- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đức Bà Trên Đỉnh Cao

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9796)

w-pdf-hl95final3-final5pdf-100-199_0_124x300_1Lời Giới Thiệu: Truyện ngắn Our Lady of The Height sau đây được trích từ Tuyển Tập Truyện ngắn Best New American Voices (2001), nhằm giới thiệu những cây viết trẻ của Hoa Kỳ, được đề cử từ các hội văn chương Hoa Kỳ và từ hàng trăm chương trình viết văn nổi danh của các đại học như Stanford, Emerson v.v...

Ha-yun Jung, người Hàn quốc, viết văn và dịch truyện. Các truyện ngắn của cô được đăng trong các tuyển tập văn chương. Vào năm 2002, cô được nhận vào chương trinh văn chương của đại học Radcliffe. Cô được Hàn quốc trao giải thưởng về Dịch Thuật vì đã có công chuyển ngữ những tác phẩm văn chương giá trị của Hàn quốc sang Anh ngữ. Hiện nay cô sống ở Seoul, Hàn quốc và đang viết một truyện dài.

Trần Viết Minh-Thanh

Ngày 15 tháng 8 năm 1998, chồng tôi được thả ra từ phòng giam 0.75 sau năm năm, tám tháng và hai ngày. Đó là theo con tính của mẹ anh, bản thân tôi đã từ lâu không còn đếm xỉa gì ngày giờ nữa khi con số tới một ngàn. Từ cái cổng sắt màu xanh lá phai màu thời gian, anh bước ra khuôn mặt trắng nhạt, điềm tĩnh như một thầy tu, ngước mắt nhìn bầu trời xam xám như thể nó quá chói chang. Tôi cùng con gái, chỉ cách anh có mấy thước, bé Na-yung, tay cầm bó cúc vàng, đã heo héo dưới ánh sáng mặt trời, nhưng dường như anh không nhìn thấy chúng tôi vì anh chẳng biết phải đi hướng nào.

"Ông Yun Ik-ho, cho chúng tôi chụp hình tấm hình ông và gia đình được chứ?" Đám ký giả túa tới, máy chụp hình bắt đầu chớp loạn lên. Tin tức truyền hình tối nay sẽ có hai phút tường trình việc tổng thống khoan hồng nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày Hàn quốc được giải phóng khỏi Nhật Bản, sẽ có một bản báo cáo với một loạt tên, những gián điệp miền Bắc tuổi đã thất thập cổ lai hi, những kẻ bị nêu là phiến loạn cộng sản, những nhà hoạt động lao động, danh sách các sinh viên phá hoại, nghĩa là những tên tuổi mà sáng hôm sau chẳng mấy ai còn nhớ tới.

Xe lửa tiến dần vào nhà ga SNCF, Belfort. Ba tiếng đồng hồ trước đấy, chúng tôi rời Zurich, băng qua biên giới Pháp-Bỉ, vào tới vùng Franche-Comté Đất tự do. Tôi lấy hành lý trên tầng cao xuống. Chồng tôi ngồi trước mặt, vai tựa vào thành cửa. Giờ đây, đứng hay ngồi, thân anh như dính vào một phía bờ tường hay một góc cạnh nào đó. Tất cả vật dụng cá nhân, quần áo của anh nằm trong một cái sắc thể thao, được đè gọn lỏn dưới cùi chỏ, trong khi đó hành lý của tôi là loại cũ kỹ, nặng nề, bất tiện. Cái vali này nặng cả tấn dù chưa bỏ đồ đạc gì trong đó. Tôi mở vali ra, tìm cái khăn choàng len vì ngoài trời tuyết đang rơi. Một ổ khóa của vali bị trục trặc từ khi chúng tôi đến Âu Châu, lúc đóng vào, tiếng kêu nghe không ăn khớp. Tôi dơ tay giáng mạnh một cái vào ống khóa, làm một cái móc hay gì đó bật tung ra, rơi xuống đất. Tôi quỳ gối xuống sàn kiếm nó, mà chẳng biết mình đang tìm kiếm gì. Trong lúc đó thì chồng tôi hoàn toàn vô sự, anh như bị trời mưa tuyết thu hút cả thần trí. Đây là lần tuyết rơi đầu tiên anh nhìn thấy từ khi ra khỏi tù.

Đêm đầu tiên anh về nhà, tôi choàng lên mình chiếc áo ngủ duy nhất, vải xoa mềm, tay dài, hơi nóng cho thời tiết lúc bấy giờ, nhưng tôi nghĩ mình cần phải điệu một tí. Anh tắt đèn, chúng tôi nằm bên nhau lặng yên một hồi lâu, rồi anh kéo tôi vào sát người anh, dúi đầu vào giữa ngực tôi. "Mùi hương của em... ngọt quá... nó làm cho anh hơi choáng váng", anh thầm thì. Nói xong, anh chìm ngay vào giấc ngủ, tựa như cây đèn cày bị một hơi thở mạnh, tắt ngủm. Anh ngủ mất một ngày mới dậy. Và bây giờ chúng tôi cùng nhau làm một chuyến đầu tiên ra nước ngoài. Chúng tôi vẫn chưa có giấc ngủ ân ái vợ chồng.

Belfort là một tỉnh đóng khung vào thế kỷ xưa, với thành quách, pháo đài. Dường như nó được người ta cho đây là một thành phố tuyệt đẹp. Anh tài xế taxi chở chúng tôi qua phố cổ, ngang qua con sư tử nằm trườn, uy nghi, đồ sộ, rồi một lâu đài rêu phủ và một nhà thờ xưa mặt tiền đá hồng. Tuyết đã ngừng rơi, nhưng không khí vẫn một mùi ẩm ướt, xám xịt như suốt cuộc hành trình của chúng tôi. Tôi nghi anh tài xế kéo giãn tiền cuốc xe bằng cách đi lộ trình dài, nhưng nhà tôi thì rất bằng lòng được chiêm ngưỡng khung cảnh lịch sử.

