- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CĂN NHÀ BÊN HỒ LÁ PHONG

10 Tháng Tư 20248:36 SA(Xem: 9890)
 

 

tranh Phương Bình
Tranh PHƯƠNG BÌNH

 

 

CĂN NHÀ BÊN HỒ LÁ PHONG

Truyện ngắn Việt Phương

 

 

* Buổi tối, Ngạc trở về sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn. Ngạc nghĩ tới cô gái Mỹ tóc bạch kim, được tụi Ngạc hùn tiền mướn về để "surprise" Eric. Ngạc nhớ đôi mắt Eric bừng lên ngạc nhiên, cùng dáng điệu lính quýnh khi người con gái gì đầu hắn xuống vùng ngực lồ lộ như hỏa diệm sơn. Cặp chân dài của cô xoắn vào người Eric, bốc lửa. Dư âm của tiếng cười nói, của những nhịp pháo tay rập rình theo theo điệu vũ uốn éo của cô gái khỏa thân vẫn còn theo Ngạc trên đường về. Trời vào đêm dìu dịu, Ngạc lái xe chầm chậm vào con đường hun hút bóng lá. Ngạc vui nên uống khá nhiều, hơi men bây giờ bốc lên nồng trong lòng mũi làm cho Ngạc có cảm giác ngầy ngật. Ngạc hạ cửa kính xe, gió từ mặt hồ thổi mát rười rượi. Ngạc tỉnh ngủ, ngoác miệng nhại theo đoạn cuối bài hát: "... Em đi qua... đùi anh, không... thấy gì sao em..?" (Việt Phương)

 

      

 

     Con đường vẫn còn hấp dẫn với Ngạc, dù đã quá quen thuộc hai bận đi về mỗi ngày. Lúc vừa mới đến đây, Ngạc đã từng ngạc nhiên và trầm trồ về con đường này. Sau thời gian đi lại quá nhiều dưới những bóng lá cắt chia ánh mặt trời ra từng vuông nhỏ. Ngạc đã không còn ngạc nhiên đến độ phát ra tiếng ồ khi gặp cây phong bật gốc, nhưng lá vẫn còn tươm vàng kiêu hãnh trước khi lịm chết ven hồ. Buổi chiều, chàng tan học lang thang dưới những rặng cây. Ngạc yêu quá những ánh tơ vàng lấp lánh như từng sợi tơ tằm vương mắc trên mặt hồ. Mới ngày nào chân ướt, chân ráo đến thành phố này, Ngạc đã vô cùng lạ lẫm dò dẫm từng bước. Nào là ghi danh nhập học, nào là lo kiếm một công việc gì đó để có thêm chút tiền chi phí cho đời sống của một sinh viên tị nạn, lạc loài. Với Ngạc, bước đầu bằng cuộc sống mới thật khó khăn. Nhưng rồi đâu cũng vào đó.

 

Một mình, còn đi học, Ngạc không thể nào đủ sức mướn được chung cư. Đọc báo, thấy có phòng trống cho mướn, Ngạc mới gọi điện thoại và xin đến xem. Đó là căn nhà ba phòng với những dây leo chằng chịt trên vách tường phía ngoài. Chủ nhà là người da trắng, khoảng gần thất tuần. Nhìn khuôn mặt hiền từ thập thò một hồi lâu sau cánh cửa hé, Ngạc đâm ra có thiện cảm. Giới thiệu cho bà biết mình là người đã gọi điện thoại tới để xin coi phòng. Bà mới à à rồi chậm rãi mở dây khóa nhỏ bên trong. Ngạc lách mình vào. Bà lão hỏi tên Ngạc và bảo Ngạc cứ gọi bà là bà Roberts. Thấy Ngạc còn lúng túng, bà bảo Ngạc cứ tự nhiên ngồi. Ngạc trình bày hoàn cảnh của mình và muốn có một nơi yên tĩnh để học hành. Bà hỏi đôi ba lần. Cậu đến từ Việt Nam sao? Ngạc vâng dạ luôn miệng. Cho đến khi dẫn Ngạc đi coi phòng, bà mới nói lí nhí sau lưng Ngạc. Tôi có một đứa con bị chết ở chiến trường Việt Nam. Ngạc im lặng ngắm căn phòng tương lai của mình, nhưng trong lòng bỗng dấy lên một mối xúc cảm kỳ lạ. Bà Roberts hình như còn xúc động vì vừa nhắc đến đứa con trai, bà dựa lưng vào tường để yên cho Ngạc quan sát. Căn phòng đã lâu lắm không có người ở. Bụi bặm cũng nhiều, nhưng tất cả đều nằm theo lớp lang, thứ tự. Từ chiếc bàn gỗ, chậu bông khô nằm co ro trong ánh sáng được hắt từ vuông cửa sổ. Trên tường, đối diện chiếc giường là bức tranh sơn dầu vẽ người thiếu nữ với đôi mắt có đuôi thật buồn. Khuôn mặt nàng sáng trên phông màu xám lạnh. Mái tóc vàng nâu như được tráng kim nhũ óng ả theo góc độ của ánh sáng. Lớp bụi thời gian đã khiến cho bức tranh có một chút gì đó cũ kỹ, trừ đôi mắt. Phải rồi, đôi mắt đang nhìn Ngạc một cách nghi hoặc. Bà Roberts thấy chàng chăm chú nhìn bức tranh khá lâu, lên tiếng. Đây là phòng của Leslie, con gái tôi ngày xưa. Ngạc không ngạc nhiên lắm bởi chàng đang hướng tầm mắt về phía bàn trang điểm với tấm gương hình bầu dục. Trên bàn, vài lọ nước hoa thủy tinh kiểu cọ nằm tiếc thương mùi hương đã bay hơi tự lúc nào. Bà Roberts vội nói. Cậu có thể dời chiếc bàn này vào phòng của con trai tôi. Tôi đã dùng phòng nó để chứa những thứ lỉnh kỉnh lâu rồi. Ngạc nhìn chiếc giường "queen size" được phủ bởi tấm trải giường xám với từng đốm đen trắng xen kẽ, tăng phần lạnh lẽo trong căn phòng. Bên ngoài cửa sổ là khu vườn không ai chăm sóc, cỏ dại mọc tràn lên hàng rào gỗ đã đổi màu nâu tím, có một vài nơi mục rã, xiêu vẹo.

