- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lâu Đài Trên Bãi Cát (phần 2 B )

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8402)

Tinh thần “hủ Mác-Lênin” cũng đóng một vai trò quan trọng. Tin tưởng vào giáo điều Mác-Lênin từ những năm cuối thập niên 1920 hay trong thập niên 1930–với những tài liệu tuyên truyền kiểu “Nhời hô của Hội lao nông quốc tế,” khiến gợi nhớ những tài liệu cao rao đạo Ki-tô của các thày kẻ giảng vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, và do phản ứng trước những nghịch cảnh xã hội vừa phong kiến vừa thực dân mà các cấp lãnh đạo CSVN đã khôn lớn lên, rồi được tôi đúc thêm qua những năm tù đầy khổ sở, nhục nhã, và nhiều thập niên nằm gai, nếm mật ở chiến trường–những Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, v.. v... khó thể nhận hiểu được rằng vào năm 1975 thế giới đã đổi thay: chế độ thực dân cũ đã bị khai tử–nhân loại đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật và không gian–chủ thuyết Mác-Lênin lung lay từ gốc rễ, thất bại đã ươm mầm từ “thành đồng vĩ đại” là Liên Sô qua tới Đông Âu, Trung Cộng v.. v... Bởi thế, họ vẫn cao giọng cách mạng là tấn công, không tấn công là thất bại, rồi rêu rao “quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội,” thiết lập một lâu đài vàng mã trên giải đất đã bị tàn phá hơn 30 năm vì đủ loại bom, đạn, chất nổ, thuốc hóa học v.. v... Lại còn tham tâm thiết lập một “khối liên minh Việt-Kampuchea-Lào,” đóng vai “tiểu bá” ở Đông Nam Á. Kết quả cay đắng là chính sách phong tỏa kinh tế suốt 20 năm của Mỹ, cùng những “bài học luật kẻ mạnh” của Đặng Tiểu Bình. Và những tội ác chiến tranh như xua đuổi người Việt gốc Hoa cùng những thành phần mệnh danh là phản động khỏi Việt Nam bằng đường biển, khích động sự phẫn nộ của dư luận thế giới.

Sự hủ lậu, thiếu sáng tạo của những người kiêu căng, tự sắc phong làm “đỉnh cao trí tuệ” này có lẽ là một đặc tính của người Việt–tương tự như căn bệnh “hủ Nho” của triều Nguyễn ở thế kỷ XIX, hay “hủ Tây” ở những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Để giải thích hiện tượng “hủ”–hay cực kỳ bảo thủ này–có thể đề cập đến yếu tố “nông nghiệp” của sinh hoạt kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng. Tại sao Thái Lan, hay Nhật Bản, cũng là những nước nông nghiệp, đã có can đảm uyển chuyển, đổi mới? Cũng có thể đề cập đến cái gọi là “thủy chung như nhất” hay quan niệm “ngọc vỡ hơn ngói lành” của truyền thống Khổng học. Nhưng Nhật Bản chẳng từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo đó sao? Đặc tính cực kỳ bảo thủ–và, một cách nào đó, cuồng tín kiểu Trung Cổ–là do sự thiếu kém và yếu ớt của giai cấp trí thức, chuyên viên mới, với trình độ hiểu biết hiện đại.

Quan trọng hơn nữa, Việt Nam chưa có được một nền quốc học chân chính. Từ thời Bắc thuộc tới cuối thập kỷ 1920, cái học “thánh hiền” chỉ là mảnh vụn từ chương của nền quốc học Trung Hoa. Những Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa về thực học có lẽ thua kém cả những học sinh Ban Tú Tài hiện nay. Chỉ cần đọc qua những bài “luận” của các Tiến Sĩ, Phó Bảng năm 1910 đủ thấy kiến thức lịch sử, địa lý thế giới, hay khoa học của họ sơ sài, non kém đến mức nào. Nhưng “Khổng học” vẫn được nhà Nguyễn, nhất là từ triều Minh Mạng (1820-1841) trở đi, chọn làm quốc giáo vì nó bao quanh ông vua một thứ “thần quyền” được biết như “thiên mệnh.” Sự bế tắc của dòng lịch sử Việt Nam từ triều Minh Mạng còn có thêm một yếu tố khác: sự tranh chấp quyền lực với giòng trưởng, con cháu Hoàng Tử Cảnh, người đã được Giám mục Pigneau de Béhaine [Bá Đa Lộc] “rửa tội.” Chính sách ngược đãi giáo dân Ki-tô, tôn sùng “thánh hiền” Trung Hoa của Minh Mạng đã khiến lịch sử Việt quay ngược nửa vòng 180 độ–cơ hội tự mở cửa bước vào vận hội mới của đất nước biến thành cuộc hành trình về dĩ vãng, và nô lệ ngoại bang.

