- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mạn Đàm Văn Học H L 95

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9025)

Paris sân khấu

NĂM MƯƠI NĂM LIÊN TỤC TRÊN SÂN KHẤU

 

Ngày thứ bảy 16 tháng 02/1957, lần đầu tiên chúng tôi chui vô rạp La Huchette, trong khu Latinh Paris quận Năm, coi vở kịch hài La Cantatrice chauve (Cô ca sĩ hói đầu - 1950) của Eugène Ionesco (1909-1994).

Tuy được soạn và ra mắt khán giả ngay từ giữa năm1950, nhưng vở kịch bấy giờ cứ như lạc lõng trong môi trường kịch nghệ chiếm lãnh bởi những kịch tác gia danh tiếng, chẳng hạn như Jean Giraudoux (1882-1944), Jean Anouilh (1910-1987) hay Jean-Paul Sartre (1905-1980) và nhiều nữa, trong khi tác giả mới tinh này quả tình còn lạ hoắc trong con mắt mọi người. Nên chỉ vài đêm trình diễn là khán giả rời rạc, phải dẹp tiệm trong tiếng la ó ồn ào. Có nhà phê bình lúc ấy đã chẳng ngại phán xét: «Cũng may là chúng ta sẽ không còn nghe nói tới cái ông Ionesco nào đó nữa.» Rồi phải đợi thêm bảy năm dai dẳng, cho tới ngày 16 tháng 02/1957, vở kịch mới được trình diễn trở lại - theo kế hoạch là trong vòng một tháng.

Nửa thế kỉ sau

Vậy mà đúng nửa thế kỉ sau, từ xa về tới Paris, chúng tôi vụt nghe nói vở Cô ca sĩ hói đầu vẫn còn đang được trình diễn liên tục không ngừng nghỉ từ bấy tới nay. Thế là, tò mò, chúng tôi lại bước vô rạp La Huchette lần nữa, vào tối thứ bảy 17 tháng 02/2007 vừa qua, xem một vở kịch đã coi năm mươi năm trước. Và chúng tôi không khỏi lấy làm sửng sốt vô ngần khi nom thấy phần đông diễn viên đã đóng vai trước kia vẫn còn đó, hiện diện, trung thành với vở kịch, rạp hát, dầu họ nay đã đến độ cổ lai hi rồi, kẻ 72, 76, người 81, 82. Sự thể này chứng tỏ một điều là tác phẩm không cũ rích chút nào, mà còn rất ư hiện đại. Phối cảnh, bài trí, trang phục, ngay cả diễn viên tuy đầu tóc đã bạc màu vẫn y chang như trước, không lỗi thời cũng không phai lạt.

Theo ghi nhận trong cuốn Le livre Guinness des records (Sách ghi kỉ lục Guinness - mới vừa phát hành), đây là lần thứ 15.762 kiệt tác này được (suýt soát) một trăm nghệ sĩ thay phiên nhau thủ sáu vai chánh trong vở kịch trình diễn ở rạp La Huchette - và riêng chúng tôi, vâng, còn riêng chúng tôi thì là khán giả thứ 1.503.288 kể từ ngày 16 tháng 02/1957 tới nay. Một kỉ lục chưa từng thấy trong nền kịch nghệ hoàn cầu, từ Âu sang Á, kể cả trong trường hợp vở Hamlet (Hamlet - 1601) của kịch tác gia Hồng mao William Shakespeare (1564-1616) chẳng hề được trình diễn liên tục trong một rạp hát suốt thời gian dài hơn nửa thế kỉ. Ông Jacques Legré, 72 tuổi, đương kim giám đốc rạp hát và là diễn viên từ ngày 8 tháng 02/1961, thủ vai trong vở kịch lần này là lần thứ 4.489 trong suốt 46 năm trời.

Còn ông Nicolas Bataille, 82 tuổi, đạo diễn và diễn viên ngay từ thuở vở kịch mới chào đời, khi hạ màn hôm nay, vừa tháo cà vạt vừa cởi bỏ trang phục, thì hồi tưởng: «Lần thứ mấy tôi thao tác y hệt như vầy đây, năm ngàn, mười ngàn? Làm sao nhớ hết được, tôi đâu có đếm.» Chính ông, bấy giờ vừa tròn tuổi 24, là người đầu tiên tình cờ đọc mấy trang đối thoại của một tác giả lạ hoắc, chưa ai biết đến: Eugène Ionesco, một anh chàng gốc Rumania sang Paris làm luận án tiến sĩ về tội tổ tông trong thi ca Pháp, sống bằng nghề sửa bản in cho một nhà xuất bản nhỏ. Ông tiếp: «Ai cũng bảo: không diễn được đâu. Nhưng khi đọc xong, tôi vụt hiểu ngay rằng đây là một vở kịch nhứt định sẽ gióng tiếng đánh thức hàng loạt khán giả chỉ quen coi thứ tuồng hát truyền thống, tầm thường. (…) Bọn chúng tôi thuở ấy chẳng có đứa nào đủ xu hào rủng rỉnh trong túi để mướn phòng, nên phải tập dượt khi thì ở căn nhà tác giả khi thì ở nhà tôi, chật hẹp nhưng không làm sao khác được. Còn trang phục và bàn ghế bài trí thì bạn bè hùa nhau mỗi người giúp một tay. Năm 1950, thất bại nặng nề, bị khán giả la ó, bỏ ra về nửa chừng. Rồi phải đợi đến năm 1957, La Cantatrice chauve mới được trình diễn trở lại, lần này thì, lạ thay, bất ngờ thành công rực rỡ liên tục cho tới tận hôm nay.»