 

Ngạc theo chân bà Roberts ra ngoài phòng khách. Chàng tỏ thái độ rất hài lòng về căn phòng này.Trong lòng vẫn còn thắc mắc, phòng con gái tại sao lại chọn màu hai màu xám đen làm chủ đạo? Bà Roberts bảo. Cậu phải chịu một số điều kiện trước khi đồng ý dọn vào. Ngạc thắc mắc. Điều kiện gì? Bà Roberts nghiêm giọng. Đơn giản lắm. Cậu phải cắt cỏ và chăm sóc lại khu vườn nhà tôi. Không được đưa bạn bè đến. Căn phòng cậu có thể thay đổi tất cả, trừ bức tranh của Leslie phải giữ nguyên như cũ. Ngạc chăm chú lắng nghe. Bà Roberts nói tiếp. Tôi không còn thân nhân. Gia đình tôi gốc Ái Nhĩ Lan di dân qua đây, chết dần chết mòn hết. Ngạc im lặng như đọc từng trang sách ký ức lần lược được bà Roberts mở ra. Chàng mường tượng những giọt nước mắt của một người cô đơn nhỏ xuống vàng ố một vùng ký ức mịt mờ. Chồng bà đã qua đời cách đây mười năm. Có hai đứa con, một trai và một gái. Người con trai tên Tommy đã chết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Còn cô con gái Leslie thì bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu đúng vào ngày ông Roberts qua đời. Ngạc bối rối nhìn bà Roberts. Người ta khuyên bà vào viện dưỡng lão, nhưng và không muốn. Ngạc ngồi nghe bà Roberts nói chuyện, như đang trệu trạo nhai từng viên sỏi. Giọng bà rời rạc như những nốt nhạc đơn điệu được phát ra bởi bàn tay măng non của đứa bé đang dọ dẫm từng phím đàn. Trong tâm Ngạc gợn lên làn sóng thương cảm lạ lùng. Một bà lão sống âm thầm trong gian nhà với nhiều quá khứ buộc ràng thật không đơn giản. Ngạc nén tiếng thở dài. Một già, một trẻ hai màu da đang cùng nhau nâng niu lật từng trang kỷ niệm. Thỉnh thoảng, Ngạc đảo mắt nhìn quanh lên tường nhà. Những hình ảnh vàng vọt nằm trong từng khung gỗ chạm trổ, treo theo tứ tự thời gian. Hình bà Roberts cùng chồng ngày còn trẻ. Hình bà Roberts bế đứa con đầu tiên đứng bên chồng, rồi đứa con thứ hai. Hình hai người con lúc lớn lên... Mắt Ngạc dừng lại tấm hình cuối cùng: một người con gái với khuôn mặt rất quen, Ngạc nhíu mày nghĩ tới bức tranh sơn dầu lúc nãy. Phải rồi! Chính nàng. Vẫn đôi mắt đầy nghi hoặc, vẫn sống mũi thẳng và cặp môi lúc nào cũng chờ sẵn để nhép lên nụ cười giễu cợt. Bỗng nhiên, Ngạc đâm yêu không khí trong căn nhà này. Mọi vật đều cũ kỹ, nhưng đối với Ngạc mỗi thứ đều tẩm một hương vị ngọt ấm của gia đình trung lưu, nề nếp. Từ những chiếc bàn ghế đến những vật ngoạn khí được trưng bày có dụng ý, khiến Ngạc hình dung tới những bàn tay và tấm lòng của mỗi một người trong gia đình này đã trân trọng đặt vào. 

