- On The Way Home
- Mục Lục Hợp Lưu 102
- Thư Tòa Soạn Hợp Lưu 102
- Lâu Đài Trên Bãi Cát (phần 2 A )
- Lâu Đài Trên Bãi Cát (phần 2 B )
- Truyện Hà Ô Lôi Trong Lĩnh Nam Chích Quái Và Tinh Thần Phản Biện Xã Hội Dưới Thời Vãn Trần
- Vũ Khắc Khoan (1917-1986) Tác Phẩm Là Một Thác Ngôn
- Bài Sử Khác Cho Việt Nam (kỳ 2)
- Puerto Princesa City
- Sóc Nâu Ngày Tháng Dại
- Đêm Lạ
- Mưa
- Đầu Làng Có Cây Vông...
- Đọc Thơ Di Cảo Mới Của Lưu Quang Vũ
- Thơ Lưu Quang Vũ (di Cảo 1972-1975)
- Ngoại Lệ Duy Nhất
- Có Một Tình Yêu
- Mẹ Tôi Và Chuyến Xe Bus 92
- Hành Khách Cuối Cùng
- Thơ Nghiêu Minh
Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm văn xuôi tự sự ít ỏi còn sót lại của thời Lý - Trần, bên cạnh các tác phẩm Việt điện u linh, Tam tổ thực lục, Thiền uyển tập anh, Nam Ông mộng lục... Lĩnh Nam chích quái có thể do Trần Thế Pháp soạn vào khoảng cuối thế kỷ XIV, sau được Vũ Quỳnh và Kiều Phú ở cuối thế kỷ XV nhuận sắc lại[1]. Sách gồm 22 truyện, ghi chép "những chuyện quái lạ ở cõi Lĩnh Nam"[2]. Tác phẩm chủ yếu ghi lại những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn về nhiều loại nhân vật, nhiều lĩnh vực và phạm vi của cuộc sống. Dù chứa đầy những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng nó vẫn được người đương thời xem làm những chuyện "có thực", như truyện Hồng Bàng, truyện Hồ tinh, Ly tinh, Mộc tinh, truyện Đổng Thiên Vương, Thần Tản Viên, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Dương Không Lộ, Giác Hải, Minh Không, Đạo Hạnh, truyện trầu cau, bánh chưng, bánh dày, truyện Rùa Vàng, Man Nương, Hà Ô Lôi ... Nghệ thuật của Lĩnh Nam chích quái về cơ bản là những ghi chép khá đơn giản, thô sơ về chân dung các nhân vật "phi thường", "toàn vẹn", nhưng cũng bắt đầu xuất hiện sự hư cấu, sáng tạo, chi tiết, tỉ mỉ. Một số truyện có mầm mống của tư duy tiểu thuyết khá rõ, nhất là Truyện Hà Ô Lôi.
1. Về thể tài của Lĩnh Nam chích quái
Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm văn xuôi tự sự tiêu biểu nhất trong văn học Lý - Trần (thế kỷ XI – XIV). Về thể tài, có thể xếp nó vào thể tài truyện. Chữ "truyện" có thể xuất phát từ phạm trù "kinh truyện" có từ xa xưa trong học thuật Trung Quốc cổ đại, và chủ yếu trong sách vở Nho giáo, để chỉ một loại văn bản quan trọng tồn tại với tư cách là sự mở rộng, phát triển, sự giải thích hay minh hoạ cho "kinh". Điều này chúng ta có thể bắt gặp trong các bộ kinh sách Nho giáo nổi tiếng của Trung Quốc, mà ở đó thường bao giờ cũng gồm hai phần chính: kinh và truyện. Kinh thường là ghi lại lời dạy của thánh nhân, truyện là ghi "ví dụ minh hoạ". Kinh Dịch (một trong "ngũ kinh") gồm phần kinh và phần hệ từ truyện. Sách Đại học (một trong "Tứ thư") cũng gồm hai phần, phần kinh có 205 chữ, phần truyện có 10 chương, tương đương với 10 truyện. Các sách Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử, Nam Hoa Kinh... tuy không chia ra như vậy, nhưng đây đó đều có phần truyện đan xen với phần kinh. Sau này, truyện mở rộng phạm vi, hình thành ngày một rõ rệt từ liệt truyện nhân vật trong Sử ký (Bản kỷ, thế gia), trong Bi chí, khoáng minh, mai minh, tán chí... của văn mộ chí... Nhưng dù dưới hình thức nào, truyện đều nhất loạt tuân thủ một nguyên tắc ghi chép sự việc. Nó là loại văn ghi chép. Theo Diêu Nại, người Trung Quốc cổ xem truyện là một trong hai thể của loại truyện trạng[3]. Truyện là những bài văn "kể lại sự tích lúc sống của người nào đó, hay thuật lại sự tích của người đã chết", như Hạng Vũ bản kỷ, Không Tử thế gia trong Sử ký; còn trạng (cũng gọi hành thuật, hành lược, sự trạng) là kể lại những sự việc "có thật" như Đoạn thái uý dật sự trạng của Liễu Tông Nguyên v.v...
