- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TẢN MẠN VỀ “HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI”

09 Tháng Tám 20245:10 CH(Xem: 3608)

huyen kieu (2)
Hình 1- bản chép tay

TẢN MẠN VỀ

“HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI”
NP phan

 

 

 

 

TÌNH SẦU là bài thơ nổi tiếng nhất và hay nhất của nhà thơ Huyền Kiêu.

 

Ông tên thật là Bùi Lão Kiều (Có lẽ bút danh Huyền Kiêu xuất phát từ tên của ông là Kiều: Kiêu huyền thành Huyền Kiêu), sinh năm 1915, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông (cũ). Ngoài viết văn, làm thơ ông còn cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội. Ông công tác ở tạp chí Văn Nghệ (HNV), nhà xuất bản Văn học (HLHVHNTVN).

 

Những tác phẩm của Huyền Kiêu: Sang xuân (1960), Mùa cây (1965), Bầu trời (1976).

 

Sau 30 Tháng Tư năm 1975 ông vào Sài Gòn sinh sống. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Hợi), hưởng thọ 80 tuổi.

 

Bài thơ “Tình sầu” đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc mang tên Ngày Xưa Một Chuyện Tình Sầu do ca sĩ Duy Quang trình bày. Nhạc sĩ Việt Dzũng cũng phổ bài thơ thành nhạc phẩm Thu Vàng Có Chàng Tới Hỏi.

 

Đáng tiếc là bài thơ “Tình sầu” hiện nay có khá nhiều dị bản. Theo tôi tìm hiểu thì ít nhất có đến ba (bốn) dị bản.

 

Thứ nhất là bản chép lại từ bản viết tay (Hình 1), được cho là thủ bút của nhà thơ Huyền Kiêu, có ghi địa điểm, thời gian sáng tác và chữ ký của tác giả (bằng mực đỏ), như trang mạng thica.net ghi nhận bản này. Tạm gọi là Bản 1.

 

Tình sầu

 

Xuân hồng có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi hoa ngứt cài đầu

Đi hái phù dung trong nội.

 

Hè đỏ có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi khăn thắm quàng đầu

Đi giặt tơ vàng trong suối.

 

Thu biếc có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi khăn trắng ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi.

 

Đông xám có chàng tới hỏi:

– Em thơ, chị đẹp em đâu?

– Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã nghỉ trong lòng mộ lạnh.

 

Hà Nội mùa thu 1938

 

Bản thứ hai là bản do hoạ sĩ Suối Hoa, con gái của cố thi sĩ Huyền Kiêu công bố. Trang dutule.com dẫn lại trong mục Một bài thơ cũ. Tạm gọi là bản 2.

 

Tình sầu

 

Xuân hồng có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa ngát cài đầu

Đi hái phù dung trong nội

 

Hè đỏ có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu ?

Chị tôi khăn thắm quàng đầu

Đi giặt tơ vàng trong suối

 

Thu biếc có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu ?

Chị tôi khăn trắng ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi

 

Đông xám có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong hầm mộ lạnh

 

1940

 

Bản thứ ba, cũng là bản phổ biến nhất, có trên hầu hết các trang mạng. Tạm gọi là bản 3.

 

 

Tình sầu

 

Xuân hồng có chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi tóc xõa ngang đầu

Đi bắt bướm vàng ngoài nội

 

Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa trắng cài đầu

Đi giặt tơ vàng bên suối

 

Thu xám cũng chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi khăn trắng ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi

 

Đông xám lại chàng tới hỏi

Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong lòng mộ tối

 

1943

 

So sánh giữa bản 1 và bản 2 thì thấy không có sự khác biệt nhiều, ngoài mấy điểm sau đây:

- Bản 1 có dấu (-) đánh dấu lời đối thoại, bản 2 thì không.

- Bản 1: hoa ngứt; bản 2: hoa ngát.

- Bản 1: Đã nghỉ trong lòng mộ lạnh

  Bản 2: Đã ngủ trong hầm mộ lạnh

- Bản 1: năm sáng tác 1938; bản 2: 1940

 

Tôi tìm hiểu thử “hoa ngứt” là hoa gì thì không có kết quả mà chỉ có “hoa ngấy”, “ngấy hương”, họ hoa hồng, một vị thuốc nam.

 

Bản thứ 3, bản phổ biến nhất thì có nhiều khác biệt so với bản 1 và 2:

- Từ “có” trong “có chàng tới hỏi” được thay bằng “vẫn”, “cũng”, “lại” ở câu đầu các khổ thơ sau.

- “Tóc xoã ngang đầu”, “bắt bướm vàng ngoài nội”

- “Hạ đỏ” chứ không phải “Hè đỏ” (?)

