- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đọc Tác Phẩm "anh Em" Của Yu Hua, Một Khuôn Mặt Gây Nhiều Tranh Cãi Của Văn Học Trung Quốc Đương Đại.

29 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 9456)

yuhua_0_191x300_1Yu Hua sinh năm 1960 ở Haiyan, một làng nhỏ gần Hangzhou vùng ven biển tỉnh Zhejiang. Cha mẹ ông đều là Bác sĩ. Năm 1966 khi Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc cách mạng văn hóa, cha mẹ ông, cùng chung số phận của giới trí thức Trung Quốc, bị trừng phạt và đưa sang ở một làng khác. Yu Hua học xong Trung học năm 1976 và vào học Nha Khoa, một ngành ông thường bảo là rất ghét. Ông bỏ nghề nha sĩ, vào làm việc cho viện văn hóa địa phương và bắt đầu viết văn. Cuối những năm 70 và đầu 80, Trung Hoa bắt đầu theo chế độ cởi mở vì thế sách Tây phương được dịch khá nhiều. Yu Hua yêu thích các tác giả như Kafka, Garcia và Borge, những nhà văn có khuynh hướng sáng tác lồng hư cấu vào hiện thực đã ảnh hưởng đến cách viết của ông. Các tác phẩm đầu tay của ông đa số là chuyện giả tưởng có khuynh hướng nổi loạn, chống đối tất cả mọi người và mọi giai cấp. Phản ứng này nảy sinh từ khi ông chứng kiến nhiều chuyện dã man trong thời kỳ Cách mạng Văn Hóa. Truyện dài đầu tiên của ông xuất bản năm 1987 không được chú ý mấy nhưng ông nổi tiếng nhờ những truyện ngắn chứa đầy bạo động và tình dục. Năm 1992, ông đổi khuynh hướng sáng tác. Yu Hua viết một truyện dài theo lối hiện thực về một gia đình đã cố gắng hết sức để tồn tại trong chiến tranh, nạn đói, và Cách mạng Văn Hóa. Tác phẩm này có tên To Live (Sống) đã được nhà đạo diễn danh tiếng Trung Quốc Zhang Yimou (Trương Nghệ Mưu) chuyển thành phim. Phim này chiếm giải nhất ở Cannes Film Festival năm 1994, làm nổi bật tên tuổi của Zhang Yimou, và biến Yu Hua thành tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất Trung Hoa. Quyển Sống và "Chronicles of a Blood Merchant" (Nhật Ký Của Người Mua Bán Máu) đã được dịch sang tiếng Anh. Sống, tác phẩm nổi tiếng nhất của Yu Hua nói về một người bị mất hết của cải vào lúc cách mạng văn hóa đang tàn phá Trung Hoa. Nhân vật này tồn tại chỉ vì ý chí tha thiết muốn sống. "Cries in the Drizzle," (Khóc Trong Cơn Mưa Phùn) xuất bản năm 1993 nói về một cậu bé đã mang vận mệnh xấu đến với bất cứ những gì dính líu đến cậu. Năm 1988 Yu được trao tặng giải thưởng văn chương Primo Grinzane Cavour của Ý. Đây là giải thưởng rất có giá trị mà hai nhà văn và nhà thơ danh tiếng Nadine Gordimer và Günter Grass đã từng được trao tặng.

 

Yu Hua sang viếng Hoa Kỳ và chu du 7 tháng. Trở về Trung Hoa ông bắt đầu viết Anh Em, một câu chuyện về hai người tuy là anh em nhưng không cùng chung huyết thống. Li trọc là con riêng của Li Lan vợ kế của Song Fanping. Song Gang là con của Song Fanping và người vợ trước. Sau khi Song Fanping bị Hồng Vệ Quân giết, Li Lan chết vì đau yếu buồn phiền. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Li trọc và Song Gang sống nương dựa lẫn nhau và thương yêu nhau như ruột thịt. Yu Hua cho biết: "Hai mươi năm đầu tôi sống trong nghèo đói và áp bức. Hai mươi năm tiếp theo vật chất và tự do được tăng dần. Tôi muốn ghi lại hai thời kỳ này trong tác phẩm của tôi." Ở Trung Hoa Anh Em được xuất bản thành hai phần, phần 1 năm 2005 và phần 2 năm 2006. Số sách bán được đã tăng lên hằng triệu bản. Ở Hoa Kỳ quyển này được xuất bản nguyên bộ, dày hơn 600 trang.

 

Tuy bán rất chạy, quyển này bị giới phê bình lên án dữ dội, cho rằng ông đã biến nhân vật xấu thành anh hùng và đây chỉ là một quyển tiểu thuyết khôi hài rất hạ cấp. Thậm chí có cả một nhóm phê bình gia lấy tên là "Nhổ răng Yu Hua" đã viết những bài tiểu luận đả kích ông. Tên của nhóm phê bình gia đã được dùng để ám cho nghề Nha sĩ của Yu Hua trước khi ông trở thành nhà văn. Yu Hua không quan tâm đến những nhà phê bình này. Ông cho rằng phần lớn những người chê bai văn của ông là những nhà phê bình trẻ tuổi, hoặc là họ hổ thẹn vì ông đã moi móc chuyện xấu của Trung Hoa, hoặc là không biết là những tệ nạn xã hội vẫn còn hiện diện. "Thế hệ này lớn lên trong thập niên tám mươi, họ chỉ nhìn thấy sự thịnh vượng của Trung hoa càng lúc càng gia tăng," ông nói. "Họ tưởng là cuộc sống của họ là tượng trưng cho toàn thể cuộc sống Trung Hoa. Nhưng đây là một điều sai lầm. Trung Hoa có hơn một triệu người có thu nhập hằng năm dưới 25 đô la.

