- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

"hớch" Tự Do

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9362)

blankỞ Hoa Kỳ, The Vietnamese American High School Alliance of Southern California ( VAHSA) tổ chức trại hè lấy tên là Kết Thân ( The Personal Touch) vào cuối tuần lễ thứ hai trong tháng Tám -2007 tại Palomar Mountain Range (phía bắc quận hạt San Diego) cho các trẻ gốc Việt đang cư ngụ tại hai quận hạt Orange và San Diego. Trại Hè này( với độ gần 80 trại viên tham dự ) kỷ niệm chương trình trại hè năm thứ năm liên tiếp của tổ chức nêu trên, có nội dung kết thân thêm nhiều bạn mới và trao đổi tâm tình lẫn kỹ năng tổ chức - lãnh đạo(1). Sau đó là những sinh hoạt đủ mọi loại của giới trẻ Việt ở Little Sàigòn liên tiếp và đều đặn xuất hiện. Như Hội Đồng Giới Trẻ (Youth Council) cộng tác với Hội Đồng Quản Trị Orange County Worplace Investment chiều 11 tháng Chín-2007 lo hằng năm cung cấp những dịch vụ cần thiết và giúp lớp trẻ cư ngụ tại quận hạt, tuổi từ 14 đến 21, hiện đang có đời sống ‘không bình thường’(tâm thần, tàn tật, học khó khăn, bỏ học giữa chừng, bỏ nhà đi hoang hay là trẻ vị thành niên mang thai,...) để trẻ mau chóng thích nghi với xã hội và có thể tự tạo cuộc đời riêng mà không bị lệ thuộc vào người khác. Như VIBE( Vietnamese International Bridging Expo) tổ chức vào 11-13 tháng Mười-2007 , nhân kỷ niệm 50 năm thành lập đại học Cal State / Fullerton... Đấy là những sinh hoạt đại loại năm nay, tiếp nối các Đại Hội Áo Dài truyền thống hay Hội Tết do các hội sinh viên Việt từng trường và Tổng Hội Sinh viên Việt / Nam Cali tổ chức liên tục ba thập niên nay, những lớp vẽ thiếu nhi, thiếu nhi hát vào dịp lễ Trung Thu 07 của Hội VAALA( Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Mỹ), các trung tâm Việt ngữ, VIFF Đại Hội Việt Phim Quốc Tế hai năm một lần mà đang tiếp tục tổ chức lần thứ tư vào Hè 08 tới đây...

Còn tại Việt Nam, một sáng kiến phổ biến trên Internet đã trở thành một phong trào tình nguyện do các bạn trẻ phát động, trong hai ngày 28 và 29 tháng Bẩy-2007 , gần 900 thanh niên Việt trên cả ba miềạn Nam- Trung- Bắc tích cực thực hành một ngày ‘free hugs’, ‘hớch tự do’, ôm bất cứ ai gặp trên đường, như một cách thể hiện và trao đổi tình cảm thân thiện phát xuất tự trong con người cụ thể của mình đối với người đối diện, bất kể người đối diện là ai: Người đối diện là bạn cùng học tuổi cùng trang lứa cùng giới tính, là cụ già (ở Sài gòn), là cặp cô dâu chú rể trong ngày cưới tại khuôn viên trước Nhà Thờ Đức Bà, là tập thể bạn hữu ( ở Nha Trang) hay số đông những ai tình cờ gặp trên đường (ở Hà nội)... Quan sát kỹ, chúng ta thấy những khuôn mặt tươi tắn rạng rỡ của cả đám thanh niên nam nữ lẫn những người được ôm; còn những cụ già thì có lẽ chưa bao giờ quen thuộc với cách thức biểu lộ tình cảm theo kiểu ôm nhau trước đám đông ,tuy nhiên dù các cụ vẫn ngượng ngập nhưng nét mặt các cụ không lộ một nét khó chịu hay phản đối gì.

Tại sao lại ‘hugs tự do’?

Phóng sự hình " Free Hugs" khắp ba miền đất nước của Nguyễn Ngân đăng trong trang Việt Nam của nhật báo Người Việt số ra ngày thứ tư, 1 tháng 8, 2007, giới thiệu: "...Đây là lần thứ ba có cuộc ra quân "free hugs" tại Việt Nam. Ngày tình nguyện tự phát này đã được các bạn trẻ kêu gọi qua Internet, hầu hết bằng cách đăng tin trên trang blog của mình. Ngày "free hugs’ tại Hà Nội diễn ra vào sáng thứ bẩy 28, ngày ‘free hugs’ Sài Gòn sáng 29, còn ngày’free hugs’ Nha Trang (cũng) đã diễn ra vào 2 giờ chiều ngày 29."

