- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sự Xuất Hiện Khuynh Hướng Trong Nền Văn Học Việt Nam Cổ

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 14500)

w-pdf-hl95final3-final5pdf-41_0_99x100_1Khuynh hướng văn học là một vấn đề đặc biệt quan trọng của lịch sử văn học. Những biến đổi và phát triển của nó giúp cho chúng ta nhận thức được rõ sự biến đổi và phát triển của một nền văn học, trong nội dung tư tưởng, nhưng trước hết, trong phương pháp nghệ thuật của nền văn học ấy. Khuynh hướng văn học cũng là một biểu hiện quan trọng của thi pháp văn học, đánh dấu trình độ phát triển của nghệ thuật ngôn từ trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử văn học[1]. Vấn đề này được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm khi tìm hiểu những diễn biến và sự phát triển của văn học trong thời cận - hiện đại. Vấn đề này, theo chúng tôi cũng không kém quan trọng trong việc nghiên cứu văn học cổ - trung đại ở Việt Nam. Tiếc rằng cho đến nay nó vẫn chưa được giới nghiên cứu nhận thức một cách đầy đủ và thống nhất[2].

*

Văn học Lý - Trần (thế kỷ X - XIV) là giai đoạn văn học viết đầu tiên của thời tự chủ, sau bốn thế kỷ, nó đã đạt tới sự phong phú và hoàn thiện nhất định. Và như vậy, nếu khuynh hướng văn học được xem là dấu hiệu của sự phát triển văn học, thì phải chăng ở đây đã có khuynh hướng văn học?

Trước hết, cần phải thống nhất quan niệm về khuynh hướng văn học. Có thể có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung, khuynh hướng văn học cần được hiểu là khuynh hướng của các phương pháp nghệ thuật. Một nền văn học được công nhận là có khuynh hướng văn học khi trong nền văn học đó có các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, và nhà văn có quyền tự do lựa chọn cho mình một phương pháp nghệ thuật nhất định, trong khi đang tồn tại những phương pháp nghệ thuật khác nữa. Tức là nhà văn có thể tự giác lựa chọn phương pháp nghệ thuật riêng cho mình, và đấu tranh, đối thoại (dưới bất kỳ hình thức nào) để bảo vệ nó trước các quan điểm nghệ thuật khác cùng tồn tại. Dựa trên những tác phẩm văn học Lý - Trần hiện còn, chúng ta không thấy có tình trạng này, mà chỉ thấy rất rõ tính thống nhất về nhiều mặt, cả nội dung và nghệ thuật của nó. Từ những sáng tác của các thiền sư thời Lý đến những sáng tác của những nho sĩ thời Trần, đều thống nhất với nhau trên một nguyên tắc nghệ thuật nhất định, bị chi phối bởi những chức năng ngoài văn học. Mọi sáng tác văn học đều hướng tới những tư tưởng chính thống có tính quan phương, nhằm đề cao vương triều phong kiến, đề cao kẻ sĩ quân tử, những anh hùng, liệt nữ trong chống giặc ngoại xâm, hay kiến thiết đất nước, trong đó có cả việc đề cao tấm gương của những người có nhiều "công quả" đối với nhà Phật... Tất cả đều là nhằm phục vụ những chức năng thế tục hay tôn giáo.

Tiếng nói có tính khái quát cao trong văn học thời kỳ này là tiếng nói được chế định bởi các tư tưởng thần quyền và pháp quyền phong kiến. Quan điểm và phương pháp biên soạn các bộ sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu v.v... là hoàn toàn thống nhất, mang tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị, đề cao vương triều hiện tại, đề cao tinh thần độc lập tự chủ, phục vụ nhà nước phong kiến. Việc biên soạn các bộ sách về Phật giáo cũng có chung quan điểm và phương pháp đó. Về mặt thơ ca, từ thơ thời Lý đến thơ thời Trần, không có những thay đổi căn bản về phương pháp nghệ thuật. Chúng tôi không thấy có những phương pháp nghệ thuật khác nhau cùng tồn tại ở thời kỳ này. Chỉ có những dòng những mảng văn học mang những nội dung tư tưởng khác nhau, cùng tồn tại, cùng tuôn chảy. Các dòng, các mảng văn học đó, về cơ bản không có quan hệ loại bỏ nhau, mà hoặc là tồn tại biệt lập, hoặc là bổ sung cho nhau về tư tưởng, trên tinh thần "tam giao đồng nguyên".

Như vậy, hoạt động sáng tạo của các tác giả thời Lý - Trần về cơ bản được thực hiện dựa trên một phương thức nghệ thuật không thay đổi. Vì sao vậy? Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này bắt nguồn từ yêu cầu của thực tế đời sống, và trình độ của tư duy nghệ thuật của nhà văn. Yêu cầu bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm, cũng như yêu cầu xây dựng một nhà nước phong kiến vững mạnh là nhiệm vụ lịch sử cơ bản của thời này. Trước yêu cầu đó, mọi mâu thuẫn giai cấp tạm thời bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và hầu như không được phản ánh trong văn học. Văn học tập trung phản ánh những mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giữa việc đề cao tinh thần dân tộc, đề cao vương triều phong kiến thống nhất, thịnh vượng, với mọi biểu hiện đối lập với nó, hoặc là giặc ngoại xâm (như trong Phạt Tống lộ bố văn của Lý Thường Kiệt, Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn, thơ phú về Bạch Đằng giang của Trương Hán Siêu, Trần Minh Tông, Nguyễn Sưởng...); hoặc là trong nội bộ dân tộc (như Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ, Thảo Ma Sa động hịch của Lý Nhân Tông, trong thơ phú cuối thời Trần...). Mâu thuẫn này cũng được thể hiện trong các tác phẩm văn học đề cao chủ nghĩa anh hùng phong kiến, phô diễn ý chí của kẻ sĩ vì vua, vì nước, đề cao nghĩa vụ phụng sự vô điều kiện của con người đối với chế độ, cũng như ca ngợi thiên nhiên đất nước, ca ngợi cuộc sống thanh bình của nhân dân. Việc đề cao tư tưởng Phật giáo cũng không nằm ngoài tinh thần ấy. Văn học chủ yếu đề cập đến những vấn đề lớn lao của quốc gia, dân tộc (trong đó có cả những vấn đề của văn hoá, của triết học, tôn giáo) là mối quan tâm chung, hàng đầu và cơ bản trong sáng tác và tiếp nhận văn học của mọi tầng lớp người trong xã hội. Đây là một nền văn học "hướng thượng", mạng nặng tính công dân, chủ yếu nói tới những nhân vật có phẩm chất phi thường, toàn vẹn.

