- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thế Tĩnh Tọa Trong Tác Phẩm Ngồi Của Nguyễn Bình Phương

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 10873)

"Ngồi", tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành cuối năm 2006. Một nguồn tin thông thạo trong nước cho biết "Ngồi" đã bị Ban Văn Hoá Tư Tưởng đưa ra giao ban phê phán, đề nghị báo chí trong nước không được nhắc, không được bình luận về cuốn "Ngồi". Ông giám đốc nhà Xuất Bản Đà Nẵng phải làm tường trình về việc cho xuất bản cuốn sách này.

 

Ngồi ở trong thế tĩnh tọa của kẻ ngồi thiền. Nhân vật chính trong tiểu thuyết ngồi chứ không đứng, không đi, nhưng anh ta lại có tên là Khẩn như khẩn trương, khẩn thiết.

Khẩn ngồi một thái trạng hai thái cực: đã khẩn thì phải chạy, chứ sao lại ngồi? NgồiKhẩn đối chọi nhau và cũng là bản chất và tâm trạng của nhân vật chính. Nhưng trước khi phân tích sự đối cực trái khoáy này, chúng ta thử tìm chìa khoá mở cửa vào không gian tiểu thuyết trước đã.

Hầu như mỗi ký hiệu hay dấu hiệu (signe) trong Ngồi, từ chữ đến chấm đều có ý nghiã, cho nên khi đọc, bạn không thể bỏ qua bất cứ một ký hiệu, dấu hiệu nào. Không gian và thời gian trong Ngồi cũng như trong Thoạt kỳ thủy (nxb Hội Nhà Văn, 2004) của Nguyễn Bình Phương, chảy trong một quỹ đạo tròn, đầu và cuối gặp nhau, chương đầu và chương cuối là hai chốt mở vào tiểu thuyết.

 

Giao chỉ

Chương một, tác giả giới thiệu nhân vật chính, một kẻ chưa thành hình, được chỉ định bằng ba chấm (...) đồng thời xác định không gian và thời gian tiểu thuyết trong khung cảnh mà nhân vật chính hiện dần ra. Thoạt tiên, kẻ chưa có tên ấy làm những động tác sau đây:

"... cúi xuống nhặt một xác chim đã cứng lên ngắm nghía. Đó là con chèo bẻo màu ghi xám, ức trắng, mỏ đen bóng, các móng co thắt lại, đầu rụt sâu vào trong thân, hai cánh ép sát lườn nhưng đôi mắt vẫn mở trừng trừng ... nhìn thấy hình bóng già nua của mình thấp thoáng trong đôi mắt chết ấy. Những đám mây dày đặc vẫn lớp lớp bay tới bao kín lấy đỉnh cột đồng... thả xác con chim xuống, nhặt hòn đá to bằng chính đầu mình dùng hết sức bình sinh giáng mạnh vào cây cột." (trích Ngồi, trang 9).

Nhân vật chưa có tên, chưa thành hình, được chỉ định bằng ba chấm (...) làm cả thảy ba động tác:

1/ ... cúi xuống nhặt một xác chim

2/ ... nhìn thấy hình bóng già nua của mình

3/ ... thả xác con chim xuống

Ba động tác trên đây khoanh tròn và xác định nơi thời xẩy ra tiểu thuyết: một thời đang chảy. Ký hiệu ba chấm (...) vừa thay cho tên nhân vật chính, vừa cho biết đây chỉ là một đoạn ngắn trong dòng chảy của thời gian. Nói khác đi, từ thủa lập quốc đến ngày nay chẳng qua cũng chỉ là khoảnh khắc trên con đường vô tận của thời gian.

Khẩn đã nhận thức được hành trình kết hợp thời và không gian này: "Sông Hồng lạnh lùng mê mải với hành trình của mình như nó đã từng chảy hàng ngàn ngàn năm trước để cuốn trôi mọi thứ về không gian khác, thời gian khác. Khẩn nổi da gà khi nghĩ mình chỉ là một chấm nhỏ, vô cùng nhỏ trên hành trình dằng dặc của con sông này" (trang 136). Ngoài ra, ý thức rút gọn "ba thu" trong "một ngày" -là một "thao tác cổ điển", luôn luôn được nghệ sĩ tái tạo dưới những hình thức mới như Nguyễn Du, như James Joyce đã từng làm- trở lại trong Ngồi. Lịch sử ngàn năm ép lại trong khoảnh khắc: Khẩn ngồi, không chỉ là hai ký hiệu ngôn ngữ để chỉ định dáng điệu của nhân vật nữa, mà đã thành không gian tinh thần chứa đựng nội dung thiền luận của tác phẩm.

Dấu hiệu kế tiếp xác con chim chết chứng tỏ khi có con người là đã có phá hoại môi trường, tàn sát vạn vật, và ngay khi chưa thành hình, con người đã nhìn thấy "bóng già nua của mình" trong đôi mắt chết của con chim.

Dấu hiệu thứ ba là cây cột đồng. Cột đồng khoanh tròn không gian tiểu thuyết trong một nước. Đối với tất cả những dân tộc khác trên thế giới, đồng trụ chẳng có ý nghiã gì, chỉ riêng có một dân tộc duy nhất mà đồng trụ biểu hiệu sự mất còn, suy vi, nô lệ và mỗi thành viên của dân tộc ấy ngay khi chưa thành hình đã muốn ném đá vào cột. Hành động phẫn nộ vô ích: hòn đá bật ngược lại. Hành động có hai ý nghiã: vừa muốn lấp niềm ô nhục đi, vừa muốn trấn cho cột khỏi đổ như lời nguyền của kẻ thống trị. Cả đến con trâu, khi đi ngang qua cột đồng "khoé miệng nó rớt nước bóng nhẫy" và nó "ngúc ngoắc đầu phát ra những âm thanh ọ oẹ khó hiểu" (trang 10): trâu cũng như người, vừa khóc niềm ô nhục vừa muốn ú ớ bảo vệ sự sống còn của dân tộc.