- “Đi giặt tơ vàng bên suối” thay vì “trong suối”

- “Thu xám” thay vì “Thu biếc”

- “Đã ngủ trong lòng mộ tối”

 

Tôi nghĩ rằng đã có một sự tam sao thất bản ở đây. Có thể người yêu thơ đã không được tiếp xúc với bản gốc (chính thức) nên đã tự ý đọc hoặc chép thơ theo cảm nhận của riêng mình, hoặc căn cứ vào một bản nào đó trên báo chí rồi truyền cho nhau. Khổ một nỗi là bản này lại là bản phổ biến nhất, nhiều người thuộc nhất.

 

Nhưng mà…

 

Tôi cứ băn khoăn điều này: “Hạ đỏ” hay “Hè đỏ”? Theo như bản gốc của tác giả thì rõ ràng là HÈ ĐỎ, chứ không phải HẠ ĐỎ.

 

Lâu nay vẫn nghe “Hạ đỏ có chàng tới hỏi” giờ thử sửa thành “Hè đỏ có chàng tới hỏi” nghe hơi… sốc, nghe nó không hay, nó thế nào ấy. Vả lại, người ta thường nói Xuân Hạ Thu Đông (Mùa Xuân em đi chợ Hạ, mua cá Thu về chợ hãy còn Đông - Ca dao), chứ ít khi nói Xuân Hè Thu Đông. Thật không hiểu vì sao HÈ ĐỎ hoá thành HẠ ĐỎ…

 

Trước năm 1975, ở miền Nam, thật sự không có nhiều người biết đến Huyền Kiêu. Khi còn tại thế, nhà thơ Đinh Hùng (bạn thân của Huyền Kiêu) có giới thiệu hai bài thơ của Huyền Kiêu là “Tình sầu” và “Tương biệt dạ” nhưng cũng không mấy người yêu thơ biết, không hẳn là vì ông là người của “phía bên kia”, mà thời gian ấy, nhiều tác giả tác phẩm ngoài Bắc, nhất là các nhà văn, nhà thơ tiền chiến vẫn được đưa vào chương trình học, các tác phẩm vẫn được in ấn, phổ biến; mà có lẽ Huyền Kiêu chưa phải là nhà thơ thật sự có tiếng tăm.

ha do (1)

 

Mãi cho đến khi nhà văn Viên Linh, một nhà văn có tiếng thời ấy lấy một câu thơ của Huyền Kiêu trong bài “Tình sầu” là câu “Hạ đỏ có chàng tới hỏi” làm nhan đề cho một cuốn truyện dài của ông thì bạn đọc mới tìm hiểu và biết được phần nào nguồn gốc của tên cuốn truyện.

 

Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20-1-1938 tại Phủ Lý, Hà Nam. Từ năm 1950, ông sống tại Hà Nội. Tác phẩm đầu tiên ông được trả nhuận bút viết năm 14 tuổi, đăng trên Nhật báo Tiếng Dân ở Hà Nội. Ông di cư vào Nam năm 1954.

 

Ông trưởng thành tại Sài Gòn, hoàn toàn sống bằng nghể cầm bút từ 1962, là Tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập... Là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách trước 1975. Ông đạt giải nhất Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc của VNCH năm 1974 với tác phẩm “Gió thấp”.

 

Nhà văn Viên Linh mất ngày 28 tháng 3 năm 2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, thọ 86 tuổi.

 

Tôi là một trong những người hâm mộ nhà văn Viên Linh (mặc dù lúc đó tôi chỉ mới khoảng 15, 16 tuổi). Tôi rất thích thơ ông trong tập “Hoá thân”, đặc biệt là thơ lục bát, đọc truyện ngắn của ông trên các tạp chí thời ấy, một số truyện dài. Năm 1973, tôi mua cuốn “Những mái nhà thấp” của ông, đọc hết mà không có ấn tượng gì (hic). Đến năm sau (1974) thấy công bố ông được giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc với tác phẩm “Gió thấp”. Thì ra, “Những mái nhà thấp” được tái bản với tên “Gió thấp”. Đọc lại thì mới thấy… hay (hic).

 

Năm 1973, nhà văn Viên Linh đã ký hợp đồng độc quyền với nhà xuất bản Khai Hoá và đã in bộ tác phẩm gồm ba truyện dài: “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”, “Lòng gương ý lược” và “Tới nơi em ở”. Tôi chỉ mới đọc được “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”, thấy rất hay. Hình như cuốn này đã được tái bản ở Việt Nam vào năm 2017.

 

Trong các ca khúc do Phạm Duy, Việt Dzũng phổ nhạc bài thơ này đều là Hạ đỏ có chàng tới hỏi”.

 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có cuốn truyện dài “Hạ đỏ” xuất bản năm 1991.

 

HÈ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI đã thành HẠ ĐỎ CÓ CHÀNG TỚI HỎI.



 

Vẫn chưa có câu trả lời.

 

NP phan

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 1717)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 1360)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 2659)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 2733)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 1624)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 2161)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 3069)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 2779)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 2832)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 3767)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.