- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHÚNG NÓ ĐÂU PHẢI LÀ CHỒNG CỦA EM

26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 19610)

RAYMOND-CARVER

Truyện ngắn - Raymond Carver

Chuyển ngữ – Hoàng Chính

Lời người dịch: Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).

Truyện ngắn “Chúng Nó Đâu Phải Là Chồng Của Em” Hoàng Chính dịch từ “They are not Your Husband” trích từ tập “Short Cuts” một tuyển tập chín truyện ngắn và một bài thơ được chuyển thành phim năm 1993.

Ngày 2 tháng Tám 1988, Carver qua đời ở tuổi 50 vì ung thư phổi.

***

Làm nghề đi chào hàng nhưng bây giờ hắn đang thất nghiệp. Vợ hắn thì vẫn làm bồi bàn ca đêm tại một quán cà phê mở cửa 24 tiếng một ngày ở ven biên thành phố. Một đêm nọ, trong lúc đang nhấm nháp ly rượu, hắn nảy ra ý định ghé quán cà phê chỗ vợ làm để kiếm món gì ăn. Hắn muốn xem chỗ vợ làm việc, và cũng muốn kiếm món gì ăn mà không phải trả tiền.

Hắn ngồi ở quầy, chăm chú đọc tờ thực đơn.

“Anh làm gì ở đây vậy?” vợ hắn hỏi lúc trông thấy hắn.

Cô đưa mảnh giấy đặt món ăn cho người đầu bếp. “Anh tính gọi món gì?” Cô nói. “Mấy đứa nhỏ sao rồi?”

“Tụi nó ô-kê,” hắn nói. “Cho anh một ly cà phê và một miếng bánh mì kẹp số hai kia.”

Vợ hắn ghi xuống giấy.

“Có hy vọng là... em biết mà?” hắn nói và nháy mắt với vợ.

“Không,” cô ta nói. “Đừng nói chuyện với em bây giờ. Em đang bận.”

Hắn uống cà phê và chờ bánh mì. Hai gã đàn ông mặc áo vét, cà vạt nới lỏng, cổ áo tháo cúc, ngồi xuống bên cạnh hắn và gọi cà phê. Lúc vợ hắn đi về phía bình lọc cà phê, một gã nói với bạn, “Coi cái mông con nhỏ kia. Hết biết luôn!”

Gã kia cười, “Tôi đã từng thấy những cái ngon hơn thế nhiều.”

“Thì ý tôi nói là vậy đó,” gã thứ nhất nói. “Nhưng có nhiều thằng ngốc lại thích những cái mông mũm mĩm.”

“Không có tôi trong đó,” gã kia nói.

“Tôi cũng không,” gã thứ nhất nói. “Ý tôi muốn nói vậy đó.”

Vợ hắn đặt miếng bánh mì xuống trước mặt hắn. Bên cạnh miếng bánh mì còn có khoai tây chiên, cải muối, dưa leo chua.

“Cần gì nữa không?” cô nói. “Một ly sữa nha?”

Hắn lặng thinh. Và khi thấy vợ vẫn đứng đó, hắn lắc đầu.

“Để em lấy thêm cà phê,” cô nói.

Cô trở lại mang theo bình cà phê, rót thêm cà phê cho hắn và hai gã đàn ông. Rồi cô lấy một cái đĩa và quay đi để lấy kem. Cô cúi xuống tủ đá đựng kem, dùng cái muôi múc kem lên. Cái váy màu trắng vướng ở hông và chuồi lên khỏi bắp chân cô. Lộ ra chiếc váy lót màu hồng, và khoảng đùi nhăn nheo xám ngoắt lưa thưa những sợi lông, cùng với những đường gân xanh chạy ngoằn ngoèo.

Hai gã đàn ông ngồi bên cạnh hắn nhìn nhau. Một gã nhướng cặp lông mày. Gã kia nhe răng cười và tiếp tục nhìn lướt qua ly cà phê đến chỗ cô đang rưới sô-cô-la lên kem. Khi cô bắt đầu lắc cái bình để trộn kem, hắn đứng dậy, bỏ đĩa đồ ăn, bước ra cửa. Hắn nghe vợ hắn gọi, nhưng hắn vẫn tiếp tục đi.

Hắn kiểm soát bọn trẻ rồi đi vào phòng ngủ và cởi bỏ áo quần. Hắn kéo chăn lên người, nhắm mắt, suy nghĩ lông bông. Cái cảm giác lan tràn trên mặt hắn lan xuống bụng và chân hắn. Hắn mở mắt lăn qua lăn lại trên gối. Cuối cùng hắn nằm nghiêng và chìm vào giấc ngủ.