Về nguồn gốc phát xuất, bài này cho biết: " Phong trào "free Hugs" được khởi nguồn từ Juan Mann, một thanh niên Úc. Ban đầu chỉ là những cái ôm của một chàng trai cô đơn, một lữ khách trên chính quê hương mình, "Free Hugs" đã lan rộng (ra) cả nước Úc đến Châu Mỹ xa xôi, đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

" Ở Việt Nam, phong trào này khởi đầu khi hai bạn gái trẻ Nguyễn Ngọc Nam và Nguyễn Kim Hoàng mang thông điệp ‘free hugs’ với một cái ôm, một nụ cười đến hơn 100 người trong đêm 23 tháng Mười Hai, 2006 tại Sài Gòn"

Còn kết quả thực hiện ‘free hugs’ lần này, Nguyễn Ngân viết: " Vì là tự phát nên cũng có chút trục trặc. Ngay buổi sáng, có tin rằng một nhóm bị đưa về công an phường để làm tờ trình. Chuyện này làm một số bạn hoang mang, nhưng sau đó thì có tin công an đã thả các bạn kia ra vì cũng không có lý do gì để bắt giữ những em nhỏ đầy thiện chí ( này)..

"..Với gần 900 bloggers cùng tham gia vào chương trình tình nguyện " Free Hugs- Ôm trọn trái tim" do cộng đồng những người trẻ sinh trong thập niên 1980 và 1990( thường được gọi tắt là 8X và 9X) tổ chức. Có thể nói, chương trình đã diễn ra thành công tại Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn vào ngày 28 và 29 tháng bẩy, để lại một dư âm đẹp trong lòng tất cả mọi người."

Đánh động tâm can

Vừa đọc sơ bài viết nói trên vừa nhìn vào mấy tấm hình đăng cạnh đấy, tôi thấy rõ được những khuôn mặt tươi tắn và những cử chỉ tự nhiên y nhiên của tất cả những bạn trẻ đi thực hiện phong trào " Free Hugs- Ôm trọn trái tim" kỳ này... Thậm chí trên nét mặt của cụ ông 90 tuổi, của cụ bà già lọm khọm ngồi lang thang ngoài vỉa hè đường lẫn cả của anh chạy xe ôm.., nụ cười của họ nở ra một cách thoải mái. Dù họ lần đầu tiên trong đời có cơ hội ở giữa côạng chúng tiếp nhận một cử chỉ thân ái từ một người xa lạ mà họ chưa hề quen biết . Nhưng kẻ có cử chỉ thân ái này lại là những cô cậu chỉ đáng tuổi em hay con cháu họ; và hơn nữa, chúng còn thực hiện những động tác thân ái có vẻ lai tây phương này một cách rất là tự nhiên, chân thành. Họ có thể vẫn ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Họ có thể vẫn còn gượng gạo ngượng ngùng khi tiếp nhận những cái ôm thân ái đó nhưng rõ rệt nụ cười của họ bầy tỏ một tâm lý đang diễn biến trong lòng của họ lúc ấy ít nhất là thuận tình chấp nhận.

Bài viết , và nhất là những tấm hình chụp hiếm có ấy, đã khiến tôi xúc động một cách sâu xa. Đồng thời với mối cảm xúc mỗi lúc nở bung ra trong lòng, những ý nghĩ và những hình ảnh cứ liên tiếp hiện ra trong tâm trí tôi như một dòng sông lớn vào mùa lũ, cứ thế mà ồ ạt mênh mang chảy xiết. Cảm xúc lôi cuốn ý nghĩ và hình ảnh, tất cả quyện xoắn lấy nhau, thúc đẩy và làm "thuốc bồi" đưa nhau, thay cho nhau lên đến đầu những ngọn sóng bạc khổng lồ, cuồn cuộn, ầm ầm vang dội trong tâm khảm tôi...

*

32 năm rồi, kể từ 1975, những xáo trộn đến tận cùng của cái xã hội Việt Nam ấy đã mang đầy đủ hậu quả của một cuộc chiến quá ư phức tạp, hết sức lẫn lộn( lẫn lộn là vì ngoại lai cứ cố đẻ ra "hộ" cho dân trong cuộc) về nội dung ý nghĩa, nên cuộc chiến ấy thực sự đãợ phải xẩy ra một cách bất đắc dĩ mà vô cùng đớn đau vật vã cho dân tộc Việt.

Nhưng thực chất cuộc chiến ấy cũng chỉ là kết quả thể hiện từ những rối rắm của cái tâm Việt Nam đã hai thế kỷ qua bị những trào lưu tư tưởng triết lý ngoại lai xâm nhập và mỗi lúc làm mờ tối đi cái chất ‘ việt là vượt’ vốn đã từng hiển hiện trong bước đường tồn vong cả chục thế kỷ qua của dân tộc. Trong đó, giới trí thức Việt chỉ đủ thời gian để bị chi phối , bị chìm ngập trong trạng thái vong thân mà chưa kịp vượt lên những ảo tưởng giả trá, để có thể tự chủ mà chủ động lèo lái ở mọi biến động được.