 

Những điều kiện bà Roberts đề ra, Ngạc đều thấy không có gì trở ngại. Lần đầu tiên nhìn khu vườn sau vuông cửa sổ là Ngạc đã có ý định sửa sang lại khu vườn, khi vào ở và nếu được cho phép. Chàng không có bạn thân khả dĩ có thể mời về nhà, hơn nữa Ngạc cũng muốn có một chỗ yên tĩnh để học hành và nghỉ ngơi.

 

Chưa vào ở mà Ngạc đã có cảm tình đặc biệt với không khí ở đây. Rất hợp với tâm hồn hoài cổ của chàng. Ngạc bày tỏ ý thích được sống trong căn nhà này. Bà Roberts mỉm cười. Tôi cũng nghĩ là cậu thích. Thật ra thì tôi cũng là một người di dân, tôi hiểu nỗi khổ tâm của cậu. Tôi lại cần một người như cậu ở trong nhà để khỏi phải thấy trống vắng. Hơn nữa, tôi cũng sắp sửa về với Chúa, có thêm người bên cạnh tôi những ngày tháng cuối đời dầu sao vẫn hơn. Lúc trước, vườn nhà tôi có người chăm sóc định kỳ, dạo này tôi không thường ra vườn, nên không cần họ phải làm. Chỉ có sân trước, tôi có nhờ cậu bé bên cạnh nhà cắt cỏ giúp và cho nó ít tiền, thế thôi. Nói mới nhớ. Thằng bé thật ngoan và lễ phép. Ngạc cao hứng:

 

"Sau này tôi sẽ chăm sóc sân trước lẫn vườn sau. Tôi sẽ trồng hoa và đưa bà ra phơi nắng, ngắm hoa mỗi ngày."

 

Bà Roberts cười móm mém. Ngạc cười theo. Ngạc thấy khoảng cách giữa chàng và bà Roberts như thu ngắn lại sau nụ cười của bà. Ngạc rụt rè hỏi bà số tiền chàng phải thanh toán hàng tháng, nhưng chàng rất ngạc nhiên khi bà Roberts lắc đầu. Thấy Ngạc do dự, bà Roberts bảo:

 

"Tôi già rồi lại không có con cái, tôi lấy thêm tiền để làm gì? Thật ra tôi cũng cần sự giúp đỡ của cậu."

 

Ngạc dọn đến nhà bà Roberts vào đầu xuân. Chàng bắt tay vào làm lại khu vườn sau nhà. Trước tiên, Ngạc mua gỗ về sửa lại hàng rào đã mục. Sau đó, chàng mới cắt cỏ và sới đất lên thành từng vồng ven hàng rào. Ngạc trồng vào đó những bụi hồng leo. Và hoa uất kim hương, Ngạc chọn màu huyết dụ và màu vàng ươm dọc theo lối đi. Bà Roberts thỉnh thoảng ra đứng nhìn Ngạc làm việc một cách thích thú. Cho đến một buổi sáng, chính bà Roberts chủ động gõ cửa phòng Ngạc dồn dập. Ngạc hốt hoảng tung mình xuống giường. Bà hân hoan khoe uất kim hương đã trổ hoa. Ngạc hớn hở theo bà Roberts ra vườn. Uất kim hương đã bắt đầu nở những đóa hoa ngượng ngùng. Ngạc bật lên tiếng kêu vui mừng. Chàng dìu bà Roberts đến ngồi cạnh chiếc bàn đá, nói vội:

 

"Để tôi vào làm điểm tâm rồi chúng ta cùng thưởng thức hoa. Bà xem hai màu uất kim hương tôi chọn có đúng như ý bà thích không?"

 

Bà Roberts mỉm cười gật gù. Bà nhìn không rời những cánh hoa vừa hé nụ. Ngạc vội vã vào bếp. Chàng trở ra với một khay cà phê cùng bánh mì nướng, mứt dâu cho bà Roberts, còn chàng là hai cái trứng chiên và một khúc xúc-xích. 

 

Ngạc rót cà phê ra tách, chàng tự động thêm sữa tươi vào cho bà Roberts. Ngạc biết bà có thói quen uống cà phê với sữa tươi cùng hai viên đường.. Ngạc trét mứt vào lát bánh mì đưa cho bà Roberts trong khi nói:

 

"Tôi không ngờ hoa lại nở sớm như thế."

 

Bà Roberts đỡ lấy bánh, miệng cảm ơn, rồi tiếp:

 

"Cũng nhờ công lao của cậu đó. Đã lâu lắm rồi tôi chưa có một buổi điểm tâm nào tuyệt vời như hôm nay."

 

Ngạc nhìn những sợ tóc bạc bay phất phơ trong ánh nắng mai, lòa xòa  trước trán bà Roberts. Không dưng, chàng nhớ đến mẹ mình quay quắt.