Tất cả những yếu tố trên đây xẩy ra trong bối cảnh "Thấp thoáng dăm mái nhà nâu sẫm nhỏ bé hiện ra dưới vầng lá uá héo tàn tạ. Dưới mái nhà đó là những người đàn bà lưng ong, tay vượn, tóc sổ tung với đôi chân ngắn mở rộng và núm vú như hai hòn than hồng rực đặt ngay ngắn trên đỉnh bộ ngực trần màu nâu nhạt" (trang 9). Cảnh này xác định thời kỳ đầu của dân tộc: hình hài những người đàn bà tay vượn chứng tỏ họ còn ở thời kỳ bán khai nhưng đã tiềm ẩn nhục cảm như một ngọn lửa, một sức sống mãnh liệt.

Rồi vẫn kẻ chưa thành hình ấy, làm động tác thứ tư: hắn ra sông, và thấy gì? Hắn thấy: "Nước đỏ rực lừ lừ miết về Nam với tinh thần không thể ngăn cản ... ngó xuống, giật mình khi thấy những khuôn mặt mờ ảo nhưng hung hãn đang lao đi, dừng lại, lao đi tuân theo mệnh lệnh đều đặn khô cứng phát ra từ hình chiếu lộn ngược của cây cột đồng. Một cảm giác chờn chợn nổi dậy và lan toả khắp cơ thể...

Giao Chỉ." (trang 10).

Nhiều ý nghiã chập chùng trong đoạn văn ngắn này. Với những dấu hiệu: nước đỏ rực lừ lừ miết về Nam / không thể ngăn cản / những khuôn mặt hung hãn / lao đi / tuân theo mệnh lệnh khô cứng phát ra từ hình chiếu lộn ngược của cây cột đồng Nguyễn Bình Phương đã tóm tắt cả một quá trình lịch sử nội chiến theo mệnh lệnh của đồng trụ lộn ngược. Hai chữ Giao Chỉ buông ra như một tiếng cồng xác định địa danh, khoanh vùng nơi xẩy ra nghịch cảnh: Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt. Khoảnh khắc truyện bắt đầu từ phút này: phút tác giả bắt đầu phản ánh cái quan hệ oái oăm giữa hai dân tộc Việt-Hoa đan cài hận thù truyền kiếp và hữu nghị vong bản.

Đất Giao Chỉ là nơi nhân vật chính từ trạng thái ba chấm (...) trở dần thành kẻ có tên.

Ba chấm từ từ hạ mình xuống trong trạng thái ngồi, từ từ lập danh, bắt đầu chữ n, dần đến hẩn, và sau cùng là Khẩn.

Sự hiện xóa một tên người cũng bắt đầu từ Khẩn. Sự hiện và xoá một nước cũng bắt nguồn từ Khẩn. Sự lập quốc và xoá nước cũng bắt nguồn từ Khẩn.

Khẩn thành hình, tĩnh toạ, nhập thiền, vào thế trận của gió, của tan tác, lần đầu tiên làm quen với ánh dương xa lạ. Khẩn vào đời, và sống, từ đây.

Nội dung cuộc sống của Khẩn trải dài trong suốt 47 chương giữa, chúng ta sẽ bàn đến sau.

Bây giờ xin mời bạn "nhảy vọt" đến chương 49, chương cuối cùng.

Sau tất cả những nổi trôi trong hơn hai trăm trang tiểu thuyết, Khẩn trở về vị trí ban đầu, gặp lại cột đồng nay đã trở thành cột điện. Khẩn thấy gì?: "Khẩn nhìn xuống dưới chân hy vọng tìm thấy một vật cứng để đập thử xem độ dày của cây cột nhưng không có bất cứ một viên đá nào, xác chim chết vì khí lạnh cũng không, chỉ có những vỏ bia lăn lóc lẫn với các túi nilông đựng rác. Bóng cây cột đèn tín hiệu đổ hun hút xuống một bãi nước nhỏ do kẻ nào đó vừa mới bậy ra" (trang 286).

Trừ cây cột biểu hiệu nô lệ và vong thân vẫn còn sờ sờ ra đó, những yếu tố khác đã mất: đá cũng hết, xác chim chết cũng không còn. Dưới chân cột chỉ còn vỏ bia, rác rưởi, nước tiểu... và chung quanh Khẩn đã vắng những người đàn bà lưng ong, vú như hai núm than hồng rực lửa chỉ còn lại những khuôn mặt nhấp nhô:

"một khuôn mặt môi son dày bự mắt đánh thẫm..."

"một khuôn mặt trái xoan quắc lên..."

"khuôn mặt chỉ rõ một nửa... "

Hằng hà sa số những khuôn mặt như thế, chồng chất lên nhau, đủ mọi góc cạnh, đủ mọi đường nét lướt vun vút qua đường phố. Khẩn đang ngơ ngác giữa dòng người, dòng xe, dòng khuôn mặt, bất ngờ cơn đau lại dấy lên trong óc. Khẩn nghe rõ từng chuyển động trong cơ thể của mình. Dần dần anh thấy mình trở lại tư thế ngồi trong vị trí ban đầu. Những chữ cái trong tên anh cũng dần dần biến đi để trở thành những chấm chấm... Hết Khẩn.

