- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ VÀ THI SĨ

12 Tháng Mười Một 20187:44 CH(Xem: 24167)


Chandung_PTBinh-bw
Chân dung nhà thơ Phan Thanh Bình - 2018


LTS: Lầu đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nhà thơ Phan Thanh Bình sinh năm 1973 tại Hải Dương Có thơ đăng báo tại quê nhà Bình Thuận từ năm 1990. Hội viên Hội VHNT Bình Thuận năm 1992 (bút danh Thy Sinh). Hội viên Hội nhà văn TP.HCM năm 2017. Có thơ đăng ở các báo trong và ngoài nước.

Tác phẩm đã xuất bản:

  1. Phẳng & Nghiêng (thơ 2015)
  2. Chạm & Vuốt (thơ 2017)

Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu một bài thơ xuôi đặc biệt của anh.

TẠP CHÍ HỢP LƯU


 

Socrates là nhà thơ

Platon cũng là nhà thơ

Arisotle đích thị là nhà thơ.

 

Những tâm hồn phiêu linh đi khắp bầu trời từ khi họ đến mặt đất này làm thơ và kể chuyện.

 

Newton yêu say đắm chính bà mẹ mình, viết bài thơ lực vạn vật hấp dẫn. Einstein cô độc giữa muôn trùng khi viết bài thơ về thế giới cong. Edison phải lòng ai đó đã làm ra bài thơ bóng đèn dây tóc.

 

(…)

 

Thích Ca Mâu Ni khai nhãn loài người bằng bài thơ luân hồi khiến chúng ta run rẩy vừa đi vừa sợ.

 

Jesus Christ chính là bài thơ khi Người chịu đóng đinh trên thập giá. Bài thơ buộc niềm tin phải hiện tồn.  

 

Họ là những nhà thơ dù họ chả viết một câu thơ nào

Trước sự lãng mạn của họ, chúng ta tự biến mình thành kẻ tu hành

Trước sự vị tha và ích kỷ của họ, chúng ta bảo nhau cầu nguyện.

 

Họ lãng mạn sứ giả. Chúng ta lãng mạn sinh tồn. Họ thuần khiết, chúng ta suồng sã?

 

Họ là bài thơ tôn kính. Còn chúng ta làm thơ cho nhau, an ủi nhau mà sống, chia sẻ nhau mà vui/buồn. Chúng ta mặc nhiên lấy cảm hứng từ họ làm trí tuệ của mình.

 

Tôi kính cẩn dâng các nhà thơ khai sáng đóa trữ tình nồng nàn trên mặt đất!

Làm tôi.

 

Cuộc lãng mạn sinh tồn.

Tôi viết cả trăm bài thơ nhưng bài nào cũng hỏng. Người đàn bà yêu tôi, em cũng đã ngoại tình.

 

Thơ ơi thơ! Tôi là nỗi buồn của mẹ, là thất vọng chán chường của em, là ái ngại của chính tôi khi chọn thơ cứu rỗi linh hồn.   

 

Nhìn vào cách làm thơ có thể vẽ đường hồi quy về thi sĩ. Kẻ yếu đuối chăm câu thơ bóng nhẫy. Kẻ thủ dâm lấy chữ làm bằng. Kẻ đốn mạt trấn lột từ phá lên cười hố hố.

 

Tín niệm là thứ mà thi sĩ bất tài lợi dụng, lừa bịp mình và phỉnh phờ người khác. Có tín niệm thiện tất có tín niệm ác. Thơ khởi sinh từ tín niệm chỉ là thứ phân non.

 

Sở trường âm tính quá dài đã làm hỏng văn chương. Hình như thơ đã hỏng lâu rồi, hỏng ngay từ thời Thơ Mới?

Thơ Mới chỉ gọi được nỗi buồn ra đếm.

 

Bài thơ hay là bài thơ nuôi dưỡng được tâm hồn tôi từ lúc còn trẻ đến già mà bài thơ vẫn đẹp.   

 

Thay vì định nghĩa thơ, tôi đi tìm thi sĩ

Thi sĩ va đập trong bối cảnh thơ như người trong cuộc. Ví dụ: “Này của Xuân Hương mới quệt rồi”. Tôi gọi là thi sĩ tham dự.

 

Thi sĩ lấy chữ thêu tranh, áp đáo ngôn từ tôi gọi là thi sĩ không tham dự.

 

Cuộc tham dự văn chương không có người đến sớm hay người đến muộn nhưng rất nhiều người đến cùng lúc thành ra cuộc ngộ sát.  

 

Kinh Bắc Hoàng Cầm, sim tím Hữu Loan, khúc độc hành Quang Dũng đưa tôi lên đỉnh núi, thả buông tôi ở đấy. Tôi không rơi mà tôi lơ lửng. Gió cào xước cơ thể tôi, quất vào tôi những lằn roi tím bầm rỉ máu. Nhưng kỳ diệu ở những lằn roi thơ là vết thương tự lành. 

