- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI ĐI TÌM SỐ PHẬN

19 Tháng Bảy 201911:12 CH(Xem: 18716)
DH14
photo ĐH



Về đi… về ngôi nhà số phận của tụi mình đi…

   Tôi cố nén những giọt nước mắt…Đó là ngôi nhà hai tầng nằm ngã ba phố chợ. Trước nhà có hai cây Phượng Vĩ già cỗi, dưới cội cây rêu xanh đặt dăm ba chiếc bàn đón khách uống ly đá chanh ngồi tránh cái oi bức trưa hè, hoặc nhâm nhi ly cà phê chiều tàn mà ngắm nghía cái xô bồ cuộc sống. Lan can lầu treo mươi chậu Lan. Nơi chúng tôi thường tụ tập với nhau, cùng học hành, cùng vui chơi và cả những giận hờn vu vơ tuổi mới lớn.

   Đó là một buổi chiều cuối hè, tôi đạp xe cà tàng lang thang qua các con phố, nhìn những cánh Phượng tan tác rơi, mỉm cười nghĩ về ngày tựu trường. Rẽ qua ngã ba phố chợ, nước lạnh từ trên cao bất thần dội xuống đầu, chiếc xe lạng quạng, tôi ngẩng đầu lên. Một mái tóc ngang vai, khuôn mặt bối rối, đôi mắt sợ hãi… Rồi biến mất. Tôi hân hoan bước vào lớp chuyên Toán cuối cấp, một cô bạn đang dọn vệ sinh, bốn mắt nhìn nhau ngạc nhiên, đôi môi hồng lắp bắp…Xin lỗi…Cô bạn tên Hoàng Hạc.

…Đêm ấy, Hoàng Hạc biết Phong sẽ đến, Phong sẽ chầm chậm đi dưới hàng cây Phượng Vĩ, dừng lại dưới cội Ngọc Lan ngước nhìn ánh trăng dịu dàng trong vắt, nhè nhẹ hái mấy đóa hoa tinh khiết thơm ngát. Phong lại chầm chậm đi trong không khí trong suốt và yên tĩnh của đêm hè, dừng lại dưới lan can lầu nhìn lên…Phong ơi! Hoàng Hạc cố tình nép đầu vào ngực Sơn mà trái tim đau nhói, nước mắt không ngừng rơi. Phong cũng như thế, phải không? Phong ơi! Đau lắm. Cha của tụi mình cùng cảnh ngộ, đều vùi thây trong rừng thiêng, nước độc. Hoàng Hạc không thể ở lại nơi này…

   Tôi trở về từ bốn bức tường giam, thản nhiên sống dưới ánh mắt dè dặt và thái độ sợ sệt của những người xung quanh, ung dung trong lượng từ tâm của trời đất. Mảnh đất góc rừng này là của Ông tôi khai phá, Cha Mẹ gầy dựng, và bây giờ là chốn nương thân của tôi. Vẫn còn đâu đây bóng Ông vác cuốc giữa mù sương tháng chạp rét mướt, bóng Cha bên chùm xoài lủng lẳng vàng dưới ánh nắng chói chang rực lửa trưa hè, bóng Mẹ khơi bếp lửa hồng bên chiều chạng vạng mùa đông.

   Đêm trở mình thức giấc nghe tiếng cú kêu, nghe tiếng rì rào trong lòng đất. Mảnh đất này có máu, mồ hôi, nước mắt và xương thịt của những người thân yêu, có cả một quãng đời thơ ấu bình yên và thấm đẫm yêu thương. Lúc Cha còn sống, có đôi chim xinh đẹp bay về mỗi độ mùa xuân, nhảy nhót trên tán cây xoài xanh mát trước hiên nhà. Một tiếng chim hót trong trẻo như hồi chuông, liền theo sau là một hồi mỏ dịu êm lốc cốc. Cha tôi gọi là chim chuông, chim mỏ. Khi Cha mất, đôi chim này cũng mất hút trong sự đợi chờ khoắc khoải của tôi. Có cảm giác như tôi và đất đai hòa vào nhau, đất chia sẻ sự trầm mặc, lòng kiên trì và sức nhẫn nại. Cha vẫn thường nói…Đất đai là bổn mạng người Nông dân…