 

Trong Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), và Thoạt kỳ thủy (2004), Nguyễn Bình Phương dựng truyện từ không gian huyền ảo đầy truyền thuyết của quê hương anh, mảnh đất Linh Nham vùng Thái Nguyên lam chướng. Ngồi mở rộng không gian trên toàn đất Việt, thời gian từ ngày lập quốc đến ngày nay với một nhân vật ngồi, Khẩn, tĩnh toạ khẩn trương trong tư thế lùi lại thượng nguồn Giao Chỉ. Nhưng Khẩn không chỉ là một nhân vật, Khẩn còn là tâm trạng và tình trạng của cả một lớp người. Khẩn còn định danh cả một xã hội, một đất nước. Khẩn là tình trạng nước Giao Chỉ khẩn thiết dậm chân tại chỗ mà có lẽ còn tệ hơn, chỗ Khẩn ngồi bây giờ, không được như Giao Chỉ ngày trước; bởi khi xưa đất ấy còn có chim chóc, dù là xác chim, bây giờ chim không còn, đá cũng mất, tài nguyên đã tuyệt chủng, chỉ còn lại rác rưởi, và nước tiểu. Cả sức sống mãnh liệt của những phụ nữ vú lửa cũng đã phôi pha. Duy nhất có cây cột đồng, dấu vết nô lệ là còn sống.

Tác phẩm trình bày sự sống và sự sa đọa hàng ngày trên mảnh đất này mà dường như không ai biết, không ai ý thức về sự sa đọa của chính mình, của dân tộc mình. Không ai muốn nhìn mình, tự xét mình, bởi ta thường quen xét và tố người khác.

 

Nghệ thuật hiện thực hư ảo

Trong những tiểu thuyết trước, Nguyễn Bình Phương luôn luôn cho chạy song song hai dòng mạch khác nhau: Những đứa trẻ chết già là cõi âm và cõi dương. Đến cõi người và cõi vật trong Người đi vắng; rồi trí nhớ và sự suy tàn của trí nhớ trong Trí nhớ suy tàn; người và người điên trong Thoạt kỳ thủy. Ngồi vẫn có hai mạch chạy song song, nhưng trong cùng một con người: đời sống hiện thực hàng ngày, và đời sống đang xẩy ra trong tư tưởng của Khẩn. Đây là tác phẩm đầu tiên của một nhà văn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc có những khám phá bên trong con người, tìm hiểu những thức cảm nội tại của nhân vật (đừng nhầm với tiểu thuyết tâm lý: trong tiểu thuyết tâm lý nhà văn đứng ngoài miêu tả tâm lý nhân vật, còn ở đây nhà văn sống trong da thịt nhân vật, mọi nhận thức có nghiã hiện sinh). Trong Nam, sau 1954, những tác giả như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến... đều đã có những tác phẩm đi sâu vào khoảng nội tại này; nhưng từ 1975, lối viết hiện thực xã hội chủ nghiã lại bao trùm trên toàn thể đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, một số nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài... tuy đã tạo ra những thi pháp riêng, nhưng cơ bản vẫn dựa trên nền hiện thực truyền thống. Nguyễn Bình Phương đưa thêm yếu tố huyền ảo (fantastique) vào tác phẩm và với tiểu thuyết Ngồi, anh khai thác những nhận thức bên trong nhân vật dựa vào triết học hiện sinh.

Nguyễn Bình Phương tự tách mình ra khỏi lối viết hiện thực xã hội chủ nghiã. Trong lối viết này, nhà văn luôn luôn phải tìm cách xác định các lằn ranh: xác định chính tà, xác định phải trái, xác định ta địch, xác định đạo đức và vô luân... Xác định đi đôi với Chỉ định: ta là chính, địch là tà; ta đạo đức, địch tàn bạo... Và chính sự chỉ định này phản ánh tính chủ quan của con người trong xã hội toàn trị, dẫn đến các hình thức tố giác, vu khống.

Trái với quy ước xác định và chỉ định trên đây, tiểu thuyết Ngồi dựa trên sự bất định trong một không gian ảo: đó là không gian suy tưởng của kẻ ngồi thiền. Bất địnhsắc không trở thành hai yếu tố chính trong tác phẩm: Khẩn có ngồi thiền thực hay không? Tiếng mõ đến từ căn nhà nào trong xóm? Ai là ai? Ai tụng kinh? Ai gõ mõ? Tiếng mõ có có không không. Âm thanh hư ảo. Hình hài hư ảo. Danh xưng hư ảo: tên tuổi của nhân vật chính hiện dần ra ở đầu sách và và biến dần đi ở cuối sách, cho nên tất cả đều có thể thật mà có thể chỉ là một giấc mộng.

Điểm thứ nhì, nhà văn hiện thực xã hội chủ nghiã thường mô tả người khác với đầy đủ quyền sinh sát; nhưng tuyệt đối họ không viết về mình. Kỵ nhất "kể xấu" mình. Cả khi viết hồi ký hoặc tự truyện họ cũng không viết về mình (tức là không dùng máu thịt của mình để viết ra) mà chỉ đứng ngoài để ngắm mình, tả và kể về mình; lựa chọn những chi tiết "có lợi", để thanh minh hay chạy tội trong hồi ký; hoặc tô hồng nếu bị bắt buộc, tô đen nếu được cho phép, trong tiểu thuyết. Vì vậy mà những người quen với lối sáng tác này, đã cực lực lên án cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống do Bùi Mai Hạnh chấp bút (nxb Hội Nhà Văn, 2006), bởi Lê Vân dám cả gan phanh phui nỗi bất hạnh của chính mình, tác phẩm đã đi trật con đường vạch sẵn: tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại.

Tựu trung nền văn học hiện thực xã hội chủ nghiã chưa quen việc tìm hiểu chính mình, khám phá những tư tưởng, những cảm thức của chính mình, những cảm giác thịt da, những ý nghĩ "xấu xa tiêu cực", những đòi hỏi, những khát vọng, những dự phóng, những mộng mị, phản trắc, những rối loạn, bệnh hoạn, trong chính bản thân mình. Bởi sự tìm hiểu chính mình có nguồn cội từ triết học hiện sinh, một nền triết học mà chủ nghiã cộng sản luôn luôn phủ nhận coi như sản phẩm đồi trụy của xã hội tư bản.

