- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sấm Ký Của Xóm Tàu

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8505)

w-dami_0_300x139_1LTS: Đami, hiện sinh sống ở Saigon, bắt đầu cầm bút trở lại vào những năm gần đây. TCHL trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một truyện ngắn đặc sắc đầy hình ảnh của anh.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

 

1.

 

- Mày cần những gì?

- Một cây súng! Một thứ gì đó có thể làm nát bấy nó từ xa…

- Đồ điên!

Năm đó, tôi 12 tuổi. Nhưng tôi biết, trong ánh mắt hắn ở cái thời điểm không quên đó, là sự canh chừng và nỗi sợ hãi. Tôi không điên! Chắc chắn vậy.

Khi dọn hết những thứ giẻ rách – như cách nói của dượng tôi – vào cái balo, tôi những muốn châm lửa đốt sạch cái căn phòng trọ mà ở đó, mỗi chiều tôi chờ má về.

 

Tệ thật. Đến một tấm ảnh căn cước của má, tôi cũng không có.

Ở nhà dượng, tôi bắt đầu thấm đòn của sự ghẻ lạnh và, 12 tuổi, trong tôi đã gào rú những đau đớn khát thèm tự do.

13 tuổi, dì gạt nước mắt đưa tôi vượt cổng sau chạy trốn sau khi tôi cầm nguyên cái chân đèn bằng đồng ném vào mặt ông dượng hà khắc. Vậy là tôi đến xóm Tàu. Cái xóm nghèo này đón tôi, bảo bọc và chở che tôi theo cách của nó. Ơn trời, tôi sống được.

 

***

- Mày cần gì?

- Một đôi giày. Tao cần một đôi giày.

- Mày vẫn điên! Một đôi giày không giúp mày làm gì hết. Thứ đó chỉ tổ làm bong chân mày…

Cũng tệ thật. Có lẽ điều tôi nên nói, thật lòng, không phải là đôi giày, mà là một khẩu súng. Năm đó, tôi 14 tuổi. Và hắn, hắn bao nhiêu rồi nhỉ? Chỉ biết, khi nhìn thấy tôi, thằng đại ca trùm phé cả khu ổ chuột này, luôn lảng tránh cái nhìn của tôi.

Chỗ tôi và Sấm đang ngồi, là cái bể cạn được chắn bởi tấm bình phong ngôi chùa Tàu. Chiều nào cũng ngồi ở đó, và chiều nào Sấm cũng hỏi tôi, mày cần gì.

Chế Múi đi cúng chùa, bước ra dòm hai đứa: "Hai thằng mày qua chế xay bột đi!". Sấm kéo tay tôi đứng dậy, hàm răng cười trắng ởn!

Năm đó tôi 16 tuổi…

 

***

 

Sấm thôi không hỏi tôi mày cần gì nữa. Sấm như buồn. Hay Sấm đã biết tôi cần gì…

Nhưng Sấm lại hỏi tôi một câu khác, vẫn cái bể cạn có hai con rồng quấn cái quả địa cầu trước chùa Tàu: "Mày quên lão đó rồi?". "Tao đâu có quên!". "Ờ, tại không thấy mày nhắc nữa!".

Sấm không nhắc, tôi chắc đã quên, nhạt nhòa dần trong ký ức. Nhưng Sấm nhắc, tôi lại thấy hắn, rõ mồn một!

"A Phón kìa". Sấm nói nho nhỏ, chừng như chỉ cho Sấm nghe! A Phón tung tẩy hai bím tóc, nó đi mua hủ tíu cho ba nó, lão Sáng. Sấm moi túi lấy ra một điếu đầu lọc đã quăn, và tay nó run run mồi thuốc, cố phà khói thực điệu… Nó lại hỏi, nhỏ nhỏ, như đang tự hỏi nó: "Mày mê A Phón chớ?".

Tôi rối lòng, thằng bạn cật ruột mồ côi không khác, lẽ nào tôi không hiểu nổi lòng nó: "Còn mày?". Sấm đưa tôi điếu thuốc: "Con nhỏ đẹp ghê, tối nào tao cũng mơ thấy nó, kì khôi…".

Tôi réo: "Phón à Phón ơi, vô đây ngồi chơi chút nà…". A Phón cười: "Tui đi mua hủ tíu cho ba tui, ổng chờ không được đâu, ổng đập chết à…".

Thôi, tôi không cần A Phón, A Phón để cho Sấm. Tôi còn một mối bận tâm thực là to, là hắn… Nhưng tôi tìm đâu ra cây súng bi giờ?

Năm đó, hai thằng đều 17 tuổi.

 

***

 

Có lão võ sư mở lớp, mày đi học đi, không cần súng. Lão đó người Nhựt Bổn, con mắt như con mắt mèo, ghê ghê…

Sấm tìm tôi ở cối bột nhà chế Múi. Tôi quệt mồ hôi vô tay áo: "Học võ làm gì. Có cây súng bắn cái đùng, chết toi nó. Học bao giờ mới giỏi được bằng nó". Nói vậy, nhưng đêm đó, tôi và Sấm tới chỗ lão Nhựt Bổn.

Lão không cao lớn như tôi tưởng, con mắt mà Sấm kêu như mắt mèo, thực ra là một con mắt giả. Nhìn lão có vẻ ốm đói, tôi nghĩ, lão này rõ là đi dạy võ kiếm cơm thôi.