Các thế hệ, trung niên (chính xác là kể từ 42 tuổi - 10 tuổi+ 32 năm- trở lên ) cho đến các lớp già nếu tính đến thời điểm này, là những thế hệ đã từng vật vã trong vũng lầy của xã hội ấy và từng tiêu dùng gần hết năng lực cho giai đoạn đầu tái định cư tại xứ sở mới, họ còn sống sót được đến ngày nay thì hầu hết họ đã mất đi dần chất sáng tạo rồi.

Thế hệ thanh thiếu niên Việt trong và ngoài nước bây giờ, tuổi từ 14,15 đến hai mươi mấy, con người và đời sống họ đã được nuôi dưỡng và trưởng thành là thuần túy nhờ vào nỗ lực vươn lên sống còn trong 32 năm qua của các lớp cha anh, họ đang chủ động thực thi những phong trào đại loại như ‘ Free Hugs - Ôm trọn trái tim’ này. Mặc dù cách thế thể hiện rõ rệt lai căng đấy, nhưng nội dung thực hiện lại bầy tỏ rõ được chất chân thành và khí thế xung kích văn hóa của họ. Và , ở trong nước với lần thể hiện thứ ba này, họ đang chứng tỏ phong trào do họ gầy dựng nên mỗi lúc một gia tăng phần tỷ lệ thuyết phục được chính thế hệ của họ là trước hết, sau đó là các giới cha anh họ.

Họ muốn thuyết phục người khác cái gì? Họ muốn thuyết phục những ai đang sống trong xã hội Việt Nam ấy đừng quên đi cái động tác là hằng ngày thể hiện cho người khác biết được rằng mình vẫn còn lòng nhân ái, không đắn đo mà sẵn sàng tình nguyện chia xẻ những khổ ải lẫn hạnh phúc với người khác, và mong muốn người khác hãy đừng để thui chột đi cái lòng nhân ái này. Thế thôi...

Thế thôi sao? Phải! Thật đúng là chỉ có thế thôi.. . Nhưng , với nội dung vừa kể trên, một hành động biểu hiện chỉ là cái hớch đơn giản ấy quả thực là lớn lao, khiến chúng ta phải xúc động và bội phục.

Những cái hớch của lịch sử Việt

Cái hớch đầu tiên mà chúng ta có thể biết được trong lịch sử dân Việt, là kỷ nguyên Hồng Bàng ( Hùng Vương): Cái mà xưa nay vẫn gọi là ‘18 đời vua Hùng’ kéo dài trên hai ngàn rưởi năm, là thời gian pha giống và kết tinh của đa chủng ( biết đâu con số 18 này lại cũng chẳng biểu hiện cho 18 hệ tộc .Tại sao không!) , hun đúc lại thành giống dân Việt sau đó. Nếu phải thật sự như vậy thì đây cái ‘hớch’ đầu ‘đời’ để có tổ tiên của chúng ta, ở cái ‘nôi’ Vĩnh-Phúc Yên (Bắc Phần) ấy.

Nhưng sau cái hớch kết tinh này, còn cần phải tổng cộng trên mười thế kỷ liên tiếp bị dân phương bắc thôn tính và cai trị, dân Việt mới có cơ hội lặn ngụp trong khổ ải để tự tôi luyện bản chất một cách vững chắc mà vùng lên đòi quyền sống, thi thố tinh thần tự chủ qua các triều đại Đinh- Lê( Tiền Lê) - Lý -Trần. Nhưng sau ấy, từ triều đại Hậu Lê trở đi lịch sử Việt lại cho chúng ta thấy rằng khi lơ là ý thức mà lười biếng thụ hưởng trên sự sống còn vật vờ , là lập tức mất cảnh giác, bị tư tưởng và hệ thống văn hóa ngoại lai (ở đây là hệ thống tư tưởng của Trung Hoa) lấn áp và trùm lấp liền!

Cái hớch lịch sử thứ hai bắt đầu từ giữa triều đại Nhà Trần(vào cuối thế kỷ 13), khi dân cư sinh sôi nảy nở nhiều mà đất đai lãnh thổ cũ cứ mỗi năm mỗi cằn cỗi đi, khi mặt khác trong quá trình tự vệ ( từ thuần túy tự vệ sang tấn công để tự vệ), phải tìm cách bành trướng đất sống về phương Nam, với sự tích Huyền Trân Công Chúa- Chế Mân( năm 1306) (2): " Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo". Cái hớch này thực sự chủ động từ câu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mách nước cho Nguyễn Hoàng( 1558) (3): " Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", và kéo dài cho đến hết triều đại Nhà Nguyễn ( giữa thế kỷ 20), sang cả hai thể chế Cộng Hòa và Cộng Sản ( Nếu muốn kể vào chi tiết hơn, thì dù mầm dân chủ có được một số điều kiện mà nỗ lực gieo hạt giống một cách muộn màng và vừa mới nhú lên ở Miền Nam Việt Nam, nhưng thực chất của giới trí thức hồi ấy vẫn còn bị khuôn mẫu phong kiến - quân chủ trùm lấp cả lãnh thổ , cả Nam lẫn Bắc).