Khẩn là nhân vật đảng viên đầu tiên có những nhận thức nội tại về mình. Khẩn cũng là người cán bộ cộng sản đầu tiên có cái nhìn hiện sinh về bản thân và đất nước. Khẩn còn là tình trạng khẩn cấp của con người cần phải tìm hiểu mình trước khi tìm hiểu và đánh giá người khác. Một cá thể, một xã hội, không biết hoặc không muốn nhìn lại mình, thì sẽ dẫn đến đâu? Đó là một trong những câu hỏi chính của tác phẩm.

 

Nếu trong Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương đã từng cho một nhân vật hỏi hậu thân của mình: "Mày là tao ngày xưa phải không?", câu hỏi có tính cách Phật pháp, thì trong tiểu thuyết Ngồi, nhận thức về hiện hữu của nhân vật chính có tính cách hiện sinh và điện toán hơn: Khẩn đang ngồi trước máy tính, anh nhấn phím xoá từ trái sang để xoá các câu thừa, chợt thấy các con chữ biến mất trong chớp mắt, như thể "cái vạch dọc nhỏ bé nhấp nháy kia là một vực thẳm vô cùng tận", "Khẩn hình dung ra những ký tự kia là người và một ký tự bị xoá đi, biến mất thì cuộc đời này lại dở dang thêm một chút, vô nghiã thêm một chút. Ý nghĩ ấy thôi thúc Khẩn đánh tên mình vào sau đó tự xoá nó đi. Khẩn vừa nhấn ngón tay thì chữ Khẩn chạy xô tới cái vạch xoá, nó chạy nhanh tới mức Khẩn dùng tay thì chữ K đã bị xoá chỉ còn hẩn. Khẩn tiện tay nhấn nhịp nữa và còn lại chữ ẩn. Khẩn đọc phần chưa bị xoá thấy càng ngày chúng càng khó hiểu hơn, dị kỳ hơn và cuối cùng chỉ còn lại ký tự n, nó loé lên trong đồng tử Khẩn kèm theo tiếng thét thảng thốt đen chói sau đó là cái vạch dọc nhỏ bé nhấp nháy với một khoảng trống lớn phiá trước ". (trang 114).

Đoạn này rất quan trọng: Khẩn đã nhận thức được sự xoá một cái tên, một con người, trong tình thế của anh, dễ như trở bàn tay. Trước nút xoá của máy tính, Khẩn tìm thấy bí mật của sự thủ tiêu cũng giống như Roquentin (trong Buồn nôn của Sartre) trước cái rễ cây tìm ra bí mật của sự hiện hữu.

Khẩn, tên bắt đầu bằng chữ K, điều tra nguồn cội những vụ mất tích trong một xã hội toàn trị và anh đã tìm ra mình chính là thủ phạm vụ thủ tiêu chính mình. Khẩn giúp ta giải mã một vụ xoá tên khác trong tác phẩm: Quân mất tích. Nhưng qua vụ mất tích của Quân, chúng ta lại có thể giải mã tình trạng của Minh, Thúy, Trương, Kim... rồi quay lại Khẩn, tất cả đều biến hoặc bị biến đi như thế.

***

Về Kim

Theo lời ghi cuối sách, tác giả bắt đầu viết Ngồi từ tháng 6 năm 2002 và hoàn thành tháng 10 năm 2006. Hơn 4 năm dành cho tác phẩm, Nguyễn Bình Phương đã dồn nén tất cả những khía cạnh, những vấn đề lịch sử và đời sống hàng ngày của xã hội Việt Nam trong gần ba trăm trang sách, với một thi pháp pha trộn suy tư, huyền thoại, thực tại và siêu hình. Muốn tìm hiểu thi pháp cô đọng và phức tạp này, chúng ta phải bóc dần từng chữ, từng câu, lột tìm những tầng, lớp ý nghiã nằm dưới mỗi chữ. Và như thế, thì không thể bóc hết cả 49 chương truyện, mà phải chọn một chương, đọc kỹ và lý giải bề dầy tư tưởng chứa trong ngôn ngữ chương ấy. Bởi một đoạn văn có thể hàm chứa cách viết và ngôn ngữ toàn bộ của tác phẩm, đó là kinh nghiệm đọc mà Auerbach để lại khi ông lý giải và so sánh văn phong Odyssée và Thánh Kinh.

Đối với một tác phẩm cô đúc như Ngồi của Nguyễn Bình Phương, cách đọc này giúp chúng ta một khi đã hiểu rõ cấu trúc ngữ nghiã của một chương, có thể đi sâu vào các chương khác, để thấy bề dầy của tác phẩm.

Chúng tôi chọn phân tích chương hai, là chương Khẩn, đi vào đời sống. Ta thấy rõ hai dòng chảy trong con người Khẩn: mạch đời thực tại và mạch đời mộng tưởng đan cài chặt chẽ, tan trong nhau ngay cả khi Khẩn nói chuyện, làm tình hay đang ngủ.

Mạch đời mộng tưởng, đời thứ nhì, đời tinh thần, đời xẩy ra trong óc, Khẩn sống với Kim, người tình không chân dung. Kim có thật, hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng? Kim là người hay là ma? Kim có hành tung và thân thế bí mật. Kim xuất hiện ở mọi nơi, bất cứ lúc nào, trong đầu Khẩn.

Lần thứ nhất Kim hiện ra như thế này: "Khẩn đang bước những bước dài nhẹ trên dải đồi màu xanh ngọc của vùng Hồ Núi Cốc, thì Kim về. Chỉ chút nữa là Khẩn văng ra khỏi giấc mơ nếu không kịp bám vào một cành bạch đàn nhỏ trắng muốt xoè ngay bên cạnh." (trang 13).

