- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sóc Nâu Ngày Tháng Dại

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8101)

w-hopluu102-final-final-t113_0_179x300_1Thôn nói Thôn phải đi khỏi đây vì có quá nhiều chuyện buồn. Những chuyện buồn ám ảnh đêm đêm, Thôn không ngủ được. Chú Lầu không hiểu có biết gì không, cứ líu lo: "Này, con dzoi nó phá kinh lắm!". Tôi gật chiếu lệ: "Voi mà phá thì thôi...". Chú Lầu không tha: "Dưới rẫy tôi có một bầy dzoi, nó phá...".

Mắc cười quá cái chú Lầu này. Tôi gạt phắt: "Xạo quá cha nội, đây làm gì có voi!". Thằng con chú Lầu kéo tay tôi: "Con dơi đó. Ổng nói tiếng Việt đâu có rành!". Ra là vậy đó. Thôn đang buồn cũng bật lên cười rúc rích.

Tôi nhớ có lần chú Lầu kể hồi xưa chú đi lính. Chuyện không đầu không cuối. Đại khái líu lo theo kiểu chú: "Cái thằng đại lý (đại úy) đại đội chưởng của tôi, nó có đến hai con vọ, kinh!".

*

Rất lâu, tôi mới về qua suối Sóc Nâu. Như một cái database lưu trữ hàng triệu triệu kí ức. Lưu cữu. Lưu niên. Nhưng đầy ắp nước mắt.

Thôn...

Thôn nói, anh giờ thành người phố thị rồi, nhìn không giống anh ngày xưa nữa. Tôi vuốt cái đầu tóc mình, chối quanh: Cũng mười năm hơn rồi Thôn! Thôn cười. Tôi tìm mãi kí ức mình, nụ cười làm nở ngàn cái búp non xanh nõn của mười năm xưa, không còn thấy. Mắt Thôn giờ có nhiều nếp nhăn quá...

Ừ. Mắt Thôn!

"Này. Con gái nhà ông Cà Đum về đó. Đẹp quá trời quá đất bây à!". Đứa nào đó thông báo. Tôi quấn điếu thuốc rê, cố phà cho ra thật nhiều khói xua muỗi. Muỗi kinh hoàng trận địa. Mưa. Mưa lâm thâm lâm thâm buốt giá. Rừng tre vướng víu ngàn khúc và mắc. Con rắn dài ngoằng bò qua chỗ mấy đứa tụi tôi ngồi, chẳng đứa nào thèm đứng dậy. Đã quen rồi, kệ nó...

Nó đẹp cỡ nào? Một đứa nào đó hỏi. Và một đứa nào đó trả lời ngang xương: Ngó là xỉu tại trận!

Là Thôn đó. Của những năm tháng triền miên tuổi trẻ chúng tôi, rừng tre khúc và mắc. Giờ ngồi đây. Có chú Lầu. Chú Lầu cũng quấn điếu thuốc rê to cộ. Chú Lầu đột nhiên cũng buồn, mắt cũng nhìn xa xăm: "Nó tệ. Nó thiệt tệ!". Lại nghe, nước mắt Thôn chảy dài.

*

Bữa đó mưa miết. Mưa thối trời thối đất. Không thể vô rừng. Ngồi không quanh cái chòi tre, nghe mưa mà nhớ nhà và lòng buồn vô hạn. Tôi nói, mình còn nhiều tiền không, ra quán ông Cà Đum uống rượu đi. Vài thằng hưởng ứng, vài thằng không. Đành làm hai cái thăm và bắt... Thế là đi uống rượu.

Tóc tai. Người ngợm. Những nỗi buồn lưu trú dài hạn. Những trốn lánh mệt mỏi đã biến một đám trai tơ chúng tôi thành ra những rừng rú man dại nào. Ầm ào và vô giới hạn. Mỗi lần chúng tôi bước vào xóm, là dường như thiên hạ muốn khóa trái cửa. Cái quán ông Cà Đum cũng vậy. Người ta không muốn giao du với đám chúng tôi. Cũng buồn. Nhưng riết rồi đã quen. Cứ ầm ào sống, trong những bức bách thiếu thốn dưỡng khí mà thở.

Nhưng hôm nay ngồi ngoan quanh cái bàn là hai miếng ván bìa ghép. Chai rượu và con khô đuối dai nhằng. Nói, những điều thuộc về thế giới văn minh. Không nghe một tiếng chửi thề nào...

Là Thôn đó.

Hình như đêm đó về, đứa nào cũng làm thơ!

Một đứa trằn trọc mãi rồi ngồi dậy nhóm bếp hơ tay. Là Viễn. Tôi cũng ngồi dậy, hơ tay mình trên lửa ấm. Nghe Viễn lầm thầm: "Nó cười a, có nghìn cái lộc non nở ra!".

Thơ đó!

*

Thôn ngó tôi. Sao anh chưa lấy vợ?

Tôi nói, tôi chưa thấy mình đủ lớn. Thôn phì cười: Già ngoác rồi anh! Chú Lầu líu lo: Ê, lát mày qua tao đập ổ dzoi rồi mình làm bậy xị rượu nghe!

*

Những ngày rừng mùa mưa, đất đỏ dính bết. Những nhập nhoạng hoàng hôn trở về ngang qua xóm nhỏ đìu hiu, cảm giác thèm hơi người. Những ngày tháng đó Thôn đâu có biết, đêm tôi nằm gối trên ba cuốn Tam Quốc Chí, kỉ vật của anh Thiên cho ngày cách ly với gia đình, giấc mơ tôi tròn vo có đôi mắt Thôn ký túc trong đó thường trực.

Cái xóm nhỏ đìu hiu ấy, vài nóc nhà Kinh có, Kh’mer có, Tàu Nùng có. Họ trồng thuốc lá và tỉa tót những hi vọng cho một ngày mai ngày kia. Sau lưng họ, bạt ngàn rừng. Nơi đó, đám trai tơ chúng tôi, những đứa đang trốn lánh những đợt bắt bớ chiến tranh, cố tìm kiếm miếng cơm và hơi thở tự do!

Đứa nào cũng tương tư Thôn.

Rồi một bữa, Viễn trốn đi chơi đêm một mình. Lúc về, ấm ức khóc. Tôi đốt đèn lên. Mặt nó tím bầm, trầy trụa những vết xước.

Ai làm mày đó Viễn?

Những thằng khác tốc mùng xúm tới. Những câu hỏi dồn. Viễn nói trong nước mắt, hay trong sự uất nghẹn của thằng trai đang sức lớn: "Tao qua quán ông Cà Đum. Thằng Châu Thượng Đế!".

Bọn tôi ngồi đó. Đứa nào cũng im lặng ngó cái bóng mình chập chờn trên vách. Thương bạn mà nghe mình bất lực. Tôi nghe như nước mắt mình cũng chực chờ trào ra. Một đứa nào đó lầm bầm: Có mê gái thì cũng biết cách mà mê. Chịu không nổi nữa thì kêu thêm vài thằng. Mày đừng có đi một mình nữa. Tau không nói quá, có ngày bỏ xác bên xóm đó với thằng Châu Thượng Đế!

Châu Thượng Đế!