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cổ còn phân biệt rất rõ truyện với tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết thiên về sự hư cấu, bịa đặt, thiên về mô tả sự vật chi tiết tỷ mỷ, sinh động... thuần bằng trí tưởng tượng, tự do, phóng túng, ít nhiều mang tinh thần "dân chủ", thì truyện lại khác. Truyện thường mang tư duy nghệ thuật quan phương – chính thống. Nó chủ yếu phản ánh cuộc sống quan phương – chính thống. Quan điểm tiếp cận hiện thực của nó là quan điểm sử thi. Cách kể của nó là cách kể lại, thuật lại trong sự trầm tĩnh[4]. Nhân vật của truyện thường là người thật việc thật, là những tấm gương mẫu mực về chí, đạo, đức, lễ, nhân, nghĩa, v.v... của các bậc thánh, các vị thần (nhân thần và thiên thần), của Phật, của các vương công, các anh hùng, liệt nữ... mang màu sắc giáo huấn, trong sự ngợi ca, tán dương, đề cao... Đó là loại văn học chân dung, văn học tấm gương, văn học minh hoạ,"văn học chức năng"... mà các nhà nghiên cứu xem như là đặc trưng cơ bản cho một giai đoạn tư duy văn học quá khứ, tư duy quan phương – chính thống.
Trong thời quá khứ, Trung Quốc không có sự khu biệt rõ rệt lắm giữa các loại truyện, truyện vừa, truyện ngắn, truyện dài. Chỉ có sự phân biệt giữa truyện (nói chung) với tiểu thuyết (nói chung). Mọi hình thức hư cấu, bịa đặt, dù dài ngắn khác nhau đều là tiểu thuyết (nên có các loại đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết). Mọi hình thức ghi chép, hay phương pháp tiểu sử dù dài ngắn khác nhau đều là truyện. Đó là sự phân biệt của hai hình thức nghệ thuật khác nhau, của hai tư duy nghệ thuật khác nhau, của hai cách tiếp cận hiện thực và cách kể khác nhau giữa truyện và tiểu thuyết.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà truyện trong thời Lý - Trần chủ yếu là về các chân dung, các tấm gương, là các bản tiểu sử. Phần lớn truyện trong các bộ sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Tam Tổ thực lục... là như vậy. Các truyện ở thời này chủ yếu ghi chép lại những con người và sự việc có thật, hoặc được xem là có thật. Đó là kiểu truyện giống với truyện "người thật, việc thật" sau này. Nó ghi lại một cách trung thành và nguyên vẹn công đức của những người có công với dân tộc, với sự phụng thờ ngai vàng phong kiến, cũng như phụng thờ Đức Phật. Đó là những tấm gương mẫu mực mà con người cần hướng tới và noi theo. Việt điện u linh gồm 28 truyện, về 28 vị thần, cả thiên thần và nhân thần, không phải do Lý Tế Xuyên bịa ra, mà là những vị thần được xem như có thật, đang tồn tại thật, đang phù trợ cho con người và đang được thờ phụng ở cõi đất Việt, như chính tên tập sách đã nêu. Lý Tế Xuyên cũng không phải là người đầu tiên ghi chép lại. Ông chỉ là người kế thừa, tập hợp những ghi chép trong các sách Giao Chỉ ký, Báo cực truyện, Đỗ Thiện sử ký, cũng như trong các thần tích đền miếu, các đạo, sắc, chỉ phong thần của vua chúa nhà Trần đối với các thiên thần và nhân thần thời đó. Các vị thần luôn luôn tồn tại trong cuộc sống hiện thời, giúp đỡ con người trong công cuộc chống xâm lược và xây dựng quốc gia, trong lao động sản xuất, cũng như trong các hình thức sinh hoạt xã hội khác. Các vị thần ấy, vì được xem là có thật trong lịch sử, nên cũng không xa lạ gì không chỉ với đương thời mà còn với chúng ta ngày nay. Đó là Hai Bà Trưng, Cao Lỗ, Lý Phục Man, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Thần Tản Viên v.v... như những tấm gương chói loà của đời sống tinh thần con người lúc đó. Trong Thiền uyển tập anh ngữ lục có bao nhiêu "truyện" thì có bấy nhiêu nhân vật và cũng có bấy nhiêu tấm gương. Đó là những tấm gương sáng của những con người tiêu biểu nhất trong sự phụng thờ Đức Phật, như chính tên tác phẩm nêu: "Tập hợp những vị anh tú trong vườn Thiền". Tam Tổ thực lục cũng vậy. Dù cho có viết về hành trạng và công đức của gần 100 vị sư trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, hay viết về hành trạng và công đức ba vị tổ sư Thiền phái Trúc Lâm trong Tam tổ thực lục, thì cũng đều bằng một ngòi bút chép "người thật, việc thật". Giống với các sách trên, Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng cũng là những ghi chép của tác giả về những "người thật, việc thật", những có điều do chính ông "kiến văn" (mắt thấy, tai nghe), và được ông xem như là những tấm gương sáng về "việc thiện" ở đời. Trong Bài tựa tập Nam ông mộng lục, Hồ Nguyên Trưng viết: "Tôi thường tìm ghi những việc cũ... để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa"[5].