Mà xóm Tàu này, người có võ đâu thiếu. Dân có chút nghề, dễ nổi điên cành nanh nhau môn phái, màu da. Lão này đúng là liều.

Lão cúi đầu chào hai thằng, mà như cái máy, cả hai thằng cúi đầu chào lại. Lão nói lão dạy Nhu đạo, dùng nhu chế cương. Học võ là học cái tinh túy, cái nhân bản của nó chớ không phải múa may trình diễn và đánh người ta…

Lão tên là Takemitsu, khó đọc khó nói. Tôi kêu là lão Tắc.

Nhưng học võ mà không cho đập lộn thì học làm gì. Tôi bỏ, không đi còn một lý do nữa, A Phón cũng đi học lớp của lão Tắc! Thôi thì để Sấm có cơ hội mà nói chuyện với A Phón vậy!

Năm đó, bọn tôi 17 tuổi.

 

***

 

Tôi lại về xay bột cho chế Múi!

Lớp học của lão Tắc vẫn đều đều mỗi đêm. Sấm đêm nào cũng đi. Phón nữa.

Đêm tôi ra trước chùa Tàu ngồi hóng gió, cái áo vắt trên vai, ngó đèn đường đã con mắt, lại ngó mấy thanh đao thờ trong chùa. Nghe lòng buồn lắm. Anh Phát, chồng chế Múi đi qua kêu: "Nhỏ, ngồi buồn mày?". Tôi dạ. Ảnh cầm tay nói: "Mày ra kia làm xị rượu đế với tao!". Tôi cũng dạ.

Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu. Nghe mình sần sần, tôi hỏi anh Phát: "Con Phón đẹp quá ha anh?". Ảnh cười cười: "Lão Sáng không chịu mày đâu, mày đâu phải người Hoa!".

Tôi biết chớ… Nhưng ai cấm tôi khen Phón đẹp. Nó cao dong dỏng. Nó đặc biệt đẹp những ngày ở trong đội đi đám, với bộ quần áo chẽn màu đen có cái thắt lưng vàng, tay cầm nhuyễn tiên xòe nụ.

Nhiều khi tôi nghĩ mình ác, cứ mong trong xóm có đám ma để coi Phón mặc đồ lễ đi hát đám, bộ đồ chẽn đen bó sát người nó…

Hai anh em cò cưa, cò cưa. Anh Phát nói: "Tao cũng đâu phải người Hoa. Tao người miền Tây lên đây làm muớn cho nhà con Múi đó, rồi tao làm liều. Mà nhà con Múi không có đàn ông, ba nó chết ngắt đâu bên Tàu kia, cho nên tao được. Tao không có khuyên mày làm theo tao đâu. Mày mà theo tao, mày chết. Lão Sáng lão chém đa, không dỡn đâu!".

Ồ, ra anh Phát là người Việt.

Lại cò cưa, cò cưa, tôi say đứ đù, loạng choạng vắt cái áo đứng lên, đã thấy Sấm và Phón đòng đưa đi về.

Chao ôi, cái thứ gì trào lên nghẹn ngang trong cổ họng.

 

2.

 

Tôi quay về khu ổ chuột ngày xưa. Ngày chủ nhựt, chế Múi đi chùa Tàu, anh Phát về quê. Buổi sáng Sấm qua tìm tôi, như là có lỗi, rủ rỉ rủ rỉ đi Phú Thọ cá ngựa, tôi lắc, chẳng nói gì…

 

Là tôi cứa cho nó đau thêm. Vì tôi cũng đau mà!

Chỗ nhà má con tôi trọ, xóm Nạn Đán, giờ đã có người khác mướn.

Tôi kiếm cái quán café đối diện đó, ngồi kêu một ly đen và mấy điếu thuốc lẻ. Cái cassette bỏ trên cái ghế, ỉ on Chế Linh buồn nẫu buổi sáng. Bên kia, mấy cái ghe thương hồ lủng lẳng hàng chục buồng chuối vàng ươm lóa lóa nắng…

Tôi gác một chân lên cái ghế khác. Ngó trời. Ngó người. Ngó mấy cái ghe.

"Bỏ chân xuống, cha nội. Ngồi một ghế không đủ hả? Trả tiền có một ly mà muốn ngồi hai chỗ à?".

Là giọng một đứa con gái chanh chua. Tôi bỏ cái chân xuống, ngước mắt dòm…

Chao ôi, muốn té xỉu. Nó đẹp rặt ròi. Con mắt đen như không có lòng trắng. Giọng nó chanh chua mà con mắt nó, cái miệng nó như cười. Thằng con trai 18 tuổi vỡ ngực cái choang, bủn rủn chưn tay, cái miệng há ra thiếu đường chảy nước!

Con nhỏ cười: " Coi bộ hiền lành. Ở đâu chớ đâu phải xóm này hả?". Nó ngồi xuống cái ghế tôi vừa gác chưn, thò tay kéo cái kẹp trên đầu, xổ tóc ra, như một đám mây. "Tên gì? Ở đâu? Nói nghe coi…".