Nó, như không phải con người. Nó lừng lững cao to. Nó không sợ gì hết. Nó bất chấp tất cả. Thứ gì trái ý nó, là nó xử theo cách của nó. Bọn tôi sợ nó. Sợ cái tàn bạo vô luân, sợ cái phi nhân tính. Nó rừng rú khốn nạn gấp bội lần những thằng như chúng tôi.

Một đứa nào bâng quơ: Thôi đi ngủ đi. Đù mẹ thằng Châu Thượng Đế!

Thì cũng chỉ đến thế thôi.

*

Tôi chào Thôn. Tôi đi qua chú Lầu.

Thím Lầu trải chiếu giữa nền nhà, hỏi thăm tôi một câu. Mâm nhậu chẳng có gì, chỉ dĩa trứng chiên. Chú Lầu uống, rồi líu lo: "Nó tệ quá a! Nó tệ quá a!". Rồi chú nhớ ra tôi đang ngồi đó. Chú nói: "Mày uống đi. Uống đi. Mà mày có gặp lại nó lần nào chưa? Mày có gặp, nói nó về với con Thôn nghe! Mày nói là tôi nhắn vậy đó".

Tôi cúi đầu. Tôi ăn gian, rót cho riêng mình đến ba ly rượu và tống khứ vào cổ họng những nghẹn ngào buồn tủi của riêng mình.

II

Bữa Triết chết cháy, cũng là cơ duyên để bọn tôi nối cái sợi dây sang xóm nghèo hiu hắt của chú Lầu, của lão Cà Đum. Cũng là nhờ Thôn. Thôn, một chút Kh’mer hoang dại, đẹp đến nao lòng và buồn cũng đến nao lòng...

Tội nghiệp anh Triết!

Thôn nằm trên võng đưa con. Tôi ngồi bập bòe điếu thuốc bên này. Cái tiệm xưa của lão Cà Đum giờ chỉ còn lèo tèo vài món bánh trái. Nó cũng buồn lay lắt và sương khói như suối Sóc Nâu này đây.

Thôn ạ ời ạ ời khi đứa bé trở mình. Rồi nói, anh Triết đó, sau này như thỉnh thoảng về trong giấc mơ em. Thương mà sợ lắm! Có một ngày em chịu không nổi, em thắp nhang mà nói anh đừng về nữa, em sợ lắm. Thương em thì cho em bình an! Vậy đó, mà sau này không thấy nữa. Rồi cũng buồn anh ơi!

Rồi cũng buồn.

Nỗi buồn ở đâu ra mà nhiều đến làm vậy.

Bữa đó, trời hửng nhiều ngày. Lạ, không phải hạn Bà Chằn nhưng giữa mùa mưa gió, rừng tre lại khô rốc lên cái nắng đành hanh đành hanh. Lốc xoáy hoài cuốn bụi mù. Rồi rừng tre cháy lốm đốm da beo. Triết nói để đi vô đó kiếm vài con cheo con chồn về làm thịt. Đi rồi sụp xuống cái hầm đầy lá tre hoải, lửa cháy ngầm trong đó. Anh em phát hiện kéo về thì đã không còn kịp. Mà Thôn chạy qua, khóc tấm tức. Khóc rỉ rả. Rồi chạy qua chạy về mua nhang mua đèn, biểu người này kiếm ván, biểu người kia dựng rạp. Bọn tôi chôn Triết như thế.

Mà cũng như thế, cái xóm đìu hiu ấy cũng chạy sang, những giọt nước mắt chung trong một nỗi niềm buồn lay buồn lắt.

Tôi nói thôi, Thôn đừng nhắc những chuyện đó, buồn lắm Thôn ơi!

Thôn dạ, như gió thoảng!

*

Có bữa niềm vui chui qua cái trôn kim

Gõ cửa và nói

Đã đến giờ thay ca!

Nhưng tôi từ chối

Tôi yêu nỗi buồn của mình

Nó nhen lên ngọn lửa

Từ tâm từ tâm...

Đêm đó có trăng không? Tôi không nhớ. Buổi sáng, anh Thiên lên thăm, mang cho mấy tờ báo cũ và một cuốn sách cũng đã tả tơi. Tuổi trẻ băn khoăn. Một cuốn truyện luận đề đọc đến mệt lả của Hermann Hesse. Anh Thiên ngày làm đường tàu, bị hoại thư phải cưa một chân. Thương lắm. Anh về phố, dọn một chỗ sửa xe đạp và lùng mua sách cũ. Cũng buồn tênh phận người...

Có chị người yêu, ngày ấy cũng bỏ anh mà đi. Chỉ nghe anh cười xót xa.

Mà anh Thiên lên, còn tặng tôi một món quà buồn nữa. Anh nói, Dự lên chùa rồi. Dự, sao đã chán cuộc đời này. Đứa em côi cút của tôi. Nó sống với anh Thiên ở phố, lủi thủi cô độc, có mỗi bộ đồ đến trường. Cũng chẳng thấy bạn bè gì. Ngày tôi lên rừng, nó khóc, níu chặt cái tay tôi...

Anh Thiên nói mi đừng buồn nữa, Dự nó có cái tánh Phật trong người. Nó vô chùa thì bình an cho nó thôi. Anh Thiên về. Tối, tôi ra cái gò mối ngồi thừ ở đó...

Mà Thôn qua. Thôn mang một rổ nấm mối qua cho đám đói ăn chúng tôi. Thấy tôi ngồi đó hút thuốc, Thôn sà tới, tự nhiên, hồn nhiên, trong veo suối nguồn! Thôn nói gì đó, rồi kể tôi nghe Thôn ở phố tỉnh, với hai bà dì người Kh’mer bán cơm chay trên quốc lộ. Nhưng ông Cà Đum - người có hai dòng máu Miên và Kh’mer muốn Thôn về đây ở với ông...

Mẹ Thôn mất lâu rồi!

Ở đây buồn quá, Thôn nói.

Trong kia, tôi nhìn đốm lửa trên môi của Viễn cứ lóe sáng. Nó rít thuốc đến ngập ngụa cả đêm đen!

*

Một lần tôi về Bạc Liêu. Trước cái nhà trọ đó, có cái quán cơm chay đúng của hai người đàn bà Kh’mer, có phải ngày xưa Thôn nói về cái quán này?

Bây giờ ngồi ngó Thôn đùng đưa cái võng, tôi nhắc lại chuyện đó. Thôn nói ừ đúng rồi đó. Nhưng đã lâu lắm, lâu lắm Thôn không có về thăm họ. Bằn bặt mãi rồi quên mất, quên mất mình còn có những người thân đâu đó!

"Ba em mất không lâu thì ảnh bỏ đi!". Thôn dựng chân cho cái võng ngừng lại, thè thẹ đặt đứa bé xuống võng. "Anh uống trà nghe, để em chế bình trà!". Tôi nói thôi khỏi. Rồi lại nói, ờ, nếu trong nhà có rượu sẵn, cho tôi xin một chai. Thôn cười rất nhẹ: "Em hiểu rồi!".

Tôi nói khuya rồi, tôi qua chú Lầu ngủ nghe. Ở đây, Thôn có ngại không?

Thôn nói đừng lo. Anh ở lại đây đi. Đêm nay em chắc là không ngủ được. Để em uống rượu với anh.