Mâu thuẫn giai cấp trong thời Lý Trần không thật sự rõ rệt, bởi vì đây là thời kỳ mà quan hệ giữa con người với con người, kể cả giữa giai cấp thống trị và quần chúng nhân dân còn tương đối "giản dị", "chưa có những bệ rồng xa thẳm và lộng lẫy, chưa có những thành quách cao dày, những hào luỹ sâu thẳm, lởm chởm cờ xí và gươm giáo" quá xa cách với thôn làng của người dân, "đời sống trí tuệ của giới thượng lưu trong một phạm vi nhất định cũng có thể nói là thoải mái, phong phú, nhiều vẻ", và "đời sống con người chưa hề bị lễ giáo nhà nho ràng buộc gay gắt"[3]. Về cơ bản, văn học Lý Trần không phản ánh những mâu thuẫn giai cấp, nhưng quan trọng hơn, không có sự phân chia giai cấp trong sáng tác và thưởng thức văn học, không có sự phân hoá trong quan điểm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ. Đây là nền văn học mang tư tưởng của giai cấp thống trị, với những nguyên tắc nghệ thuật có tính quy phạm học được từ Trung Quốc, phục vụ những chức năng ngoài văn học, chủ yếu mô tả đời sống "bên trên", có tính giáo huấn, tính ước lệ, tượng trưng.

Dường như văn học Lý - Trần tồn tại một cách nhất dạng. Nhưng thực ra vấn đề không được nhận thức đơn giản như vậy. Có nhà nghiên cứu đã nói tới sự xuất hiện những xu hướng văn học khác nhau, căn cứ vào sự "tương ứng với các xu hướng chính trị chống đối nhau"[4], hay "xu hướng tư tưởng đối lập nhau"[5]. Người ta cũng xác định rằng có những cuộc đấu tranh và phê bình trong văn học, qua "những áng văn bài xích Phật giáo" và "cuộc bút chiến giữa Hồ Quý Ly và phái Đoàn Xuân Lôi"[6]. Đi tới định danh một xu hướng văn học mới, đó là "xu hướng yếm thế, thoát ly biểu hiện khá rõ trong buổi suy vi của nhà Trần, tức là cuối thế kỷ XIV"[7]. Nhưng như chúng tôi đã nói, khuynh hướng văn học chỉ tồn tại khi mà trong nền văn học không phải chỉ có một phương pháp nghệ thuật, mà là có nhiều phương pháp, và các nhà văn có thể tự giác lựa chọn cho mình một phương pháp thích hợp. Và như vậy phải có đấu tranh, phê bình để bảo vệ lập trường của họ. Theo quan sát của chúng tôi, cuối đời Trần có xuất hiện một số tác phẩm văn học mang ý phê phán những khía cạnh nhất định trong đời sống Phật giáo, của những nho sỹ như Trương Hán Siêu, Lê Quát..., có những nghi ngờ và phê phán của Hồ Quý Ly đối với Khổng Tử trong những chương trình cải cách của ông. Nhưng về cơ bản những điều được xem là "bút chiến", "phê bình" văn học ấy thực ra không có tính chất song phương, mà là đơn phương. Đặc biệt, nó không ảnh hưởng gì tới phương pháp nghệ thuật của đương thời, cũng như không có một "tuyên ngôn" nghệ thuật nào được phát biểu ở đây. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy những ví dụ trong lĩnh vực tư tưởng, chứ không phải trong văn học. Nó chỉ diễn ra trong một phạm vi nào đó của tư tưởng, và chỉ thế mà thôi. Nếu chúng ta chú ý kỹ hơn, những nhận xét của các nhà nghiên cứu về khuynh hướng văn học thời kỳ này hoàn toàn chỉ được rút ra từ việc quan sát những xu hướng tư tưởng chứ không phải là từ những xu hướng của phương pháp nghệ thuật.

Cuối đời Trần, khi những yêu cầu chống xâm lược có phần dịu bớt, triều đình lo củng cố địa vị thống trị của mình, và bắt đầu xuất hiện những sự thoái hoá trong đời sống chính trị, khi đó những mâu thuẫn xã hội bắt đầu nảy sinh. Văn học thời này phản ánh phần nào những mâu thuẫn xã hội, có cả biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp, nhưng hoàn toàn không có sự phân chia giai cấp trong văn học, không có sự phân hoá thị hiếu thẩm mỹ. Không có những quan điểm nghệ thuật khác nhau, những nhu cầu và thị hiếu nghệ thuật của các giai cấp khác nhau. Những tác phẩm cảm khái thời thế của Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Lê Cảnh Tuân, Sử Hy Nhan, Đoàn Xuân Lôi... hoàn toàn không nằm ngoài truyền thống nói chí với khát vọng khôi phục vương triều nhà Trần trở lại thịnh vượng. Những vần thơ "phóng cuồng" của Trần Tung không phải là sản phẩm của một phương pháp nghệ thuật mới, mà vẫn chỉ là việc nói chí trong hoàn cảnh riêng của ông. Trần Nguyên Đán đã nói về tình trạng có tính đặc trưng của nền văn học này, nền văn học của mọi người và cho mọi người có tính "siêu giai cấp", hay đúng hơn là mang tư tưởng của giai cấp thống trị, với một phương pháp nghệ thuật chung:

Trung Hưng văn vận mại Hiên Hy,

Triệu tính âu ca lạc thịnh thì.

Đấu tướng, tùng thần giai thức tự,

Lại viên, tượng thị diệc năng thi.

(Vận hội văn chương đời Trung Hưng hơn cả thời Hiên, Hy,

Muôn dân ca hát vui thời thịnh trị.

