- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vấn Đề " Văn Học Hải Ngoại" Và Việc Xác Định Vị Trí Trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam Của " Nam Ông Mộng Lục"

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 10018)

nguyenphamhung_0_300x225_11. Vấn đề "văn học hải ngoại" trong lịch sử văn học Việt NamKhái niệm "văn học Việt Nam ở hải ngoại", hay nói gọn lại là "văn học hải ngoại", được nhắc đến trong nghiên cứu của một số học giả người Việt trong và ngoài nước mấy năm gần đây, đối với các sáng tác văn học bằng tiếng Việt của người gốc Việt tại Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada... Đời sống "văn học hải ngoaị" nhìn chung khá sôi nổi với sự xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều nhà xuất bản, báo và tạp chí chuyên về văn học tiếng Việt[1]. Chữ "hải ngoại" cũng được trao đổi với nhiều ý kiến khác nhau. Theo chúng tôi, nó cần được hiểu theo cách của Phan Bội Châu khi ông viết Hải ngoại huyết thư hồi đầu thế kỷ XX, dùng để chỉ chung "nước ngoài". Vì vậy khái niệm "văn học hải ngoại" cần được hiểu là dùng để chỉ chung các sáng tác văn học của người Việt ở nước ngoài. Có thể còn những quan điểm khác nhau, nhưng người ta cũng dễ thống nhất về tên gọi "văn học hải ngoại". Vấn đề hiện gây nhiều tranh luận là việc nhận diện "văn học hải ngoại" và việc xác định vai trò của "văn học hải ngoại" trong lịch sử văn học Việt Nam.

Để nhận diện "văn học hải ngoại", theo chúng tôi, nhất thiết phải xác định được những biên giới không gian và thời gian của nó. Nhiều người băn khoăn về thời điểm ra đời cũng như về phạm vi sinh tồn của "văn học hải ngoại". Cụ thể, hiện nay có người cho rằng "văn học hải ngoại" chỉ có từ sau năm 1975, khi một bộ phận khá đông đảo người Việt do những biến cố lịch sử đã phải di tản thời hậu chiến, lập thành những cộng đồng người Việt ở hải ngoại và làm văn học bằng tiếng Việt. Có người lại xem "văn học hải ngoại" chỉ là "văn học miền Nam kéo dài"... Việc xác định thời điểm xuất hiện của "văn học hải ngoại" chỉ từ sau 1975, hay xem phạm vi của "văn học hải ngoại" chỉ là văn học của các cộng đồng người Việt, chủ yếu là người miền Nam, di tản sau năm 1975 ở nước ngoài, tự bản thân nó làm cho vấn đề trở nên hết sức phong bế cả về không gian và thời gian, và dễ bị lẫn lộn với những vấn đề nhạy cảm của tư tưởng hay chính trị khác[2]. Theo chúng tôi, cần xem "văn học hải ngoại" như là một tồn tại khách quan, tự thân, một hiện tượng có tính rộng lớn và phổ quát xuất hiện tất yếu trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay. Có như vậy, chúng ta mới dần dần xoá bỏ được những mặc cảm chính trị và thời cuộc, những cái nhìn thiên kiến, những đánh giá chủ quan, lệch lạc về văn học trong nước và ngoài nước của người Việt ở cả trong nước và ở ngoài nước, mới có thể dần dần loại bỏ được sự chi phối có tính áp đặt của các "yếu tố ngoài văn học" đối với văn học, để đi đến thống nhất về quan điểm tiếp cận, đánh giá, mới có thể lý giải được những quy luật vận động nội tại của cả văn học trong nước và "văn học hải ngoại" cũng như những đóng góp tất yếu và khách quan của nó vào sự phát triển của lịch sử văn học dân tộc.

Sự khác biệt của "văn học hải ngoại" so với văn học trong nước, ở đây, chỉ là sự khác biệt về không gian địa lý, không gian văn hoá, không gian kinh tế và chính trị. Nhưng dù khác biệt như thế nào đi chăng nữa, thì đó chỉ là những sự khác biệt của các "yếu tố ngoài văn học", chúng không thể thay thế các "yếu tố tự thân văn học" trong việc xác quyết xem đó có phải là văn học Việt Nam hay không. Hãy để cho tự bản thân "văn học hải ngoại" xác quyết phẩm chất và vị thế của mình trong lịch sử văn học Việt Nam khi nó tham gia vào quá trình phản ánh đời sống tinh thần và tâm hồn người Việt, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, với những cách thức và khả năng vốn có của riêng nó. Các "yếu tố ngoài văn học" chỉ có ý nghĩa giải thích hay bổ sung tư liệu cho việc tìm hiểu bộ phận văn học đó chứ không thể thay thế nó. Điều này cũng đã từng xảy ra tương tự trong lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975 khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, với những sự khác biệt rất lớn về địa – văn hoá, địa – kinh tế, địa – chính trị. Nhưng dù là văn học ở miền Nam hay văn học ở miền Bắc thời kỳ này thì chúng vẫn phải được công nhận là văn học Việt Nam, vẫn phải được nghiên cứu trong các bộ lịch sử văn học Việt Nam. Xét cho cùng thì Việt Nam là một đất nước thống nhất và toàn vẹn, văn học và văn hoá Việt Nam phải là một nền văn học và văn hoá thống nhất và toàn vẹn[3]. Sự thống nhất và toàn vẹn ấy có ý nghĩa bao trùm, có "tính vĩnh viễn". Sự khác biệt, có khi đối lập giữa các bộ phận văn học có khuynh hướng chính trị hay tư tưởng thẩm mĩ khác nhau là điều khó tránh khỏi, nhưng chỉ có tính chất nhất thời, cục bộ. Lịch sử văn học là toàn vẹnthống nhất nhưng không nhất thể[4]. Thậm chí điều này có thể diễn ra ngay trong lòng của một bộ phận văn học, của một không gian văn học vốn được xem là có tính thống nhất rất cao, như văn học những năm sau năm 1954 ở miền Bắc với hiện tượng "Nhân văn – Giai phẩm" đối lập lại khuynh hướng văn học chính thống đương thời. Và đời sống văn học hiện nay ở Việt Nam cũng đang diễn ra tình trạng ít nhiều có tính tương tự, với sự xuất hiện của nhiều khuynh hướng văn học khác nhau, thậm chí đối lập nhau, cùng tồn tại. Chúng ta chỉ nên xem đó là những khác biệt trong nội bộ nền văn học và văn hoá của người Việt, dù cho không gian của nó có mở rộng hay thu hẹp. Mà có bao giờ hết được sự khác biệt, sự mâu thuẫn, sự xung đột nếu như nền văn học và văn hoá đó còn tồn tại, còn vận động và còn có nhu cầu phát triển? Tuy vậy, "văn học hải ngoại", do sự chi phối bởi những yếu tố khác biệt rất lớn về địa – văn hoá, địa – kinh tế, địa – chính trị cụ thể, tự bản thân nó làm thành một sự khác biệt, vì nếu không thì còn gọi gì là "văn học hải ngoại" nữa? Sự khác biệt ấy không nhằm mục đích loại bỏ lẫn nhau đối với văn học trong nước, mà nên hiểu như là những nhân tố tạo nên sự phong phú, đa dạng của một nền văn học Việt Nam thống nhất và toàn vẹn, xét trên các nguyên tắc căn bản.