Với Lĩnh Nam chích quái, tình hình có khác ít nhiều. Rõ ràng bản Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú ở thế kỷ XV còn lại đến nay có bút pháp đôi khi khác biệt với các loại truyện ký nêu trên. Ở đây, tính ghi chép nhiều khi bị phá vỡ, vai trò của hư cấu, bịa đặt bắt đầu có ý nghĩa nhất định. Song chúng ta đều biết, Vũ Quỳnh tự nhận đã "đem ra hiệu đính", Kiều Phú tự nhận đã "thêm ý riêng của mình" đối với cuốn Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp ở thời Trần. Ngày nay chúng ta không thể khôi phục lại được diện mạo nguyên vẹn tác phẩm của Trần Thế Pháp, nhưng có lẽ tác phẩm của ông ban đầu cũng rất đậm tính ghi chép, có điều, đây là ghi chép về các truyền thuyết dân gian. Song các truyền thuyết đó không mất đi vai trò tấm gương có tính hiện thực đối với con người. Cho nên chính Vũ Quỳnh và Kiều Phú phải thừa nhận, Lĩnh Nam chích quái đối với con người đương thời, "là những tấm gương sáng, nên truyền tụng, yêu dấu, lấy đó làm răn"[6]. Cũng như trong Việt điện u linh, ở đây, những thiên thần và những nhân thần đều gắn bó với con người, phù trợ cho con người một cách hiện thực trong cuộc sống. Đó là Hai Bà Trưng, Đổng Thiên Vương, Thần Tản Viên, họ Hồng Bàng... và gần gũi hơn nữa là những con người của chính thời đại này như: Không Lộ, Đạo Hạnh, Minh Không... Tuy nhiên, một số truyện trong Lĩnh Nam chích quái bắt đầu có dấu hiệu của hư cấu, bịa đặt, nhất là Truyện Hà Ô Lôi, tức là bắt đầu có dấu hiệu của tư duy tiểu thuyết. Và chúng ta có thể thấy, đó là sự ảnh hưởng của nghệ thuật tiểu thuyết cổ của Trung Quốc được tiếp thu vào Việt Nam.
Vậy "tiểu thuyết" ở đây cần được hiểu như thế nào? Nó có giống với khái niệm tiểu thuyết trong thời hiện đại không? Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cổ, tiểu thuyết có nguồn gốc sâu xa từ văn học tối cổ. Lỗ Tấn cho rằng tiểu thuyết bắt nguồn từ thần thoại. Khổng Tử, Trang Tử đều có nói tới "tiểu thuyết". Nhưng phải đến Ban Cố trong Hán Thư, tiểu thuyết mới có khái niệm rõ ràng. Ban Cố viết: "Những cái mà các nhà tiểu thuyết truyền bá là do các quan nhỏ chuyên nhặt những câu chuyện đầu đường hè phố (nhai đàm hạng ngữ) rồi đặt ra". Sách Chư tử lại xem truyện ngụ ngôn là mầm mống của tiểu thuyết. Các tạp sử như Ngô Việt xuân thu, Việt tuyệt thư đều có phong vị tiểu thuyết. Đến thời Nguỵ Tấn Nam Bắc Triều thì tiểu thuyết hình thành, chia làm hai loại: Tiểu thuyết chí quái (chuyện thần quái) và tiểu thuyết dật sự (chuyện con người). Nhưng phải đến đời Đường thì tiểu thuyết mới thực sự có địa vị to lớn trên văn đàn. Lỗ Tấn viết: "Tiểu thuyết đến đời Đường có bước chuyển biến vĩ đại... Truyện chí quái và chí nhân thời Lục Triều thường rất ngắn, rất thô sơ, thiên về ghi chép. Đến đời Đường tiểu thuyết mới được sáng tác có ý thức. Trong lịch sử tiểu thuyết, đây là một tiến bộ rất lớn. Hơn nữa, văn chương của nó dài hơn, nghệ thuật miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ..."[7]
Nhưng khái niệm "tiểu thuyết" này có từ thời nào? Nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Ngô Điều Công cho rằng tiểu thuyết chính là truyện truyền kỳ đời Đường. Ông viết: "Truyền kỳ vốn là tên riêng của tập tiểu thuyết của Bùi Hàng đời Đường. Về sau người ta gọi chung tiểu thuyết đời Đường là truyền kỳ"[8]. Sách Hậu sơn thi thoại viết rằng Phạm Trọng Yêm khi nhận xét về Âu Dương lâu ký của người đời Tống đã gọi truyền kỳ là tiểu thuyết đời Đường....Vì thế người ta còn gọi chung là tiểu thuyết truyền kỳ. Lỗ Tấn đánh giá rất cao tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường, ông viết: "Truyền kỳ vốn bắt nguồn từ chí quái, nhưng được tô điểm thêm, đưa vào nhiều chi tiết hơn, gây thêm sóng gió, vì thế mà thành tựu của nó đặc biệt khác thường"[9]
Nội dung truyện truyền kỳ thường miêu tả những chuyện lạ lùng, kỳ quái. Yếu tố hoang đường kỳ ảo vừa được xem như là một thủ pháp nghệ thuật để phản ánh hiện thực, lại vừa được xem như là bản thân hiện thực. Nó chủ yếu đi vào hai mảng đề tài chính: 1) Những tài tử, hiệp khách và cuộc sống giang hồ; 2) Những người phụ nữ với đời sống tình ái phức tạp. Nghệ thuật truyện truyền kỳ kết hợp tài tình giữa hiện thực và hoang tưởng, lịch sử và kỳ ảo, xây dựng những thế giới nhân vật sinh động, hấp dẫn, thể hiện tính hư cấu, sáng tạo . Nó miêu tả nhân vật và sự việc khúc chiết, rõ ràng, tỉ mỉ. Nó thể hiện một trí tuởng tượng phong phú, tự do và phóng túng.