Tướng võ, quan hầu đều biết chữ,

Thư lại, thợ thuyền cùng làm thơ)[8]

Trong thời Lý - Trần không có khuynh hướng văn học với tư cách là khuynh hướng của các biện pháp nghệ thụât. Mặc dầu vậy, nền văn học này vẫn không ngừng phát triển. Nó phát triển trên cơ sở của cuộc đấu tranh giữa yếu tố chức năng và yếu tố phi chức năng trong văn học. Cuộc đấu tranh giữa yếu tố chức năng và yếu tố phi chức năng là nòng cốt cho sự phát triển của văn học thời kỳ này. Yếu tố chức năng có vai trò chi phối mạnh mẽ các mặt hoạt động của văn học Lý - Trần, không chỉ đối với nội dung tư tưởng của văn học, mà còn đối với cả hình thức nghệ thuật của văn học, đặc biệt là ngôn ngữ và thể loại trong hệ thống văn học. Các thể loại có chức năng cao thường đứng ở trung tâm của hệ thống văn học. Phong cách thể loại được đề cao. Thước đo trình độ văn học của mỗi tác phẩm, cũng như thể loại, căn cứ vào hệ số biến động của các yếu tố chức năng và các yếu tố phi chức năng trong văn học. Thơ, phú nói chí, những thể loại văn học mang chức năng hành chính (hịch, cáo, chiếu, chế, biểu, tấu...), chức năng tôn giáo (thơ thiền, văn ngữ lục, luận thuyết tôn giáo)... là những thể loại văn học quan trọng, đứng ở trung tâm của văn học Lý - Trần. Chúng ta cũng cần chú ý tới ngôn ngữ văn học thời kỳ này. Các nhà văn chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán (cuối thời Trần xuất hiện một số thơ, phú Đường luật bằng chữ Nôm). Ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ nhà chùa được đặc biệt coi trọng, trong văn xuôi thế tục và tôn giáo, trong thơ Thiền. Nhìn chung văn học thời kỳ này thường sử dụng những ngôn ngữ thuộc phong cách cao, có tính tượng trưng, ước lệ và quy phạm.

Văn học Lý - Trần, do đó, không có khuynh hướng văn học với ý nghĩa chặt chẽ và nghiêm túc. Nó không loại trừ có những xu hướng tư tưởng khác nhau, thậm chí đối lập nhau, tạo nên những mảng văn học, hay những loại hình văn học[9] có tư tưởng khác nhau, tồn tại cô lập, hoặc bổ sung cho nhau. Các mảng văn học hay các loại hình văn học đó tồn tại tuỳ thuộc vào tình hình chính trị và tư tưởng đương thời, mà tự nó không đủ sức (và cũng không cần thiết) đẻ ra một phương pháp nghệ thuật mới cho mình. Cho nên, quả tình, đứng về nhiều phương diện, chúng ta thấy văn học Lý - Trần là một "chặng đường văn học liên tục"[10].

*

Nếu như trong văn học Lý - Trần, các nhà nghiên cứu còn ít nhiều dè dặt khi đặt vấn đề có sự xuất hiện của khuynh hướng văn học, thì tới văn học thời Lê Sơ (thế kỷ XV), người ta quả quyết rằng đã có sự xuất hiện của khuynh hướng trong văn học. Đó là: 1) Khuynh hướng văn học yêu nước; 2) Khuynh hướng văn học thù tạc, ca tụng chế độ phong kiến; 3) Khuynh hướng văn học bất mãn với thời thế[11]. Trong phê bình văn học, người ta cũng khẳng định một cách mạnh dạn cuộc "bút chiến không tuyên bố" giữa các "lưu phái" văn học thời này[12]. Nhưng theo chúng tôi, nhìn chung việc phân chia các khuynh hướng văn học như vậy vẫn không có tính nghiêm túc và chặt chẽ. Đó vẫn chủ yếu dựa trên biểu hiện của những xu hướng tư tưởng và chính trị, chứ không phải là xu hướng của các phương pháp nghệ thuật. Việc xác nhận những cuộc bút chiến, phê bình trong văn học đương thời cũng chưa đủ sức thuyết phục. Bởi vì đó chỉ là những cuộc "bút chiến không tuyên bố" – một sự thừa nhận rõ ràng tình trạng biệt lập, phong bế giữa các mảng văn học mang những tư tưởng khác nhau mà thôi.

Trong văn học Việt Nam cổ, từ thế kỷ X đến XV, theo chúng tôi, không có khuynh hướng văn học với đúng nghĩa của nó. Cũng không có đấu tranh, phê bình văn học là sự thể hiện nghiêm túc quan điểm của nhà văn trong việc lựa chọn và bảo vệ các phương pháp nghệ thuật của mình. Từ thơ trữ tình của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn, đến văn xuôi tự sự như Thánh Tông di thảo, Lam Sơn thực lục...và các bộ sách được biên soạn lại của văn học Lý - Trần như Việt điện u linh (do Nguyễn Văn Chất), Lĩnh Nam chích quái (do Vũ Quỳnh và Kiều Phú), Đại Việt sử ký toàn thư (do Ngô Sĩ Liên)... cơ bản vẫn trên tinh thần, quan điểm, phương pháp đã có từ Lý - Trần. Điều này có thể thấy trong sự tiếp tục những chức năng của các thể loại trong hệ thống văn học, cũng như trong phong cách của ngôn ngữ văn học. Tất nhiên, hệ số giữa hai yếu tố phi văn học và yếu tố văn học biến động không hoàn toàn giống thời Lý - Trần. Đó vẫn là nền văn học nhất dạng về nghệ thuật. Đúng là, "nếu như trong văn học, phương pháp nghệ thuật không thay đổi, nó được các nhà văn nhận thức như là một phương pháp duy nhất có thể có... thì cũng không có xu hướng văn học"[13].

*

Từ thế kỷ XVI, tình hình văn học của nước Việt Nam cổ bắt đầu có những chuyển biến khác. Dường như người ta bắt đầu có lý do hơn khi nói tới sự tồn tại của khuynh hướng văn học. "Trong văn học hình thành những chủ đề, những khuynh hướng tư tưởng tình cảm khác nhau, thậm chí chống đối nhau. Tất nhiên đây không phải là sự khác biệt hoặc đối lập về mặt ý thức hệ giai cấp. Nhưng trong thời kỳ chế độ phong kiến suy thoái, thì trong giai cấp phong kiến có sự phân hoá. Cách nhìn, thái độ và sự lý giải của các tầng lớp khác nhau trong giai cấp phong kiến, đối với sự khủng hoảng của chế độ phong kiến không giống nhau. Tác phẩm văn học, sản phẩm tinh thần của họ tất phải chia thành nhiều khuynh hướng"[14].

