- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Chí Trung - Trường thi "GIÓ"

03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 3155)
Thi sỹ NGUYỄN CHÍ TRUNG
Chân dung nhà thơ NGUYỄN CHÍ TRUNG

NGUYỄN CHÍ TRUNG - Trường thi "GIÓ"

 

 

LTS: Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003.

Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...

Và tập Thơ GIÓ đã xuất bản bên Ý (2014, bán hết trong vòng một năm phát hành), bên Portugal 2019 và Tây Ban Nha năm 2021.

Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu thi phẩm “GIÓ” của nhà thơ NGUYỄN CHÍ TRUNG.

TẠP CHÍ HỢP LUU.

 

 

 

NGUYỄN CHÍ TRUNG

GIÓ

 

1

 

Đêm nay gió rút ngang trời

Đã là mất hẳn những đời rã riêng?

Bây giờ bạc bẽo cõi miền

Hẳn là xứ sở ưu phiền lắm ru?

 

2

 

Đêm nay gió rút âm u

Lại thêm tầm tã mưa mù lòng ai

Bây giờ giọt ngắn giọt dài

Rồi trong chốc lát nhớ ngày chia ly

 

3

 

Đêm nay gió rút thầm thì

Hình như còn những điều gì chưa xong?

Bây giờ vật vã cõi lòng

Liệu sau này nữa sẽ không bao giờ?

 

4

 

Đêm nay gió rút cơn mơ

Mưa như mưa đã đợi chờ từ lâu

Chẳng là tháng bảy mưa ngâu

Mà trong tâm tưởng cơ hầu chưa quên

 

5

 

Đêm nay gió rút dưới mền

Giọt sầu đã vỡ bên trên vỉa hè?

Mà sao tâm não còn nghe

Gót chân xưa vẫn còn đè trên tim

 

6

 

Gió đưa dẫn dắt đi tìm

Biết đâu sẽ đến cõi miền hoang liêu

Bây giờ đồ vật quá nhiều

Chừng linh hồn hẳn có chiều phôi pha?

 

7

 

Gió đưa đám lá sau nhà

Rủ nhau trốn chạy bỏ xa sân sầu

Bây giờ đâu đã là đâu?

Cho nhau một chút có hầu là bao?

 

8

 

Gió đưa thân thể lao đao

Nhớ người biết đến khi nào mới thôi

Nhớ người như gió từng hồi

Rút qua thê thảm trên lời còn đây

 

9

 

Gió đưa không chóng thì chày

Lấy gì đây để đắp đầy hiện sinh?

Lấy gì trả nợ thông minh

Mà cho tim não tan tành tro than

 

10

 

Gió đưa chữ nghĩa về ngàn

Một lời Thơ gửi, không màng là không!

Đã đành không cũng là không

Mà ra chờ đợi trông mong hằng giờ

 

11

 

Gió đưa đến cõi không ngờ

Tim này rạn vỡ, hững hờ lòng ai

Nữa đêm phố vắng đường dài

Còn lang thang kiếm những ngày đã xa

 

12

 

Gió đưa Sa Mạc về qua

Gieo sầu cát bụi còn là đâu đây

Tưởng là rồi sẽ giao tay

Ngờ đâu sầu ấy mang thay cho người

 

13

 

Gió đưa hồn rã về trời

Ở trong cố quận có lời gửi ra?

Nhớ người lệ chảy không ra

Nhớ người ràn rụa trôi qua trong hồn

 

14

 

Gió mang ròng rã nỗi buồn

Về qua thân thể trần truồng trong đêm

Sống là cũng để mang thêm

Vào trong chữ nghĩa nỗi niềm nhân sinh

 

15

 

Gió mang đi mất mối tình

Người đà mất hẳn giữ hình làm chi

Bên bờ cửa sổ ôm ghì

Bên bờ cuộc sống còn ghi vài điều

 

16

 

Gió mang về cõi quạnh hiu

Khởi từ cuộc sống cô liêu là còn

Quả tim là vật hao mòn

Nói chi vàng đá sắt son là lời

 

17

 

Gió mang Sầu Não vào đời

Cho trầm luân những cuộc đời trầm luân

Đủ chưa là những gian truân

Mà còn đày đọa xác thân chừng nào?

 

18

 

Gió mang cuộc sống Chiêm Bao

Trở thành Cuộc Chết lúc nào không hay

Mới đây rạng rỡ trong ngày

Mới đây còn đó mà nay mất rồi

 

19

 

Gió mang chuyện cũ bồi hồi

Đã xa xôi vẫn còn dôi dăm điều

Bây giờ còn chẳng bao nhiêu

Vài ly cơ sự vẫn thiu mốc hồn

 

20

 

Gió mang tất cả đem chôn

Vài ba thước đất sâu hơn đáy lòng?

Có chôn được nỗi sầu không?

Hay là mượn áo nâu sồng mà che?

 

21

 

Gió mang đi hết, còn nghe

Qua mành run rẩy, lá tre xạc xào

Quả tim rạn nứt dâng trào

Một đường máu chảy kêu gào gọi ai

 

22

 

Gió mang khỏi cõi trần ai

Mà sao vẫn để lại đày đọa kia?

Mở trang chữ nghĩa đầm đìa

Sống là mang nỗi chia lìa trong thân

 

23

 

Gió về từ những miền gần

Càng tim não lắm, bội phần đớn đau

Sống đây, mà nói về sau

Chuyện là đã hết, mà sao vẫn còn!

 

24

 

Gió về từ cõi chon von

Kéo qua những cánh đồng non mạ vàng

Cõi lòng còn có thênh thang?