 

Phần một nói về cuộc sống của hai anh em lúc cách mạng văn hóa vừa bắt đầu. Li Guangtou, còn được gọi là Li trọc, bởi vì tóc gã luôn luôn húi trọc đến bóng nhẫy. Li trọc là một đứa trẻ thông minh láu lỉnh. Li ở với mẹ, Li Lan, và không hề biết bố là ai. Hắn được mẹ cho biết là bố hắn đã chết nhưng không biết vì lý do gì. Li Lan là một phụ nữ hiền lành, yếu đuối làm công nhân của hãng dệt tơ lụa. Bởi vì trường học bị đóng cửa trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Li Lan đành để Li trọc đi lang thang khắp nơi trong Liu, thành phố nhỏ nơi hai mẹ con đang ở. Năm 15 tuổi Li trọc bị bắt quả tang nhìn trộm phụ nữ trong nhà xí công cộng và bị dẫn đi bêu xấu khắp nơi. Li Lan hổ thẹn đến độ phải chờ đêm xuống mới dám đến phòng công an đón Li trọc về. Sau khi việc này xảy ra Li trọc mới biết lý do cái chết của bố hắn là vì ông ấy đã bị rơi xuống hố phân của cầu xí công cộng và chết đuối khi đang nhòm lén phụ nữ. Song Fanping đã lao vào hố phân để cố cứu nạn nhân rồi cõng xác nạn nhân về nhà của hắn ta. Li Lan lúc ấy đang mang thai Li trọc và vì quá kinh hoàng Li Lan sinh Li trọc ngay ngày hôm ấy. Song Fanping đã giúp Li Lan tẩm liệm người chồng. Vài năm sau vợ của Fanping gặp cơn bạo bệnh rồi qua đời. Song Fanping và Li Lan yêu nhau rồi trở nên vợ chồng. Song Gang lớn hơn Li trọc một tuổi trở thành anh của Li trọc. Li Lan bị chứng đau đầu kinh niên nên phải lên thành phố Shanghai chữa bệnh. Fanping là giáo viên của thành phố Liu đã nuôi nấng và rất thương yêu hai đứa bé. Trong cuộc cách mạng văn hóa anh bị vu cáo là phản cách mạng và bị giam. Vì muốn giữ lời hứa với Li Lan là anh sẽ thân hành đi đón vỗ về, Fanping trốn trại giam và bị Hồng Vệ Quân giết chết ở ngay trạm xe buýt trong thành phố. Li Lan đưa Song Gang về ở với ông nội nhưng Song Gang vẫn đến thăm Li Lan và Li trọc khi có cơ hội. Trước khi qua đời Li Lan trăn trối với Song Gang bà hy vọng Song Gang sẽ trông nom Li trọc bởi vì hắn là một đứa trẻ không biết tuân theo cách sống ở đời. Cuộc sống ở thành phố Liu trở nên khốn khổ. Rất nhiều người trong thành phố Liu trở nên nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa.

 

Phần hai nói về cuộc sống của hai anh em Li trọc và Song Gang khi hai người đến tuổi trưởng thành và Trung Hoa đang chuyển mình theo chế độ tư bản. Li trọc lém lỉnh trong khi Song Gang chân chất hiền lành. Cả hai cùng yêu Lin Hong cô gái ngày xưa Li trọc đã trộm nhìn trong nhà xí. Nhưng Lin Hong yêu Song Gang và hai người kết hôn với nhau. Hôn nhân này đã chia rẽ tình anh em của Li trọc và Song Gang. Cuộc đời của hai người thăng trầm trong xã hội tư bản. Li trọc bán đồ sắt vụn phế thải, rồi bán hàng âu phục phế phẩm của Nhật và trở nên một đại gia. Song Gang bị mất chân công nhân của xưởng kim loại rồi bị bệnh phổi vì làm việc cho xưởng xi măng. Vì muốn có tiền để có thể tự nuôi sống mình và cung cấp cho Lin Hong, anh bỏ thành phố Liu đi theo một người bán dạo, để bán màn trinh nhân tạo, thuốc cường dương tăng dục, thậm chí chịu giải phẫu bơm ngực để làm mẫu bán ngực giả. Song Gang trở về quê cũ khi bệnh phổi của anh trở nên trầm trọng và và trên người anh vết thương giải phẫu gỡ bỏ bộ ngực giả vẫn chưa lành.