Trong quan niệm của giai cấp phong kiến thống trị thời cổ xưa, thể loại tiểu thuyết là một thể loại luôn mang tư tưởng "nổi loạn", có hại cho "thế giáo", bởi nó luôn khẳng định tính "hữu biến" của cuộc đời, của các số phận, của đời sống con người nói chung, luôn mâu thuẫn với tính "bất biến", "vĩnh viễn", "trường tồn" của trật tự phong kiến. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết thường xuất hiện mạnh mẽ trong những thời kỳ biến động, chao đảo của chế độ phong kiến. Cũng không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, tiểu thuyết với đúng nghĩa của nó, luôn được xem là một thể loại văn học mang tính dân chủ và tinh thần phản biện xã hội mạnh mẽ. Tiểu thuyết truyền kỳ trong con mắt của giai cấp phong kiến chính thống luôn đối lập với các loại kinh truyện được xem là loại văn chương quan phương – chính thống, văn chương cao quý. Nó bị coi là thứ văn chương thấp kém, là thứ văn "tiểu đạo", là loại "ngoại thư", là thứ "tạp truyện", "bỉ ngữ" vì chuyên phản ánh những câu chuyện đầu đường hè phố (nhai đàm hạng ngữ), chuyện "đàn bà", chuyện quỷ thần, mà chính Khổng Tử cũng tỏ ý miệt thị, cấm đoán: "Bất ngữ quái, lực, loạn, thần" (Luận ngữ).
Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm thuộc thể loại truyện, tuy nhiên trong đó, như đã nói, có một số truyện thể hiện rõ tính chất hư cấu của tiểu thuyết, tiêu biểu là Truyện Hà Ô Lôi. Nó đặt nền móng cho loại tiểu thuyết truyền kỳ rất phát triển trong các thời kỳ đầy biến động của sự khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam sau này.
2. Nghệ thuật tiểu thuyết và tinh thần phản biện xã hội trong Truyện Hà Ô Lôi
Truyện Hà Ô Lôi mang nhiều giá trị khác nhau, song nổi bật nhất là ấp ủ những mầm mống của tư duy tiểu thuyết về mặt hình thức và tinh thần phản biện xã hội về mặt nội dung. Đây là câu chuyện khá ly kỳ, hấp dẫn về một nhân vật có tính chất "chí quái" tên là Hà Ô Lôi. Toàn bộ câu chuyện là kể về những chuyện loạn luân, những cuộc phiêu lưu tình ái, những thú vui vật dục, những tình cảnh mắc lỡm bi hài, những chuyện vụn vặt của những mảnh đời vụn vặt, dù đó là bậc đế vương, là vị quận chúa, là nhà quyền quý hay đám bình dân. Một câu chuyện rất ngắn. Lời văn kể rất nhanh hoạt. Nhưng lại rất thành công khi dựng lên cả một bức tranh đa sắc màu của cuộc sống thường nhật từ cung đình đến đời sống thứ dân ở chốn kinh kỳ bị lao vào vòng xoáy của những dục vọng, những niềm vui thanh sắc hay những thú vui xác thịt. Phải đặt câu chuyện trong bối cảnh thời Vãn Trần mới thấy hết giá trị của nó.
