- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Don Hồ, Những Con Đường Mưa Xưa

29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 104235)


actess-auster_200_0_194x300_1Báo chí viết về Don Hồ, không thiếu. Người nhắc đến tên gọi Don Hồ, cũng thế. Từ chỗ ngồi của Trúc và Lộc, trước mặt là bóng tối chập chùng. Don Hồ trở lại sân khấu ở phần hai, sau lời giới thiệu của người điều khiển chương trình. Và trong lúc như không chờ, không đợi, không nghĩ đến, thì trên sân khấu Don Hồ giới thiệu đến mọi người: "Gọi người xa vời". Một bài hát mà Trúc viết từ năm một ngàn chín trăm... năm nào. Don Hồ nhắc vội về thời ấu thơ, ngay sau đó là ngày ra mắt CD Từ một phía không em của Trúc & anh Phạm Ngọc vào tháng tư sắp đến. Rồi lặng lẽ gởi nụ cười đi, thật hiền. Từ chỗ ngồi bên góc trái nhìn lên, Trúc không biết phải đo lường khoảng cách bằng những xúc động như thế nào thì mới viết lên cho đầy đủ nghĩa.

Chút kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày không biết có thể nào dạy cho một người có nhiều nhạy cảm biết chế ngự được sự xúc động hay không? Hay là hễ ai càng có chút nghệ sĩ tính, nhạy cảm, lại càng dễ rơi vào sự xúc động hơn?

Trúc vẫn chưa quen gọi Dũng là Don Hồ. Đã có một dạo Trúc nghĩ rằng D là D, Don Hồ là Don Hồ. Người đang đứng trên sân khấu, hay đang đứng trước màn hình với bao ngọn đèn sáng chói nhất không phải là D của quãng trời thơ ấu mà là Don Hồ. Hai người khác biệt nhau lắm! D mà Trúc quen biết khi xưa, rất nhút nhát và... ít nói. Ngược lại với cá tánh Trúc hồi nhỏ là nói rất nhiều, và năng động vô cùng! Ở vào cái tuổi 12, 13, rồi 14, D dưới mắt Trúc, D không phải đơn thuần là một người bạn cùng xóm không thôi, mà hình như cá tánh hiền lành, nhút nhát, ít nói của D giữa đám bạn quen biết vào lúc ấy, Trúc cảm thấy D "khác" lắm, "hay hay" lắm và dễ thương lắm! Bởi vì đi từ khoảng thời gian quen biết lúc ban đầu, gọi tên nhau trống không. Nhìn nhau chắc cũng không ra là nhìn, mà nghinh nhau thì đúng hơn. Từ 12 tuổi đến 14, có một lần tụi này đi cắm trại ở tận núi Bữu Long. Đến ga xe lửa bị trễ, hết chỗ ngồi, nên mọi người cùng chen chúc đẩy nhau lên một toa hàng chợ. Trúc ngồi không xa lắm với chỗ D đứng, nhưng rất gần với bầy heo con kêu ột ột suốt chặng đường lên Biên Hoà! Trên toa, ngoài chứa người, còn có đầy đủ các thúng rau cải, gà, vịt, heo. Đến Biên Hòa, lại đón xe lam thì mới lên được tới núi Bữu Long. Đi cắm trại mà sang lắm, tụi này ăn cơm với tàu hủ hẹ nấu với hến đàng hoàng. Không biết ai đó đã pha nước mắm ớt sẵn mang theo nữa. Thời đó, cái thời mà làm con nít còn đi học thì trước sau gì cũng phải mang khăn quàng đỏ thôi. Sáng sáng thức dậy kêu réo mọi người ra tập thể dục, bụi đường phố thì bay mịt mù, mặc kệ xe Honda, hay xe đạp chạy qua. Thời mà tụi Trúc đã phải thi nhau đạp xe lên tận xa lộ, tìm kiếm sắt vụn mang về để hầu xây dựng "con tàu thống nhất" từ Nam ra Bắc. Trúc bị té xe đạp lần đó vì tay lái mất thăng bằng. May là khi Trúc lồm cồm đứng lên rồi, xe Honda từ bên trên cầu mới đỗ xuống. Nếu không đó hả, chắc là bây giờ... biết đâu chừng, dám có người cũng biết ăn năn hối cải, tiếc nuối ngậm ngùi hả. Trúc không bao giờ quên cái buổi trưa nắng ơi là nắng hôm đó, D xuống xe hỏi Trúc có sao không vậy? Và sau khi ngắm nghía vết thương giữa môi và mũi, D "khen" Trúc ngó y hệt như là có bà con với Hitler. Buổi trưa hôm sau, và hôm sau nữa, D sai Long tạt ngang nhà hỏi thăm Trúc bớt chưa? Hay là vẫn muốn thành Hitler luôn?