 

Đây là một tác phẩm rất lôi cuốn tuy những chương đầu có thể làm độc giả yếu bao tử buồn nôn. Độc giả nếu đã quen thưởng thức văn chương Trung Hoa với những bài thơ cổ toàn những lời hoa mỹ như Hoàng Hạc Lâu hay Hàn San Tự sẽ không thích hợp với tác phẩm này bởi vì Yu Hua viết huyên thiên những chuyện xú uế như cầu xí, phân người, và dòi bọ. Cùng nói về cuộc sống của người dân Trung Hoa trong thời Cách Mạng Văn Hóa, Ha Jin (Cáp Kim) trong tác phẩm Đợi Chờ miêu tả một sự chịu đựng âm ỉ trong đời sống đầy vẻ trầm lặng còn Yu Hua thì rừng rực với những hình ảnh bạo động rất ghê rợn. Truyện Anh Em hấp dẫn nhờ hai yếu tố: bạo động và tình dục. Ngay từ chương đầu tiên Yu Hua đã lôi cuốn người đọc bằng hình ảnh bạo động và tình dục. Hình ảnh người đàn ông chết đuối trong hố phân tạo cảm giác mạnh và lạ hơn là dùng dao hay súng. Cái kinh khiếp nếu không phải là máu me nhầy nhụa thì là cái chết ngộp khi chất xú uế và dòi bọ tràn ngập mũi miệng làm chết người. Yu Hua không ngừng ở đó. Ông dùng đủ mọi thứ phương tiện của bạo động để gây cảm xúc, từ đánh đấm, đến cắt cổ người bằng dao găm hay mã tấu, nhổ răng, tra tấn tù nhân bằng cách thả mèo đói vào trong quần tù nhân để con vật cào cấu chui ra, và tù nhân quá đau đớn khổ sở đã tự đóng đinh vào đầu để tự tử. Trong truyện của Yu Hua cái chết không phải là điều đáng sợ nhất. Mà cái đáng sợ nhất là biết mình sẽ phải chết nhưng chưa được cho phép chết.

 

Vào giữa cho đến cuối thập niên 60, Hoa Kỳ đang trải qua những biến cố chính trị như cuộc ám sát Kennedy và Luther King; tuổi trẻ Hoa Kỳ phản đối chiến tranh Việt Nam, đòi cách mạng nữ quyền và tự do tình dục. Trong lúc ấy Trung Hoa đang trải qua cuộc thanh lọc của Cách Mạng Văn Hóa, trường học bị đóng cửa, sách báo bị đem đốt, giới trí thức tiểu tư sản bị trừng phạt tù đày, dân nghèo thì đói khổ vì chính sách Mao Trạch Đông đã ngưng phát triển nông nghiệp để sản xuất thép. Vì thiếu kế hoạch và không có kỹ thuật hiện đại thép được sản xuất chỉ toàn là đồ phế thải không thể dùng trong thiết kế xây dựng được. Trong thời điểm này nhòm trộm phụ nữ trong nhà xí công cộng cũng tương đương với xem sách báo hay phim ảnh khiêu dâm ở Hoa Kỳ. Yu Hua dùng chuyện nhìn trộm phụ nữ đễ chế riễu giới đạo đức hay đạo đức giả của Trung Hoa. Dưới bề mặt thanh khiết của một xã hội qua quá trình thanh lọc là những ham muốn tình dục bị bóp nghẹt vì sợ xã hội lên án. Những màn làm tình của ông rất sống sượng, không hẳn là khiêu dâm, mà có vẻ như những lời ba hoa khoác lác của một Li trọc kém văn hóa, không biết yêu và cũng chưa bao giờ được yêu.

 

Yu Hua dùng giọng văn khôi hài để chế nhạo tật xấu của nhiều giai cấp khi xã hội Trung Hoa trải qua hai chế độ, từ sự gò bó khắc nghiệt của chủ nghĩa cộng sản đến sự tự do thác loạn của chủ nghĩa tư bản. Các nhân vật lãnh đạo dưới thời cách mạng văn hóa thì ngu dốt và lạm dụng quyền hành sang thời đại tư bản thì tham nhũng, xa xỉ, và trác táng. Yu Hua chẳng những đã tấn công giới văn học mà còn phê phán khắc nghiệt qua hai nhân vật văn sĩ Liu và thi sĩ Zhao. Đây là hình ảnh tiêu biểu của những nhà đạo đức giả, thượng đội hạ đạp, tham danh vọng, kiêu ngạo, vọng ngoại, và phản bội. Ông có vẻ bao dung hơn đối với những người có giai cấp thấp nhất trong xã hội. Những người bán kem cây, mài dao, hay thợ may là những người tuy nghèo nhưng biết giữ chữ tín, sòng phẳng, và đôi khi còn giúp đỡ người kém may mắn.

 

Người Trung Hoa rất sùng bái chữ trinh của phụ nữ. Để gìn giữ cái chữ trinh đáng giá ngàn vàng họ đã sáng chế ra thủ cung sa, nuôi thạch sùng bằng chu sa rồi nghiền nát con thạch sùng lấy máu chấm lên cánh tay của các cô gái để đánh dấu chữ trinh. Người phụ nữ phải giữ cho dấu son này không được phai mờ bởi vì đây là cái con dấu chứng nhận là mình vẫn còn trinh trắng. Sang thời kỳ phát huy chủ nghĩa tư bản, cuộc sống đầy thác loạn về tình dục, Đại gia Li trọc than phiền là ngày xưa 90 phần trăm các cô gái đến tuổi lập gia đình đều còn trinh, còn trong thời đại mới tất cả các cô gái đẹp dự thi chẳng còn người nào trinh trắng. Yu Hua đã châm biếm sự sùng bái chữ trinh bằng cách cho Li trọc soi đèn bấm để xem màng trinh của người đàn bà Li trọc sắp chăn gối có còn nguyên hay không. Cái nhu cầu được phá trinh của các đại gia đã biến việc khôi phục màn trinh thành một kỹ nghệ ở Trung quốc.