Đó là thời kỳ mà tư tưởng Nho giáo chính thống về cương thường, về lý tưởng cao siêu bị coi nhẹ, bị lãng quên, bị gạt ra rìa cuộc sống. Nhạt loãng tinh thần Khổng giáo. Tình trạng khô đạo phổ biến. Sự rạn vỡ từng mảng lớn của lý tưởng Nho gia đã làm thay đổi tâm lý xã hội. Đời sống hiện thực có phần dung tục bắt đầu có dấu hiệu thắng thế. Người ta tò mò, thèm khát những đổi thay, những cảm giác được thưởng thức cái bí ẩn, cái phần thầm kín "bên dưới" vốn bị bưng bít, che đậy, cấm đoán, mà nhiều khi xao nhãng hay bỏ quên cái phần "bên trên" tuy vẫn còn được cho là cao quý nhưng đã trở nên nhàm chán. Người ta chạy theo những niềm vui thực tế có khi suồng sã, tầm thường.
Toàn là những tình huống bất thường, tầm thường và dung tục. Nhưng đó lại là những thông điệp nghệ thuật về một vấn đề mới mẻ bắt đầu xuất hiện trong xã hội: Đòi hỏi thay đổi các giá trị, đòi hỏi hưởng thụ, đòi hỏi thoả mãn dục vọng cá nhân... Một tư tưởng nghệ thuật mới, hướng tới sự biến đổi, khao khát đổi thay, chờ đợi đổi thay. Cái sống cái chết được đặt trên một thang giá trị mới. Khao khát thanh sắc thay cho khao khát lý tưởng tu tề trị bình. Đúng là, "vào cuối thời Trần, giai cấp thống trị dần dần đi vào sa đoạ. Những tiếng kêu thống thiết của quần chúng "manh lệ" tích luỹ từ bao nhiêu năm tháng đến đây bỗng có dịp cất lên. Yêu cầu tố cáo hiện thực ngang nhiên đi vào thơ văn và để đáp ứng nó, một loạt những hình thức văn học tự sự xuất hiện... Những truyện kín đáo kiểu Truyện Huyền Quang, sỗ sàng kiểu Truyện Hà Ô Lôi... đều trực tiếp hay xa gần xoáy vào việc mô tả đời sống xa hoa của giai cấp thống trị, sự tha hoá cùng cực của giai cấp thống trị"[10].
Ta hãy dõi theo bước chân của nhân vật chính Hà Ô Lôi và những diễn biến của câu chuỵện để thấy được cái dụng ý nghệ thuật của tác giả khi trình bày về sự đảo điên của thế đạo nhân tâm, của đạo lý con người. Hà Ô Lôi được sinh ra từ một cuộc loạn luân. Truyện kể rằng có người đàn bà tên là Vũ Thị, chồng là Sĩ Doanh, một mệnh quan vâng lệnh của triều đình đi sứ vắng, ở nhà bị thần Ma La hoá thân giả làm chồng đến tư thông suốt cả một năm trời, sau đó sinh ra một đứa bé "da đen như mực". Người chồng trở về, rất đau tức, đem sự việc kiện lên vua. Nhà vua xét xử và phán rằng: "Vợ trả cho Sĩ Doanh, con trả cho thần Ma La". Lời kể cứ tưng tửng chẳng tỏ vẻ gì là trầm trọng, ám chỉ rằng cái sự việc như thế vẫn thường xảy ra không đáng phải quá bận tâm. Và người xét xử cũng xem đó là chuyện thường. Câu chuyện ở thời Trần mà hao hao giống với Truyện đối tụng ở long cung trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ở thời kỳ phong kiến khủng hoảng thế kỷ XVI, khi Long Vương xử vụ án thần Thuồng Luồng cướp vợ của Trịnh Thái thú là Dương Thị, đẻ ra một đứa trẻ, cũng có kết cục tương tự như thế: "Con trả cho thần Thuồng Luồng, vợ về với Trịnh Thái thú". Điều đó chứng tỏ nhiều vấn đề của thời kỳ xã hội phong kiến khủng hoảng của thế kỷ XVI đã có mầm mống ngay từ thời Vãn Trần.