Buổi sáng, sau khi cô vợ đã chuẩn bị chu đáo cho bọn trẻ đi học, cô đi vào phòng ngủ và vén tấm mành. Hắn đã thức rồi.

“Em nhìn em trong gương đi,” hắn nói.

“Cái gì?” cô hỏi. “Anh nói cái gì vậy?”

“Thì cứ nhìn em ở trong gương mà xem,” hắn gằn giọng.

“Anh muốn em thấy cái gì?” cô nói. Nhưng rồi cô cũng quay lại nhìn vào tấm gương ở trên tủ áo và vén tóc ra khỏi bờ vai.

“Đấy?” hắn nói.

“Đấy cái gì?” cô nói.

“Anh ghét phải nói ra,” hắn nói, “nhưng anh nghĩ em nên thử kiêng ăn xem sao. Anh nói thật đấy. Anh nghĩ em nên giảm đi vài cân. Đừng có nổi nóng.”

“Anh nói cái gì vậy?” cô nói.

“Anh vừa nói rồi đấy. Anh nghĩ là em nên giảm đi vài cân. Vài cân thôi,” hắn nói.

“Trước đây có bao giờ anh nói gì đâu,” cô nói. Cô vén áo ngủ lên ngang hông và xoay người nhìn bụng mình trong gương.

“Trước đây anh nghĩ nó không quan trọng,” hắn nói. Hắn cố tìm chữ cho phù hợp.

Chiếc áo ngủ vẫn vén quanh hông cô, cô xoay lưng lại tấm gương và ngoái cổ lại nhìn. Cô nâng một bên mông trong lòng bàn tay và buông cho chảy xệ xuống.

Hắn nhắm mắt. “Vậy chắc là anh nói sai,” hắn nói.

“Em nghĩ em có thể giảm cân được. Nhưng cũng hơi khó,” cô nói.

“Em nói đúng, không phải là chuyện dễ,” hắn nói. “Nhưng anh sẽ giúp em.”

“Có thể là anh nói đúng,” cô nói. Cô buông cho chiếc áo ngủ thụng xuống, nhìn hắn, rồi cởi áo ngủ ra.

Họ nói chuyện về vấn đề kiêng ăn. Họ bàn về những thực đơn ăn kiêng có chất đạm, những thực đơn thuần rau cỏ. Nhưng họ quyết định là họ không đủ khả năng để mua thứ thịt bò mà thực đơn ăn kiêng có chất đạm đòi hỏi phải có. Và cô nói cô không thích những món ăn toàn rau với quả. Đồng thời cô cũng không thích nước ép trái bưởi cho lắm, thành ra cô không biết mình sẽ làm gì với thứ thực đơn ấy.

“Ô-kê, quên nó đi,” hắn nói.

“Không, anh nói đúng,” cô nói. “Em sẽ thử cái gì đó.”

“Hay là tập thể dục?” hắn nói.

“Làm ở chỗ em còn gấp cả chục lần thể dục,” cô nói.

“Hay là đừng ăn nữa,” hắn nói. “Chừng vài ngày thôi.”

“Cũng được,” cô nói. “Em sẽ thử. Vài ngày thì em sẽ thử. Anh đã thuyết phục được em rồi đó.”

“Anh chứ đâu phải đồ bỏ,” hắn nói.


Hắn tính nhẩm số tiền còn trong nhà băng, rồi lái xe tới tiệm bán hạ giá mua một chiếc cân trong nhà tắm. Hắn nhìn lướt qua cô gái tính tiền trong lúc cô ta đẩy cái cân qua máy.

Về nhà hắn bảo vợ cởi hết quần áo ra và bước lên cái cân. Hắn cau mày khi nhìn thấy những đường gân xanh. Hắn rà ngón tay dọc theo sợi gân xanh mọc tủa lên phía trên đùi của vợ.

“Anh làm gì vậy?” cô hỏi.

“Không làm gì hết,” hắn nói.

Hắn nhìn cái cân và viết con số xuống một mảnh giấy.

“Được rồi,” hắn nói. “Được rồi.”

Ngày hôm sau hắn đi vắng gần hết buổi chiều để dự phỏng vấn. Chủ hãng, người đàn ông to con bước đi khập khiễng chỉ cho hắn coi những bộ phận ống nước trong nhà kho, và hỏi hắn có thể đi xa được không.

“Dĩ nhiên là được chứ, tôi đang rảnh mà,” hắn nói.

Người đàn ông gật đầu.

Hắn mỉm cười.

