- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chứng Từ Tạp Chí Văn Trong Lòng Độc Giả

29 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 8850)

Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp (Fédération Française des Sociétés d’Assurance), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chưn trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rún dưới dạng một nhà giáo nước ngoài, sau bao nhiêu năm trời buộc phải sanh sống tại Pháp và, từ đây, cộng tác với báo chí ở Sài gòn. Thường xuyên với tạp chí Văn và đặc san Văn - Nghiên cứu và phê bình, đặc san này sau đổi tên thành Tân văn. Bán nguyệt san Văn ra đời đầu tháng giêng năm 1964, với chủ nhiệm: Nguyễn Đình Vượng, thư kí tòa soạn: Trần Phong Giao, ban biên tập: Tràng-Thiên, Nguyễn Minh-Hoàng, Nguyễn Ngọc-Phách, Trần Thiện-Đạo và Thư-Trung. Buộc phải thao tác từ xa như vậy, là bởi hai lần liên tiếp xin về nước, không lần nào chúng tôi được chấp nhận. Lần thứ nhứt, trước 1975, dưới mắt chánh quyền miền Nam bấy giờ, vì tội theo cộng sản; lần thứ nhì, sau 1975, khi đất nước đà thống nhứt, vì tội cộng tác với Mĩ-Ngụy, phổ biến thứ văn hóa phản động, đồi trụy và lạc hậu. Cả hai lần thảy đều bị từ chối bằng miệng, không văn bản, không chữ kí, không dấu đóng. Ôi, cái nước Việt nam lúc ấy sao mà buồn vậy! (1)

Rồi phải đợi tới lần thứ ba, vào năm 1994, nhờ có Công đoàn nghiệp vụ Pháp lo chạy mọi thủ tục bảo lãnh về mặt chánh trị, chúng tôi mới được cấp chiếu khán cùng lượt với các đồng nghiệp Pháp. Thật không dè chính nhơn dịp này mà chúng tôi có được cơ hội ghi nhận âm hưởng và dư vị lâu dài của tạp chí Văn và đặc san Tân văn trong lòng người đọc thời ấy và hậu bối của họ. Qua hai sự việc trong đó chúng tôi chỉ đóng vai thụ động: chuyện bốn học viên miền Nam và chuyện nhà phê bình miền Bắc.

Bốn học viên miền Nam

Lớp học theo chương trình Đào tạo giáo viên (Formation des formateurs) gồm 39 học viên vốn là giáo viên các trường Cao đẳng và Đại học. Hà nội 35 người, Huế 1 người, Sài gòn 3 người - tóm lại là 90% học viên miền Bắc (Hà nội) và 10% miền Nam (Huế và Sài gòn): một tỉ số đáng suy ngẫm. Khi chúng tôi được giới thiệu, nghe đến tên tôi, bốn anh chị em Huế và Sài gòn tỏ dáng ngạc nhiên ra mặt, thể như đột ngột chạm trán một sự thể gì kì lạ, dị thường. Bồn chồn suốt buổi học và luôn cả mấy hôm sau.

Đợi tới khi chương trình kết thúc, sắp chia tay, họ mới mon men kề đến bên tôi, chào hỏi, rồi ngập ngừng:

- Thầy, thầy, có phải ngày xưa thầy viết cho báo VănTân văn không?

- Uả, sao mấy em hỏi kì vậy ? Hai tờ này chết nghẻo từ lâu rồi mà, cùng lúc với hầu hết báo chí xuất bản thời ấy ở Sài gòn. Gần hai chục năm rồi, từ tháng tư 1975 kia lận. Các em hồi đó mới đẻ, còn trong trứng nước, hỉ mũi chưa sạch, làm sao mà biết được rành rọt như vậy?

Họ liền đồng thanh:

- Ba má tụi em hồi đó bí mật chôn giấu sách báo xuất bản ở Sài gòn trước tháng tư 1975, để khỏi bị nhà nước mới lập tịch thâu đem đi thiêu hủy. Nhờ vậy mà sau này lớn lên, tụi em mới có được tờ Văn và tờ Tân văn còn giữ trong nhà đề đọc. Học được nhiều điều chưa từng nghe nói đến và chút ít hiểu biết về các trào lưu văn học, các nhà văn lớn trên thế giới và các nhà văn Việt nam nổi tiếng trước cách mạng, cộng thêm vào số hiện thực xã hội như Nam Cao, Ngô Tất Tố hay Nguyễn Công Hoan…giảng dạy trong nhà trường.