Anh giảng: "Đó là con sư tử của Belfort đấy em. Đài kỷ niệm này được kiến trúc sư Frédéric Bartholdi vẽ kiểu, để tưởng nhớ kỳ công của tỉnh trong công cuộc chống lại quân xâm lăng vào thời chiến tranh Pháp với người Phổ từ Đức qua, khoảng năm 1870. Từ thời trung cổ, vùng này đã trải qua nhiều lần bị ngoại bang tấn công, và tỉnh Belfort hãnh diện là địa đầu chống xâm lăng. Sau cuộc chiến ba mươi năm tại Âu Châu, Pháp đã tuyên bố tỉnh thuộc đất Pháp, từ đó tỉnh được sửa sang và tăng cường thêm pháo đài, tự nó chống giữ ngoại xâm."

Thời gian trong xà lim đã biến Yun Ik-Ho, một lập luận gia tài ba về sự thăng tiến của lao động thành một quyển tự điển bách khoa. Giam hãm trong bốn bức tường xi-măng, chỉ vừa vặn cho thân hình có thể giãn ra, anh dùng thời gian để đọc, từ các chữ phạn Phật giáo cho đến những chỉ trích xây dựng. Qua đầu ngón tay trỏ anh đi chu du khắp thế giới, đến từng địa điểm trên các địa đồ và các sách chỉ dẫn du lịch. Những lá thư tôi nhận được từ chồng, có đóng dấu triển màu tím với chữ "Kiểm Duyệt", dần dần thành một bản kê khai dài những sách và báo định kỳ. Bây giờ các lời nói của anh là dữ kiện, rõ ràng, không chối cãi được.

Tôi nhìn ra cửa kiếng phía mình, gật đầu nhẹ. Tất cả điều anh cung cấp không làm tôi thấy Belfort đẹp hơn. Các tường đá cũ kỹ mang vẻ hống hách, hơn nữa tạo cho toàn khung cảnh tôi tối, như bị đè nén. Tên của các con đường xác định tính cách quả quyết, rất nhà binh: Công Trường Kháng Chiến, Đường Quân Đội, Đại Lộ Tướng Leclerc. Cả thành phố như bị ám ảnh bởi nhiệm vụ phải đề phòng, bảo vệ, phải đẩy lùi quân xâm lược. Ông nhà tôi tiếp tục giảng về Con đường Maginot, Đức dội bom, lần nữa tôi lại bị cám dỗ với ý tưởng quái gở nảy sinh từ khi chúng tôi đặt chân tới Âu Châu. Bỏ rơi cái vali nặng nề và người đàn ông này đàng sau lưng, tại một quán cà phê, phòng triển lãm Kunshaust, phòng đợi ở phi trường ra đi một mình, đem theo luôn giấy thông hành của ông, vé máy bay, tất cả ngân phiếu du lịch, và đóng tiền marks, francs nhét đầy trong ví tôi. Có lẽ tôi không bao giờ có ý nghĩ quái gở đó nếu chúng tôi mang theo bé Na-Yung. Chưa bao giờ tôi xa con gái hơn một ngày.

Xe taxi ngừng tại cuối đường vòng của một khu gia cư, cách trung tâm thành phố khoảng mười phút xe, băng qua những ngọn đồi và các con đường có hàng cây bạch dương hai bên. So với Thụy Sĩ, cảnh trí bên này rặng núi Jura xanh tươi hơn, dù bầu trời cũng thế, lạnh lẽo và không ánh mặt trời. Chúng tôi đứng trước mặt một căn nhà hai tầng, tường sơn màu trắng ngà, cửa sổ vuông, màn chống nắng màu cam, cũng từa tựa như các hình cũ tôi đã thấy được khi nghiên cứu cho chuyến đi. Anh tài mở thùng xe và tôi sực nhớ cái khóa hư của vali. Tôi đành ôm vali vào người, rồi đặt nó xuống lề đường lưa thưa bùn với một lớp tuyết mỏng đang dần tan. Chồng tôi với cái sắc xì po đeo ngang ngực, đứng xây lưng lại, ngắm con lộ và những ngọn đồi mù mịt trải dài trên thung lũng. Tôi ôm chặt vali lên bằng hai tay và bắt đầu bước vào lối đi vào nhà.

Lúc đó thì cửa chính mở toang, Bà Sohn đi ra, trên miệng nở nụ cười đôn hậu. Qua căn vườn khô, không màu sắc, dáng dấp bà nhỏ nhắn, sang cả, hiền dịu mà kiêu hãnh. Tôi nhận ra bà từ cái hình chụp của thời cách đây hai mươi lăm năm về trước, từ cơ quan tình báo Nam Hàn. Chưa chi tôi đã bị ngợp bởi sự hiện diện của bà.

Vào khoảng năm 1970, cái gọi là Ổ Sinh Viên Âu Châu là vụ gián điệp bịa đặt, ảnh hưởng đến năm mươi sinh viên Nam Hàn tại Đức và Thụy Sĩ. Đó là chiến thuật điển hình của chế độ Park Chung Hee. Việc phá hủy này đã giúp kìm chế những tư tưởng chống chính phủ vào thời khoảng giữa nhiệm kỳ thứ ba của nhà độc tài, thời điểm ông ta tự tuyên bố là tổng thống suốt đời. Như tất cả mọi sinh viên, học giả và các nghệ sĩ bị liên lụy, họa sĩ Sohn Se-in và vợ, lúc đó đang ở Zurich, bị bắt cóc, đem về lại Seoul, và qua một phiên tòa án, họ mang tội tham gia vào cuộc âm mưu của Bắc Hàn hầu xâm nhập vào cơ quan tình báo miền Nam qua các đường dây Đông Âu. Chuyện của họ thì không khác mấy chuyện của hai vợ chồng tôi, chỉ có điều chúng tôi không phải là những người có tên tuổi trên thế giới, chỉ là hai nghiệp đoàn viên mệt mỏi của khu nhà máy liên hợp Kuro, nơi mà ống khói suốt ngày thổi đen xì những khói và bồ hóng, nhiều phần cả vào ban đêm. Thế nhưng, vì trường hợp chúng tôi không có mấy hơi hướm chính trị, cho nên tôi, là vợ được tạm tha, về nuôi con, không như Bà Sohn.