 

Lúc ngồi trong lớp học. Ngạc như muốn bay về khu vườn do chính tay chàng chăm sóc để xem hoa đã nhú thêm mấy nụ. Chàng thấy ấm lòng khi nhớ tới khuôn mặt rạng rỡ của bà Roberts bên vườn hoa sau nhà. Mấy tháng nay, Ngạc đã cố tình học cách nấu thức ăn Mỹ để nấu ăn chung với bà Roberts. Bà thích những món ăn thật mềm. Như soup thịt bò rau cải. Ngạc đã đi mua chiếc nồi nấu soup, chàng cho thịt bò cắt từng miếng vuông bằng đầu ngón tay cái vào đó, vặn nhiệt độ thấp, nấu cho nhừ. Sau đó Ngạc đã cẩn thận tỉa từng cánh hoa cải trắng Cauliflower, cà-rốt, khoai tây, cà chua, đậu ngự, bắp... chàng còn mua đậu tuyết bỏ vào... trông không thua gì soup bán ở nhà hàng Mỹ. Bà Roberts nói món soup "thập cẩm" này chỉ có chàng là nghĩ ra mà thôi. Nhưng ngon tuyệt. Bà nói sau khi nếm thìa soup đầu tiên. Bà còn thích khoai tây nghiền. Đôi khi Ngạc mua cá làm sẵn được lột da trắng phau ở chợ Mỹ về ướp bột tỏi, muối, thì là, chưng lên. Sau đó chàng cho vào đĩa một lát chanh, vài cọng ngò làm dáng. Những lúc đó bà Roberts trầm trồ khen ngợi mãi, làm Ngạc vui lây. Bà nói bà may mắn có chàng ở trong nhà. Không bao lâu, Ngạc đã biết làm nhiều món ăn Mỹ. Thức ăn Mỹ nấu đơn giản hơn món ăn Việt Nam nhiều, thành ra Ngạc không tốn bao nhiêu công phu. Ngạc nghĩ trong đầu, bà Roberts đã không lấy tiền nhà của mình thì đi chợ nấu ăn cho bà là một việc nên làm. Hơn nữa, để cho bà ăn thức ăn đóng hộp từ ngày này qua ngày khác cũng tội nghiệp. Phần Ngạc thì đơn giản, lúc nào thèm cơm Á Đông, chàng ghé vào một quán ăn Tàu nào đó, về nhà cứ nói dối với bà Roberts là chàng được bạn bè mời đi ăn. Những lúc ấy, Ngạc cũng ngồi nhìn bà Roberts ăn và trò chuyện với bà đôi câu. Có lần bà Roberts ngỏ lời gửi tiền chợ cho Ngạc, nhưng chàng khăng khăng từ chối. Điều đó khiến bà giận hờn như con nít. Bà không thèm đụng tới thức ăn của Ngạc nấu. Nhưng chỉ được hai bữa, bà lại cưới hóm hỉnh. Không ăn những món của cậu nấu thật là lãng phí. Cũng có khi Ngạc cùng bà đi ăn ngoài, thường thì những "cafeteria", nơi có những món ăn hợp khẩu vị của những ngưới lớn tuổi như bà Roberts. Những lúc ấy, Ngạc thường chịu đựng những đôi mắt tò mò đầy kỳ thị, nhìn một chàng trai Á Đông dìu một bà lão Mỹ vào quán ăn ở một thành phố nhỏ xíu miền đông nước Mỹ.

 

*

 