Vậy đó, mà cũng có một buổi trưa D làm gan đạp xe tạt ngang nhà, gõ cửa gọi: "Trúc ơi, Trúc". D mang qua cho Trúc mượn cuốn sách luyện thi môn Văn lớp chín lên lớp 10 và bó cúc vàng cánh nhỏ D trồng. Những cánh hoa vàng được gói ghém cẩn thận trong giấy báo để dành Trúc chưng trên cây piano cho đẹp. D nói thế. Loại giấy báo mà ngày xưa bên nhà mình, mọi người dùng để... gói xôi, gói hành, gói tỏi, gói bún. Hay gói bất cứ món gì chắt chiu, cần thiết và sử dụng bất cứ khi nào cần thiết đó mà! Món quà khác Trúc có được là chiếc nhẫn có khắc tên nhỏ cẩn đồi mồi. Cả nhà D đi biển về và chị Thủy trau lại, nói rằng của D mua cho Trúc. Trong khi đó, D bước từ phòng trong đi ngang qua phòng khách, nhìn Trúc cười một cái rồi thôi, rồi bỏ đi ra ngoài nói chuyện luôn với tên bạn cho đến khi Trúc về! D đứng ngoài đó, như thể đứng chờ đợi ai để mở cửa, và khép cửa dùm ha. Cám ơn nhé! Trúc nói là nói cám ơn D mở cửa dùm chứ không có dám nói cám ơn D đã cho Trúc chiếc nhẫn có khắc tên cẩn đồi mồi, bởi vì Trúc không biết có thật là D mua cho Trúc hay không. Hỏi, mà để D hỏi lại là: "Nhẫn nào?" thì quê chết! Nhưng thật tình, Trúc không muốn tin rằng chiếc nhẫn có cẩn đồi mồi ấy, là của chị Thủy cho Trúc bao giờ. Con gái với con gái, không ai tặng nhẫn cho nhau bao giờ. Tự dưng buổi tối hôm đó, Trúc có cảm tưởng như sẽ không có chiếc nhẫn nào khác có thể quý giá và xinh như chiếc nhẫn này được. Trúc giữ chiếc nhẫn cho đến khi sang Pháp, gặp một người lớn tuổi quen biết trong gia đình nói rằng: "Mang nhẫn có cẩn đồi mồi, là sẽ... xa-cách-nhau-luôn!". Không hiểu sao Trúc đã tin tưởng câu nói đó đến độ tháu chiếc nhẫn ra, tiếc rẽ có, ngậm ngùi có, rồi quăng chiếc nhẩn từ lầu mười bốn ra ngoài khỏi cửa sổ! Quăng nó đi, rồi buồn,rồi nhớ, rồi tiếc rẻ, rồi nhắc nhở cả một thời gian dài.