Thời thế đã đổi thay. Một người chống đối may mắn thoát hiểm khỏi công cuộc thủ tiêu của nhóm Park Chung Hee, nay là tổng thống vừa mới đắc cử. Thành phần lãnh đạo trước đây của phong trào Xã Hội bỗng nhiên có chút tăm tiếng, họ được mời đóng góp vào các chương trình tranh luận trên đài truyền hình, có khi còn thấy họ xuất hiện trên các mẩu quảng cáo nữa. Mấy bài hát chống đối trước đây bị cấm, nay được dùng để cổ động trong mùa bầu cử.

Trong thời gian thay đổi và thăng tiến, chồng tôi ngồi trong xà lim với các quyển sách, còn tôi thì viết báo cho tờ Đời sống Phụ Nữ, không bao giờ dám cho mình quyền nghĩ đến thật sự viết. Tôi được trả tiền từng trang, và phải chụp ngay cơ hội tới với mình, phương cách giảm cân hiệu quả nhất bằng bưởi và trứng, cách trang hoàng nhà cửa với vật dụng phế thải, nữ văn sĩ nổi danh có bầu với đứa con không cha. Có những tháng xe hơi nằm vạ, hay Na-yung phải đi bác sĩ, hay chồng đòi mua một quyển sách đắt tiền, tôi phải ngồi nặn óc ra viết một loạt những Câu Hỏi và Trả lời tư vấn tình dục, những chuyện "có thật ngoài đời" nằm trong phần trang nâu ở cuối tờ báo làm sao càng ngông càng tốt - lần nào chủ bút cũng không quên dặn dò.

Tờ Tuần Báo Sisa đề nghị đài thọ tất cả chi phí cho vợ chồng tôi đi Âu Châu - một kinh phí khiêm nhường thôi - nhiệm vụ là phỏng vấn những thành phần trước đây nằm trong danh sách Ổ Sinh Viên Âu Châu, chồng tôi vô cùng háo hức, thật trái ngược với tôi. Tôi nhìn thấy viễn tưởng chẳng lấy gì là hấp dẫn, Âu Châu đang trong mùa đông lạnh lẽo, lại phải lắng nghe những câu chuyện đau thương, sống còn. Hơn nữa, qua đề nghị của tờ tuần báo, tôi không phải là người làm phỏng vấn mà là ông nhà tôi, Yun Ik-ho, một kẻ chống đối vừa được thả tự do, từ góc độ đó mới là hấp dẫn với độc giả chứ!

Tính tới thời điểm này, chúng tôi đã gặp được tất cả là mười một người ở Berlin và Zurich, và chồng tôi rất ít lời, anh chỉ ngồi, cặp mắt dịu dàng như một linh mục trong phòng xưng tội. Chúng tôi sẽ dừng lại hai ngày ở Belfort, sau đó về lại Zurich để đáp chuyến bay về. Từ lúc bắt đầu câu chuyện với Bà Sohn, anh chưa hề mở miệng. Anh ngồi vào cuối ghế bành, người như dính vào tay ghế.

"Bấy giờ nhìn lại, cứ y như là một chuyện cười, gần như vậy đó," Bà Sohn nói, âm hưởng đặc miền Nam. "Các viên chức ngoại giao Bắc Hàn mời chúng tôi dùng cơm tối và khuyến khích chồng tôi đem những truyền thống lên tranh vẽ." Nụ cười không còn nở trên môi người đàn bà nữa từ lúc chúng tôi ngồi xuống với tách trà trong phòng gia đình, không khí mùi đậu hầm từ phía nhà bếp đưa tới, mùi hương từ lâu tôi thiếu vắng.

Khi tờ tuần báo gọi đề nghị phỏng vấn, Bà Sohn đã mời chúng tôi ở lại nhà bà, nói rằng nhà rộng quá cho một người ở. Bà đưa hai vợ chồng tôi lên lầu, vào phòng ngủ dành riêng cho khách, cái giường ngủ nhỏ hơn giường bình thường ở các khách sạn, sau đó bà cho chúng tôi coi nhà. Tầng thứ nhất, phòng vẽ được lưu giữ như thể ông còn sống, mấy giá vẽ rải rác trong phòng, bảng màu, bút vẽ được xếp ngay ngắn trên cái bàn hình chữ nhật, mặt bàn cứng cáp, loang lổ những vết sơn dầu. Trong góc phòng, có một nơi tựa như bàn thờ, trưng bày ảnh trắng đen của họa sĩ, khuôn mặt đẹp trai, nụ cười ngây ngô, tóc bù xù Albert Einstein mấy nhánh nhang đang cháy dở trong một cái lư đồng, chứa cát lấy từ thành phố biển miền Nam nơi ông sanh ra và lớn lên.

"Thưa bà, còn vụ cáo buộc Ông Sohn nhận tiền từ miền Bắc để làm các cuộc triển lãm?" Tôi hỏi.

"Những câu chuyện này họ bịa đặt ra trước khi bắt chúng tôi nữa đó".Bà Sohn trả lời, giọng cả quyết, tuy hơn run. "Nhân viên điều tra đẩy một tờ giấy trước mặt tôi, nói là nhà tôi đã thú tất cả tội. Khi tôi không bằng lòng theo họ thì họ bắt đầu tra tấn. Tôi bị đứng trần truồng trong căn phòng không máy sưởi, mắt bị bịt lại, cứ mỗi năm phút họ đổ nước lạnh ngắt từ đầu xuống. Mỗi ngày mỗi quá quắt hơn. Họ chỉ chấm dứt khi tôi chịu không nổi và xỉu đi, đó là lúc họ treo ngược người tôi và đổ nước vào lỗ mũi. Thế nhưng khi phiên xử bắt đầu họ cũng lôi tờ thú tội ra làm bằng chứng, và chỉ mất một ngày thôi để kết án là chúng tôi có tội."