Thì ra bốn học viên miền Nam nói trên tự nhiên hóa thành dư vị hiện thân của tạp chí Văn và đặc san Tân văn - chắc còn có nhiều thanh thiếu niên khác cũng giống y như họ. Ba má họ đã cả gan cất giữ thứ sách báo bấy giờ bị coi là : một, phản động, hai, đồi trụy ba, lạc hậu và, chiếu theo các chỉ thị gọi là ba hủy này, bị ráo riết truy lùng khắp mọi nhà mang đi đốt sạch - hệt như các cuộc phần thư, đốt sách vào thời Tần Thủy hoàng (221-206 tcn) ở bên Tàu, hay vào thời Quốc xã (1933-1945) ở bên Đức. Lưu Hữu Phước (1921-1989), Lữ Phương và những kẻ dưới trướng hạng Nguyễn Trọng Văn là các cán sự đã nhúng tay vào cuộc hỏa thiêu này ở Sài gòn (2) - họ bấy giờ chẳng nắm chức Tổng trưởng (LHP) và Thứ trưởng (LP) Bộ Thông tin Văn hóa trong định chế gọi là Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đó sao?

Lại nữa, cũng nên nhớ có tới hơn 280 số VănTân văn đã đều đặn ra mắt bạn đọc từ tháng giêng 1964 đến tháng tư 1975 và trong số này có 90 chuyên đề khảo cứu, giới thiệu các trào lưu văn học và các nhà văn lớn ở Việt nam và trên thế giới. 90 trên 280, đúng 1 phần 3: công lao của thư kí tòa soạn Trần Phong Giao (1932-2005 - tên khai sanh: Trần Đình Tỉnh, tự: Trần Phong) phải được nhấn mạnh ở đây trong việc quảng bá thứ văn hóa mà báo Nhân dân của Đảng (cộng sản) bấy giờ gọi là văn hóa nô dịch miền Nam,.

Nhà phê bình miền Bắc

Sau lần đầu tiên đặt chưn trở lại quê hương, chúng tôi được dịp về nước nhiều lần. Mỗi lần như vậy, thường được mấy anh chị em đồng điệu ở Hà nội, thuộc giới viết lách trong nước, mến mộ đón mời. Nếu không thật tình mến mộ, thì cũng với tánh cách hiếu kì, tò mò muốn gặp mặt, trò chuyện với một kẻ nghe nói đã có thời vẽ viết, dịch sách và cộng tác với mấy tập san văn chương ở miền Nam trước tháng 04/1975 và nay vẫn thường trú tận trời Tây.

Trong một buổi nhàn đàm trà dư tửu hậu này, một nhà phê bình tên tuổi đương đại bỗng ghé vô tai chúng tôi:

- Tôi biết anh gần ba chục năm rồi.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức. Nhà phê bình miền Bắc này sao lại biết tôi gần ba chục năm rồi, khi mà ông ở phương đông, tôi ở phương đoài, cách xa nhau ngàn vạn dặm. Sao ông lại biết tôi gần ba chục năm rồi, khi mà ông chưa hề đặt chưn lên đất Pháp, còn chúng tôi thì chỉ mới được phép trở về Việt nam mấy năm gần đây. Thật là lạ lùng, khó bề tưởng tượng! Nhận thấy chúng tôi sửng sốt ra mặt, ông bèn kể:

- Vào khoảng cuối năm 1971 đầu năm 1972, tôi theo bộ đội vượt ranh đóng quân vùng Quảng trị một thời gian dài (đúng vào thời kì chúng ta gọi là mùa hè đỏ lửa). Vớ được một số sách báo xuất bản ở Sài gòn như bắt gặp vàng, tôi háo hức đọc hết ngay liền trang này qua trang khác, không bỏ sót dòng nào chữ nào, sợ đánh mất cơ hội hiếm có. Tôi còn nhớ mồn một, đã đọc ngốn đọc nghiến nhiều bài viết và bản dịch của anh. Chẳng hạn như, trong tờ Văn số ra ngày... và mấy số tiếp theo, một cảo luận rất dài nhan đề là... kí tên Trần Thiện-Đạo, tường thuật buổi tranh luận giữa các nhà văn Jean-Paul Sartre, Yves Berger, Claude Simon về ảnh hưởng của văn chương nghệ thuật, cùng với các bài tham luận của họ do anh chuyển dịch.

Trời ơi, sao mà ông nhớ dai quá vậy - gần một phần tư thế kỉ đã qua mà vẫn không quên mọi thứ, số báo, tên các nhà văn, đề tài cuộc tranh luận, nhan bài, bản dịch…Trong khi chúng tôi vốn là tác giả và dịch giả, đã góp phần không ít cho mấy số báo đó, cũng đành chịu, không tài nào nhớ nổi ngần ấy và từng ấy chi tiết như ông. Thầm hỏi trong bụng, chúng tôi chợt hiểu. Thì ra ông đói. Không đói cơm áo, dầu miền Bắc hồi đó chẳng sung túc gì, lại còn phải đóng góp cho chiến trường ở miền Nam - ông không đói cơm áo mà đói một thứ gì khác vắng bặt ở miền Bắc bấy giờ. Bỗng dưng tóm được một món ăn tinh thần mới lạ chưa từng được nếm trước kia, ông thấy quả thật đậm đà, ngon ngọt, nên chi hương vị của nó cứ đọng lại trong trí nhớ cho đến tận bây giờ.