Kim xuất hiện cùng với hai dấu hiệu mang ý nghiã lịch sử đối với người Việt: vùng Hồ Núi Cốccây bạch đàn, cả hai tạo cho Kim chiều dầy lịch sử: Không chỉ đơn thuần là người yêu trong mộng mà Kim có thể là chân lý sáng soi, là vị thủ lãnh tối cao. Hai chữ Kim về cho thấy Kim chưa chắc đã còn tại thế. Mỗi chữ dường như đều đã tẩm sẵn chất bất trắc, yêu ma, nhưng lại được dùng để tả một thực cảnh: "Kim về". Do đó, cái thực cảnh mà tác giả bày ra luôn luôn có tính chất bấp bênh, ma quái ngay từ dòng đầu.

Một đoạn nữa trong trang kế tiếp: "Đường làng vắng ngắt, trong lũy tre rậm rạp kẽo kẹt, một bóng trắng rợn đu đưa thoắt chỗ này, thoắt chỗ kia, mềm mại uyển chuyển. Tít cuối làng còn ba đốm sáng đỏ đòng đọc. [...] Em sợ không, mình hỏi mà chẳng nhìn được rõ mặt Kim. Hơi sờ sợ, Kim đáp, nép sát vào mình. Eo ơi, sống ở đây thì buồn chết đi được, Kim nói nhỏ gần như rên rỉ. Mình hít hơi dài, ngửi thấy mùi tanh tanh của đồng quê khi vắng người.[...] Cái bụi tre to lớn xùm xoà ngọn rũ xuống trông thê thảm, ghê rợn. Tiếng loạt xoạt dưới chân lùm tre bên cạnh Kim sau đó một con vật to bằng bắp chân lao vụt qua đường. Kim giật bắn, kêu khe khẽ, ối kià. Tiếng kêu tắc nghẹn ngang chừng. Cầy đấy, mình bảo, tay vỗ vào lưng Kim và chợt nhận ra sự thanh thoát của tấm lưng người con gái trong nỗi sợ, thịt con này ăn ngon phải biết. Sau đó mình nói về các loại cầy, cầy đất, cầy hương, cầy mặt khỉ, cầy mặt chó, cầy lông vàng, toàn bịa đặt vì bản thân mình không hề biết gì về loài vật đó, chỉ biết có độc một cái tên gọi chung" (trang 14-15)

Trích đoạn trên đây có nhiều dấu hiệu vừa quen thuộc, vừa rờn rợn cùng đồng quy: lũy tre kẽo kẹt / bóng trắng rợn đu đưa / ba đốm sáng đỏ đòng đọc / mùi tanh của đồng quê / bụi tre rũ ngọn thê thảm ghê rợn/ sự thanh thoát của tấm lưng người con gái / cầy đấy, thịt con này ăn ngon phải biết v.v.. Những dấu hiệu khả nghi này bốc lên không khí rùng rợn mà chúng ta yêu thích trong những chuyện ma được nghe ngày nhỏ, chúng gây một thực tại sợ hãi, giết chóc, rình rập, theo dõi, thịt nhau, mà không biết ai thịt ai, ai chôn ai, ai là cầy, là người hay là chó. Rồi Kim, người con gái không rõ mặt, tại sao lưng Kim lại thanh thoát trong nỗi sợ? Hai chữ thanh thoát có nghiã gì? Nàng có phải là người không? Chỉ với một số chữ chênh vênh, tác giả đã đưa ta vào một bối cảnh thuần túy chân quê, với người, ma lẫn lộn, rùng rợn đượm nét thanh trừng vùng Hồ Núi Cốc.

Trong một đoạn khác, ở chương 17, tình cờ Khẩn thấy: "Đến ngôi mộ thứ hai mươi mốt thì Khẩn giật thót vì bức ảnh người con gái gắn trên mộ bia giống hệt như Kim. Khẩn ngồi xổm ngắm nhìn chiếc bia gắn hình cô gái, lòng dạ bần thần hoang hoải. Kim đang nhìn Khẩn, nét mặt xa lạ nghiêm khắc. [...] Khẩn mở to mắt chờ đợi sự xuất hiện của cành bạch đàn nhưng nó không hiện ra, chỉ có một dải âm thanh mờ mờ tỏ tỏ lên bổng xuống trầm quấn quýt quanh khuôn mặt xa lạ trên đá của Kim. Tay Khẩn rờ rẫm trên đá. Kim bằng phẳng trơn nhẵn, ở ngoài thời gian" (trang 85- 86).

Như vậy Kim đúng là ma. Người yêu lý tưởng hay lãnh tụ tinh thần của Khẩn là một kẻ đã chết. Khẩn yêu một bóng ma. Khẩn là một cán bộ, đảng viên, trí thức, có lý tưởng, cái lý tưởng mà Khẩn vịn vào là cành bạch đàn, là một bóng ma, là kẻ đã chết.

Cành bạch đàn cất giấu những bí mật của Kim, một lần nữa nó tạo những câu hỏi: Kim là ai? Là cành bạch đàn? Là tình yêu lý tưởng? Là chân lý tối thượng? Là thủ lĩnh tối cao? Là bóng ma đeo Khẩn trong suốt cuộc đời? Kim có thể là tất cả những thứ ấy, Kim là ám ảnh giao thoa giữa u mê và thành kính trong lòng người Giao Chỉ, chưa thoát khỏi ảnh hưởng trung quân ái quốc Khổng Mạnh đã rơi vào giáo lý Mao kinh, đồng hoá vua với bác, nước với đảng. Vẫn nô lệ hữu nghị cột đồng. Lộn ngược nhưng vẫn trụ.