Kịch phản kịch

Hay anti-théâtre, để nói theo nguyên tác tiếng Pháp. Eugène Ionesco gọi vở La Cantatrice chauve anti-pièce, đồng nghĩa với anti-théâtre. Một thứ kịch nói vẫn còn có sân khấu, có nhơn vật, có động tác, có đối thoại như trong kịch nói truyền thống, nhưng sân khấu ở đây là loại sân khấu phủ nhận sân khấu, trong đó diễn tấu những nhơn vật mà động tác và đối thoại cốt dùng để phủ nhận chính mình.

Kịch mở màn cho thấy, trong một gian phòng anglais (ăng lê), có một cặp vợ chồng ăng lê ngồi trên ghế bành ăng lê, ông đọc báo ăng lê, bà đan áo ăng lê - tóm lại, hết trọi mọi thứ bao quanh họ thảy đều là ăng lê. Ngay cả chiếc đồng hồ ăng lê kim quay ngược chiều ăng lê cũng đánh mười bảy tiếng ăng lê, khiến họ bỗng dưng ngộ rằng mình cùng sống với nhau trong một ngôi nhà ăng lê và cùng sanh một cô con gái ăng lê có hai con mắt ăng lê một bên đỏ ngầu một bên thì trắng bạch… Xuyên suốt vở kịch không hề thấy xuất hiện một cô ca sĩ nào, nói chi tới ca sĩ hói đầu, dẫu rằng «tóc cô bao giờ cũng được búi gọn gàng»: lảng vảng có chút gì phi lí trên sân khấu. Ngay cái tựa đề cũng là hậu quả của một tình cảnh tương tợ. Số là trước đó, có một diễn viên đang tập dượt lẽ ra phải nói: «… un homme qui avait pris pour femme une institutrice blonde - hắn lấy một cô giáo tóc vàng», thì anh ta lại líu lưỡi, thốt ra một mạch: «… qui avait pris pour femme une cantatrice chauve - … lấy một cô ca sĩ hói đầu». Eugène Ionesco bấy giờ có mặt tại chỗ liền chụp lấy lời nói loạn xạ đó đặt tên cho vở kịch, tin rằng nó quả ăn khớp với cảm tính phi diễn dịch trong tác phẩm.

Cảnh đời phi lí, thật vậy, đã lần hồi được quảng đại quần chúng nhìn nhận, nhứt là trong giới trẻ. Qua phim ảnh, qua sách báo, và qua cả kịch diễn bấy giờ: đồng thời với Eugène Ionesco, còn có không ít kịch tác gia khác cũng khai thác đề tài này, tuy mỗi nhà một cách thế độc đạo. Chỉ cần nhắc qua ở đây mỗi một Samuel Beckett (1906-1989), giải Nobel văn chương 1969, tác giả vở kịch nổi tiếng En attendant Godot (Mải đợi Godot - 1953), mà chủ đề là chờ, nhưng chẳng chờ ai hay chờ việc gì, vì chẳng có ai đến cũng chẳng có việc gì xảy ra - các nhơn vật cứ thế mà chờ, trơ trơ ra đó, không quá khứ, không tương lai, vô bổ như trong cuộc đời.

Hỏi xem khán giả từ nửa thế kỉ nay thuộc thành phần nào, thì đương kim giám đốc Jacques Legré liền đáp không chút do dự: «Rạp hát chỉ có 92 chỗ ngồi, nên nói chung lần nào cũng đầy nghẹt. Đa số khán giả thuộc thành phần học sanh và sanh viên, vở kịch được ghi trong chương trình văn học. Phần khác là du khách nước ngoài, kịch Ionesco đều được nhắc tới trong sách hướng dẫn du lịch. Số còn lại là những người thích xem kịch, nhứt là loại kịch nửa bi đát nửa khôi hài, mà Cô ca sĩ hói đầu là vở kịch điển hình.»

Thành tựu

Tuy đã nghiễm nhiên trở thành cổ điển - nó đã chẳng được ghi trong chương trình văn học đó sao?, vở kịch của Eugène Ionesco vẫn cứ khiến khán giả không thôi lấy làm lạ mắt lạ tai, thậm chí còn khiến họ thấy chướng, khó coi. Nhưng đồng thời nó lại vừa vui nhộn, vừa kì lạ và vô cùng phi lí. Chính các khía cạnh trộn lẫn này, cộng với tư duy của tác giả, là những yếu tố tạo nên thành tựu có một không hai trong nền kịch nghệ đương thời. (*)

TRẦN THIỆN-ĐẠO

(Paris 18/02/2007)

---------------------

(*) Xem thêm: Eugène Ionesco, Số phận của một tác phẩm Chỗ khuyết - trong Trần Thiện-Đạo, Cửa sổ văn chương thế giới (Nxb Văn hóa Thông tin - 2003), tr. 24-49.