Đời em -Giọng Thôn nghe như từ rất xa, xa lắm - còn chi để mà e với ngại hở anh!

Thôn ngồi xuống, rót ra hai ly rượu nhỏ rồi nhăn mặt uống cạn. Tôi ủ cái ly rượu trong tay mình. Nhớ chú Lầu nói: "Mày qua chơi rồi về ngủ nghe, tôi để cửa đó...". Tôi không về. Tôi ở đây với em Thôn của tôi. Ở đây cùng sự cô độc khốn cùng mà sớt ra phần cái bánh buồn đau ký gửi triền miên phận người!

Tôi nhấm nháp ly rượu. Rồi nghe Thôn bật cười: "Sao hồi đó anh không nói thương em?". Ôi chao hồi đó, sức lực nào biến tôi thành hiệp sĩ, thành gã quân tử Tàu nhường nhịn bầu rượu tình yêu một cách ngu dốt đến u mê?

Tôi đâu dám nói thật. Tôi vẫn ủ cái ly rượu trong tay mình, cười theo Thôn và nói: Hồi đó tôi sợ Thôn lắm. Dòm Thôn, như dòm thấy tiên phật trên trời. Thôn tiếp lời: ừ, em là tiên phật bị đọa đó anh!

Giờ còn thương em không?

Thôn lại hỏi. Chừng như Thôn đã say. Câu hỏi như tiếng sét ngoài kia xẹt vào. Thôn ơi Thôn ơi. Tôi chảy nước mắt vì những nỗi buồn thương lưu cữu trong mình đây...

Tôi còn thương em không ư? Thôi đừng hỏi nữa em. Quanh mình đây, biết bao cái sợi dây đời chằng chịt, ràng buộc, quắn quéo không cho cái tình yêu, tình thương hiện lên đầy đủ hình hài của nó, Thôn ơi!

III

Sau đám cưới Thôn, tôi bỏ rừng qua Cò Rạt với anh Thiên. Anh Thiên hành nghề đóng giày, đem tôi theo. Đất lạ xứ người, chỉ có đôi mắt và nụ cười Thôn theo tôi những ngày cơm hàng cháo chợ như thế.

Người Thái lạ, ở chợ, chỗ cái góc mà tôi với anh Thiên ngồi, có một cái xe đẩy của một lão già chuyên bán cào cào, dế... xào với hành ớt. Lúc nào cũng có người mua! Chỉ tôi và anh Thiên là cạch. Anh Thiên nói, mi ăn không, lấy mấy đồng lẻ qua mua cho người ta. Tôi lắc quầy quậy! Lão già bán cào cào, anh Thiên kêu là lão Rụt, vì lúc nào nhìn lão cũng như đang so vai rụt cổ. Dáng lầm lũi, thỉnh thoảng vắng khách cũng chạy sang ngồi hút thuốc với tôi.

Chỉ anh Thiên biết một ít tiếng Thái. Còn tôi, vừa đủ để trả giá những thứ nhu yếu phẩm trong chợ. Vậy mà có khi ngồi với lão Rụt đến tàn mấy điếu thuốc. Ngồi bâng quơ vậy mà đâm nghiện nhau. Rồi hằng đêm, khi anh Thiên rị mọ viết lách gì đó trong cái chòi - đúng nghĩa cái chòi với mấy tấm bạt che quanh - tôi lại chạy chỗ lão Rụt, lại hút thuốc.

Rồi một bữa xin anh Thiên nắm tiền lẻ, tôi đi mua chai rượu mang qua. Lão Rụt mang ra mấy con ve sầu đã chiên chín, làm dĩa mồi và cái ly nhỏ.

Hai chúng tôi uống. Như tri kỉ. Như đã thân nhau từ kiếp nảo kiếp nao.

Tôi nói, mà lão đâu có hiểu gì... Tôi nói huyên thuyên về Thôn, về Triết, về Viễn. Và về em Dự của tôi. Em Dự lên chùa xong không quay lại nữa. Em viết cho anh Thiên cái thư nói bây giờ em không muốn gặp lại người thân, em chỉ muốn phụng thờ Phật tổ mà thôi. Em Dự cắt ngang cái dây nối với cuộc đời như thế. Anh Thiên năm lần bảy lượt lên chùa, em Dự không tiếp.

Tôi nói. Rồi tôi khóc. Lão Rụt vỗ về tôi. Tay lão quàng vai tôi. Lão nói phần lão nghe. Chỉ thấy rồi thì trong mắt lão cũng có hai dòng nước chảy ra, trắng như sữa đục.

Tôi say mèm đêm đó. Lết về được cái chòi của anh Thiên thì đùng đùng sốt. Những cơn sốt rét rừng dai dẳng còn đeo theo sang đất lạ xứ người... Sau này anh Thiên nói, anh tưởng mi chết ở đó bỏ anh như em Dự bỏ anh, anh sợ quá anh khóc rồi anh khấn trời khấn phật, may mà qua!

Giờ ngồi đây. Tôi đâu có kể cho Thôn nghe!

*

Trước ngày chết thảm, Triết đã làm cái điều mà tụi tôi không đứa nào dám làm.

Có mấy đêm liền, Triết mò qua xóm, đánh bạc. Triết vốn mê cờ bạc. Tính nó cộc. Nó hay làm sảng, những hành động têu tếu, lành tính. Ở phố, nhà nó khá giả, thuộc loại của ăn của để nhiều. Vậy mà lên rừng, cũng hị hụi cày như trâu, hòa nhập nhanh như đã từng là dân rừng thứ thiệt...

Hồi đó Triết yêu một cô cùng xóm. Tụi tôi thách, và nó lừng lững làm ngay. Buổi trưa đứng bóng, đường phố như rang, nó đánh trần, vắt cái áo thun trên vai, mượn chiếc xích lô của ai đó, đạp tông thẳng vào nhà người trong mộng. Rồi lấy cái áo che mặt, nó gào ba tiếng anh yêu em rồi bỏ chạy...

Mà rồi cũng hẹn hò được. Nhưng ngày lên rừng trốn lánh, thì ẻm ưng thằng khác mất tiêu. Triết cười hề hề: Xong. Mai mốt tau về, tau cua lại mấy hồi. Lần tới thì tau đi bộ, khỏi cần xích lô ba gác.

Mấy đêm liền đi cờ bạc, nó phờ phạc, lầm lầm ít nói. Ai cản chi cũng không nghe.

Ngày đi rừng, nó vẫn vậy, ùi ụi làm. Đêm, lại đi! Anh em thở dài ngao ngán, rồi thì mặc xác nó.

Rồi cũng một đêm nó về, nó dựng hết anh em dậy. Ngó nó trong bập bùng cái bếp lửa giữa chòi mà ai cũng hoảng kinh. Máu me đâu mà bê bết!

Triết nhe răng cười, bày ra một chai rượu gằn nút bằng lá chuối quấn và mấy cây lạp xưởng: "Thắng to nghe. Đãi tụi bây đó!". Nhưng máu đâu ra? Ờ, máu của thằng Châu Thượng Đế! Triết trả lời như không có chuyện gì. Tụi tôi xanh mặt, ấm ớ hỏi... Nó đi ra ngoài múc nước rửa tay sạch sẽ xong, bày mâm bày chén ra, nói tỉnh khô: "Nó chơi bạc bịp. Tau xin nó một ngón tay. Cho nó chừa đi! Giờ thì yên tâm uống rượu được chớ!".