Không biết đã bao nhiêu lần D với Trúc cùng đạp xe đạp tụm ba, tụm bảy lang thang hết con đường này đến con đường nọ vào ban đêm? Và không biết từ lúc nào, Trúc hay tách rời ra khỏi nhóm để đạp xe chậm hơn, cốt ý tự tạo cho mình cảm giác lẻ loi. Một cảm giác phố đêm hiu hắt hay sao đó không biết nữa. Đúng là mát giây thứ thiệt. Nhưng đôi khi, đó cũng là lúc D ngừng xe lại chờ chiếc xe đạp Trúc tới. Cái này không phải là cố ý đâu nhé. Mà là khi người ta bắt đầu lớn, người ta luôn muốn "thử nghiệm" xem có ai đó quan tâm mình không thôi đó mà! Lúc về bất chợt có cơn mưa nhẹ rơi. Mọi người đạp xe nhanh hơn, tìm một quán chè làm chỗ trú. Kỷ niệm nhỏ như thế, thật bình lặng, nhưng sao Trúc vẫn nhớ mãi không biết.

Vào ngày Tết vui hơn nữa, là tìm cách sang nhà D chơi. Trúc hăm bắt con mèo D nuôi bỏ vào bồn, cho cá xơi. Rồi thêm Long có ý kiến chơi đánh bài xì-dách, ai thua sẽ bị quẹt lọ nồi vào mặt. Khi D xuống bếp mang cái lọ nồi lên thiệt, Trúc mới hết hồn! Ban đầu còn cười cười, sau thua bài quá, bị quẹt hết bên má này, đến bên má kia, Trúc cười hết muốn nổi. Mà khóc thì quê! Nhưng D, và Long coi bộ khoái chí cái trò chơi quẹt nồi này lắm ha.

Ngay ngày Trúc đi Pháp, D viết vài lời từ giã trên một miếng gỗ mỏng màu vàng. Nét chữ tròn tròn trên miếng gỗ thơm, hay một cách lạ lùng. Không hiểu tại sao hồi nhỏ, bất cứ điều gì do D làm, do D mang đến, Trúc cũng thấy hay cả. Để rồi sau này chia tay, rồi mất liên lạc, rồi lại gặp lại nhau, thú thật, đã có một khoảng thời gian dài Trúc tưởng rằng D và Don Hồ, khác xa nhau lắm. Khi còn ở Việt Nam, bài ca duy nhất Trúc được nghe D hát là bài "Rồi Mai Đây", nhạc ngoại quốc, lời Việt Trường Kỳ. Lời bài hát có những câu như sau:

"Rồi mai đây khi mình xa nhau nhớ đến nhau hoài. Rồi mai đây khi mình xa nhau nhớ đến hôm này. Mình nhớ mãi những gì mình chất chứa trong lòng. Mình chia tay gió bay bay, còn đó khung trời xám mây. Mình xa nhau, xin đừng đi mau, nắng sẽ phai màu. Mình xa nhau, xin đừng quên mau, khói thuốc không màu. Hồn quyến luyến những gì mình đã cho nhau rồi. Còn cho nhau chút dư hương, sợ vỡ tâm tình vấn vương".

Lần đó, lần đầu tiên Trúc đệm cho D hát trong buổi tiệc đưa tiễn Trúc sắp đi Pháp. D có giọng ca rất trầm. Thật tình, Trúc không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày D trở thành ca sĩ. Vì làm sao D có thể hát "Em là búp măng non" được chứ? Trúc nghĩ D trở thành họa sĩ thì đúng hơn hay là người chuyên về trồng trọt cây cối, hoa quả. Những ngày đầu đến Paris, vì cuộc sống xa quê hương, Trúc nhớ nhà đến độ không biết làm gì khác hơn, niềm vui duy nhất của Trúc là viết... ba-lăng-nhăng! Và Trúc đã ký dưới bút hiệu "Dư Hương", bởi trong "Rồi Mai Đây" có hai chữ dư hương trong đó!

Hình như khi mình có một thời tuổi nhỏ, lãng mạn, dễ thương chỉ cần khi lớn lên mình không tìm thấy lại một điểm nhỏ nào đó của năm xưa, mình sẽ tạo nên cho mình một sự hụt hẫng to tát lắm! Mình quên mất rằng chính mình cũng đã đổi thaỵ Cả thể xác, lẫn tâm hồn. Thời gian không bao giờ ngừng lại. Thời gian không chờ ai. Còn chăng chỉ là một khoảnh khắc kỷ niệm nào đó thôi, để nhớ về...

