- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lỗ Hút

29 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 8617)

lohut_0_300x167_1LTS: Vũ Thị Huyền Trang là một người viết trẻ sống và làm việc tại Hà nội. Trong số báo nầy chị gởi đến quí độc giả Hợp Lưu sáng tác "Lỗ hút", văn của chị trầm tĩnh, lôi cuốn, đưa câu chuyện đi từ góc riêng tư của một gia đình đến không gian bàng bạc của đời sống mà bi kịch và nỗi buồn như "một hố sâu hút gió".

TẠP CHÍ HỢP LƯU

Cái rét nàng bân ngấm sâu vào mắt, tôi cứ tưởng rằng trong đôi mắt của mình là một hố sâu hút gió. Tôi lại nhớ về cái vực thẳm có sức hút cuỉa cõi âm có chấm xanh chấm đỏ bay mập mờ đầy ám ảnh. Tôi vẫn lao xuống chiếc vực ấy đầy hốt hoảng mỗi đêm, rồi tỉnh dậy trong ướt át mồ hôi… Tôi vẫn coi đó là định mệnh về một điều gì đó mơ hồ đối với tương lai tắc lối và đầy đau khổ.

Mẹ tôi mới mất, tôi tưởng mình đang rơi xuống đáy vực sâu ấy, không rơi hẳn xuống đất, cũng không thoát được, vẫn lơ lửng và ám ảnh. Mẹ tôi vẫn sống như một chiếc bóng trong nhà, bà hay đóng chặt những ô cửa sổ nhưng lúc nào cũng ngồi hướng về phía chúng. Mẹ sống bằng hồi tưởng nhiều hơn dù không bao giờ nói ra nhưng nhìn vào mắt bà tôi hiểu thế. Bà chẳng bao giờ ngồi nói chuyện với tôi như những người mẹ khác, cái cách mà bà chăm sóc cho gia đình mình như phục dịch. Bữa cơm nhiều khi chỉ có cha con tôi lầm lũi ngồi ăn còn bà thì cóp biết bao việc để làm, những việc mà tôi không thể nào lý giải.

Những suy nghĩ quẩn quanh về mẹ dẫn lối tôi đến bên bờ hồ Thành công. Gió rít từng hồi như gặm nhấm, ăn sâu vào da thịt càng làm tôi nhớ mẹ. Nó giống như cái cảm giác ngoài trời giá lạnh ai cấu khẽ vào tay đau đến tái mặt, Tôi vẫn có thói quen khi đứng trước cái mông lung khó hiểu của mặt nước,đôi khi gợn lên rồi lại phẳng lặng, bí hiểm, vừa khơi gợi vừa lạnh nhạt đến đố kị, bởi vậy tôi vẫn thường nhặt bất cứ hòn sỏi nào xung quanh mà tôi có thể với tới để ném xuống hòng khuấy nhiễu sự im lặng ấy. Những vòng nước loang ra xa xa dần rồi hoà lẫn. Tôi thích thú rồi lại im lặng, cứ thế, cứ thế…

- Phắn ra chỗ khác, làm gì có mà chờ mãi, không làm lấy gì mà ăn, há miệng chờ sung…

Tôi quay lại theo sự phản xạ tự nhiên sau một cái giật nẩy vì mình bẩm sinh tôi vốn hay bị giật mình như thế. Trước mắt tôi lúc ấy là một cụ già rách rưới và tiều tuỵ lắm. Rồi tôi quay đi ngay khi chưa kịp nhận rõ khuôn mặt ấy, có lẽ vì nỗi đau quá lớn tôi phải gánh chịu. Tôi bỗng thấy mình trở nên vô cảm, lãnh đạm trước mọi thứ trong cuộc sống.

- Đi đi! Thế đã đi chưa đấy hả, mẹ kiếp mất hết cả lãng mạn. thôi quay lại đây đi em, nào… nào… ấy…

- Vâng! Đời tôi có lúc này lúc khác – cụ già tiều tuỵ ấy trả lời. Tôi lại giật thót mình, khắp người tôi những đường máu lạnh dọc theo cơ thể. Câu nói ấy vừa trỗi dậy, lục tung trí nhớ trong tôi. Câu nói ấy, giọng nói ấy hình như… Hình như là… Tôi quay ngoắt lại như bẳn năng vốn có.