Trong cái hớch này, cuộc trộn lẫn chủng tộc lớn một lần nữa lại được xảy ra, đồng thời với công tác bành trướng và thuần hóa đất đai lãnh thổ. Còn về tư tưởng thì chỉ đủ sức đào sâu vào hệ thống văn hóa Trung Hoa( từ Phật học sang đến Lão Trang.. nhưng nặng nề nhất là Khổng-Mạnh, ‘ tập đại thành’ ở thời Tống Nho, được gọi chung là Nho giáo) mà các cụ ta cố gắng một cách mù quáng tìm trong đó làm chỗ dựa cậy tinh thần, những tưởng rằng sẽ cứu chữa qua cơn giông bão khủng khoảng tiến bộ chung của thế giới. Cho nên, đến khi cần để đối phó với kế hoạch xâm chiếm của các nước tây phương, giới trí thức Việt đã xem ra loay hoay, bối rối mất định hướng, mất tự chủ, vội vã muốn bỏ cái cũ nhưng chưa gột rửa hẳn được mà học cái mới thì đúng như Trần Tế Xương (1870-1907) diễn tả trong bài Thi Hỏng 1 "..Học đã sôi cơm nhưng chửa chín!.." (4).

Một sự kiện hiện rõ được cơn bối rối ấy của giới trí thức thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là giữa hai chủ trương duy tân, một của cụ Phan Bội Châu và một của cụ Phan Chu Trinh: Cuối cùng, tất cả mọi phe phái tả-hữu chính trị- đảng phái đều ngả theo cách thức giải quyết ách ngoại bang thống trị bằng đường lối bạo động của cụ Phan Bội Châu. Để cho tới hiện tại bây giờ, bầu môi sinh của dân tộc vẫn chưa gột rửa hết được chất quá khích, tính nô lệ quá lậm vào tư tưởng và văn hóa ngoại lai: Chỉ vì quá mệt mỏi trong thái độ kình chống lẫn nhau, đã rồi thì lười biếng trong thụ hưởng mà thôi!

Cái hớch thứ ba, bắt đầu từ mốc điểm 1975, đưa dân tộc Việt Nam sang một địa bàn mới, với những điều kiện sống còn hoàn toàn khác hẳn trước đây: Nếu cái hớch đầu tạo cơ hội cho dânViệt phát triển tại địa bàn Đông Nam Á Châu, thì cái hớch thứ ba này tung từng đợt con dân Việt ra gây giống mới ở độ 70 quốc gia trên toàn cầu.

Sau ba thập niên, cái hớch thứ ba này nó đã gầy dựng nên những cộng đồng Việt hải ngoại có đầy đủ sức mạnh về mọi mặt đối với các cộng đồng gốc dân tộc khác trên thế giới, trong đó có cộng đồng Việt còn sinh sống trong lãnh thổ nguyên quán hình chữ S ở Đông Nam Á.

Một chi tiết quan trọng nữa, không kém chất may mắn đáng kể , là từ 1954 tới 1975, cuộc di dân trong nước đã tạo dịp thuận tiện cho một thế hệ Việt ( 20 năm) hòa nhập Nam-Trung-Bắc lại với nhau, xóa nhòa đi âm mưu trước đấy nhằm chia để trị của ngoại bang và đặt một nền móng thống nhất văn hóa thuần Việt, trước khi có cơ hội( năm 1975) rải ra khắp thế giới.

Cái hớch học-tập làm nền tươi mới, bắt kịp thời đại.

Câu chuyện do một người bạn kể lại:

"..Niên khóa 1964-65 tại Văn Khoa Sàigòn, trong lớp chứng chỉ Triết Học Trung Hoa, linh mục Bửu Dưỡng chỉ giảng dạy có một sách Đại Học của Tứ Thư ( Đại Học- Trung Dung-Luận Ngữ- Mạnh Tử) mà thôi.

"Trước đó, tôi đã nghe nói linh mục Bửu Dưỡng chỉ chuyên dạy Luận Lý - Đạo Đức Học cả chục năm nay rồi , nhiều người đã khen ông dạy hay. Khi trực tiếp được học ông thì ngay từ đầu khóa, tôi đã thấy hệ thống suy tưởng của cá nhân mình có phần trục trặc với ông rồi: Câu đầu tiên của sách Đại Học là ‘ Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện’, tóm tắt một cách đơn giản nội dung của câu này có nghĩa là ‘ diễn trình của cái học- tập lớn là ở chỗ làm sáng cái đức sáng, giúp người dân luôn đổi mới- phát triển- và chỉ dừng ở chỗ làm cái gì cũng toàn thiện được cả ’(5). Ông cho biết rằng trong việc giải nghĩa câu này, xưa nay toàn bộ các thuyết đều đồng ý với nhau hầu hết nội dung ý nghĩa, duy chỉ có chữ ‘ tân’( của đoạn ‘tại tân dân’ ) thì đa số các học giả ( đầu tiên là Tăng Tử ?) cho rằng chữ này chính xưa viết là chữ ‘thân’ mà chữ ‘thân’ cổ đồng âm với chữ ‘tân’, và được giải thích là ‘ làm mới lại người dân’; hơn nữa, họ còn lý luận liên hệ với ý nghĩa của một câu khác ở đoạn dưới nữa, vẫn trong sách Đại Học: ‘ Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân’: ngày mới, mỗi ngày một mới, ngày lại mới (6). Câu này , theo tôi nghĩ, là kết quả của người quan sát thấy được lẽ biến dịch ở lãnh vực thời gian. Nhưng cũng có một số học giả khác( đáng chú ý hơn cả là Vương Dương Minh,học giả triều đại Nhà Minh) cho rằng chữ đó phải là ‘ thân’ ( của đoạn ‘ tại thân dân’); thân đây là ‘làm thân’, tức là phải biết làm sao để thân cận được với người dân, rồi sau đó mới có thể ‘làm mới’ được người dân.