Tất cả những điều này tôi đều biết cả, nếu không thì tôi cũng đoán ra là sự việc xảy như vậy.

Chồng tôi tự rót cho mình một tách trà, anh đưa lên miệng bằng cả hai tay, ghé mắt vào chén ngọc bích như một gã khờ. Hơi nóng bốc lên làm mờ cặp mắt kính, anh như đang nấp sau màn sương mù.

"Bà có thể cho biết tại sao bà lại quyết định không tham dự buổi triển lãm tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia?" Tôi hỏi Bà Sohn lúc đó bà đưa mắt nhìn chồng tôi một lát.

Hai vợ chồng Bà Sohn không được về Hàn quốc sau khi được thả ra, thế nên họ chọn định cư tại Belfort, nhưng chính quyền mới đề nghị tạm dẹp bỏ tình trạng không được đón tiếp - để bà có thể có mặt tại buổi Nhìn Lại Về Sohn Se-in tại Seoul mùa xuân tới. Bà đã thẳng thừng từ chối.

"Đã nhiều lần chúng tôi nhận được những đề nghị như vậy. Các chính phủ còn tự xưng là dân sự muốn chúng tôi trở về, để ủng hộ chính sách nhân quyền của họ. Nhưng chúng tôi đòi hỏi phải có một lời xin lỗi chính thức về vụ gián điệp và chúng tôi phải được minh oan những tội mà họ đã cáo buộc. Không có lý do gì để những điều kiện trước đây được thay đổi, dù rằng tôi biết họ nghĩ: Tất nhiên rồi, rồi bà già khó chịu này sẽ chấp thuận trở về, bởi vì ông chồng giờ đã chết rồi."

Khuôn mặt Bà Sohn đầy những vết nhăn viền chung quanh miệng và cặp mắt dài, xếch, đó là những vết thương chiến tranh mà người đàn bà này hãnh diện mang trên mặt, không cần che đậy bằng son phấn. Trông bà già hơn đến mười tuổi, tóc không nhuộm, bạc trắng, cột sơ sài bằng sợi dây. Khuôn mặt, sự trung thật của bà, cách xưng hô chúng tôi (thay vì tôi ) chứng tỏ người phụ nữ này không có gì tiếc nuối với cuộc đời bà đã chọn, một người vợ hiền, không sợ hãi, không đổ lỗi, loại người đàn bà cho tôi cảm giác mình có làm điều không phải, có sai lầm.

Trong không khí ấm cúng của ngôi nhà, tôi có cảm giác khuôn mặt mình dầy những son phấn. Seoul là thành phố mà đàn bà không thể ra đường mặt trần, môi không thoa son, vết tàn nhang hay nét xấu không được che dấu bởi điểm trang. Tôi đã biến thành một trong những người đàn bà đó, chẳng nhớ từ khi nào.

Máy thu âm đang quay trong im lặng, và mặt trời từ từ lặn. Với tay tắt máy, dưng không tôi cảm thấy mệt mỏi. Chồng tôi đang ngủ với cặp mắt mở to. Tôi cám ơn Bà Sohn về buổi phỏng vấn và lòng hiếu khách của bà.

"Tôi nghĩ anh chị có dịp đi đôi với nhau như thế này thật là lãng mạn quá thể, nhất là sau thời gian cách biệt. Anh chị có dành thời giờ rảnh xem phong cảnh đó đây không?", miệng hỏi, tay bà dọn mấy tách trà trống vào khay.

Đúng thế, tại những nơi phỏng vấn, chúng tôi có đi tham quan các nơi danh tiếng, Cổng Thành Brandenburg, khu phố Nikolai, dãy đèn treo trên con phố Bahnhofstrasse dịp Giáng sinh, vài viện bảo tàng nhỏ cũng như lớn. Lịch trình của chúng tôi chỉ gồm hai tỉnh lớn và Belfort, và anh đã nghiên cứu kỹ lưỡng từ A tới Z những nơi tiếng tăm trong sách hướng dẫn du lịch. Viếng các nơi đó cho anh có thể đánh cái dấu X trong danh sách nằm trong đầu. Tới địa điểm cuối cùng này, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm bởi đây là cái tỉnh hẻo lánh, mà những pháo đài nổi tiếng thì chúng tôi vừa đi qua.

Cái gật đầu của anh sau câu hỏi của Bà Sohn làm tôi ngạc nhiên. Bà Sohn đưa mắt nhìn thẳng vào mặt anh, ánh mắt sáng lên, không che dấu được niềm vui đã bắt được mối cảm thông.

"Tôi ái ngại đã lôi anh chị tới một chốn hẻo lánh, chẳng có gì để xem. Lúc đó vợ chồng tôi thích nơi thanh tịnh này, nằm xa khuất trong vùng "Đất tự do", chung quanh là những ngọn đồi yên áng." Bà tâm sự, người chồm sang bên kia bàn khách, phía chúng tôi.

Anh lên tiếng "Thật ra có một nơi tôi muốn tới viếng...". Đầu tôi quay lại chín mươi độ. Anh chẳng nói với tôi điều này, mà chuyến tàu lửa theo lịch trình sẽ rời vào sáng mai.

"Ồ, chắc có lẽ anh muốn viếng mấy pháo đài?" Bà Sohn hỏi.

"Thưa không, không phải ở đây, gần đây thôi.... ở Ronchamp đó..."

Trong một thoáng mặt Bà Sohn trơ ra, như không hiểu những gì anh nói. Rồi ánh mắt bà sáng lên. "À, Ronchamp" Từ cửa miệng bà thoát ra một hàng những âm thanh nối nhau tuyệt đẹp. "Đúng thế, La Chapelle Notre-Dame-Du-Haut (Nhà Nguyện Đức-Bà-trên-Đỉnh-Cao), một khu tuyệt vời. Anh chị nên đến xem."

"Nhưng mình phải đi sớm sáng ngày mai mà." Tôi lên tiếng phản đối.

