- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÔI NHÀ CỦA NHỮNG LINH HỒN

09 Tháng Sáu 20199:35 CH(Xem: 19564)

 

BONG CHIEU
Bóng Chiều - ảnh UL




N đón chuyến tàu muộn về Phan.

N xốc lại ba lô sau lưng, đi như chạy trên đường hẻm lún trong cát xốp, hai bên rào tre tối om, không một ánh điện, dân quê có thói quen lên giường sớm.

Nhắm mắt lại N cũng có thể tìm lối rẻ quen thuộc vào nhà, sau hàng rào tre chạy dài là rào hoa dâm bụt, cuối rào hoa dâm bụt là chiếc cổng gỗ xiêu vẹo lốm đốm dây hoa bìm bịp.

N lần dò tháo chốt gỗ, cánh cửa rào mở tung vào chiếc bàn thiên giữa trời và người đàn bà ngồi cúi đầu xõa tóc dài mờ mờ trong lửa nến leo lét.

N buông ba lô, la nhỏ:

- Mẹ, giờ này mẹ còn làm gì ở đây?

Mẹ ngước lên nhìn N, cặp mắt mơ hồ như mộng du. N bước sát lại gần bàn thờ nhăn nhó:

- Hôm nay mới 12 ta mà mẹ, ai lại đi cúng cô hồn trước rằm tháng Bảy!

- Mẹ đâu có cúng cô hồn - Mẹ có vẻ phật ý, nghiêm giọng- Dì Kim, dì Sanh là người nhà không phải cô hồn.

N lúi húi thu dọn mâm trái cây và dắt tay mẹ vào nhà. Lối nhỏ lát gạch đất nung khấp khểnh, cỏ Lan chi nghiêng ngã hai bên lối đi vướng víu chân. Mẹ nắm tay N, giọng hồ hỡi:

- Ban nãy, lúc con về, mẹ đang nói chuyện với dì Sanh, dì Kim.

N than trời, đây là lý do vì sao N thấy bồn chồn trong bụng và vội vã đón chuyến tàu muộn nhất cuối tuần về Phan. Tự nhiên N thấy thương mẹ thắt lòng, N vỗ vỗ lên bàn tay nhăn nheo của mẹ:

- Sao lại nói chuyện với hai dì một lần được mẹ?

- Thì dì Sanh hết giận dì Kim rồi, nên hai người rủ nhau về chơi một lượt.

N thở dài áo nảo, chuyện này mới đây.

- Giận hờn gì nhau mà đến nửa thế kỷ sau mới làm lành được hả mẹ? Sao hai dì để bụng dữ vậy? - Tự nhiên cô muốn ghẹo mẹ.

- Thì con biết tính dì Sanh mà, hay để bụng chứ không có ruột để ngoài da như dì Kim.

Làm sao mà N không biết chuyện dì Sanh, dì Kim? Đến từng bụi cây trong vườn và vách tường còn biết chuyện. Duy nhất ở trong nhà không ai được nhắc đến tên của hai dì... Từ lâu lắm rồi...



2.

Dì Sanh và dì Kim không sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm.

Nhưng chết thì lại cùng ngày, cùng tháng, chính xác đến từng giây một.

Ông ngoại có ba vợ, Dì Sanh là con của bà ngoại Cả. Bà Cả vắn số. Dì Sanh vừa ra đời thì mồ côi mẹ. Ông ngoại không thương dì Sanh, miệng thiên hạ nói dì Sanh là "con độc" hại mẹ khi mới lọt lòng. "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường", nhưng dì Sanh có số sướng, không phải liếm lá đầu đường một ngày nào. Bà ngoại Cả vừa qua đời tròn 1 năm, ông ngoại đi hỏi cưới ngoại Hai về quán xuyến việc nhà. Ngoại Hai thương dì Sanh còn hơn con ruột, vì ngoại vốn nhân hậu và vì tình yêu sâu đậm với ông ngoại. Không yêu sâu đậm sao bà ngoại Hai còn đi cưới vợ Ba cho ông ngoại? Mà thôi, đó là chuyện của sau này. Rất lâu sau này, khi ngoại Hai đã đẻ thêm được cho ông Ngoại một đàn con, 4 gái, 3 trai! Mẹ của N là con gái thứ ba của bà ngoại Hai.