Tôi lí nhí trả lời…

 

***

 

Chừng đó, mỗi đêm, tôi hay nằm mơ thấy gì đâu. Có bữa mơ cả A Phón đánh nhau với con nhỏ bán café. Bươu đầu sứt trán, tóc xổ ra rối tung. Rồi con bán café kéo áo A Phón, tôi nhìn thấy ngực Phón, trắng ngần…

Giựt mình tỉnh dậy, đang giữa đêm. Đêm cúp điện nóng hực. Tôi ra sau nhà múc nước uống. Trăng nhờ nhờ sáng…

Tôi vắt cái áo trên vai, lại lần mò ra cái sân chùa Tàu. Chú Lềnh gác cửa ngái ngủ dòm trân tôi: "Mày sao vậy nhỏ? Nhớ chùa à?". Tôi nói tôi không ngủ được. Chú Lềnh cười cười: "Nhỏ, mày bị con Phón nó hành rồi…". Chú Lềnh ném cho tôi cái mền: "Ê, mày không ngủ thì canh dùm tao, tao dzìa với má sấp nhỏ, hén?". Tôi gật…

Tôi nằm ở cái bệ đá đó mà nhớ Phón, nhớ con nhỏ bán café, nhớ cả Sấm nữa. Sấm nay thôi không xay bột, không làm thợ đụng với tôi ở xóm Tàu. Nó ra Tân Cảng làm. Có khi có tiền cả nắm, đem về đãi cả tôi, cả anh Phát một chầu vịt quay và rượu nhàu, say chèm mẹp.

Nó kêu tôi đi làm với nó. Nhưng tôi không rời được xóm Tàu.

Đêm, Sấm lại về, ngủ hẳn ở nhà lão Sáng. Giờ, nó không còn ra ngồi với tôi ở cái bể cạn chùa Tàu nữa. Nó cũng bỏ lớp học của lão Tắc. Nó nói mệt lắm, mệt lắm, không học nổi nữa!

Rồi tôi nhớ má tôi.

Mỗi ngày, má ngủ đến tận mười giờ sáng, rồi má dậy, kêu tôi đi ăn hủ tíu Nam Vang, rồi hai má con tùng tơn bát phố.

Rồi má đi. Má cho tôi một nắm tiền, má nói má cưng tôi, nhưng má phải đi kiếm tiền… Má gởi tôi cho dì Sáu.

Nửa đêm má mới về.

Rồi mỗi ngày, má về sớm hơn, sớm hơn. Má rạc rời hơn. Đêm, bây giờ má ở nhà hẳn. Đêm, hắn lại mò tới, tôi lại qua dì Sáu chơi. Tôi hận hắn. Hắn làm tôi xa má tôi…

 

***

 

Rồi hắn đánh má. Đánh nhiều lắm.

Hắn có nhiều đàn em ở xóm Nạn Đán. Có bữa hắn đánh má, tôi cầm sẵn cục đá nhào vô đập thẳng vô mặt hắn, máu mũi hắn ộc ra, hắn gào lên. Có hai ba gã to cao, đen trũi chạy vô bồng tôi ra ngoài, xáng mấy cái bạt tai nảy đom đóm.

Đánh hoài, ai mà không chết. Má tôi chết vậy đó…

Tôi cứ ngồi đó, miên man nhớ!

Rồi tôi giật mình, thấy nước mắt mình chảy. Thấy A Phón ngồi kế bên, đưa tay chùi nước mắt cho tôi, A Phón cho tôi dựa vô vai mình. Phón cũng khóc, Phón nói Phón không ngủ được vì nhớ tôi. Phón nói thằng Sấm hư, không yêu thương Phón. Thằng Sấm ra Tân Cảng làm rồi chơi gái ngoài đó, đêm ngủ nằm mơ nói bậy…

Tôi quàng tay kéo vai Phón vào lòng. Cả hai đứa tỉ tê khóc!

Ôi, những giấc mơ!

 

***

 

Tôi lại đi qua xóm Nạn Đán. Lại ngồi ở quán café đó. Và con nhỏ lại xổ tóc ra ngồi rủ rỉ rủ rỉ.

Nó đẹp quá. Cái miệng thì lanh cha lanh chanh chát chát chúa chúa, mà cái môi bậu như cười, dòm là muốn cắn!

Nó nói: "Nè, anh có thương tui không? Thương tui thì cưới tui đi, tui về nấu cơm cho anh, tui không làm cái quán này nữa, nhục nhã lắm anh ôi!". Nó nói thiệt hay nói chơi? Ai mà biết. Khi nó nói, cơ hồ nó sắp khóc. Mà nói xong, là nó ngã ra cười, tóc nó, gió xổ bay sang cả mặt tôi.

Ê, đú đởn với trai hả mày?

Chao ôi, là hắn. Hắn hiện ra. Sao tôi qua đây, ý là đi tìm hắn, mà hắn đó, bằng xương bằng thịt với cái bụng tô nô lặc lè, cái mặt có hàm râu quai nón rậm ri như thằng tây đen, hắn hiện ra đó, tay chưn tôi lại run lẩy bẩy…

Hắn dòm tôi: "Ngữ này thấy quen quen à. Mày ở đâu tới chớ đâu phải ở xóm Nạn Đán này hả?".

Tôi lí nhí nói gì đó không rõ.

Con nhỏ bán café thì đã bật dậy, mặt như tái xám, miệng rối rít dạ dạ, chú Hai uống gì, uống gì!

Hắn cười rung rung cả mấy thớ thịt trên mặt: "Mày mê trai tao đập chết. Xóm này của tao, bán gả đâu là của tao, đâu có giỡn chơi mậy!".

Cái máu nóng đàn ông trong tôi bốc hỏa. Tôi gườm gườm dòm hắn. Hắn biết, hắn cứ cười rung rung cả râu, rung rung cả má, bước sang thò tay kẹp mũi tôi, giọng sang cả như ông chủ gánh xiệc nói khi sắp mở màn: "Liệu thần hồn, mày dám dòm tao à".