Quan niệm về "tài năng", "chí hướng" cũng thay đổi. Tài năng chí hướng trước đây là để phụng sự nhà vua và triều đình, đất nước và nhân dân, thì nay là thứ tài chí chỉ để phục vụ cho việc mua vui, để hưởng thụ, thoả mãn nhục dục của con người. Cho nên cái tài chí ấy được sinh ra trong những hoàn cảnh cũng rất "mất vệ sinh". Đây cũng là một điểm đáng lưu ý. Truyện kể rằng, khi 15 tuổi, "một hôm, Ô Lôi ra ngoài dạo chơi, gặp tiên Lã Động Tân. Lã Động Tân hỏi rằng: "Cậu bé giỏi, ý muốn theo đòi gì chăng?" Ô Lôi đáp rằng: "Nay thiên hạ thái bình, nước nhà vô sự, xem giàu sang như mây nổi, chỉ muốn có thanh sắc để mua vui cho tai mắt mà thôi". Động Tân cười nói: "Thanh sắc của ngươi sẽ được và mất ngang nhau, tên tuổi của ngươi sẽ lưu lại cõi thế". Rồi bảo Ô Lôi mở miệng để xem thử. Ô Lôi há miệng cho xem. Động Tân nhổ nước bọt vào, bảo nuốt, rồi bay lên không mà đi. Từ đấy, Ô Lôi tuy không biết chữ nhưng thông minh nhanh nhẹn, mồm mép hơn người, từ chương thi phú, hát ca ngâm ngợi, cợt gió đùa trăng du dương theo mây bổng, ai cũng thích nghe. Đàn bà con gái lại càng say mê..."[11]
Ô Lôi được vua rất cưng chiều, che chở, luôn dắt theo bên mình. Vì thế Ô Lôi càng ngày càng làm nhiều trò thương luân bại lý mà không ai dám làm gì, bởi vì vua ra quy định "Nếu ai tư sát, phải bồi thường một vạn quan". Cho nên Ô Lôi được thể lộng hành, dám tư thông với cả con gái lớn của Minh Uy Vương, cha của một cung phi. Ô Lôi không đơn thuần là một "con người", mà còn là một giá trị có tính biểu trưng. Đó là "tính cách Ô Lôi", "lối sống Ô Lôi", là biểu tượng của một phần cuộc sống sinh hoạt "phần dưới" vốn bị che đậy, nay có cơ hội lộ thiên, loã thể, lộng hành… Ô Lôi cùng vua vui đùa, bày nhiều thú ăn chơi. Vua tôi rất đắc ý, hãnh diện. Niềm kiêu hãnh của Hà Ô Lôi là một niềm kiêu hãnh bệnh hoạn về những điều trước đây bị che giấu. Kiêu hãnh về cái tầm thường lên ngôi. Những khát vọng đen tối của bậc đế vương hay giới quyền quý vốn bị bưng bít, che đậy nay được phô bày một cách công khai. Câu chuyện như một sự "bạch hoá", một sự công khai hoá những thói xấu tiềm ẩn của những con người thuộc tầng lớp thống trị vốn thường đạo mạo giả dối. Và thế là cái nhếch nhác của tầng lớp vua chúa, quý tộc lộ ra, cùng với sự "lên ngôi" của những kẻ "sất phu sất phụ" vốn bị khinh bỉ. Câu chuyện mách bảo cho chúng ta về một xã hội bắt đầu đảo lộn, nhưng hình như lại có phần bớt nghẹt thở hơn, có phần "dân chủ" hơn cho đám bình dân.
Ngay cả dân chúng, "tuy có khinh rẻ, nhưng vẫn thường bị thanh âm lôi cuốn, tránh đi cũng không thể được, thành ra lại càng tư thông với Ô Lôi". Sự tò mò, sự cam chịu, sự a dua của người đời với những "thói xấu" là căn bệnh xã hội. Tâm lý "a tòng" với cái hèn hạ, xấu xa của quan trường và dân chúng như một hội chứng phổ biến đương thời.
Và cuối cùng là triết lý sinh tồn đã đổi thay của con người trong một thời kỳ xã hội bát nháo, khi các thang giá trị đã thay đổi một cách không ngờ. Niềm vui, sự hứng thú, say mê của con người, từ đấng chí tôn tới kẻ thứ dân trở nên tầm thường, bệnh hoạn. Người ta thấy gì từ câu chuyện này? Người ta thấy một xã hội như một tấn tuồng, luân thường đạo lý bị vứt bỏ, kỷ cương trật tự bị đùa cợt. Người ta thấy gì? Người ta thấy một xã hội thần tiên không còn ra thần tiên. Thần Ma La thì dâm ô bừa bãi. Tiên Lã Động Tân thì dung dưỡng cho những tài chí kỳ quái, hay lạc thú thấp hèn… Người ta thấy một xã hội vua chúa không còn ra vua chúa. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Lĩnh Nam chích quái lại dựng lên bối cảnh câu chuyện xảy ra dưới thời Vãn Trần và nhân vật nhà vua trong truyện lại là vua Trần Dụ Tông. Bởi vì Trần Dụ Tông, như những ghi chép còn lại trong chính sử cho chúng ta thấy đây là một ông vua rất hèn kém, làm vua tới gần 30 năm (1341 – 1369), nhưng không lập được công trạng gì ngoài chuyện ăn chơi, lười biếng và nhu nhược. Đại Việt sử ký toàn thư chép, vua Dụ Tông "ở ngôi 28 năm, thọ 34 tuổi... Từ năm Đại trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy vi". Lại chép: "Dụ Tôn thích chơi bời, lười việc chính sự, bọn quyền thần nhiều người làm trái phép, [Chu] An can Dụ Tôn không nghe, dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần đều là người quyền thế vua yêu, người bấy giờ gọi là sớ "thất trảm". Vua không trả lời. An bèn treo mũ bỏ về"[12]. Đây chính là ông vua đầu tiên của thời kỳ suy bại của triều Trần. Trong truyện, người ta không thấy ông vua này lo chuyện chính sự, mà chỉ thấy suốt ngày "đàn đúm" cùng Ô Lôi, bày những trò tiêu khiển rẻ tiền và "chim gái". Vua phải lòng cô quận chúa goá chồng 23 tuổi tên là Ả Kim "xinh đẹp có một không hai". Nhưng vì không gạ gẫm được nên vua rất oán hận, bèn cùng Hà Ô Lôi bày mưu tính kế, kể cả những thủ đoạn đê hèn để đưa cô vào tròng, để hạ nhục cô ngay giữa triều đường. Nhưng hạ nhục cũng không oan. Bởi vì cô quận chúa xinh đẹp Ả Kim, tuy chồng mới chết, nhưng không giữ giá, bị tiếng hát ma quái của Ô Lôi làm cho mê mẩn, khiến thành tương tư. Rồi vượt qua mọi ràng buộc đạo lý, bèn cùng Ô Lôi tư thông, "tình ái ngày một thêm nồng, đến nỗi quên cả Ô Lôi là người đẹp hay xấu"… Người ta thấy một xã hội bề tôi không còn ra bề tôi. Kẻ thân cận nhà vua như Ô Lôi thì a tòng cùng các thói xấu của vua. Không những thế còn bày nhiều trò tiêu khiển trái với luân thường đạo lý. Những triều thần khác thì ngậm miệng làm ngơ, hoặc cũng a dua theo... Người ta thấy một xã hội vợ chồng không còn ra vợ chồng. Cái đạo lý vợ chồng thiêng liêng cao quý bị những người đàn bà quý tộc hẳn hoi quẳng vào sọt rác. Vũ Thị thì tư thông với quỷ thần. Ả Kim thì gian dâm với tôi tớ. Đời sống con người quay cuồng trong vật dục. Cả một xã hội dường như bị tê liệt trước những ham muốn quái đản của tầng lớp vua chúa, quý tộc. Thậm chí nó còn được những kẻ trong cuộc xem như một niềm đam mê, một "lẽ sống"...
Những điều đó chính là biểu hiện của mầm mống "tiểu thuyết" khi nó chứa đựng những "tiếng cười lưỡng tính, đầy sự báng bổ, trần tục hoá những gì thiêng liêng, cuộc sống của sự hạ thấp và bất nhã, cuộc sống của sự giao tiếp với mọi người và mọi cái"[13], điều chưa từng xảy ra trong văn học quan phương – chính thống đương thời. Cho nên chúng ta thấy ngòi bút của tác giả câu chuyện không khỏi vừa bỡn cợt lại vừa chua chát khi để cho nhân vật Hà Ô Lôi "tung hoành" khắp chốn miếu đường lẫn nơi dân dã, một kẻ "tuy không biết chữ" nhưng lại là một "ca sĩ" trứ danh, thậm chí là một "thi sĩ" của dòng thơ "quốc ngữ" trong buổi ban mai của thể thơ này! Nếu như không thấy cái dụng ý sâu kín của tác giả thì hẳn sẽ có người cho rằng Hà Ô Lôi thuộc hàng "tiên phong" trong các tác giả của dòng thơ Nôm Việt Nam. Vừa ly kỳ vừa trào lộng, con người Hà Ô Lôi, hay đúng hơn là "phong cách Hà Ô Lôi", "triết lý sống Hà Ô Lôi" là một hiện tượng đặc biệt "phi phàm", có sức sống hết sức dai dẳng, dù có đánh có giết cũng không chết, mà như lời kể trong truyện, phải "dùng chày mà giã mới chết". Nhưng dù có bị cho vào cối giã, đến khi sắp chết Hà Ô Lôi vẫn còn cố ngoi dậy để làm thơ, để đọc thơ ca tụng cái lẽ sống của mình, ấy là cái lẽ sống vì nhục dục, vì thanh sắc. Đây là một trong hai bài thơ Nôm được cho là sớm nhất còn lại đến nay. Bài thứ nhất là bài thơ "Vằng vặc trăng mai ánh nước" đầy cảm xúc nhục thể tinh tế được làm bởi nàng Điểm Bích trong Truyện Huyền Quang của sách Tam tổ thực lục, cũng là một câu chuyện tình ái ly kỳ mang màu tiểu thuyết giữa nàng Điểm Bích và sư Huyền Quang dưới thời Vãn Trần. Bài này được làm bởi Hà Ô Lôi cũng là để diễn tả cái cảm xúc nhục thể nhưng có phần sỗ sàng như bản thân câu chuyện:
Sinh tử là trời sá quản bao
Nam nhi miễn được tiếng anh hào
Thác bề thanh sắc cam là thác
Thác đảng nào nên cơm gạo nào?