Dì Kim là con gái út của ngoại Hai, là dì Út của N. Trí tuệ của dì Kim mãi dừng lại ở tuổi lên 10 dù thân hình phát triển sớm như con gái vùng biển mặn mòi khác.

Dì Sanh hơn dì Kim 13 tuổi. Theo lời mẹ tả dì Sanh đẹp sắc sảo như bà ngoại Cả, mắt sắc lẻm, da đen bánh mật, mũi thẳng tắp, cổ cao ba ngấn quý phái. Dì Kim da trắng như sáp ong, mắt đen láy, miệng hay cười chúm chím, nói trước quên sau, chẳng để điều gì trong bụng lâu, hay cười như chẳng bao giờ biết buồn.

Dì Sanh đi lấy chồng sớm. Dì Sanh lấy chồng giàu, nhà gốc Bắc buôn gạo nổi tiếng từ Nam ra Trung.

Sau tuần đầu tiên ở nhà chồng, dì Sanh trở về nhà ngoại bụm mặt khóc ròng. Mẹ chồng người Bắc hành hạ dì Sanh đến ghê. Mẹ kể dì phải cả ngày lăn lộn làm việc quần quật với kẻ ăn người ở, đến bữa đàn bà trong nhà cũng ăn gầm mặt dười bếp, không được bước lên nhà ngang trừ lúc bưng mâm cơm, đem bát tăm xĩa răng phục vụ cho mâm trên dành riêng cho đàn ông. Dì Sanh chỉ thấy mặt chồng lúc đêm về, trong bóng đèn dầu chập choạng, lúc dì nằm thu lu co người trong góc giường không dám nhìn rõ mặt người đàn ông gọi là chồng đang lạnh lùng lột sạch áo quần trên người. Một tháng một lần, mỗi ngày "bất tịnh" dì Sanh một mình co ro ngồi trên 1 chiếc nong tre, trong chiếc cót sơ sài dựng cuối vườn, cho đến ngày sạch sẽ mới được bước vào bậc cửa nhà trong. "Nhà làm ăn phải giữ cho tinh tuyền, sạch sẽ" má chồng giải thích với dì Sanh.

Chuyện ngày càng tệ hơn, khi dì Sanh "đàn bà tên Sanh mà không biết đường sanh đẻ" cho ra đời tuyền 1 giòng con gái, má chồng di Sanh chì chiết. Đến đứa con gái thứ ba, dì Sanh bị sản hậu xanh lè như lá chuối, dượng Sanh bỏ đi ròng vào Nam không nhìn đến mặt vợ con. Thương dì Sanh, bà ngoại hai năn nỉ má chồng cho người nhà sang săn sóc chị và cháu. Chỉ một mình dì Kim chịu đi săn sóc dì Sanh. Tính dì Kim vốn vậy, hay mủi lòng và chịu thương chịu khó.

Vậy là dì Kim theo về nhà dì Sanh. Ba tháng sau khi dì Sanh bắt đầu lại người, một lần về nhà sau chuyến ghe gạo rỗng không đi cả vốn lẫn lời, dượng Sanh chạm mặt dì Kim. Nụ cười ngơ ngác như nắng lạc trong nhà đó đã làm dượng thất thần. Dượng Sanh ngay lập tức bắt vợ giữ dì Kim ở lại. Má chồng dì Sanh chiều con trai, chỉ nói gọn lõn: "Hoa thơm hái cả cụm, chị em nhà mày có phước lắm mới được con trai tao để ý". Dì Sanh nuốt nước mắt năn nỉ em gái ở lại giữ chân chồng. Không biết dì Sanh nói những gì mà dì Kim cũng lẵng lặng ở lại, hàng đêm nằm chung giường với chị, mắt mở thao láo, nắm chặt cứng tay chị trong khi người đàn ông của chị dày vò trên thân mình.