"Ah, c’est dommage. Tiếc quá nhỉ. Chỉ cách đây khoảng nửa tiếng thôi." Bà Sohn nói, mắt liếc về phía chồng tôi, đang đưa mắt nhìn tôi. Tôi nhìn thẳng vào những chén trà, nhưng biết anh đang nhìn tôi, đôi mắt van nài.

"Xin bà cho em giúp bà một tay với buổi cơm chiều." Tôi với tay lấy khay trà và đi thẳng vào nhà bếp. Cả hai người ngồi yên một lát, rồi Bà Sohn theo tôi tới chậu rửa chén bát. Bà đưa tôi một cái đĩa đựng thịt bò ướp sẵn và đôi đũa gỗ, rồi bắt đầu vặn lửa và đặt chảo lên.

"Ji-won, làm ơn nướng dùm tôi dĩa thịt, để tôi đặt bàn và múc canh, cơm ra.", bà nói. Tôi thầm cảm ơn bà bỏ lơ vụ Ronchamp qua một bên. "Tôi gọi Ji-won bằng tên được chứ, tên đẹp quá, gọi bằng tên cho thân mật, chứ chị Yun nghe xa lạ làm sao. Tên Ji-won viết Hán tự, nghĩa sao vậy?"

"Ji có nghĩa là hiểu biết, won là vườn"

"Vườn hiểu biết, Tri uyển," bà nói, mắt nhìn vào hộc đựng muỗng, đũa.

"Vâng, nghĩa của tên là như vậy," tôi trả lời, đồng thời cũng nhận thức rằng đã từ lâu cái tên không còn phản ánh con người tôi nữa mà là con người tôi muốn trở thành. Trong chảo, tiếng xèo xèo, mấy lát thịt bò bắt đầu co lại, thành màu nâu như những vỏ gỗ cong queo, và tôi lật chúng lại. Bà Sohn đứng cạnh tôi, tay cầm mấy đôi đũa và muỗng bạc.

"Sau khi kể chuyện tra tấn, tôi thật áy náy. Có lẽ tôi hơi đi quá đà với các chi tiết. Anh Yun hình như có run rẩy khi nghe chuyện. Tôi xin lỗi, đáng lẽ tôi phải nghĩ chín chắn hơn." Cặp mắt lộ vẻ thành tâm sốt sắng, nhưng sao tôi có cảm giác bị xâm phạm, đúng hơn là như bị mắng, vì thật ra tôi nào để ý, tôi không có nhìn về phía anh.

"Không có sao đâu, bà đừng bận tâm", tôi khỏa lấp với những lời không ý nghĩa.

Bà Sohn đặt tay lên vai tôi thật nhanh, rồi hấp tấp đi sang bàn ăn. Còn lại một mình, tôi buông tiếng thở dài, đưa mắt rời cái chảo, phóng tầm nhìn ngoài cửa sổ trên chậu chén. Chẳng thấy gì trừ một màn đen bên ngoài.

Tại bàn ăn, rượu vào lời ra, chúng tôi bàn từ chuyện bé Na-yung, đến vị tổng thống mới, những người chúng tôi vừa mới phỏng vấn, chuyện vãn đưa đến những bức tranh của họa sĩ Sohn Se-in, và từ đó dẫn tới Le Corbusier, chính ra là một họa sĩ trừu tượng, mà cả ngay cả ông Sohn cũng ngưỡng mộ, rồi đề tài trở về nhà nguyện Đức Bà ở Ronchamp, mới biết ra, là một kiệt tác kiến trúc của Le Corbusier. Bà Sohn cung cấp những ấn tượng kiến trúc, chồng tôi thì đưa ra vô số chi tiết, như vật liệu dùng để xây cất, lịch sử của khu vực, và sự kiện gây tranh cãi vì kiến trúc đặc biệt này. Anh không say anh không bao giờ uống rượu nữa - nhưng mà tôi thì đang sứa cơn say làm cho tôi mất kiên nhẫn và khó chịu hai người này đang âm mưu để bắt tôi lên cái đồi đó lên nhà nguyện Đức-Bà-Trên-Đỉnh-Cao. Ừ thì tôi đi, cho hai người im bớt miệng lại. Chẳng có ai đợi chúng tôi ở Zurich cả, chỉ có chuyến bay cho ngày tới nữa thôi. Thôi như vậy đi, chúng tôi sẽ ở lại thêm một đêm nữa ở đây.

"Tốt lắm," Bà Sohn nói.

"Très bien", tôi lập lại, giá mình đừng có say.

Chồng tôi, dĩ nhiên, chẳng nói gì cả, tôi cũng không biết anh có hài lòng không nữa.

Tứ thập nhi bất hoặc, bốn mươi tuổi không còn mê hoặc. Tư tưởng của Khổng Tử chúng tôi được giáo dục ở trường. Khổng Tử cũng là người đặt ra thứ bậc trong xã hội, quân thần, phụ tử, phu phụ. Chỉ còn hai tuần nữa thôi, năm mới tới, tôi sẽ vào tuổi bốn mươi, nhưng tôi thấy mình chưa hết ham muốn, như lúc này đây, nằm trên giường, chỉ muốn xuống nhà rót cho mình một ly rượu, nhưng tôi không chắc Bà Sohn đã ngủ say. Chồng tôi nằm co người lại bên phía kia giường, chúng tôi đã rời cái bàn đêm bên phía kia của anh sang một bên, đẩy cái giường sát vào tường, điều cần thiết cho anh có thể ngủ được, hơi thở anh đều đặn, nhẹ nhàng.