Nhận xét này có nhiều vấn đề để chúng ta lưu ý, nhưng chưa đầy đủ để có thể xác định các khuynh hướng văn học. Vì các nhà nghiên cứu vẫn chủ yếu dựa vào những biểu hiện của các khuynh hướng tư tưởng chứ không phải là khuynh hướng của phương pháp nghệ thuật của văn học. Dẫn đến một tình trạng là sự nhận thức về khuynh hướng văn học trở nên thiếu thống nhất và phiến diện, trong nhiều công trình biên soạn về lịch sử văn học hiện nay. Ví dụ trong văn học thế kỷ XVI - nửa đầu thế kỷ XVIII, có người xác định trong văn học có hai "xu hướng":

1. Xu hướng thù phụng và thoả mãn hiện thực;

2. Xu hướng tố cáo hiện thực[15]

Nhưng có người lại xác định văn học có ba "khuynh hướng":

1. Khuynh hướng văn học yêu nước;

2. Khuynh hướng văn học thoả mãn hiện thực;

3. Khuynh hướng văn học ẩn dật[16].

Tình hình này cũng diễn ra tương tự đối với văn học nửa cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX. Ví dụ văn học nửa cuối thế kỷ XIX được xác định có bốn khuynh hướng sau:

1. Khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp

2. Khuynh hướng văn học tố cáo hiện thực

3. Khuynh hướng văn học hưởng lạc thoát ly

4. Khuynh hướng văn học nô dịch[17]

Quan điểm và phương pháp xác định các khuynh hướng văn học như vậy không có sức thuyết phục, bởi đấy vẫn chỉ là những khuynh hướng tư tưởng chứ không phải là khuynh hướng nghệ thuật[18]. Và trên thực tế, các nhà nghiên cứu vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Trong văn học Việt Nam cổ có khuynh hướng văn học hay không, và các khuynh hướng văn học đó như thế nào?

Như đã nói, văn học thế kỷ X - XV chủ yếu phản ánh những mâu thuẫn dân tộc chứ không phải mâu thuẫn giai cấp. Nhưng từ thế kỷ XVI trở đi, văn học lại chủ yếu phản ánh những mâu thuẫn giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội khác nhau. Đó là sứ mạng lịch sử mới của văn học. Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng. Những cuộc nội chiến liên miên đã làm sụp đổ nhiều ngai vàng phong kiến, nền kinh tế hàng hoá bắt đầu có cơ hội phát triển, đời sống thị dân có điều kiện mở mang, giáo lý Nho gia bắt đầu có dấu hiệu đuối sức ở nhiều lĩnh vực của đời sống, tư tưởng "dân chủ" tiền kỳ nảy sinh và len lỏi vào xã hội, bắt đầu xuất hiện một mối mâu thuẫn mới trong lịch sử, đó là mâu thuẫn giữa giai cấp phong kiến thống trị với các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả giới trí thức cấp tiến, các giới kinh thương và lao động, dẫn tới tình trạng "khô đạo" và tinh thần phản kháng chính quyền (các cuộc khởi nghĩa nông dân rầm rộ trong nhiều thế kỷ, và ít nhiều thể hiện ở cả một phong trào không hoàn toàn mang tính bình dân dù nặng chất "quê mùa" như phong trào Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII).

Trong văn học, mâu thuẫn ấy được thể hiện bằng sự xung đột gay gắt giữa quyền sống, quyền hạnh phúc, số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ đối với mọi đè nén, áp bức của chế độ phong kiến. Lay động toàn bộ nền nghệ thuật đương thời là tiếng kêu cấp báo đòi giải phóng con người. Xung đột đó thể hiện sâu sắc trong các sáng tác có cốt truyện, mở đầu từ Nguyễn Dữ (đầu thế kỷ XVI) với Truyền kỳ mạn lục[19], đến Nguyễn Huy Tự với Truyện Hoa Tiên, Phạm Thái với Sơ kính tân trang, và đặc biệt là Nguyễn Du với Truyện Kiều... Xung đột đó cũng thể hiện cả trong những sáng tác không có cốt truyện như trong các khúc ngâm như Cung oán ngâm cuả Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm..., trong thơ trữ tình của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, và rất nhiều nhà văn khác. Bên cạnh một bộ phận văn học có tính "hướng thượng" vẫn tiếp tục hướng tới việc phản ánh những nhân vật có tính phi thường, toàn vẹn, những con người thánh nhân và ca tụng những vương triều đã mất sức sống, bắt đầu xuất hiện một bộ phận văn học khác ngày càng lớn mạnh chủ yếu phản ánh những con người bình thường, những con người "bé nhỏ" chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ trong cuộc sống đầy biến động, cay nghiệt và bất an. Đó là những tác phẩm văn học có tính "hướng hạ", hướng tới đời sống chao đảo của tầng lớp trí thức tiến bộ, của quần chúng nhân dân, những người bị trị, thậm chí là "dưới đáy" xã hội, không phải với những giọng điệu tươi tắn sáng sủa mà đầy bế tắc, tuyệt vọng.

Sự khủng hoảng triền miên của chế độ phong kiến, sự đối kháng gay gắt giữa giai cấp thống trị với các tầng lớp bị trị, như một nghịch lý, nhưng là tất yếu, đã làm cho con người bị áp bức trong xã hội bắt đầu được chú ý tới, thậm chí được đề cao, trân trọng hơn nhiều, đã làm cho tinh thần dân chủ và nhân đạo có điều kiện nảy nở và phát triển. "Đó là giai đoạn gian khổ đầy những chiến tranh và vật lộn giữa các họ cầm quyền, giai đoạn phong kiến rối loạn mà các nhà Khổng học không ngừng nhắc đến một cách ngậm ngùi, cay chua, nhưng lại là lúc mở ra những khả năng làm cho nhân dân ít bị ức hiếp hơn, ít bị chà đạp dã man hơn, mà thậm chí còn được tôn trọng hơn chút ít"[20].