Vậy mà, chỉ ít lâu sau, người không thể chịu đựng được cảnh đó lại là dì Sanh, không phải dì Kim.

Khi dì Kim má càng ngày càng rực hồng, những đường cong càng ngày càng căng như trái cây mọng chín thì dì Sanh càng ngày héo hon, mắt đầy bóng tối. Cho đến ngày dì Kim lùm lùm bụng bầu nhọn hoắt, cả nhà hăm hở nuốt từng lời ông thầy thuốc bắc bắt mạch đoan chắc bào thai trong bụng dì Kim là bé trai.

Dì Sanh tự tay sắc thuốc dưỡng thai cho em. Dì ngồi thần người bên bếp lửa than hoa liu riu đong từng chén nước, gạn từng giọt thuốc đen đặc quánh vào chén sứ. Rồi cũng chính dì Sanh tự tay mang lên phòng ngủ, dỗ dành dì Kim nhắp từng chút một. Mắt miệng dì Kim đều cười tươi rói, hơn hớn như trẻ thơ.

Đêm đó, đêm rằm tháng bảy, trời mưa rã rích, dì Kim lên cơn đau bụng quằn quại. Qúa nửa đêm, ông thầy thuốc Bắc được kêu tới nhưng không cứu kịp dì Kim. Dì Kim nằm lờ đờ trong vòng tay dì Sanh, đôi mắt còn mở tròn xoe nhìn chị như không thể hiểu chuyện gì đang xảy đến cho mình và vì sao sức sống từ trong cái bụng tròn căng của dì trào ra ngoài từng đợt như biển cạn rút kiệt.

Hết tuần tang, dì Sanh bị trả về cho ông bà ngoại. Dì Sanh không bao giờ nói với ai một lời nào nữa. Cho đến lúc dì đi. Cũng vào một đêm rằm tháng bảy, trời cũng mưa rã rích. Dì Sanh tắm rửa sạch sẽ từ chiều, mặc bộ đồ tơ tằm màu trắng thay thế cho bộ đồ tang màu đen mặc cả năm nay. Rồi nữa đêm, dì lặng lẽ ra đi. Dì Kim rủ dì Sanh đi, bà ngoại vừa khóc vừa nói.

Trong nhà không có một tấm hình nào của dì Sanh. Ông ngoại đã cho tháo hết đi và đốt theo mộ, "đốt hết mầm độc", ông cay đắng. Chỉ có hình của dì Kim cười tươi rói, áo dài trắng chít eo và tóc vấn bồng, ngồi ngoan ngoãn chắp hai tay trên gối. Đôi mắt qua nửa thế kỷ vẫn trong veo như soi vào lòng người.



3.

Mỗi lần mẹ kể đến đây, N đều bực dọc la lên:

- Cái thế kỷ ăn thịt người đó lụi tàn là phải rồi! Gặp con thì con đã đạp đổ hết cái nhà chồng oan gia rồi bỏ đi, làm gì có bi kịch nào kịp xảy ra.

Mẹ đăm đăm nhìn N, môi nở nụ cười mơ hồ:

- Con thiệt giống bà ngoại Ba.

- Bà ngoại Ba là đào hát cải lương, làm sao mà giống con được - N vùng vằng- mẹ hoang tưởng nữa rồi!

- Con giống cái tinh thần của ngoại Ba, không cam chịu, nổi loạn, quyết liệt, nói là làm. Nhiều lúc Mẹ thấy như ngoại Ba đang sống lại trong con. Những người tài hoa và đa đoan như ngoại Ba không đành lòng mà bỏ cuộc đời đi như vậy được!

- Mẹ kể cái đoạn ngoại Ba đóng tuồng Phụng Nghi Đình đi mẹ- N nằn nì.

