặt lại vấn đề gì nữa.

Ghét cay ghét đắng con cá có lẽ mỗi mình Mayumi. Lấy cớ từ ngày có cá nhà cửa cứ tanh rình nên nó tuyệt đối chạy mặt con giếc. Thay vì nhìn mặt cá, nó hay chầm chập nhìn mặt Shiomura và kiếm chuyện với bố.

Lúc lên sở thì không sao nhưng mỗi khi có nhà, ngồi vào phòng khách là Shiomura đã thấy mệt. Đặc biệt những lúc cả nhà đông đủ quanh bàn ăn, tầm mắt anh ta cứ vương vướng cái bồn nước chứa chú giếc nằm xế ngang chỗ đặt ti-vi.

Ngoài bốn người, gia đình họ bây giờ như có thêm một mống, hay đúng hơn, một thành viên nữa, nên cuộc sống không còn êm ả. Chắc tại chừng đó mà gân cổ bên tay mặt Shiomura, cùng hướng với chỗ đặt bồn cá thường bị trẹo gân. Miwako vừa xoa bóp cổ cho chồng vừa đề nghị:

- Hay mình đổi cái bồn cá qua chỗ khác đi ba!

- Ăn thua gì tới cái bồn!

- Thiệt không? Chứ tại sao em cứ thấy mắt ba không lúc nào chịu rời con cá giếc!

Nàng bấm vào huyệt mạnh đến nỗi Shiomura phải cất tiếng kêu đau, giật nẩy người.

Shiomura uống bia hết biết ngon, tan sở cũng chẳng muốn về nhà.

Tròng mắt đen bóng như bọc giấy ny-lông của Funakichi vẫn lạ lùng khó hiểu, Shiomura chịu không biết được nó đang nghĩ gì. Mắt của Miwako cùng hơi lồi lồi nâu nâu và cũng khó thăm dò y như mắt con giếc. Cả đến cặp mắt của Tsuyuko mà anh ta cảm thấy đang lởn vởn đâu đây, Shiomura cũng chẳng biết nó chứa những gì bên trong.

Đúng một tuần sau từ hôm Chủ Nhật con cá giếc vào nhà, Shiomura rủ thằng Mamoru tản bộ với mình.

- Hai cha con ta đi chơi phất phơ ở mấy con phố con chưa tới bao giờ đi. Chịu không? Anh ta hỏi thì nó đáp:

- Chịu chứ ba!

Thế rồi hai người lẳng lặng lấy chuyến buýt chạy từ Ikebukuro để xuống trạm Shiinamachi. Đó là nơi có căn hộ của Tsuyuko.

Chính Shiomura cũng không giải thích nổi lý do gì xui anh ta hành động như vậy. Dắt đứa con trai đi đến nhà của người đàn bà mình đã chia tay là việc sẽ có hậu quả khôn lường, anh ta không phải không biết. Biết thì biết mà không làm lại ray rứt mãi.

Mamoru vẫn ít lời như mọi khi, lặng thinh bước theo chân bố nó. Shiomura nhận ra ngay cái siêu thị nhỏ quen biết năm xưa, cả tiệm rau quả, cả hàng cá nữa. Bên cạnh nhà bán áo kimono là tiệm bán chè, trước cửa vẫn thoang thoảng hương chè sấy khô như một năm về trước. Shiomura cảm thấy những cảnh vật đó như đang xát muối vào vết thương lòng.

Anh ta bỏ con đường lớn, buồn rầu lê bước về cái ngõ hẻm dẫn lên khu chung cư. Cái ngõ này anh ta đã đi qua bốn mươi hay năm mươi lần rồi ấy nhỉ. Bây giờ ngộ nhỡ Tsuyuko bất chợt từ trong căn hộ kia tình cờ chạy ra gặp thì ăn nói thế nào đây? Shiomura không tìm ra lời giải.

Đi lại chỗ này cả năm thì thế nào hàng xóm trong khu chung cư cũng có người nhớ mặt. Để khỏi phải đụng độ họ, Shiomura bèn vòng bên hông nhà. Vị trí căn phòng của Tsuyuko là cái cửa sổ thứ hai trên tầng hai đếm từ phía cuối dãy.

Tsuyuko hình như đã dọn đi đâu. Cứ thấy mấy thứ quần áo giặt phơi ngoài cửa sổ thì đoán chừng được là đồ của một cặp vợ chồng trẻ tuổi mới ngoài hai mươi có con nhỏ.

