- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lâu Đài Trên Bãi Cát (phần I B)

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 10543)

w-chinhdao_0_300x118_1

Những nhân vật phụ diễn trên sân khấu chính trị miền Nam cũng đều là tai nạn của lịch sử. Họ được đưa đẩy vào trung tâm quyền lực–một thứ quyền lực giới hạn, dưới sự kiểm soát của viên chức Mỹ–chỉ do thời cơ đưa đẩy, dài theo tiến trình duy trì một đạo quân chống Cộng cho tới năm 1973. Bởi thế, khó thấy một "chính khách" có những lời lẽ lịch sự về đối thủ hay người đương thời của mình. Vì lập trường của Mỹ ở thời điểm này là "chống Cộng, chống trung lập," các lãnh tụ tìm đủ cách gán ép hai thứ mũ trên cho đồng đội hoặc người đương thời. Khi muốn loại bỏ Tướng Nguyễn Chánh Thi, chẳng hạn, Nguyễn Cao Kỳ mật báo với Đại sứ Lodge là Thi "thân Cộng," "trung lập." Vì Thi nổi tiếng trong sạch, Kỳ tố cáo Thi có tinh thần sứ quân, muốn tách biệt Vùng I Chiến thuật khỏi chính phủ trung ương. Ngày 1/4/1966, khi Trung tướng Phạm Xuân Chiểu cùng Đại tá Phạm Văn Liễu ra Huế, đưa thư riêng của Kỳ, Thi đã vò nát, ném xuống đất, không thèm nghe hay biết những gì về "tên lừa thày phản bội." Trần Thiện Khiêm mật báo với Chánh sở CIA Sài Gòn Peer de Silva rằng Nguyễn Khánh đã trở thành cực kỳ hoài nghi, nhìn đâu cũng thấy phản trắc và âm mưu đảo chính. Nguyễn Khánh bịa đặt ra chiếc cặp da có 1 triệu Mỹ Kim của Ngô Đình Diệm mà "Big" Minh dấu đi sau ngày 2/11/1963. Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Huy Quát cũng chẳng có bao lăm tiết tháo. Hương ngợi ca Nixon như "cứu tinh của miền Nam Việt Nam," trong khi gọi những lãnh tụ Phật Giáo như Trí Quang và Thiện Minh là "những tên trọc đầu và trò khỉ do chúng bầy ra." Ở lúc chợ chiều của miền Nam, Hương còn bám lấy những bè lục bình "hợp hiến," làm Tổng thống cho bằng được một tuần. Rồi trả quyền cho Quốc Hội, để Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu thực thi việc chẳng đặng đừng–đầu hàng không điều kiện. (14) Phan Huy Quát xin Mỹ đi xa hơn vị trí một cố vấn, thủ diễn vai trò người anh lớn, hướng dẫn em dại. Nhưng những tội phạm chính trong bi kịch cuối cùng của miền Nam–tức Thiệu, Khiêm, Viên, Kỳ–ung dung chạy ra hải ngoại với những tài sản khổng lồ. Phần Trần Văn Đôn–một tình báo viên chuyên nghiệp của Mỹ và Pháp từ năm 1945–còn nuôi tham vọng Thủ tướng/Tổng thống, với chủ mới là Giscard d’Estaing. Nhào nặn và tô vẽ cho họ thành "lãnh tụ" miền Nam là trò chơi tàn nhẫn của những người quản lý cuộc chiến.

 