…Không biết Hoàng Hạc có trốn thoát được trong cuộc đào sinh này hay vùi thây nơi biển cả. Ra đi sẽ rất nhớ Toàn, lúc nào cũng ân cần giúp đỡ bạn bè. Nhớ Vàng Thu đăm đắm Phong với đôi mắt dịu vợi. Hôm ấy, buổi học muộn quá, cả lớp đói rã ruột, Vàng Thu vốn yếu ớt nên ngất xỉu, Thầy bảo…Em nào mạnh bế bạn lên phòng Y Tế… Phong lúc nào cũng ngạo ngược… Em nghĩ thầy là người mạnh nhất… Cả lớp cười ồ, Thầy quắc mắt giận dữ, nhưng Phong tỉnh bơ bế Vàng Thu trong sự trêu chọc của bạn bè.

   Nhớ cái buổi chiều trốn lao động tập trung  cuối năm học, cả bọn vào rẫy đào khoai trộm, sẽ không bao giờ quên hương vị ngọt bùi của khoai nướng lan tỏa hoàng hôn. Đang ăn ngon lành, Phong la lên…Ông chủ…rồi kéo Hoàng Hạc bỏ chạy, cả bọn hoảng hốt chạy theo. Toàn la…Chờ tao với, chờ tao với…Cả bọn ngoảnh lại phá ra cười, Toàn vừa kéo quần vừa chạy, thì ra Toàn bỏ khoai vào hai túi quần bộ đội bạc phếch nhiều quá, hai đai quần được cột lại bằng dây chuối khô nên khi chạy bị bung ra, chiếc quần tụt xuống. Không có ông chủ nào cả, Toàn lầm bầm…Cái thằng Phong chết tiệt…

   Cả bọn ra về trong ánh nắng lịm tắt, Phong dịu dàng nắm tay Hoàng Hạc, nép vào ruộng mía ven đường, bàn tay sao mà ấm áp. Cái đêm hôm ấy thật ngọt ngào, trăng non ngọt ngào, ngọn gió cũng ngọt ngào, ngọt ngào đến mê người, Hoàng Hạc không bao giờ hối hận… Em đã trở thành người đàn bà của anh… Phong ơi!...

   Hàng tuần cô giáo Vàng Thu đạp xe hàng mấy cây số mang lương thực đến dù mưa hay nắng. Dọn dẹp nhà cửa, bếp núc gọn gàng. Dịu dàng kể cho tôi nghe những chuyện cười ra nước mắt của trường, của lớp, những sự thật đắng cay về các thầy cô giáo, những con người mang sứ mệnh cao quí! Cả hai không bao giờ nhắc đến một cái tên, đôi mắt Vàng Thu lúc nào cũng thăm thẳm đợi chờ, tôi nghe lòng đau nhói. Toàn thỉnh thoảng đến thăm, lúc nào cũng mang theo chai rượu Chivas lâu năm và mấy con tôm hùm sao, hai đứa thức cả đêm trò chuyện như những ngày còn đi học…Trong chếnh choáng hơi men, Toàn thừơng hay lảm nhảm…Chỉ khi nào về với tụi mày tao mới cảm thấy thoải mái, còn ở chốn quan trường thật là khó thở. Sợ trên, sợ dưới, nhìn ngang, nhìn dọc… haha, tao sẽ đưa vợ con sang Mỹ, còn tao sẽ đi sau.

   Lâu lắm rồi tôi, Toàn, Vàng Thu mới ngồi lại bên nhau. Đêm mùa Hè gió rười rượi mát, có tiếng vạc kêu sương, mảnh trăng thượng tuần nhợt nhạt. Toàn đăm chiêu uống từng ngụm rượu, Vàng Thu cúi đầu xõa mái tóc dài vào mông mênh đêm tối, chưa bao giờ tôi thấy Vàng Thu mảnh khảnh và yếu ớt đến vậy. Toàn thở dài…Tao đưa vợ con sang Mỹ định cư, cố công tìm Sơn và Hoàng Hạc. Sơn là kỹ sư cơ khí hàng không, Hoàng Hạc làm nail. Hoàng Hạc thường xuyên uống thuốc an thần, hàng tháng phải trị liệu tâm lý…Họ đã trải qua nhiều đau đớn.

   Vàng Thu rấm rức, tôi chợt trống rỗng, Toàn uống một chén rượu đầy.