- Ngoại Ba con bình thường không được sắc sảo lắm, mặt mày nhợt nhạt uể oải, nhưng mà đã lên sân khấu rồi thì chói lọi như ai nhập vào người- mắt mẹ long lanh màn sương kỳ ảo - Nhất là khi ngoại con vào vai Điêu thuyền trong tuồng Phụng Nghi Đình.



4.

Anh kép đóng vai Lã Bố mắt phụng mày ngài, mặt trắng sáp, đầu đội kim quan lóng lánh, mình mặc áo bào đỏ thêu trăm hoa, tay cầm phương thiên họa kích nghênh ngang tiến vào Phụng Nghi Đình. Lớp lớp con gái quê ngồi bên dưới rạp má đỏ hồng, tim đập rầm rập trong ngực, mắt như muốn nuốt lấy từng lời tư, ai, than vãn của anh chàng Lã Bố đẹp trai. Chợt tiếng rì rào trong rạp tắt lịm.

Rèm châu cuốn cao, Điêu thuyền trong xiêm áo hồng lóng lánh muôn ngàn kim sa vàng nhũ dìu dịu uyển chuyển lướt ra, môi chúm chím hình hoa anh đào, lấp ló hàng răng trắng, giọng ca trong veo thánh thót như chim oanh kêu, ai oán như chim hạc gọi:

"Khuyên quân tử bớt cơn nóng tánh

Để cho em cạn tỏ nguồn cơn

Có phải đâu em là kẻ phụ phàng

Lời giao ước lòng này ghi tạc."

Trống thúc dồn dập ba hồi tùng tùng, giấy bạc rắc trắng như mưa trên sân đình, ông ngoại ngồi cầm chầu, sau 3 hồi trống, thừ người chăm chắm theo khóe mắt thu ba lung linh đa tình của cô đào hát đóng vai Điêu Thuyền.

Ông ngoại đã gặp bà ngoại ba như vậy đó. Mối tình non của ông trả giá bằng một nửa ghe gạo, tiêu tốn vào những đêm đàn hát thâu đêm suốt sáng, khóc cười lẫn lộn, trên hoa dưới trăng để mua lòng cô đào hát cải lương trẻ măng kiêu hãnh lạ lùng!

Bà ngoại Hai đã làm 1 đám cưới nở mày nở mặt giới thiệu trang trọng cô vợ thứ ba với họ hàng bên chồng và quan chức địa phương bằng 3 đêm liền hát cải lương linh đình rộn rã ...

Nghe nói đó là sự kiện của cả 1 vùng.

 

Cuối cùng, Bà ngoại ba đào hát không thể ở quá lâu trong 1 thị trấn buồn thiu tỉnh lẻ như Phan, trong 1 ngôi nhà cổ đối diện với pháp trường cát của Tây, mỗi chập choạng tối lân tinh lập lòe bay lên từ bải bắn làm những người yếu bóng vía phải rùng mình sỡn ốc.

 

Dần dần bà ngoại ba bị bịnh nặng và nằng nặc đòi về lại Sài Gòn. Bà nhớ nhung ánh đèn sân khấu cải lương đến mòn mỏi mỗi đêm và thèm được trang điểm lộng lẫy đứng trên sân khấu giữa những tràng vỗ tay ròn rã và những đôi mắt khao khát ngưỡng mộ bao bọc vuốt ve niềm tự mãn của tuổi trẻ... Tất cả đã làm bà chết mòn mỗi ngày!

 

Lúc bà ngoại ba qua đời, ông ngoại không ở bên cạnh. Ông đang đắm chìm vào một cuộc tình mới với một người đàn bà mặn mòi ven biển Nha trang! Ông ngoại rải đều mỗi một vùng đất mới ông đi qua các cuộc tình và những người đàn bà càng lúc càng thêm trẻ, thêm lạ.

Bà ba trút hơi thở trong vòng tay của bà ngoại hai. Đêm đó mưa gió như điên cuồng.