Buổi tối, Ngạc trở về sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn. Ngạc nghĩ tới cô gái Mỹ tóc bạch kim, được tụi Ngạc hùn tiền mướn về để "surprise" Eric. Ngạc nhớ đôi mắt Eric bừng lên ngạc nhiên, cùng dáng điệu lính quýnh khi người con gái gì đầu hắn xuống vùng ngực lồ lộ như hỏa diệm sơn. Cặp chân dài của cô xoắn vào người Eric, bốc lửa. Dư âm của tiếng cười nói, của những nhịp pháo tay rập rình theo theo điệu vũ uốn éo của cô gái khỏa thân vẫn còn theo Ngạc trên đường về. Trời vào đêm dìu dịu, Ngạc lái xe chầm chậm vào con đường hun hút bóng lá. Ngạc vui nên uống khá nhiều, hơi men bây giờ bốc lên nồng trong lòng mũi làm cho Ngạc có cảm giác ngầy ngật. Ngạc hạ cửa kính xe, gió từ mặt hồ thổi mát rười rượi. Ngạc tỉnh ngủ, ngoác miệng nhại theo đoạn cuối bài hát: "... Em đi qua... đùi anh, không... thấy gì sao em..?" Bài hát "Người đi qua đời tôi", được Phạm Đình Chương phổ từ thơ Trần Dạ Từ, khi bị Ngạc cao hứng sửa lời. Ngạc thấm ý cười khằn khặc. Giọng Thái Thanh cao vúi nất lên đau đớn để chấm dứt bản nhạc. Tâm trạng Ngạc chẳng thấy buồn như trong bài hát. Có lẽ rượu đã làm cho Ngạc thèm chút âm thanh. Cho dòng máu trẻ sôi lên một chút ngông nghênh. Đêm lạc lõng tiếng hát  Việt Nam lè nhè trong men rượu. Ngạc đang nghe nhạc buồn với tâm trạng của một kẻ vui trong men say, nên chàng không còn cảm giác xúc động như mọi lần. Ngày mai cuối tuần. Ngạc chưa muốn về, sợ đem hơi rượu nồng nặc vào nhà. Đêm thơm mùi phi lao, Ngạc dừng xe, bước xuống hít đầy buồng phổi làn không khí ngọt. Những ngọn đèn nối nhau từ xa lộ bên kia bờ hồ dọi những tia sáng xuống mặt nước phẳng lặng. Ngạc châm thuốc, làn khói xám lễnh mễnh lượn trong không gian. Đêm trôi trên bầu trời những vì sao giác thủy ngân lấp lánh. Giờ này chắc bà Roberts đã lên giường đọc sách, những cuốn "Reader's Digest" chữ lớn được bà đặt mua hàng tháng, thỉnh thoảng Ngạc có mượn của bà để đọc. Ngạc rít thêm hơi thuốc cuối cùng rồi ném tàn xuống mặt hồ. Chàng dõi mắt nhìn theo đốm lửa đang vẽ một đường vòng cung vội vã trước khi lao mình xuống nước. Cơn gió thổi hắt lên da thịt Ngạc một chút bức rức. Chất rượu như muốn tăng thêm nồng độ trong cơ thể chàng. Máu trong người Ngạc không dưng rần rật chảy theo từng ảo giác. Ngạc nghe nhờn nhợn trong cổ họng. Chàng gục đầu vào gốc cây. Những thức ăn chưa kịp tiêu hóa, thông thốc ùa ra khỏi miệng. Ngạc vuốt ngực, chuệnh choạng bước đến xe.

 

Trái với suy nghĩ của Ngạc, bà Roberts vẫn chưa vào phòng. Ngạc mở cửa nghiêng ngã bước vào, bối rối khi thấy bà Roberts đang nói chuyện với khách bên ánh đèn mờ nhạt. Cả hai cùng quay lại. Bà Roberts vui vẻ giới thiệu cho Ngạc biết người ngồi bên cạnh không ai khác hơn là Leslie. Đứa con gái đã bỏ nhà ra đi từ mười năm trước. Ngạc bắt tay Leslie, bỗng thầy lành lạnh khi nhìn nụ cười của nàng nhếch lên một cách giễu cợt. Ngạc không thể nào đoán nổi tuổi tác của nàng, bởi vì cô bây giờ và Leslie của mười năm trước trong bức tranh ở phòng Ngạc không có gì thay đổi hết. Vẫn đôi mắt nghi hoặc thoáng chút bướng bỉnh, vẫn đôi môi trệ xuống như lúc nào cũng sẵn sàng mở ra nụ cưới giễu cợt. Ngạc lên tiếng chúc mừng cuộc hội ngộ của hai mẹ con và vội vàng cáo từ vào phòng riêng. Cơn say làm Ngạc quên khuấy việc nhường phòng mình lại cho Leslie. Ngạc ngả lưng xuống giường, chàng chăm chú nhìn bức chân dung trước mặt cho đến khi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

 

Ngạc thức giấc nửa đêm khi tay chàng bỗng đụng vào vùng da thịt mát lạnh. Ngạc hốt hoảng ngồi bật dậy, bỗng thấy bàn tay tháp búp đặt trên miệng chàng. Suỵt. Suỵt. Mùi da thịt đàn bà, mùi nước hoa xông vào khứu giác Ngạc nỗi hân hoan bất chợt. Leslie ghì cổ Ngạc, đẩy chàng nằm xuống với bờ môi đầy, tham lam. Ngạc chới với ôm lấy vùng tóc mềm đang từ từ chùm khuất mặt Ngạc. Ngạc nghe trong mình hơi thở dồn dập. Chất men loãng tan trong máu những rạo rực ham muốn. Ngạc ghì lấy phần da thịt mềm mại, trắng muốt. Leslie trườn trên mình Ngạc như loài rắn đang ngứa mình lột da. Nàng ngoáy lưỡi trên đầu mũi Ngạc rồi thổi những khoái cảm vào tận não bộ chàng. Ngạc rướn mình khi bàn tay Leslie luồn xuống bụng chàng, tinh nghịch... Leslie ngồi múa trên mình Ngạc vũ điệu của loài rắn trong cơn giao hoan.