Tinh thần “hủ nho” lên cao độ dưới triều Tự Đức (1848-1883). Giữa lúc nhân loại bước những bước dài vào kỷ nguyên kỹ thuật, nhà vua tập trung hết nghị lực vào việc soạn thảo bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, vui vầy xướng họa với các văn nhân, thi xã, vãi vàng bạc khen thưởng một lời ca, tiếng hát hay bộ điệu của diễn viên hát bội, hoặc truy tìm thuốc tiên để có giọt máu nối ngôi. Trong khi đó, giặc giã nổi lên khắp nơi, kể cả danh sĩ Cao Bá Quát (1809-1855)–một tay văn chương quán thế, nhưng chỉ sau chuyến đi đày qua tô giới Sư Tử Thành (Singapore) năm 1845 đã phải cảm khái đặt bút viết, “Giật mình khi ở xó nhà, văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.”

Cuộc xâm chiếm và đô hộ của người Pháp từ năm 1858 tới 1945 mang lại cho Việt Nam nhiều biến đổi. Tinh thần “hủ nho” tàn lụn dần. Nhưng lại thêm một cái “hủ” mới mà Phó Bảng Phan Châu Trinh gọi là “hủ Tây.” Thay vì trích dẫn Tử viết, Tử vân, giới “trí thức” bắt đầu trích dẫn những Ronsard, Lamartine, Voltaire, Rousseau v. v... hay “đấng Tạo Vật.” Một người hầu cận Giám mục Nam Đàng Ngoài lộng ngôn là nắm hết mọi túi khôn nhân loại–từ thiên văn tới địa lý, quặng mỏ–nhưng chỉ bày ra được những mưu kế chọc giận Pháp sớm thôn tính toàn vương quốc. Jean Baptiste Trương Vĩnh “Key” (Ký) viết ra những tài liệu giảng dạy về sử đầu Ngô, mình Sở, khởi đầu bằng năm thứ 1 Tây lịch, khi Jesus Christ được truyền tụng ra đời. Cái tinh thần “hủ Tây” này–được tiếp tục đại diện bằng nhóm quan lại, đốc phủ sứ hay con cháu những Bà Phó Đoan và cô Tư Hồng v.. v...– giúp người Pháp củng cố được nền đô hộ. Tư bản và các viên chức ngành thuộc địa của Pháp ra sức “khai hóa” tài nguyên thiên nhiên và nhân lực Việt Nam để làm giàu cho “mẫu quốc.”

Nhưng, tưởng cần nhấn mạnh, ngay từ ngày người Pháp xâm chiếm miền Nam, nhiều phong trào kháng chiến đã nổi lên giành độc lập. Những tên tuổi như Thiên Hộ Dương, Thủ khoa Huân, Trương Định, đi vào lịch sử với những nét vàng son chói lọi. Rồi đến các phong trào Cần Vương, Văn Thân của những Phan Đình Phùng, Tán Thuật, Nguyễn Duy Hiệu, v.. v.... để ủng hộ chuyến xuất giá của ấu vương Hàm Nghi (1884-1885), hay trừng trị lực lượng hợp tác/đánh thuê cho Pháp. Khi các phong trào nho sĩ chống Pháp trên tàn lụn dần vào cuối thế kỷ XIX, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tổ chức ái quốc mới. Hầu hết lãnh tụ của những tổ chức này đều trốn ra hải ngoại. Tôn Thất Thuyết (Lê Thuyết) và Nguyễn Thiện Thuật ở Hoa Nam. Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật. Tuy nhiên, mãi tới thập niên 1920 trở đi, các tổ chức kháng Pháp mới được hình thành và phát triển trong nước. Đáng kể nhất có Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng Sản Đông Dương, và giáo phái Cao Đài. Dù cùng một mẫu số chung chống Pháp, chống bọn “hủ Tây” phục vụ Pháp, những tổ chức trên luôn nghi kị, và tìm cách hãm hại lẫn nhau.

Nhờ Quốc Tế Cộng Sản trợ cấp và huấn luyện thành những “cán bộ cách mạng chuyên nghiệp” [agitprop], phe Cộng sản có thực lực hơn cả. Trong khi đó, dù đông đảo về nhân số, các phe phái chống Pháp không Cộng sản bị yếu kém đủ mọi phương diện–từ tổ chức tới nhân sự, từ chủ thuyết tới tài vật lực. Đó là chưa nói đến sự ganh ghét, đố kị, tạo cơ hội cho nhân viên tình báo Pháp hoặc cán bộ chiến lược Cộng sản đột nhập để phá hoại.

Nhưng những người Cộng sản–giống như những “Hồ nhân” thời Sĩ Nhiếp, phe đảng Lý Phật Tử thời Lý Nam Đế, hoặc các thiền sư đời nhà Đinh, những hủ nho của thời Hậu Lê và nhà Nguyễn, hay những hủ Tây như “cha” Lục (Trần Xuân Triêm), Trần Bá Lộc, Petrus Key, Ngô Đình Khả, Nguyễn Thân, Nguyễn Hữu Bài, Lê Hoan, v.. v... vào hạ bán thế kỷ XIX–cũng mắc phải căn bệnh cuồng tín–cuồng tín vô thần, hay, “hủ Marxist-Leninism.”