Bắt đầu từ thế kỷ XVI, xuất hiện những tác phẩm được sáng tác trong môi trường "dân chủ" hơn, gần gũi với các giai cấp bị áp bức hơn. Các nhà văn bắt đầu quan tâm phản ánh những vấn đề của cuộc sống quần chúng, đồng thời ảnh hưởng tư tưởng và nghệ thuật của quần chúng. Một bộ phận đông đảo văn học thời kỳ này bắt đầu bộc lộ một xu hướng phản ánh mới, lấy con người làm mục đích phản ánh, đề cao con người và đấu tranh cho hạnh phúc của con người, nhất là người phụ nữ. Văn học bắt đầu đề cập tới những số phận bất hạnh, tới tình yêu, hạnh phúc, tới những nhu cầu hưởng thụ chính đáng, và vô vàn điều cấp thiết của cuộc sống sinh động hàng ngày khác. Đây quả là một sự "cách mạng" so với văn học trước thế kỷ XVI. Biểu hiện rõ rệt nhất của những thay đổi trong hình thức nghệ thuật là ở thể tài văn học và ngôn ngữ văn học. Những tác phẩm thành công nhất của thời kỳ này chủ yếu được sáng tác bằng chữ Nôm, và người ta đưa vào văn học chữ Hán một luồng sinh khí mới mang tinh thần dân chủ, nhân đạo. Cùng với sự xâm nhập mạnh mẽ của ngôn ngữ hàng ngày, của khẩu ngữ vào văn học (phong cách khẩu ngữ được đặc biệt coi trọng), bắt đầu từ thế kỷ XVI, các thể tài văn học mới có tính dân tộc ra đời, trên cơ sở phát huy những tiềm năng có sẵn của văn học chữ Nôm trước đó (mà tiêu biểu nhất là thể thơ thất ngôn xen lục ngôn)[21], kết hợp với việc tiếp thu các hình thức văn học dân gian, để cho ra đời những thể loại văn học dân tộc mới như thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ hát nói... Hàng loạt những thể loại văn học và tác phẩm văn học trước đây vốn nằm ở trung tâm của hệ thống văn học bắt đầu chuyển dịch ra ngoài rìa của hệ thống văn học mới, đồng thời, những thể loại và tác phẩm văn học mới, nếu theo tiêu chí cũ, sẽ bị xem là "không phải văn học đích thực" đã có quyền trở thành văn học, và chuyển dịch vào trung tâm hệ thống văn học.

Việc sử dụng những phong cách nghệ thuật dân gian, như phong cách của truyện cổ tích thế sự, của truyện Nôm bình dân, đối với truyện Nôm bác học thời kỳ này; việc vay mượn cốt truyện trong sách vở Trung Quốc, trong dân gian, hay tự sáng tác ra[22], cũng như việc đưa các chất liệu của cuộc sống thông tục, hàng ngày vào văn học ở nhiều thể tài văn học khác nhau, đã làm cho tính chất văn học của các tác phẩm được nâng cao hơn rất nhiều. Xu hướng "bình dân hoá" cả nội dung và hình thức văn học (thậm chí diễn Nôm cả chính sử như Thiên Nam ngữ lục, thế kỷ XVII) là xu hướng quan trọng của hoạt động nghệ thuật thời kỳ này[23]. Văn học chức năng từng bước thu hẹp phạm vi trong khi văn học phi chức năng có nhiều cơ hội phát triển. Dường như chúng ta đã có đủ lý do để nói tới sự ra đời của một khuynh hướng văn học mới. Đó là khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo, đi kèm với nó là một phương pháp nghệ thuật mới có tính hiện thực và dân tộc rõ rệt hơn. Đó là khuynh hướng văn học hướng tới đời sống thông tục của con người, thể hiện trong nhiều thể tài văn học, đặc sắc nhất là văn Nôm. Và nếu phải tìm kiếm một khuynh hướng văn học khác biệt với nó, thì đó chính là khuynh hướng văn học quan phương phong kiến, miêu tả những cái cao nhã, trang trọng, chủ yếu viết bằng chữ Hán, trong những thể loại văn học có chức năng cao, với phong cách ngôn ngữ cao, giàu tính tượng trưng ước lệ, theo "chuẩn mực" Trung Hoa, cùng song song tồn tại.

*

Từ thế kỷ XVI, nhiều tác phẩm văn học bắt đầu viết về những xung đột giữa các bộ phận, các lực lượng, các giai cấp trong xã hội. Nhưng quan trọng hơn, bắt đầu có sự phân chia thị hiếu thẩm mĩ trong văn học. Trong văn học bắt đầu phân hoá thành những bộ phận nhà văn có lý tưởng thẩm mỹ khác nhau, có thị hiếu nghệ thuật khác nhau, một bên bênh vực cho các nguyên tắc mĩ học phong kiến chính thống, và tư tưởng ngả về phía giai cấp phong kiến thống trị, một bên lại bênh vực cho những tư tưởng thẩm mĩ có tính dân chủ và dân tộc, và tư tưởng là hướng về các tầng lớp xã hội bị trị, nhất là nhân dân lao động. Đây là nền văn học bị phân hoá, chứ không nhất dạng như văn học Lý - Trần - Lê Sơ. Trên cơ sở đó, bắt đầu "nảy sinh những cuộc tranh cãi trong lĩnh vực mỹ học, xuất hiện yếu tố của phê bình văn học"[24].

Những "tranh cãi" về quan điểm mỹ học thời kỳ này được biểu hiện rõ nhất trong thái độ tiếp nhận văn học của những người đại diện cho chính quyền phong kiến và của những người thuộc tầng lớp trí thức cấp tiến và giới bình dân. Tập trung nhất là thái độ đối với văn học chữ Nôm, trung tâm của khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo. Những quan điểm đối lập nhau về văn Nôm diễn ra gay gắt trong nhiều thế kỷ. Điều này xảy ra rõ nhất đối với Truyện Kiều Truyện Phan Trần mà số phận của chúng, trong một thời gian dài, không ngừng chịu những va động dữ dội giữa các luồng sóng tư tưởng đối nghịch. Hãy nghe sự "đối thoại" giữa hai thái độ thẩm mỹ, thể hiện qua hai câu ca rất phổ biến sau:

- Làm trai chớ đọc Phan Trần

Làm gái chớ đọc Thuý Vân, Thuý Kiều

- Mê gì? Mê đánh tổ tôm

Mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thuý Kiều

Chúng ta cũng hình dung được phần nào không khí của cuộc "đấu tranh", "phê bình" văn học đương thời. Bởi vì, "truyện Nôm không đơn thuần chỉ là sự xuất hiện một thể loại mới, mà cũng chính là những biến chuyển trong quan điểm sáng tác, trong yêu cầu biểu hiện một nội dung chủ đề mới"[25].