Tôi gọi ra trong hơi thở không đủ mạnh để phát lên thành tiếng, đờ đẫn, hạnh phúc và đau khổ. Tôi cố hất cánh tay để cố xê dịch về phía trước mà sao nó nặng thế, đôi chân thì díu lại. Bố đi mất rồi. Kìa! Bố đi xa rồi kìa. Bố! Bố ơi.

 

Tôi nhớ mình đã ngồi tại chính bờ hồ ấy, chiếc ghế đá ấy để hồi tưởng lại một quãng đời nhỏ của mình về bố Tánh. Ngày ấy tôi mới học lớp 5, mụ mẫm và trắng trẻo. Cha mẹ tôi kinh doanh, buôn bán, suốt ngày tôi bị nhốt kín trong căn nhà năm tầng cao vợi so với tất cả những ngôi nhà xung quanh. Cổng khoá suốt ngày nên cả ngày tôi chỉ thèm nghe tiếng khoá mở và tiếng con cún Ki rên i ỉ khi biết chủ nhân về. Tầng 5 nơi tôi hay đứng là nơi ánh sáng tự do tràn về nhiều nhất. Nơi ấy bố mẹ cũng cho xây kín bằng những cây sắt cao hơn cả đầu tôi như lúc nào cũng định chọc thủng làn da bọc của trời và vươn lên mãi, nhưng lại bị sa lưới đứng đó mãi không thôi. Tôi vẫn có cái tham vọng lao xuống phía dưới nơi những nóc nhà lùn tịt, len lỏi… chiếc công tắc điện thì cao quá, bố mẹ chẳng bao giờ bật cho tôi cả, họ cứ tắt "cạch’ trước khi bước chân ra cửa. Tối về tất cả các phòng đều sáng trừ phòng của con bé tôi nằm đầy trầm cảm.

Hồi ấy tôi không gấp hạc giấy, hay thuyền giấy như những đứa trẻ con khác, hay cả những người lớn cô đơn vẫn làm, vì tôi không thấy sông, còn những con chim giấy thì cũng không thể thoát ra khỏi bờ rào sắt mà bay xa được. Chúng sẽ ngã xuống như con chim non gặp bão, gãy cánh chới với rồi rơi xuống… dù chúng là những con chim giấy thì tôi vẫn cứ thấy mình độc ác. Nhưng sao tôi lại thấy thương chúng khi chính mình vẫn có cái khao khát khi được lao mình xuống như chúng chứ. Tôi không thể lý giải chính những mâu thuẫn tồn tại trong con người tôi, một con bé học lớp 5 ngày ấy nữa. bây giờ dù lý giải được nhưng tôi vẫn muốn huyễn hoặc mình rằng đó là một ẩn số và mãi mãi chỉ là một ẩn số mà thôi.

Việc làm hàng ngày và thường xuyên nhất của tôi là chăm lo cho mấy chậu cảnh mà ba tôi mua về vứt cong queo trên sân thượng tầng năm. Tôi không hề biết chúng tên gì và cũng không bao giờ thắc mắc hay hỏi ba, cái tính tôi nó thế. Thay vì điều đó tôi dành cả thời gian cho việc ngồi ngắm chúng, những tưởng tôi có thể nhìn chúng lớn lên từng giờ, từng ngày được. Tôi vẫn tự lẩm bẩm nói chuyện với loài cây cỏ gầy gò rằng: "Chị chẳng cần tất cả những thứ ấy mà chị vẫn sống, nhưng nếu không có chị chúng mày có sống nổi không? Có nhỉ? Ánh nắng mặt trời thì đã sao nào, nó có len lỏi vào đây được mà chọc ghẹo các em hay không? Không nhỉ? Nó còn chẳng làm cáu bẳn bất cứ sợi tóc nào của chị nữa là… Nhìn chúng chầu chực kìa, chắc là thèm được mon men mơn trớn đôi gót chân của chị lắm nhỉ? Cưng nhỉ?..."

Ba tôi chẳng hiểu vì sao không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi cả. Phải chăng ông sợ tôi nhìn rõ những gì sâu thẳm trong mắt ông thì phải. Tôi sợ ông nhưng không hiểu tôi lại có cảm giác ông sợ tôi nhiều hơn.