 

Li trọc và Song Gang là hai nhân vật trái ngược nhau từ hình dáng đến tính tình. Qua Li trọc người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của Vi Tiểu Bảo mưu mô láu lỉnh, Xuân Tóc Đỏ may mắn gặp thời, và Trư Bát Giới đầy dục vọng. Song Gang cao và thanh mảnh, dáng thư sinh trí thức. Đặt Song Gang bên cạnh Li trọc cũng như đặt Đường Tam Tạng bên cạnh Trư Bát Giới. Trong "Anh Em" Yu Hua cấu tạo hai nhân vật chính với bản chất riêng biệt và trải qua hai chế độ chính trị hoàn toàn khác biệt bản chất của hai nhân vật này không thay đổi mặc dù bối cảnh lịch sử và văn hóa đã hoàn toàn thay đổi. Quan điểm đạo đức họ dùng để thẩm định giá trị bản thân trong xã hội không thay đổi chưa thay đổi hay thay đổi chậm hơn những người chung quanh họ. Xã hội thay đổi, quan điểm về đạo đức của xã hội áp đặt lên cá nhân thay đổi, phương tiện được dùng để đo lường hay thẩm định giá trị cá nhân đã hoàn toàn thay đổi. Li trọc với bản chất phóng túng, sống vì mình, sống cho mình, không ngần ngại theo đuổi những gì quan trọng đối với hắn ta, bất kể đó là tình, tiền, hay dục vọng. Hắn bị xem là hư hỏng, bị xã hội trừng phạt, bị phụ nữ khinh bỉ và xa lánh hắn, trong chủ nghĩa xã hội đầy những qui luật và giá trị đạo đức khắt khe. Trong chủ nghĩa tư bản nhờ có sẵn năng khiếu kinh doanh, không đeo đẳng với những giá trị của giai cấp cũ, Li trọc sẵn sàng thu nhặc rác và đồ phế thải, như thép không đạt chất lượng đã được sản xuất dưới chế độ Mao Trạch Đông, để bán rồi trở nên giàu có, quyền thế, phụ nữ lăn xả vào hắn, và xã hội sùng bái hắn như thần tượng. Song Gang vốn là người tuân phục đường lối qui luật đã vạch sẵn cho anh, khăng khăng theo đuổi giá trị luân lý của xã hội cũ. Khi xã hội thay đổi cấu trúc anh mất định hướng, không lăn kịp với bánh xe hiện đại nên đã bị bánh xe chủ nghĩa tư bản nghiền nát. Kỹ thuật cấu tạo hai nhân vật trái ngược nhau để nhân vật này làm nổi bật nhân vật kia được Yu Hua dùng rất hiệu quả nhưng đây không phải là kỹ thuật mới mẻ. Nhiều nhà văn khai thác kỹ thuật này, điển hình là Margaret Mitchell với Rhett Butler và Ashley Wilkes trong Gone With The Wind hay Hermann Hesse với Hans Giebenrath và Hermann Heilner trong quyển Beneath The Wheel. Cuốn Theo Chiều Gió tuy không được liệt vào hạng tác phẩm văn học kinh điển nhưng Ashley Wilkes là hình ảnh tiêu biểu của một người lạc lõng trong xã hội mới khi cấu trúc của xã hội và giai cấp cũ mà anh ta sinh ra và lớn lên trong đó đã bị thay đổi (paradigm shift). Nếu Ashley lớ ngớ tìm cách thích nghi với cuộc sống sau bốn năm nội chiến của Hoa Kỳ thì Song Gang mất thăng bằng khi chủ nghĩa tư bản xâm nhập Trung Hoa.

 

Yu Hua khá bi quan khi miêu tả cuộc sống của dân Trung Hoa dưới cả hai thời chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa tư bản. Cả hai thời đại và hai chủ nghĩa đều có những sai lầm và những hành động cực đoan. Chủ nghĩa xã hội bằng cách mạng văn hóa đã khống chế và lên án tình dục. Tình dục thời đại tư bản thì thác loạn quá đáng. Ông miêu tả phụ nữ thời Mao Zedong qua nhân vật Li Lan yếu đuối và phục tòng, một người đã hổ thẹn vì chồng và con mình đã có những hành vi kém đạo đức, đến độ không dám ngẩng đầu nhìn mặt xã hội và còn có cả ý định tự tử cho dù bản thân Li Lan đã chẳng làm gì đáng trách. Một cô gái trẻ như Lin Hong bị người ta nhìn trộm những nơi kín đáo trong thân thể của mình đã hổ thẹn cùng cực đến độ đâm ra thù ghét kẻ nhìn trộm mình. Yu Hua miêu tả phụ nữ thời tư bản như một thành phần vô liêm sỉ chỉ tha thiết đến việc làm đẹp, lấy chồng đại gia, sẵn sàng dối trá, và phủ phục dưới chân Li trọc một người trong quá khứ đã từng bị khinh rẻ là hạ cấp. Tuy thế, dưới chủ nghĩa cộng sản Yu Hua đã để cho nhân vật của ông tìm thấy tình yêu và tình huynh đệ, có phần nào niềm vui và hạnh phúc. Trong xã hội của chủ nghĩa tư bản người ta vì tiền mà đánh mất hạnh phúc. Li trọc ngồi trên nắp đậy cầu tiêu làm bằng vàng, chuẩn bị lên phi thuyền phóng lên mặt trăng mà hắn ta mua vé giá hai mươi triệu buồn vì không có người thân yêu. Song Gang buồn vì mất vợ, và bệnh tật. Lin Hong buồn vì những sai lầm và phản bội của cô.