Chồng tôi bị bắt vào lúc chúng tôi đã tính rời xưởng làm. Vợ chồng tôi làm ở đó năm năm, lấy nhau được ba năm, con gái chúng tôi vừa lên hai. Muốn được gia nhập thành phần lao động, chúng tôi phải dùng tên và căn cước giả, để không ai biết mình có bằng cấp đại học làm việc trong ngụy trang - danh từ chúng tôi đặt. Năm Na-yung ra đời, bức tường Bá Linh sụp đổ. Ảnh hưởng của sự việc ụp sang nửa vòng trái đất thật là quái gở. Từ sự xuống dốc của Cộng Sản, phong trào xã hội cấp tiến tại Hàn quốc bỗng nhiên mất chính nghĩa. Trong khi bạn bè đồng chính đã rời Kuro-dong, hai vợ chồng tôi vẫn ngần ngừ chưa quyết định được, thắc mắc không hiểu ý muốn cho con gái có môi trường tốt đẹp có là điều ích kỷ chăng. Thế rồi một buổi trên đường về, sau ca tối của một hãng làm ống loa hi-fi, anh bị bắt đem đi và bị buộc tội gián điệp và thân cộng.

Tuần trước đó chúng tôi ở Berlin, bức tường đã đổ. Người ta đang bán những mảnh của bức tường, những mảnh xi-măng vụn vặt, cứng ngắt, chẳng có nghĩa lý gì.

Trong năm năm trời, tôi cố gắng có mặt tại công viên Tapkol, dự buổi biểu tình hàng tuần của Gia Đình có thân nhân bị áp bức vì chính trị, nhóm cổ quàng khăn tím. Phải về nhà sớm vào những ngày mẹ chồng ngâm cải bách thảo dành ăn cho cả tháng. Và hàng tháng, lái năm tiếng đồng hồ xe hơi, đi cùng với bé Na-yung, để được thăm viếng bốn phút, cả ba chúng tôi đăm đăm nhìn vào cửa kính ngăn cách.

Nhưng có những buổi tối, tôi không thể nào lê mình về căn hộ chật chội, cách mười lăm trạm xe điện ngầm, cộng thêm hai mươi phút xe buýt, để trông thấy Na-yung ngủ thiếp trước máy truyền hình, miệng còn ngậm ngón tay, và mẹ chồng nằm trên sàn ondol có sưởi, không buồn tắt đèn, thỉnh thoảng miệng bà than: "Con trai tôi, con của mẹ, tội nghiệp nó quá." Những đêm như thế, tôi uống rượu, kiếm một người cùng uống dễ lắm, thường khi là đàn ông, bạn của một người bạn, bạn của một đồng nghiệp, bạn của một kẻ lạ, một gã ở lại lâu hơn tất cả mọi người. Tại một quán trọ tồi tàn, nằm trong một con hẻm của Chongno hay Shinchon, hai người trả nửa giá, giá cho những người không thuê hay không thể thuê suốt đêm rồi leo lên một căn phòng chỉ hơi lớn hơn cái xà lim của chồng tôi. Có tiếng gõ cửa, người gác trọ bưng một ấm trà và giấy vệ sinh lên, đợi chúng tôi viết tên và số căn cước giả vào sổ khách sạn. Rồi mọi việc xong một cách nhanh chóng, tôi xuống đường ngập những gã say đang cãi nhau ỏm tỏi, hoặc đang ói mửa, hoặc khóc lóc trong phòng điện thoại công cộng, tôi đưa tay vẫy một chuyến taxi, hứa sẽ chạy một cái vèo ra khỏi Seoul.

Tôi xuống giường, kiếm cái điện thoại không giây, vào nhà bếp, quay số tổng đài. Giọng cô nhân viên thô, nặng khó nghe. Giờ đây là sáng sớm ở Seoul, Na-yung sửa soạn đi học. Tôi thèm được đưa bàn tay vuốt mái tóc mềm, sợi nhỏ của con, ôm con vào lòng, nghe giọng nũng nịu: "Mẹ ơi, ngón út của con bị đau", "con không thích thức ăn trưa hôm nay", "con nhớ mẹ lắm". Nhưng cú điện thoại collect không thành. Người đàn bà bên kia đường dây không hiểu, cô ở tổng đài bảo thế, và bà ta đã cúp điện thoại rồi.

Cuối đồi Bourlemont, chiếc taxi quẹo vào đường Chapelle, nhà tôi nhất định đòi xuống xe. Tỉnh lỵ Ronchamp nhỏ tị, khu phố chính chỉ có ba khúc đường với các cửa tiệm truyền thống, tiệm bánh, tiệm bán xúc xích, tiệm thuốc lá. Chúng tôi leo lên đồi, con đường trải sỏi dốc, cứng và lạnh dưới đôi bàn chân. Giờ này đáng lẽ mặt trời phải trên đỉnh đầu rồi, nhưng sáng nay chỉ được vài tiếng đồng hồ có ánh nắng leo lét, rồi mây kéo đến che kín bầu trời. Hình như trời lúc nào cũng như vầy tại vùng này.

Càng đi lên càng mất dần dấu vết thị thành, hai bên đường chỉ có cây và bụi cây, nhiều cây còn giữ màu xanh, các cây khác theo mùa đã trụi lá, đủ loại tùng bách, lá chia chỉa như gai, có những cành cây còn đọng vài cái lá, mang sắc màu của mùa rực rỡ trước đấy. Hai tay tôi thọc hẳn vào túi áo khoác dầy. Anh tay mang găng, chắp đàng sau lưng, như một ông già, thân hình được đỡ bằng hai cái hong xương xẩu. Mắt anh nhảy nhót giữa mấy hàng cây, gắn từng loại với cái tên nằm đâu đấy trong đầu. Bạch dương, thục quỳ, đàn muông, liễu rũ, anh xướng tên chúng. Chúng tôi đi giữa khung cảnh bị tước đoạt bởi ánh nắng mặt trời và nắng ấm, nhưng hiển nhiên rồi cây chẳng chút sợ hãi hay tuyệt vọng trải qua mùa đông dài. Cây chẳng cần phải cố gắng, chúng chỉ cần đứng thẳng mình chịu đựng.