Rồi một ngày… Ngày ấy nắng vẫn không vào mơn trớn được mắt tôi. Tiếng bát đũa, cốc pha lê, những bức tranh thi nhau đập vào tường, phát ra những tiếng kêu quái dị vì đó là âm thanh lần đầu tác động vào tâm trí đầy hốt hoảng. Bố đánh mẹ, thật sự tôi đã không thể chịu đựng nổi bất cứ một áp lực nào hơn nữa và hàng ngày những suy nghĩ nổi loạn đã xui khiến tôi nhìn về chiếc cổng sắt. lần đầu tiên thấy nó không khoá lại. Hình như nó muốn làm nhiệm vụ giải thoát cho ai đó…

 

Tôi không còn nhớ mình đã lao ra ngoài như thế nào nhưng bây giờ vẫn còn gợi lại cảm giác đói nôn nao, đời thật trớ trêu khi ấy tôi quá dư thừa ánh sáng mà lại thiếu đi nhiều thứ khác… Tôi lang thang như con thú theo bản năng hướng tới luồng ánh sáng phía sâu trong tầng hầm. Một lũ đánh giầy nhìn chằm chằm và lao vào tôi cấu xé. Chính lúc ấy Hương xuất hiện, trên tay cô bé chỉ có chiếc thìa ăn cơm và chiếc chong chóng tre mềm yếu.

- Rừng lại ngay! Ai cho chúng mày bắt nạt cậu ấy.

- A! lại con ranh nhà bán hàng cơm kia. Mày muốn chết à mà cứ chõ mũi vào chuyện người khác.

- Buông ra tao không muốn nói nhiều – cô bé nói cương quyết.

Tôi còn nhớ chúng thi nhau phản ứng quyết liệt. Rồi Hương đưa tôi về trước quán cơm nhỏ, nơi có một người đàn ông đang hì hụi đảo nồi cơm to như chiếc thùng phi đựng nước. Ông hốt hoảng ôm chúng tôi vào lòng, rửa mặt mũi, bôi vết thương và trộn cho hai đứa bát cơm rang đầy ú ụ, có lẽ đó là bữa cơm ngon nhất đời tôi. Sau một vài bận ông thôi không còn hỏi tôi về thân phận, tôi cũng không bao giờ nói nhưng ông vẫn thường nhìn tôi rất lâu, lúc tôi ăn và cả khi tôi ngủ. Cô bé bằng tuổi tôi vẫn đi hái những quả trứng cá chín đỏ mịn, thơm lừng dù nó mọc bên cạnh đống rác thải hôi rình. Rồi một hôm ông tổ trưởng tổ dân phố đến gặp người đàn ông cho tôi ở nhờ, lớn tiếng nới rằng:

- Chú nuôi thêm một đứa trong nhà mà không báo là sao? Chẳng nhẽ nó là cháu nội, cháu ngoại nhà chú sao?

- Vâng ạ! Cháu nó ở quê mới lên chơi ít bữa ấy mà anh.

Sao bảo chú mồ côi lưu lạc từ nhỏ, quê quán, anh em làm gì có, lại nhặt ở nó ở đâu về chứ gì? Ăn chả còn đủ rước vào thân làm gì cho khổ. Mà không rõ nguồn gốc chứ cứ lôi về rồi có gì nó "quốc lủi" hết đi cho.

- Ấy! Sao bác lại nói thế, nó trẻ con có biết gì đâu.

- Trẻ con à, làm loạn bây giờ toàn trẻ con cả đấy. Chú chẳng lo cho nhà chú thì thôi nhưng còn an ninh của cả tổ dân phố này? Chú phải đuổi nó đi ngay cho tôi nghe chưa, có chuyện gì xảy ra chú không chịu trách nhiệm được đâu.

Lúc ấy tôi đã khóc ướt nhoè khuôn mặt từ bao giờ mà không biết. Bỗng tôi nhớ mấy chiếc cây nhỏ trên sân thượng, không có tôi liệu nó có sống nổi không? Nhưng bên tai tôi tiếng người đàn ông lại cang lên.

- Đời tôi còn có lúc này lúc khác. – Đây là câu nói của người đàn ông sau này tôi gọi là "bố", câu nói làm an lòng cô bé "tôi" ngày ấy và tôi của bây giờ. Đã lâu rồi tôi không quay trở lại quán cơm xưa vì ba tôi không thích. Ông bảo nơi đó không tốt cho tôi, dĩ nhiên là tôi không nghĩ thế nhưng lại không muốn làm ba buồn, mà thực ra tôi chẳng bao giờ quan tân đến cảm giác của ba tôi, chỉ là tôi không muốn đảo lộn cuộc sống thêm một lần nào nữa.