 

 

 

 

 

 

Góc nghĩ

T H Ờ I Đ Ạ I A – C Ò N G

 

Chẳng ai lại chối cãi rằng thời đại này là thời đại @. Thời đại mà công nghệ điện tử tràn ngập khắp mọi nơi, không chừa một hẻm hốc nào trên quả địa cầu rất ư bé nhỏ và hữu hạn của chúng ta. Nghiễm nhiên thiết lập một nền dân chủ mới - xin bạn đọc chú ý : từ nền dùng ở đây không hàm nghĩa loại chế độ chánh trị vốn có khả năng giăng tỏa tường lửa. Nhờ đó mọi người đều có sẵn trong tay các phương tiện thông tin đại chúng, tùy nghi sử dụng một cách chủ động hoặc thụ động. Internet, blog (hay weblog, bút kí trên mạng), sms (hay short message service, tin nhắn), chat (chuyện trò)… ôi thôi đủ thứ. Chúng ta hãy rảo một vòng, nhứt là ở các đô thị lớn, Sài gòn, Hà nội…, nhỏ hơn, Đà nẵng, Hải phòng… mà coi : từ sáng đến khuya, các cybercafé hay cà phê internet lúc nào cũng đông nghẹt khách hàng, già có, sồn sồn có, (nhứt là) trẻ có. Sự thể này chứng tỏ một điều là con người lắm khi trở thành nghiện ngập, ghiền mà không dè.

Ghiền trà, ghiền rượu, ghiền … ông Tú Xương đầu thế kỉ trước đã chẳng kê khai thẳng tuột ba cái lăng nhăng trong đó có cả... đàn bà đó ư ? - và ghiền đủ thứ khác, như thuốc phiện, cà phê, thuốc lá ... Các loại ghiền vừa nhắc tới đây, nghĩ kĩ, thảy đều do một sản phẩm cụ thể chủ dụ, chi phối. Trà, rượu, thuốc phiện, cà phê, thuốc lá cùng với một số hóa chất khác hễ được dịp tung hoành là tự khắc biến thành ma túy trà/hòa trộn vô máu huyết, khiến cho nạn nhơn khó bề vùng vẫy, hết cơ thoát khỏi. Nhưng trong trường hợp mà nạn nhơn không bị chủ dụ, chi phối bởi loại ma túy cụ thể đó, thì chính y lại tự mình lôi cuốn lấy mình, hoặc bởi những trò chơi không mấy hữu ích - cho mình, cho gia đình và cho xã hội. Tiếng Việt quả tình tinh tế hơn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý…(có mỗi một từ là addict hoặc addiction để chỉ định) khi gọi loại ghiền đặc biệt này qua động từ mê : mê đá banh, mê gái (ở đây, ông Tú Xương có phần nào lẫn lộn chăng ?), mê cờ bạc, mê cá độ…

Và mê trò chơi điện tử. Trò chơi này lắm khi lùa nạn nhơn vào trong một vũ trụ ảo, tách rời thực tế. Nguy hại là ở chỗ đó, nhứt là cho lớp trẻ chưa biết tự kềm chế. Làm sao tập trung đầu óc để suy luận, để nhớ khi mà đồng thời tai đeo iPod (máy nghe nhạc), mắt đọc tin nhắn trên điện thoại di động và dán lên màn vi tính chat với bạn bè ? Người ta thường cho rằng công nghệ điện tử giúp cho con người dễ liên lạc, giao thiệp và trao đổi với nhau. Không sai. Có điều là nhận xét này trộn lẫn và lầm lẫn hai ý niệm hoàn toàn khác biệt : thông tin và trao đổi. Qua máy điện tử, tin tức hầu như được truyền thông ngay liền khắp trọn hoàn cầu. Còn trao đổi nhứt thiết phải qua trung gian là con người, có quan hệ xã hội, có thời gian suy ngẫm. Các loại Tic (Téléchargement, information, communication = Ghi tin, thông tin, trao đổi) và internet quả đã tăng cường gấp bội các phương tiện thông tin, nhưng liệu chúng có giúp cho con người trao đổi với nhau dễ dàng hơn không ?

Đó là nghi vấn chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc hôm nay.

TRẦN THIỆN-ĐẠO

(Paris, 16/03/2007)

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 16/03/2007)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12025)
(Xem: 10590)
(Xem: 10643)
(Xem: 10211)
(Xem: 9580)
(Xem: 9030)
(Xem: 9763)
(Xem: 10833)
(Xem: 10484)
(Xem: 10566)