- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Puerto Princesa City

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9422)

hl101_0_300x236_1LTS: Ký, một thể loại hiếm trong văn học di dân Việt Nam, càng hiếm ở những cây bút mới. « Puerto Princesa City » mang sự đặc biệt khi ghi lại tâm trạng của một thế hệ trẻ mà ngày vượt biên hãy còn niên thiếu. Ưu điểm của Nguyễn Xuân Tường Vy nằm trong giọng văn tự nhiên, nhẹ nhàng giàu cảm xúc. Ưu điểm còn tìm thấy ở khả năng vận dụng hình ảnh qua hoán vị, ở ngón tay sao biển, ở bông hoa trắng biểu trưng tuổi thơ vừa chìm xuống đại dương.

Nguyễn Xuân Tường Vy đã liều lĩnh phá gẫy thời gian tuyến tính trong Ký, hòa quyện quá khứ vào thực tại với sự trở về từ tương lai để trông thấy thêm một lần nữa ngón tay mình năm mười bốn. Ngón tay tác giả biểu cảm bi kịch đất nước.

Puerto Princesa City cho phép chúng ta chờ đợi những đoạn Ký khác của Nguyễn Xuân Tường Vy, một ngòi bút giàu tiềm năng.

Tạp Chí Hợp Lưu.

 

Tôi đến Manila lần thứ hai, như một du khách. Buổi chiều chập choạng. Thành phố bên dưới rực rỡ ánh đèn. Tôi xuống sân bay, gió nóng tạt vào mặt. Tôi đợi cảm giác bồng bềnh bước đi trên sóng như tôi vẫn nhớ về Manila trong giấc ngủ. Nhưng tôi bước bằng hai chân vững trên mặt đất đi qua hải quan. P trình passport và visa xin nhập cảnh. Phi trường quốc tế Manila không có gì khác biệt. Quang cảnh ồn ào nhộn nhịp của chuyến bay mới đáp tựa trí nhớ tôi mãi khắc ghi. Có khác chăng là những gương mặt người vô cảm, không nét hớn hở vui tươi như những người năm xưa trên sàn phi trường trải thảm sang trọng. Sân bay thấp thoáng đèn vàng. Tôi đếm từng chiếc máy bay lên xuống như tôi vẫn thường đếm năm mười bốn tuổi.

 

P dẫn tôi qua hải quan, xuống lấy hành lý. Những túi nhựa trắng in chữ xanh ICM đong đưa trong góc. Đó là căn cước của chúng tôi. Đó là tất cả những gì còn lại cho đám dân tỵ nạn bắt đầu cuộc sống mới bên kia bờ Thái Bình Dương. Phiến kính màu ngăn tôi với không gian bên ngoài. Má dặn không được đi đâu, nhỡ lạc, nhưng tôi không cưỡng được lòng ham muốn tung đôi cánh mỏng phóng lên bầu trời thênh thang. Tôi mải mê ngắm máy bay lên xuống trên đường băng. Tiếng máy ầm ầm của động cơ nhỏ dần lúc máy bay tăng tốc nhấc bổng lên không. Dãy đèn vàng dát tròn trên hai cánh nhấp nháy. Con chim sắt bay lên. Người tôi cũng rướn lên, cao mãi, cho đến lúc chiếc máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ trên nền trời biếc.

 

Chúng tôi thuê taxi về khách sạn Hyatt. Manila xe cộ dập dìu, đèn điện sáng rỡ. Đèn đường sáng lên mặt P nụ cười du khách háo hức. P còn trẻ. Tương lai P đầy hy vọng. Manila năm 83 trên chuyến xe buýt từ bến cảng về trại chuyển tiếp gió vờn lên những gương mặt ủ dột, thất vọng. Trời chùng mây xám. Mưa lất phất rơi, không thấm nổi vào mái tóc tôi còn sũng nước biển. Mưa nhỏ lên mặt tôi giọt nước mắt mặn tôi chưa từng nếm trong đời. Bốn ngày trên biển, năm ngày trên tàu Nhật Shonan Maru, tôi bước chông chênh trên mặt đất bồng bềnh. Đất chênh chao như không muốn đón bàn chân tôi dẫm lên đất. Đất của hôm qua, đất của hôm nay. Vẫn cảm giác lênh đênh trên nước khiến tôi nôn nao. Cảm giác tôi chờ đợi từ lúc bước chân xuống máy bay ở phi trường quốc tế Manila.