 

Lê Đạt phu chữ cho thơ bằng xác hoa thiếu nữ môi hường. Tôi thèm uống nước sông, ông lại mời tôi nước cất. Ông giả say, tôi cũng giả say. Ông giả sống, tôi cũng giả sống. Phút cuối một đám tang tôi đã thấy, có chữ nào thì bóng ông chữ ấy.

 

Làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều ràn rạt hơi đất phả hương đêm làm chúng ta kiệt sức mỗi ngày vào buổi sáng. Ông trao cho chúng ta văn bản thơ, nhưng ông vẫn cất đâu đó một văn bản thơ khác

Những hồi tưởng từ cánh đồng cào cấu giấc ngủ đô thị. Chúng ta nhường nhau hiến dâng nhưng lại tranh nhau cái chết.

 

Người đàn bà miền Nam gốc đước sợ múc cạn nỗi buồn. Vẫn múc …

Chị treo thơ lên cây đợi chim về ăn sáng. Chị treo ngược Nguyễn Thị Ánh Huỳnh giữa lưng chừng trời mà gọi. Càng gọi càng bơ vơ.

 

Khi con người nhân tính hơn và lũ thủ dâm thơ được chôn cùng với chữ (chắc phải sang phần sau thế kỷ này) thì người ta mới nhận ra Dư Thị Hoàn thật sự tan vỡ.

 

Tự đấm vào mặt tôi sau tuổi bốn mươi. Giá như đừng có thơ cho em, đừng đi tới mùa thu cùng người đàn bà với giò phong lan trong bản nhảm âm phẳng và nghiêng thì bây giờ tôi đã không nói bậy và sám hối mỗi ngày.

 

Thi sĩ. Kẻ phiến diện từ căn tính nên bài thơ toàn góc nhìn phiến diện.

 

Đi tìm bản thể con người là ý nguyện văn chương vừa đáng giận vừa đáng thương của thi sĩ. Bản thể con người nằm ở quá trình sáng tạo lại con người.

 

Sáng tạo lại con người! Hãy để thơ đẩy con người đến chỗ tự do nhất để con người thoát linh.

 

Con người thoát linh sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện mà chúng ta chưa từng biết hoặc chúng ta không thể nào tượng tượng nổi. Tả cho chúng ta ghi chép về những tình cờ, bộc phát hoặc di trú của cuộc đời.

 

Văn chương hậu hiện đại suy cho cùng là văn chương phiến diện tuyệt đối.

 

Bài thơ càng phiến diện càng hứng thú như thể nó được viết ra để đọc một lần rồi biến mất hoặc hiện chìm trong bài thơ phiến diện khác.  

 

Mọi thứ đến rất nhanh, ra đi cũng rất nhanh. Tuyệt diệu như loại men dậy hết hương vị ngọt ngào trở thành độc tố.

 

Thi sĩ hậu hiện đại. Kẻ phiến diện toàn năng. Kẻ bước vào văn chương bằng câu chửi thề và bước ra khỏi đời sống bằng cách duy nhất là tự tử.

 

Người đàn bà yêu thơ thấm nỗi buồn trên từng đầu ngón tay. Cả bầy quạ chọn tóc nàng làm tổ. Những thớ thịt gồ ghề trên cơ thể nàng đã xác tín rằng nàng vừa lưu manh vừa mất nết.

 

Tôi thả đồng tiền cổ vào tách trà. Vị quân vương đoái tiếc máu xương. Ông cứ buồn vui, Tôi cũng buồn vui. Đồng tiền sủi tan ý nghĩ. Tôi nhắp giọt mồ hôi người trồng từ cánh đồng trà xanh ngát. 

 

Sinh ra không cô đơn, mỗi chúng ta được mười hai bà mụ cầm cho tiếng khóc. Nhưng cuộc đời đẩy chúng ta vào vực thẳm cô đơn, thiếu dưỡng khí để nuôi các giác quan. Chúng ta trở nên cầm chừng, chúng ta trở nên mực thước …. Cho đến ngày chúng ta chỉ còn là xác bay lơ lửng. Không thể chạm chân lên mặt đất.  

 

Tôi chọn em và thơ để sống mỗi ngày được nhiều hơn 24 tiếng.

 

Em đừng treo anh vắt vẻo lên câu thơ, bắt anh giữ thăng bằng cùng thời cuộc. Anh yêu mến đám đông nhưng đám đông trì níu anh đến chết.

 

Em chỉ đau ngón chân đã làm anh đau cả bàn tay phải. Những bờ huyền thuần khiết đã nhường nhịn em, những hờ lan mệt mỏi đã nhường nhịn em. Anh cũng nhường nhịn em dù anh không phải là người đàn ông tốt nhịn.

 

Cơn gió rừng tràn qua ngôi nhà chúng ta rơi lại những hạt mưa cậu bé và cô bé, chúng quấn quít lấy nhau, tìm nhau trao đổi chất. Rồi những hạt mưa chui vào trong thân cây, êm ái thọ linh ở đời sống khác.  