Trúc vẫn còn giữ rất nhiều kỷ niệm. Hình như trong đời sống hễ ai không có thói quen cất giữ giấy tờ cho gọn gàng, thứ tự, ngăn nấp, thì lại có được cho mình một bộ nhớ đầy khích lệ! Thật lạ lùng, chỉ mới hôm nay, Trúc mới cảm nhận được một điều là D và Don Hồ là... một. Thời gian dạy và tạo nên cho mỗi người một cuộc sống, một hướng đi. Thời gian không thể ngừng lại ở kỷ niệm nít nhỏ mãi được. Đúng vậỵ Mọi người trong gia đình Trúc, khi nhắc về Don Hồ là với cả một sự quý mến không phải chỉ về giọng ca, không về sự nổi tiếng bên ngoài, mà đúng hơn là về tánh tình D rất hiền lành, hoạt bát, nhiệt tình, tế nhị. Như hai nhóc Trực và Quân khi bắt gặp hình "cậu Dũng" trên các bìa băng nhạc, hay khi xem "cậu Dũng" trình diễn trong các băng nhạc là cả một hãnh diện và vui mừng. Dường như là một người thân trong gia đình, được lên truyền hình vậy!

Trúc vẫn còn giữ ở đây những dòng tâm sự về biển, từ D. Hy vọng rằng một ngày nào đó D sẽ tìm được nhiều thời gian hơn để viết. Bởi thật sự, Trúc không nghĩ D chỉ nghiêng về việc sáng tạo các hình bìa, dàn dựng các màn trình diễn khi thu hình, mang giọng ca, tiếng hát của mình cho nghệ thuật. Mà D còn có thể viết. Bởi kinh nghiệm của đời sống, sự sáng tạo, đam mê, cảm xúc trong D, Trúc nghĩ rằng: Vô bờ.

Mùa Giáng Sinh năm 1993 nhân dịp Trúc sang thăm ông bà Ngoại bên Cali, D rũ Trúc đi phố tìm mua chút đồ trang hoàng cho nhà mới, và cho Giáng Sinh. Khi về, Trúc phụ D, giăng nơ, giăng đèn cho cây thông xong xuống bếp ăn cơm với mẹ D. Cơm của người Bắc nấu, khác cơm của người miền Nam nhiều lắm. Nhưng ăn lạ miệng, rất ngon. Sau đó D hỏi:
 
"Đi ngắm biển đêm không Trúc ơi. Đi cho biết nghe?". Trúc gật đầu:

"Đi thì đi!"

Trúc đồng ý ngay. Đêm xuống, mùa Đông ở Cali lạnh không thắm gì nếu so với cái lạnh ở Paris. Nhưng sao cái lạnh thổi từ gió biển lên, Trúc có cảm tưởng như áo khoác mình mang từ Paris sang không che gió, che lạnh gì dược hết. Cái lạnh như có ướp nước biển thổi vào. Trong khi đó D cằm trên tay áo khoác của D, D đưa Trúc mặc. D chỉ mặc mỗi áo thun tay ngắn và quần bò bạc màu. Ngó D bây giờ càng không giống Don Hồ chút nào! Khi đứng bên trên nhìn xuống biển, D nhắc chừng Trúc hãy cẩn thận coi chừng cặp kính, đừng để nó rơi. Rồi bất giác D nói với Trúc:

"Vượt biển rồi mới biết, nước biển vô số màu sắc Trúc à. Không hẳn một màu xanh thơ mộng như mình nghĩ đâu".
Đêm thật sự khuya nhưng ngoài biển không vắng lă.ng. Vẫn còn có người ngồi một mình, câu cá. Trúc đưa mắt nhìn D cười, rồi cùng trở lên bờ.