Shiomura chợt thấy thằng Mamoru đang ngước mắt ngó theo mình về hướng cửa sổ nhà Tsuyuko. Mamoru lảng thật nhanh qua hướng khác nhưng vẫn không nói không rằng.

Đến mức nầy phải ngừng.

Biết rằng vượt qua giới tuyến sẽ đâm ra nguy hiểm, nhưng Shiomura tựa hồ muốn hành hạ chính mình thêm chút nữa. Đưa thằng Mamoru, người chăm sóc cá, tới đây là để chôn vùi dấu vết cái bãi chiến trường đầy kỷ niệm của một năm về trước. Làm như vậy còn tỏ được lòng cảm kích đối với công lao nuôi nấng con cá giếc của nó. Cũng như chuộc hết tội lỗi đã gây ra cho Tsuyuko.

Shiomura vượt qua nhà tắm công cộng, bỏ thêm một căn, bước vào quán nước bên cạnh. Ngày ấy, mỗi khi cùng Tsuyuko đi tắm về, hai người thế nào cũng vào tiệm này.

Ông chủ quán tuổi ngoại sáu mươi vẫn ngồi nguyên ở cái chỗ của một năm về trước, với bộ mặt cố hữu, trong tay cầm tờ báo đua ngựa. Nhận ra Shiomura, ông ta phất tay lên định nói điều gì nhưng vừa thấy có thằng Mamoru đi sau mới bước vào, lại hạ tay xuống.

Shiomura ngồi đúng chỗ xưa kia vẫn ngồi với Tsuyuko. Anh ta quay lại nói với Mamoru thật to như cố tình để ông chủ quán nghe được:

- Pa pa xin ly cà phê, con uống gì con?

- Xô đa!

Ông chủ quán nhướng mắt nhìn Shiomura kinh ngạc. Tsuyuko hồi đó lúc nào cũng gọi xô-đa.

Hai cha con im lặng nhấp cà phê và xô-đa. Chủ quán làm bộ chăm chú đọc báo cá ngựa nhưng lâu lâu cứ liếc liếc hai bố con.

- ... có mạnh giỏi không hở ta?

Vừa chìa tiền ra trả, Shiomura vừa đặt câu hỏi.

Anh ta cắt mất hai chữ Người đó... đáng lẽ phải được đặt ở đầu câu nhưng ông chủ quán đủ tinh tế để hiểu ra:

- Thì chắc cũng mạnh giỏi làm ăn chớ gì há!

Một năm đã trôi qua từ ngày anh ta không đến nữa, Tsuyuko sinh sống ra sao.? Cô ta có tìm được người đàn ông nào thay thế vào chỗ anh để dắt cô đi nhà tắm, rồi cùng ghé tiệm cho cô nhấp một ly xô-đa trên đường về? Shiomura còn muốn tìm hiểu thêm nhưng thấy sau khi thối tiền, ông chủ quán lại chúi mũi vào trang báo nên đành thôi. Chỉ nhìn vẻ mặt ông quán, anh ta có thể tin tưởng rằng Tsuyuko không oán hận anh bao nhiêu. Chẳng qua tình thế bắt buộc, anh ấy đành xử sự như thế thôi. Khi dọn nhà ra đi, Tsuyuko chắc chỉ giận dỗi đôi chút, với cái tâm tình muốn nhắn nhủ “Thôi, thay em mà nuôi Funakichi đi nhé!” rồi lặng lẽ đem con giếc bỏ vào nhà anh ta chăng? Tưởng tượng như vậy cho đỡ khổ nhưng thực sự có mong gì hơn đâu. Một người lúc nào cũng biết tạo niềm vui cho mình như Tsuyuko thì phải biết cách xử trí để thoát thân khi gặp cảnh khổ chứ! Mình sẽ hết lòng hết dạ nuôi con cá, cho nó sống hết đời. Ngày nào không nuôi nổi nữa thì đem nó về vùng Kasumi-ga-ura, quê hương của Tsuyuko, mà phóng sinh. Shiomura nghĩ lan man như vậy. Cái ngày phải đi thả Funakichi, anh ta định bụng sẽ không báo cho vợ lẫn Mayumi mà chỉ kéo theo Mamoru, lại chỉ hai bố con thôi.

Trên đường về, Mamoru giữ nguyên im lặng.

Nhớ hồi mới lên năm thì phải, ba nó có dẫn đi xem một trận dã cầu. Lúc về đến nhà, bà mẹ hỏi thăm:

- Mamoru, chớ cu với ba đi đâu mới về đó?

- Ti vi.