…Hoàng hôn ứa máu, chiếc thuyền trong cuộc đào sinh cạn dầu, cạn lương thực  lênh đênh trôi dạt giữa đại dương mênh mông. Chỉ còn một ít nước cầm hơi, mấy chục sinh mạng la liệt trên sàn thuyền, cách cái chết một hơi thở… Hoàng Hạc đang hình dung khuôn mặt của Phong, cái vầng trán cao và nụ cười ngạo mạn. Nhiều người rất ghét  Phong vì họ không cảm nhận được trái tim dịu dàng ấm áp được giấu kỹ dưới cái vẻ ngông nghênh đến xấc xược. Có tiếng la hét… Cướp biển… Sơn đang nằm bên cạnh chồm dậy, một báng súng đập vào Sơn, Sơn ngã xuống sàn lênh loang máu. Một bóng người như quỉ dữ, một mùi tanh hôi tởm lợm chồm lên người. Hoàng Hạc lịm đi trong tiếng còi hụ giữa màn đêm.

   Nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm sau đó, Hoàng Hạc vẫn từng đêm giật mình thức giấc trong hoảng loạn, cái mùi quỉ dữ mãi ám ảnh trong giấc mơ. Sơn ân cần chăm sóc, Hoàng Hạc dựa vào Sơn, cả hai dựa vào nhau để xoa dịu đớn đau, để vượt qua những khó khăn thử thách trên xứ người… Xin lỗi Phong…

…Về đi Phong, về với ngôi nhà số phận của tụi mình đi…

   Hai cội Phượng già vẫn xanh rêu, ngôi nhà vẫn ưu tư như thuở nào. Toàn ngồi bên chiếc bàn sát lan can nhâm nhi chén trà, Vàng Thu nâng niu mấy chậu lan, Sơn với đôi kính cận trầm mặc cây rừng bên cạnh Hoàng Hạc khuôn mặt xanh xao nhưng không kém vẻ kiêu sa, quyến rũ của một thiếu phụ. Chúng tôi nhìn nhau nước mắt rưng rưng, Hoàng Hạc gục xuống, Sơn vội vàng giữ lấy ân cần trìu mến. Toàn và Vàng Thu giả vờ quay mặt nhìn xuống đường đang loang vệt nắng chiều. Thời gian như ngừng trôi trên những mái đầu chớm bạc. Tôi chợt cảm thấy mình xa lạ…

   Tôi đi qua nhiều làng mạc bị những cơn lũ tàn phá tan hoang, thương những đứa trẻ đầu trần, chân đất mang bụng đói đến trường. Hoảng sợ nhìn những chiếc cầu cheo leo sinh tử đưa đón người qua lại mưu sinh. Ngậm ngùi những thầy cô giáo phải bơi qua sông để gieo con chữ. Tôi đi qua những phố thị đèn hoa ồn ã, những quán bar mờ ảo bước chân các kiều nữ buôn bán tuổi thanh xuân. Chiếc xe hơi bóng lộn, chai rượu đắt tiền mà người nông dân cả cuộc đời có mơ cũng chẳng bao giờ thấy

   Có số phận hay không? Tôi không biết, chỉ biết chắc chắn có những điều xảy ra nằm ngoài sự tưởng tượng của con người, và con người không còn cách nào khác là phải chấp nhận.

Tôi đi tìm số phận của tôi…

   Vàng Thu vẫn lặng lẽ chăm sóc mảnh đất góc rừng, đốt bếp lửa hồng sưởi ấm mái tranh, lặng lẽ đợi chờ…

   Tôi và Vàng Thu ngồi dưới mái hiên nhà nhìn đôi chim ríu ran, tiếng chuông lảnh lót ngân xa tiếp theo sau là hồi mõ lốc cốc ấm áp. Hai con chim chao lượn trong sương khói chiều xuân.

   Có phải là Ông đang chống gậy trong ánh nắng vàng long lanh? Có phải là Cha, Mẹ đang uống chén trà sóng sánh cánh mai vàng ?

...Mảnh đất này là số phận của tôi…

   Tôi mỉm cười và đôi má Vàng Thu chợt hồng…

 

Trần Quang Phong                                                                     

CR Mùa hạ 2019

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65474)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 53943)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63144)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60035)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70110)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93435)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90818)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94488)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93327)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 98711)
Phần II II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI: Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.