Trúc có ghé Hungtinton Beach hai lần vào buổi trưa, nhưng đây là lần đầu tiên Trúc ghé thăm biển đêm như thế này. D đưa tay chỉ ngọn đèn vàng loe loét trong căn nhà lụp xụp phía bên tay trái. Rồi bất ngờ D bỏ Trúc đứng đó, hồn nhiên chạy theo rượt đám hải âu phía trước. Trúc không bước tới, mà đứng lặng yên nhìn. Như cố ghi lại cho mình hình ảnh đẹp và nên thơ này. Bất chợt khúc phim xưa, mang đầy những nốt nhạc tuổi nhỏ, quay về. Cũng D đó. Đi ngang qua phòng khách, nhìn Trúc cười một cái, rồi bỏ đi ra ngoài luôn!

"Songkhla, nằm trên một giải đất, phía bên kia của vịnh Thái Lan. Một dẫy nhà mái tôn xây tạm bợ ven biển. Songkhla, nơi mà buổi sáng có một đám người nằm chèo queo trên những tấm phản gỗ, được đánh thức bởi giọng hát Khánh Ly trên loa phóng thanh :(*)" Ai trở về xứ Việt, nhắn dùm tôi, người ấy ở trong tù...". Mảnh đất mà chiều chiều rất nhiều người, mắt vô hồn, đi thất thiểu trên bãi. Cha tôi đâu? Chồng tôi đâu? Anh, em gia đình tôi đâu? Mảnh đất mà lâu lâu lại có một hai cô gái ngơ ngơ, ngáo ngáo từ đâu bơi vào.Trần thị Xuân Lan,"Ghe không số 1 người". Lê thị Hảo,"Ghe không số 2 người". Ở đây người ta đã quen thuộc với những cảnh nàỵ Những cô gái bị Thái lan bắt đi, một hai tháng sau được những người còn một chút xíu lương tâm tạt tàu ngang qua trại, thả người cho bơi vào rồi rồ máy chạy mất. Còn chút lương tâm... bởi vì thiếu gì người cũng bị bắt đi rồi không bao giờ còn thấy. Mảnh đất mà chiều chiều mọi sinh hoạt lịm xuống qua một khúc hát của Trịnh Công Sơn:" Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về..."Một nơi mà mọi người ai cũng như ai, ngồi lắng nghe có tên gọi lên lấy thơ để rồi nhẩy cẫng lên vì mừng hoặc xịu xuống buồn thiu!"

"Đảo KoKra là đảo"Sọ Người", đảo mà tàu D. bị kéo vào trước khi đến trại Songkhla. Sonkhla không phải là đảo mà là một trại ven biển, nằm sát một làng chài của Thái. Trại gồm có 7 dẫy nhà. Mỗi dẫy dài thòng, ngăn lại thành nhiều căn. Cuối trại là một dẫy phòng vệ sinh công cô.ng. Trại tuy nhỏ nhưng cũng có được một thư viện lớn gấp ba lần cái phòng của Lộc. Một phòng bệnh và có phòng hành chánh để các phái đoàn lại phỏng vấn. Ngoài ra còn có được mấy quán cà-phê do những người có mang theo tiền dựng lên. Cũng nhạc nhùng ầm ĩ. Người có tiền thì vào ngồi nhâm nhi tách cà-phê hay Ovaltine. Những người"con bà phước"không tiền thì ngồi vớ vẩn đâu đó nghe nhạc ké. Đầu trại có một ngôi chợ nhỏ do người Thái điều hành, mướn trại viên bán phụ. Trại này có an-ninh rồi, vì có Cao Ủy Tị nạn ra vô. Tuy nhiên tối tối vẫn có Thái Lan lẻn vô. Phần lớn là vì một số cô gái muốn kiếm tí tiền để thực đơn hàng ngày đỡ chán, cặp với người Thái rồi xúi nó lẻn vào ban đêm. Ba mặt của trại được rào kẽm gai, mà gai thì gai chớ, banh ra chui qua mấy hồi. Mặt còn lại là biển..."