Trong khi đó, những thế lực ly tâm tiếp tục xé nát cấu trúc xã hội. Ki-tô giáo quyết duy trì ưu quyền bằng mọi giá–chống đối Phật Giáo ở bất cứ cơ hội và hoàn cảnh nào–đôi khi "không cần trả tiền," như Nguyễn Bảo Trị cam đoan với nhân viên Mỹ. "Trí thức" Ki-tô không mệt mỏi trong nỗ lực hoài Ngô, tìm đủ mánh khoé bẻ cong lịch sử để hạ nhục những người đã góp công lật đổ và trừng trị tội bội phản, cùng những hình tội theo công pháp quốc tế như diệt chủng [genocide] và tội ác chiến tranh [war crimes], hay vi phạm nhân quyền [crimes against humanity crimes against Human rights] của anh em Diệm-Nhu. Tinh thần kỳ thị chủng tộc giữa người Kinh và người Thượng, giữa người Việt và người "Miên" [Khmer], tinh thần địa phương, sự cách biệt giữa dân và quân sự. Đó là chưa nói đến tính thời cơ, vụ lợi, quốc sỉ tham nhũng và hối mại quyền thế rất tự nhiên, sinh sôi nảy nở đan rễ hàng ngàn năm trong những xã hội mà điều kiện kinh tế quá nghèo nàn. Thêm nữa, không thể không đề cập hiện tượng ác tính bệnh hoạn của một thiểu số người có chức, có quyền hay cá nhân phục vụ trong ngành an ninh hay cảnh sát. Việc Chuẩn tướng Loan hạ sát Phạm Ngọc Thảo tại Cục ANQĐ, cho người ám sát Thượng tọa Thiện Minh ngày 1/6/1966, hay bắn chết một sĩ quan đặc công CSBV, khi hai tay tù binh bị trói về phía sau trước chùa Ấn Quang trong dịp Mậu Thân 1968, tự nó giải thích tại sao Chỉ huy trưởng Cảnh sát Thừa Thiên đủ ác tâm sử dụng một gái mãi dâm bị bệnh phong tình để lấy khẩu cung một cán bộ quân báo CS nằm vùng.(15) Và nhiều nữa.

 

Bởi thế, chế độ Thiệu–mà có người gọi là "Diệm mà không có Diệm"–vẫn tiếp tục biến chứng của một bệnh nhân ung thư máu. Thiệu-Khiêm-Viên chỉ ngày đêm lo củng cố uy quyền và lợi nhuận bản thân cùng họ hàng, thân thuộc. Phe đảng trở thành phương châm cai trị, với tham nhũng làm sức nối kết. Cả guồng máy chống Cộng ở miền Nam chẳng khác gì một thứ siêu thị–người ta mua bán bất cứ thứ gì có thể sinh lợi, từ chức tước tới tấm giấy hoãn dịch. Từ hồ sơ mật an ninh quốc phòng tới đạn dược, thuốc men, phế vật chiến tranh, từ đầu đường, góc phố tới pháp đình, nha sở, dinh thự.

Cái khôn khéo của Thiệu là biết đổi chác. Thiệu chỉ chú ý tới và thu thuế từ những chức vụ Tỉnh trưởng hay Tư lệnh Sư đoàn trở lên. Còn lại, giao cho các thuộc hạ thân tín hay "đồng minh" như Thủ tướng Khiêm, hay Tổng Tham Mưu trưởng Viên, v.. v... Nhờ loại sức mạnh kiểu tội-ác-có-tổ-chức này, Thiệu nắm vững được quân đội, hoặc đúng hơn, cấp chỉ huy quân đội, xương sống của chế độ miền Nam. Vì hầu hết thanh niên đều ở trong binh ngũ–do hiệu lực của lệnh tổng động viên 1968–nắm được quân đội là có sức mạnh. Đối với các đảng phái, giáo phái v.. v... Thiệu sử dụng đúng nguyên tắc mà cố vấn thân cận của Thiệu–Vũ Ngọc Nhạ, trưởng lưới cán bộ tình báo chiến lược A. 22 của Cộng sản ở Sài Gòn–khuyên bảo: lấy lợi nhuận, danh vọng mà mua chuộc lòng người.