 

Tôi lang thang trên con đường về nhà, sao tôi lại sợ phải bước vào cánh cửa nhà đến thế, nơi ấy mẹ đã đi rồi dù chẳng bao giờ mẹ quan tâm, chăm sóc. Ba ư! Những suy nghĩ lại chất chồng lên đống giấy tờ, từ khi làm trưởng phòng kế hoạch bà chẳng mấy khi về nhà, có về cũng không đi đâu ra khỏi căn phòng có quả đấm cánh của to bằng cổ tay tôi. Nơi căn nhà ba chẳng bao giờ ăn chung một bữa cơm. Tôi bước vào trong nhà, lạnh lẽo đến khó tả. Việc đầu tiên tôi muốn làm là lên gác ba thắp hương cho mẹ, chẳng hiểu vì sao mẹ mất, bác sỹ bảo mẹ tai biến mạch máu não. Tôi thật sự bất ngờ.

Tôi nấu cơm và gọi ba ra ăn cùng, ông miễn cưỡng và ừ một cách nặng nề. Trong bữa cơm tôi cố tình gợi lại chuyện bố Tánh ngày xưa, ông dằn bát cơm xuống mâm rồi đứng dậy không nói một câu gì. Ánh mắt ông như loài báo đầy dữ tợn.

Tôi trở lại phố quán cơm xưa, không thấy hàng cơm của bố Tánh ngày ấy nữa, ở đó đã mọc lên một ngôi nhà đang xây dở đến tầng thứ năm, tôi chuếnh choáng.

- Bác ơi! Ở đây trước là quán cơm bây giờ chuyển đi đâu rồi ạ? – Dù hỏi nhưng tôi biết sẽ chẳng có địa chỉ nào cho cái quán cơm ngày xưa nữa.

- Quán cơm nào cơ?

Ông lão cười khẩy bắt tay ra sau lưng đi chậm như đếm vào mãi trong chồng xi măng cốt thép. Ngoảnh lại mà rằng:

- Bây giờ vẫn có người hỏi đến quán cơm? Hựt…Hựt… Muốn tìm ông ta thì ra bờ hồ mà nhìn, cái lão ăn xin ấy… Hựt… hựt…

Tôi quay đi trước khi nghe thêm bất cứ một lời nào nữa. Hà Nội có biết bao nhiêu bờ hồ, biết tìm bố ở đâu, ở đâu bây giờ. Tôi lại tìm đến bờ hồ Giảng võ, người ta chuẩn bị lưới để sáng mai quây cá. Tôi lại nhớ đến anh… Anh vẫn thường đợi tôi vào mỗi buổi sáng để cùng nhau đi bộ, khi ấy mùa xuân những loài hoa ở hai bên đường thức giấc, anh vẫn bảo tôi rằng: "Em đẹp như hoa", tôi bướng bỉnh giả vờ giận dỗi "Hoa đẹp như em chứ". Anh cười "Ừ nhỉ! Anh ngốc quá!". Mùa hạ, buổi sáng trong và mát hơn, anh nói về công việc, những thành công và cả những điều anh chưa làm đựơc. Mùa thu chúng tôi cùng nói về "ngôi nhà và những đứa trẻ". Rồi mùa đông đến anh nắm chặt tay tôi hơn, trên mặt hồ vài con cá chép đỏ như muốn lấy bộ da của mình làm mặt trời sưởi ấm cho hồ nước. Anh nói: "Anh sẽ chẳng bao giờ để đôi bàn tay em lạnh". Rồi bốn mùa này lại nối bốn mùa kia, anh xa tôi từ lúc nào tôi không kịp nhận ra. Chỉ sau một buổi chiều nói chuyện với bà tôi tại chiếc bàn tiếp khách trước sân nhà, khi nhận ra điều đó tôi có hỏi nhưng chẳng bao giờ anh nói.

Tôi đã đi dọc vài ba bờ hồ mới thấy bố Tánh, khi trời đã gần khuya, mọi người đã về hết chỉ con vài ba đôi trai gái. Bố đã nhận ra tôi trước khi tôi nhận ra ông, đúng vào cái lúc tôi đang ngó nghiêng xung quanh thì có một bàn tay chìa ra và rụt vào rất vội, tôi quay lại vừa kịp lúc bố định quay đi.