"Đảo Kra thì khỏi nói rồi. Một hòn đảo nhỏ đá dựng đứng. Chỉ có một mặt có bãi cát nhưng dốc vô cùng. Lớ mớ đứng nhiều khi chúi nhủi đầu xuống leo vào không kịp. Tàu hải tặc thường đậu bên phía vách đá. Ngó từ tàu vô chỉ thấy đá thẳng lên. Chơi vơi giữa sườn đá có một cái miểu nhỏ kiểu Thái Lan, không biết thờ ai mà xa xa chỉ thấy hoa đủ màu, chắc là hoa giả kết thành từng vòng. Giữa vách đá sừng sững có một đừờng mòn, có cầu thang đẽo vào đá dắt lên. Hải tặc kéo tàu vào gần đảo rồi cắt dây để tàu vượt biên phóng thẳng vào. Ai trên tàu biết bơi thì nhảy xuống bơi vào. Không biết thì cũng nhảy nhưng nhảy để chết chìm... Thì chết vì tàu bể đụng đá, hay vì chết chìm thì cũng vậy thôi. Nhưng phản xạ tự nhiên của mọi người khi lâm vào trú! Trường hợp này là không suy nghĩ gì cả, nhảy trước rồi tính sau. Lóp ngóp leo lên được tới bực thang rồi mới thấy trời đất nghiêng ngả."Say bờ". Từ thủơ cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ nghe cái từ này hết! Thì đi trên tàu, lảo đảo rồi bị lăn đùng, ngã ngửa ra là"say sóng". Ở lâu trên tàu, quen cái bồng bềnh tình tang của thuyền tình trên sóng, lúc lên bờ người vẫn còn lúc lắc theo tàu là...say bờ. Cái màn say bờ này thì mới buồn cười...rõ ràng làmình biết là mình bước thẳng, nhưng cảnh vật hai bên thì cứ lúc la lúc lắc... Phải vừa đi vừa nắm vào cây cối bên hông thì mới giữ được thăng bằng. Còn không thì cứ nhào cổ xuống đất. Qua khỏi nhiều bậc cầu thang rồi lên tới một mảnh đất trống, chung quanh là rừng, ở giữa có một ngôi nhà gạch nhỏ, bên cạnh một cái miểu (lại miểu), và một cái giếng sâu không có nước mà chỉ có...đầu lâu và xương người ở đưới đáỵ Đi vô sâu mút vô con đường mòn sẽ dắt đường lên đỉnh đảo. Nơi có một cái hang mà các anh hải tạc đã lấy sẵn lá và rơm, làm thành nhiều ổ trông như ổ chim sẻ phóng lớn. Đàn ông con trai thì thả lêu bêu lổn nhổn ở dưới. Đàn bà, con gái thì lùa lên đỉnh. Rồi thay nhau, tốp này xong, trở về tàu gọi tốp khác vào bất kể đêm, sáng... Đàn ông con trai ư??? Nhằm nhò gì, chúng còn đang bò lổn nhổn đầy đất, sức đâu mà chống lại. Đưá nào thấy khoẻ khoẻ bắt đầu đứng thẳng thẳng được rồi thì phang cho nó một cuốc xong hất vào bụi là xong ngay!"

Trúc trích lại vài đoạn nhỏ này để khi nào D có chút thời gian D sẽ tìm xem lại những gì D đã viết cho Trúc đọc cách đây vài năm nhé. Nếu như Trúc có may mắn sang Pháp bằng máy bay, thì Trúc nghĩ rằng D còn có may mắn gấp ba lần Trúc. Bởi vì phải có may mắn lắm D mới ra đi và thoát mọi hiểm nguy để dến nơi bình an như vậy được. Mẹ Trúc nói, có đi vượt biển rồi, bị tù, bị đánh, bị cướp, bị bắt đi, bị đói khát, mới hiểu rằng những phiền lo khác của cuộc đời, nhỏ nhoi lắm!