"Và suốt khóa học ấy, hễ cứ có cơ hội là tôi lại mở cuộc tranh luận với ông .

"Đầu tiên, các học giả xưa nay vẫn mặc nhiên công nhận rằng Tứ Thư- Ngũ Kinh là học thuyết do người xưa để lại, những câu những chữ trong đó là những nguyên lý mẫu mực toàn bích, hậu sinh chỉ còn mỗi một việc là cứ đào sâu nghĩa lý vàng ngọc trong ấy để noi theo mà thôi. Nhưng tôi cho rằng những kinh sách đó do Khổng Tử viết ra . "Chính ông cũng bảo là ông ta gom góp những kinh nghiệm của người xưa, rồi hệ thống lại mà thành( rút ý nghĩa ra từ những câu của Khổng Tử viết như ‘thuật nhi bất tác’, ‘ngô đạo nhất dĩ quán chi’..). Và ngay chính trong đời sống của ông, Khổng Tử cũng có thành đạt được gì đâu, ngoài công trình viết các kinh sách ấy để lại cho hậu thế! ( 7). "Xem thế, Tứ Thư -Ngũ Kinh không hẳn là vạch những nguyên tắc tuyệt hảo, nghĩa là những nguyên tắc sẽ có thể áp dụng hoàn toàn tuyệt đối đúng cho bất cứ cá nhân nào, tại bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào. Đó là chưa nói đến vấn đề ngôn ngữ mỗi dân tộc mỗi khác, ngữ nghĩa mỗi thời đại mỗi khác biệt nhau nữa.

"Do đó, sách Đại Học gồm những câu tóm tắt tinh túy tư tưởng, cách sống từ con người (đúc kết lại trước hết từ nội dung quán sát, sau đó được sắp xếp cho có lớp lang lại - tức hệ thống hóa- thành những nhận định, và cuối cùng thì phải được kinh qua thực nghiệm đã) của người xưa. Vậy, Đại Học có nghĩa là cái học lớn. Cái học lớn ở đây nôm na có nghĩa là ‘vấn đề học-tập chính của con người sống trong xã hội’: Học để hiểu biết rồi mà chưa thực hành nổi thì vẫn chưa phải là cái học lớn được. Sách Luận Ngữ có câu ‘Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ ’: Học hỏi mà có thời gian thực nghiệm được nữa thì còn gì vui bằng! (8 )

" Sau đó, tôi lý luận rằng câu mở đầu sách Đại Học này muốn trình bày một diễn trình học-tập qua ba giai đoạn có tính cách hỗ tương ảnh hưởng với nhau khi thực hiện, nhằm áp dụng cả cho từng cá nhân một và cho cá nhân thi thố trong xã hội nữa, mà căn bản cốt yếu vẫn phải phát xuất từ cá nhân là trước hết. Nếu đồng ý với lý luận trên thì chữ ‘thân’ ( ở đoạn ‘tại thân dân’) hợp lý hơn... Và đầu tiên,‘Minh đức’ phải được hiểu là gì đã. ‘Minh đức’ là cái đức vốn trong sáng của con người, nôm na có nghĩa là con người khi mới được sinh ra( thụ thai do kết hợp tinh hoa của cả cha lẫn mẹ và qua hành động tình dục của cả cha lẫn mẹ- gồm cả tinh-thần-thể chất của cha lẫn mẹ -, được nuôi dưỡng trung bình chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, nói chung lại là kết tinh từ ‘dòng cha giống mẹ’, dương+âm một cách nhuần nhuyễn mới tạo thành đứa bé ra đời được) thì đã mang sẵn trong người cái căn bản sống, có thể gọi cách khác là ‘đức hiếu sinh’. Do đó, câu văn trên có thể giải dịch thành: ‘ Diễn trình học-tập (của con người) là luôn luôn làm sáng rõ lên cái đức vốn trong sáng của mình, luôn luôn thân cận ( để thấu hiểu và giúp) dân (tức là chính mình và người khác mình, được tiến bộ), và chỉ dừng khi nào làm trọn vẹn được như vậy thôi.’