Truyện Hà Ô Lôi là một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó phản ánh tấn bi hài kịch lịch sử của vương triều Trần khi bước vào giai đoạn suy thoái một cách nghệ thuật. Không phải chỉ là tiếng nói phê phán, tố cáo giai cấp thống trị, mà nó còn là tiếng kêu than cho thế đạo nhân tâm, tiếng nức nở của trái tim con người trước sự đổ vỡ của giáo lý Nho gia, trước cảnh sống nhố nhăng của vua chúa, quan lại và bày tỏ niềm khao khát về một sự đổi thay, một trật tự xã hội mới. Đồng thời nó cũng cất lên tiếng cười mỉa mai, châm biếm chế độ đương thời. Tinh thần phản biện xã hội là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm này. Những hư cấu, bịa đặt để có được một cốt truyện lạ lùng, một nhận vật độc đáo với những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn đã làm thay đổi cơ bản tư duy nghệ thuật quan phương - chính thống của loại "văn học chức năng", tiếp cận với tư duy tiểu thuyết, làm nền tảng cho sự phát triển của loại "văn học phi chức năng" sau này. Hơn nữa, việc câu chuyện được mọi người quan tâm, thích thú, thậm chí được "truyền tụng, yêu dấu" đã mách bảo cho chúng ta biết thêm về thái độ của con người trong thời kỳ suy bại của một chế độ, khi mà người dân và kẻ sĩ không chỉ biết khiếp nhược, cam chịu và tuân phục, mà còn bắt đầu nghi ngờ, cười cợt, thậm chí khinh bỉ và phủ nhận cả đấng chí tôn cùng những giáo điều đã trở nên vô nghĩa.
Nguyễn Phạm Hùng
(Đại học Quốc gia Hà Nội)
Chú thích:
[1] Về tác giả của sách Lĩnh Nam chích quái hiện vẫn còn nhiều nghi vấn. Vũ Quỳnh trong bài Tựa cho rằng sách này "viết ra đầu tiên là do những bậc tài cao học rộng ở thời Lý - Trần". Lê Qúi Đôn trong Kiến văn tiểu lục ghi: "Sách Lĩnh Nam chích quái tục truyền là do Trần Thế Pháp viết". Từ đó nhiều nhà nghiên cứu suy luận Trần Thế Pháp là người thời Trần và là tác giả đầu tiên của sách này. Nhưng lại có ý kiến cho rằng Lý Tế Xuyên hay Hồ Tông Thốc mới là những người khởi tạo tác phẩm này. Lại cũng có ý kiến cho rằng Trần Thế Pháp là người sống cùng thời với Vũ Quỳnh và Kiều Phú, ở nửa sau thế kỷ XV, cùng thi đỗ một khoa với Vũ Quỳnh, "khoa Vũ Quỳnh đỗ Hoàng giáp thì Trần Thế Pháp đỗ đồng Tiến sĩ, còn Kiều Phú lại đỗ trước một khoá, vào năm Hồng Đước thứ 6 (1475)" (Bùi Văn Nguyên: Tân đính Lĩnh Nam chích quái, NXB Khoa học xã hội, H. 1993, tr. 9), và cho rằng Trần Thế Pháp chỉ là một trong những người tham gia hiệu đính Lĩnh Nam chích quái. Tuy nhiên trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (NXB Văn học, H. 1993) do Ngô Đức Thọ chủ biên và nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán – Nôm thực hiện không có tên Trần Thế Pháp thi đỗ khoa nào, trong khi đó ghi rõ việc đỗ đạt của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, nên phỏng đoán này cũng không thuyết phục.
[2] Về số truyện trong Lĩnh Nam chích quái hiện không thống nhất, có tài liệu xác định 21 truyện, có tài liệu xác định 22 truyện, lại có tài liệu các định 23 hay 25 truyện.
[3] Diêu Nại: Cổ văn từ loại toản. Dẫn theo Vương Lực: Cổ đại Hán ngữ, Bắc Kinh giáo dục xuất bản xã, 1961.
[4] Hoàng Ngọc Hiến: Năm bài giảng về thể loại. Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, H. 1992.
[5] Vũ Quỳnh và Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái (Bản dịch của Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San), NXB Văn hoá, H. 1959.
[6] Hồ Nguyên Trừng: Nam Ông mộng lục, trong Thơ văn Lý - Trần, T. III, NXB Khoa học xã hội, H. 1978.
[7] Lỗ Tấn: Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên. Trong Lỗ Tấn toàn tập, T. 8, tr. 325.
[8] Ngô Điều Công: Văn học phân loại đích cơ bản tri thức. Trường Giang văn nghệ xuất bản xã, 1959, tr. 70.
[9] Trích theo Lịch sử văn học Trung Quốc, T. II, NXB Văn học, H. 1964 (Bản dịch Trung Quốc văn học sử, Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện khoa học Trung Quốc biên soạn, NXB Nhân dân văn học, Bắc Kinh 1962)
[10] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý - Trần, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1977, tr. 186
[11] Theo văn bản Truyện Hà Ô Lôi trích trong Thơ văn Lý - Trần, T. III, NXB Khoa học xã hội, H. 1978.
[12] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. II, NXB Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 148.
[13] M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, H. 1992.