Kiểu trả lời cộc lốc lần ấy của nó đã trở thành giai thoại trong nhà. Hôm nay, không biết nó sẽ trả lời sao đây! Lúc ấy chắc Shiomura sẽ đau nhói trong tim thêm lần nữa.

Còn đang chìm trong dòng suy tưởng thì hai bố con đã về đến nhà, để thấy Funakichi đang ngửa trắng bụng, lềnh bềnh trong bồn.

- Hai bố con vừa ra khỏi nhà, nó liền ngoi đầu lên khỏi mặt nước, hụp lên hụp xuống. Tưởng nó chỉ ngụp lặn như thế thôi thì người nó bỗng xoay ngang ra rồi miệng trớ ra không động đậy gì nữa.

Mẹ nó giải thích là bởi không biết đối phó cách nào đành để nguyên xi đợi bố con về, Mamoru nghe mà như không muốn tin, đưa mắt lườm mẹ.

Funakichi nổi lềnh bềnh ra thế rồi mà cặp mắt vẫn mở thao láo tròn xoe như con cá chép vẽ treo đầu cây nêu(3). Nó nằm ngửa, lặng lờ nhàn tản. Những lớp vẩy hình cánh quạt chồng lên nhau hãy còn tươi như màu ráng chiều chưa nhạt.

Shiomura nghe tiếng dương cầm chợt im bặt thì đã thấy con Mayumi đến đứng bên cạnh.

- Giống cá giếc lúc chết có ồn ào không nhỉ? Tưởng con giếc này phải đau đớn khổ sở nghiêng qua lật lại bắn tung nước ra chứ. Hoàn toàn không là không.

Shiomura tỉnh táo như chẳng có gì, vừa nói vừa cười nhẹ:

- Tại nó không muốn để lại di chúc mà!

Ngậm ngùi cho Funakichi thì có nhưng Shiomura cũng cảm thấy mình được giải phóng khỏi bị Tsuyuko ám ảnh, và cái niềm vui thoát nạn lấn át cả nỗi buồn. Anh ta nhớ có thời tưởng tượng Tsuyuko đã ra biển tự trầm vì mình và xác cô trôi dạt nơi nào đó ở vùng Kasumi-ga-ura, nhưng rồi tự cười mình hãy còn mang cái lòng tự ái hão của một gã đàn ông và vội xua ý nghĩ ấy qua một bên.

Thằng Mamoru ở đâu xen vào:

- Má có tống thuốc giặt hay thứ gì vô bồn cá không đó, má!

- Đồ khùng. Má mắc mớ gì làm chuyện đó hở? Cái thằng vớ vẩn!

Đằm tính như Miwako mà mắt cũng long lên sòng sọc, chỉ còn trơ mỗi lòng trắng. Rồi bỗng trở lại giọng nói ngày thường, quay ra hỏi con:

- Thế nãy mầy với bố đi đâu?

Mamoru không trả lời, cho tay vào bồn, khẽ ấn vào người con cá giếc.

Con vật nằm nghiêng nghiêng nhưng nó hết là cá rồi. Nó đã thành một vật gì khác, khi nổi khi chìm.

- Nầy, thế nãy mầy với bố đi đâu?

Một lần nữa, Mamoru lại cho tay vào lay lay con cá giếc rồi ấn nó chìm thật sâu dưới nước.

- Gâu gâu!

Nó nhại giọng chó sủa.

NGUYỄN NAM TRÂN (Dịch xong ngày 17/06/2003)

(1) Không rõ tác giả định đề cập tới ai, Robert Browning (1812 - 1889) hay vợ ông ta, Elizabeth Barrett Browning (1806 - 1861), cả hai đều là thi nhân người Anh.

(2) tạm dịch chử Roller Skate

(3) Koinobori: cá chép bằng giấy hay vải treo trên cây nêu tre ngày Tết Đoan Ngọ để chúc các bé trai khoẻ mạnh, chóng lớn. Giếc (Funa = Crucian) trong bài là một loại cá thuộc họ Chép (Koi = Carp).

(4) Yoshida Shigeru (1878 - 1967), chính khách Nhật Bản thời hậu chiến. Thủ tướng Nhật từ 1948 đến 1954. Người dị tướng, đầu nhọn hàm bạnh nhưng giỏi chính trị, có cá tính mạnh (“độc diễn”, tạm dịch chữ wan-man (one man) của nguyên tác).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10724)
(Xem: 10303)
(Xem: 10589)
(Xem: 11095)
(Xem: 10840)
(Xem: 10686)
(Xem: 10542)
(Xem: 9983)
(Xem: 11253)
(Xem: 10910)