Cuộc hành trình kéo dài, như không chấm dứt. Càng lúc tôi càng cảm thấy khó để giữ nhịp cùng với anh, lúc này anh đã đi trên tôi vài thước. Tôi gọi với hỏi anh còn bao lâu nữa thì tới, không giấu nổi giọng cáu kỉnh. Anh quay lại, chờ cho tôi theo kịp. "Nhà nguyện nằm 472 mét trên mặt biển," anh đưa mắt nhìn lên, như có thể nhìn thấy được qua cánh rừng. "Em cứ đi từ từ thôi," anh thì thào, rồi lại tiếp tục đi. Tôi đứng yên, lấy lại hơi thở, ngẫm nghĩ không biết mình nên quay trở lại trước khi đi quá xa. Cái độ cao tôi không tài nào với lên được. Tôi chỉ cần quay mình đi ngược lại, và cứ thế xuống dốc dần. Rồi tôi thấy chồng tôi, hai chân loạng choạng trên đôi giầy da mới sắm cho chuyến đi, lấm tấm bùn và bụi. Chân anh chắc chưa quen với giầy da, trong tù chỉ cho mang giầy komushin bằng cao su, không đế. Có thể gót chân anh đã bị trầy và sướt. Tôi bước thêm một bước về phía anh, tiếp tục đi nữa, đang cố hình dung chân trần của anh như thế nào.

Tới được đỉnh thì đầu tôi choáng váng, cứ như máu không kịp thông cùng hơi thở. Tôi có cảm giác gân hong và đầu gối thắt lại, những giọt mồ hôi ướt đẫm tóc chung quanh hai tai. Chồng tôi đợi nơi cổng nhà nguyện, tay cầm hai tấm vé. Khi anh thấy tôi, anh đưa tay chỉ mông lung vào cái khung cảnh mênh mông chung quanh.

Tôi không nhận thức ngay rằng đây là một nhà nguyện, bởi vì nó không giống bất cứ cái nhà thờ nào. Nó chẳng có kiến trúc lộng lẫy, huy hoàng như các nhà thờ gôtic của Âu Châu. Từ đàng xa trông nó như một khối đồ sộ với các hình dạng ấn tượng ghép vào với nhau, cái này đặt xiên lên cái nọ, khúc này chập vào khúc kia trên đỉnh một ngọn đồi. Nơi đây, tầm mắt không bị xao lãng bởi bất cứ cái gì khác, chỉ có bầu trời và cỏ xanh. Đến gần, mới nhìn thấy rõ các lỗ hổng rải rác trên tường là những cửa kính màu, bức tường vôi trắng được che bởi một mái ngói màu xám trông giống như con cá mực khổng lồ đang vươn lên bầu trời. Tôi sực nhớ lời Bà Sohn và chồng tôi bàn với nhau về thiết kế lạ lùng này, nhà kiến trúc sư đã lấy hứng từ một vỏ cua. Lúc này thì nhà tôi im lìm, không nói năng chi cả. Anh đứng trước cổng chính, cửa làm bằng tám bảng thép, có các hình vẽ vui mắt màu đỏ, vàng và xanh ngọc. Hít vào một hơi thở, rồi anh đặt bàn tay phải lên cái nắm cửa lớn màu xanh dương và đẩy cánh cổng. Tôi theo anh đi vào.

Sau khi cổng đóng sập lại, thì phút chốc bóng tối tràn vào. Tôi có cảm giác lạnh ở đầu mũi. Căn phòng thật sự chẳng có gì, chỉ có một bàn thờ, một thánh giá đơn sơ, cho các buổi lễ là một dãy băng ghế trên sàn bê-tông thô thiển; tất cả mọi thứ dường như bị lột trần chỉ còn lại hình hài xương xẩu. Hai chân tôi bắt đầu run, tất cả bắp thịt đòi được nghỉ ngơi. Tôi ngồi xuống băng ghế cuối cùng trong phòng. Một anh thanh niên, tóc vàng, ngồi trước tôi vài hàng ghế, lưng đeo cái túi lớn, ngước mắt nhìn trần nhà xiên xiên với đôi mắt thán phục. Hai đứa trẻ, một trai, một gái đi sau bố mẹ, nhảy lóc thóc, chúng chui vào các góc tường, đưa tay lên sờ các cửa kính nhiều màu sắc. Vào ngày đẹp trời, ánh nắng xuyên qua những lỗ hổng nhỏ to trên tường nhà nguyện, tạo thành những khoảng ánh sáng lấp lánh muôn màu sắc trong căn phòng khô khan này. Nhưng hôm nay qua các cửa sổ trên mặt tường trắng chỉ là những mảnh trời không màu.

Rồi tôi thấy tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Nơi đây chính đây là nơi Bà ngự trị, nhà Nguyện Đức-Bà-Trên-Đỉnh-Cao mà. Nằm vừa vặn trong một cái hộp gương đặt trên khung một cửa sổ của bàn thờ, Bà trông như một con búp bê cổ tích, nhỏ bé, khiêm nhường. Tôn giáo là điều tôi không nắm được, phép mầu nhiệm của niềm tin, của sự chuộc tội nhưng cái tượng buồn bã này rất người, rất phụ nữ. Hai bàn chân và hông tôi tê dại bởi cái lạnh từ nền xi-măng đưa lên. Những tấm tranh vẽ đơn sơ, hoa lá, vì sao, chim chóc nhẹ nhàng, con trẻ, nghịch ngợm trang hoàng chung quanh các cửa sổ. Chữ marie có mặt trên phần đông các bức tranh, như được viết bằng tay, giống như cậu thanh niên mới lớn nguệch ngoặc viết tên cô bạn gái trong góc của quyển tập. Không phải sự hùng vĩ uy nghi của ngoại cảnh, hay ngọn đồi thiêng liêng của nhà nguyện, mà chính ra tính chất không gò bó của cái khoảng không gian thô sơ, không tô điểm của chốn tôn nghiêm này tạo cho tôi cảm giác thoải mái.

