- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

thơ Phan Huyền Thư

20 Tháng Mười 20186:02 CH(Xem: 22921)



PHAN HUYEN THU 2018
Nhà thơ Phan Huyền Thư


Phan Huyền Thư sinh ngày 19 tháng 12 năm 1972

Học nhạc từ nhỏ theo truyền thống gia đình

Tốt nghiệp trường âm nhạc Việt Nam 1989, học khoa văn tại đại học tổng hợp Hà Nội 1989-1993

Viết báo, phê bình nghệ thuật.

Năm 1999 chuyển sang làm phim tài liệu.

Học đạo diễn phim tài liệu "Artelier Varan" , cộng hòa Pháp 2004-2006.

Trở thành giảng viên điện ảnh trực tiếp tại trung tâm điện ảnh trẻ, chuyên viên sáng tạo nghệ thuật truyền thông từ năm 2011.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

-Nằm Nghiêng (thơ) nxb Hội Nhà Văn 2002

-Rỗng Ngực (thơ) nxb Lao Động 2007

-Sẹo Độc Lập (thơ) nxb Hội Nhà Văn và Công Ty Nhã Nam 2014

-Đạo Thơ (thơ) nxb Nhân Ảnh 2018 (California - USA)

 

Sắp xuất bản tập truyện ngắn:

-Thạch Sùng Gỗ 1993-2018

 

 

 

 

TỰ BẠCH

 

tôi là việt không cộng

công chức không đảng viên

sinh đẻ không kế hoạch

không hồng mà chỉ chuyên

 

tôi là một dấu trừ

của danh hiệu, bằng khen

của thi đua, phấn đấu

của ghế bàn, bon chen

 

tôi là một ẩn dụ

chính tôi không nhận ra

tưởng mình cũng "số má"

hóa ra một dấu trừ

 

tôi, một kẻ đáng ghét

luôn chịu đựng hồ nghi

người ta đang lớn thế

qua dấu trừ, bé đi?

 

có khi hoan hỉ nhất

dấu trừ đứng một mình

"âm vô cùng" rồi nhé

tọa độ gốc: phục sinh

 

phan huyền thư

1st apr.2015

(trích ĐẠO THƠ - Nhân Ảnh xb 2018)

 

SỢ

 

nhiều khi nhớ bạn nhưng lại sợ gặp bạn

sợ cảm giác cô đơn giữa nồng nàn

nhiều khi thèm khóc mà không khóc

sợ nắng chiều tắt vụt như kẻ vô ơn...

 

nhiều khi, tan biến nỗi bẽ bàng thế giới

chỉ vì một người trong nhân loại

gọi mình là bạn hiền...

xét cho cùng,

nhẹ dạ luôn được ưu tiên.

 phan huyền thư

(một ngày inbox với nhà thơ luân hoán và đặng hiền)

 

 

CÒN SÓT LẠI CỦA CHIỀU

 

Buồn miên man hoàng hôn. Buồn

chảy ra từ mười đầu ngón tay hoang mang.

Buồn

là máu.

Lênh láng chờ trăng lên

để lóng lánh.

Buồn là chất rắn

nóng chảy.

Đóng vảy trên da thịt. (Có vẻ như đã từng có

một vết thương bên trong.

Nhưng chính tôi

là vết thương của chiều.)

 

***

 

Buồn là không gian.

Tôi cứa vào trời xanh

ánh mắt mỉa mai chính mình.

Buồn

chảy ra từ tóc.

Từng sợi tóc nhỏ máu. Ngực nặng

dưới áp thấp của sự trở mặt.

Khó thở

tôi nhắm mắt.

Lắng nghe

từng giọt máu nhẫn nại bò từ tóc

thấm xuống đất.

Bung ra mầm

tuyệt tình.

 

***

 

Bông hoa say đắm không thể nở

bằng ánh sáng của những điều tầm thường.

Hạt giống

bay theo gió hờn ghen.

Rơi xuống

mặt đất hiểm trở.

Độ lượng mất giá. Khu vườn

ân cần một cách lên gân.

Khiến tôi

nôn nao thai nghén sự trả thù.