Họ tự sắc phong cho mình cái sử mệnh truyền giáo, phất cao ngọn cờ “chuyên chính vô sản” ở Đông Dương; tuyên chiến với đủ loại “ma túy” tôn giáo khác. Ai thuận theo thì sống; ai chống lại thì diệt. Sự hủ lậu này biến thành ác tính qua 5 đợt gọi là “cải cách ruộng đất” từ 1952 tới 1956–nhằm tiêu diệt hệ thống tư hữu phong kiến–với những tòa án nhân dân, đấu tố mà chữ nghĩa khó thể mô tả. Nạn nhân bị đấu tố đầu tiên là Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh [Thành] Long, một phụ nữ đã đóng góp hăng say cho “cách mạng” và “kháng chiến”–kể cả việc cưu mang những lãnh tụ Cộng Sản. Rồi đến phong trào chỉnh cán, chỉnh quân trong ba năm 1953-1955, để tiêu diệt và loại bỏ hàng chục ngàn người không Cộng Sản từng dày công hãn mã trong 8 năm chống Pháp.

Dù dữ kiện lịch sử thường ít khi lập lại giống hệt nhau, từ năm 1960, Hà Nội lại tung ra chiêu bài “mặt trận thống nhất” [united front] đã áp dụng ngày nào để đánh chiếm miền Nam–tức khai sinh ra tổ chức “ma” Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam cùng quân đội thường được biết như “Việt Cộng.” Mặc dù cả Mat-scơ-va và Bắc Kinh đều muốn tạm thời duy trì hai thực thể chính trị Bắc và Nam vĩ tuyến 17, Lê Duẩn cùng phe hiếu chiến quyết tâm tiến công đến cùng. Một mặt, khai thác mâu thuẫn giữa Mat-scơ-va và Bắc Kinh để xin quân và kinh viện tối đa, đến độ vài viên chức Bắc Kinh phải mỉa mai nhóm Lê Duẩn-Lê Đức Thọ-Phạm Văn Đồng-Võ Nguyên Giáp “thấy ai có sữa dư cho bú đều gọi là mẹ” hay đặt tên cho Lê Thanh Nghị là “tên ăn mày.” Mặt khác, khoét sâu sự mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương, đặc biệt là Pháp, và Mỹ; và giữa các phe nhóm trong nội bộ Mỹ–hầu khai thác tinh thần phản chiến, đòi Mỹ rút quân, ngưng yểm trợ VNCH. Đại đa số dân chúng cả hai miền Nam-Bắc chìm đắm trong đói khổ, chết chóc, thương tật, giữa cảnh trên búa dưới đe–một bên là “bạo lực cách mạng,” và một bên là bạo lực “dân chủ, tự do.”

Bởi thế, dù đã ở thời điểm 1975, khi Liên Sô đang thương thảo với Mỹ về một Hiệp ước giới hạn vũ khí nguyên tử; khi Bắc Kinh và Oat-shinh-tân bắt đầu hoà hoãn với nhau–Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, v.. v... vẫn quyết thực hiện cho bằng được cuồng vọng “quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội” mà không cần trải qua “khâu tư sản.” Một mặt lừa dối bóc lột tận cùng xương tủy nhân dân miền Bắc. Mặt khác, quyết tâm đánh chiếm miền Nam, biến tài nguyên nhân vật lực của hai miền Bắc-Nam thành công cụ xây đắp tân đế quốc Liên Sô và Trung Cộng–trong một “ảo giác tự do, độc lập.”( 29)

 

Cuộc sụp đổ của VNCH ngày 30/4/1975 khiến Lê Duẩn không cần che dấu bạo lực cách mạng nữa, loại bỏ dần Chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam cùng hai tổ chức ngoại vi MT/DT GPMN và Liên Minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình (tức Mặt Trận II, thành lập từ năm 1968). Trong men say chiến thắng, Hà Nội còn ngạo mạn đốt sách vở miền Nam, hạ ngục hàng trăm ngàn quân nhân, công chức miền Nam, đưa đến cảnh sụp đổ, ly tán của hàng triệu gia đình. Trục xuất hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa khỏi đất nước, để thu đoạt tài sản và tránh họa“nạn kiều,” khiến rúng động lương tâm nhân loại.

Trong khi đó, phần do lệnh cấm vận kinh tế của Liên bang Mỹ, phần do thiếu khả năng quản trị và thiết kế, và hậu quả của những kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, “đánh cho thật mạnh, phá nát hậu cứ” của VNCH từ chiến dịch Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa Mậu Thân 1968–phần vì sự tàn phá của bom đạn, thuốc khai quang mà Ngô Đình Diệm thúc dục chính phủ Kennedy thực hiện từ năm 1962–tình trạng kinh tế trong nước suy sụp thảm hại. Việt Nam trở thành một trong ba nước nghèo nhất thế giới. Các tệ nạn xã hội lan tràn. Đất nước ngày một thêm sa lún, ngô khoai chẳng có mà ăn, nói chi cơm gạo. Từ cán bộ hạng trung xuống dân đen đều chịu cảnh bo bo ... độn gạo; trong khi đại diện chế độ mệt mỏi, ngượng ngùng bẽ bàng ngửa tay xin viện trợ tứ phương. Năm 1985, chính Bí thư Sài Gòn–người trở thành Tổng Bí thư khoá VI, 1986-1991–phải than lên rằng lần đầu tiên trong lịch sử, dân Sài Gòn phải ăn độn! (30)

 

Mọi biện pháp đưa ra trong Đại Hội thứ V tổ chức vào tháng 3/1982 để chỉnh đốn hàng ngũ cầm quyền, cũng như đổi thay chiến lược phát triển kinh tế đều thất bại. Việt Nam phải trở lại với chính sách tài chính thời 1946-1949, tức Lê Văn Hiến ra công in tiền không bảo chứng–hay bảo chứng bằng “nguồn sản vật của dân chúng”–để phát lương cho công nhân, viên chức.

Không đầy 10 năm sau chiến thắng Xuân 1975, Việt Nam bị phũ phàng đặt trả lại vị thế đích thực–một quốc gia có nền kinh tế của tiền bán thế kỷ XIX, với nhu cầu tiêu thụ của thế kỷ XX. Không kém phũ phàng, số tiền vay nợ để “cách mạng” lên tới hàng chục tỉ Mỹ Kim, bao nhiêu dầu thô và hải sản phải bán lúa non hàng thập niên vẫn chưa đủ trả nợ. 55 ngày và 55 đêm “đại thắng” phải trả giá bằng hơn 20 năm ác mộng trong cảnh huống “bầy thợ săn già nua và đàn hươu đói lả trên cánh đồng cỏ cháy.” Và, từ vị thế “chiến thắng,” suy sụp xuống vị thế “đại bại”–bại ngay với khối quốc dân cả hai miền Nam và Bắc.

Bi thảm hơn nữa, tham vọng “tiểu bá” Đông Dương–hay thiết lập khối liên minh ba nước Việt-Lào-Kampuchea–đưa đến việc xâm lăng, chiếm đóng Kampuchea, rồi dẫn đến những “bài học” của Đặng Tiểu Bình từ ngày 17/2 tới 19/3/1979, và kéo dài đến năm 1991. (31) Dư luận thế giới bắt đầu quay lưng lại với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tảng lờ những lời tố cáo của Hà Nội và Mat-scơ-va về kế hoạch bá quyền nước lớn của Bắc Kinh tại vùng Đông Nam Á.

 

Áp lực thế giới chỉ giảm xuống sau cái chết của Lê Duẩn ngày 10/7/1986, đưa Trường Chinh lên chức Tổng Bí thư lần thứ ba, và nhất là Đại Hội thứ VI (12/1986) mệnh danh là Đại hội Đổi Mới. Tại Đại hội này, Nguyễn Văn Linh (1914-1997) được cử làm Tổng Bí thư. Nhóm miền Nam như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt (Phan Văn Hòa, 1922-2008), v.. v... lên cầm quyền, thực hiện một số cải cách kinh tế, chính trị, và giải quyết vấn đề người thuyền. Về quân sự, năm 1989, rút quân khỏi Kampuchea. Nhờ vậy, liên hệ quốc tế ngày một cải thiện. Nhưng khủng hoảng kinh tế vẫn sâu dày. Quốc nạn tham nhũng tràn lan. Hàng ngũ lãnh đạo cũng có sự phân hóa về lý luận: Không ít người thực lòng yêu nước muốn theo kinh nghiệm Đông Âu và Nga, giải tán Đảng CSVN. Nhưng phe bảo thủ cuối cùng chiến thắng. Việt Nam không có những khuôn mặt nổi bật và xuất sắc như Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng Sản Liên Sô. Nên năm 2004, Nguyễn Phú Trọng từng cáo buộc lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng Sản Nga mị dân, xóa bỏ điều VI Hiến Pháp; phi Đảng hóa, phi chính trị hóa quân đội, công an, mật vụ, và khẳng định Việt Nam phải duy trì vai trò “đảng cầm quyền.” (32)

Sự sụp đổ của khối QTCS và sự ngừng hiện hữu của Liên Sô trong thời khoảng 1989-1991 mở ra cho Việt Nam một chân trời mới. Sau hội nghị quốc tế năm 1991 về Kampuchea, chính phủ George Bush (1989-1993) của Mỹ bắt đầu nới lỏng kế hoạch cấm vận. Bắc Kinh cũng hòa hoãn hơn. Đảng CSVN dựa theo “lý luận Đặng Tiểu Bình”–tức kinh nghiệm Hán hóa chủ nghĩa Marxism-Leninism lần thứ hai–bắt đầu mở cửa, thực hiện kinh tế thị trường, “theo định hướng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh.” Năm 1995, chính phủ Bill Clinton (1993-2001) bãi bỏ lệnh cấm vận, rồi công nhận Việt Nam và cho hưởng tình trạng thương mại bình thường [NTR], với điều kiện phải cải thiện nhân quyền.