Tôi gạt tay hắn ra, không nhiên tay chưn vung loạn xạ, đấm đá tơi bời. Chỉ nghe cái chát, cái bốp, cái lửa nháng trong đầu, cái gì ướt ướt, nóng nóng xịt ra ở dưới mũi, rồi thôi…

À, quên nữa, còn nghe tiếng khóc ỉ ôi của con nhỏ bán café, mang máng trong tiếng khóc nó, câu được câu mất: "Đánh chết người ta rồi, kêu cảnh sát, kêu cảnh sát…".

 

3.

 

Vậy là xong trận đó, tôi nằm liệt giường gần cả tháng. Hai cái be sườn gãy. Cái sóng mũi dập. Mấy vết bầm đâu đó trong nội tạng…

Chú Lềnh, anh Phát, chế Múi, cả lão Sáng nữa, đem tôi về xóm Tàu, rịt thuốc, băng bó, bón cháo…

Sấm về, nó như cao hơn, to hơn, lừng lững, uy nghi. Nó ngồi bên cái giường bố dòm tôi trân trân, nó im ru, chỉ có nước mắt chảy ra, nó cầm tay tôi… Lâu lắm, rồi nó hỏi tôi, câu hỏi xưa cũ: Mày cần gì?

Tao cần cây súng!

Không. Tôi không nói vậy. Giờ này đây, điều tôi cần khác hơn, khác lắm… nằm đau đó, tôi mong, sao mãi không thấy A Phón sang thăm.

Sấm bỏ đi. Rồi lại quay về. Lại ngồi đó cầm tay tôi, run run. Rồi một người nữa, trong nhờ nhờ tối, con mắt mèo hoang. Là lão Tắc. Lão Nhựt Bổn lâu nay đã bị Hoa hóa, trông lão không khác chú Lềnh, nhếch nhác, bươn chải, sợ sệt…

Lão cũng thăm tôi. Một chục cam. Cũng rờ rẫm nắn bóp một hồi, rồi lão đi ra, ngoắc Sấm ra xì xào gì đó. Sấm vô, nói tôi hay mà nước mắt lưng tròng: "Lão Takemitsu nói mày lành bịnh, qua lão học võ, lão không lấy tiền!".

Rồi Sấm lại đi ra. Lại quay vô. Lần này vô với Phón. Phón, sao hai con mắt sưng húp? Tôi dòm nó trân trân, Sấm nói: "Nó khóc từ bữa mày bị đánh tới giờ đó…".

Ôi chao, trong tôi, có gì đó hả hê. Nhưng tôi quay mặt đi chỗ khác, nghe đau như muối xát.

Cái bụng của Phón đã lùm lùm rồi!

 

***

 

Đám cưới của Sấm và Phón buồn hiu. Vái thiên địa phu thê ở chùa Tàu xong, về nhà bày mâm ra rỉ rả. Lão Sáng không biết vui hay buồn, cứ gõ nhịp vào cái tô khấu nhục hát nỉ non, nỉ non. Lão nhớ quê, hay mừng vì gả được con gái, nước mắt cứ chảy ròng ròng, chảy chan cả vào nước mũi…

Chú Lềnh cũng nỉ non hát theo lão Sáng. Rồi cũng nước mắt nước mũi chan vào nhau. Chế Múi bước ra nạt om sòm, một tràng tiếng Tàu nói nhanh, tôi không hiểu được.

Anh Phát thì cười cười, rót rượu uống tì tì. Tôi liếc A Phón một cái, nó đã thay bộ đồ lễ màu đỏ bằng bộ đồ hoa nõn chuối ở nhà, rộng thùng thình, chắc là để che cái bụng lùm lùm đã to. Sấm thì cởi trần, sà vô bàn rượu. Đám cưới nghèo, dẫu người Tàu sính nhiều thứ lễ, cũng giản lược đi rồi…

Lão Tắc cũng dự mâm nhậu này. Lão cũng chòi đũa khều mồi. Cũng uống rượu ực ực. Rồi cũng hát ta ka na đa ta ka nã, theo kiểu của lão, cũng chảy nước mắt. Mâm cưới sao rặt ròi nước mắt. Điềm chi?

Nhưng đây phải là một mâm nhậu ê hề nhất mà anh Phát có được. Ảnh ôm vai tôi, đẩy từng ly chắc cú, gắp từng đũa to cộ, rồi nói trong cơn say: "Còn mày. Còn mày nữa, nhỏ. Kiếm một con vợ, kiếm con vợ đi, tao uống rượu… hơ hơ!".

Sấm rót hai ly rượu, ú hụ. Nó cầm lên đưa cho tôi một ly. Rồi nó kêu: "Phón à Phón, ra đây đi!". A Phón ra ngồi giữa tôi và Sấm. Sấm kêu tôi uống đi, ực đi. Tôi ực hết ly rượu. Sấm cũng thế. Ực hết. Rồi Sấm cầm tay Phón bỏ lên tay nó, bỏ tay tôi lên đó nữa, Sấm nói: Mình là một nhà, nhớ nghe. Một nhà! Mình nghèo, nhưng mình phải sống tốt với nhau.

Tôi ừ, mình là một nhà! Rồi tôi chúc hai đứa nó bách niên giai lão. A Phón cười ngỏn ngoẻn: "Một nhà đó nghe!".

Lão Sáng say quắc cần câu cũng nhỏm dậy: "Ờ, một nhà, một nhà!".