 

Buổi sáng thức dậy, Ngạc thấy mình trần truồng dưới làn vải giường. Chàng lười biếng khua tay tìm Leslie, không có nàng bên cạnh. Ngạc nhắm mắt nhớ đến khuôn mặt Leslie cúi xuống rà thật sát trên thân thể chàng tối qua. Ngạc mỉm cười bước vào phòng tắm. Chàng huýt sáo những điệu vui tươi cùng tia nước đầu ngày đổ xuống thân thể. Có thể Leslie đang trò chuyện với bà Roberts ở phòng điểm tâm. Cũng có thể cả hai đang ngồi uống cà phê ngoài vườn và bà Roberts đang khoe khoang công trình của Ngạc. Ngạc nghĩ tới sẽ rủ Leslie đi dạo quanh bờ hồ với chàng sáng nay để nhìn những con thiên nga quấn quít nhau trên làn nước mát. Buổi sáng mùa xuân nắng mượt mặt hồ. Nắng trải nhựa mạch nha trên từng sống lá. Ngạc hình dung mái tóc nâu mềm của Leslie rực rỡ trong ánh nắng mùa xuân. Ngạc thèm một lần nữa được lùa tay vào trong đó.

 

Ngạc hớn hở bước ra bếp, không có ai ở đó. Chàng kiễng chân nhìn ra vườn, chỉ có một mình bà Roberts ngồi nhấp cà phê trên ghế đá quen thuộc. Ngạc mang cà phê ra ngồi xuống cạnh bà. Chàng cất giọng tươi tỉnh:

 

"Good morning, Mrs. Roberts."

 

Bà Roberts thờ ơ đáp lại. Đôi mắt bà đang nhìn cánh bướm chập chờn bên đóa hồng leo trên hàng rào gỗ.

 

"Leslie đâu rồi?"

 

Ngạc lên tiếng hỏi. Bà Roberts thở dài:

 

"Lại đi nữa. Không biết bao giờ nó mới trở lại?"

 

Ngạc bật lên tiếng kêu nhỏ trong cổ:

 

"Cô ấy không từ giã với bà sao?"

 

Bà Roberts lắc đầu. Ngạc nói bâng quơ:

 

"Thế mà tôi cứ tưởng cô ấy về đây ở luôn với bà chứ?"

 

Bà Roberts cất giọng xa vắng:

 

"Nó không bao giờ nghe lời tôi đâu."

 

Ngạc im lặng nhấp ngụm cà phê đầu tiên trong ngày. Không dưng chàng thấy mùi cà phê hôm nay nhạt nhẽo vô cùng. Ngạc cố tình khơi chuyện với bà Roberts nhưng thấy bà chỉ đáp cầm chừng, nên thôi. Ngạc len lén rút vào bên trong để cho dòng suy tư của bà Roberts không bị gián đoạn. Mắt bà vẫn đăm đăm nhìn con bướm vàng, dạn dĩ không muốn bay. Ngạc đoán hiểu tâm trạng của bà Roberts. Đứa con xa cách bao nhiêu năm, nay trở về đột ngột và ra đi cũng bất chợt. Ngạc vào phòng. Chàng đứng nhìn rất lâu bức chân dung của Leslie. Hình như trong đôi mắt ấy đang muốn nói với Ngạc điều gì.

 

*

 

Đó là lần duy nhất Ngạc gặp được Leslie. Ngày bà Roberts qua đời. Ngạc đã đăng báo tìm Leslie để báo tin mẹ nàng mất, nhưng không một dấu hiệu nào chứng tỏ là nàng đã biết. Một hôm, luật sư của bà Roberts đến tìm Ngạc. Ngạc lo sợ không biết chuyện gì đã xảy ra. Chàng mời luật sư vào nhà. Có thể ông đến để đuổi Ngạc ra khỏi nhà bà Roberts chăng? Điều này thì Ngạc cũng đã chuẩn bị với tư thế dọn ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Nhưng không. Ông luật sư Smith chậm rãi mở cặp đưa cho Ngạc bức chúc thư của bà Roberts. Ông giải thích bà Roberts đã để lại toàn bộ tài sản của bà cho Ngạc, kể cả một triệu Mỹ kim ở nhà Bank, trong trương mục tiết kiệm của bà. Ngạc há hốc miệng ngồi nghe ông luật sư Smith giải thích. Như không tin chính ở tai mình.

 

Ngạc âm thầm sống trong căn nhà cũ cùng những kỷ niệm với bà Roberts. Có lúc, chàng mơ hồ thấy bà vẫn còn đó. Nhiều lần, Ngạc nghe như có tiếng bước chân di động trong nhà. Có đêm, Ngạc còn nghe tiếng rì rào nói chuyện ngoài phòng khách. Ngạc bật đèn, bước ra. Chàng mỉm cười và cho rằng trí tưởng tượng của mình đã đi quá xa. Ngạc vẫn đăng báo và hy vọng ngày nào đó Leslie nhận được tin chàng. Có thể nàng cần một số tiền. Hoặc nếu được, Leslie sẽ về ở chung với chàng thì còn gì bằng. Như thế thì căn nhà đỡ trống vắng. Khu vườn phía sau, Ngạc đã tự tay trồng thêm rất nhiều loại hoa lạ, và trang trí nhiều tượng đá. Chàng nghĩ bà Roberts có hiện diện đâu đó trong căn nhà này sẽ rất hài lòng. Nếu thêm Leslie nữa, buổi sáng cùng nàng ngắm vườn thì tuyệt vời. 