Thằng Viễn nhảy tót một cái: "Triết ơi, mày là cha là mẹ tao đó! Mày là anh hùng, là người trong mộng của tao!".

Không vui. Không buồn. Chỉ cảm giác nao nao tiêng tiếc, tôi sà vào mâm rượu, mà nghe thương xót cho đồng lõa mình!

Vậy đó, mà rồi Triết chết thảm!

*

Anh nhớ bữa ở suối không?

Thôn lại hỏi. Mười năm rồi, suối Sóc Nâu đã thôi, không còn cuồn cuộn chảy sau những cơn mưa rừng. Con suối giờ từ bi và ảm đạm, có những ngày, Thôn nói, nó khô rang. Người ta ngăn tùm lum để lấy nước tưới cà phê. Nó trơ khất những mỏm đá, dị kì và đáng ghét lắm.

Bữa ở suối. Ngày đó tôi mệt, bỏ về trước. Rời rừng, tôi không về chòi mà ghé suối Sóc Nâu, định bụng vừa tắm cái cho khỏe người vừa giặt cái bộ đồ. Vậy mà trên cái mõm đá tôi hay ngồi, Thôn đang ở đó. Tôi như giật thót mình!

Thôn. Thôn. Thôn.

Cái tiếng sét dội nghiêng lưng chừng núi

Đá vỡ toang anh những hốc hoác hồn người

Con suối cũ đã chạm nguồn con nước

Anh chạm vào ngàn vạn thức buồn trôi...

Thôn cười: Anh về sớm a!

Tôi ừ nho nhỏ. Tôi khỏa nước rửa mặt và khi ngẩng lên, tôi thấy mắt Thôn đang nhìn xeo xéo bên lùm cây, như mê đắm.

Tôi nhìn theo hướng đó. Ơi, con chim Cao các đẹp đến khôn tưởng với bộ lông vàng rũ lia tia những chớp trắng và cái mỏ dài. Con chim đứng đường bệ trên cành cây, nó như không sợ người... Thôn lắp bắp: Con chim. Con chim!

Tôi nói: Con Cao các đó. Nó là chim Phượng của rừng này!

Nó đẹp quá! Thôn xuýt xoa, xuýt xoa. Cảm ơn con Cao các, nó giúp tôi tự nhiên hơn giữa con suối Sóc Nâu này. Tôi móc trong túi quần mình một cái hạt tròn tròn ném cho Thôn: Cầm lấy đi. Hột mã tiền đó!

Để làm chi? Thôn hỏi! Tôi nói, hột này rất độc, nếu ăn phải nó là chết ngay đơ. Nhưng nó hút được nọc độc đó. Đi rừng ai cũng có vài cái hột trong người, để lỡ khi bò cạp, rắn rít cắn... Thôn à, rồi nói: Cái này người ta ngâm rượu tập võ đây mà! Tôi ừ...

Tôi lội ra giữa lòng suối, đứng đó và khỏa nước lên cành cây con Cao các đang đậu. Nó xù lông ra như tự vệ mà chẳng thèm bay. Tôi bảo Thôn: Con Cao các này lạ lắm đó, người ta bảo nó ăn hột mã tiền!

Thôn nghịch: Con chim này nó giống anh đó! Tôi tròn xoe: Sao a?

Thôn vò vò cái áo đang giặt, nói trống không: Anh cũng lạ òm!

IV

Con chim Cao Các đột ngột vỗ cánh bay đi. Chiều đang ngả dần màu xam xảm buồn. Thôn đứng dậy, chào tôi: Em về trước nghe! Tôi ừ ừ đâu trong cổ họng. Vậy mà Thôn trượt chân té xuống. Tôi hoảng kinh, lật đật lao về phía Thôn, đỡ em dậy.

Bây giờ ngồi đây. Đêm. Con dế kêu nghe tức tưởi đâu đó sau hè nhà. Thôn lại nhăn mặt uống một ngụm nữa, rồi cười: "Bữa đó, em té giả bộ đó...". Tôi cũng giả lả: Thiệt tình mấy cô, tụi tôi chịu chết thôi...

Đứa bé lại trở mình. Thôn lật đật chạy sang ạ ời ạ ời...

Tôi đi ra sân.

Gió mát. Gió lồng lộng. Tôi cởi áo cho gió chạy vô người

Gió ơi gió ơi

Chạy về bên tê cánh đồng đầy gai nhọn

Chạy về bên ni những sợi tóc hương người

Chạy đâu chạy đâu tìm tuổi trẻ cho tôi

Tuổi trẻ ngồi trên những cánh gió chào nhau chào nhau mà rơi nước mắt!

Tự nhiên tôi nhớ lão Rụt. Anh Thiên nói, lão từng tham chiến ở Việt Nam. Ngày xưa, lão làm ở sân bay U Đôn. Cái sân bay chứa bom cho B52 đổ xuống những cánh rừng xanh này đây. Anh Thiên nói, có lần lão kể, lão đã từng say rượu ở Nha Trang, rồi nhớ thương một cô vợ bạn, bị đánh rút gân nên bây giờ lão rụt cổ như con rùa vậy!

Tôi ngồi bệt xuống sân. Chỗ này có mấy bụi ngải cứu mùi ngan ngát hiền lành. Tôi thò tay bứt một lá, vò trong tay mình và đưa lên mũi. Những thơm thảo dịu dàng này, nghe cũng ngậm ngùi như tuổi trẻ tôi mười năm mười năm!

Thôn đi ra đó, lót dép ngồi với tôi. Gió có thổi làm tóc Thôn bay như đêm ngồi ở ụ mối cái chòi hoang hoải mười năm xưa đám trai tơ đói ăn đói thở chúng tôi? Tôi không biết. Tôi không dám ngoảnh mặt nhìn sang. Tôi chỉ ngồi im như thế. Nghe Thôn cũng ngồi im như thế.

*

Một lần, tôi bạt tai em Dự!

Hôm đó, khoắng không còn hột gạo nào trong cái thùng đạn đại liên. Em Dự nói đói lắm, không đi học. Nài nỉ mãi cũng vậy. Tôi bực, nói mày không học, mày dốt nát rồi cũng bốc cứt mà ăn thôi. Em Dự cãi, không ai ăn cứt hết. Tôi nổi đóa, xáng em Dự một bạt tai. Anh Thiên cà nhắc chạy vô can còn chửi tôi mi tục quá, tôi xô anh Thiên một cái, anh Thiên té xuống...

Em Dự chạy lại đỡ anh Thiên!

Còn tôi? Tôi bỏ đi ra ngoài phố, lang thang suốt một đêm.

*

Viễn có một cái nón bê rê. Cái nón của một chàng pilot nào đó cho nó hồi nó còn nhỏ chút bẻo. Vậy mà theo nó ra phố, lên rừng, nghênh nghênh ngang ngang nhiều khi trông thật yêu mà nhiều khi trông cũng ghét thậm ghét tệ. Viễn từng tuyên bố xanh rờn: Phi mão bất thành Viễn!