Rồi mười hai năm sau, vào khoảng cuối năm ngoái, khi ông đề tặng chúng tôi tập tiểu luận mới vừa ráo mực, ông còn bộc bạch, nhấn mạnh chỗ mình là: độc giả của bán nguyệt san Văn, đề rõ dưới chữ kí. Chứng từ ghi nhận âm hưởng của tạp chí.

Âm hưởng và dư vị

Qua hai giai thoại kể trên, chúng ta nhận thấy âm hưởng và dư vị của tạp chí Văn và đặc san Tân văn dài lâu tới mức nào. Nó do đâu mà ra? Chỉ cần nhắc qua môi trường và phong cách hoạt động của hai tập san này trong thời gian chưa đầy mười một năm, từ 1964 tới 1975, là đà có thể giải đáp trọn vẹn câu hỏi.

Tạp chí Văn ra đời ngay sau khi chế độ Diệm/Nhu (1954-1963) sụp đổ, rồi triển khai cùng với đặc san Tân văn suốt trọn thời kì mà chánh trường miền Nam không ngớt đảo lộn, bị xáo trộn hằng bữa, đảo chánh, chỉnh lí, rồi lại chỉnh li, đảo chánh, nay quân sự, mai dân sự, đổi thay nhơn sự cầm quyền. Vậy mà nó không những đứng vững mà còn phát triển ngày càng rộng rãi, cho tới 30 tháng Tư 1975 buộc phải ngừng hoạt động. Nhờ ở tinh thần trung lập và thái độ cởi mở, nhắm tới thành phần độc giả ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ, tiêu chí mà ban biên tập đã tự mình đặt ra cho mình ngay từ đầu. Phần khác, về phía cộng tác, bài vở không hề bị tòa soạn quyết đoán biên tập trừ phi quá ư thấp kém, vẫn biết nhiều lúc cũng bị sở kiểm duyệt bắt phải cắt xén bằng cách công khai bôi bỏ; còn tác giả thì nhuận bút đều được trả mau lẹ và sòng phẳng.

Vào thời buổi mà ai nấy đều chú tâm vào việc hoặc trùm chăn kín mít, hoặc hối hả làm tiền, thì có hai người: một là * Nguyễn Đình Vượng, đã dám đầu tư, quản lí và điều hành một tạp chí thuần văn học mà không hề qui lụy bất kể định chế nào, và hai là * Trần Phong Giao, đã đổ rất nhiều mồ hôi hoàn thiện cái trọng trách được giao phó là làm thư kí tòa soạn (3), không lệ thuộc đường hướng và trường phái nghệ thuật nào và cũng không nhưòng bước trước sức ép của bất kì ai. Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao nay đã thành người thiên cổ, mong rằng hương hồn hai người đã sớm về tới miền cực lạc.

Chính nhờ thế đứng độc lập đối với các trào lưu thời thượng và nhứt là đối với chánh quyền mà tạp chí Văn và đặc san Tân văn qui tụ quanh mình hầu hết các văn gia và thức giả ở miền Nam, kể cả những cán bộ nằm vùng. Đầy đủ mọi lập trường, khuynh hữu có, lừng khừng có, khuynh tả có; đầy đủ mọi thế hệ, trẻ có, già có; đầy đủ mọi tài năng, nghiệp dư có, chuyên nghiệp có; đầy đủ mọi chiều hướng, cổ điển, lãng mạn, tả chơn, siêu thực, hiện thực, hiện sinh, hiện đại và nhiều thứ khác nữa. Chính nhờ mô hình làm văn như vậy, xin nhắc: độc lập, cởi mở, không qui lụy bất cứ định chế hay trường phái nào, mà tạp chí Văn và đọc san Tân văn đáp ứng được nhu cầu khẩn thiết của độc giả lẫn tác giả bấy giờ. Đúng như họ mong muốn, đòi có một chỗ để viết và để đọc nhiều loại tác phẩm chiều hướng khác nhau, phong cách khác nhau, giọng nam giọng trung giọng bắc song song với nhau - họ đã quá ngấy thứ văn chương lụt đầy hai nửa đất nước thời ấy, thứ văn chương độc thoại một chiều và đúng lập trường trong lời ăn tiếng nói, vừa thô thiển vừa nhạt nhẽo.

Tạp chí Văn và đặc san Tân văn đã thành công rực rỡ. Không chỉ trong khoảng thời gian thạnh hành mà thôi: âm hưởng và dư vị của nó đến nay vẫn còn tồn tại như chúng ta đã thấy. Tiềm tàng trong lòng người đọc, khôn phai.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14636)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14742)