 

Ngạc đã ra trường, chàng không nghĩ tới chuyện kiếm việc làm. Ngạc đi học thêm hội họa và vui với công việc của mình. Rảnh rỗi thì đọc thêm sách. Có lần, Ngạc tình cờ bắt gặp trong tranh thiếu nữ của mình có đôi mắt của Leslie. Ngạc buông cọ, thẫn thờ ngồi ngắm bức tranh dang dở. Không những chàng vẽ đôi mắt giống Leslie mà còn đôi môi nữa. Chàng đâu cố tình vẽ trệ xuống một bên như thế? Ngạc chẳng biết mình đã bắt đầu yêu Leslie từ lúc nào? Hình như tối nào Ngạc cũng nằm ngắm bức tranh sơn dầu của Leslie trước khi nhắm mắt. Rồi mộng mị đưa trí óc Ngạc trôi lềnh bềnh qua nhiều ảo giác, nhưng rất thực. Nơi đó, có Leslie với những động tác nhún nhẩy và mái tóc nâu bay nhảy trên đôi vồng ngực trắng, căng tròn.

 

Thỉnh thoảng, Ngạc cũng đi du lịch một vài nơi, nhưng đến khi trở về thì chàng lại có cảm giác ấm cúng, ngọt ngào réo gọi. "Home sweet home", đúng như người Mỹ thường nói. Ngạc có cảm tưởng ngày chàng càng gắn bó với căn nhà này, không thể tách rời được. Đến bây giờ Ngạc còn nhớ Leslie một đêm nào đó vào phòng chàng. Ngạc nhớ như in điệu múa của loài rắn, bò sát trên thân thể chàng. Và ngấn cổ trắng khi nàng rướn người lên trong cơn khoái cảm, cùng tiếng kêu bật thoát khỏi vành môi. 

 

Một hôm, Ngạc cho người sửa sang lại căn nhà. Chàng bồi hồi vào phòng bà Roberts sắp xếp lại đồ đạc cho vào thùng. Bỗng chàng khám phá ra cuốn nhật ký của bà Roberts. Ngạc thấy một bài báo vàng úa được cắt từ tờ "Washington Post" đăng ngày 12.8.1968. Bài báo với nhan đề: Nạn Nhân hay Thủ Phạm Giết Người?". Bên cạnh là bức hình chụp Leslie. Dưới hình có lời chua: "Leslie Roberts, người đã bắn hai viên đạn vào đầu ông Tim Elton trong khách sạn Ramada trước khi tự sát.". Bài báo được đính vào trang nhật ký cùng ngày, với những giòng chữ viết tay của bà Roberts bị nước mắt làm nhoè ố theo thời gian...

 

Việt Phương

 

 

 

VietPhuong
Việt Phương 2024



 

Tác Giả VIỆT PHƯƠNG:

 

Tên thật: Lê Xuân Phương, Sinh năm1959 tại Huế

Trung học: Võ Tánh, Nha Trang. Vượt biên đến Hồng Kông năm 1982

Định cư ở Texas, Hoa Kỳ cuối năm 1983.

Tốt nghiệp Electrical Engineering, đại học UTA Texas, Hoa Kỳ.

Khởi viết năm 11 tuổi trang Mai Bê Bi (báo Chính Luận)

Từng cộng tác: Làng Văn Magazine, Văn, Việt Magazine, Kinh Tế Thị Trường, Thế Giới Mới, Trẻ….

 

Tác phẩm:

* Thơ:

-Trên Những Ngậm Ngùi, 1990, Việt Publications Canada, xuất bản.

-Mẹ Bên Kia Bờ Đại Dương, 2015 Hoa Kỳ

* Truyện:

-Trước Bến Văn Lâu, 1993 Làng Vǎn, Canada xuất bản.

-Dấu Chân Rết Trên Khuôn Mặt Buồn, 1996, Lạc Việt, Hoa Kỳ xuất bản.

-Trong Khu Vườn Rêu Cũ, 1996, Lạc Việt, Hoa Kỳ xuất bản.

-Trôi Trong Nỗi Nhớ, 2000 Làng Văn, Canada xuất bản.

-Mộng Trường So Le, 2000, Làng Văn, Canada xuất bản.

-Thung Lũng Bướm, 2014, Trẻ, Hoa Kỳ xuất bản.  