Mà mong đón nhận muôn vàn trống trơn

 

25

 

Gió qua trang giấy đã sờn

Đây mùi mực cũ gây cơn nhớ người

Nhớ người, nào thấy tăm hơi

Quên người, có sống qua đời được chăng?

 

26

 

Gió qua mặt nước sông Hằng

Những trầm luân cũng cầm bằng là không

Đấy là thân xác trên sông

Đâu là vui thú trong giòng vô lưu?

 

27

 

Gió làm sao có đền bù

Vì chưng chữ nghĩa thêm mù sa bay

Tự tâm đem xác đi đày

Đã vào hỏa ngục, có hay được hồn?

 

28

 

Gió sao tát cạn ngữ ngôn ?

Lời là hố thẳm không mòn không tan

Đi về hình thể điêu tàn

Ấy là để lại một trang cuối cùng

 

29

 

Gió về từ cõi mênh mông

Ghé chơi đôi chút rồi xong tạ từ

Nhìn nhau thoi thóp, ngần ngừ

Một lời chưa nói, đã từ giã nhau

 

30

 

Gió qua hồn đã nát nhàu

Vẫn còn gắng gượng viết câu cho người

Trên tờ giấy mỏng tả tơi

Làm sao bày tỏ nỗi đời đau thương?

 

31

 

Gió tru qua cột đèn đường

Đem mưa lê lết phố phường vắng tanh

Giữa đường đi quẩn đi quanh

Một hình bóng cũ vẫn hành hạ tim

 

32

 

Gió đưa giọt nổi giọt chìm

Giọt đi lạc lõng còn tìm kiếm ai

Giọt xưa tưởng ngắn mà dài

Giọt nay tan vỡ trong bài thơ ngây

 

33

 

Gió qua bụi cỏ bờ cây

Kéo về qua những tờ nay vẫn còn

Một tờ than khóc nỉ non

Một tờ lạc điệu, hao mòn thì chưa!

 

34

 

Gió sao cho đủ cho vừa

Cho nồng ấm phút Giao Thừa nhớ nhung

Hay gieo tàn lạnh tận cùng

Vào tim vào não vào lòng vào xương

 

35

 

Gió sao tạt mất yêu thương

Để lòng khỏi nghĩ người dường như ta

Quả tim là chuyện phôi pha

Lời là để lại, người là mất đi

 

36

 

Gió ru như muốn đền nghì

Có khi còn kịp, có khi trễ rồi

Ăn năn khi đứng khi ngồi

Xưa ôm giữ mộng nay hồi tro than

 

37

 

Gió ru như muốn kêu than

Thay người từ cõi lầm than gọi về

Đâu là tuyệt vọng ê chề?

Lòng ai mà chẳng não nề như nhau?

 

38

 

Gió qua cơn trước cơn sau

Cơn buồn bã dứt cơn đau khổ dài

Sống là chờ đến ngày mai

Dù chưa viết hết được bài hôm nay ?

 

39

 

Gió qua không chóng thì chày

Xưa xum vầy lắm thì nay quan hà

Không người, nào có không ta?

Không Trần Gian nữa, có là bài Thơ?

 

40

 

Gió qua lòng đó hững hờ

Ấy là nhan sắc, chẳng chờ tài nhân

Sao là ngần ngại ngại ngần

Mà không tiếp nhận căn phần cho nhau

 

41

 

Gió qua cơn chậm cơn mau

Lá me đường cũ rụng bao nhiêu lần

Một lần hay biết bao lần

Đầu thai trở lại hồng trần nào quên

 

42

 

Gió mang từ dưới lên trên

Những là Không Sự trên nền Thời Gian

Có chăng cứ mãi hoang mang?

Đã là Không Sự sao than thở hoài?

 

43

 

Gió là một nỗi thở dài?

Một lời ngành ngọn trình bày đầu đuôi?

Những gì cuộc sống chôn vùi?

Những gì hôi thối át mùi hương xưa?

 

44

 

Gió là nghĩa thãi tình thừa ?

Quên nhau là đã, mà chưa tận lòng ?

Nhìn nhau lần đó, cuối cùng

Dễ dàng là thế, sao không quên người ?

 

45

 

Gió là một, dù đôi nơi

Vì Thi Ca, lẽ đem đời bỏ đi?

Sống là chỉ có một khi?

Mà sao bỏ mất, cứ ghi mãi Lời?

 

46

 

Gió là hơi thở của trời ?

Để mang đi mất nỗi đời khổ đau ?

Thế mà chẳng rõ vì sao ?

Trong linh hồn tụ biết bao là Sầu ?

 

47

 

Gió là chữ nghĩa nông sâu?

Linh hồn không, thật, biết đâu mà tường?

Có khi chỉ một mùi hương?

Thoáng qua rồi hết, đừng mường tượng chi?

 

48

 

Gió là một nỗi hồ nghi?

Thì cho viết nốt lời bi thiết này

Gió qua đời ngắn đời dài

Đem đêm miên viễn vào ngày thiên thu

 

26.11.1992 – 01.01.1993

(trích BẢY LỜI

LỜI 4 - TRO THAN)

 

Nhà Xuất Bản VĂN HÓA – VĂN NGHỆ

 

MMXII

© nguyenchitrung 2012


*Thân mời quý độc giả và quý văn thi hữu của Hợp Lưu thưởng thức “trường thi” GIÓ trên YOUTUBE kèm theo.


 Nguyễn Chí Trung - Đọc thơ "Gió" tại Palabra En El Mundo, Venezia - 2015

*Bài thơ "Gió" - Đọc một số khổ thơ được chọn từ Bài thơ dài "Gió"




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 2906)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 2183)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 1835)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 3249)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 1872)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 2366)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 3690)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 3111)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 3164)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 4244)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.