 

Lá bài cổ chợt hiện lên khung cửa sổ. Thiên thần hòa đồng cùng quỷ sứ. Vừa như gửi lời chúc an lành vừa như cảnh báo hiểm họa tình yêu sẽ khó lường nếu ai trong chúng ta rút phải sợi dây của quỷ.

 

Phiến diện anh, những phiến diện anh, như tiếng tù và lăn lan trên mặt hồ nước đọng, như tiếng chó tru tréo sủa người trong đêm xá tội.

 

Em có thể xếp những nguệch ngoạc anh tung tóe khắp nơi liền thành dải mã vạch, nhưng sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ em ghép được anh hoàn chỉnh.  

 

Mỗi lần đọc thơ là em đã phản bội anh hoàn hảo.

 

Bài thơ viết cho em, mỗi ngày anh viết lại, bởi anh chưa đủ tài năng xóa dấu vết kế thừa, bởi câu thơ anh chưa đốt hết họa ngôn bám vào tâm trí em khiến em không bay lên được, bởi em chưa phát sinh em trong đời sống của anh những âu lo mới/cũ.

 

Nguyện dâng em căn duyên thi sĩ, cảm ơn người đến sửa bản in anh!

 

10/2018

Phan Thanh Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 29990)
Theo tốc độ của truyền hình và internet, thói quen của con người cũng dần dần thay đổi. Với mức độ tự do gần như tuyệt đối, internet chuyển tải mau chóng những thông tin, phục vụ con người hữu hiệu hơn, đại chúng hơn. Nhưng, internet cũng đang đưa đến sự phá sản của một số nhật báo, tạp chí và nhà xuất bản trên thế giới. Những tạp chí chuyên về nghệ thuật văn chương Việt Nam ở hải ngoại cũng không ngoại lệ, lần lượt đình bản...
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37827)
T rang đầu chạy tít lớn “Lễ truy điệu các phục quốc quân hy sinh vì Tổ quốc”. Tôi lơ đãng mở các trang trong. Những tấm ảnh đen trắng với khuôn mặt của các phục quốc quân tử trận trong nước cùng với vị thủ lãnh của họ. Một cái ảnh đập vào mắt tôi. Trời! Thịnh đó, ảnh Thịnh... Tôi đọc vội sơ qua những cột tin về cuộc đụng độ cuối cùng trong vùng tam biên. Tô phở bưng ra, tôi chợt không thấy đói, không nuốt gì được.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 32933)
K hắp làng trên xóm dưới ai cũng biết chuyện về lão Hống. Lão có đến ba đời vợ, và không biết bao nhiêu người đàn bà đã sống chung chạ, nhưng rốt cuộc bà nào cũng sớm cuốn gói ra đi. Người ta bảo lão là con gà trống chuồng, có lần trong nhà lão chứa vài mụ đàn bà. Kể ra lão cũng tài, một mình cai quản hai mụ trên cùng một chiếc giường mà chẳng hề có chuyện.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 31415)
C hồng Phi dậy từ sớm, để phần cho vợ một lồng cơm sẵn trên bàn để cô mang đi ăn trưa ở công ty. Như mọi sáng, cô xé lại khẩu phần ăn của mình là một mẩu bánh mì và ít thức ăn đem sang cho Miki. Rồi mới đi làm. Cũng như thường lệ, nó lại lẽo đẽo chạy theo chiếc xe máy của cô...
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 31055)
T ôi không phải là người đàn bà luôn chơi trò ú tim để đi tìm một tình yêu đích thực. Tuổi trẻ ai mà chẳng có một tình yêu dù nó có đẹp hay không thì đó vẫn là tình yêu. Tôi đã yêu. Yêu mê mệt. Yêu đắm đuối. Yêu trong cơn hoan lạc của tiếng sét ái tình bậm vào tôi. Tôi đã không thể dứt ra. Và cứ thế tôi trượt dài trong men say tình ái.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35242)
Ngô Tất Tố là một trong những tác gia nổi tiếng nhất của trào lưu hiện thực phê phán trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Những năm 30, 40 thế kỷ XX ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm như tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng , phóng sự Việc làng, Tập án cái đình , truyện ký lịch sử Trong rừng Nho, Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Lịch sử Đề Thám …
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35124)
...biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách...
19 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35032)
M ột hiện tượng, tưởng rằng đã chết khi ông Osho tức Bhagwan Shree Rajneesh bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn Độ vào năm 1987, nay đang có những chỉ dấu sống dậy, không phải chỉ trong cộng đồng Oregon, Hoa Kỳ như trước đây mà là trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và có thể ở cả trong nước qua một số sách do Osho giảng được Sư cô Thích nữ Minh Tâm và hội Osho International Foundation dịch ra Việt ngữ.
18 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 36780)
N hư buổi chiều vàng trong tiểu thuyết Những huyễn mơ làm người hùng áo vest Những chiến mã băng qua sa mạc Ta ra trận nơi không có quân thù
18 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33914)
Đ ánh một giấc ngủ dài trên đất Mẹ Gối đầu lên mộng mị với quê nhà Trời tháng chạp hoang đường loài chim sẻ Người trở về còn vấy bụi đường xa.