* Nhạc:

Tình Khúc Việt Phương

-Biển Sầu- CD, 2013 Hoa Kỳ

-Tango Đen- CD 2015 Hoa Kỳ

-Cha Bỏ Con Đi, Vol.- 1, 2021 Hoa Kỳ

-Mẹ, Vol.- 2, 2022 Hoa Kỳ

-Thềm Rêu, Vol.- 3, 2022 Hoa Kỳ

-Tình Cạn, Vol.- 4, 2023 Hoa Kỳ

-Giọt Nắng Vô Thường, Vol.- 5, 2023 Hoa Kỳ

-Khi Mùa Xuân Đến (Ns Linh Phương Độc tấu Dương Cầm), Vol. - 6, 2023 Hoa Kỳ.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 8235)
Thế nào gọi là tiểu-thuyết-mới (Nouveau Roman). Đó là câu hỏi của những người chuyên viết về tiểu thuyết và những người thường đọc tiểu thuyết. Giữa hậu bán thế kỷ XX; một phong trào văn chương thuộc thế hệ trẻ Pháp như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute, Pierre Bourdier…được tung ra giữa “thị trường” văn học thời ấy vào đầu thập niên 1962,cái gọi là Tiểu-Thuyết-Mới, lập tức phong trào nầy được khám phá ngay, không những ở Pháp mà ngay một vài nước khác trên thế giới,Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng phong trào thời thượng lúc đó, kể cả bộ môn nghệ thuật khác, tuy không rực rở nhưng đã hội nhập được với trào lưu thời bấy giờ…
14 Tháng Tư 202411:29 SA(Xem: 9867)
đã tháng tư rồi ... mây vẫn bay nước xuôi dòng cũ … ngày qua ngày đôi khi cứ tưởng là trong mộng một triệu vui buồn cuộc đổi thay *
14 Tháng Tư 202411:02 SA(Xem: 8496)
- “Chiều nay chị nhớ về thăm mẹ, chị vắng năm mười ngày lại nhắc. Hổm rày, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngõ sau, dáng như chờ đợi ai!”. Chị em cô Hai tình cờ gặp nhau trên bến sông, lúc cô đang bưng rổ cá từ thuyền lên bờ. Thoáng nghe em trai nhắc nhở về mẹ, tay cô trĩu nặng và lòng nhói lên nỗi niềm sâu kín, lặng nhìn một hồi lâu về bên kia sông, nơi có tuổi thơ cô và với bao người sướng vui buồn khổ đến rồi lại đi như dòng nước lớn ròng của dòng sông quê mẹ. Càng có tuổi người ta có nhiều hồi ức về thời xa xưa, có khi sống với nó hàng giờ như kẻ mộng du.
14 Tháng Tư 20249:53 SA(Xem: 9295)
Tôi vẫn nghĩ vợ chồng sống được với nhau cả một đời thì thương nhau phải biết. Tôi không có được cái may mắn này nhưng tôi thích ngắm những cặp đôi người già bên nhau ở tuổi xế chiều. Tôi trân trọng những đôi vợ chồng thương yêu kề cận suốt cuộc đời. Nhớ lời của bài hát hồi xưa tôi hay nghe: "Nhiều năm trời chẳng thương tình, để em làm kẻ đa tình". Phụ nữ khi ly hôn chồng thi thường có nhiều người khác phái để ý nhưng tôi không hề làm kẻ đa tình yêu đương vớ vẩn đâu nhé, tôi biết chắc rằng tôi là người chung thủy nếu tôi gặp đúng một người thương.
08 Tháng Tư 20248:51 CH(Xem: 9911)
Từ phòng ngủ của Tư-Lệnh bước ra, Y-Sĩ Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển xúc động, nghẹn ngào : “Thiếu-Tướng… đi rồi!” … Các Sĩ-Quan hiện diện, không cầm được nước mắt, kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt chủ tướng. Bác-sĩ Đàm-Quang-Hiển, hiện định cư tại Mỹ, bang Minesota, nguyên là y sĩ trưởng Sư-Đoàn 5 Bộ Binh, kiêm Tiểu-Đoàn-Trưởng Tiểu-Đoàn 5 Quân-Y. Vào trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy, ông được gọi lên, với hy vọng cấp cứu Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh vừa dùng súng tự sát... Bác sĩ Hiển khám nghiệm, bắt mạch….Nhưng không kịp ! Người đã “đi” rồi! Ôi ! Thực buồn làm sao!
04 Tháng Tư 202410:16 CH(Xem: 8977)
PHÂN ƯU / Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo / VIÊN LINH / tên thật là Nguyễn Nam Tạ thế ngày 28 tháng 3, 2024 tại Annandale, VA, Hoa Kỳ / Hưởng Thọ 86 tuổi
03 Tháng Tư 20248:43 CH(Xem: 9647)
Nhận được tin buồn / Cụ Bà : TRẦN THỊ NGÃI / Pháp danh:QUẢNG NIỆM / Sinh ngày 10 tháng 5 năm 1929 tại Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 25 tháng 03 năm 2024 / (Nhằm ngày 16 tháng 02 năm Gíap Thìn) / Tại San Jose, California, Hoa Kỳ Hưởng thượng thọ 95 tuổi.
03 Tháng Tư 20247:59 CH(Xem: 8643)
Bà Trần Thị Ngãi, Pháp Danh Quảng Niệm, Sinh ngày 10 tháng 5, năm 1929 tại Đà Nẵng Đã từ trần ngày 25 tháng 3 năm 2024 tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Hưởng Thọ 95 tuổi
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 11279)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 10783)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào