- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Tòa Soạn Hợp Lưu 102

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8377)

Mùa Thu đang trở về với chúng ta. Trời bắt đầu trở lạnh. Không gian êm ả của những ngày giao mùa bất chợt rúng động cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khởi đầu với sự sụp đổ của đại công ty tài chính Hoa Kỳ Lehman Brothers, hàng loạt các cơ sở tài chính khác trên thế giới đã bị cuốn vào vòng xoáy khủng khiếp. Ai nấy hồi hộp theo dõi tin tức biến động từng ngày. Chính phủ các nước đã và đang vận dụng hết khả năng để cứu vãn và phục hồi niềm tin vào một hệ thống tài chính bền vững.
Mùa thu 2008 cũng là mùa bầu cử tổng thống và nửa số ghế thượng viện của Liên Bang Mỹ. Gây sôi nổi nhất là cuộc tranh giành giữa hai liên danh John McCain-Palin của Đảng Cộng Hòa và Barack Obama-Biden của Đảng Dân Chủ. Dù McCain hay Obama thắng cử, chắc chắn tân tổng thống Mỹ sẽ phải đương đầu với sự đe dọa của một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, và sự chia rẽ vô phương hàn gắn giữa hai khuynh hướng tiến bộ và bảo thủ.
Tại Việt Nam, tin mới nhất cho biết bão lụt lại tàn phá một số khu vực. Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung được coi như khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất của hiện tượng gia tăng sức nóng của khí quyển.
Hợp Lưu 102, như thông lệ, xin đến với bạn đọc như một món ăn tinh thần giúp tạm quên đi giây lát hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Phần II bài viết “Lâu Đài Trên Bãi Cát” của sử gia Chính Đạo ghi lại một giai đoạn lịch sử còn dầy phủ bóng tối truyền đơn khẩu hiệu suốt 33 năm qua, và đưa ra những nhận định tâm huyết về tương lai Việt Nam. Nguyễn Phạm Hùng đóng góp biên khảo “Truyện Hà Ô Lôi;” Thụy Khuê với tiểu luận về cuộc đời và tác phẩm nhà văn quá cố Vũ Khắc Khoan; sử gia Tạ Chí Đại Trường tiếp nối nhận định “Bài sử khác cho Việt Nam.”
Hợp Lưu 102 đặc biệt gửi đến bạn đọc trao đổi ý kiến mới nhất về cuộc chiến Việt Nam, 1959-1975 giữa hai nhà văn Trần Vũ và Phan Nhật Nam, “Gặp lại Phan Nhật Nam trên quốc lộ I.” Dù đã chấm dứt hơn ba mươi ba năm qua, dấu ấn chiến tranh vẫn còn ghi đậm trong tâm khảm người Việt hải ngoại. Đặc biệt nhà văn Phạm Xuân Nguyên giới thiệu cách nhìn khác về cuộc chiến trong di cảo thơ của Lưu Quang Vũ.
Ký “Puerto Princesa City” của Nguyễn Xuân Tường Vy và “Mẹ tôi và chuyến xe bus 92” của Lê Quỳnh Mai phản ánh tâm trạng lưu vong của hai thế hệ người Việt. Người mẹ trong Lê Quỳnh Mai sống với quá khứ và những kỷ niệm chất chồng để lại sau hai cuộc đổi đời, 1954 và 1975. Nguyễn Xuân Tường Vy ghi lại nỗi ưu tư khắc khoải của một tuổi thơ vỡ vụn khi phải lìa xa đất mẹ tìm tương lai trong một xã hội phân ly tan vỡ. Và nhà văn Phạm Quốc Bảo với “Thất lạc, nhưng không đánh mất mình.”
Về truyện ngắn, Hợp Lưu 102 xin giới thiệu những sáng tác mới nhất của ĐaMi, Nguyễn Thị Thảo An, Trần Trung Sáng, Khiêm Nhu, và Trần Viết Minh-Thanh.
Về thơ, Hợp Lưu 102 tập họp một sáng tác thơ đa dạng với các tác giả Đặng Hiền, Đoàn Minh Châu, Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Lưu Diệu Vân, Nghiêu Minh, Lê Yêu Thương, và Nguyễn Thị Anh Đào.
Hợp Lưu cũng xin trân trọng giới thiệu những người viết mới: Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Anh Đào, Khiêm Nhu, và Lữ Thị Mai thật đặc sắc qua hai truyện ngắn “Đầu làng có cây vông” và “Vết son từ Thẩm Quyến”.
Kể từ số nầy, chúng tôi mở lại mục Ngày tháng.... Đồng thời tạm ngưng mục Giới Thiệu Sách cho đến khi có người chịu hy sinh... phụ trách. Chân thành cảm ơn nhà văn Trang Luân đã giúp Hợp Lưu hơn một năm qua.
Kính chúc qúi độc giả và văn thi hữu một mùa Thu an lành hạnh phúc.
TẠP CHÍ HỢP LƯU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12567)
(Xem: 11083)
(Xem: 11124)
(Xem: 10684)
(Xem: 10045)
(Xem: 9485)
(Xem: 10241)
(Xem: 11290)
(Xem: 10958)
(Xem: 11044)