Để xác định vai trò của "văn học hải ngoại" trong lịch sử văn học Việt Nam, theo chúng tôi, ngoài những sáng tạo độc đáo về nội dung và hình thức là điều đương nhiên phải có, nhất thiết phải thấy được mối quan hệ của nó với đời sống trong nước, với "văn học quốc nội". Do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau gần nghìn năm qua, một bộ phận người gốc Việt đã và đang sinh sống ở nước ngoài vẫn nặng lòng với tiếng nói, với văn học và văn hoá nước nhà. Nhiều sáng tác văn học của họ có giá trị cả về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật, có đóng góp nhất định cho sự phát triển của lịch sử văn học chung của dân tộc. Đây là một bộ phận không thể thiếu của văn học Việt Nam từ trước đến nay. Đứng trên quan điểm văn học sử, "văn học hải ngoại" là một bộ phận không thể chia cắt với "văn học quốc nội", làm nên tính thống nhất và toàn vẹn của lịch sử văn học dân tộc. Nó bao gồm tất cả những tác phẩm văn học của người gốc Việt ở nước ngoài thuộc mọi khuynh hướng nghệ thuật và tư tưởng của mọi thời đại.

Chúng ta có thể thấy rằng mầm mống của "văn học hải ngoại" đã có từ rất sớm. Trong thời kỳ Bắc thuộc trước thế kỷ X, một số người Việt đã học tập, thi đỗ và làm quan trong bộ máy hành chính của triều đình phong kiến Trung Quốc không phải trên đất Việt mà trên đất Trung Quốc. Họ bắt đầu sáng tác những tác phẩm văn học theo thể cách của văn học Trung Quốc. Tiêu biểu trong số này phải kể đến các tác phẩm của Đạo Cao, Pháp Minh, Lý Miễu, Khương Công Phụ, Khương Công Phục, Liêu Hữu Phương[5]... Tuy nhiên, đó chỉ là những "mầm mống" của "văn học hải ngoại". Bởi vì khi đó nước Việt ta bị thôn tính, bị biến thành châu quận của Trung Quốc. Những nhà văn người Việt ít ỏi lúc đó sáng tác văn học thực chỉ với tư cách là "người Trung Quốc", và bị chi phối bởi tư tưởng "đồng chủng", "đồng văn" của Trung Quốc, nên không thể nói đó là "văn học hải ngoại" đích thực của Việt Nam.

"Văn học hải ngoại" chỉ tồn tại trong sự khu biệt đối với "văn học quốc nội", với văn học trong nước. Khi không có "văn học quốc nội" đích thực thì cũng không thể có "văn học hải ngoại" đích thực. Ngay cách gọi "văn học hải ngoại" cũng hàm ý là cách gọi của cả người Việt trong nước và người Việt ngoài nước, xuất phát từ điểm nhìn không gian trong nước hay ngoài nước đối với văn học của người Việt ở những vùng đất bên ngoài nước Việt. Có nghĩa rằng nó chỉ có thể có khi đất nước độc lập, khi có nền văn học độc lập trong nước. Do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, có một bộ phận người Việt sống ở hải ngoại, họ sáng tác văn chương bằng tiếng Việt, có mối quan hệ hữu cơ và có những tác động qua lại nhất định với văn học trong nước về ngôn ngữ thể hiện, về nghệ thuật trình bày, về tư tưởng thẩm mĩ... thì đó mới là "văn học hải ngoại".

Trong lịch sử Việt Nam, sau khi đất nước giành được quyền tự chủ từ tay người phương Bắc, do những hoàn cảnh khác nhau, có một bộ phận người Việt sinh sống và lập nghiệp ở Trung Quốc. Họ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về văn - sử - triết. Tiêu biểu trong số đó phải kể Lê Tắc (hay còn gọi là Lê Trắc, Lê Thực) với An Nam chí lược được soạn vào cuối thế kỷ XIII và hoàn thành vào đầu thế kỷ XIV, thời Trần[6], và Hồ Nguyên Trừng (còn được gọi là Lê Trừng) với Nam Ông mộng lục được soạn vào đầu thế kỷ XV thời Hậu Trần[7]... Hai tác phẩm đó có nhiều điểm giống nhau, có thể được xem là những tác phẩm "văn học hải ngoại" thuộc vào loại đầu tiên của người Việt.