 

Người ta thắc mắc tại sao sách của Yu Hua không bị chính quyền Trung Hoa ngăn cấm. Yu Hua tuy phê bình chỉ trích nhiều giai cấp trong xã hội nhưng những điều ông chỉ trích không phải là những điều nhà cầm quyền Trung Hoa cấm làm. Mãi từ thời Đặng Tiểu Bình chính quyền đã ngầm khuyến khích việc chỉ trích Cách Mạng Văn Hóa dưới chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Và trong suốt hơn 600 trang từ thời Mao Trạch Đông đến hiện đại ông đã không nhắc nhở đến trận thảm sát Thiên An Môn. Có thể nói những chương đầu của Anh Em ông viết toàn chuyện xú uế nhưng lại rất lôi cuốn . Miêu tả cảnh tượng cái chết thối tha vì nước hố phân tràn vào mũi, mồm, và phổi của người chết, Yu Hua biến Song Fanping thành người hùng khi nhân vật này không ngại hôi thúi lao vào hố phân để cứu người. Nếu phim ảnh Mỹ dùng Clint Eastwood hay Robocop xông pha vào súng đạn để thu hút người đọc, thì trong xã hội Trung Hoa dưới thời Mao Trạch Đông Yu Hua đã cấu tạo một tình huống tương đương. Tuy có sức sáng tạo rất sung mãn, nhược điểm của Yu Hua là ông thường kéo dài những đoạn văn và lập lại lập lại những chi tiết không cần thiết do đó có thể gây nhàm chán. Người đọc có thể đọc nhảy chục trang vẫn theo dõi được câu chuyện. Dù với dụng ý khôi hài, Yu Hua đã không mấy thuyết phục khi để cho chính quyền Cộng sản chịu lép vế để yên cho Li trọc chứa sắt vụn và rác rưới ngay trước cổng ra vào cơ quan để biểu tình chống đối. Chẳng có chính quyền nào lại có thể để một tên ăn mày bắt nạt nhà nước, nhất là nhà nước đã từng có những cuộc thanh trừng đẫm máu như Cách mạng văn hóa. Giới quan chức Cộng sản Trung Hoa dường như dễ bị lừa gạt và tống tiền như những anh nhà quê thất học. Tuy có vẻ như chế nhạo chủ nghĩa tư bản Yu Hua lại ngầm khuếch trương chủ nghĩa tư bản bằng cách khoe tính chân thật củangười Trung Hoa trong lĩnh vực thương mại. Tư bản của Trung Hoa trong Anh Em còn hiền hơn tư bản Mỹ rất nhiều nên chưa có những vụ Enron hay AIG. Không một nhân vật nào, đủ quan trọng để được Yu Hua đặt cho một cái tên, trong Anh Em, đã lừa dối về phương diện tiền bạc tuy họ có thể lừa dối về mặt tình cảm. Yu Hua rất hay ở chỗ, giữa những trang đầy bạo động ông xen vào những chi tiết về lòng nhân đạo và tình người rất ấm lòng, sau khi làm độc giả mỉm cười với hành động dị hợm tục tĩu của Li trọc ông đưa người đọc đến gặp nỗi buồn thẫn thờ của Li Lan. Đọc Yu Hua là chuẩn bị đi từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác của cảm giác. Đoạn văn sau đây là một trong những đoạn văn lôi cuốn của Yu Hua. Nhân vật của ông đang đi tìm cái chết nhưng vẫn tỉnh táo nhìn bầu trời với ráng chiều nhuộm đỏ cánh đồng, những hoa lúa nhuộm nắng đỏ như màu máu, thiên nhiên như đang nhìn thấy thảm cảnh đang từ từ xảy ra. Cái chết như để làm tăng thêm vẻ đẹp vô tình của thiên nhiên. Vẫn là vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng đầy cảm giác chết chóc đến rợn người. Tuy đẹp và lôi cuốn, đoạn văn này cũng cho thấy một chi tiết không hợp lý khi Yu Hua nói về tâm lý nhân vật. Một người chuẩn bị tự tử sẽ không tha thiết đến việc khử trùng lưỡi kéo.