Nhưng

buồn đã chảy hết.

Tôi không còn nổi một

giọt máu.

Trên đầu tôi. Tóc

cũng trôi theo ánh đỏ

ráng chiều.

 

***

 

Vờ như níu kéo chân trời.

ánh mắt

anh.

Chạy trốn nụ cười của gió. Anh nhìn

xuống chân tôi nơi những con sâu

buồn đang ngọ nguậy và bò lên đầu gối.

Sắp đặt

kiểu dáng mới cho trật tự của tuyệt vọng.

Anh chạy

khỏi nỗi buồn của tôi trong buổi chiều

chắc chắn đang cắm đầu vào đêm.

Những chiếc rễ

tinh tế chối từ sự dịu dàng lừa bịp.

Ái tình héo rũ

trong chiếc bình chứa đầy tạp chất nhỏ nhen.

 

***

 

Tôi đã chảy hết máu buồn

trong buổi chiều kiễng chân.

Kiêu hãnh.

Khi đêm đến.

Chỉ còn lại hai ống chân

một vài con sâu vẫn còn ảo tưởng.

Ngọ nguậy. Và

găm lại trong kẽ ngón chân cái.

Là. Một lời nói

hoặc cái gì đó đại loại...

như

cái nhìn vô cảm của anh.

 

phan huyền thư

 (20.04.05)

(trích Hợp Lưu số 85 tháng 10-2005)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Hai 20155:56 SA(Xem: 31131)
Nguyễn Hữu Sinh- hay người Lâm Di vẫn gọi là Má Giám Sinh. Má chứ không phải Mã như trong Kiều của cụ Tố Như. Là vì, khi đẻ ra má Sinh đã có một mảng chàm, chiếm đến hai phần ba má phải.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29589)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
09 Tháng Hai 20152:59 SA(Xem: 32298)
Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Hiền vào một dịp đi thăm một trại trồng cranberry ở New Jersey để xem người ta gặt cranberry ra sao, do một người bạn tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng 10 nhân chuyến tôi đi thăm Miền Đông giữa thu vừa qua.
06 Tháng Hai 20152:57 SA(Xem: 35138)
để bắt đầu một buổi sáng như thông lệ nhiều cánh cửa mở trên đôi chân tất tả và khép lại không có chỗ cho sương mù thảnh thơi
05 Tháng Hai 20152:57 SA(Xem: 37524)
Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) và nhà Tây Sơn (1778-1802) là một thí dụ tiêu biều của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này, chẳng hạn, như “sử mệnh cách mạng của thợ thuyền đồng ruộng hay nông dân,” từng được Karl Marx thời trẻ gọi là”bị khoai của cách mạng vô sản [bag of potatoes].”
28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 32066)
Anh G thân mến, Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?
28 Tháng Giêng 20151:21 SA(Xem: 32022)
Vòng vèo từng sợi mây trời Vẽ chi đậm nhạt ngôn lời đong đưa Em ngồi vẫy tóc nắng mưa Sầu hai giếng mắt dây dưa những gì Hay là mộng mị li ti Bồng bềnh biển gió trôi về ngàn phương.
27 Tháng Giêng 20159:03 CH(Xem: 33442)
Có người chỉ đọc vì mê cái bìa sách đẹp. Có người đọc vì thích sưu tập sách. Hảy tìm người đàn ông biết đọc mình, từ trang đầu tới trang cuối...
26 Tháng Giêng 20153:30 SA(Xem: 33126)
Nơi có những buổi sáng vàng nắng lung linh Em chạy đuổi tuổi mình Mãi miết Phía bên kia bờ phù du Có gì là bất diệt? Hay chỉ là nắng vàng ngập trong từng buổi mai lên?
26 Tháng Giêng 20152:56 SA(Xem: 34624)
Cáo thủ lĩnh đã chết và ngủ say trong nhiều tầng ký ức. Nó được hỏa táng và vì thế không có mộ địa để viếng. Đời thú sau không biết đến vị già làng thủ lĩnh. Hiển nhiên rằng các bậc trưởng lão đời trước đấy không kể lại, cũng không hề dạy chúng cách đối thoại với cộng đồng du mục.