 

Khẩn tiếp tục theo Kim vào đêm và còn gặp nhiều điều lạ nữa: họ đến một ngôi đền. "Bên trong có ánh đèn, có tiếng cục cựa lục xục, có ai đó không rõ là người hay không phải là người" (trang 15): đó là người đàn bà gác đền. Họ vào đền, đền thờ một ông thần "mặt trắng, môi đỏ, mặc áo giáp" "có đôi mắt như lửa" , "miệng rộng quá mức bình thường". Chân dung ông thần trùng hợp với một hay nhiều chân dung lãnh tụ. Đặc biệt câu chuyện của người đàn bà gác đền, chị ta kể về người chồng bộ đội đi đánh nhau bị chết ở Cồn Tiên, mà chị chẳng biết Cồn Tiên ở đâu. Khẩn bảo "nó ở cũng khá xa, quá nửa bên kia đất nước". Chị ta bị thằng em chồng say rượu hiếp chỉ biết khóc. Chị bị người yêu cũ đến "đập cửa đền đòi chui vào nằm chung". Nhưng khi có một "bóng to lớn lừng lững đi xuyên qua cửa" thì lập tức anh người yêu cũ "vừa chạy vừa rống lên hoảng loạn". Sau này anh người yêu ấy cũng bị tai nạn xe máy chết. Tất cả những chi tiết nhặt ra từ những mảnh vụn của đời chị gác đền "không rõ là người hay không phải là người" đều mang tính chất rờn rợn, u uất, tức tưởi, phi lý, dây máu chiến tranh, bạo lực, thủ tiêu và đàn áp.

 

Về Khẩn

Người ta cũng chỉ biết đại khái anh là một thứ cán bộ đảng viên có địa vị trong một cơ quan. Khẩn sống với Minh, không cưới xin gì cả. Chung quanh Khẩn là những đồng nghiệp dưới quyền phần lớn đều đã quen biết nhau từ hồi còn đi học.

Sự khả nghi bao trùm lên tất cả các nhân vật, kể cả nhân vật chính: Khẩn sống với Minh, nhưng hầu như không làm tình với Minh, mà cũng chưa bao giờ làm tình với Kim, người con gái trong mộng. Khẩn thoả mãn sinh lý với Nhung, với người đàn bà bán khoai nướng, với các cô gái điếm Karaoké. Khẩn là kẻ có lương tri, có tư tưởng, nhưng dường như trong Khẩn, mọi sự đã khô cứng, không còn chỗ cho tình yêu, chỉ còn đọng lại một thứ lý tưởng hão huyền và việc giải quyết sinh lý. Khẩn ngụp lặn trong thế trận Huyền đồ mà ông già trong mộng đã báo trước cho anh, một thế trận mới "dữ dằn hơn, tuyệt vọng hơn", "một trận đồ khác chưa từng được biết tới đang giăng ra, đang biến hoá ghê rợn. Ở đâu thì mình chưa rõ cốc cốc cốc... " (trang 57).

 

Trận đồ mới đó nằm ngay trong đời sống hàng ngày của Khẩn, chia đôi giữa cơ quan anh làm việc và khu nhà anh ở chung với Minh. Chương hai bắt đầu như thế này: "Quãng bẩy rưỡi tối, khi đi nghỉ ở Hồ Núi Cốc về, đang ngồi trước vô tuyến xem chương trình thời sự, đến đúng cái tin về vụ khai quật khảo cổ Bạch Hạc, Khẩn nghe có tiếng cãi vã sau đó là tiếng trẻ con khóc ré lên. Địt cái con mẹ mày, cút ngay khỏi nhà ông, cút" (trang 12). Sự xen kẽ những dữ kiện chính xác với những con chữ mơ hồ tạo ra một không khí "trận địa huyền đồ": chữ quãng chỉ sự phỏng đoán đi đôi với bẩy rưỡi, chính xác. Kế đến "khi đi nghỉ ở Hồ Núi Cốc về" một câu rất mơ hồ, Hồ Núi Cốc ở đâu? Hồ này có phải Hồ kia? Cốc này có phải cốc kia? Tiếp theo là tiếng trẻ khóc, tiếng chửi tục, những dữ kiện rõ ràng. Khẩn nằm trong một "mặt trận" mà hư thực, sáng tối, giao thoa. Tất cả giác quan của anh phải tung ra để đương đầu với những thực thể biến hoá không cùng: đâu là tu, đâu là tục, đâu là thánh, đâu là hồ ly?

Đoạn Khẩn đuổi chuột, lại một bút pháp khác: "Khẩn nhẹ nhàng lùi lại vơ lấy cây chổi chít từ từ giơ lên. Con chuột hơi thả lỏng cơ, khi cây chổi vừa hạ xuống nó đã phóng vọt qua chân Minh, lao vào nhà. Minh hốt hoảng thét lên, đẩy Khẩn sang bên khiến đầu Khẩn va phải góc chiếc tủ bếp. Khẩn chỉ thấy nhói một cái kèm theo tiếng nổ nhỏ, đanh, khô khốc trong đầu mình, sau đó cơn tê xâm chiếm lấy chỗ bị va. Cả đêm con chuột rả rích cắn chân tủ. Khẩn đang bước những bước dài nhẹ trên dải đồi màu xanh ngọc của vùng Hồ Núi Cốc thì Kim về" (trang 13). Hoàn toàn tả chân, chỉ trừ câu chót nối với mộng. Màn tả chân này chiếu xuống hành động Khẩn đuổi chuột: không những Khẩn thua mà còn bị chấn thương trong đầu. Tóm lại sau cú chổi hụt, chính Khẩn và Minh bị chuột phản pháo, chuột không sợ Minh và Khẩn. Chuột sống công khai và gậm nhấm xã hội một cách đàng hoàng, không ai làm gì nổi.