 

Đêm đầu tiên tại khách sạn Hyatt, tôi không thể nào ngủ. Tôi chưa bao giờ ngủ khách sạn tại Manila. Tôi ngủ trên sàn xi măng trong ngôi trường đại học bỏ hoang dơ bẩn chính phủ dùng làm trung tâm chuyển tiếp đón người tỵ nạn. Chín ngày trước tôi còn là công dân Việt, thứ công dân sổ đen con Ngụy. Ba má bảo đi tìm tự do, đi tìm tương lai. Tôi chưa thấy tương lai ở buổi chiều đến trại chuyển tiếp. Tôi chỉ thấy khu nhà xây hai tầng trống trải luông tuồng. Phòng vệ sinh hôi thối phân người tôi phải nín thở đi vào. Tôi chưa thấy tự do ở buổi tối côn trùng rỉ rả. Mưa hắt qua những khung cửa sổ xếp màu xanh nhạt giống cánh cửa nhà bà ngoại tôi hay kẹp quả cóc chua vào giữa nghiến nát. Khí lạnh bốc lên từ sàn xi măng cứng. Chúng tôi thoa dầu gió xanh lên ngực giữ ấm phổi.

 

Đến Manila lần thứ nhất, tôi làm người tỵ nạn. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu người tỵ nạn không có quê hương, không thể có quê hương vì không được quyền sở hữu quê hương.

 

*

Ở Hyatt ba ngày, chúng tôi nhập chung với đoàn tại trường đại học nữ Santa Isabel. Khuôn viên đại học chia ra nhiều khu nhỏ dành riêng cho từng nhóm thanh niên đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhóm Pháp hay thức đêm đàn hát. Nhóm Ý thích trò chuyện ồn ào. Nhóm chúng tôi, đến từ Mỹ, được chia hai phòng học, bên nam bên nữ. Mỗi người mua một tấm đệm mỏng để ngủ trên nền đá hoa. Mấy thùng áo dài khăn đống cờ quạt tôi và P mang theo được mở ra phân phát cho mọi người. Frère Ph. dặn cả nhóm đi ngủ sớm. Ngày mai chúng tôi đón Đức Giáo Hoàng John Paul II đến khai mạc Đại Hội Giới Trẻ. Tôi treo áo dài gấm đỏ trên thành cửa sổ. Người đẫm mồ hôi. Khí hậu nhiệt đới rin rít trên da. Chín giờ tối trời vẫn oi ả. Dãy phòng tắm lộ thiên dựng bên hông trường nhập nhòe ánh sáng. Tôi ôm quần áo đi xuống. Bóng đèn vàng âm u lủng lẳng treo trên đầu. Nước tí tách chảy vào chiếc thùng chứa to nơi góc. Tôi dội một gáo nước qua mặt. Nước táp vào mũi vào miệng. Tôi nhận ra vị nước ngọt lờ lợ. Thứ nước ngọt quý hiếm tôi sắp hàng hứng đầy sô mỗi ngày ở trại đảo. Tôi dội thêm một gáo. Nước thấm vào chân tóc, mát lạnh thơm tho như giọt xà bông Prell tôi xoa lên đầu buổi chiều đến đảo Palawan.

 

Chúng tôi, 105 người nhóm Shonan Maru được di chuyển bằng phi cơ đến tạm trú ở thành phố Puerto Princesa, thủ phủ của đảo Palawan. Xe đưa chúng tôi từ phi trường vào dãy nhà tạm có hàng rào mắt cáo bao bọc. Thuyền nhân trên đảo túa đến vây quanh tìm người thân. Tôi trốn vào góc hàng rào. Mới mấy hôm trước tôi còn cả tá bạn bè. Mới mấy hôm trước tôi còn tụm đầu kể cho bọn trẻ trong xóm chuyện cổ tích Tây Ban Nha có nàng công chúa bị lưu đày. Nắng đảo chói lòa phỏng rộp trên da. Tôi muốn khóc. Tôi chẳng tìm được ai quen trong đám người vây quanh hàng rào.