Viễn khôn vặt một chút, lý sự một chút, yếu đuối một chút. Nhưng Viễn là đứa biết thương anh em. Trong thăm thẳm con người, nó là đứa đa cảm. Ngày Triết chết thảm, tôi nhớ như in, Viễn không chảy một giọt nước mắt. Nó chạy cùng Thôn và lão Cà Đum lo đủ thứ. Rồi ba ngày sau khi chôn Triết, nó nói: Tau về phố!

Anh em tụi tôi tròn mắt. Về, bị bắt như chơi!

Viễn bất chấp, cứ lôi bộ áo quần mới ra mặc vô, khoác cái balo nhẹ tênh, bước ra cửa chòi còn quay vô cảu nhảu: Nó chết, nhà nó phải được biết. Bây yên tâm, nó phù hộ tau, không ai bắt tau được.

Hai ngày sau Viễn quay lại, vô sự. Rồi một ngày sau nữa, ba má và chị Hai của Triết lên. Bọn tôi những ngày đó nhìn đâu cũng thấy lỗi lầm của mình, không đứa nào dám nhìn thẳng vô mặt ba người thân của Triết. Chỉ có Viễn. Nó thay mặt cả nhóm mà tỉ tê tâm sự, tỉ tê kể lể, tỉ tê an ủi.

Nhưng trong Viễn có cái sợi chỉ lưu manh nho nhỏ. Viễn cưa đứt Thôn bằng cách chặn hết lối đi của anh em. Đêm, Viễn hay ỉ ôi ỉ ôi, giả như đùa mà giả như thật. Giả như cho nó mà giả như để gió thổi cái tỉ tê sang tai người khác...

Đây, Kinh Yêu của nó...

Em Thôn ơi em Thôn, kiếp này không lấy đặng em, anh rày chết tốt!

Em Thôn ơi, anh thề, thằng nào mà xớ rớ tới em, anh băm nó làm nghìn nhát!

Em Thôn ơi em Thôn ơi, trời sanh chi em tóc dài mắt đẹp để thằng X thằng Y thằng Z ngày hôm nay đi ngang ngó hoài mà chân nó dậm lên bãi cứt bò. Đêm mai nó còn dòm nữa anh chém nó một triệu mảnh em Thôn...

Viễn, có lần ngồi ụ mối với tôi, nói, tau thương con Thôn quá, đêm nào cũng mơ thấy nó.

Tôi ậm ừ ậm ừ. Viễn tiếp: Tau biết, mày cũng thương, đúng không?

Tôi không nói gì. Viễn thở dài đánh sượt rồi vỗ vai tôi: So ra trong cả đám thì mày nhất rồi. Coi như tau thua cuộc!

Đó. Chỉ một câu khích tướng, tôi u mê hắt cái cái ly rượu tình yêu của mình xuống con nước đỏ ngầu mùa mưa suối Sóc Nâu. Có phải nào tôi không biết cái té ngã của Thôn bên bờ suối Sóc Nâu là giả bộ, chỉ vì Viễn…

*

Hồi sáng lúc ghé về Thôn, tôi thấy cái nón bê rê của Viễn trên bàn thờ lão Cà Đum. Cái nón sống tuổi đời dài ngoẵng, đã lỗ chỗ nhiều vết chuột gián gặm nhấm. Thôn tế sống Viễn, hay đơn giản chỉ là tình cờ đặt lên đó? Tôi không dám nghĩ tới nữa!

Thôn nói, Thôn phải đi khỏi đây vì có quá nhiều chuyện buồn! Những chuyện buồn không làm cách chi con người có thể gánh nổi trên hai vai. Tôi nói, đời là buồn Thôn ơi, Phật dạy đó, sinh lão bệnh tử mà! Rồi tôi hỏi, sao bữa đó ở suối Sóc Nâu Thôn nói tôi lạ òm!

Thôn cũng thò tay bứt một lá ngải cứu: "Mấy bụi này anh Viễn trồng khi em sanh đứa đầu lòng. Ảnh nói để dành chữa đau bụng cho em bé. Em nói anh lạ òm vì ai cũng biết em thương anh chớ không phải thương anh Viễn, mà anh cứ trơ trơ. Em còn biết là anh cũng thương em. Anh hi sinh cho bạn mà!".

Một đợt gió nữa. Tôi đưa cái áo của mình cho Thôn: Khoác vô kẻo bệnh!

Thôn nói, thôi đi vô nhà, cái chai rượu còn đó, vô uống cho hết, có khi say rồi ngủ cho yên! Ừ thì đi vô nhà. Tôi ngồi xếp bằng, rót đầy hai ly, đưa cho Thôn một ly rồi tôi uống phần mình.

Thôn lại nói: Anh có biết vì sao ảnh bỏ đi không?

Tôi đã gặp Viễn ở phố. Nó bỏ Thôn đi, nhưng không bỏ bạn bè. Nó nói, như một lời giải thích: Tau sống với cái bóng chứ không phải một người vợ!

V

Cái đêm tôi xáng một tát tai vào má em Dự, tôi đi lang thang ngoài phố. Phố quen. Bàn chân thả đâu thì cũng đến được một chỗ thân thuộc nào. Nhưng tôi cứ đi. Trong cái hẻm cụt có một đống xà bần. Tôi ngồi ở đó...

Bọn tôi, những đứa lỡ thời, bỏ trường ngang xương, đứa nào cũng nằm lòng vài câu thơ Từ Kế Tường, Khi bỏ trường mà đi! Tôi ngồi đó, nhớ cái lớp học của mình. Nhớ một cô bạn có cặp mắt nghiêm nghiêm sau đôi kiếng cận. Có một con mèo gừ gừ cạ lưng vào chân tôi. Tôi ôm nó lên. Con mèo ốm, tay tôi chạm đủ những dẻ xương sườn. Cái ánh đèn trong một căn nhà nào đó hắt ra, vàng vọt, vàng vọt. Một thứ ánh sáng suy dinh dưỡng mà mãi sau này còn ám ảnh mãi tôi. Tôi nhớ cô Nhã, cô dạy môn văn, ngày bọn tôi bỏ trường, cô Nhã cho tôi một tập thơ chép tay. Những bài thơ có lúc tôi coi như thứ phù phiếm, mà đâm ra căm ghét.

Có ai đó ra mở cửa dòm tôi nghi ngại. Rồi thôi, họ đi vô.

Mà rồi đêm đó, cái đêm khó như duy nhất có một đêm trong đời, tôi có thêm một người bạn. Một chị bán vé số. Một nàng ăn sương. Hay một góa phụ. Một nỗi niềm. Tôi không biết. Chỉ thấy bàn tay chìa ra xin. Xin gì thằng tôi đây. Những ơn phước từ trời nào, tôi còn chưa kịp thụ hưởng một lần những ngày đang sức lớn và đầy ắp mộng mơ.

*

Thôn nói, vẫn nhẹ nhàng như mây vậy, rằng, Thôn đã dấu Viễn, nhiều chuyện. Nhưng có lẽ, chuyện Thôn bị mất cái ngàn vàng vì sự bạo tàn của Châu Thượng Đế đã khiến Viễn như lên cơn điên!

Tôi há hốc, tay như muốn bóp vỡ ly rượu rỗng không...

Vẫn là cái giọng Thôn, đều đều, đều đều... Ở cái suối Sóc Nâu đó, một đêm Thôn đi ra đó, Thôn đi dạo quanh đó, Thôn tìm chút gió trong lành, Thôn kiếm chỗ để di lý nỗi buồn thiếu nữ, mà Châu nó rình rập từ lúc nào. Thôn nói, Thôn dã dượi đi, chẳng muốn gì hết, chẳng căm giận gì hết, chỉ thấy chán ngán cuộc sống này...

Em đã tính chết. Nhưng rồi lại không dám chết. Không biết chết cách nào cho khỏi đau đớn cái thân xác.

*

Cũng ở suối Sóc Nâu đó, một ngày, người ta vớt lên cái xác đã trương sình của Châu Thượng Đế. Không ai biết vì sao một thằng dân rừng chuyên nghiệp lại có thể lâm nạn ở con suối chỉ hai lần nhảy là tới bờ!

*

Đêm đó, người đàn bà đó, dẫn tôi đi, như mộng du. Tay tôi vẫn ôm con mèo gừ gừ gừ gừ. Tôi đi, bụng sôi lên vì đói. Bước chuệnh chọang dưới ánh lay lắt những ngọn đèn đường buồn thảm. Phố vắng lắm, vắng đến tê dại. Tôi nhớ em Dự. Tôi ân hận đã xô té anh Thiên, tôi muốn khóc.

Rồi chị dẫn tôi đến cái cống hộp đang thả nổi trên đường ấy. Tôi cuộn mình trong đó.

Chị. Hay mẹ, ủ tôi, co quắp, chạm cả vào những dẻ sườn ốm đói. Không. Tôi không có một ham muốn nào, chỉ thấy bình an mà liêu trai. Tôi không thể nhớ mình đã nói gì, chị đã nói gì. Như một giấc mơ vắn số. Như một kỉ niệm hun hút bay vèo cái lá trên đời người...

Đến gần sáng thì tôi bị bắt.

Đủ mặt hết. Những thằng sau đó bỏ lên rừng. Những thằng trốn lánh chiến tranh. Những dài dại vừa nứt mắt và nhờ nhờ ria mép vừa trưởng nở, chắc hẳn chưa một đứa nào đã kịp thấu hiểu mùi vị đàn bà. Như tôi. Dẫu là thiêng liêng trầm hương một người chị, người mẹ.

Sau này có khi ngồi nhắc lại, anh Thiên nói đó là một người đàn bà điên.

Bọn tôi trốn, bằng cách liều mạng nhảy khỏi chiếc xe tải di lý lên trại tù hay trại lính nào đó. Nhảy chỏng vó và chạy thục mạng vào rừng mặc cho đạn bay cheo chéo sau lưng. Mà lành lặn đủ mặt, chỉ mỗi tôi bị bong gân mấy ngày. Mãi sau này thấu hiểu sự hiền minh của rừng, tôi mới biết đến hạt mã tiền để chữa bệnh, còn lúc đó phó mặc.

Thôn hỏi: Anh đang nghĩ gì?

Tôi đang nghĩ gì? Thật lạ lùng, tôi đang nhớ tới con mèo đêm đó, cái đêm tôi được ủ mình trong hơi ấm của một người đàn bà xa lạ, con mèo đã bỏ đi đâu và đi lúc nào, tôi không nhớ!

*

Anh Thiên mang tôi về, đi ngược lên Lào rồi về, không dám cắt qua đường Campuchia nữa, vì nghe nói bị cướp nhiều lắm. Đường rất xa, qua rất nhiều trạm đổi xe, những chiếc xe chạy than tóe lửa lòng đường trong đêm.

Lần mò mãi mà cũng về được phố. Anh Thiên lộn trái túi quần mang ra mấy chỉ vàng may dính ở đó, thuê lại một cái phòng nho nhỏ. Anh Thiên lại ra đường, mở cái góc vá sửa giày. Tôi, những ngày nằm dưỡng bịnh, được uống vài ly sữa ông Thọ, đã lài lại cái hồn người.

Rồi tôi mua một chiếc xe đạp, đi bơm gaz hộp quẹt. Tưởng là dễ, mà khó khăn sao những ngày đầu. Ở trong phòng, tôi tập rao "Bơm gaaaaaaaaaaz hộp quẹt đêêêêê....", nghe đã đủ hào khí, anh Thiên gật gật nói được rồi đó, thử đi.

Vậy mà, đạp xe đi, cứ lựa chỗ thiệt vắng, mới dám lấy hết can đảm gào một tiếng. Gào xong, cảm giác như mình vừa phá vỡ cái bình an của phố phường, lại hộc tốc đạp xe chạy biến. Cũng phải dăm bận như thế, mới xem mọi sự bình thường.

Ngày qua ngày qua. Có khi tôi gặp bạn bè trên phố. Có khi gặp cả cô bạn học có đôi mắt nghiêm nghiêm. Bâng quơ vài câu chuyện rồi thôi... Cũng có lần ngồi với nhau ở cái xe nước mía, nghe cô ấy kể về giảng đường đại học, sao trong tôi dửng dưng chẳng còn nghe chút khát thèm nào cái không gian mà một thời ở rừng thiêu cháy tôi...

Vậy mà đùng một cái, anh Thiên thành nhà văn. Những thứ gì anh rị mọ viết ở Kò Rạt, ở phố, được in thành một tập dày. Hai anh em mừng muốn rớt nước mắt. Sách in ra có được nhúm tiền, chiều đó anh Thiên hỏi mi muốn uống beer không, mình đi uống beer đối chứng.

Đó là lần đầu tiên, anh Thiên phung phí đồng tiền. Và cũng là lần đầu tiên, tôi được cụng ly cùng anh và thấy được nụ cười hết cỡ!

VI

Tôi giữ tay Thôn lại, nói đừng rót nữa, sợ sẽ say đó. Thôn gạt tay tôi ra, cứ rót đầy một ly rồi lại nhăn mặt uống hết. Thôn nói như không phải cho tôi nghe: Mấy anh thiệt lạ. Cái chuyện đó, đâu phải là người đàn bà muốn vậy. Chuyện thinh không trên trời rớt xuống cái ình, đành chịu cái số mạng vậy...

Tôi tự hỏi mình, nếu tôi là Viễn thì sẽ thế nào? Nghe rùng mình, tôi không dám tìm câu trả lời. Nhưng cái câu hỏi ấy, đột ngột Thôn lại hỏi: Anh có sẽ như anh Viễn không?

Tôi nói Thôn ơi, Thôn đừng hỏi. Cuộc sống này là vậy đó, khốn nạn lắm.

Tôi lại nói, có lẽ giọng đã lè nhè lắm vì tôi thấy Thôn cứ cố nghiêng nghiêng để nghe, rằng, nếu tôi không ngu dại sân si, nếu tôi đủ lớn hơn, nếu cái nhìn tôi vượt qua được cái bờ suối Sóc Nâu kia, tôi sẽ không như Viễn, tôi sẽ giữ rịt lấy Thôn đó thôi...

Thôn nói Thôn tin anh.