Sinh nhật D - hai mươi hai tháng hai - Có năm cao hứng thì Trúc gởi lời chúc. Có năm thì Trúc lờ đi. Nhưng Trúc không quên ngày này. Không phải không chúc tụng có nghĩa là không nhớ. Mới chiều, cách đây một tuần, D còn ghé nhà chơi sau khi cùng Lộc, Trúc đi ăn phở 14 góc Choisy-Tolbiac, quận 13. Khi về mẹ Trúc mang lên một dĩa quýt lột sẵn mời D ăn. D chỉ cách Trúc pha màu, đóng khung cho một tấm hình trên máy vi tính. Trúc để D nói. Nhưng đúng hơn là Trúc muốn tìm lại, chính xác hơn là muốn thu lại, giọng nói của D năm xưa và bây giờ. Trúc nghĩ rằng, khi con người có cái tâm chân thật hiền lành, cho dù môi trường sống có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, trái tim họ vẫn luôn giữ được vị trí sống một cách thật chân chất. D là như vậy đó.

Sinh nhật D năm nay, Trúc không có quà cáp gì lớn lao nặng ký, để dành tặng D ngoài bài viết này. Nhận đi nhé Don Hồ, bạn thuở ấu thơ của mấy chục năm xưa. Thêm một tuổi là thêm nhiều hạnh phúc, vui vẻ, bình an. Cho dù D đang ở đâu, D đang nuôi ước mơ gì, Trúc vẫn tin tưởng và nghĩ rằng D cũng như Don Hồ, xứng đáng để thành công. Bởi D làm việc từ tâm. Kỹ thuật, xảo thuật không thể bao che qua được mắt Trời. Bởi Trúc nghĩ rằng, nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng. Nhưng nghệ thuật tồn tại hơn nữa nếu ta biết sống bằng trái tim chân thật với chính ta, với người.

Giữ gìn sức khoẻ Dũng nhé...

t r a n g t h a n h t r u c 
21/02/2005

(*) Ai trở về xứ Việt (thơ Minh Đức Hoài Trinh, nhạc Phan Văn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 105036)
Tháng Ba của người lính ấy thật ra chỉ 11 ngày. Nửa đầu quyển sách là nhật ký hành quân giản lược của 10 ngày, mở ra với vài ngày tiên khởi của một cái vòng luẩn quẩn, tiến dần đến việc từng ngày, rồi từng giờ từng lúc.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 158608)
LTS . ...Dù lịch sử đã sang trang từ lâu, bài ký ức về Tướng Lê Nguyên Vỹ, cố Tư lệnh SĐ 5 BB–người đã chọn chết theo thành, và không nỡ bắt "con em người ta gửi gấm cho mình" chết oan uổng ở những giờ phút tàn cuộc của chiến tranh Việt Nam–là một trong những tài liệu hiếm hoi, có giá trị sử liệu. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu tác giả Triệu Vũ với quí độc giả. Tạp Chí Hợp Lưu
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 94546)
Đầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-965) tới đời Nguyễn (1802-1945). Đây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 94831)
Phần III. G. TÀI LIỆU VIỆT: Ngoài tài liệu Trung Quốc, sử quan Việt cũng sử dụng một số tư liệu trong nước.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 98023)
Phần II. Cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [ kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), hay thiến hoạn thiếu niên Việt] , chỉ là hai trong những biện pháp lấn đất giành dân.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 106023)
Phần IV II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ĐẠI (1800-1975): Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.”
23 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 96136)
Tập tài liệu được nói tới ở đây là một tập hợp những bài viết của “một số lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20” theo lời của Nhóm biên tập sách viết trong Lời Cuối Sách vào tháng 12 năm 2001.
29 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 86086)
Căn phòng của Jacob ấn tượng tôi đến nỗi, tôi sợ phải đọc lại. Vì tác phẩm vượt mọi khuôn khổ, như có điện, từ trường, đến mức không còn liên quan đến sáng tạo tiểu thuyết. Trên những trang đầu tiên, bằng tất cả ngây thơ, người đọc bước vào tác phẩm không chút ngờ vực.
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 116601)
- Gửi Thức Tối hôm qua từ nơi cửa sổ phòng tôi tuyết xuống tuyết rơi trên những cành tùng có tiếng đập cánh rất khẽ của con chim trốn tuyết
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 113463)
Sao anh lặng im nhìn lên bầu trời Em thành dải mây bối rối Vì tinh tú tròn đêm trẩy hội Vắt xiêm y ngang cành táo trong vườn.