 

Sáng hôm sau, một nửa số người nhóm tàu Shonan Maru đã rời dãy nhà tạm. Những con chim tản mạn về tạm nương trong hàng trăm chiếc tổ xiêu vẹo dựng lên khắp trại. Ba má không quen ai ở đây. Phần nhiều người trong trại ra đi từ các tỉnh ven biển miền Trung. Ba không tìm được người quen từ Sàigòn. Chúng tôi dọn sang khu nhà tập thể ở cuối trại. Khu nhà công cộng dành cho những người mới tới không quen ai hoặc không đủ tiền sang lại nhà riêng. Căn nhà tập thể gia đình tôi ở làm bằng cây, mái lợp rơm, nền đất nện. Lối đi ở giữa chia bên trong thành dãy giường hai tầng chạy dài từ đầu nhà đến cuối nhà. Mỗi gia đình chiếm một góc, ranh giới phân bằng các thùng quần áo hoặc góc mền căng cao. Phía sau nhà là dãy bếp công cộng. Ra chút nữa là hàng rào kẽm gai cao quá đầu người, có những lỗ mở đủ một người chui. Thỉnh thoảng có người trong trại trốn ra đi phố. Lâu lâu có người bản xứ chui vào. Chập chập, ba bui. Tôi không hiểu họ nói gì. Má nói họ xin cơm thừa về nuôi gia súc.

 

Khu nhà tôi ở sát bên máy bơm nước biển. Chúng tôi dùng nước biển giặt giũ trong ngày thay thế nước ngọt. Chị em tôi hay trở lại dãy nhà tạm, chui qua cửa vào trong để tắm. Ở đó, phòng tắm kín đáo và có nước ngọt mở cả ngày. Tôi hay ngồi bên máy bơm nước nhìn ra mặt biển lấp lánh nắng. Mây trắng bềnh bồng tụ quanh ven biển. Những cây dừa cao vút ôm lấy mặt trời. Tôi mười bốn. Và nhớ rất rõ những gì mình bỏ lại sau lưng. Ngôi nhà hai tầng của bà ngoại ở ngoại ô Sàigòn. Rặng bình bát bà trồng giữ đất khỏi lở. Gió đồng vi vu thổi bay tấm áo lụa bà phơi trên ban công nhà. Mấy đứa bạn thân từ ngày mẫu giáo. Vài đứa con trai ngấp nghé làm quen. Tôi chỉ vừa biết mơ mộng. Tôi nhớ Ngọc Dung, nhớ Quỳnh Giao, nhớ Uyên. Nhớ Vũ ba năm ngồi chung bàn. Nhớ những buổi trưa tôi giữ cặp táp và áo sơ mi cho Vũ đi khiêu chiến với mấy thằng con trai bên 8A1. Tôi luôn ngồi kế bên Vũ trong suốt những năm học chung. Hai đứa vần V cuối cùng đội sổ. Vũ thân với tôi như thế cho đến lúc hai đứa bị ghép đôi chọc ghẹo. Chúng tôi sợ nhìn thấy tên hai đứa viết bằng phấn trắng trên bảng đen trước khi vào học. Tôi mắc cở. Vũ cũng mắc cở. Vậy là hai đứa tách xa. Tôi ngồi đầu bàn, Vũ không dám đến gần. Ngày tôi vượt biên, Vũ đang ở đâu? Mùa hè năm ấy chưa bao giờ chấm dứt. Khi nào tôi mới gặp lại Vũ ở ngày tựu trường?

 

Mùa hè năm ấy chưa chấm dứt nên tôi trở lại đây với bóng dáng của mình năm mười bốn. Cánh cổng trại bằng gỗ ghi mấy chữ Vietnamese Refugee Camp như hiện ra trước mắt. Điểm đặc biệt của trại Palawan là tất cả do người Việt trong trại quản trị. Nhân viên người Phi, lính Phi chỉ vào giúp khi được yêu cầu. Mỗi sáng thứ hai, lễ chào quốc kỳ được diễn ra long trọng ở trung tâm trại. Lần đầu tiên từ sau 75 tôi nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc trên cột cờ. Lá cờ vàng tinh sương như giải cát. Lá cờ ươm những giấc mơ trẻ thơ của tôi, lá cờ ba má ngỡ đánh mất. Tôi xúc động khi mọi người, bất kỳ đang ở đâu làm gì, đều đứng nghiêm hát quốc ca phát ra rộn ràng từ các loa phóng thanh trong trại. Lời quốc ca nhiệt huyết như không phát ra từ môi mà cất lên từ trái tim mọi người. Lời nhạc làm tôi bồi hồi khi hát theo. Biết đến bao giờ mới vang danh người nước Nam cho đến muôn đời. Chúng tôi đang tỵ nạn bây giờ.