Nguyên tắc của mỹ học phong kiến yêu cầu phản ánh những nhân vật "siêu việt toàn vẹn", những anh hùng, liệt nữ, có tính giáo huấn. Văn học theo khuynh hướng dân chủ, nhân đạo phủ nhận quan điểm "nam tôn, nữ ti", phủ nhận những nhân vật "siêu việt toàn vẹn", đề cao những nhân vật bình thường, chủ yếu là phụ nữ. Nội dung truyện Nôm có tính tiểu thuyết rất rõ khi nó mô tả những "chuyện tạp nhạp", "chuyện đàn bà", với những "lời dung tục", nhưng phong phú, sinh động, chân thực. Những khúc ngâm trữ tình réo rắt bi ai xoáy sâu vào nỗi đau của con người do chế độ đem lại. Những vần thơ Nôm trữ tình hay trào phúng vừa nâng cao giá trị "xác thịt" của con người vừa bỡn cợt lễ giáo Nho gia... Theo quan điểm phong kiến chính thống, văn Nôm dường như là đồng nghĩa với vai trò của tầng lớp "bên dưới", là tuyên truyền cho tư tưởng "làm loạn", có hại đến "thế giáo", đến trật tự xã hội, đến luân thường đạo lý. Bởi vậy, trong xã hội dấy lên một làn sóng chống đối quyết liệt văn Nôm, mang tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị. Làn sóng đó lan tràn từ sắc lệnh của triều đình trung ương đến dư luận của tầng lớp trí thức chính thống. Tháng Tám năm thứ 14 hiệu Vĩnh Thịnh (1718), đời Lê Dụ Tông, "phủ liêu vâng lời truyền cho dân trong nước biết rằng: Hễ sách vở nào có liên quan đến thế giáo mới được lưu hành. Gần đây những bọn hiếu sự, nhặt bày các tạp truyện và bỉ ngữ bằng quốc âm, không phân biệt hay dở, khắc gỗ in bán, việc ấy phải nên ngăn cấm. Từ nay nhà nào có in những sách như thế, cho trình quan đến bắt và tịch thu ván in phá hết"[26]. Thậm chí người ta còn diễn Nôm ra lục bát những điều ngăn cấm của triều đình để truyền bá rộng rãi trong dân chúng:

Cùng là truyện cũ nôm na

Hết thơ tập ấy lại ca khúc này.

Tiếng dâm dễ khiến người say,

Chớ cho in bán hại nay thói thuần[27]

Tầng lớp trí thức mang tư tưởng phong kiến chính thống quyết tâm bưng tai, bịt mắt trước văn Nôm "dâm tục". Họ "bịt tai lại không muốn nghe", nên "không hiểu gì cả"[28]. Truyện Nôm bị họ xem là "tạp truyện" (truyện tạp nhạp), là "bỉ ngữ" (lời dung tục), là "nôm na mách qué"...

Nhưng vượt lên trên những luật lệ, cấm đoán và quan niệm của giai cấp phong kiến là sự say mê nồng nhiệt của các tầng lớp trí thức cấp tiến và quần chúng nhân dân. Truyện Nôm được họ đem kể, hát cho nhau nghe, diễn cho nhau xem. Những trí thức có tinh thần dân chủ và phản kháng do có điều kiện gần dân, ảnh hưởng ít nhiều lối sống và tư tưởng của nhân dân, đã không tiếc lời ca ngợi văn Nôm. Cao Bá Quát khen Truyện Kiều, Truyện Hoa Tiên là "hay không tả xiết", còn khen Truyện Kiều "là một tập thơ tuyệt diệu"[29]. Đào Nguyên Phổ đánh giá Truyện Kiều là "một khúc Nam âm tuyệt xướng"[30]...

Một bên mạt sát, cấm đoán, một bên ca ngợi, nâng niu. Không gì khác hơn, đó là cuộc đấu tranh (tuyên bố hay chỉ bày tỏ thái độ) nhằm bảo vệ các lập trường nghệ thuật khác nhau. Quan sát cuộc đấu tranh đó, chúng ta có thể rút ra được những tư tưởng quan trọng nhất cho "cương lĩnh" của các khuynh hướng văn học này. Tất nhiên, chúng ta không nên quan niệm đó là những cương lĩnh có tính công khai và quyết liệt như cương lĩnh của các trường phái văn học ở thời cận hiện đại.

Nội dung chức năng ("thi dĩ ngôn chí", "văn dĩ tải đạo") nhằm xây dựng nên những nhân vật "siêu việt toàn vẹn", hình thức tuân thủ các điển phạm của nghệ thuật cao nhã, trang trọng tiếp thu từ Trung Hoa, đó là "cương lĩnh" nghệ thuật của khuynh hướng văn học quan phương phong kiến, được các nhà văn phong kiến nhận thức và thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác. "Cương lĩnh" của khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo cũng có thể được xác định từ tuyên bố (công khai hay bóng gió) của rất nhiều nhà văn thời này. Nguyễn Du viết: "Thôn ca sơ học tang ma ngữ" (Ta bắt đầu học tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai qua những lời ca nơi thôn dã - Thanh minh ngẫu hứng), và viết về "những điều trông thấy" (Truyện Kiều) trong đời sống đầy biến động và bất an của con người bình thường. Rõ ràng đó là quan điểm nhận thức và phản ánh mang tinh thần dân chủ, nhân đạo, có tính hiện thực và dân tộc, đối lập với quan điểm nhận thức và phản ánh của nhà nho chính thống, vốn quen học là học những lời "tiên thánh", "tiên nho", trong kinh, sách, và viết về chí đạo... Quan điểm của các nhà văn theo khuynh hướng dân chủ, nhân đạo cũng có thể thấy ở lời kết trong rất nhiều truyện Nôm, thường được xem là những "khiêm ngữ". Nguyễn Du viết:

Lời quê góp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh

(Truyện Kiều)

Chính là phát biểu một quan niệm nghệ thuật hoàn toàn mới: dùng lời giản dị, nói những chuyện của đời sống thông tục gần gũi với con người, đem đến cho văn học chức năng đích thực của nó là nuôi sống tâm hồn con người, thông qua sự nhận thức những hình tượng nghệ thuật sinh động. Bởi vậy, phẩm chất văn học, yếu tố "phi chức năng" của những tác phẩm trong khuynh hướng nhân đạo, dân chủ là cao hơn rất nhiều so với những tác phẩm văn học quan phương phong kiến.