- Bố! Bố Tánh ơi, con đây mà bố.

- Không! Tôi không quen cô.

- Con, Lan đây mà bố, Lan vẫn thích ăn cơm bố trộn và quả trứng cá do Hương hái. Con đây mà!

- Tôi không có con, con tôi chết rồi. Tôi không quen ai tên là Lan hết. Cô đi đi, để phận hèn tôi yên.

- Bố đừng như thế nữa mà, nếu con có lỗi gì xin bố hãy tha thứ cho con. Xin đừng hắt hủi con như thế. Mẹ con mới mất rồi bố ạ.

Ông quay lại nhìn chằm chằm như muốn nuốt chửng tôi.

- Cô nói sao cơ? Lành làm sao cơ?

- Mẹ con chết rồi!

- Trời! Lành ơi sao em bỏ tôi mà cam lòng, tại sao em lại từ bỏ cuộc đời còn tươi đẹp thế này. Sao mọi người thân thiết nhất cứ bỏ tôi mà đi hết thế này. Em ơi, Lành ơi! Tôi không tin…

Bố Tánh hét lên tưởng có thể làm giật nảy cả bóng đêm. Tôi bàng hoàng không hiểu tại sao bố nuôi lại đau đớn trước cái chết của mẹ tôi đến vậy. Trong khi ông gặp mẹ có một lần, ngày ấy bà đến đón tôi về. tôi không kịp suy nghĩ gì cho mọi chuyện thì bố đã ngã quỵ trước mặt tôi.

Đêm ấy trong bệnh viện đã là đêm đảo lộn nhất của cuộc đời tôi khi màn dối che đậy bao nhiêu năm cuối cùng cũng được phơi bày. Bố nuôi tôi được người ta đưa vào phòng cấp cứu, ông phải thở ô xy. Bác sỹ nói bố bị suy nhược một cách trầm trọng huyết áp tăng và có thể…

- Bố chẳng còn sống được bao lâu nữa con gái ạ. Bố sắp theo Hương đấy, mấy hôm trước ngủ gật ở ghế đá lạnh và đói, bố thấy nó rón rén đắp chăn và mang cơm trộn cho bố ăn. Nó bảo nó nhớ bố và muốn được đón bố về cùng.

Tôi không nhớ mình đã khóc bao lâu nữa, khóc nấc lên suốt những lời bộc bạch thú tội đầy yếu ớt của cha nuôi. Hương chết lúc chạy theo ông sang đường khi ông bị một toán người lạ mặt kéo đến một nơi ông không hề biết đến. Khi làm ma Hương ông không có mặt, nghe người dân quán cơm kể khi chết Hương vẫn cầm trên tay chùm trứng cá chỉ có một vài quả chín. Bố Tánh ho lên vài tiếng rồi nặng nhọc thở, giữa hai con mắt trũng sâu tiều tuỵ nghèn ra hai giọt nước mắt đục ngầu như nước vo gạo.

- Bố đã nói dối con, con còn nhớ ngày mẹ con đến đón con, không hiểu sao trước vẻ đẹp đầy bí ẩn của mẹ con đã khiến những xúc cảm dục tính đã chết từ hồi mẹ Hương qua đời trỗi dậy một cách mạnh mẽ, và có lẽ bố cũng đã gợi lên cho mẹ con một điều gì tương tự, mấy ngày sau cô ấy tìm đến bảo là để hậu những gì bố đã nuôi con. Cả những lần sau cùng với biết bao nhiêu lý do khác. Bố… Bố… Bố…

Tôi vụt chạy ra khỏi phòng cấp cứu, ra đến cửa tôi không biết sẽ phải chạy lối nào. Mọi thứ trước mắt tôi như xụp đổ. Mẹ tôi chưa một lần âu yếm, ôm ấp tôi, chưa một lần gọi từ "con" xưng mẹ ngọt ngào như người ta. Chẳng bao giờ bà nấu bữa cơm để đợi cha về cùng ăn, cũng như mẹ chẳng bao giờ nói dịu dàng với ba một tiếng. Vậy mà… Còn bố Tánh, còn Hương, còn tôi nữa, sao con người cứ phải dính vào nhau như một mớ bòng bong để rồi đứt một dây là rối tung cả mớ.