" Trong khi đó, linh mục Bửu Dưỡng lúc nào cũng bầy tỏ thẳng thắn: Ông xưa nay vẫn coi nội dung của Tứ Thư-Ngũ Kinh là kim chỉ nam, nên hơi ‘khựng lại’ trước lập luận của tôi. Nhưng mặt khác, ông lại rất hài lòng với sự hăng say học tập của tôi. Ông chịu cách tôi gọi ‘ Đại Học chi Đạo’ là ‘diễn trình học-tập’. Ông đã liên tưởng để giảng giải thêm cho chúng tôi cùng nghe bằng cách nhắc lại câu của Khổng Tử là ‘Tri Hành thị nhất’ và câu của Vương Dương Minh(9) sau đó cả trên dưới 20 thế kỷ là ‘Tri Hành hợp nhất’: Hai câu này cho thấy xã hội con người có phát triển thì dĩ nhiên hoàn cảnh xã hội sau phải phức tạp hơn hoàn cảnh xã hội trước đó; do đó, công việc ‘làm sáng rõ ra cái đức sáng’ cũng phải công phu hơn nhiều ở xã hội hiện diện sau; và người trí thức ở thời đại nào bắt buộc cũng phải hiểu rõ thời đại của mình; và nguyên tắc sống mỗi thời đại cũng phải biến đổi luôn cả cách thức diễn đạt mới, sao cho thích ứng đúng với nhu cầu của thời đại.

" Tuy nhiên, thủy chung ông vẫn chọn chữ ‘tân’ cho đoạn văn ‘tại tân dân’. Và trong khi tranh luận, ông nhắc đi nhắc lại một ý nhấn mạnh đại khái rằng làm người trí thức phải có trách nhiệm là luôn luôn tích cực phục vụ đúng mức cho lợi ích xã hội, mà nhân tố quan trọng nhất vẫn là sống gương mẫu bằng đời sống của chính mình. ..

"Theo ký ức, tôi chỉ nhớ lại được có bấy nhiêu. Rõ rệt nhất là bầu không khí tranh luận giữa thầy- trò xẩy ra thường xuyên như vậy, đôi khi cũng đỏ mặt tía tai với nhau , giọng nói cũng có khi gay gắt ... nhưng đến lúc tôi xong cái cử nhân giáo khoa, gặp lại thì chính linh mục Bửu Dưỡng ngỏ lời: Tôi lúc nào cũng sẵn sàng là ‘patron’ cho anh làm cao học đấy nhá ! "

Cái hớch giáo dục khá gian nan

Câu chuyện sau đây được tóm tắt lại từ bài ‘A Cautionary Tale Of New China’ của Mark Magnier đăng ở tờ L.A.Times số ra ngày thứ năm mùng 9 tháng tám-2007:

Nhà g íao dục Nhật Bản Yomei Matsuoka, năm nay 64 tuổi, đang chịu bỏ ra 90 ngàn MK cho vụ kiện đòi lại số tiền trên $ 600 ngàn MK do ông đầu tư vào chương trình giáo dục từ thiện tại Trung Hoa.

Vốn sinh trưởng từ cảnh đời nghèo khó ở Fukushima, thập niên 1960 khi vào đại học Tokyo, ông Matsuoka đã ôm ấp lý tưởng của chủ nghĩa xã hội(10) và đã từng bị bắt giữ vì tham gia những cuộc xáo trộn của sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, ông được một công ty Nhật đỡ đầu một kế hoạch đi dạy kèm, để rồi sau đó ông tách ra tự kinh doanh thành một mạng lưới trường học tư thục, với sự đỡ đầu của chính phủ hay các công ty tư doanh khác. Cuối thập niên 1980, các lớp huấn luyện Musashi Seminar của ông được 800 học viên, kiếm mỗi năm chừng 1/4 triệu MK. Một người trước kia mê lý thuyết của chủ nghĩa xã hội bây giờ bỗng nhiên lại làm giàu theo phương thức tư bản thì tự cảm thấy ‘tội lỗi’, như mình làm giàu một cách dễ dàng trên ‘xương máu’ của đám dân nghèo, nên Matsuoka muốn bỏ tiền ra xây dựng 12 ngôi trường tại lãnh thổ lục địa Trung Hoa, cung cấp các lớp học nhỏ trang bị đầy đủ máy điện toán và sách giáo khoa để chuyên dạy cho lớp học sinh nghèo ở địa phương ấy.