 

Nguyễn Thị Hải Hà

 

 

Trích dịch tác phẩm Anh Em của Yu Hua

Chương 73

 

Sau khi Song Gang trở lại thành phố Liu, liên tiếp sáu ngày anh không nhận được tin của vợ. Anh nấu ăn sáu lần trong sáu ngày nhưng mỗi ngày chỉ ăn một chén cơm. Anh không hề mở cửa và chỉ đi ra khỏi nhà để mua rau. Anh gặp gỡ nhiều người quen, và qua những lời thăm hỏi ngắn ngủi của họ anh mù mờ cảm nhận rằng có một cái gì đó đã nảy nở giữa Li trọc và Lin Hong. Trông anh như người mất hồn và đầy vẻ thẫn thờ. Buổi tối ngày thứ bảy, Song Gang mang quyển album ảnh của gia đình, xem ảnh của mình và Lin Hong; rồi thở dài đóng quyển album lại. Anh cũng tìm thấy ảnh cũ của mình, của bố anh, Song Fanping, mẹ anh, Li Lan và Li trọc. Tấm ảnh trắng đen nay đã trở nên vàng úa theo thời gian. Song Gang lại thở dài và nằm xuống giường, nước mắt chảy dài trên má.

Sau khi chịu đựng tình trạng này suốt bảy ngày, Song Gang bắt đầu gượng dậy. Tất cả những kỷ niệm với Li trọc và Lin Hong rộn rã quay về trong anh, hai mươi năm trải qua như chớp mắt. Bây giờ anh nhận ra rằng Lin Hong không nên kết hôn với anh mà nên kết hôn với Li trọc. Khi nhận ra điều này, Song Gang thấy nhẹ nhàng, như vừa trút đi gánh nặng trong tim.

Buổi sáng thứ tám khi mặt trời vừa lên, Song Gang ngồi vào bàn ăn và chăm chỉ viết hai lá thư cho Lin Hong và Li trọc. Mặc dù anh rất tập trung tư tưởng có rất nhiều câu anh không biết chắc chắn mình viết có đúng không và có nhiều chữ anh không nhớ rõ đánh vần như thế nào. Anh nhớ khi vào tuổi hai mươi anh đã yêu thích văn chương đến mức độ nào. Anh vẫn còn nhớ là anh đã viết một truyện ngắn và Li trọc ngợi khen nồng nhiệt. Những năm về sau, cuộc đời đè nặng lên anh không xót thương, đến độ làm anh suýt ngạt thở. Anh không còn đọc sách báo nữa, và bây giờ không viết được một lá thư đơn giản.

Song Gang ghi nhớ những chữ mà anh không biết chắc đánh vần như thế nào, đeo khẩu trang vào, rồi đi đến hiệu sách nơi anh sẽ dùng từ điển để tự kiểm tra. Anh trở về nhà và tiếp tục viết thư. Anh không muốn mua một quyển tự điển mặc dù anh mang về ba mươi ngàn yuan cho Lin Hong. Anh có cảm tưởng như trong suốt thời gian hai người sống bên nhau, anh đã không đủ sức mang đến cho nàng cuộc sống sung túc, vì thế anh cương quyết sẽ đưa cho nàng tất cả số tiền mà anh đã kiếm được. Những ngày tiếp theo, anh đi từ nhà đến hiệu sách và trở về hơn cả chục lần, và cứ mỗi lần như thế các cô bán hàng cười to khi nhìn thấy anh, họ nói với nhau Song Gang bây giờ là học giả chính hiệu. Rồi đến một ngày các người bán hàng không thể nén được đã gọi anh là Tự Điển. Khi Song Gang nghe điều này anh cười to nhưng không đáp lại; thay vào đó anh cúi đầu và chăm chỉ tìm chữ mà anh không biết. Song Gang mất năm ngày để viết thư, tuần tự thay đổi từ vựng rồi kiểm tra bằng tự điển, và tự sửa chữa lá thư của mình. Khi anh viết xong hai lá thư, anh cẩn thận sao chép lại và đứng dậy như để giải tỏa một nỗi căng thẳng nặng nề rồi đi đến bưu điện để mua hai bao thư và hai con tem. Sau khi viết địa chỉ lên bao thư và dán tem, anh dấu hai lá thư vào túi bên trong ngực áo.

Ngực của Song Gang trở nên đau nhói. Ngớ người không hiểu vì sao lại bị đau điếng người như thế, anh từ từ cởi áo và nhận ra vải áo anh dính vào vết thương chưa lành ở dưới nách. Gỡ cái phần áo ra khỏi vết thương anh có cảm tưởng như lột xé da thịt. Cơn đau như xé thịt này làm cả thân hình anh run rẩy. Anh chờ cho cơn đau lắng xuống rồi giơ tay lên nhìn và nhận thấy vì vết thương đã sưng tấy làm cho những vết khâu vết thương bằng chỉ màu đen bị căng cứng. Anh chợt mhớ là những sợi chỉ này đáng lẽ phải được tháo gỡ sáu ngày sau khi mổ nhưng bây giờ là đã mười ba ngày. Cơn đau hoành hành đến độ anh không thể nào chịu đựng được nữa.