Ngay trong đêm hôm ấy bố Tánh mất, khi các bác sỹ tìm tôi về bố chỉ kịp nói một câu…

- Bố biết đời bố cuối cùng là một lão ăn mày. Nhưng bố vẫn có một mong muốn sau cùng là mong con tha thứ, là khi bố chết đi hãy để bố được gần mẹ con, thật gần con nhé. Tha lỗi cho bố nghe Lan.

Tha lỗi ư? Tôi không muốn tha lỗi một chút nào, tôi cũng muốn mình đem lòng hận thù vì tôi đã đặt niềm tin đầu tiên không đúng chỗ. Chỉ mình tôi đứng ra lo đám tang cho ông, đặt ông nằm cạnh mẹ, tôi thấy thương cho người cha còn đang sống sờ sờ.

 

Làm tang cho bố Tánh xong xuôi, tôi lại trở về nhà trong bóng đêm. Và bóng đêm bao giờ cũng ác. Chờ tôi về nơi chiếc cổng sắt lạnh lùng hơn hai mươi năm nằm như nhân chứng cho sự cô độc trong tôi. Tôi mất hết thật ư? Không! Tôi còn ba, ít ra cũng còn một người ruột thịt. Tôi muốn nhìn thấy ba sau bao ngày lang thang không gặp. Chưa bao giờ tôi cần ba đến thế, tôi cần ba để níu giữ cõi dương này, lấn áp đi cái thế giới âm đầy nỗi buồn và tội lỗi. Tôi bước thật nhanh lên tầng hai nhưng đến bên phòng ba, tôi lại rụt rè không dám gõ cửa, mấy lần giơ tay ra rồi lại rụt lại. Ba ở rất gần tôi, lúc nào cũng rất gần tôi, chỉ sau cánh cửa kia thôi là tôi có thể ôm ba khóc thoả thuê suốt hơn hai mươi năm thiếu thốn tình thương. Tôi muốn… Tôi sẽ… Nhưng… Nhưng tôi không thể…

Ba ơi! Sao bao nhiêu năm trời ba không gần gũi yêu thương con. Con biết ba bận bịu để lo cho gia đình này, để xây cao nữa những ngôi nhà của chúng ta, nhưng cao nữa để làm gì khi tầng dưới vẫn cũ kĩ và rêu mốc. Mà tầng thượng nơi nuôi dưỡng tuổi thơ con cứ mỗi ngày lại chuyển dần lên cao, mỗi lúc di chuyển, lại một lần thiếu hụt. Cao làm gì khi lúc nhỏ trong căn phòng con chẳng bao giờ có ánh điện, có tiếng bước chân, ngay cả bước chân của chính con cũng ít. Có tiếng nói cười rủ rỉ và tiếng cười từ con búp bê biết nói. Ba đừng nói rằng ba không yêu con theo cách ấy… Vậy ba yêu con theo cách nào khi mà ngay cả ánh mắt, tiếng cười, bàn tay mẹ trong căn nhà này ba cũng không biết níu giữ hay vì ba không muốn… Để cho một người dưng, một người hàng cơm thậm chí còn là một người ăn xin chiếm đoạt. Ba giầu để làm gì? Người ta hơn ba là có một tấm lòng, một trái tim. Còn ba… Những thứ đó ba để ở đâu rồi… Tôi không thể bước vào phòng ba, vậy tôi phải đến gõ cửa căn phòng nào trong ngôi nhà có quá nhiều căn phòng trống. Tôi gõ cửa phòng tôi ư? Không! Tôi sợ lắm! Sợ căn phòng lạnh lẽo ấy vô cùng, nó lạnh lẽo hơn cả những bóng ma. Và phòng mẹ ư? Tôi cho đó là cõi âm mà mình không hề muốn bước chân vào. Liệu mẹ có ở nhà trong bát hương nghi ngút khói hay không? Mẹ toàn bận đi những mảnh đất nào xa lắm, làm sao còn biết mẹ ở đâu mà tìm thấy…

Điều đó hối thúc tôi nắm chắc quả đấm cánh cửa và khẽ khàng mở. Mùi nhang làm tôi ngạt thở, tôi vốn ghét mùi hương nhang từ nhỏ. Mẹ không hiện về đấy chứ? … Đừng! Đừng! Tôi rất sợ… Giữa căn phòng nghi ngút khói hương tôi nhận ra thấy bóng một người. Người hay ma nhỉ? – Tôi co rúm người và rồn rập trấn tĩnh. Không! Đó là một người đàn ông… Nhưng ai chứ? Đó không phải ba tôi, ba tôi to béo hơn cơ, mấy ngày trước tôi còn nhìn thấy ba mà. Ai? Ai? … Những câu hỏi rồn rập như nhịp tim tôi.