Năm 1995, Matsuoka tiết lộ ý định này cho ông thầy dạy ông Hán ngữ tên là Ben Yongzhong. Ben vốn là một viên chức bộ Giáo Dục Trung Hoa lục địa đang làm việc tại Tokyo trong chương trình trao đổi giáo dục giữa hai nước và có liên hệ chặt chẽ với tòa đại sứ Trung Hoa tại đó. Ben gợi ý nên chuyển ngân khoản cho đại học Thiên Tân( Tianjin Uni.), đại học này sẽ tái thiết lại ký túc xá dành riêng cho nhóm sinh viên thuộc chương trình trao đổi giáo dục của hai quốc gia, để rồi năm năm sau khi ngân khoản này được bồi hoàn lại, Ben tiếp tục vẽ vời, thì ‘ anh có thể (có tiền ngay trong nước Trung Hoa) xây dựng những ngôi trường như anh mong muốn’ : Hai công tác đều thực hiện được, chỉ với một ngân khoản mà thôi.

Matsuoka đồng ý kế hoạch này, một phần vì lúc ấy ông ta cũng cần thời gian đợi để hoàn tất những chi tiết họa đồ xây dựng (12 ngôi trường kia) và được chính thức cho phép thực hiện việc xây cất. Hơn nữa, lúc ấy Matsuoka đã tin tưởng Ben đang có liên hệ quá thông suốt với bộ Giáo Dục Trung Hoa. Ông liền cấn hai căn địa ốc để vay $625 ngàn với lãi suất 3% vào cuối 1996 đầu 1997. ( Nhưng) tờ hợp đồng giữa hai người có nội dung mập mờ, đã không đá động gì đến Bộ Giáo Dục(Trung Hoa) lẫn tên của Ben, mà chỉ nêu có tên vợ của Ben là Liu Lifeng. Đây chính là cái mà Matsuoka sau này cho rằng mình sai sót từ căn bản đầu tiên, sau này hối không kịp nữa.

Matsuoka bảo rằng sở dĩ ngay từ ban đầu ông ta không đòi điều chỉnh tờ hợp đồng cho thật minh bạch, là vì ông vốn trông cậy vào mối liên hệ Trung-Nhật trong nền văn hóa đông phương: ‘ Ở Đông phương, chúng tôi khởi đầu tín cẩn nhau bằng lời nói, trong khi người tây phương thì bằng tờ hợp đồng cam kết rõ ràng giấy trắng mực đen... Lúc đó tôi chân thật muốn với chạm được đến trái tim của người Trung Hoa và Nhật Bản.’

Sau này trước tòa, vợ chồng Ben-Liu khai là họ đã không trực tiếp đưa món tiền ấy cho đại học Thiên Tân, cách độ 90 phút lái xe từ Bắc Kinh, mà họ lại trao tay cho Li Hongtao, con trai của hai người đồng sự cao cấp của họ ở Bộ Giáo Dục (Trung Hoa). Tờ hợp đồng đơn giản chỉ là tờ giấy chứng nhận mượn số tiền ấy mà không ghi rõ mục đích để làm gì, tên người cho mượn và được mượn trong bao lâu cả.

Và cứ thế, Matsuoka cứ đinh ninh tin rằng việc xây cất ký túc xá đã tiến hành xuông sẻ. Cho tới khi sang Trung Hoa vào tháng năm 1999 và dừng tại đại học Thiên Tân, ông mới khám phá ra rằng tiền của ông đã không được dùng vào việc xây và tái thiết khu ký túc xá mà bị chuyển sang quỹ kinh doanh lấy lời cho đại học này có tên là ‘ Friends Garden Hotel’. Ông thắc mắc hỏi, vợ chồng Ben-Liu bảo đừng lo, đó là ngân khoản sử dụng vào mục tiêu ‘khoa học’! Mỗi lúc một thêm lo, Matsuoka đến hỏi thẳng Bộ Giáo Dục(Trung Hoa). Năm 2001, bộ này đồng ý trao cho một tiểu ban điều tra nội bộ. Nhiều tháng sau, bộ này cho ra một bản tường trình không có chữ ký tên của ai cho biết hợp đồng này đã không nêu danh tánh một ai cả nên bộ không trách nhiệm, tuy nhiên có quyền đưa nội vụ ra tòa án dân sự .

Ra tòa, Li khai là anh ta không hề thương lượng trực tiếp gì với Matsouka cả, nên đây chỉ ‘là một đầu tư mạo hiểm.. Nó không phải là một trương mục tiết kiệm với tiền lời cố định’. Và tòa xử Li thắng kiện.

Trong khi ấy, Matsuoka thổ lộ rằng ông vẫn muốn bảo trợ ngân khoản xây hàng loạt trường học ở thôn quê, nếu lấy lại được tiền.

Xem ra cuối cùng những kẻ thua thiệt trong vụ này là những đứa trẻ như He Yani, cô bé gái 13 tuổi, cư dân ở làng Zhonghe miền nam Trung Hoa: Yani chỉ có một cơ hội để sống khá hơn nếu được học ở những trường do tiền của Matsuoka định xây cho. Cha bé Yani chết khi bé mới lên 7, mẹ đang bị chứng máu huyết chưa chuẩn định xác thực được bệnh, và cô chị song sinh với Yani bị lòa phải ở nhà vì gia đình không đủ khả năng cho cả hai đi học. Được hỏi lớn lên muốn làm gì, Yani bối rối cười, không trả lời.