Tôi đứng lên, nhìn chung quanh. Mấy người du khách lúc nãy đã bỏ đi, tôi không thấy chồng tôi đâu, mà tôi nhớ rõ không thấy anh đã ra ngoài. Tôi bước đến bức tường phía kia, đối mặt với bàn thờ. Bên trái, là một khoảng trống được đóng lại bởi một bức tường cong cong, ánh sáng nhạt nhòa từ cửa sổ trên cao tỏa xuống. Có lẽ nơi đây dành cho mỗi cá nhân dịp suy tâm, cầu nguyện riêng vì có một bàn thờ nhỏ đặt chính giữa. Tôi đi theo bờ tường phía bên phải, dẫn đến một hàng lang tối, trong góc có đặt một bàn thờ nhỏ nữa, tối hơn cái trước. Tôi bước thêm vài bước, tới một khoảng trống hình trái xoan, và suýt đụng phải một người. Bị bất ngờ, tôi la lên.

Chỉ là chồng tôi, anh dựa lưng sát vào vách, hai tay vòng trên hai cánh tay, trong tư thế tuyệt vọng. Tôi cố gắng không lộ mình đang run, và thật sự ao ước mình không bắt gặp anh trong lúc này.

"Anh làm em giật mình," tôi phân trần, mắt nhìn sang phía khác, rồi cất bước tới ngả bên kia của bàn thờ.

Anh không nói gì. Hơi thở nghe khó nhọc. Tôi bắt đầu thấy sợ. Thận trọng, tôi lần bước tới hàng lang.

"Anh xin lỗi làm em giật mình," anh lên tiếng, giọng thì thào, rất nhỏ.

Tôi ngừng và quay đầu lại. Anh vẫn chưa nhúc nhích. Cặp mắt rối loạn.

"Nơi này làm cho anh nhớ đến cái xà lim lúc trước," anh nhìn sững vào bức tường trước mặt.

Tôi nghĩ mình phải đến gần anh, nhưng không thể làm theo ý nghĩ được. "Anh đã ra khỏi tù rồi, bây giờ anh là một người tự do."

"Phải vậy không?" anh đáp, trút hết sinh lực. Rồi từ từ, anh đưa mắt nhìn lên, tuốt trên cao, cửa sổ trên trần nhà có tí ánh sáng lọt vào.

"Tại nơi này bỗng dưng anh có cảm giác thoải mái. Tự do hơn bất cứ nơi nào từ ngày anh ra khỏi tù," anh nói. Và không dưng anh cất tiếng cười tiếng cười trống rỗng. Âm thanh vang dội các bờ tường. "Tội nghiệp quá, phải không em?"

Anh tiếp tục cười, hai tay vẫn bắt chéo qua vòng ngực, miệng mở rộng. Tôi mong anh ngưng cười, e rằng nếu tiếp tục, cuối cùng anh sẽ khóc. Tôi bước thêm vài bước nữa, và đứng trước mặt anh, tay dựa vào bàn thờ. Mặt bàn xi-măng lạnh như đá, cái lạnh xâm nhập bàn tay, lây vào xương sống. Từ từ tiếng cười của anh nhạt dần. Anh buông tay ra, nhìn vào mắt tôi cả khuôn mặt anh như xụp xuống, đầu hàng trước sự yếu đuối, mà tức thời tôi nhận ngay ra. Đồng lúc tôi cũng nhận thức nếu mình đưa tay ra có lẽ sẽ chạm được chồng.

Bà Sohn lộ nét buồn trước việc chúng tôi sẽ giã từ Bà, nhưng không cách gì hơn, vợ chồng tôi phải lấy chuyến xe lửa đầu tiên để bắt cho kịp chuyến bay tại phi trường Zurich. Đàng sau đám mây dầy đặc, đâu đó là những tia nắng ban mai đang trải dài trên bầu trời. Ba chúng tôi đứng ngoài nhà, đợi taxi đến. Cái vali với cái ống khóa hư nằm chình ình nơi cổng.

Tối qua, khi tôi dọn đồ đạc vào vali, Bà Sohn vào phòng và hỏi tôi có cần sợi dây hay băng keo dầy để cột hay dán vali cho chắc không. Có lẽ đó là điều nên làm, nhưng tôi lại trả lời không, tôi có thể khiêng nó lên máy bay. Rồi bà hỏi tôi nghĩ sao về nhà nguyện, và tôi không biết phải trả lời sao. Một thoáng lo lắng pha chút hiếu kỳ hiện trong ánh mắt bà, bà nói: "Mọi chuyện tốt đẹp chứ? Có chuyện gì xảy ra ở nhà nguyện không chị?" Tôi đành nhoẻn miệng cười, và thưa với bà là nhà nguyện thật tuyệt diệu, như lời bà đã nói,

Thật sự, tôi cũng chẳng biết hay chưa biết, là có điều gì đã xảy ra hôm đó.

Chiếc taxi tới và chồng tôi bắt tay Bà Sohn. Bà quay sang tôi và chúng tôi ôm chằm nhau. Sức mạnh, ý chí, sự cô đơn của bà choáng ngợp tôi. Tôi ôm hai vai mảnh khảnh của bà vào lòng một hồi lâu. "Em mong mình sẽ có dịp gặp nhau tại Hàn Quốc, trong thời gian gần thôi." Tôi nói. Mắt bà long lanh ngấn lệ, nhưng bà cười rồi nói bà cũng mong vậy.

Xe chạy về hướng đông, trực chỉ nhà ga Belfort, trước mắt chúng tôi một đường ánh sáng mỏng mảnh màu bạc loé ở phía chân trời. Vài sợi ánh sáng màu đỏ cam tìm đường xuống ngao du quang cảnh bên dưới, như trêu các hàng cây trên những ngọn đồi, nhắc chừng chúng có một ánh sáng ấm áp đang núp sau đám mây xám, dù các cây chưa cảm được nó. Món quà nhỏ từ mặt trời kéo dài một khoảng lâu, cho đến khi xe rẽ vào con đường dẫn vào thành phố, pháo đài chỉ là một điểm nhạt nhòa trong ánh mắt tôi.

Trần Viết Minh-Thanh chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12026)
(Xem: 10590)
(Xem: 10643)
(Xem: 10211)
(Xem: 9580)
(Xem: 9030)
(Xem: 9763)
(Xem: 10833)
(Xem: 10485)
(Xem: 10567)