Tuy nhiên, ảnh hưởng Bắc Kinh ngày một nặng nề. Hàng tiêu dùng Trung Hoa tràn ngập Việt Nam, và bắt đầu có những cuộc hội thảo “trao đổi kinh nghiệm đổi mới” giữa hai nuớc “vừa là láng giềng, vừa là anh em.” Cuối năm 1997, tại Hội nghị thứ 4 (khóa VII), Đỗ Mười từ chức Tổng Bí thư cho Lê Khả Phiêu lên thay. Phan Văn Khải cũng thay Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Bộ Chính trị thêm một số khuôn mặt mới. Nhưng việc ký Hiệp ước biên giới đất liền và biển với Trung Hoa năm 1999 và 2000 gây bất mãn trầm trọng tại quốc nội cũng như quốc ngoại. Lê Khả Phiêu (1997-2001) bị mất chức; Chủ tịch Quốc Hội là Nông Đức Mạnh thay. Nhưng Mạnh, trên thực chất, chỉ có hư vị.

Từ năm 2001, kinh tế Việt Nam có những tiến bộ đáng kể. Đã có nỗ lực cải cách luật pháp, chuẩn bị cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế [WTO], cũng như các cấu trúc hạ đẳng cho một chế độ pháp trị.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối diện nhiều khó khăn: chưa thu hút được vốn đầu tư ngoại quốc, kế hoạch công nghiệp hóa vào năm 2020 khó đạt chỉ tiêu; kinh tế trên cơ bản vẫn còn là nền kinh tế sản xuất tài nguyên thô, dịch vụ và kỹ nghệ nhẹ (hàng tiêu dùng), tình trạng nghèo khổ chung của đám đông, nạn thất nghiệp và/hoặc làm việc không đúng khả năng, khoảng cách biệt ngày càng lớn giữa đô thị và nông thôn cùng vùng rừng núi, khiến gợi nhớ đến những tệ đoan xã hội ở Trung Cộng trong những thập niên 1950-1960.

Kế hoạch cải cách luật pháp cũng nặng về hình thức hơn thực chất. Đại đa số dân chúng không tin rằng họ được hưởng công lý. Luật sư đoàn quá mỏng, và chưa được thủ diễn vị thế đích thực như một phần tử của hệ thống luật pháp. Ý định sẽ đào tạo thêm 20,000 luật sư vào năm 2020 khó đạt mục tiêu.

Vấn đề tư tưởng và lý luận cũng chưa giải quyết xong–khoảng cách biệt quá lớn giữa giai tầng cai trị và bị trị, guồng máy nhà nước nặng nề, chằng chéo, chưa thấy một ánh hy vọng sẽ thăng hoa hay tan biến đi như Marx ảo vọng. Hội nghị về lý luận Văn hóa-Thông tin-Nghệ thuật vào đầu tháng 3/2006, do Nguyễn Khoa Điềm chủ tọa, phản ánh sự khủng hoảng của lý luận Marxist hiện nay. Cũng có dấu hiệu cho thấy BCT có thể sử dụng lực lượng Đoàn Thanh niên Cộng Sản để thực hiện kế hoạch chỉnh đốn vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Trong khi đó phe đổi mới ngày một mạnh. Nhân dịp thăm dò ý kiến dư luận về Dư thảo Báo cáo chính trị từ ngày 3/2 tới 3/3/2006 (mô phỏng theo kinh nghiệm cuối khóa VI), nhiều người đòi dân chủ hóa, như hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp 1992, tức điều khoản dành cho Đảng CS độc quyền cai trị. Có người còn đòi bỏ lý luận Marxist-Leninism. Trong số những người chống đối có cả cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư Hoàng Minh Chính, v.. v... Ngày 6/4/2006, 116 người vận động dân chủ ký tuyên cáo yêu cầu Đại hội X thực thi dân chủ, đa đảng và tự do cơ bản đã qui định trong Hiến Pháp.

 

Quốc nạn tham nhũng càng khiến tình hình phức tạp hơn. Tiêu biểu nhất là vụ tham ô “PMU 18.” Phó Chủ nhiệm văn phòng Phủ Thủ tướng, và một số viên chức cao cấp trong ngành công an, tư pháp cũng bị dính líu, theo lối giứt giây, động rừng. (Người hiểu rõ nội tình Việt Nam tự hỏi nếu loại trừ hết cán bộ tham nhũng, lấy ai ra làm việc?) BCT phải tuyên bố Đại hội X sẽ chỉ cử hành với “tính cách nội bộ.”

Tham nhũng, thực ra, là một phản ứng tiêu cực hiển lộ và mạnh mẽ nhất với giáo điều “diệt tư hữu” của thuyết Marx. Vì con người còn là con người chăng khi không còn tư hữu? Ngay đến các nhà tu đạo hạnh–lập lời nguyện hiến dâng tâm thân mình cho tiếng gọi của Đấng Tối Cao–cũng đang khiến bao giáo phận ở Mỹ tuyên bố phá sản vì tiền bồi thường cho hành động lợi dụng chức vụ và quyền thế để xâm phạm tình dục, v.. v... (Xin đừng vội kết luận đây là hiện tượng đặc thù Mỹ. Thực ra, chỉ có nước Mỹ mới đủ can đảm đưa ra ánh sáng “tội tổ tông” trên. Tại những quốc gia khác, kể cả Việt Nam, người ta nỗ lực che đậy, dấu giếm những tội ác của loài sâu của bông hoa tôn giáo này. Trong chuyến viếng thăm Mỹ đầu tiên từ 15 tới 20/4/2008, Gíáo hoàng Benedict XVI phải công khai xin lỗi và bày tỏ lòng ân hận.) (33)

Thật tự nhiên và dễ hiểu là một cán bộ Cộng Sản tinh tuyền khó thể thoát khỏi sự cám dỗ của quyền chức và lợi nhuận, rất tư hữu, do độc quyền cai trị và lãnh đạo gây nên. Thực trạng xã hội-kinh tế nội địa nói chung cũng tạo nên môi trường dung dưỡng và phát triển quốc sỉ tham nhũng.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục kế hoạch “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” theo kiểu Việt Nam (Marxist-Leninism, tư tưởng Hồ Chí Minh); thực hiện một số sửa đổi điều lệ và tổ chức Đảng. Điều này có nghĩa chẳng đổi mới gì. Dù biện pháp này an toàn nhất, nhưng cũng tạo nên vô vàn khó khăn trước mắt. Trước hết, Marxist-Leninism là thuyết Nga hóa chủ nghĩa Marxist, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, và đã bị quốc dân Nga đào thải. Tư tưởng HCM, trong ánh sáng khoa học lịch sử, là luật kẻ yếu, uốn cong mà không gãy, chỉ hợp với giai đoạn đấu tranh giành độc lập hơn xây dựng và phát triển kinh tế.

Hơn nữa, uy tín HCM đã bị khai thác cho những mục tiêu giai đoạn của những người cầm quyền, hơn thực tâm tôn trọng tư tưởng HCM. Chỉ một nguyện vọng nhỏ nhoi của HCM thôi–tức được hỏa táng để phát động nền văn hóa hỏa táng ở Việt Nam–đã bị tảng lờ. (Xem Di chúc HCM, ấn bản năm 2001 của BCHTƯĐ) Chẳng mấy ai còn nhắc đến Bản thỉnh nguyện năm 1919 của Nguyễn Ái Quốc và nhóm người Việt yêu nước, đòi hỏi những quyền tự do cơ bản như tự do tư tưởng, ngôn luận, v.. v....

Những cuộc cải cách điền địa tại Việt Nam, theo kiểu mẫu Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình, chẳng cách mạng gì hơn chế độ quân chủ Bonapartes ba bốn thế kỷ trước. Việc trả lại quyền tư hữu đất đai (sổ đỏ) hay khuyến khích tiểu thương, “cho phép đảng viên làm kinh tế”, v.. v...– dưới chiêu bài kinh tế thị trường–là những biện pháp kinh tế tư sản, hay tiểu tư sản, ngược hẳn với mục tiêu chiến lược “công hữu.” Trong khi đó, áp lực khối Ki-tô ngày một gia tăng. Sự “hợp tác” của Ki-tô với bất cứ chính quyền nào luôn luôn vụ lợi, có tính cách giai đoạn. Không kém nhức đầu, các hạn chế về quyền tự do cơ bản cá nhân–với lý do nào đi nữa–tự chúng cũng sẽ khiến trệch đường định hướng xã hội chủ nghĩa: vì tinh thần cơ bản để xây dựng xã hội chủ nghĩa, là tự do diễn đạt ý kiến và tư tưởng để đóng góp vào việc thực hiện một nền dân chủ tuyệt đối. Trong khi đó nhà nước ngày một nặng nề, chồng chéo, chẳng thấy một ánh hy vọng nào sẽ tự thăng hoa như Marx ảo vọng. Ngắn và gọn, bao nhiêu thế hệ người Việt nữa sẽ bị phí phạm trong những cuộc phiêu lưu vô định hướng, từ một xã hội nông nghiệp, phong kiến, thuộc địa đã chết, tới một xã hội mới chưa đủ khả năng chào đời?

Viễn ảnh tối tăm nhất là nếu chui vào đường hầm Hán hóa chủ nghĩa Marxist lần thứ hai, chẳng hy vọng có lối ra trong một tương lai gần.

Quốc dân Việt sẽ có tiếng nói cuối cùng–chấp nhận là người thua cuộc–hay sẽ âm thầm, nhưng vô cùng can đảm, kiên cường, liên lũy tranh đấu cho nhân và dân quyền cơ bản và một tương lai tốt đẹp hơn.

Đáp án của câu hỏi “Tương lai Việt Nam sẽ về đâu?” tùy thuộc ở quyết tâm của người Việt trong nỗ lực giải quyết cấp bách tinh thần hủ Mác-Lênin cùng tàn dư của mọi hình thái văn hoá thực dân-phong kiến, tức hủ Tây, còn sót lại.

 

Chính Đạo

St. Paul, 4/8/1989-Houston, 4/8/2008

Phụ chú (II):

 

19. Ngày 17/6/1954, Dulles gửi công điện cho phái đoàn Mỹ ở Geneva, lưu ý Pháp [Chauvel] về điều kiện di tản quân Pháp, và giáo dân Ki-tô Việt; The Pentagon Papers (Gravel), I:531 [Doc. 190]) Ngày 18/7 và rồi 21/7/1954, tại Hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Đỗ cũng nêu lên vấn đề hai giáo phận Bùi Chu-Phát Diệm; SHAT (Vincennes), 10H 246. Về vai trò Ki-tô giáo trong cuộc xâm lăng và “bảo hộ” của Pháp, xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2000); Cao Huy Thuần, Les missionnaires et la politique coloniale francaise au Vietnam (1857-1914) (New Haven: Yale Center for International & Asia Studies, 1990); Patrick J. N. Tuck, French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914: A Documentary Survey. (London: Liverpool Univ. Press, 1987).

20. Dụ số 10 ngày 6/8/1950 do Bảo Đại ký từ Vichy vẫn ghi Ki-tô giáo là Thiên Chúa Giáo hay Gia tô. Điều thứ 44 ghi: “Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa Gia tô, và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau;” Công Báo Việt Nam [CBVN], III:3 [19/8/1950]:434-437. Bản dịch Anh ngữ Dụ số 10 ngày 6/8/1950 cùng hai tu chính ngày 19/12/1952 và 3/4/1954 trích in trong phần phụ bản XV của United Nations General Assembly [UNGA], Doc. A/5630, 7/12/1963:86-89.

21. Etudes vietnamiennes, No. 53 (1978), tr. 108.

22. Phiếu trình số 077QP/CTTL/CTĐB/K ngày 21/2/1964; Đại tá Nguyễn Văn Chuân, Giám đốc Nha Kỹ Thuật Chiến Tranh Tâm Ly, gửi CT/HĐQNCM; TTLTTƯ II (TP/HCM), Phủ Thủ Tướng [PhThT], Hồ sơ [HS] 29383.

23. Đại sứ Lodge nhận xét rằng Diệm mang quan điểm Trung Cổ về độc tài gia đình trị, và họ Ngô là những kẻ dối trá và tội phạm [liars and criminals]; FRUS, 1961-1963, IV:143, 67. Cố vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy ví những hành động cuối triều Ngô như “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị chưa từng thấy từ thời các Nga Hoàng” [This was the first time the world had been faced with collective madness in a ruling family since the day of the tsars”] Ibid., IV:175. Xem thêm báo cáo của Đại sứ Pháp Lalouette ngày 10/3/1962 & 30/8/1962; AMAE (Paris), CLV, SN, d. 14 & 46; lược dịch Việt ngữ trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963, 2000:248-250, 259-261.

24. Hoàng Đức Ninh, em họ Thiệu, là trường hợp tiêu biểu nhất. Khi Ninh giữ chức tỉnh trưởng Bạc Liêu, Cố vấn John Paul Vann của Quân đoàn IV nhận xét nếu có thể móc đất Bạc Liêu bán cho Việt Cộng, Ninh cũng không từ. Thiệu bèn đưa Ninh lên nắm Biệt khu 44 (sát Kampuchea), Ninh dùng cả trực thăng đưa thanh niên trốn lính hay đào ngũ qua Kampuchea. Sau vụ tai tiếng vợ Ninh đánh ghen đào cải lương Bạch Tuyết ở Sài Gòn, Ninh được đưa qua Tây Germany làm tùy viên quân sự. Em trai Ninh, Hoàng Đức Nhã, làm cố vấn đặc biệt cho Thiệu, rồi nắm Bộ Dân vận, Chiêu Hồi. Theo tình báo Mỹ, tháng 4/1975, Nhã biến dạng cùng 5 tấn vàng ở Singapore, trong nhiệm vụ dàn xếp cho Thiệu di tản. Xem thêm về sự tham nhũng và thiếu khả năng của giới quân phiệt trong Clarke, 1988:358, 453, 486-489; Vien, Leadership, 1983:213.

25. Xem Hữu Mai, Ông Cố Vấn, 3 tập (Hà Nội: 1987-1989). Nhân vật “Năm Sang” trong cuốn Ông Cố Vấn tức cấp chỉ huy trực tiếp của Vũ Ngọc Nhạ, là Trương Văn Sang, cựu Bí thư Sài Gòn.

26. Mâu từng tập trung “bọn tăng ni phản loạn” vào các trại giáo huấn, và những người “tốt nghiệp” phải ký tên vào kiến nghị nhớ ơn Tổng thống, hứa tuyệt đối trung thành với chế độ. Xem chi tiết trong Chính Đạo, “Mùa Phật Đản đẫm máu;” Hopluu.net, Phụ bản đặc biệt tháng 5/2008.

27. Cho tới nay, biến cố 1966 chưa được nghiên cứu tường tận, dầy phủ những cảm nhận sắt máu hận thù, hay bi phẫn.

28. Xem Nguyên Vũ, Sau Bảy Năm Ở Lính (Sài Gòn: Đại Ngã, 1970).

29. Mãi tới năm 1982, Trường Chinh–người được coi như thân Bắc Kinh–mới lên án tư tưởng Mao Trạch Đông là “phi vô sản, phản động,” “chống chủ nghĩa Mac-Lênin,” “chống CNXH,”“chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền đại Hán tộc, sô vanh nước lớn, dân tộc tư sản mang đậm màu sắc phong kiến,” “đã rất xảo quyệt sử dụng Việt Nam như một con bài để vươn lên địa vị cường quốc . . ., kiềm chế và gây áp lực khi viện trợ cho Việt Nam, tìm mọi cách khống chế Việt Nam, kéo Việt Nam vào quĩ đạo để họ nắm Việt Nam, từ đó nắm cả Đông Dương và tràn xuống Đông Nam Châu Á. . . . họ đã giữ cho Việt Nam không thắng, không bại, bị chia cắt lâu dài, làm nước đệm giữa Trung quốc và chủ nghĩa đế quốc, không bao giờ mạnh lên được và luôn luôn lệ thuộc vào họ.” Trường Chinh, “Nhân Dân Việt Nam kiên quyết đánh bại mọi mưu mô xâm lược của chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc;” “Xã luận” Tạp chí Cộng Sản [TCCS], 3/1982, trích đăng trong Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc (Hà Nội: 1982), tr. 35.

30. Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm (Sài Gòn: 1985), tr. 92-93.

31. Ngày Thứ Bảy, 17/2/1979, đúng ngày Phạm Văn Đồng ký Hiệp ước Hợp Tác và Hữu Nghị với Kampuchea, Hồng quân TC xâm lăng Việt Nam để trả đũa việc VN xâm phạm biên giới. Dương Đắc Chí [Yang Dezhi], Tư lệnh Quân khu Côn Minh; dưới sự chỉ huy của Xu Shiyou [Hứa Thế Hữu], Tư lệnh Quảng Châu, thân cận của Đặng Tiểu Bình. Zhang Dingfa, Tư lệnh Không quân, đích thân chỉ huy không lực. Quân số TC lên tới 200,000 (5 quân đoàn, khoảng 15-16 Sư đoàn chính qui), 1 đơn vị Dù, khoảng 700 phi cơ đủ loại. Một tài liệu CSVN ghi là hơn 600,000 quân TC xâm lược; Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc,: 1982:25 [“Xã luận” của TCCS, 5/1979], 35 [“Xã luận” TCCS, 3/1982]. Trong 30 ngày chiến tranh, từ 17/2 tới 19/3/1979, CSVN đã “loại khỏi vòng chiến đấu 62,500 tên Trung quốc xâm lược, tiêu diệt và đánh thiệt hại 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 200 xe tăng và xe bọc thép, 270 xe vận tải, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, bắt nhiều tên Trung quốc xâm lược.” Ibid., 1982:20 [ “Xã luận” TCCS, 4/1979]

32. Nguyễn Phú Trọng, “Xây Dựng Đảng Cầm Quyền: Một số kinh nghiệm từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam;” Hội thảo lý luận giữa Đảng CSViệt Nam và Đảng CSTQ: Xây Dựng Đảng Cầm Quyền, Kinh nghiệm của Việt Nam, Kinh nghiệm của TQ (Hà Nội: NXB CTQG, 2004), tr. 18, 21.

33. “Highlights of Pope Benedict’s US visit;” AP, 5/4/2008.

w-hopluu102-final-t31_0_202x300_1

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13817)
(Xem: 13853)
(Xem: 14743)