- Em hãy tha lỗi cho tôi, tôi không hề muốn đẩy em đến con đường cùng như vậy. Thật lòng tôi vẫn rất yêu em. Vì yêu em và lòng hiếu thắng nên tôi không thể để em ngã vào vòng tay một người đàn ông khác. Thằng cha ấy đáng phải thế, lần thứ nhất nó cướp đi tình cảm của con gái chúng ta. Cái Lan nó có bao giờ gọi tôi ngọt ngào là bố đâu, từ khi tập nói em có uốn thế nào cũng không bao giờ gọi thế. Em cứ trách: "ba" và "bố" có khác nhau gì đâu, nhưng dân bắc cứ gọi "Ba! Ba!" sao mà ghét thế. Vậy mà nó lại gọi một thằng hàng cơm là "bố" một cách ngon lành. Còn em nữa, tôi lo cho em thiếu thốn gì mà em lại… Trời ơi! Người ta có thể lý giải gì cho trái tim con người, em hãy nói giùm tôi với… Hỏi làm sao tôi không trở thành độc ác, Phải! Em cứ chửi tôi đi, cứ đay nghiến tôi đi. Đúng là tôi đã tống khứ hắn ra đường, đập tan cái quán cơm lụp sụp mà nơi ấy nó đã cướp hai người thân yêu nhất. Em ghét tôi ư? Em thù tôi ư?... Ba tôi gầm lên như con thú dữ, ông lồng lộn trong cái tối mờ mờ và mùi nhang khó, cùng chiếc đèn thờ đỏ nhợt, mắt tôi chừng như chưa hề cử động. Ba tôi đấy ư? Không! Đó không phải là con người… Tôi muốn xông vào xé nát cái bóng kia trước bàn thờ mẹ, tôi muốn cho ba tôi phải trả giá cho tất cả. Lòng căm hận trong tôi như một ly nước càng rót càng tràn. Nhưng tôi không đủ sức nữa rồi, hình như tôi vừa bước ra khỏi căn phòng ma quái ấy. Ở nơi ấy chỉ có cõi âm thôi mà sao cứ đeo đẳng mãi trên đôi mắt nặng trĩu của tôi… hình như tôi vừa bước từng bậc thang lên tầng thượng. Nơi có những loài cây bé xíu, bé như thân phận chúng. Những đốm xanh, đốm đỏ như giấc mơ thuở nhỏ kia kìa! Trông giống như những trái bóng muôn màu.

 

Kìa! Mẹ tôi kìa! Bà nhìn thấy tôi sao không cười nhỉ? Bà xa tôi lâu rồi mà không thấy nhớ sao? Kìa! Mẹ hãy ôm con đi. Ôm con vào lòng đi. Con xin mẹ. Hương ơi cậu lại rủ tớ đi hái những quả trứng cá đấy à? Đang mùa chín rộ phải không? Tớ yêu cậu lắm đấy! Mà vết xe đâm cậu đã đỡ chưa? Để tớ xoa cho cậu nhé. Bố Tánh ơi! Bố hãy dẫn mẹ con đi dạo trên những con đường đầy hoa Sữa, mẹ con chắc chưa bao giờ đủ thanh thản để đi dạo như thế đâu bố ạ. Anh ơi! Bốn mùa lại nối tiếp bốn mùa, bàn tay em vẫn lạnh và "hoa vẫn đẹp như em".

 

Ba ơi! Nếu con cầm được tay ba, con sẽ gọi ba bằng bố. sao chẳng bao giờ bố nói với con những điều bố nghĩ… Từ giờ con sẽ ở bên bố, nếu… nếu… con có thể cầm được tay bố bây giờ. Kìa cái lỗ hút của những giấc mơ cứ cuốn con vào rồi xoáy tít… Bố ơi! Hãy níu lấy tay con đi kẻo con không còn thấy bố như lúc trước… Kìa bố! Bố ơi…

 

Tôi đẩy tôi vào lòng tôi

Tạo thành lỗ hút

Lỗ hút xoáy tôi vào lỗ hút…

Tôi lạc lối

Quay cuồng.

 

 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14636)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14741)