Cũng cần hết sức lưu ý rằng, trong văn học Việt Nam cổ không có sự phân định hoàn toàn rành mạch giữa khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo với khuynh hướng văn học quan phương phong kiến. Đó là sự không rành mạch bắt nguồn từ cơ sở của sự phân chia - sự phân chia về lập trường giai cấp, về thế giới quan và nhân sinh quan của các tầng lớp người trong xã hội. Nhà văn được sinh ra trong xã hội phong kiến, sống giữa các quan hệ phong kiến, tất thấm nhuần tư tưởng phong kiến. "Mỗi thành viên của xã hội tạo thành một bộ phận cần thiết của chính thể, và phải thực hiện những nhiệm vụ đặt ra cho nó"[31]. Nghĩa vụ "phụng sự" chế độ phong kiến được các nhà văn nhận thức có tính "siêu lịch sử" chứ không phải là triều đại cụ thể. Triều đại có thể thay đổi. Nguyễn Du viết: "Cổ kim vị kiến thiên niên quốc" (Xưa nay chưa thấy triều đại nào tồn tại được nghìn năm). Nhưng chế độ phong kiến theo quan niệm của họ vẫn là mang tính "vĩnh viễn", là điều ràng buộc tất cả trí thức thời đó. Các nhà văn có tư tưởng cấp tiến cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhân dân, nhất là trong những thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến. Do loạn lạc, chiến tranh, do những "thay đổi sơn hà", nhiều nhà văn có điều kiện sống gần nhân dân, thông cảm với nỗi khổ của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc tinh thần nhân dân, nhất là trong thái độ đối với con người và trong xử lý các vấn đề xã hội. Nhưng không có một hình thái xã hội mới làm cơ sở cho tư tưởng của họ, nên tư tưởng dân chủ, nhân đạo không loại bỏ tư tưởng phong kiến trong con người họ. Dao động giữa lập trường phong kiến và lập trường dân chủ tạo thành những mâu thuẫn trong thế giới quan và phương pháp sáng tác của họ. Chính vì vậy, không chỉ các vấn đề xã hội, mà ngay cả các biện pháp nghệ thuật cũng không được họ giải quyết một cách triệt để, "cách mạng", đổi mới hoàn toàn. Không phải ngẫu nhiên mà tính chất bi kịch là đặc điểm nổi bật nhất trong các sáng tác của họ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm của họ đã tiến tới phản ánh nghệ thuật có tính hiện thực, sinh động, nhưng lại không hoàn toàn đoạn tuyệt với nghệ thuật quan phương phong kiến. Tất cả, đều phản ánh tình trạng dao động trong lập trường giai cấp cũng như lập trường nghệ thuật của các nhà văn đương thời này, trước thực tế lịch sử.

Khuynh hướng văn học dân chủ, nhân đạo đã xuất hiện và tồn tại trong nền văn học Việt Nam cổ, từ thế kỷ XVI đến hết thế kỷ XIX, không chỉ bởi nó đem đến cho văn học dân tộc một nội dung tư tưởng mới, mà còn cả một phương pháp nghệ thuật mới. Nó tạo thành một trào lưu văn học rộng lớn bao gồm hàng loạt nhà văn có "sự thống nhất của những đặc điểm tư tưởng, nghệ thuật căn bản"[32]. Đó là các nhà văn lớn như Nguyễn Dữ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... mà tác phẩm của họ đã "bộc lộ những xu hướng chủ đạo của khuynh hướng"[33] văn học này.

Trong khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo, cũng như khuynh hướng văn học quan phương phong kiến, có thể có những nhánh riêng, mà cơ sở của nó là những sự khác biệt nhất định về tư tưởng, chứ không phải về phương pháp nghệ thuật. Giữa khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo với văn học quan phương phong kiến không chỉ có sự đấu tranh mà còn có những tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Đó là một nền văn học vừa mâu thuẫn vừa thống nhất. Hay cũng có thể nói một cách "triết học" rằng, đó là "sự thống nhất giữa các mặt đối lập", mà cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập ấy, tức là cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo với khuynh hướng văn học quan phương phong kiến chính là động lực của sự phát triển văn học. Tình trạng này sẽ được chuyển hoá sang những hình thức mới khi văn học dân tộc sản sinh những tư duy nghệ thuật mới, những quan điểm và phương pháp nghệ thuật mới, do ảnh hưởng tư tưởng và hình thức nghệ thuật phương Tây, trực tiếp là của văn học Pháp, trong việc phản ánh con người và thực tế xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

Việc xác định khuynh hướng văn học dường như gặp trở ngại trước tình hình văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, từ khi thực dân Pháp xâm lược. Nhưng theo chúng tôi, bản chất các phương pháp nghệ thuật thời kỳ này vẫn không khác trước. Văn học quan phương phong kiến vẫn tiếp tục các truyền thống cũ, và ít nhiều bắt đầu bộc lộ những tư tưởng thoát ly, yếm thế, thậm chí cam chịu và khuất phục. Trong khi đó, khuynh hướng văn học mang tính dân chủ, nhân đạo một lần nữa khẳng định vai trò tích cực của nó trong việc phản ánh con người bị áp bức vùng lên chống bạo quyền, bảo vệ quyền sống của con người gắn liền với sự tồn vong của dân tộc trước nạn ngoại xâm, không phải dưới một tư tưởng mới nào, không phải trên một phương pháp nghệ thuật mới nào. Đó vẫn chỉ là tư tưởng yêu nước, dân chủ và nhân đạo vốn có, với phương pháp nghệ thuật vốn có, có tính hiện thực, hướng về cuộc sống cấp thiết hàng ngày của con người. Đó là sáng tác của các sỹ phu yêu nước chống Pháp, kiên quyết đứng về phía nhân dân như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phạm Văn Nghị, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao, Nguyễn Quang Bích... Đó còn là sáng tác của những trí thức phong kiến khủng hoảng về tư tưởng và thế giới quan, mất lòng tin vào chế độ hiện tại, nhưng không có ánh sáng mới nào soi rọi, họ cất lên tiếng nói bất lực và chống đối, bằng những phương pháp và hình thức nghệ thuật vốn có, như Nguyễn Khuyến, Tú Xương...

Khẳng định sự xuất hiện của khuynh hướng trong nền văn học Việt Nam cổ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI có làm nghèo nàn bộ mặt nghệ thuật của lịch sử văn học hay không? Chắc chắn là không. Sự phong phú, đa dạng, nhiều vẻ của lịch sử văn học không chỉ tuỳ thuộc vào số lượng các khuynh hướng tư tưởng trong văn học mà chỉ tuỳ thuộc vào các khuynh hướng văn học với tư cách là các khuynh hướng của các biện pháp nghệ thuật. Văn học Việt Nam cổ vẫn phát triển ngay khi không có các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau trong văn học, như chúng ta đã biết, suốt từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Sự ra đời của khuynh hướng nghệ thuật mới trong văn học chỉ đánh dấu những sự đổi mới một cách căn bản tư tưởng nghệ thuật, phương pháp nghệ thuật, là sự thể hiện những lập trường nghệ thuật không giống nhau trong văn học. Tất nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng, tinh thần dân chủ, nhân đạo và trình độ phát triển của tư duy nghệ thuật từ khi có sự xuất hiện các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau trong văn học là cao hơn trước rất nhiều, khi các nhà văn có quyền tự do lựa chọn phương pháp nghệ thuật trong việc phản ánh đời sống tâm hồn con người mình, tự do phát biểu ý kiến của mình một cách công khai, và có quyền đấu tranh phê bình để bảo vệ lập trường nghệ thuật của mình. Sự xuất hiện các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau cũng chính là biểu hiện của quá trình dân chủ hoá trong văn học. Quá trình đó trong văn học Việt Nam cổ không thật sự rõ rệt, nhưng đó là những tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển của văn học trong tương lai.