Lãnh đạo ấy, nếu muốn gọi thế, là thứ lãnh đạo bệnh hoạn. Cuộc đấu tranh chính trị với Cộng sản trở thành việc làm vô vọng của những đứa trẻ xây lâu đài trên bãi cát. Bao kế hoạch diệt Cộng do người Mỹ đề nghị và trợ cấp–từ xây dựng tới bình định và phát triển nông thôn–đều chỉ có hình thức, và đôi khi đưa tới những kết quả trái ngược hẳn với mong ước lúc đầu. Nội tuyến Cộng sản xâm nhập mọi cơ cấu chính quyền–ngay sát nách Thiệu, và ngay trong Dinh Độc Lập, nói chi những tổ chức công nhân, sinh viên v.. v... (16)

Đã có lúc, người ta tự hỏi phải chăng chính Thiệu là cán bộ tình báo chiến lược của Cộng sản? (Cũng như ít ai ngờ, trong hai năm 1962-1963, hai "phiến Cộng" nguy hiểm nhất miền Nam nằm tại Dinh Gia Long, tức Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu–nên Đại sứ Lodge và Tổng thống Kennedy đã phải loại trừ) (17).

Về phương diện kinh tế, VNCH hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại viện; và nguồn ngoại viện quan trọng nhất là Mỹ. Hai kế hoạch kinh tế được quảng cáo nhiều nhất gồm có việc lấy giống lúa mới "Thần Nông" và chương trình "Người Cày Có Ruộng" (của Cao Văn Thân). Thực ra, cả hai kế hoạch trên, giống như bất cứ kế hoạch nào ở miền Nam, đều do cố vấn Mỹ soạn thảo và chi tiền. Hơn nữa, cả hai kế hoạch đều có nhược điểm. Giống lúa mới Thần Nông cần phân bón–phải nhập cảng. "Người Cày Có Ruộng" cũng chỉ đủ mục đích tuyên truyền–chủ điền không sử dụng tiền bán ruộng đất "từ trời rơi xuống" để đầu tư vào nền kỹ nghệ phôi thai, hoặc chỉ đầu tư tượng trưng trong nước. Nhờ hệ thống tham nhũng, họ chuyển phần lớn tiền bán ruộng cho chính phủ ra ngoại quốc. Số vốn để phát triển kỹ nghệ nhẹ trong nước không đạt tiêu chuẩn. Số ruộng phát cho người cày không đủ, chỉ có tính cách tượng trưng. Thêm vào đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Vùng "oanh kích tự do" [Free Fire Zones] ngày một loang rộng. Diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ngày một tăng. Có ruộng, nhưng thiếu người cày vì số dân trực tiếp sản xuất ở nông thôn giảm xuống. Chỉ còn lại nền kinh tế tiêu thụ–và, cách nào đó, một nền công nghiệp nhẹ mới chập chững–ở các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn. Tuy nhiên, đại đa số các công ty do người Việt gốc Hoa làm chủ; hoặc, chỉ là đại diện các đại công ty của Mỹ, Nhật, Pháp v.. v... Sinh hoạt sản xuất, do nhu cầu thực tế và tình trạng chiến tranh, bị hạn hẹp. Mục đích chính của các công ty chỉ nhằm thu vét càng nhiều càng tốt số ngoại tệ Mỹ kim hàng năm của Mỹ lọt vào tới Việt Nam.

Trên nền tảng ký sinh vào ngoại viện ấy, mặt trận kinh tế còn một mục tiêu chiến lược khác: ngăn chặn lúa gạo, thuốc men, hàng tiêu dùng lọt vào vùng Cộng sản kiểm soát. Những nỗ lực này đều thất bại. Màng lưới tham nhũng quá tinh vi; và hễ có tiền là mua được tất cả. Thực tế, ngay đến Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, Tỉnh trưởng v.. v... cũng đứng ra bảo trợ cho việc buôn lậu với mật khu Cộng sản. Được dư luận biết đến nhiều nhất có vụ lính ma, lính kiểng của Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV, hay đoàn xe buôn lậu có Quân Cảnh hộ tống do các mệnh phụ phu nhân–thường được gọi là "Mặt Trời Cái"–bảo trợ. Đó là chưa kể đường dây buôn lậu nha phiến, ngoại tệ và phế vật chiến tranh do Thiệu, Khiêm và tay chân, họ hàng Kỳ cầm đầu.

Đáng sợ hơn cả là cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1974. Từ năm 1965, nhờ các dịch vụ cho đạo quân viễn chinh Mỹ, nền kinh tế ở các đô thị khá sung túc. Gần 200,000 công nhân được thuê mướn trong các công ty Mỹ. Những món hàng P.X. bày bán từ gần kho Mỹ tới trung tâm Sài Gòn, rác rưởi Mỹ và kỹ nghệ giải trí cho lính Mỹ cũng giúp khoảng vài triệu người có công ăn, việc làm hoặc thu nhập một số lợi tức ở ngoài ngân sách hàng năm của chính phủ. Nền kinh tế tư, hãy tạm gọi thế, được phát triển. Nhưng từ năm 1971, trên dấu chân hồi hương của lính Đồng Minh, số người thất nghiệp ngày một gia tăng, đạt chỉ số 15% vào năm 1973.(18)

Sự cắt giảm viện trợ kinh tế càng khiến nguồn lợi tức ngoại nhập ngày một thấp. Việc nhập cảng hàng ngoại quốc giảm 40% trong giai đoạn 1971-1973. Thêm vào đó là việc tăng giá thị trường quốc tế các nguyên liệu và nông phẩm như dầu hỏa, phân bón, sắt thép, tơ dệt v.. v... Các đô thị bắt buộc phải đối diện với khả năng kinh tế quán tính của chúng. Nhờ cần kiệm, một số người tạo được đôi chút vốn liếng, tiếp tục buôn bán. Nhưng mãi lực của dân chúng giảm hẳn. Đồng thời, nạn lạm phát gia tăng, lên tới 68% vào năm 1973.

Cuộc Tổng tấn công 1972 của CSBV cũng tạo nên những hậu qủa trầm trọng. Ngoài thiệt hại khổng lồ về tài sản, nhà cửa, ruộng vườn của dân chúng–lên tới hàng tỉ Mỹ kim–còn có khoảng 5,000 cây số (3,108 dặm) quốc lộ và tỉnh lộ bị hư hại, 200 cây cầu lớn, 500 trường, 500 trạm y tế xã cần tu bổ tức khắc.

Từ cuối năm 1973, khủng hoảng kinh tế lan tràn. Không còn cảnh quân nhân bắn vợ vì ngoại tình với Mỹ, hay tự tử vì vợ con cuốn gói theo bạn Đồng Minh về nước–nhưng nhiều thảm kịch còn não lòng hơn xuất hiện. Có những cô gái vị thành niên đã phải bán thân kiếm tiền giúp gia đình, vì đồng lương công chức, quân nhân không đủ chi dụng. Những quân đoàn ăn mày, gái điếm, gái bia ôm, ước lượng vào khoảng 300,000 nhân số, nghễu nghện trên đường phố.

Cơ khổ nhất vẫn là đám đông thấp cổ bé họng. Tốc độ lạm phát khiến đồng lương hàng tháng–bị mất giá trị đích thực khoảng 35% từ tháng 3/1972 tới tháng 2/1974–không đủ sống hai tuần lễ. Làm gì để có miếng ăn trong thời gian còn lại? Chẳng cần thông minh cũng suy đoán được đủ thứ hành vi, tệ nạn ngoài lễ giáo, mực thước bình thường của xã hội.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế này gây xáo trộn trong mọi giai tầng, đưa đến sự sụp đổ chung của khả năng chống Cộng tại miền Nam.

(Bấm vào đây xem tiếp PHẦN 2A )

Chính Đạo

St. Paul, 4/8/1989-Houston, 4/8/2008

 

Phụ chú:

 

1. Năm 1975, khi so sánh việc sụp đổ của VNCH với chính phủ Tưởng Giới Thạch năm 1947-1949, một sử gia Canada đưa ra câu hỏi: Tại sao cả hai quân lực hàng triệu người có thể tan rã nhanh đến thế? Không dễ tìm được đáp án ở thời điểm đó. Tuy nhiên, khó thể trút mọi tội lỗi cho "Đồng Minh tháo chạy."

2. Foreign Relations of the United States [FRUS], 1969-1976, I:TL 82, 46,

3. FRUS, 1969-1976, I:TL 2 [Nixon], 4 [Kissinger 1968] & 41 [a study by the NSC staff].)

4. Theo một tác giả Nga, hiềm khích Nga-Hoa xảy ra từ khi Bắc Kinh xúi dục Nga Sô đương đầu với Mỹ bằng vũ khí nguyên tử qua sự kiện Mã Tổ trong mùa Hè và mùa Thu 1958. S. Yurkov, Asia in Peking’s Plans (Moscow: Politizdat Publishers, 1981) [X. G. Iu-Rơ-Côp, Châu Á trong các kế hoạch của Bắc Kinh (Hà Nội: NXB Sự Thật, 1984)], tr. 168-169 [trong Tủ sách "Chủ Nghĩa Mao–Một Nguy Cơ Với Loài Người] Yurkov trích dãn lời cáo buộc của Hà Nội là Mao Trạch Đông và phe nhóm ưa "Tọa sơn quan hổ đấu" [ngồi trên núi xem hổ đánh nhau]. (Yurkov, 1984:169; Sách Trắng 1979:24) Mao, Đặng và Hoa Quốc Phong: chiến tranh không thể tránh được. Năm 1979, Hoa sửa lại "nhưng có thể trì hoãn được." [Yurkov, 1984:170-171]

5. Đầu thập niên 1990, khi bị chất vấn về vấn đề tù binh (POWs) và quân nhân mất tích (MIAs) tại Quốc Hội, cựu Ngoại trưởng Kissinger đã hằn học nói về ảnh hưởng của các phong trào chống chiến tranh này. Phần King, sau khi bị ám sát ngày 4/4/1968 tại Memphis, Tennessee, được tôn sùng như anh hùng đấu tranh cho nhân quyền.

6. Vũ Ngự Chiêu, "Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940 and 1946;" Part III: "Brutality of World Politics;" Ph.D. dissertation, University of Wisconsin, 1984.

7. Xem Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 (Houston: Văn Hoá, 1994, 1997), chương VIII. Một trong những nạn nhân của sự thay đổi này có lẽ là cá nhân Ngô Đình Thục–Thục đã phẫn chí, khiến bị tuyệt thông (ex-communicated), trục xuất khỏi Giáo hội Vatican. Trong khi đó, Linh mục Nguyễn Văn Thuận vẫn tin rằng hai anh em Diệm-Nhu cùng những người thân tín .... chưa chết.

8. FRUS, 1969-1972, I:TL 4, 39, 41, 71, 84, 85, 86, 87, 101, 104

9. Lưu ý rằng các vũ khí trao cho quân đội miền Nam hay Bắc quân sử dụng phần lớn là đồ thừa của Đệ nhị thế chiến. Mãi tới năm 1968, Mỹ mới trang bị cho QLVNCH súng cá nhân XM 16. Từ năm 1969, Không quân mới có trực thăng HU-1B, khu trục A-37; và Hải quân được tăng cường. Bắc Kinh cũng chỉ cung cấp cho MTGPMN vũ khí hạng nhẹ, thặng dư của Thế chiến thứ II; STVQHVN-TQ, 1979:47.

10. Xem thêm chi tiết trong Chính Đạo, "Đại Hội X Đảng Cộng Sản Việt Nam;" Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số

11. Xem Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con Người & Huyền Thoại; tập I:1892-1924, tái bản, có bổ sung (Houston: Văn Hoá, 1997).

12. Giáo hoàng John Paul II đã có can đảm bác bỏ hai đối cực Thiên đường (cõi thánh)/ Địa ngục (hồ lửa, hay sao chổi), cho đó chỉ là "state of mind" (tâm cảnh); Houston Chronicle, 8/18/1999. Đây là sự tiến hóa quan trọng của Giáo hội Vatican, hay chỉ ý kiến của một John Paul II? Năm 2008, tân Giáo hoàng Benedict XVI chỉ mới công khai xin lỗi và bày tỏ lòng ân hận trước hiện tượng dâm ô đồng tính trong các giáo đường Ki-tô Vatican, nhưng chưa có giáo chỉ nào về thiên đường và địa ngục.

13. Robert McNamara, In Retrospect, tr. 186. Một tài liệu do chúng tôi khám phá năm 1995 cho biết Thiệu đã tham gia hoạt động chính trị từ 1954. Ngày 5/11/1954, Thiếu tá Thiệu đã là Ủy viên Nghiên cứu của Việt Quốc Dân Xã tại Huế (Đệ Nhị Quân Khu), một cánh tay địa phương của Đảng Con Ó do Trung tá Trần Đình Lan thành lập để ủng hộ Tướng Nguyễn Văn Hinh trong cuộc tranh giành quyền lực với Thủ tướng Diệm. Cùng trong tổ chức này có Trần Thiện Khiêm (Tổng thư ký), Hoàng Xuân Lãm, Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Mạnh, v.. v..– những cộng tác viên mật thiết của Thiệu từ năm 1965 tới ngày miền Nam sụp đổ. Nhưng từ năm 1955, ảnh hưởng Pháp tàn lụn ở Việt Nam. Uy thế Đại Việt cũng xuống dốc sau biến loạn chiến khu Ba Lòng và Phú Yên/Khánh Hòa (3/1955). Đảng Con Ó trở thành lỗi thời từ ngày 1/7/1955, nếu không phải sớm hơn, khi Hinh phải trở lại Pháp ngày 19/11/1954. Thiệu dấu kín tông tích "Con Ó" Việt Quốc Dân Xã, sử dụng chiêu bài "công giáo" của họ nhà vợ. Vì thế Thiệu được cử chỉ huy trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, trước khi nắm Tư lệnh Sư đoàn 1 ở Huế, rồi Sư đoàn 5 ở Biên Hòa. Đồng thời, thăng tiến dần trong Quân ủy Trung ương của Đảng Cần Lao. Liên hệ giữa Thiệu và Albert Phạm Ngọc Thảo, một gián điệp tình báo chiến lược của miền Bắc, cũng ngày một chặt chẽ.

14. Cựu Đại tá Phạm Văn Liễu từng đề nghị Hương tự tử để giữ tròn khí tiết, nhưng Hương, dĩ nhiên, không nghe theo.

15. Hoàng Kim Loan, hoặc thân nhân, có thể truy tố cựu sĩ quan này ra trước tòa Liên bang Mỹ. Yếu tố thời hiệu 10 năm đã qua, nhưng chỉ gần đây (2007) đương sự mới công bố tội ác của mình, nên ít nhất có thể đòi bồi thường về dân sự. Một văn phòng luật sư tốt có thể khiến tội nhân hình sự quốc tế này mất quyền công dân Mỹ (vì đương sự tự thú nhận).

16. Nổi danh nhất có Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh Văn Trọng, Đặng Trần Đức (Ba Quốc).

17. Xem Chính Đạo, "Phiến Cộng trong Dinh Gia Long;" Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hoá, 2004). Bài này đã được cập nhật hóa trên hopluu.net, Phụ Bản đặc biệt (2007) Xem thêm Ellen Hammer, A Death in November; William Colby, Lost Victory, tr. 102-103; Robert S. McNamara, In Retrospect, tr. 56.

18. Những con số dùng cho phần nói về kinh tế này dựa theo U.S. House of Representatives, Committee on Foreign Affairs, Vietnam–A Changing Crucible, Report of a Study Mission to South Vietnam, persuant to H. Res.267, 93rd Congress, 2d Session, May 1974 (Washington, DC: GPO, 1974), pp. 8-9. Xem thêm báo cáo định kỳ của Đại sứ Bunker từ 1967 tới 1973.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12263)
(Xem: 13797)
(Xem: 15074)
(Xem: 14651)
(Xem: 14643)
(Xem: 15250)
(Xem: 14083)
(Xem: 13838)
(Xem: 13865)
(Xem: 14760)