Em mở cửa sổ ra đi

Bên ngoài đó, có rất nhiều gió

Những em Gió thổi từ chiều nghiêng nghiêng

Và chở trên cánh mình những niềm tin

Của một thời dại dột

Đừng tin em nhé

Những lời gió nói

Vì gió sẽ đi lên núi...

Rồi về thảo nguyên

Gió không trở lại

Gió không bao giờ trở lại!

Tôi nghe bàn tay Thôn tìm bàn tay mình. Bàn tay lạnh lắm. Tôi đặt nốt một bàn tay khác lên đó, cố ủ ấm nó.

Thôn vẫn nói như mộng du: Em tin anh!

*

Sau ngày tôi bỏ sang Kò Rạt, tình hình bắt bớ đã thôi, bọn nó cũng dần dần rời rừng, rời suối Sóc Nâu, chỉ Viễn ở lại đó. Viễn nghe nói chăm chỉ cày bừa, thêm làm rể lão Cà Đum cũng không đến nỗi phải đong gạo mỗi ngày.

Chuyện này vui vui...

Tôi đi sạc quẹt gaz, có lão kia cứ đòi giá bằng nửa. Tôi dạ, giá vậy cũng được. Bơm gaz xong tôi xoay ngược cái bánh xe đánh lửa, quẹt mười lần thì y như mười, đá kẹt. Lão dòm tôi trân trân: Hư rồi à? Tôi nói cái bánh xe hư rồi, thay nó thì phải tốn thêm ngần ấy ngần ấy, lão phải gật. Tối về, kể chuyện, anh Thiên nói mi bắt đầu giống dân ở phố rồi đó.

Mà tôi cũng có một mối tình. Em Tụy. Em Tụy làm ở chỗ bơm gaz, em không xinh, có chút ướt át cải lương và viết sai chính tả. Tôi cũng không hiểu mình yêu thật, hay đã tới một lúc thằng con trai phải cần một đứa con gái? Hỏi nhiều, trả lời nhiều, chi cho mệt!

Đại khái là vậy. Lâu lâu tôi mời em Tụy đi coi phim rạp để hun hít, rồi đi ăn tô hủ tíu.

Cũng là nhín ra chút tiền, giếm anh Thiên đi. Anh Thiên vẫn vậy. Ki cóp để sắm từng chỉ vàng khâu vào trong túi quần. Rồi một bữa, anh Thiên nói mi có ý định lập gia đình với con Tụy không? Nếu không thì mi thôi đi, để nó đi lấy chồng chớ!

Tôi mệt mỏi, nằm ườn, tay vắt trên trán, khói thuốc phun mù. Anh Thiên thôi không nói chuyện đó nữa. Anh bỏ chiếc giày đang may dở xuống, tới ngồi bên tôi: Anh nghỉ, mình đủ tiền mua nhà rồi đó, mi coi đi tìm một cái nhà trong hẻm đi!

Tôi chồm dậy, như muốn ôm chầm lấy anh. Chao ôi anh Thiên của tôi. Anh như một người đàn bà tần tảo trong nhà. Anh Thiên tôi bao nhiêu tuổi rồi? Anh đang vui hay đang buồn? Anh có chút tình yêu nào không? Nào, có bao giờ tôi nhớ...

Từ bữa đó, tôi trốn Tụy. Mặc dù sau đó tôi còn nhận hàng chục lá thư của em, những lá thư đọc lên, nghe như có thể chết hay có ai đó sẽ chết chỉ vì một mối tình không đầu không cuối như thế!

*

Em biết, chuyện tụi em rồi thế nào cũng không lâu dài được...

Thôn để yên bàn tay trong tay tôi, vẫn nói rủ rỉ... "Ảnh thương yêu vợ con, làm việc cùi cụi vậy, nhưng mỗi ngày một ít nói đi. Lầm lầm đâu phải là cái tánh của ảnh. Một bữa, ảnh gây, nói sao cái vụ thằng Châu Thượng Đế đó, không thèm nói với ảnh một câu. Em hiểu được một phần cái lý do làm ảnh lầm lì. Chỉ một phần thôi...

Phần còn lại, nó nằm bên ngoài cửa sổ đó. Tôi biết vậy mà! Tôi biết, cách nào đi nữa, bữa cơm, đêm ngủ của Viễn và Thôn, có cái bóng của tôi ở đó.

Thôn rút tay khỏi tay tôi, lục lọi gì đó, rồi đưa cho tôi một tờ giấy. Tôi ồ, bài thơ xưa rớt, tôi viết cho Thôn. Viết, trên cái giấy học trò còn một mặt, rồi để kẹp trong bộ Tam quốc chí anh Thiên cho. Mà Triết lục được, nó mang qua cho Thôn!

Thôn giữ đến bây giờ.

Ảnh đọc được cái này. Ảnh bỏ đi! Thôn lại nói!

*

Mua được cái nhà thì anh Thiên đổ bệnh. Anh Thiên tôi kiệt lực. Hay trời sai anh tôi xuống chỉ để lo cho tôi cái phần số của tôi xong thì anh phải đi. Anh Thiên bệnh nhanh lắm. Ào một cái, váng vất nhức đầu, rồi nằm yên đó ba ngày, chưa kịp cho tôi đi tìm thầy tìm thuốc thì anh đi!

Tôi chơi vơi chơi vơi. Tôi nhờ người chạy lên chùa tìm em Dự về. Em về, tôi chắp tay đảnh lễ. Em giờ đã là một đại đức.

Cái thằng tôi, vô tích vô sự, nào có làm được chi ngoài chuyện ôm cỗ quan tài anh Thiên mà hụ hụ khóc.

Anh Thiên tôi về trời rồi.

*

Tôi nói với Thôn, hồi đó tôi làm thơ linh tinh vậy mà. Cũng chẳng có gì rõ ràng hết. Thôn cãi: Linh tinh nào, bài thơ này có ghi đề tặng em đàng hoàng mà.

Tôi không chối nữa!

Tôi yêu Thôn, cần chi mà chối cãi. Dẫu bây giờ ngồi đây, Thôn, trước mặt tôi, không còn nụ cười của ngàn lộc non và đôi mắt đen nhìn không thấu đáy. Dẫu Thôn của tôi bây giờ có nhiều vết nhăn trên đuôi mắt, thì tôi vẫn yêu em Thôn tôi. Cái tình yêu mà da diết buồn những hoàng hôn như còn nghe tiếng con nghé ọ tìm mẹ. Hay buồn tênh Kò Rạt đất lạ xứ người, dòm quanh không một chút quen thuộc nào...

Ôi, tôi yêu em Thôn của tôi, cái cơ cực cuộc đời đè lên đôi vai em nhỏ bé nhỏ bé!

VII

Tôi đã gặp Viễn ở phố. Hay nói đúng hơn, Viễn đi tìm tôi. Như thói quen đã mục ruỗng, dẫu cái túi rỗng thì bọn tôi vẫn cố câu kéo đâu đó cho được chai rượu. Viễn sạm đen sương gió và hốc hác. Nghe tôi kể về anh Thiên, về em Dự, Viễn chảy nước mắt.