Hắn nghe được tiếng máy truyền hình trong nhà trước khi mở cửa bước vào. Bọn trẻ không ngước lên nhìn khi hắn đi qua phòng khách. Trong bếp, vợ hắn, mặc đồ sẵn để đi làm, đang ăn trứng tráng và thịt heo muối.

“Em làm gì vậy?” hắn nói.

Cô ta tiếp tục nhai thức ăn, căng phồng hai má. Nhưng ngay lập tức cô nhổ tất cả đồ ăn trong miệng ra chiếc khăn giấy.

“Em nhịn không nổi,” cô nói.

“Cà chớn,” hắn nói. “Ngon mà, cứ ăn đi!”

Hắn đi vào phòng ngủ. Đóng cửa lại, và nằm trên tấm khăn trải giường. Hắn vẫn nghe được tiếng máy truyền hình. Hắn gối đầu lên hai cánh tay và nhìn đăm đăm lên trần nhà.

Cô vợ mở cửa.

“Em sẽ bắt đầu lại,” cô nói.

“Ô-kê,” hắn nói.

Hai hôm sau cô gọi hắn vào nhà tắm, “Coi nè,” cô nói.

Hắn đọc con số trên mặt chiếc cân. Hắn mở ngăn tủ lấy mảnh giấy và đọc con số trên cân trong khi cô mỉm cười.

“Giảm được ba phần tư pound rồi đấy,” cô nói.

“Ít ra cũng có giảm,” hắn nói và vỗ nhẹ lên hông cô.

Hắn đọc trang Rao Vặt. Hắn đến văn phòng tìm việc của tiểu bang. Cứ ba đến bốn ngày hắn lại lái xe đến nơi nào đó để dự phỏng vấn, và đêm xuống hắn ngồi đếm tiền tip của vợ. Hắn vuốt từng đồng tiền cho phẳng phiu trên mặt bàn và chồng những đồng năm xu, mười xu, hai mươi lăm xu thành từng cụm mỗi cụm một đô la. Mỗi sáng hắn bắt vợ đứng lên bàn cân.

Trong hai tuần lễ vợ hắn mất ba pounds rưỡi.

“Em bỏ ăn,” cô nói. “Em nhịn đói suốt ngày, ở chỗ làm cũng không ăn. Nhờ vậy đó.”

Nhưng một tuần sau, cô mất năm pounds. Tuần sau đó chín pounds rưỡi. Áo quần cô lỏng lẻo. Cô phải trích tiền thuê nhà ra để mua bộ đồng phục mới.

“Ở chỗ làm của em người ta xì xào,” cô nói.

“Xì xào cái gì?” hắn hỏi.

“Trước tiên là em xanh xao quá,” cô nói. “Trông không còn nhận ra em nữa. Họ sợ là em bị giảm cân nhiều quá.”

“Giảm cân thì sao?” hắn nói. “Em đừng để ý đến chúng nó. Bảo chúng nó lo chuyện của chúng nó đi. Chúng nó đâu phải là chồng của em. Em đâu có phải sống với chúng nó.”

“Nhưng em làm chung với họ,” vợ hắn nói.

“Đúng vậy,” hắn trả lời. “Nhưng chúng nó đâu phải là chồng của em.”

Mỗi sáng hắn theo cô vào nhà tắm và chờ cô bước lên bàn cân. Hắn quỳ xuống một tay cây bút chì, một tay mảnh giấy nhỏ. Mảnh giấy ghi đầy ngày tháng, và những con số. Hắn đọc con số trên bàn cân, nhìn qua mảnh giấy, và hoặc là gật gù hoặc dẩu mỏ ra.

Dạo này vợ hắn nằm miết trên giường. Cô vào giường ngủ sau khi sửa soạn cho bọn trẻ đi học, cô ngủ trưa trước khi đi làm. Hắn giúp đỡ việc vặt trong nhà, xem ti vi, và để cho vợ ngủ. Hắn lo luôn chuyện chợ búa, và thỉnh thoảng đi dự phỏng vấn tìm việc làm.

Một đêm kia cho bọn nhỏ đi ngủ xong, hắn tắt ti vi, và quyết định đi kiếm cái gì uống. Khi quán rượu đóng cửa, hắn lái xe đến quán cà phê.

Hắn ngồi chờ ở quầy. Hắn nhìn cô đi qua đi lại phía sau quầy. Sau cùng hắn gọi một cái cheeseburger. Cô đưa mảnh thực đơn cho người đầu bếp và đi tiếp khách ở bàn khác.

Một cô hầu bàn khác đem bình cà phê lại, rót đầy ly hắn.

“Bạn của em là ai vậy?” hắn hỏi cô gái và hất đầu về phía vợ hắn.