***

 

Tôi theo Sấm ra Tân Cảng làm. Chế Múi vừa sắm được cái cối xay điện, có ở lại trong xóm Tàu, tôi cũng chẳng còn việc gì để làm. Ở Tân Cảng, giơ vai ra là có việc. Vai u thịt bắp, vác vác khiêng khiêng. Lại có Sấm đỡ đần. Sấm giờ như đại ca ở đó…

Sấm mua được cái xe PC, oai nhất xóm Tàu. Chiều, nó chở tôi về xong lại chở mẹ con A Phón đi bát phố, rí ré vui tai. Lâu lâu lại cho tôi mượn phóng đi o mèo!

Rồi bữa hứng chí, tôi lấy xe của Sấm về xóm Nạn Đán.

Nạn Đán. Nạn Đán. Xóm tiêu điều kề bên bến sông. Những chiếc ghe thương hồ treo toòng teng những buồng chuối vàng ươm, nhức mắt trong nắng chiều.

Tôi phóng xe tới quán café cũ đó. Kéo cái ghế ngồi, ghểnh cẳng kêu ly đen và châm thuốc hút, mắt đảo đảo dòm chừng tìm con nhỏ…

"Tui nhớ mặt cậu. Nó đi rồi. Sau cái đận thằng chả đánh cậu đó, nó sợ quá, bỏ về dưới quê!".

Bà chủ quán lặc lìa cặp mông, sẽ sàng nói. Tôi hỏi: "Cô ơi, chớ con nhỏ quê nó ở đâu?". "Miệt Hậu Giang. Nó ở Cái Răng. Tui chỉ biết làm vậy. Nhưng nghe nói nó lên lại Sài Gòn, bán quán nhậu đâu trên Bảy Hiền, chỗ xóm người Quảng!". "Còn thằng chả…?". Tôi hỏi tới. Người đàn bà lấm lét: "Chả ở đây làm vương làm tướng chớ đi đâu…". Trong gió chiều, nghe như đâu đó có tiếng thở dài…

Tôi kêu tính tiền rồi đạp máy xe. Tôi không về xóm Tàu, mà chạy thẳng ra Bảy Hiền. Hầm bà lằng quán nhậu, biết quán nào con nhỏ đứng bán. Tôi tấp đại vô một quán, kêu xị rượu và con khô, đòng đưa miếng nhắm. Lại hỏi cô chủ quán biết con nhỏ tóc làm vầy, mắt làm vầy, dáng làm vầy nó bán quán nào…

Chỉ có cái lắc đầu chán ngắt!

 

***

A Phón sang nhà chế Múi, kêu tôi. Lão Sáng và Sấm đã ngồi hườm sẵn đôi đũa trên chiếu rượu. Hôm nay việc gì mà nhà thơm nức mùi trầm nhang?

"Cúng má con Phón. Mà tranh thủ mừng luôn thằng Liến tròn tuổi. Mày ngồi đây. Tao chạy sang kêu lão Lềnh!". Lão Sáng tấp tểnh đi.

Tôi tranh thủ cầm ly cụng cái chát với Sấm: "Mừng cho mày nghen Sấm, coi như đời cù bơ cù bất chấm hết, vợ đẹp con ngoan, đồng vô đồng ra xủng xẻng!".

Sấm không cười. Nó uống ực một cái, hỏi:"Mày còn nhớ hồi đó tao hay hỏi mày cần cái gì không?".

Tôi nghe lạnh ở xương sống. Nhớ chớ. Tao nhớ mà Sấm.

Sấm le lưỡi liếm cái giọt rượu còn dính ở khóe môi: "Khuya nay ra chỗ bể cạn chùa Tàu nghe, tao có rồi!".

Suốt bữa rượu, lòng tôi đắng ngắt. Tôi đứng thắp nhang cho má A Phón, lòng thầm khấn vái Sấm đừng đưa tôi cái đó nữa, nỗi sân hận trong tôi đã nguội tự bao giờ, cứ để cho tôi ngày tháng bình yên với xóm Tàu, rồi tôi ra Bảy Hiền tìm con nhỏ bán café, tôi hỏi nó có ưng tôi thì tôi xây dựng gia đình với nó…

 

4.

 

Khi tôi sờ tay tới nó, cả người tôi như điện giựt. Đêm đó lại cũng cúp điện. Sấm lại lôi trong túi áo ra một điều đầu lọc quăn queo. Sấm phà khói nhìn tôi, cái nhìn đắc ý…

Là cây súng ngắn. Màu thép ánh lên dưới trăng nhờ nhờ thứ gì đó chết chóc. Cổ họng tôi rát đắng. Sấm thì thào: "Biết vì sao tao phải ra Tân Cảng làm việc rồi chớ! Giờ xong rồi, tao về xóm Tàu thôi… Vợ chồng tao làm cháo quẩy, nghề gia truyền của A Phón, vốn liếng coi như đủ…".

Ra là thế. Trong tôi quặn lên nỗi đau bị chầu rìa. Cuộc sống này vậy đó. Té ra Sấm nợ tôi cái món này, nó làm quên thôi để trả nợ. Bây giờ thì nó có thể thở phào rồi…

Vậy ra, tôi là cục nợ đời của Sấm, thằng bạn chí cốt. Vậy ra, ngày giờ này trở đi, có khi, tôi không nên nấn ná xóm Tàu nữa, vì chưng, đâu còn ai cần tôi…

Nghe nước mắt mình chảy ngược vô trong!

Một chiều, tôi lại mang cái balô lên, tìm cái nhà trọ ở Tân Cảng, tạm biệt xóm Tàu buồn rưng, mà không nói với ai một câu!

Tôi gói cây súng của Sấm đưa trong hàng chục lớp nilon, rồi giấu nó dưới cái bệ đá, chỗ tôi và Sấm hay ngồi trước hiên chùa Tàu.

Đi thôi…

***

 

Vậy mà tôi gặp lại con nhỏ. Đúng là có công mài sắt có ngày nên kim. Những chiều lê lết uống rượu từ quán này sang quán khác, uống đẫm mình sự cô độc, đã giúp tôi gặp lại cố nhân…

Vẫn là mái tóc xổ ra rợp như một đám mây. Tôi nhìn chết trân. Còn nhớ tôi không?

Vẫn cái giọng chanh chanh chua chua khó đổi: "Dòm chi dòm dữ vậy ông thiên? A, là anh đó a… Còn sống thiệt a… Dữ hôn… trời thần ơi!".

Nó bỏ cái ca trà đá xuống bàn cái phịch và ngồi xuống đối diện tôi: "Tưởng chết rồi chớ. Nó đánh anh thấy ghê, tui té xỉu luôn! Chứ mà ai chỉ đường biết tui ở đây?".

Nó bắn la phan một tràng. Tôi lại lí nhí: "Không ai chỉ hết. Tui đi uống bậy vậy đó!". "Ơn trời, trái đất hẹp quá hả… hì hì, không chừng tui với anh có duyên đa! Thôi ngồi đó uống đi, tui canh chừng mấy cái bàn kia cho khách, rảnh tui qua ngồi với anh!".

Nghe trong tôi pháo nổ đùng đùng. Có thiệt không, hai đứa mình có duyên có số? Hình ảnh vợ chồng Sấm và A Phón hiện ra rõ ràng ràng trước mắt. Cuộc đời đẹp như mơ vậy thôi…

Nó lại ngồi xuống ở bàn tôi, tự rót ra một ly nữa cho nó, cụng cái chát rồi uống hết ly: "Mừng hội ngộ, hen! Mà uống ít thôi. Lát xong việc, anh rảnh thì chở tui về nhà tui chơi!".

Còn chi hơn cái điều tôi mong mỏi. Tôi ngồi uống cầm chừng, kêu một tô cháo huyết, húp từng muỗng mà nghe mùi vị cuộc đời ngọt thanh!

***

Nhà, cái phòng trọ lơ huơ mấy món đồ. Lúc ngồi sau yên xe đạp, nó cứ khúc khích cười: "Không có chê nhà tui à nha!". Chê? Những mảnh người cơ nhỡ, gặp nhau, thương không hết, chê nhau làm chi, buồn nhau làm chi…

Nó lom khom làm gì đó. Tôi ngồi bó gối, nghe cái phòng bên rục rịch. Nó đánh mắt về phía tôi, cười cười: "Chuột đó. Hì hi, chuột nó rúc đó!". Tôi biết mà! Mấy con chuột người trong cái ổ chuột người…

"Lâu có về bên Nạn Đán?". "Không. Buồn hiu! Mà bên đó mấy ông chằn dữ quá, tui không dám về!".

Nó bưng ra một dĩa mồi. Chắc là vén quét những thừa thải nào ở cái quán nó phụ bán. Nó dùng miệng cắn cắn một cái bịch nilon rồi đổ cho chảy ra một ly cối to đầy rượu!

Tôi nói trỏng không: "Má tôi chết bên đó!". Miệng nó còn ngậm cái kẹp tóc, tay nó đang luồn luồn xổ xổ cái đám mây trời, nói lúng búng: "Tui biết. Má anh bị thằng chả đánh chết!". Tôi ừ. Lạ, nghe như nghe chuyện của ai!

Nó ngồi xuống, xếp bằng. Đôi mắt toàn tròng đen nhìn tôi, rồi cẩn thận rót một ly rượu đầy, nó uống, rồi đưa cái ly cho tôi: "Uống đi, tiên chủ hậu khách! Tới anh đó. Tui cũng bồ côi bồ cút như anh!".

Nó kể rỉ rả, thản nhiên, cũng như đang kể chuyện của ai. Nó lớn thì ba má nó bị nạn trên sông, nghề hạ bạc đúng là bạc. Ở với chú thím nó. Rồi cũng không yên. Mười lăm tuổi, nó bị người ta đè ra giữa đồng trong một chiều chạng vạng không rõ mặt người!

Nó gắp cho tôi một cái cổ vịt, triết lý: "Kiếp trước mình ăn ở tệ nên kiếp này chịu phạt vậy thôi! Ráng sống hiền lành, kiếp sau mình hưởng lại, huề!". Nó cười hi hi.

Nó giống Phật bà quá!

Khuya lơ, nó ném cho tôi cái gối: "Anh ngủ phần anh nghe! Khuya rồi không cần về đâu, đây ra đó xa lắc!". Tôi ờ, lại ngồi bó gối đăm chiêu. Tôi nghĩ gì? Không, tôi chẳng nghĩ gì, chỉ thấy sao mà cuộc đời tôi, những bạn bè tôi cơ nhỡ buồn tênh!

Tôi nhớ xóm Tàu!

Nó ngủ lúc nào không hay. Tôi ngồi đó, cố dằn mình, dằn mình! Sống hiền lành để kiếp sau còn hưởng.