Yani giỏi cả tiếng Trung Hoa lẫn Anh ngữ . 64 trẻ trong lớp của Yani hiện thiếu học cụ thực tập Anh ngữ.

Đứng cạnh Yani và gia đình cô bé, He Jiguang, lý trưởng làng Zhonghe, nói: ‘ Chúng tôi cảm tạ cái ông người Nhật đó và coi trọng ý định của ông ta. Dĩ nhiên là chúng tôi sung sướng hơn nếu ngôi trường thực sự được dựng lên ở đây.’

Câu chuyện thực đang xẩy ra như vậy đấy.

Chúng ta cũng không định đợi chờ xem sự thể kết cuộc sẽ ra sao, bởi đó chẳng phải mục tiêu của chúng ta ở bài này. Và câu chuyện này cho ta thấy rằng chỉ có lòng nhân ái thực sự sống động mới vượt qua mọi trở ngại mà thôi.

*

Toàn cầu hóa Free Hugs:

Cái hớch nguyên thủy khởi đầu xuất hiện là nhằm chia xẻ niềm vui- nỗi buồn với nhau, nhưng lâu nay nó đã quá phổ biến thành một thứ hình thức nghiêng về mặt giao tế , hời hợt xã giao trong xã hội tây phương.

Còn cái hớch trong phong trào ‘free hugs’ đang diễn ra khắp ba miền đất nước hình chữ S của giới trẻ trong Việt Nam hiện nay, tôi thấy rõ là có nội dung hoàn toàn khác: Nó đã nhanh chóng lan rộng thành phong trào ba năm nay, nhờ ở sự phát xuất trung thực từ tấm lòng của lớp trẻ Việt đang sống tại Việt Nam, như một phản ứng tự nhiên của tâm lý do nhu cầu tìm kiếm tình thân chân thành của lòng nhân ái mỗi lúc đang một hiếm dần đi trong xã hội trong đó. Riêng về cách biểu lộ thì tâm lý chung của bất cứ ai trong chúng ta là ưa bắt chước của lạ, nhất là từ ngoại lai, và vì thế mà nhóm trẻ ấy họ lại chọn một hình thức tỏ bầy vốn gốc từ xã hội tây phương. Nhưng chẳng sao, chúng ta không nệ vào hình thái biểu lộ, còn cái thực chất thì đúng là nhóm trẻ này phản ứng theo nhu cầu có nguồn gốc văn hóa sâu xa là cái đang mỗi ngày một thiếu thốn sức sống thực của xã hội ấy.

Và phong trào free hugs của giới trẻ tại Việt Nam ngày nay, nói một cách khác, như một cách gián tiếp nhắc tất cả chúng ta, đang cư ngụ ở đâu cũng vậy, nhớ lại cái nội dung bầy tỏ tình thân ái thuần túy chân thật nguyên thủy của cái hớch giữa người với người vốn đã bắt nguồn từ xã hội tây phương. Từ ấy, đương nhiên free hugs đã lại trở thành toàn cầu hóa rồi đấy!

 

Phạm Quốc Bảo

( Trích HƯƠNG ĐÊM, Little Sàgòn xuất bản cuối tháng 9, 2008)

 

Ghi chú :

(1)xem chi tiết ở bài " Bonding over common roots" của Tara Bui, đăng trong trang 8, Nguoi Viet 2 News, số ra ngày thứ năm, 16 tháng tám-2007.

(2)trang 291-213, Việt Sử Toàn Thư (VSTT) của Phạm Văn Sơn, Thư Lâm Ấn Quán, 1960.

(3)trang 462-463, VSTT

(4)trang 340-341, Việt Nam Văn Học Sử, Đỗ Văn Gia, nxb Văn Gia, 1996.

(5)trang 13, Đại Học, Tứ Thư Tập Chú(TTTC), Chu Hy, Nguyễn Đức Lân chú dịch, 1998.

(6)trang 22, Đại Học, TTTC.

(7)trang 40-96, Khổng Tử ( 551-478 trước Tây Lịch), Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ 1992.

(8)trang 196, Luận Ngữ, TTTC.

(9)Vương Dương Minh (triều đại Minh, Trung Hoa, thế kỷ 16,17 ).

(10) Socialism:( khác với Chủ Nghĩa Cộng Sản, Communism) chủ trương cải tiến xã hội theo chiều hướng phát triển tự thân của con người. Hiện nay một số quốc gia đã áp dụng thành công phần nào tiêu chuẩn của Chủ Nghĩa Xã Hội cho dân chúng họ được hưởng; như xã hội nói chung các nước Bắc Âu, như các tiêu chuẩn bảo hiểm xã hội( trong đó có mức sống, y tế , giáo dục... đạt nhiều trình độ chênh lệch khác nhau) ở Úc, Canada, Đức, Pháp Hoa Kỳ ..., so với mức trung bình của dân chúng được hưởng ở khắp các quốc gia trên trái đất./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14743)