Tôi cũng thích nghe mục đọc tin thư tín. Chiều nào cũng vậy, ban Thư tín của trại đọc trên loa phóng thanh các lá thư nhận được trong ngày. Mọi người ngừng làm việc. Ai cũng mong được nghe tên mình. Thư từ Mỹ từ Úc thì có money order, có đô la. Thư từ Việt Nam thì tin tức gia đình. Những cánh thư của quá khứ và tương lai. Tôi cũng mong thư. Và đã mấy lần luýnh quýnh chân tay khi bất ngờ nghe tên mình oang oang trên loa phóng thanh. Quá khứ níu lấy chân còn tương lai nắm lấy tay, tôi luýnh quýnh ở giữa Puerto Princesa City.

Trại Palawan đầy đủ như một ngôi làng nhỏ. Trường học, nhà thờ, thư viện, câu lạc bộ, hội quán. Má thả chị em tôi trong trại mà không sợ mất. Tôi đi lung tung, lúc một mình, lúc theo mấy bà chị họ. Các chị cùng chung hồ sơ với gia đình tôi nên mỗi lần lên phỏng vấn thường không đủ chỗ ngồi. Lập tức các anh thanh niên tình nguyện khiêng thêm bàn ghế mà không hề phàn nàn. Các chị của tôi, chị Diễm Thúy kế bên, chị Nga con ông bà Uyển đối diện làm thành một bầy con gái dễ thương. Căn nhà tập thể trở thành nơi các anh thanh niên thích đến. Mỗi tối các chị rửa chén, tôi tráng. Và được chứng kiến các màn tán tỉnh. Tôi nhớ anh T ôm guitar đi qua đi lại khi chị Lan đến phiên rửa chén. Anh gảy tưng tưng rồi hát nho nhỏ. Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở, nhưng nàng thương nhiều là thật nhiều… Giọng anh khàn đục. Chị Lan tính nhút nhát nên chỉ mỉm cười, mắt dán vào thau chén không dám nhìn lên. Chờ anh T đi về, chị lầu bầu hát dở mà còn cứ hát. Chú Trinh ba Tàu đi vượt biên từ Sàigòn được tàu ngầm Mỹ vớt đem vào đảo thích chị Thuận. Chú giúp chị em tôi nhiều việc, nhưng riêng việc lấy quần áo phơi vào nhà thì chú rất ngại. Hôm trời mưa to các chị đi học Anh văn về không kịp, chú đem tất cả quần áo phơi vào nhưng để quần lót lại dây. Nhìn đống quần lót ướt nước, chú phân trần. "Ngộ hổng đụng mấy đồ đàn bà. Xui chết." Chị Thuận về đến che miệng cười. Tôi thắc mắc vì sao đàn bà lại xui. Tôi sẽ thành đàn bà không? Bao giờ? Tôi lại nghĩ đến mùa hè chớm nở vừa bỏ lại. Vũ có buồn không khi tôi vắng mặt trong ngày tựu trường? Ở lại, Vũ sẽ có thêm 9A2, 10A2, thêm những người bạn mới, nhưng tôi chỉ còn mỗi 8A2 để nhớ về. Tôi nhìn chị Uyên, chị Lan, chị Thuận, rồi nhìn chung quanh. Người Việt bỏ lại trên mảnh đất quê hương nhiều hơn một mối tình. Chúng tôi đã mất hết.

 

*

Chúng tôi được tin có các bạn trẻ Việt Nam từ hai trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân, Bataan và Palawan đến Manila. Một lúc sau thì biết có thêm các linh mục đến từ Việt Nam. Cả nhóm đồng ý không giăng cờ vàng ba sọc khi đón Đức Giáo Hoàng, sợ các linh mục gặp trở ngại khi về nước. Tấm cờ vàng ba sọc dài năm feet cất lại. Các lá cờ nhỏ cầm tay bỏ vào thùng giấy. Tôi ngậm ngùi nhìn lá cờ còn nguyên nếp gấp, màu vàng rực rỡ như nắng ngời trên cột cờ Palawan năm nào.

Chúng tôi đón xe vào thành phố. Manila tưng bừng mở hội. Đại lộ Roxas kín người. Cờ phất phới. Biểu ngữ ngập đường. Viva Il Papa. John Paul II We Love You. Chúng tôi đi bộ theo đoàn người dọc theo bờ sông và công viên Luneta. Từng nhóm thanh thiếu niên cầm cờ quốc gia của họ hát hò chụp ảnh. Chúng tôi ước ao có lá cờ vàng trong tay. Áo dài gấm thêu của chúng tôi nổi bật trên đường phố.

"Where are you from?"

"What’s your country?"

Bạn từ đâu đến? Quê hương bạn là gì? Tôi nhìn lên. Lòng bất chợt xao động. Quê hương tôi ở đâu? "Việt Nam." "USA." Các bạn tôi hét lên.

Tôi không biết trả lời. Không có cờ, không có tên, tôi bước hụt hẫng trong lòng thành phố lạ. Những bước chân chênh chao trên mảnh đất đã không muốn đón tôi ngày xưa.

Lần thứ hai đến Manila, tôi vẫn là kẻ không có quê hương.

Palawan năm 83 tôi chưa quay quắt về thân phận của mình. Tôi chỉ nhớ bạn bè, nhớ những kỷ niệm của một tuổi thơ bỏ lại, nhớ xóm đạo có sân nhà thờ rộng lớn chúng tôi thường tụ tập chơi đùa những ngày nắng ráo. Mới thoáng đó giờ đã xa thật xa. Mỗi buổi chiều khi thủy triều lên, tôi hay nhìn ra biển, ước ao được thấy điều gì đó. Một con tàu chẳng hạn. Một chiếc phi cơ chẳng hạn. Nhưng góc biển nơi tôi ngụ chẳng bao giờ có gì để nhìn. Lúc nào cũng chỉ là một màu xanh bích thủy mênh mông. Lúc nào cũng chỉ là một màu nắng hổ phách, trong leo lẻo, nhức mắt. Tôi đi lòng vòng, từ chỗ ngồi bên máy bơm nước, qua rừng dừa rì rào gió thổi, đến ngôi nhà thờ ở đầu trại. Ngôi nhà thờ xây bằng gỗ, cửa sổ rộng, với hàng hiên lúc nào cũng đẫm gió biển. Chung quanh nhà thờ trồng đầy hoa soi nhái. Cha Rô-be nói tiếng Việt sõi như người Việt, giảng lời Chúa hay hơn cha Việt. Cha bảo nói chuyện, chia trí, mơ mộng trong nhà thờ không có tội. Tôi thích nghe cha giảng. Vì tôi luôn lơ đãng khi dự lễ. Tôi mải nghe sóng biển rì rào trên bãi sau nhà thờ, và bận mơ đến chỗ ngồi bên cửa sổ máy bay, nơi có ánh đèn vàng ấm áp quyến rũ. Thư viện trong trại cũng là nơi tôi thích đến. Không có sách nhiều, lèo tèo một ít sách báo băng nhạc từ Mỹ gửi sang. Tôi chăm đọc mục Tâm tình của Lệ Vũ trong báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và đặt mình vào hoàn cảnh người ta. Tôi mê đọc sách từ bé nhưng chưa bao giờ có đủ sách để đọc. Khi tôi bắt đầu biết yêu Duyên Anh, Dung Sàigòn, Từ Kế Tường là lúc nền văn học miền Nam đi vào cõi chết. Văn học miền Nam là những bóng ma được nhắc đến trên môi của những người lớn. Con bạn Kim Tần cháu ngoại của dịch giả Hà Mai Anh hay khoe những cuốn truyện dịch của ông nó cho tôi thèm. Vô Gia Đình, Trong Gia Đình, Tâm Hồn Cao Thượng. Tất cả sách mẹ nó cất kỹ trong rương giữ làm vật gia bảo. Tôi đã đọc tất cả những gì có chữ, từ các cuốn truyện cổ tích thế giới, đến sách báo, đến tiểu thuyết. Thỉnh thoảng tôi làm bưu điện lưu động giao sách kẹp thư tình của anh họ tôi cho các cô bồ, nhờ thế tôi được đọc thêm ít cuốn tiểu thuyết Quỳnh Dao, Lệ Hằng, Mai Thảo. Mười một tuổi tôi đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy mà chẳng hiểu gì cả, ngay cả đến tựa đề của nó. Tôi đã suy diễn tựa truyện thành "Thép" đã làm gì đó để "Tôi" phải như "Thế Đấy". Tôi đọc một lèo hết bộ truyện mà chẳng thể hiểu cái "Thế Đấy" là điều gì. Sau này, khi tình cờ đọc được tựa đề dịch sang Anh ngữ, How The Steel Was Tempered tôi mới hiểu được "Thép" đã được tôi luyện như thế này. Ngôn ngữ Giải Phóng với tôi mãi hoài xa lạ.

 

Tôi theo các chị ra biển. Các chị đứng trên bờ đá, vẫn còn sợ biển, sợ đại dương hãi hùng vừa băng qua. Tôi xắn quần lội ra mé nước. Sóng vỗ lách tách vào chân tôi. Những con sao biển óng ánh nằm phơi trên nền cát mịn. Tôi đặt con sao biển vào lòng bàn tay. Ngôi sao năm cánh dài hơn những ngón tay tôi mười bốn. Tôi chưa được đặt chân lên cát biển, chưa bao giờ chạm lên sao biển. Tôi nhìn biển Cà Ná từ trên xe lửa đi thăm ba cải tạo ở Nghệ Tĩnh. Từ trên đường ray cao, Cà Ná hiền hòa một màu ngọc bích. Nắng chiều lung linh trên mặt nước. Từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ cát. Lần đầu tiên đối diện với biển, tôi choáng ngợp ngây ngất. Xe lửa vẫn rầm rập chạy, bên trên là vách núi sừng sững, bên dưới là biển khơi bất tận. Tôi nhìn mê mỏi mặt biển phẳng lặng không một tì vết. Biển ở quê tôi cũng đẹp như biển ở Palawan, sao chúng tôi đành đoạn ra đi? Tôi tìm câu trả lời trên gương mặt ba không còn tái xám như ngày tôi thăm ba ở trại cải tạo. Bây giờ ba da rám nắng mạnh khỏe và hay cười sang sảng bên những người bạn tù đi cùng ghe. Ba đi tù bảy năm. Tôi lớn lên khi nào ba không rõ. Tôi có kinh nguyệt lần đầu ba không hay. Lần thứ tư có kinh nguyệt là lúc tôi lên ghe vượt biên. Tôi không còn để ý đến thân thể mình những giây phút hỗn loạn lúc ghe bị Công an biên phòng đuổi bắn trên sông Sàigòn, lúc ghe tấp nhầm vào tàu Liên Sô trong đêm phải cuống cuồng bỏ chạy. Tôi không nhớ đến những giọt máu rỉ lúc ghe gặp bão tôi ngồi trên bong tàu lạnh buốt. Lên đến tàu Nhật Shonan Maru, tôi không còn thấy máu chảy. Quần lót khô cứng với những giọt máu bầm đen. Tôi vào phòng tắm. Toilet và lavabo trắng toát xinh xắn như đồ chơi. Đứng lên nắp toilet, tôi nhìn xuống biển qua ô cửa kính tròn. Làn gió biển mát lạnh lọt vào. Trời xanh. Biển xanh. Thái Bình Dương xanh như lòng tôi lúc ấy. Tôi vo chiếc quần lót trong lòng bàn tay và ném qua ô cửa sổ. Phải mất cả phút tôi mới thấy nó đáp xuống mặt biển. Cuốn vải thấm nước bung ra như một đóa hoa. Tôi đứng yên ở đó. Để gió biển xoa lên da mặt. Nhìn đóa hoa trắng chìm dần vào làn nước xanh.

 

Buổi sáng thức dậy, tôi khiếp sợ nhìn những con sao biển dúm dó trên nền đất. Ngôi sao năm cánh co duỗi không còn hình sao. Tôi xòe bàn tay lên cao. Những ngón tay dài ai cũng bảo để đàn dương cầm. Ba má cũng đã nhìn ra những ngón tay dương cầm của con gái. Nếu không mất nước thì con đã được học dương cầm. Ba đã ghi tên cho con vào trường. Sau này ba hay phân trần, giọng thấp như lời xin lỗi. Ba xin lỗi đã không giữ được cho tôi những ngón tay dương cầm. Giữ làm sao được những ngón tay sau ngày Giải Phóng, khi ba đói rét trong trại cải tạo, đã đi mót củi cho bà ngoại nấu bếp, đã lượm giấy vụn xây con tàu Thống Nhất tôi chưa được đặt chân lên, đã xách từng sô nước Palawan lờ lợ mỗi chiều. Tôi nhìn bàn tay tôi năm ngón dương cầm. Sao biển thiếu nước mặn đổi dạng kỳ dị. Bàn tay tôi sẽ ra sao? Có như loài sao biển rồi chết khô trên nền cát?

*

Tối về trường đại học Santa Isabel, tôi nằm lặng trên nền đá hoa. P hỏi sao tôi không ăn. Công chúa mới đi một ngày đã long thể bất an. Một ngày thật dài. Dài hơn cả là sự hụt hẫng trong lòng tôi. Tôi là ai? Câu hỏi tôi loáng thoáng bắt gặp trên đất Mỹ, nhưng không ngờ hôm nay trở nên mãnh liệt. Tôi nhìn bầu trời đêm Manila qua cửa sổ. Tôi là một du khách, như P, như C, như hàng ngàn những người trẻ trên thế giới tụ về đây lễ hội. Có phải không? Manila trời đêm lấp lánh sao. Nền đá hoa như xao động, chuyển mình. Rồi tôi thấy lưng tôi ấm dần. Chung quanh tôi là đêm trại đảo mênh mông. Bầu trời đen lấp lánh sao. Những tàu dừa lao xao lay trong gió. Tiếng sóng biển rì rào vỗ về bất tận. Thỉnh thoảng gió đưa một giọng hát vọng đến, câu thấp câu cao. Nước từ máy bơm chảy vào đáy sô ồ ồ như thác. Đêm đã khuya mà vẫn còn người tắm giặt. Sau này tôi mới biết tắm đêm dễ ngủ. Bên cạnh tôi, nơi tầng hai của dãy giường tập thể, các chị nằm rì rầm nói chuyện. Chị Diễm Thúy bực mình cô giáo Ann Cusack người Úc phát âm tên chị thành "Điểm Thúi". Chị Diễm Thúy có ba định cư ở Mỹ. Chị khoe ba chị thương mẹ con chị lắm, gửi tiền về liền liền. Sau này tôi nghe chị tới Mỹ mới biết ba chị có thêm một gia đình nữa. Chị Thuận bảo anh Đức cứ đi theo chị tò tò đến lớp. Chị không ưa. Chị Uyên than nhớ bạn. Chị mười sáu trăng tròn. Chị Lan thắc mắc không biết nước Mỹ ra sao? Có đồ ăn Việt Nam không? Có nhạc Việt để nghe không? Rồi học gì? Làm gì để có tiền gửi về cho mẹ những thùng đồ Mỹ thơm mùi xà bông Camay. Chị Nga kể chuyện thằng em của chị gửi hình về từ Na-Uy, đầu Levi, đít cũng Levi. Tôi nằm đó, thao thức theo các chị, nhớ bạn bè theo các chị, thả lòng theo những ước mơ của các chị.

"Xuống sân tán dóc không, công chúa?" P hỏi.

Tôi nhăn mặt với tiếng gọi "công chúa" của P. Puerto Princesa City, thành phố Công Chúa. Thành phố chúng tôi tạm dung trên đảo Palawan. Ngày ấy, tôi chưa hiểu chữ Princesa có nghĩa là công chúa. Những cô công chúa ngày xưa trong căn nhà tập thể giờ ra sao?

 

Tôi nhìn bầu trời đêm Manila qua cửa sổ. Ngày tôi về lại Manila chờ máy bay đi định cư, trại chuyển tiếp không còn ở nơi khuôn viên trường học bỏ hoang. Manila đón tôi tươm tất. Trung tâm chuyển tiếp mới nằm kề phi trường quân sự. Khu nhà khách, cafeteria, nhà ngủ, phòng vệ sinh khang trang sạch sẽ. Gia đình tôi ở đây hai tuần chờ chuyến đi. Không còn biển, không còn lo học Anh văn, tôi nhìn phi cơ quân sự lên xuống từ sáng đến chiều tối. Tiếng máy ầm ầm của phi cơ khởi động, tiếng máy rú khi phi cơ tăng tốc độ trên trường bay, tiếng máy vọng ầm ì trên cao thu hút hết tâm trí tôi khi ấy. Một chiếc phi cơ vừa đáp xuống đường băng. Vài ngày nữa thôi, tôi cũng sẽ có một chỗ ngồi bên cửa sổ phi cơ. Ba má bảo đi tìm tự do, đi tìm tương lai. Tôi đã thấy một chút ánh sáng. Nơi chốn sắp đến của mình có ngôi nhà gạch đỏ, có thềm cao, có hoa hồng nở rộ trên lối đi rải sỏi y hệt tấm ảnh màu cô tôi chụp trước nhà ở tiểu bang New Jersey. Trước nhà có cây táo chi chít trái đỏ giống bức tranh trong cuốn sách tôi xem ngày bé. Dick and Jane. Dick là cậu bé tóc loăn xoăn, áo trắng, quần sọc, giầy ba-ta. Jane là cô bé tóc vàng bum bê, mặt bụ bẫm, áo đầm xoè. Tôi lẩm bẩm đọc. This is Jane. This is Dick. Tôi sẽ viết thư cho Ngọc Dung khi tới Mỹ, nói với nó tôi không bao giờ quên đám bạn cũ. Rồi tôi sẽ đi học lại. Gặp cô giáo Mỹ, tôi bắt tay đàng hoàng. How do you do? I am fine. Thank you. And you? Một chiếc phi cơ vừa rời khỏi đường băng, phóng thẳng lên trời. Tôi thấy mình giang cánh chao lượn trên không. Đến tận bây giờ, tôi vẫn mê nhìn những ánh đèn chớp nhóe của phi cơ trên trời trong chiều nhập nhoạng. Ánh đèn vàng nhỏ nhoi nhấp nháy trong màu trời tím thẫm như những mơ ước ẩn hiện trong tôi suốt thời niên thiếu.

Chúng tôi có một buổi sinh hoạt riêng với giới trẻ Việt Nam. Tôi gặp những người trẻ đến từ trại tỵ nạn Palawan. Mừng rỡ như gặp những người cùng quê. Palawan giờ ra sao? Thư viện có thêm nhiều sách không? Ngôi nhà thờ gỗ còn lặng yên đón thủy triều lên mỗi buổi? Người bản xứ còn chui vào trại chập chập ba bui xin cơm thừa nuôi heo? Tôi nhìn những khuôn mặt thiếu nữ đen gầy ngỡ như đang nhìn chính mình. Họ cười những nụ cười buồn. Họ đưa những bàn tay héo. Họ chào tôi. Họ phải lên tàu trở về bến Puerto Princesa ngày mai. Rồi bước lên bờ, vào trại rào kẽm gai.

 

Tôi cũng bước lên máy bay rời Manila một ngày sau đó. Con chim sắt mang tôi bay vào bầu trời đầy nắng. Dưới chân tôi, về hướng tây nam, cách Manila 306 dặm đường biển là đảo Palawan quanh năm sóng vỗ. Phía trước là Hawaii, phía sau là Cam Ranh, Puerto Princesa City đang chờ những thiếu nữ tỵ nạn đen đúa cắm cúi về trại.

Trên máy bay tôi ngắm những ngón tay tôi mười bốn. Những ngón tay vĩnh viễn mang dáng vẻ thuyền nhân. Chúng không khác những ngón gầy của cô gái đưa lên vẫy chào tôi buồn bã. Chúng xót xa vì mang cùng máu mủ.

 

Mười hai năm sau ngày tôi rời Palawan, Puerto Princesa City vẫn giam những nàng công chúa của xứ sở tôi.

 

Nguyễn Xuân Tường Vy

tháng tám, 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12562)
(Xem: 11080)
(Xem: 11123)
(Xem: 10683)
(Xem: 10044)
(Xem: 9480)
(Xem: 10241)
(Xem: 11290)
(Xem: 10956)
(Xem: 11044)