 

Nguyễn Phạm Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích

[1] Д. С. Лихачёв: Поэтика древнерусской литературы. Издательство "Наука", Ленинград 1967 (D.X. Likhatsev: Thi pháp của nền văn học Nga cổ. NXB Khoa học, Lêningrad 1967). Xin tham khảo bản dịch của Phan Ngọc, tư liệu Viện Văn học.

[2] Quan điểm về khuynh hướng văn học Việt Nam cổ được chúng tôi đối thoại trong bài viết này là quan điểm của các cuốn giáo trình chính thức đang được dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Nhưng vì các cuốn giáo trình này chủ yếu được biên soạn trước năm 1975, cho nên quan điểm chính thống hiện này về khuynh hướng văn học Việt Nam cổ nói riêng, về khuynh hướng văn học Việt Nam nói chung vẫn là quan điểm đã có từ trước năm 1975.

[3] Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học. Thơ văn Lý - Trần. T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1977, tr. 37.

[4] Bùi Văn Nguyên: Lịch sử văn học Việt Nam. T. II, NXB Giáo dục, H. 1978, tr. 26.

[5] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam, thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII. T. I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1978, tr.38.

[6] Bùi Văn Nguyên. Lịch sử văn học Việt Nam. T. II, Sđd, tr. 56

[7] Đinh Gia khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam, thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII. T. I, Sđd, tr. 167.

[8] Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. T. III. NXB Khoa học xã hội, H. 1978, tr. 196.

[9] Xem B.L. Riptin: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ của phương Đông theo phương pháp loại hình, Tạp chí văn học, số 2, 1974.

[10] Nguyễn Huệ Chi. Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý - Trần. T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1977, tr. 54.

[11] Bùi Văn Nguyên. Lịch sử văn học Việt Nam. T. II, Sđd, tr. 105 – 120.

[12] Bùi Văn Nguyên. Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn. NXB Khoa học xã hội, H. 1980, tr. 300 – 317.

[13] D.X. Likhatsev: Thi pháp của nền văn học Nga cổ. Sđd

[14] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam, thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII. T.II, NXB Đại học và THCN, H. 1979, tr. 45.

[15] Bùi Văn Nguyên. Lịch sử Văn học Việt Nam. T. II, Sđd, tr. 201-220.

[16] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam, thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII . Sđd, tr. 47 – 72.

[17] Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam, nửa cuối thế kỷ XIX.. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1976, tr. 50 – 56. (Xem thêm Lê Trí Viễn, Phan Côn, Đặng Thanh Lê, Phạm Văn Luận, Lê Hoài Nam: Lịch sử văn học Việt Nam. T.III, NXB Giáo dục, Hà Nội 1978; Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam, nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1976...)

[18] Quan điểm này không chỉ chi phối việc nghiên cứu văn học Việt Nam cổ, mà còn chi phối cả việc nghiên cứu văn học Việt Nam cận hiện đại, khi người ta tiếp tục xác định trong văn học có các khuynh hướng như: Khuynh hướng văn học yêu nước, khuynh hướng văn học cách mạng, khuynh hướng văn học phản cách mạng, khuynh hướng văn học nô dịch, khuynh hướng văn học thoát ly yếm thế...

[19] Nguyễn Dữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học, bởi ông là người đi tiên phong trong khuynh hướng văn học mang tính dân chủ và nhân đạo (Xem Nguyễn Phạm Hùng: Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Du, Tạp chí văn học, số 2, 1987). Theo chúng tôi, Nguyễn Dữ không phải là "học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm", và Truyền kỳ mạn lục không phải do Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính để trở thành "thiên cổ kỳ bút" như nhiều người lầm tưởng, mà ông thậm chí thuộc thế hệ nhà văn trước Nguyễn Bỉnh Khiêm, thi đỗ và làm quan dưới triều Lê, sáng tác Truyền kỳ mạn lục có thể trước khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê (1527). Trong khi đó Nguyễn Bỉnh Khiêm mãi đến năm 1535 mới thi đỗ, làm quan dưới triều nhà Mạc và chủ yếu sáng tác từ giữa đến nửa cuối thế kỷ XVI (Xem Nguyễn Phạm Hùng: Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác "Truyền kỳ mạn lục", Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1, 2006).

[20] Nguyễn Đỗ Cung: Khái quát nền nghệ thuật cổ của dân tộc Việt Nam. Văn nghệ, Số 49, tháng 6 - 1961. Tham khảo thêm Tạ Chí Đại Trường: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771 – 1802), Văn Sử học xuất bản, S. 1973; An Tiêm tái bản, 1991.

[21] Xem Nguyễn Phạm Hùng: Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2006.

[22] Xem Đặng Thanh Lê: Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm. NXB Khoa học xã hội, H. 1979, tr.73-76.

[23] Cao Huy Đỉnh. Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam. NXB Khoa học xã hội, H. 1974, tr. 114 - 116

[24] D.X. Likhatsev: Thi pháp của nền văn học Nga cổ. Sđd

[25] Đặng Thanh Lê. Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm. Sđd. tr.68.

[26] Ngô Cao Lãng. Lịch triều tạp kỷ. T.I, NXB Khoa học xã hội, H.1975.

[27] Nhữ Đình Toản. 47 điều gióa hoá triều Lê (1760).

[28] Phạm Đình Hổ. Vũ trung tuỳ bút. NXB Văn học, H. 1972, tr. 18.

[29] Cao Bá Quát. Tựa truyện Hoa tiên. NXB Văn hoá, H. 1961.

[30] Đào Nguyên Phổ. Tựa Đoạn trường tân thanh (1898).

[31] A. Gurievits. Những phạm trù văn hoá trung cổ. NXB Nghệ thuật, Moskva 1972, Hoàng Ngọc Hiến dịch.

[32] L. I. Timophiev. Nguyên lý lý luận văn học. T. II, NXB Văn hoá, H. 1962, tr 282.

[33] M. B. Khravtrenko. Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, NXB Tác phẩm mới, H. 1978, tr. 360.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12025)
(Xem: 10590)
(Xem: 10643)
(Xem: 10211)
(Xem: 9580)
(Xem: 9030)
(Xem: 9763)
(Xem: 10833)
(Xem: 10484)
(Xem: 10567)