Song Gang đứng lên đi tìm cái kéo và với một cái gương, anh chuẩn bị tháo gỡ những mũi chỉ may này. Lo rằng cái kéo không sạch, anh đốt nến và hong cây kéo lên ngọn lửa chừng năm phút để khử trùng. Anh kiên nhẫn chờ thêm mười phút nữa cho mũi kéo nguội đi và bắt đầu cẩn thận cắt chỉ cho đến khi lưỡi kéo phủ đầy những sợi chỉ màu đen. Anh cảm thấy cơn đau nhói ở ngực dần dần dịu xuống và cả thân hình anh được giải thoát khỏi một sự căng thẳng cùng cực.

Đêm ấy Song Gang dùng một tờ báo cũ bọc số tiền mà anh đã mang về và để bọc tiền dưới gối của mình, chỉ giữ lại mười yuan. Anh lấy chìa khóa ra và khám xét nó cẩn thận, rồi để nó lên bàn, đeo khẩu trang vào và đi ra cửa trước. Khi anh mở cửa, anh quay lại nhìn căn nhà của mình và cái chìa khóa nằm trên bàn. Mọi thứ trong nhà đều có vẻ rõ nét nhưng cái chìa khóa thì lại có vẻ lu mờ trong mắt anh. Anh cẩn htận đóng cửa, và đứng đấy một lúc lâu. Anh nhận ra rằng chìa khóa ở bên trong và anh có thể sẽ không bao giờ trở về.

Song Gang quay người đi xuống phố, đến tiệm bán thức ăn của Zhou Không Còn Lang Thang. Anh chưa bao giờ thử món bánh bao có cắm ống hút và bây giờ anh muốn thử cho biết mùi vị của nó. Khi anh bước vào, anh không nhìn thấy Zhou hay chị Su. Anh đảo mắt nhìn chung quanh và nhận ra là Mạ Su cũng không có ở đấy. Thì ra Zhou đã thành công trong việc biến cả hai mẹ con thành những người mê phim tập của Đại Hàn và do đó hằng ngày ba người cùng ngồi nhà và dán mắt vào màn ảnh truyền hình. Song Gang ngập ngừng đứng ở ngưỡng cửa một lúc lâu. Nhìn thấy một cô hầu bàn lạ mặt đang ngồi ở quầy thu tiền, anh đến gần cô, sau khi suy nghĩ một hồi lâu, anh hỏi lúng búng, "Làm cách nào để ăn . . ."

Cô gái thu tiền không hiểu anh muốn nói gì "Ăn cái gì mới được chứ?"

Song Gang chợt nhận ra là anh đã nói không rõ ràng nhưng không thể tìm ra một câu thích hợp để hỏi. Anh chỉ vào mấy cái bánh bao mà khách hàng đang ăn và nói "Mấy cái bánh bao có cắm ống hút . . ."

Những người thực khách bật cười to và một người trong bọn hỏi anh, "Ông có bao giờ bú vú mẹ khi còn bé?"

Song Gang có cảm tưởng gã này đang trêu chọc anh, vì thế anh trả lời khéo, "mọi người đều làm chuyện ấy."

"Ôngcó ăn bánh bao khi ông là người lớn?"

"Mọi người đều làm chuyện ấy."

Người ấy nói. "Tôi sẽ chỉ cách cho ông. Trước nhất ông mút như bú vú mẹ, rút hết nước trong bánh bao, rồi ông ăn như là ăn bánh bao bình thường vậy thôi."

Đám thực khách cười rũ rượi, và ngay cả cô hầu bàn ở quầy thu tiền cũng không nín được cười. Song Gang, tuy thế, nghiêm mặt không cười. Câu trả lời của người khách giúp tư tưởng anh trong sáng thêm một ít, vì thế anh quay sang cô hầu bàn và nói, "Tôi hỏi giá của nó là bao nhiêu?"

Hiểu ý của anh, cô hầu bàn thu tiền và đưa biên nhận cho anh. Song Gang cầm biên nhận nhưng vẫn tiếp tục đứng ở quầy thu tiền. Cô gái hầu bàn đề nghị anh đến bàn ngồi chờ vì phải chừng mười phút nữa bánh bao mới sẵn sàng. Song Gang nhìn bọn thực kháck đang cười cợt, và chọn một cái bàn cách xa họ. Với vẻ thẫn thờ, anh ngồi, kiên nhẫn như một anh học trò, chờ mấy cái bánh bao có gắn ống hút.

Bánh bao của Song Gang cuối cùng được mang ra và hơi nóng của nó phà vào mặt anh. Song Gang thong thả gỡ khẩu trang, đặt ống hút vào mồm, và ngay lập tức hút nước thịt trong bánh bao. Đám thực khách cười chế nhạo anh lúc nãy nhảy nhỏm vì ngạc nhiên, bởi vì nước thịt trong bánh bao rất nóng, ít nhất phải là 175 độ Fahrenheit. Tuy nhiên, Song Gang hút nó như hút nước lạnh. Sau khi ăn xong cái bánh bao này, anh tiếp tục hút nước thịt của bánh bao cho đến cái thứ ba. Anh ngước mặt lên nhìn đám thực khách đang ngạc nhiên đến sững sờ rồi mỉm cười. Nụ cười của anh làm họ cảm thấy rùng mình ớn lạnh trong xương sống, làm cho họ nghi ngờ là anh bị điên rồ. Anh cúi đầu cầm một cái bánh bao đưa lên mồm. Sau khi anh ăn xong ba cái bánh bao, Song Gang mang khẩu trang vào, đứng lên, và đi ra khỏi tiệm.