Bà ngoại ba được chôn cất ở cuối vườn, trên mộ mọc một dây hoa đậu biếc. Mỗi đêm mưa gió giông bảo đầy trời, tiếng gió rú rít trên những hàng cau, tàu chuối rũ rượi nghe như giọng nam ai rền rĩ.



5.

- Kỳ này dì Kim về thăm nhà có bế theo em bé - mẹ rụt rè nói với N sáng hôm sau - thằng nhỏ coi thiệt ngộ con à.

N rùng mình. Một nỗi bực dọc điên cuồng chặng ngang cổ.

- Thằng nhỏ rốt cục thì giống ai? giống Dì Sanh, dì Kim, hay dượng Sanh? - N lạnh lùng hỏi.

- Mẹ không biết, mẹ chỉ thấy nó đẹp như tiên đồng, mà dì Kim và dì Sanh thì cười tươi lắm. N à, hay là mình giữ lại căn nhà này được không con? - giọng mẹ rụt rè như có lỗi.

- Mẹ, nhà này là nhà thừa tự- N gần như muốn hét lên- mẹ biết rồi, mình phải có hàng chục chữ ký để sở hữu được nó. Thậm chí có mấy cậu ở tận Cali, Úc. Con muốn mua mảnh vườn khác cho mẹ ở gần con. Con mệt mỏi chuyện chạy đi chạy về lắm rồi.

N phải cực nhọc nuốt câu nói giận dữ cuối cùng ngược lại vào trong bụng- và chán thấy mẹ nửa tỉnh nửa mê như thế này lắm rồi!

- Mẹ không nỡ bỏ nơi này đi con à. Mẹ đi rồi, ở đây ai lo cho mấy dì mấy cậu, rồi ngoại Hai, ngoại Ba. Có mẹ, nhà có hơi ấm, ông bà còn có chỗ đi về.

N gắt gỏng:

- Mẹ nghĩ vậy thôi, mấy người đó đầu thai qua kiếp khác hết trơn rồi. Hơn 50 năm rồi, xương cốt còn tiêu huống chi là linh hồn!

N giật mình, mặt mẹ co rúm lại đau dớn, hai dòng nước mắt chảy chầm chậm từ khóe mắt mẹ, đục ngầu:

- Mẹ, con xin lỗi. Mà con nói thiệt tình. Con không yên tâm thấy mẹ cứ sống với người chết như thế này.

N nặng nề vác ba lô leo lên tàu. Còn những hai tiếng đồng hồ nữa tàu mới khởi hành về Sài Gòn. N không muốn ngồi lâu hơn với mẹ trong căn nhà đầy ắp ký ức và phảng phất mùi xưa cũ ẩm mốc, ngồi chen nhau với màn độc thoại nói cười giữa các linh hồn và mẹ.

N lục lọi ba lô lôi cái điện thoại ra bấm số của anh Hai. Sau hồi chuông đổ dài, N tuôn một tràng với anh Hai không kịp cả chào hỏi:

- Hai, em chịu hết nỗi rồi đó. Em đang ở Phan. Biết ngay là mẹ lại về đây ở mấy tuần liền. Bây giờ lại mắc thêm cái bệnh nói cười lẫn lộn với người chết nữa mới điên chứ. Sao già rồi không hưởng nhàn hạ, hạnh phúc như người ta mà hành hạ thân mình chi cho khổ quá vậy không biết nữa!

Đầu dây bên kia chỉ nghe im lặng thật lâu. N thắc thỏm:

- Hai, nghe em nói không? giờ Hai tính sao đây?

- Anh nghĩ mẹ không sao đâu N à. Mẹ còn được sống với những người cùng thời với mẹ. N nghĩ lại coi, N đang sống đây mà cứ than lạc lõng, cô đơn ngay trong thời đại của mình. N với mẹ, anh không chắc ai hạnh phúc hơn ai.

UYÊN LÊ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 4583)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4077)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4371)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 6537)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 5812)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4374)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 6048)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5639)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 6342)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5601)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.