Bước vào thời kỳ cận hiện đại, nhất là từ đầu thế kỷ XX, xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm của người Việt được sáng tác ở nước ngoài. Tiêu biểu trong số này phải kể đến những tác phẩm bằng chữ Việt, chữ Hán hoặc chữ Pháp được viết ở Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản... như Hải ngoại huyết thư (1906), Lưu Cầu huyết lệ tân thư (1907), Ngục trung thư (1914)... của Phan Bội Châu; Xăngtê thi tập (1915), Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (1915), Thất điều thư (1922)... của Phan Châu Trinh...; Truyện và ký (1920 – 1923) của Nguyễn Ái Quốc, Ngục trung nhật ký (1942 – 1943) của Hồ Chí Minh... Ngoài ra còn nhiều tác phẩm thơ ca, báo chí, chính luận, truyện ký của nhiều người khác nữa trong khoảng thời gian này. Cũng có thể có người đặt câu hỏi: Những tác phẩm vừa kể trên có phải là "văn học hải ngoại" hay không trong khi văn học trong nước đã bắt đầu phát triển văn học bằng chữ quốc ngữ La - tinh hoá? Theo chúng tôi, nên xem đây là "văn học hải ngoại" của người Việt, vì đây là giai đoạn giao thời của văn học Việt Nam, ngay ở trong nước cũng đang tồn tại nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau như chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp, chữ quốc ngữ, cùng những hình thức thể loại đan xen mới cũ, cả truyền thống và hiện đại, cả tiếp thu của Trung Quốc và các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp. Đây là thời kỳ văn học bắt đầu chuyển mình từ văn học trung đại ảnh hưởng Trung Quốc sang văn học hiện đại ảnh hưởng Pháp và phương Tây. Hơn nữa, những tác phẩm này đã đề cập tới những vấn đề của nước Việt Nam, của người Việt Nam một cách trực tiếp và bằng những ngôn ngữ và hình thức nghệ thuật cũng không xa lạ đối với người Việt trong nước đương thời. Tuy nhiên, những tác phẩm "văn học hải ngoại" thời kỳ này có nhiều điểm khác biệt với "văn học hải ngoại" sau này, khi phần lớn tác giả của chúng là những người không hoàn toàn định cư ở nước ngoài, mà chỉ ở hải ngoại một thời gian nhất định trên con đường tìm kiếm lý tưởng, rồi sau đó hồi hương.

Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, không phải bất kỳ tác phẩm văn học nào do người gốc Việt sáng tác ở nước ngoài cũng đều được xem là "văn học hải ngoại". Tác phẩm "văn học hải ngoại" phải là tác phẩm văn học bằng tiếng Việt, làm theo các thể cách văn học của người Việt, chủ yếu đề cập tới đời sống của người Việt, phản ánh tâm tư, tình cảm, thái độ thẩm mĩ của người Việt, và có mối quan hệ nào đó với trong nước. Nó phải là sự bổ sung cần thiết những sắc màu riêng vào bức tranh văn học của Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và phức tạp nhưng trên tinh thần thống nhất và toàn vẹn của văn hoá và văn học dân tộc. Vì thế, có nhiều sáng tác văn học của người gốc Việt, nhưng không được làm bằng tiếng Việt mà bằng chữ viết bản ngữ, theo hình thức của văn học bản địa, đề cập tới những vấn đề của đất nước và con người sở tại lại không được công nhận là "văn học hải ngoại". Đó chỉ là một bộ phận của văn học bản địa chứ không phải là "văn học hải ngoại" của người Việt với đúng nghĩa. Ví dụ như trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện có một bộ phận văn học của người Kinh sống ở huyện tự trị Phòng Thành tỉnh Quảng Tây và một số địa phương khác, từ thế kỷ XV đến nay, hiện nay họ đã trở thành một dân tộc thiểu số của Trung Quốc, nói và viết bằng tiếng Trung Quốc, thấm nhuần văn hoá thuần chủng Trung Quốc, đề cập tới đời sống con người gốc Việt nhưng đã Hán hoá, bản địa hoá, thực chất đã trở thành những người Trung Quốc thiểu số, và ngay từ đầu họ đã không có liên hệ gì đối với văn học trong nước. Các sáng tác của họ được xem là "văn học thiểu số" của nước này, và đã được nằm trong các bộ tùng thư văn học sử của nước này[8]. Điều đó cũng tương tự đối với các sáng tác của một số nhà văn gốc Việt ở một số nước khác nhau hiện nay, khi họ sáng tác với tư cách là nhà văn của nước đó, bằng ngôn ngữ và thể cách văn chương của nước đó, và chỉ đề cập tới những vấn đề của xã hội và con người nước đó.

Ngày nay, khái niệm "văn học hải ngoại" được xác định ngày càng sáng tỏ hơn. Đó chỉ có thể là những tác phẩm văn học của người Việt ở nước ngoài được viết bằng tiếng Việt, theo thể cách văn học Việt, phản ánh tâm hồn, tình cảm và căn tính văn hoá của người Việt dù ở bất kỳ đâu trên thế giới. Vì thế mà trong thời kỳ "mở cửa" và "hội nhập" thế giới như hiện nay, phạm vi ảnh hưởng của nó khá sâu rộng, không chỉ trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mà còn cả đối với người Việt ở trong nước.

Việc đánh giá vai trò của "văn học hải ngoại" trong lịch sử văn học Việt Nam hiện nay cần phải đặc biệt chú ý đến mối quan hệ của nó đối với đời sống trong nước, với "văn học quốc nội". "Văn học hải ngoại" không chỉ tồn tại tự thân, mà còn phải tồn tại trong mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với đời sống trong nước, với "văn học quốc nội". Nếu như nó không có mối quan hệ nào với trong nước, dù dưới bất kỳ hình thức nào, nếu như nó chỉ tham gia vào đời sống văn học của nước sở tại, thì về bản chất, nó không phải là "văn học hải ngoại" của Việt Nam, và không có vị trí gì thật sự rõ rệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Mối quan hệ này có thể xem như là một nguồn sinh khí cho nó tồn tại, một nguồn động lực cho nó phát triển, mà nếu không rất có thể nó cũng sẽ chỉ dần trở thành "văn học thiểu số" của các nước sở tại, như bài học về "Kinh tộc văn học sử" của Trung Quốc đã nói ở trên mà thôi[9].

Nói tới lịch sử văn học là nói tới những sự tồn tại khách quan của văn học, là nói tới những mối quan hệ hữu cơ và biện chứng giữa các hiện tượng văn học, là nói tới những quy luật vận động và phát triển khách quan của tư tưởng và nghệ thuật văn học của người Việt. Nói tới lịch sử văn học, nhất thiết chúng ta phải tôn trọng tính thống nhất và tính toàn vẹn của nó như là những yêu cầu tiên quyết. Có nghĩa là, chúng ta phải chú ý đúng mức tới tất cả các hiện tượng văn học, các sáng tác văn học của tất cả các dân tộc anh em, của tất cả các khuynh hướng văn học khác nhau, cả những khuynh hướng tư tưởng trong văn học cũng như những khuynh hướng nghệ thuật trong văn học, của tất cả các không gian văn học khác nhau trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp của nó. Điều đó tất yếu đòi hỏi chúng ta phải xem "văn học hải ngoại" như là một bộ phận không thể chia cắt của một lịch sử văn học Việt Nam thống nhất và toàn vẹn.

Xuất phát từ quan điểm ấy, thực tiễn văn học đang đặt ra cho ngành nghiên cứu văn học sử của Việt Nam thêm một nhiệm vụ mới thật nặng nề, tuy chưa phải đã được tất cả các nhà nghiên cứu thống nhất và tán thành, nhưng dường như là một sự tất yếu, là phải tìm hiểu, nghiên cứu và giải thích khách quan, khoa học đối với bộ phận "văn học hải ngoại", phải thấy được những thành tựu và hạn chế của nó, những mối quan hệ hữu cơ của nó đối với văn học trong nước, những đóng góp tích cực cũng như những tác động tiêu cực của nó vào sự phát triển của văn học dân tộc, và nhiều vấn đề khác nữa. Có thể đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đủ điều kiện và khả năng để biên soạn một bộ sách Việt Nam hải ngoại văn học sử trong bộ tùng thư Việt Nam văn học sử của nước ta. Điều đó nhất định sẽ được thực hiện trong tương lai. Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta cần bắt đầu quan tâm tới nó, không phải chỉ bằng việc giới thiệu những thành tựu của "văn học hải ngoại" trong thời kỳ đương đại như lâu nay chúng ta đã làm, mà hơn thế, chúng ta còn cần phải giới thiệu, nghiên cứu những tác phẩm "văn học hải ngoại" của Việt Nam từ thời cổ xưa cho đến các thời kỳ cận hiện đại sau này[10].

Thêm nữa, "văn học hải ngoại" không phải chỉ là một hiện tượng đặc biệt mang tính thuần văn học, mà còn là một hiện tượng đặc biệt của lịch sử Việt Nam, của văn hoá Việt Nam. Nó có số phận lịch sử của nó. Để nhận thức nó, khó có thể tách rời nó khỏi cả một cái phổ (sphère) rất rộng lớn của lịch sử và văn hoá Việt Nam. Điều này dường như vượt khỏi tầm kiểm soát của những cách nhìn khô cứng, hạn hẹp, của những quan điểm thiếu khách quan, khoa học, và thiếu cả tính bao dung, nhân hậu vốn là thế mạnh của chính người Việt.

2. Nam Ông mộng lục, một tác phẩm "văn học hải ngoại" thời kỳ Trần - Hồ

Hồ Nguyên Trừng là con trưởng của Hồ Quý Ly, nhưng không được Quý Ly truyền ngôi, mà chỉ giữ một số chức vị quan trọng trong triều như Tư đồ, Tả tướng quốc... Ông sinh và mất năm nào hiện chưa rõ. Ông là một người có văn tài, lại là một võ tướng có binh thuật giỏi. Tương truyền chính ông đã tạo ra loại súng thần cơ và phép đánh thành rất công hiệu khiến người Minh phải nể phục. Vì thế, sau khi nhà Minh xâm lược nước ta, năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt về Trung Quốc. Hồ Nguyên Trừng vì tài năng nên được nhà Minh trọng dụng, bổ làm quan, làm đến chức Á khanh, Chính nghị đại phu, Công bộ Tả thị lang... Tác phẩm của ông hiện được biết đến nhiều nhất và cũng gây nhiều tranh cãi về giá trị của nó trong lịch sử văn học Việt Nam là cuốn truyện ký Nam Ông mộng lục (Ghi chép về giấc mộng của Ông Già Phương Nam). Sách gồm 31 thiên, nay chỉ còn 28 thiên, được viết xong vào năm 1440 tại Trung Quốc. Nam Ông (Ông Già Phương Nam) là biệt hiệu của Hồ Nguyên Trừng sau khi bị nhà Minh bắt và làm quan tại Trung Quốc, có ý nghĩa ngầm bày tỏ nỗi nhớ nước của một con người do hoàn cảnh lịch sử mà phải lìa bỏ quê hương.

Tác phẩm này có thời kỳ không được một số nhà nghiên cứu văn học công nhận ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu văn học sử trước đây cũng không đề cập tới nó, vì xem nó là sản phẩm của một kẻ "bán nước, hàng giặc"! Trong một nỗ lực đáng ghi nhận, nhóm tác giả biên soạn bộ Thơ văn Lý - Trần đã giới thiệu tác phẩm này, nhưng cũng chỉ đặt nó ở "Phần phụ lục", xem như một thứ "tư liệu dùng để tham khảo" cùng một số tác giả được xem là "bán nước, hàng giặc" khác của đương thời như Bùi Bá Kỳ, Nguyễn Cẩn..., chứ không phải là tác phẩm chính thức của văn học Lý - Trần[11]. Có người không công nhận giá trị của tác phẩm này chỉ vì tỏ ra hoài nghi "nhân cách" của tác giả khi đặt câu hỏi: "Hồ Nguyên Trừng mà cũng quyến luyến quê hương, không quên tổ quốc ư?"[12]... Sự chi phối có khi mang tính quyết định của các "yếu tố ngoài văn học" đối với việc đánh giá các giá trị của tác phẩm văn học là một thực tế rất đáng buồn và khó tránh khỏi trước đây trong giới nghiên cứu, mà bây giờ với quan điểm lịch sử cụ thể, chúng ta thấy cần phải cảm thông hơn là phê phán. Nhưng trên thực tế, cũng có không ít người đánh giá cao giá trị của tác phẩm này trong văn học thời Lý - Trần khi cho rằng "trong sách Nam Ông mộng lục, ông đã tỏ rõ lòng yêu nước và nhớ thương quê hương tha thiết" [13]. "Nam Ông mộng lục là một quyển sách viết vào hồi đầu thế kỷ XV, khi tác giả sống ở Trung Quốc. Tuy vậy có thể coi sách này như một tập truyện ký đời Trần và Hồ vì tác giả đã sống và làm quan cuối đời Trần và trong đời Hồ, hơn nữa tác giả đã viết sách này với tâm trạng của một người đời Trần - Hồ... Nam Ông mộng lục có thể giúp ích cho việc tìm hiểu tình hình xã hội và nhân vật đời Lý đời Trần. Vì vậy, tuy được viết trong cuộc sống lưu vong của tác giả ở nước ngoài, Nam Ông mộng lục vẫn có vị trí nhất định trong thể loại tự sự của thời kỳ lịch sử này"[14]. "Đặc biệt, lối chép sử của Hồ Nguyên Trừng trong Nam Ông mộng lục là một lối bút ký khá sinh động, thường dùng nhiều thể văn đối thoại"[15]. "Qua Nam Ông mộng lục thì có thể thấy ông cũng có một tâm sự, một tấm lòng hoài niệm đất nước"[16]... Điều này là dễ hiểu. Giới nghiên cứu văn học sử hiện nay tuy có những "đổi mới", nhưng vẫn còn nhiều điểm bất đồng đối với nhiều hiện tượng văn học, nhất là những vấn đề văn học, những hiện tượng văn học được xem là "nhạy cảm" và có quan hệ mật thiết với các "yếu tố ngoài văn học" có tính chính trị hay thời cuộc được nhìn nhận chủ yếu trên quan điểm của "chủ nghĩa công lợi". Tin rằng, tình hình này sẽ được được cải thiện hơn khi mà chúng ta đứng trên các quan điểm khoa học và lịch sử có tính khách quan và toàn diện.

Theo chúng tôi, Nam Ông mộng lục là một tác phẩm có giá trị nhiều mặt, nhưng giá trị nhất có lẽ vì là đây một tác phẩm tiêu biểu cho loại văn xuôi tự sự về mặt hình thức và cho khuynh hướng văn học văn học mang cảm hứng "đạo lý" về mặt nội dung, khi nó ghi chép lại một cách sống động những câu chuyện "đạo lý" của một thời, trong tinh thần nâng niu những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong văn hoá dân tộc. Thêm nữa, chúng ta cần đăc biệt quan tâm tới tác phẩm này còn bởi đây là một trong những tác phẩm "văn học hải ngoại" có giá trị cao đầu tiên của người Việt. Tác phẩm viết về con người, cảnh vật và đời sống văn hoá của người Việt, nhưng từ góc nhìn của một người xa xứ, ít nhiều đem đến cho văn học thời kỳ này những sắc thái tình cảm, tâm trạng, cách nhìn nhận, đánh giá mới mẻ, gây hứng thú, hấp dẫn độc giả.

Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm được tác giả trình bày ngay trong Nam Ông mộng lục tự (Bài tựa Nam Ông mộng lục) ở đầu sách: "Sách Luận ngữ từng nói: "Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu này vậy", huống hồ nhân vật cõi Nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài... Tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương những mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử... Có kẻ hỏi tôi rằng: "Những người ông chép đều là người thiện, vậy thì trong các chuyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?". Tôi trả lời họ rằng: "Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện thì không phải là không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi"..."

Đúng như nhận xét của Giao Nam Tống Chương, Á trung đại phu, Phúc Kiến đẳng xứ thừa tuyên bố chính ty hữu tham chính, người soạn Nam Ông mộng lục hậu từ (Bài tựa sau của tập Nam Ông mộng lục) viết: "Cứ theo những điều ghi chép trong tập sách này mà bàn, thì việc tu thân sửa nết, việc giữ lòng giữ tiết nào có khác gì với các bậc sĩ phu quân tử ở Trung Quốc đâu". Bỏ qua cái thái độ "Trung Hoa trung tâm luận" của người viết bài tựa này, ta thấy sự trận trọng của ngay cả những người Trung Quốc đối với những đạo lý truyền thống của người Việt mà cuốn sách nêu lên. Chủ đề của tập sách này gồm hai nội dung, như chính tác giả đã tự xác định ở phần trên: "một là để biểu dương những mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử".Từ "những điều mới lạ cho người quân tử"...

Đó là những mẩu hồi ức, hay có thể coi như những mẩu chuyện rất ly kỳ, hấp dẫn như chuyện về việc Trúc Lâm Trần Nhân Tông băng hà trong truyện Trúc Lâm thị tịch (Sư tổ Trúc Lâm nhập tịch), chuyện về linh hồn Trần Nhân Tông định ngôi cho cháu là Trần Anh Tông trong Tổ linh định mệnh (Linh hồn ông định ngôi cho cháu), chuyện nghe tang cha mà tắt thở của con gái vua Trần Thái Tông trong Văn tang khí tuyệt (Nghe tang tắt thở), chuyện về sức mạnh thần kỳ của nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu thời Lý trong Dũng lực thần dị (Dũng mãnh thần kỳ), chuyện về phép thần thông của cao tăng Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền thời Lý trong Tăng đạo thần thông (Phép thần thông của Tăng, Đạo), hay như những chuyện kỳ lạ có tính chí quái, dật sự khác như phép thần dị của sư Minh Không (Minh Không thần dị), chuyện chữa bệnh bằng chiêm bao của sư Quán Viên chùa Đông Sơn (Nhập mộng liệu bệnh)...v.v...