Lúc này trời đã vào chiều, và Song Gang bắt đầu đi về phía mặt trời đang chìm xuống. Anh không cúi đầu đi dọc theo đường phố như anh đã thường làm. Trái lại anh đi ngẩng cao đầu, nhìn đằng trước rồi nhìn phía sau các cửa tiệm cũng như khách bộ hành trên đường. Khi có người gọi tên anh, anh không còn trả lời ấp úng nữa mà vẫy tay chào họ rất thân thiện. Khi anh đi ngang một cửa kính của một cửa tiệm anh dừng lại một thoáng để nhìn sản phẩm đang được trưng bày. Rất nhiều người trong thành phố Liu nhìn thấy Song Gang đi dạo chiều tối hôm ấy. Về sau họ hồi tưởng lại, trong quá khứ anh luôn luôn có vẻ vội vã như đang đi đến một chỗ nào đó; chỉ duy nhất chiều hôm ấy người ta thấy anh đi dạo thong thả. Họ nói anh dừng lại nhìn tất cả các cửa kính của các cửa tiệm và chào tất cả mọi người anh gặp, còn có vẻ rất chú ý đến những cây wutong ở hai bên đường. Anh đứng bên ngoài một của tiệm bán sản phẩm âm nhạc chừng năm hay sáu phút lắng nghe hai bản nhạc thịnh hành, quay sang nói với người đi ngang "Hai bài hát này rất hay."

Đi ngang bưu điện, anh lấy hai lá thư viết cho Lin Hong và Li trọc ra khỏi túi áo và cho vào thùng thư, rồi anh ngồi xổm và nhìn vào bên trong thùng để biết chắc là nó đã hoàn toàn rơi vào trong thùng. Rồi anh tiếp tục đi về hướng mặt trời lặn.

Song Gang đi bộ ra khỏi thành phố Liu và đến đường hỏa xa. Anh ngồi xuống một tảng đá cạnh đường rầy, cởi khẩu trang và hít không khí ban chiều với vẻ hài lòng. Anh nhìn ruộng lúa trĩu hạt chung quanh đang chờ gặt hái. Cách đấy không xa có một dòng suối và hoàng hôn nhuộm dòng nước thành màu đỏ thẫm. Hình ảnh này làm anh ngẩng lên nhìn và thấy bầu trời còn đẹp hơn là mặt đất. Vầng dương đỏ rực màu máu, mây sáng ngời với hằng lớp màu sắc phủ lên nhau như sóng triều. Khi mà những tia sáng đầy màu sắc này bay lượn trong không gian anh có cảm tưởng là anh đã nhìn thấy chúng từ trước. Anh cúi xuống rồi lại ngẩng lên nhìn đồng lúa trải rộng bát ngát, phản chiếu ráng chiều như một cánh đồng chứa hằng vạn đóa hoa hồng đỏ thắm, anh có cảm giác như đang ngồi giữa cánh đồng hoa đang nở.

Nghe tiếng còi xe lửa đến gần, anh cởi mắt kính, lau và mang trở lại. Mặt trời đã chìm phân nửa phía chân trời và xe lửa đang tiến đến gần cùng hướng với mặt trời lặn. Anh đứng dậy tự bảo mình đã đến giờ từ biệt với cõi sống. Anh không thể nào chia tay với cặp kính của mình nhưng cũng sợ là xe lửa sẽ nghiến nát nó, vì thế, anh tháo kính ra và đặt chúng lên tảng đá mà anh đã ngồi lúc nãy, và một lần nữa cảm thấy mọi vật như nhòa đi. Anh cởi áo khoác, gấp lại, đặt lên trên cùng tảng đá, để cặp kính của mình lên trên. Anh hít một hơi thật dài và đeo khẩu trang vào. Anh quên là người chết thì không thể thở, và sợ là bệnh phổi của anh sẽ lây qua vị bác sĩ giải phẫu tử thi. Anh bước lên bốn bước, rồi nằm úp mặt lên đường sắt vươn hai cánh tay. Ngực anh đè lên đường sắt đau nhói , vì thế anh bò lên một chút cho đến khi bụng mình đè lên đường sắt và ngay lập tức thấy dễ chịu hơn. Xe lửa đang tiến đến làm đường rầy run chuyển, và làm anh run rẩy theo. Anh ngẩng đầu lên nhìn bầu trời xa thẳm, cảm thấy nó tuyêt đẹp. Anh lại quay đầu nhìn ruộng lúa với những hạt màu đỏ như màu hoa hồng trước mắt anh và thấy chúng cũng tuyệt đẹp. Vào lúc ấy anh thích thú nhận thấy có một chú chim hải âu đang bay lượn trên đầu. Hải âu kêu, vẫy cánh thật mạnh như thể nó bay đến từ nơi rất xa. Khi bánh xe lửa cán lên lưng của anh, điều cuối cùng anh nhận biết là cánh hải âu đang bay lẻ loi trên hàng triệu cánh hoa nở rộ.

 

Yu Hua

Nguyễn Thị Hải Hà Chuyển dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14743)