“Nó tên là Doreen,” cô hầu bàn nói.

“Trông cô ta khác hẳn lần trước tôi đến đây,” hắn nói.

“Em chẳng để ý,” cô hầu bàn nói.

Hắn ăn cái burger và uống cà phê. Khách hàng liên tục ra vào chỗ quầy hàng. Vợ hắn tiếp hầu hết khách hàng ngay tại quầy, thỉnh thoảng cô hầu bàn kia mới lại phụ tiếp khách. Hắn nhìn vợ và chăm chú lắng nghe. Hai lần hắn phải đứng dậy đi tiểu. Mỗi lần đi hắn đều lo là sẽ nghe hụt mất chuyện gì đó. Khi trở ra lần thứ nhì, ly cà phê của hắn đã bị dẹp mất và có người ngồi ở chỗ của hắn. Hắn kéo cái ghế, ngồi ở một đầu quầy kế bên một người đàn ông mặc áo sơ mi sọc.

“Anh muốn gì nữa?” vợ hắn hỏi khi trông thấy hắn. “Giờ này còn chưa chịu về nhà nữa à?”

“Cho anh chút cà phê,” hắn nói.

Người đàn ông ngồi kế bên hắn đang đọc báo. Ông ta ngước lên nhìn vợ hắn lúc cô rót cà phê cho hắn. Ông ta liếc theo cô lúc cô bước đi. Rồi ông ta quay về tờ báo.

Hắn nhấp một ngụm cà phê và chờ người đàn ông nói câu gì đó. Hắn liếc trộm ông ta. Người đàn ông đã ăn xong và đẩy cái đĩa qua một bên. Ông ta mồi điếu thuốc, gấp trang báo lại trước mặt và tiếp tục đọc.

Vợ hắn bước lại đổ thêm cà phê cho người đàn ông và lấy cái đĩa dơ đi.

“Ông thấy được không?” hắn vừa nói với người đàn ông vừa hất đầu về phía vợ hắn đang đi về cuối quầy. “Cũng ngon chứ hả?”

Người đàn ông ngẩng đầu lên. Ông ta nhìn vợ hắn rồi quay qua nhìn hắn và lại cúi xuống tờ báo.

“Nào, ông thấy sao?” hắn nói. “Tôi hỏi ông. Coi được hay không? Nói cho tôi biết.”

Người đàn ông giũ tờ báo.

Khi vợ hắn bước ra, hắn thúc vào vai người đàn ông và nói, “Tôi nói cho ông nghe này. Nghe đây. Nhìn cặp mông cô ta kìa. Nhìn đây nhé. Em cho anh một ly kem sô-cô-la.” Hắn nói vọng về phía cô.

Cô dừng lại trước mặt hắn và buông ra một tiếng thở dài. Rồi cô quay lưng lấy một cái đĩa và cái  muỗng múc kem. Cô khom người xuống tủ đá, nhấn cái muôi vào kem. Hắn nhìn người đàn ông và nháy mắt về phía chiếc váy của vợ hắn đang bị tốc lên phía trên đùi cô. Nhưng con mắt người đàn ông bắt gặp tia nhìn của cô hầu bàn khác. Rồi người đàn ông kẹp tờ báo dưới nách và thọc bàn tay vào túi.

Cô hầu bàn ấy đi thẳng đến chỗ vợ hắn. “Thằng cha mắc dịch nào vậy?” cô ta hỏi.

“Ai?” vợ hắn nói và đảo mắt nhìn quanh với đĩa kem trên tay.

“Thằng cha đó đó,” cô hầu bàn nói và hất đầu về phía hắn. “Thằng cha đó là ai vậy?”

Hắn cố cười thật tươi. Và giữ nụ cười ấy trên mặt. Giữ cho đến khi mặt hắn méo xệch đi.

Thế nhưng cô hầu bàn kia chỉ nhìn lướt qua hắn, còn vợ hắn thì khe khẽ lắc đầu. Người đàn ông đặt tiền lẻ lên bàn rồi đứng dậy, tuy nhiên ông ta cũng chờ để nghe câu trả lời. Cả ba người đều nhìn hắn chằm chặp.

“Anh ấy là dân chào hàng. Anh ấy là chồng tôi,” sau cùng vợ hắn nói, và nhún vai. Rồi cô đặt dĩa kem ăn dở dang trước mặt hắn và trở lại quầy để tính tiền cho hắn.

 Raymond Carver

Chuyển ngữ – Hoàng Chính

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 116971)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91651)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89123)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105662)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 88989)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101539)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96559)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89401)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 118962)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105264)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.