Mà tôi đâu có dằn được cái sức trai ú nu hai mươi tuổi!

Nó đẩy tôi ra, con mắt như dại đi, nước mắt nó chạy vòng quanh, nó như rên rỉ: "Trời ơi, anh không phải người tốt đa! Không còn ai tốt đa!".

Tôi run run. Tôi muốn quỳ xuống chắp tay lạy nó, lạy Phật bà. Sao tôi khốn nạn làm vậy hả trời?

Nó khóc, hai cái vai rung bần bật!

 

***

 

Tôi chạy về chùa Tàu. Gần sáng rồi. Gần sáng rồi. Chú Lềnh ngủ ngáy pho pho. Vợ chồng Sấm chắc cũng đang ngáy pho pho. Tôi rảo quanh xóm, nhà lão Tắc còn chong cây bạch lạp, lão ngồi xoay lưng ra ngoài, mái tóc lơ huơ, như là đang đọc sách…

Tôi, như thằng ăn trộm, rón rèn bước thầm. Tôi quay lại ngôi chùa Tàu có cái mái cong cong uy nghi rồng phượng. Sấm đâu rồi. Sấm giờ đang ôm A Phón, đâu biết tôi ra nông nỗi này, đâu biết tôi khốn nạn đi đè ngửa một đứa con gái vô phương phòng vệ…

Giá mà có má tôi. Má tôi chắc sẽ cầm roi mà đét vô đít tôi, vài chục cái lằn bầm tím cho nhớ mà chừa!

Tôi ngồi bần thần ở cái gờ đá trên bể cạn. Rồi tôi thò tay xuống. Cái bịch nilon nhiều lớp còn nguyên ở đó…

 

5.

 

Mấy ngọn đèn điện trước cổng thờ đỏ chóe, lập lòe lập lòe như ma trơi. Bàn tay tôi sờ lên từng lớp nilon, nghe khẩu súng lạnh lẽo như thây ma… Làm gì đây. Tôi lần tay tháo cái lớp băng dính…

"Đứa nào đó, ăn trộm hử? Đứa nào đó!".

Gịong chú Lềnh chói lói.Tôi buông tay sững sờ, ngỡ mình là thằng ăn trộm thật, quên cả chuyện phải la lên chào chú Lềnh mà xưng danh xưng tánh…

Tôi co giò chạy! Chú Lềnh hộc tốc rượt theo, miệng la bài bải. Cái xóm Tàu náo lọan. Tôi chạy rồi vấp phải cái chân ai, té chúi nhủi. Là lão Tắc. Lão Nhựt Bổn tóm cổ tôi như tóm một con nhái.

"Bắt được nó rồi… Ơ…". Con mắt còn lại của lão Tắc như đứng tròng: "Là mày hở nhỏ?".

Mấy cây đèn pin rọi sáng. Dòm quanh toàn những người quen. Chế Múi, lão Sáng, anh Phát… Sấm vừa dụi mắt vừa cười: "Chú Lềnh lập công to với xóm Tàu rồi, hơ hơ, bắt được thằng trộm bự chảng…. hơ hơ! Mà mày tính ăn trộm cái gì ở trong chùa vậy?". Chú Lềnh cau có chụp vai tôi la: "Sao mày lại vọt chạy hở thằng kia, thiệt tình!". Anh Phát chỉ vô mặt tôi: "Cái thằng, khi không làm cả xóm mất ngủ, mày đi đâu mất biệt không chào hỏi ai hết trọi, mậy?".

A Phón cũng ẵm con ra ngỏn ngỏen cười chào tôi…

"Nó về thì vui rồi. Mời bà con vô nhà tui nà – Chế Múi vừa kéo tay tôi vừa gạt mấy người đàn ông tránh đường – Mày thiệt tệ, đi biệt hà…".

Câu chuyện vui như pháo tết với hàng trăm câu hỏi cho tôi. Tôi như được về với gia đình. Ai cũng trách móc, nói tôi sao đoạn tình đoạn nghĩa mà đi.

Sấm ngồi cầm ly trà, mắt hân hoan dòm tôi. Nó im ru từ đầu tới cuối, chỉ bóp nhẹ cái vai tôi ra cái điều tao hiểu mày mà…

Tôi liếc nhìn mẹ con A Phón.

Không nhiên, sao dòm nó cũng giống Phật bà! Gai ốc tôi nổi dựng lên, tôi những muốn quỳ sụp xuống mà thống hối lòng mình…

***

Tôi ở chơi xóm Tàu ba bữa, dòm vợ chồng Sấm và A Phón đổ bột làm cháo quẩy. Phón nhón cho tôi một cái nóng hổi. Sấm thì vắt cái khăn trên vai ngồi bên cái chảo ứ mỡ, người nhẫy mồ hôi, y hệt một gã chủ tiệm thứ thiệt…

Đêm nào, anh Phát cũng qua làm xị rượu. Chỉ đêm cuối, Sấm ra lấy cái xe PC chở tôi đi kiếm một cáu quán nhậu vắng hoe dưới chân cầu Nhị Thiên Đường. Tôi biết Sấm muốn nói gì…

"Sao mày giận tao?". "Tao đâu có!". "Đừng giấu. Ở xóm Tàu mình, đâu có ai làm chi để mày giận. mày bỏ đi ngang xương, là tao cũng hiểu hiểu. Mày đừng giận nữa. Còn nhớ ngày cưới tao, mình nói gì không?".