Những câu chuyện này được viết theo bút pháp của loại truyện "chí quái’, "dật sự" của Trung Quốc, có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho loại truyện truyền kỳ của Việt Nam. Cốt truyện của chúng thường xoáy sâu vào các yếu tố hoang đường kỳ ảo, các chi tiết độc đáo, hấp dẫn nhằm cuốn hút người đọc. Nội dung của các truyện hướng tới một thế giới đầy biến ảo khôn lường. Trong cái tĩnh tại của nhiều câu chuyện, người ta vẫn thấy được cái khả năng đổi thay, vận động như là dấu hiệu của sự thay đổi của tư duy nghệ thuật thời kỳ này. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triển của thể loại truyện truyền kỳ trong văn học các giai đoạn sau này.... Đến "những mẩu việc thiện của người xưa"

Nhưng giá trị quan trọng của tập sách chủ yếu là ở việc ca ngợi "những mẩu việc thiện của người xưa"được tác giả viết nên trong hình thức hồi tưởng lại, ghi chép lại để "biểu dương". Đó là những ghi chép ngắn gọn, súc tích nhưng sinh động về những tấm gương sáng ngời đạo lý chí thiện. Như ghi chép về vua Trần Nghệ Tông trong Nghệ vương thuỷ mạt (Truyện Nghệ Vương) là con người "tính tình thuần hậu, hiếu thảo, cung kính, cần kiệm, sáng suốt và quả đoán, học khắp kinh sử, không thích phù hoa"... "Hồi Minh vương qua đời, Cung Định Vương (tức Nghệ Vương sau này) để tang cha ba năm, mắt không lúc nào ráo lệ. Đoạn tang, quần áo không sắm các thứ tơ lụa màu mè, ăn không cần ngon, quả muỗm, cá hồng là những thức ăn quý ở phương nam từ đấy tuyệt nhiên không tới miệng"... Rồi đến khi "Thái sư (tức Nghệ Tông) lên ngôi.... Bèn hạ lệnh không được dùng xe kiệu của vua, quần áo, đồ vật đều sơn đen, không dùng châu báu vàng son. Các thức ăn mặc tiêu dùng đều phải tiết kiệm như trước, suốt đời mang tang lễ không chút thay đổi. Bèn chuyển loạn thành trị, noi theo nền nếp cũ, thưởng phạt công minh, dùng kẻ hiền lương"... Thêm nữa, " Nghệ Vương đã nhặt hết những đứa trẻ côi cút trong đám con cháu của chị em mình đưa vào cung nuôi nấng, coi hệt như con cái mình đẻ ra. Người trong dòng họ xa gần đều được yêu thương đùm bọc. Sau cơn loạn lạc, người nào nghèo khổ không thể cưới xin được, thì lấy vợ gả chồng cho họ; người nào chưa được chôn cất thì chôn cất cho họ; đến cả những điều vặt vãnh chi tiết, không cái gì là không thu nhặt sao chép. Xóm giềng hoà hợp, đầm ấm như tiết mùa xuân. Người trong nước được cảm hoá, phong tục dần dần trở nên thuần hậu".

Nam Ông mộng lục ghi lại hàng loạt những tấm gương đạo lý sáng ngời khác như bà Chinh phi trong truyện Phụ đức trinh minh (Sự kiên trinh, sáng suốt của người đàn bà), như tấm gương nhà Nho danh vọng Chu Văn An trong Văn Trinh ngạnh trực (Văn Trinh, con người cứng rắn, ngay thẳng)... Trong Văn Trinh ngạnh trực tác giả viết, khi ông Văn Trinh chết, "nhân dân kẻ sĩ đô thành vốn ngưỡng mộ phong cách cao đẹp của ông, không ai là không thở than thương tiếc.... Thanh cao, nghiêm chính nổi tiếng một thời, lẫm liệt đến thế. Ôi, thật là một con người thiện vậy"... Hay chuyện về người đầu mục Ngô Miễn, một viên quan của nhà Hồ, khi giặc Minh sang xâm lược đã nhảy xuống nước tự tận để bảo toàn lòng trung với vua với nước, và người vợ của ông cũng nhảy xuống nước chết theo để bảo toàn danh tiết, trong truyện Phu thê tử tiết (Vợ chồng chết vì tiết nghĩa). Còn có những chuyện về Ni sư đức hạnh (Đạo đức phẩm hạnh của một vị sư nữ) ở chùa Thanh Lương, hay có chuyện Trung trực thiện chung (Sống ngay thẳng chết yên lành), ca ngợi phẩm đức của hai nhân sĩ Phạm Ngộ và Phạm Mại dưới triều Trần Minh Tông.... đều là những đoản văn mang đầy cảm hứng đạo lý, kích thích lòng tự hào và tự tôn dân tộc.

Trong Nam Ông mộng lục có một câu chuyện rất cảm động của Hồ Nguyên Trừng khi viết về người ông ngoại của tổ tiên ông vốn là một "người thày thuốc có từ tâm" (Y thiện dụng tâm), dám quên cả thân mình để cứu người. Trong truyện có đoạn kể rằng: "Người nào côi cút bệnh tật thì được Cụ cho ở tại nhà mình để cung cấp cơm cháo và cứu chữa cho, dù có máu mủ dầm dề cũng không chút ghê tởm. Cứ như vậy, kẻ đến chờ chữa cho khoẻ mạnh rồi mới đi, trên giường không lúc nào vắng người. Bỗng mấy năm liền đói kém, bệnh dịc lan tràn, Cụ bèn dựng nhà cửa cho kẻ nghéo khổ ở, nhờ đó mà số người đói khát bệnh tật được cứu sống có tới hơn một nghìn, tên tuổi cụ được đương thời trọng vọng. Một hôm có người đến gõ cửa khẩn thiết mời Cụ rằng: "Trong nhà có người vợ bỗng dưng bị máu ra như xối, mặt mày nhợt nhạt". Cụ nghe xong vội vã đi ngay. Vừa ra khỏi cửa thì gặp người do nhà vua sai tới nói: "Trong cung có một vị quý nhân đang lên cơn sốt rét, nhà vua cho vời Cụ vào". Cụ đáp: "Bệnh ấy không vội. Hiện nay có người tính mệnh chỉ còn trong chốc lát, để tôi đi cứu đã chốc về sẽ vào cung ngay". Sứ giả tức giận nói: "Phận làm bề tôi, sao được như vậy? Ông muốn cứu tính mệnh của người kia mà không cứu tính mệnh của ông ư?". Cụ đáp: "Tôi thật có tội, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào nữa, nếu không cứu người ta, thì họ sẽ chết trong chốc lát, còn trông mong vào đâu được. Tính mệnh của bề tôi mọn này trông vào Chúa thượng, may ra khỏi chết, còn các tội khác thì xin cam chịu". Thế rồi Cụ đi cứu chữa cho kẻ kia, quả nhiên người ấy qua được. Liền sau đó Cụ đến yết kiến nhà vua. Vua quở trách. Cụ bỏ mũ xuống tạ tội và giãi bày thực tâm của mình. Vua mừng rỡ nói: "Người thật là một lương y, đã giỏi tay nghề lại có lòng nhân đức để cứu dân lành, thật xứng đáng với lòng mong mỏi của ta"...

Tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho khuynh hướng văn học mang cảm hứng đạo lý của thời kỳ Trần - Hồ. Hơn nữa, nó là sự bù đắp cần thiết cho những thiếu hụt của văn xuôi tự sự thời kỳ này ở thể tài truyện ký.

Có người nói Hồ Nguyên Trừng viết Nam Ông mộng lục để ca tụng truyền thống văn hoá dân tộc, ca tụng những tấm gương đạo đức cao đẹp của người Việt, ngầm bày tỏ lòng nhớ nước thương nòi. Nhưng cũng có người nghi ngờ rằng ông đã, dù chỉ là ở cái thế chẳng thể đặng đừng, đầu hàng và làm quan cho nhà Minh tới chức Công bộ Tả thị lang, hoặc giả có thể làm đến Công bộ Thượng thư[17], mà cũng còn "quyến luyến quê hương, không quên tổ quốc ư?", như đã nói. Nhưng dù gì thì gì, đây vẫn là một tác phẩm rất đáng chú ý, một tác phẩm có đóng góp riêng vào văn học thời kỳ Trần - Hồ cả về nội dung và nghệ thuật. Hồ Nguyên Trừng xứng đáng là một tác gia tiêu biểu của "văn học hải ngoại" thời kỳ Trần - Hồ.

Trong những biến động lớn lao của lịch sử và dân tộc ngót nghìn năm qua, có những số phận, những con người vì sự xô đẩy của thời cuộc mà phải xa nước, nhưng trong số họ không ít người vẫn nặng lòng với dân tộc, với quê hương, nhất là với truyền thống lịch sử và văn hoá nghìn đời. Họ vẫn có những đóng góp quan trọng cho văn hoá dân tộc. Lê Tắc, Hồ Nguyên Trừng... là những người tiêu biểu trong số đó. Tác phẩm của họ có thể được xem là những tác phẩm "văn học hải ngoại" có giá trị đầu tiên của Việt Nam, có những đóng góp vô cùng to lớn cả về tư tưởng và nghệ thuật đối với sự phát triển của văn học thời Lý - Trần.

 

Nguyễn Phạm Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Chú thích:

[1] Xem các bài viết của Hoàng Ngọc Hiến: Đọc văn học hải ngoại; Nguyễn Huệ Chi: Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại; Thuỵ Khuê: Thử tìm một lối tiếp cận văn học sử về hai mươi nhăm năm văn học hải ngoại 1975 – 2000; Mãn Châu: Văn học Việt Nam ở hải ngoại: Đang từ từ đi vào một khúc quanh; Lê Hồng Lâm: Văn học Việt Nam hải ngoại – « Văn học miền Nam nối dài »; Nguyễn Xuân Hoàng: Văn học Việt Nam trong và ngoài nước; Nguyễn Đỗ: Văn học Việt Nam hải ngoại vẫn hiện hữu và đang trong thời kỳ trăm hoa đua nở; Lê Hoài Nguyên: Một cái nhìn mười tám năm văn học Việt Nam ngoài nước; Nguyễn Vĩnh Nguyên: Văn học Việt Nam hải ngoại: "dòng riêng" có gặp "dòng chung"?...

[2] "Văn học hải ngoại" đâu chỉ là văn học của người Việt ở Mĩ hay một số nước khác trong khối "tư bản" khác như Pháp, Úc, Canada... mà còn là văn học của người Việt ở một số nước Đông Âu "xã hội chủ nghĩa" trước đây như CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô... và các nước này hiện nay. Vì thế không thể gọi "văn học hải ngoại" chỉ là "văn học miền Nam kéo dài", hay chỉ là văn học của người Việt sau năm 1975 ở nước ngoài. Một sự khảo sát toàn diện về văn học của người Việt trên toàn thế giới trong thời kỳ hiện – đương đại sẽ rất có ích cho việc tìm hiểu sự phát triển của văn học Việt Nam. Có như vậy vấn đề "văn học hải ngoại" mới thực sự được đánh giá đúng tầm mức và cần có được sự quan tâm thoả đáng của các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước.