Nguyễn Bình Phương có thể ép nhiều hiện tượng xã hội trong một dữ kiện đơn giản như việc đuổi chuột. Và tất cả những màn khác, như chân dung ông Thần trong đền, như lời kể của chị gác đền, như tiếng mõ nhà hàng xóm, tiếng chửi tục của anh thương binh, tiếng nói ngọng của Hùng, v.v... những sự việc tầm thường như thế luôn luôn có một bề dầy, một thực tại khác nằm sau.

 

Không khí Kafka Việt Nam

Sự giăng mắc những hiện tượng bí mật gây nên không khí đe doạ thường trực. Quân, chồng Thúy mất tích, "nghe Thúy nói Quân đột nhiên biến mất cùng hơn năm trăm triệu của cơ quan, Khẩn thực sự choáng váng. Chẳng hiểu sao lúc ấy trong đầu Khẩn lại vang lên tiếng bước chân của Kim" (trang 23). Dường như Khẩn đã "linh cảm" thấy Kim là rường mối của sự mất tích này và Khẩn "thầm nghĩ càng ngày người ta càng hay biến mất một cách khó hiểu" (trang 23). Thúy kể: "hai hôm nay có ai liên tục gọi điện thoại cho mình, mình cứ bấm máy thì họ lại tắt. Sáng nay cũng thế. Bầu không khí rờn rợn bao quanh ba người, cảm giác một kẻ vô hình nào đó đang lởn vởn quanh đây (trang 33). Những cú điện thoại "dứ" như thế hiện ra bất cứ lúc nào, chính Khẩn có lần đã cầm máy định gọi cho Thúy, nhưng khi thấy Thúy ở đầu giây, Khẩn lại cúp: Tính chất "rờn rợn" cũng có thể do chính Khẩn tạo ra!

Thúy cầu cơ được hai chữ: canthuy, canthuy là gì? có phải là cần Thuý không? Thúy xem bói bà Vĩ bảo: "Chỗ ấy lạnh, lại ồn ào, hình như gần nước" (trang 109). Canthuy có thể là cận thủy? Con bướm trắng gẫy cánh bí mật xuất hiện ở những nơi đầy nghi vấn như bên gò đất gần bờ nước nhà Trương, rồi trong nhà Thúy, có phải là hồn Quân hoá bướm?

Cái vườn nhà Trương và Liên cũng chứa đầy bí mật:"Ở bờ nước sát với mép vườn nhà Trương có một vùng ánh sáng lạ kỳ, nó long lanh, rờn rờn như có tấm gương hắt từ dưới đáy hồ lên. Khẩn hỏi, cái gì sáng thế? Trương chầm chậm đứng dậy, tinh rồng đấy" (trang 42). "Ngay sát mép nước có một cây con mọc trên cái gò thoai thoải, cỏ mọc lún phún. Trong đám cỏ trên gò đất, thấp thoáng một con bướm trắng đang cố bay lên nhưng không được, hình như nó gẫy cánh",(trang 31). "Trương nói chỗ ấy có rắn đấy" (trang 31). "Mảnh vườn rung lên như có người nào đó đang giãy giụa" (trang 111). "Tự nhiên tao tin có ma Thúy ạ, Liên nói nhanh, dạo này nhà tao có cái gì ấy, cứ rờn rợn, khó tả lắm" (trang 110). Rồi Trương bị ma làm: "Trươn... vẫn múa may quay cuồng chửi bới cãi cọ với đối thủ. Bất ngờ Trươ... lao ra đập cửa, tao bới lên này, ối a này này. Ba trăm tờ một trăm đô la là bao nhiêu tiền ta này. Trư... làm động tác xúc đất từ chỗ nọ đổ sang chỗ kia. Nhìn này ối a thằng kia, thằng kia. Tr... lại chạy nhao lên giường ngồi bó gối sợ sệt nhìn ra cửa sau đó T... đột ngột thăng vút lên, bắt hai chân vào nhau rồi rơi tự do [...] Liên ngoái đầu lờ đờ nhìn về phiá cây lim con mới trồng rồi ngồi thụp xuống ghì chặt Chích bông vào lòng như sợ bị ai giằng mất". (trang 277).

Một vụ thủ tiêu toàn bích được hướng dẫn từ cõi khác? Bởi một bàn tay lãnh tụ: Quân biển thủ hay Quân bị giết? Các hiện tượng hoá kiếp, bói toán, cầu cơ, ma làm, chữ không có dấu, xoá tên... giao nhau trong bàu khí pha trộn giữa các từ Hán Việt và thuần Việt, giữa hiện đại và truyền thống, tạo ra một khung cảnh văn hoá Việt Hoa nhiều đời ép lại với những nền nếp và thói tật di truyền trong tội ác và trừng phạt.

Kèm thêm những hiện tượng bí hiểm khác: Mảnh vải may áo dài (cho Minh) ai đem đến đặt ở nhà Khẩn hay ai đưa tay cho Minh mà Minh "thoang thoảng nhớ mình có nhận cái gì từ tay ai đó" (trang 65). Tại sao Thúy lại gửi Minh những chiếc cúc áo? Chiếc phong bì to màu vàng sẫm trong có tấm ảnh chụp lại bức tranh cổ vẽ một người ngồi nửa thiền sư, nửa hành khất, đằng sau ghi một chữ Nho tháu, không biết ai đem đến cơ quan cho Khẩn? Ai đe doạ, ai ra lệnh cho Khẩn bằng mật mã? (trang 47, 55, 75). Những nhân vật khả nghi, những sự kiện bất trắc tạo nên không khí Kafka toàn diện mà tất cả đều có cảm tưởng mình đang bị theo dõi, rình rập, gài bẫy. Sợ hãi và bất an bao trùm. Những truyện hoang đường, những truyền thuyết, mê tín dị đoan được nghiền nát để đem vào truyện, nhào nặn với không khí trinh thám tạo nên một thứ ám ảnh ma quái, thần sầu.

Nhiều tình thế chồng chất lên nhau, nhiều địa tầng được xới dậy, nhiều khiá cạnh xã hội được cầy lên. Một xã hội sống với bóng ma quá khứ mà thờ ơ với hiện tại. Một lớp trí thức đảng viên trung thành với mồ ma lãnh tụ qua hình ảnh Khẩn, cố bám víu vào những đặc lợi cuối cùng. Một xã hội có sức sống mãnh liệt, muốn vươn lên cho bằng người Tây phương nhưng đầy mặc cảm, qua Khẩn với những ý nghĩ thầm kín so sánh bộ phận sinh dục của mình với người ngoại quốc. Một xã hội phá hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử. Giai cấp liệt sĩ bị phá giá với những nhân vật cynique như Hoàng Lân, tục tằn thô lỗ như anh thương binh hàng xóm. Giới trẻ cảnh cáo giới già: "máu, máu, lúc nào các ông cũng đem máu ra để kể công, nhàm lắm rồi" (trang 87).

Một xã hội bị dồn nén sinh lý trong hơn nửa thế kỷ dẫn đến tình trạng phóng đãng triệt để: mở cửa kinh tế dẫn đến mở cửa xác thịt dưới nhiều hình thức. Mỗi người sống sự bung phá xác thịt ấy một cách khác nhau. Họ có thể làm tình ở khắp các nơi, ở gốc cây, trên pédalo hay trong nhà xí, ở mọi cấp độ tuổi tác. Chị bán khoai lang nướng làm tình như một kẻ vừa ra tù ngấu nghiến tự do. Nhung làm chủ thân xác như một phụ nữ tân tiến xử dụng nữ quyền. Khẩn thoả mãn dục tình như một đặc quyền đặc lợi của giai cấp đảng viên cán bộ. Nghiã chơi bời như một kẻ xả láng thân xác. Hùng tập tành trác táng như kẻ nhà quê ra tỉnh.

Một xã hội đạo đức giả: Nghiã bị kiểm điểm vì chơi đề, ông Vìệt bị kiểm điểm vì hủ hoá, nhưng các tiệm Karaoké trá hình thì vô can. Trong cơ quan, ít thấy người ta làm việc, các ông lớn chia bè lập phái, nhân viên rủ nhau đi chơi gái. Vậy mà không biết tiền ở đâu ra: người ta chi tiền như nước.

Việt kiều. Tham nhũng. Chiến tranh. Hội nhập. Con người quay tròn trong một môi trường không bảo đảm hiện hữu: Quân có thể đã bị thủ tiêu, Dũng (bố của Nhung) đi Nam đánh trận rồi mất tích. Mọi nhân vật có thể bị xoá sổ chớp nhoáng như người ta ấn nút xoá trên máy tính.

Mỗi nhân vật là một trường hợp sa đọa theo con đường riêng của mình, và cuối cùng đều chạm tới dứt điểm: Hùng cần tiền bán thân làm ô sin cho lão già giàu bị "bố con" nó gạt. Nghiã chết vì sida. Trương bị ma làm. Gã tâm thần cố gắng "duy trì tư thế của một con người". Khẩn tan tành trí óc vì cuộc nội chiến trong đầu.

***

Trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên trong tác phẩm văn học Việt nam có ý thức về sự mất mình, Khẩn sống những sa đọa đó từ trong bản thân, qua nhận thức đầu tiên về xác thịt, về sự chiếm hữu, về lý tưởng bạch đàn ở chính mình. Dần dần, nhận thức của anh loang ra cuộc đời hiện hữu. Khẩn lơ lửng giữa tư thế của một con người và tư thế không còn là người. Khẩn bị thu hút, tự đồng hoá mình trong thế giới của gã tâm thần "một thế giới hỗn loạn u mê với những ảo ảnh rách rưới, tơ tướp, những khoảng trống không chỉ thuần túy là khoảng trống mà là bãi bờ của sự hoang vắng thê lương" (trang 188) Tất cả những vấn đề, vấn nạn, nổ bung trong đầu Khẩn, đánh nhau trong đầu Khẩn -một nửa khối óc của anh nhắm mắt trung thành với lãnh tụ đã chết, nửa kia bùng nổ dục vọng sống còn- trong một bản hợp âm nhiều thứ tiếng: tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng chửi tục của anh thương binh, tiếng vô tuyến, tiếng điện thoại, tiếng đánh răng, tiếng hét... Mỗi âm thanh, mỗi chi tiết đều mang nhiều ý nghiã, vang lên trong đầu Khẩn như những tàn dư của mệnh lệnh, của ham muốn, của chiến tranh, của tham nhũng, của bạo lực và thủ tiêu.

Khẩn là người cộng sản đầu tiên nhận thức được tình trạng cáo chung của chính mình.

Chữ nghĩa nén lại trong một kiến trúc ngôn ngữ nhiều hình thái, lèn chặt như ta nén cà, nén dưa, và nếu biết lật hòn đá nén ra, thì mỗi chữ tự bùng lên, hiện ra nhiều tầng ý nghiã. Độ dày của tác phẩm Ngồi không chỉ là 291 trang, mà là nghìn trang chập lại, bởi nó có tham vọng phản ảnh đời sống toàn diện của nước Giao Chỉ dậm chân tại chỗ trong sa đọa nhiều chiều.

Thụy Khuê

Paris, tháng 2/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12027)
(Xem: 10591)
(Xem: 10643)
(Xem: 10212)
(Xem: 9580)
(Xem: 9031)
(Xem: 9764)
(Xem: 10833)
(Xem: 10485)
(Xem: 10567)