Viễn cầm tay tôi, nói trước khi chúng tôi uống ly cuối cùng: Tau đã sai. Tau đã sai! Tau là thằng lưu manh vặt vãnh, cố xác bám vào cái mình muốn mà không biết rằng cái mình có đó không trọn vẹn là cái mình muốn!

Tôi nói, tao say rồi, tao đâu có hiểu mày nói gì đâu, Viễn!

Đêm đó hai thằng tôi nằm quay lơ bên mâm nhậu mà ngủ. Sáng, Viễn dậy sớm, bỏ đi đâu mất, chỉ thấy lấy than viết nguệch ngoạc mấy chữ: Nếu được thì về thăm Thôn giúp tao!

Mà tôi về thăm Thôn đây.

*

Một lần, chú Lầu chạy bay chạy biến từ dưới xóm lên chỗ bọn tôi: Tụi mày qua giúp với?

Chuyện gì?

Con gấu. Con gấu nó dính bẫy mà không ai đánh được hết.

Ven bìa rừng, cái bẫy ngàm của chú Lầu dính chân con gấu trong đó. Nhưng còn lại ba chân và cái đầu lừng lững, không ai dám bước tới gần nó. Nó gầm gừ, gào rít và ném ánh mắt thù hằn về phía chúng tôi.

Triết kiếm đâu ra một cái gậy dài, nó đánh vài gậy mà con gấu đưa tay đỡ được hết, như đã luyện tập võ công đến mức thượng thừa. Viễn giằng cái gậy, nói để tau, rồi nhá ở trên cái, đánh ở dưới, ngay hông. Con gấu la rú lên.

Tôi bỏ đi chỗ khác. Đêm đó, ở xóm đánh chén tưng bừng. Bọn tôi được hưởng món tay gấu đế vương. Nhưng đang ăn, thằng Viễn đột ngột bỏ ngang, nó chửi thề: đù mẹ, khi đánh nó, nó la như mất con, tau giờ còn rợn!

Cả đám hình như đều bỏ đũa!

*

Mà tôi về thăm Thôn đây!

Kể Thôn nghe chuyện Viễn bỏ món thịt gấu, Thôn cúi đầu: Ảnh cũng là lạ. Nhưng anh biết không, bàn tay của Viễn đó, chỉ tay lạ lắm đường tâm đạo chồng lên đường trí đạo. Người ta nói người vậy có khi tà là tà tới bến, mà chánh là chánh hết mình...

Em chịu, không biết ảnh tà hay chánh!

Không đâu Thôn. Bọn tôi đó, ngày giờ sinh ra trong cái vũng không được tráng men xanh men lam, phải ngoi ngóp bò trườn lên cho có miếng cơm manh áo và chút dưỡng khí trời xanh, đâu có dễ rạch ròi cái chi là chánh cái chi là tà...

Chỉ có nỗi buồn. Tôi nhớ nhặt nhạnh đâu đó một câu như là nỗi buồn ca hát. Hay là nỗi buồn cứu chuộc thế gian này! Không, giá mà đừng có nỗi buồn! Những luận thuyết triết học đâu có ăn nhập gì với cái khốn khó muôn trùng chúng tôi đây...

Chỉ nghe yêu thương

Chỉ nghe mình nở ra những cánh hoa dại

Những cọng cỏ dại

Khi mình trồng mình xuống đất

Nhớ chăm cho đất khó giọt nước trong lành

Để mình vươn vai mà lớn

Để mình không cằn cỗi

Để mình xanh hơn xanh lên

Có phải trời đã hưng hửng sáng. Tôi không có đồng hồ. Trên bàn thờ lão Cà Đum, Thôn để cái đồng hồ bàn ở đó, nhưng ánh đèn không đủ sáng cho tôi nhìn giờ.

*

Anh có muốn hôn Thôn không?

Thôn lại hỏi! Tôi sẽ trả lời sao? Tôi nhìn bờ vai Thôn. Tôi nhìn bờ môi Thôn. Ở đó, ở những nơi mà mười năm xưa, cháy bỏng ruột gan mình nỗi khát thèm, thì ngày giờ này đây, cái gì đó đầy ăm ắp yêu thương dâng lên ứ nghẹn tôi. Tôi dấn mình tới để mặt tôi ngang với mắt em và đặt lên trán em một nụ hôn!

Tôi nghe Thôn cười: Giống cha hôn con ghê nơi!

Tôi cũng cười. Hình như lần đầu tiên, từ ngày gặp lại, hai đứa tôi cùng cười. Thôn lại nói, anh nhớ cái hột mã tiền anh cho Thôn không? Tôi nói làm sao tôi quên. Thôn đứng dậy, lục trên bàn thờ lấy ra gần cả chục hột, bày trên bàn: Đó, nói nhớ thì tìm đi, hột nào là hột anh cho em?

Tôi chịu, ngồi ngó Thôn. Cái trò chơi này in hệt mình còn thơ dại quá. Bây giờ, ở mắt Thôn đã nhiều dấu chân chim, và trên đầu tôi, những sợi chớm trắng đã nói đúng cái tuổi đời mình đang có. Tôi chọn ra một hột, nói, là hột này đây! Thôn tròn mắt hỏi sao anh tài vậy? Tôi trả lời là tôi chọn đại thôi, vì tôi chỉ nhớ tôi cho Thôn hột mã tiền, còn nó tròn méo thế nào tôi không thể nhớ được.

Thôn cầm tay tôi, nói, Thôn thử anh đó. Cái hột anh chọn không phải là hột anh cho Thôn đâu. Cái hột đó, nó mủn ra lâu lắm rồi, Thôn chỉ mang nó trong nỗi nhớ thôi.

Tôi nghe tiếng gà eo óc gáy! Một đêm đã qua rồi. Sáng mai này, tôi có còn đủ tư cách để ngồi đây cùng em Thôn tôi, hay tôi phải ra đi. Không, tôi không thể biết!

Gà lại gáy lần nữa. Như là chúng tôi đã cạn đi những điều cần nói. Như là chúng tôi còn quá nhiều điều để phải nói, mà không biết sẽ chọn lựa cái nào trước cái nào sau, đành im lặng thôi.

Tinh mơ, tinh mơ. Tôi vươn vai đứng dậy. Tôi chào tôi một ngày. Chào em Thôn tôi một ngày mới. Mà chú Lầu lọ mọ đi sang: Đêm qua mày không ngủ a?

Phải rồi chú Lầu, đêm qua tôi không ngủ. Chẳng ai dại dột gì lại đi ngủ trong môt đêm như thế. Tôi chọc chú Lầu: Đời này ngắn lắm, chú ngủ nhiều thì giảm đi tuổi sống của mình đó. Chú Lầu bập bọe điếu thuốc: Không, đêm qua tôi cũng đâu có ngủ, tôi nghĩ về mày, nghĩ về con Thôn đó a!

Rất có thể, ở một nơi nào, Viễn đêm qua cũng sẽ không ngủ!

Buổi sáng trong veo, trong veo, trong veo!

ĐaMi

Tháng 7.2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12956)
(Xem: 14395)
(Xem: 15783)
(Xem: 15181)
(Xem: 15200)
(Xem: 16009)
(Xem: 14630)
(Xem: 14380)
(Xem: 14383)
(Xem: 15343)