[3] Xem Nguyễn Phạm Hùng: Tính toàn vẹn của lịch sử văn học, Tạp chí Thời đại mới - Revue vietnamienne d’études et de débat (Pháp), số 8, năm 2006; Tạp chí Hợp lưu - Văn học nghệ thuật biên khảo (Hoa Kỳ), số 90, năm 2006.

[4] Xem Nguyễn Phạm Hùng: Về tính thống nhất giữa văn học triều Tây Sơn và văn học triều Nguyễn, Tạp chí văn học, số 1 – 2004; Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 – 2005; Tạp chí Hợp lưu - Văn học nghệ thuật biên khảo (Hoa Kỳ), số 89, năm 2006.

[5] Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. NXB Thế giới, H. 2000.

[6] Lê Tắc: An Nam chí lược, Trần Kinh Hoà chủ biên, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xuất bản, 1961; NXB Thuận Hoá – Trung tâm Văn hoá – Ngôn ngữ Đông Tây chỉnh lý, bổ sung, tái bản, H. 2001. Về thời điểm biên soạn sách này có thể căn cứ vào việc năm 1292 Lê Tắc được triều Nguyên phong hàm Phụng sự lang, chức Đồng Tri châu An Tiêm, một chức có danh nhưng không phải đến nhiệm sở, nên ông có nhiều thời gian bắt tay vào soạn An Nam chí lược. Lại căn cứ vào thời gian ghi trong gần 20 bài Tựa, Bạt thì có thể thấy việc soạn sách này phải đến đầu thế kỷ XIV mới xong.

[7] Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, T. III, NXB Khoa học xã hội, H. 1978.

[8] J S , ^ , f : W , W . V , 1993 (Vĩ Duy Quang, Quá Vĩ, Vi Kiên Bình: Trung Quốc thiểu số dân tộc văn học tùng thư. Kinh tộc văn học sử. Quảng Tây giáo dục xuất bản xã, năm 1993).

[9] Có quan điểm cho rằng "văn học hải ngoại" chỉ tồn tại và phát triển chủ yếu trong thế hệ thứ nhất những người Việt "di tản", khi họ chưa hội nhập được đầy đủ với ngôn ngữ và văn hoá bản địa, khi những mối liên hệ về ngôn ngữ và văn hoá với nguồn gốc Việt chưa bị cắt đứt, cộng với những dằn vặt thời cuộc còn đang chảy máu thì làm văn học với họ như một sự giải toả ẩn ức. Còn từ thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi e rằng "văn học hải ngoại" ngày một nhạt loãng khi mà người gốc Việt đã hội nhập được một cách đầy đủ vào đời sống ngôn ngữ và văn hoá bản địa, khi họ đã bị cắt lìa khỏi nguồn gốc ngôn ngữ và văn hoá quê hương, cộng với sự thích nghi để sinh tồn hiện tại, thì dù họ có làm văn học, lúc đó cũng chỉ là văn học bản địa mà thôi. Điều đó rất có thể xảy ra, vấn đề là thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những giả thiết về tương lai của "văn học hải ngoại".

[10] Khái niệm "thời kỳ đương đại" được sử dụng ở đây là để chỉ văn học Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay.

[11] Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, T. III, Sđd.

[12] Trần Nghĩa: Hồ Nguyên Trừng mà cũng quyến luyến quê hương, không quên tổ quốc ư? Tạp chí văn học, số 4, 1974. Quan điểm của nhiều học giả khác đánh giá An Nam chí lược của Lê Tắc cũng vậy, xin xem bài của Trần Thanh Mại "Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã", "Tao đàn" số 3, ngày 01 – 4 – 1939. Quan điểm này còn được kế thừa nhiều năm về sau.

[13] Trần Văn Giáp (Chủ biên): Lược truyện các tác gia Việt Nam, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 190.

[14] Đinh Gia Khánh: Văn học Việt Nam thế kỷ X, nửa đầu thế kỷ XVIII, T. I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1978, tr. 214, 219.

[15] Bùi Văn Nguyên: Lịch sử văn học Việt Nam, T. II, Nxb Giáo dục, H. 1978, tr. 72.

[16] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý - Trần, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1977, tr. 126.

[17] Về phẩm hàm, chức vị của Hồ Nguyên Trừng hiện còn vài điểm chưa thống nhất. Theo Hồ Bạch Thảo: "Cụ Trần Văn Giáp viết: "Hồ Nguyên Trừng, tức Lê Trừng, theo trong sách Nam Ông mộng lục và các bài tựa, Lê Trừng tự là Mạnh Nguyên, biệt hiệu Nam Ông, người Việt Nam, làm quan triều Minh đến Công bộ tả thị lang… Nhưng, theo Minh thực lục và các sách khác thì Trừng được thăng mãi đến chức Công bộ thượng thư" (Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1984, tập 1, trang 42)... Tôi đã sưu tầm và dịch các sử liệu liên quan đến Việt Nam trong Minh thực lục, được gần 300 văn bản; mặc dầu rà soát kỹ, chỉ gặp một chỉ dụ của vua Tuyên Tông nhà Minh vào năm Tuyên Đức thứ ba (1428) xác nhận Lê Trừng là Hữu Thị lang bộ Công.... Bởi vậy chỉ có thể xác minh rằng vào thời điểm [18/1/1428], tác giả Hồ Nguyên Trừng giữ chức Hữu Thị lang bộ Công... [So với quan điểm của cụ Trần Văn Giáp] tuy có khác nhau nhưng không dám mạo muội nghĩ rằng mình đúng hoàn toàn"... (Tìm hiểu thêm một vài chi tiết về tiểu sử Hồ Nguyên Trừng, tác giả "Nam Ông mộng lục").

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12755)
(Xem: 14208)
(Xem: 15532)
(Xem: 15006)
(Xem: 15017)
(Xem: 15705)
(Xem: 14445)
(Xem: 14202)
(Xem: 14197)
(Xem: 15138)