Làm sao quên hả Sấm. Mình là một nhà!

Tôi nốc hết ly này tới ly khác, rồi kể Sấm nghe đêm ở nhà trọ trên Bảy Hiền tôi đã làm chi thất đức. Sấm tròn mắt dòm tôi: "Mày làm bậy a? Mày làm con người ta a?". Con mắt nó long lên dữ dằn!

Tôi dằn cái ly xuống bàn, nhúm rượu còn sót văng lên, uớt sũng một góc: "Tao chưa làm gì hết! Tao chỉ ôm nó… Tao chỉ ôm nó! Mày biết, tận trong ruột gan tao lúc đó, tao thương nó, tao thương nó muốn rớt nước mắt. Tao chỉ muốn ôm nó. Ôm cho thiệt chặt. Đừng rời ra, đứt đọan…

Nhưng mà tao bậy quá. Tao làm nó sợ. Mày biết không Sấm!".

"Còn cây súng, mày để đâu rồi? Mày đã làm gì với cây súng chưa?".

Cây súng nó nằm đó, dưới cái bệ đá trong sân chùa!

Sấm đứng lên kêu tính tiền! Tôi nói: "Tao còn muốn nói nữa!". Nó dằn tay tôi: đi!

Sấm chở tôi về sân chùa, nháy mắt với chú Lềnh rồi đi thẳng vô thò tay móc khẩu súng. Lại quày quả leo lên xe chở tôi quay lại cầu Nhị Thiên Đường. Sấm đưa tôi cái bịch nilon, nói nho nhỏ: "Ném nó đi, người anh em của tao!".

Tôi tiếc. Sấm đã bỏ ra biết bao mồ hôi, kiếm được đồng tiền đã khó, đi lùng mua cho được cây súng này, đâu có dễ! Thấy tôi tần ngần, Sấm giằng cái bịch, ném ra xa!

Nghe tõm một tiếng dưới con kênh Tàu hũ nước đen ngòm xác thối!

Đi! Sấm nói, giọng nó nghe nhẹ tênh, như là nó vui! Lòng tôi cũng nhẹ bâng!

***

"Mày chở tao đi đâu, Sấm?". "Lên Bảy Hiền. Mày đừng có ngu nữa!". "Lên đó con nhỏ nó xé xác tao ra, trời ơi, tao nhảy xuống giờ!".

Sấm tấp xe vô lề, gạt chống xe, lấy ra gói thuốc chìa cho tôi một điếu: "Hút đi. Rồi nghe tao nói". Tôi mồi điều thuốc, người không dưng lạnh run. Sấm lót dép ngồi, lót cho tôi một chiếc nữa: "Ở trong chùa Tàu đó, có một câu, ngay giữa chánh điện, chắc mày đâu có hiểu ha…". Tôi tròn mắt chờ đợi… Sấm quay lưng che gió mồi điếu thuốc xong, nó lấy cái que nguệch ngọac lên vỉa hè: "Chữ làm vầy… làm vầy. Nó viết là Bình thủy tương phùng. Cái chùa đó, dựng lên là để cho những người Tàu lang thang cơ nhỡ, không bang không hội có nơi mà thờ phượng, cúng bái"…

Nó nuốt miếng: "Như chú Lềnh, như ba vợ tao, như chế Múi… Cả mày nữa! Chữ đó, chữ bình, người Việt kêu là bèo. Bèo trôi nổi tụ lại với nhau, họp với nhau, kết thành dề, giúp nhau mà sống… Mày hiểu không?".

Rồi nó dúi cái tàn thuốc xuống mặt đường: "Lên xe đi. Con nhỏ đó cũng là bèo, mày thương nó thiệt thì đừng sợ. Có tao. Tao cũng là bèo, một ề bèo gặp nhau nghen mậy!".

***

Là bèo tụ lại thành dề.

Một ngày, tôi chở con nhỏ về xóm Nạn Đán bằng cái xe PC của Sấm! bà chủ quán café lặc lè chạy ra: "Trời đất thiên địa, con nhỏ đây nè…". Nó nhảy xuống khỏi xe cái rụp, ôm bả cứng ngắc: "Cũng muốn qua thăm dì mà sợ…". "Sợ gì? Thằng chả giờ nằm một đống, ai thương thì thí cho miếng ăn. Giang hồ chỗ này rã đám rồi con… Trời thần có mắt mà!".

Tôi nhớ cây súng Sấm ném xuống kênh Tàu Hũ! Tôi khều con nhỏ: "Qua kia thắp nhang má tôi với tôi nè!".

Có ai ngờ, đám cưới tôi, chỗ chùa Tàu cũng kết đèn hoa đỏ rặt. Cũng vái thiên địa phu thê, rồi cũng một mâm chỗ nhà chế Múi, nghe lão Sáng gõ vào tô khâu nhục hát nhi nhô, nước mắt chan nước mũi. Chú Lềnh không hát, chú Lềnh về sắc thuốc cho thím Lềnh đau bệnh gan…

Lão Tắc ngồi dòm tôi, mắt nháy nháy: "Nhỏ, học võ đi, hay lắm!". Sấm cười. A Phón cười. Con nhỏ cũng cười…

Còn tôi, con mắt cay cay!

ĐaMi
4.7.2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12260)
(Xem: 13796)
(Xem: 15071)
(Xem: 14650)
(Xem: 14641)
(Xem: 15243)
(Xem: 14080)
(Xem: 13836)
(Xem: 13864)
(Xem: 14757)