- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người Đi Xin Nước Mắt

26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 99629)

vn3ud8_0_300x188_1LTS: Hoàng Ngọc Thư sinh ngày 20/3/1973 tại Nha Trang, Việt Nam. Hiện sống cùng gia đình tại Adelaide, Úc. Với lối hành văn từ tốn, câu chữ dùng chính xác và sâu sắc, một điều rất qúi hiếm nơi những người viết trẻ sống ở hài ngoại, qua hai truyện ngắn "Chiếc Áo "(HL89), "Chuyến tàu đêm"(HL90), Hoàng Ngọc Thư đã nhanh chóng thu phục cảm tình bạn đọc. Trong Hợp Lưu 91, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến qúi độc giả truyện ngắn "Người đi xin nước mắt", một sáng tác mới nhất của Hoàng Ngọc Thư.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

Tôi là kẻ lọc lừa. Từ bé, tôi đã lừa những đứa trẻ khác để lấy đồ chơi của chúng. Đến tuổi đi học, tôi lừa thầy, phản bạn. Tôi gạt gẫm cả cha mẹ, anh em. Đi đâu tôi cũng được ưu đãi vì cái bề ngoài hào nhoáng của mình. Những cô gái say mê, quỵ luỵ tôi, nhưng rồi tôi lừa họ tất. Đôi khi tôi làm vì chủ tâm, đôi khi là vô tình, có lẽ cái máu lọc lừa trong tôi đã ăn sâu vào xương tủy. Có lúc tôi lừa vì thói quen mà cũng chẳng biết để làm gì nữa.

Năm tôi bước sang tuổi bốn mươi, đột nhiên tôi bị một chứng bệnh kỳ lạ. Một sáng thức giấc, tôi thấy tay chân, thân thể mình sần sùi, đỏ tấy và ngứa dữ dội. Tôi hoảng hốt đi tắm, kỳ cọ sạch sẽ, tôi ngỡ tôi đã sờ vào thứ lá độc nào. Nhưng càng ngày cơn ngứa càng gia tăng. Tôi cố vắt óc để nhớ ra hôm trước mình đã ăn những gì. Nhưng sau khi đã điểm lại quá trình hoạt động và ăn uống cả ngày qua, tôi chẳng nhận ra đã dùng món gì lạ cả! Tôi sống độc thân, tiện đâu ăn nấy, nhưng đã dùng toàn là những thức ăn bình thường ở những nơi quen thuộc. Cuối cùng, tôi đành đi bác sĩ xem phải chăng tôi đã bị dị ứng thứ gì không.

Bác sĩ gửi tôi đi thử máu, xét nghiệm da, rồi rọi gan, soi dạ dày… để tìm nguyên nhân. Người ta kê cho tôi nào thuốc viên, thuốc bột, thuốc nước, và đủ loại kem thoa, thuốc dán… để trị, nhưng chứng bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Những vệt đỏ ngày càng lan rộng, mưng mủ, lở loét và bốc mùi thật kinh tởm. Tôi đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi để chữa trị nhưng mọi người đều bó tay. Không bác sĩ nào tìm ra được tôi bị mắc phải bệnh gì, và mặc dù không ai nói ra, nhưng ánh mắt của họ cho tôi biết tôi không còn hy vọng gì để thoát khỏi cái chứng bệnh khủng khiếp này. Tôi đau đớn vật vã, cùng kiệt cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhiều hôm, những vết lở loét hành hạ tôi cùng cực, thân thể tôi như bị chà xát và tưới đẫm bằng một thứ axít ăn mòn da thịt đau đớn, bỏng rẫy. Có lúc tôi phải đứng hàng giờ dưới vòi nước lạnh buốt giữa đêm khuya để cơn đau dịu xuống chút ít. Tôi run bần bật vì lạnh, cái lạnh như thấm sâu vào xương tủy và tôi như phát sốt vì cái lạnh bên trong và cái bỏng bên ngoài.

Tôi đuối sức và tuyệt vọng. Tôi bị ám ảnh và giày vò bởi ý nghĩ lẽ nào tôi đành chôn vùi đời mình với căn bệnh kinh tởm này và chết một cách đau đớn trong khi nhìn thấy da thịt mình thối rữa ra từng ngày? Tôi thôi làm việc, sống chui rúc trong nhà, vật vã với nỗi đau và cô đơn. Không ai dám đến thăm tôi, tôi cũng không đi ra ngoài vì ngại làm phiền những người xung quanh với mùi hôi thối của mình. Thảng hoặc, em gái tôi đến thăm và mang thức ăn đến cho tôi trữ ăn dần. Tôi cố tìm cách giải khuây, nhưng thân thể tôi hết ngứa ngáy lại đau đớn cứ nhắc tôi nhớ đến căn bệnh nan y của mình. Sau một thời gian cố sức phủ nhận, tôi đành phải chấp nhận rằng mình đang chết dần mòn và sẽ phải chịu cực hình này cho đến cuối đời.

*

Cho đến một hôm, tôi mệt lả thiếp đi trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên giường vì các vết lở loét trên lưng đau buốt khiến tôi không thể đặt lưng xuống được. Tôi chợt mơ thấy mẹ tôi như ngày mẹ còn sống. Mẹ tôi dịu dàng ôm tôi vào lòng, rồi mẹ khóc và nói với tôi:

"Con ơi, mẹ đã hết sức khẩn cầu, nài xin cho con khỏi bệnh nhưng không được. Họ bảo chứng bệnh của con xuất phát từ trong tâm, không có cách nào chữa khỏi. Mẹ vật nài mãi, cuối cùng họ đồng ý mách cho cách này: chỉ có nước mắt mới giúp con lành lặn trở lại. Nhưng họ cũng dặn con phải cẩn thận, chỉ có những giọt nước mắt chân tình mới giúp cho con khỏi bệnh mà thôi!"

Nói xong, mẹ tôi quay đi lau nước mắt.

Tôi thức giấc, nằm nghĩ ngợi lan man trong bóng tối. Mẹ tôi mất cách đây đã hơn hai mươi năm, thời tôi mới tốt nghiệp trung học. Tôi rất ít khi mơ về mẹ, chỉ thỉnh thoảng khi nào tôi có điều gì lo lắng hay khổ sở, tôi lại thấy được mẹ vỗ về như thời còn bé. Tôi vốn không tin vào những giấc mơ, đặc biệt là từ khi tôi trưởng thành. Những thành đạt trên đường đời đã khiến cho tôi tự tin vào khả năng của mình và luôn gạt đi những điều không hay tôi thấy trong giấc ngủ.

Nhưng nay tôi lại mơ về mẹ và đưọc mẹ dặn cách chữa trị cho mình. Tôi thấy thật vô lý khi bao nhiêu thuốc men, hóa chất đặc chế không thể chữa được những vết lở loét trên thân thể tôi thì làm thế nào nước mắt có thể chữa được? Có cái gì trong nước mắt người ta có thể giúp được tôi lành bệnh? Chỉ có muối và nước, tôi có thể pha hàng thùng những thứ ấy rồi ngâm mình vào. Tôi đã từng nghĩ đến cách ấy, nhưng tôi biết đó không phải là cách chữa trị cho mình. Nhưng mẹ đã dặn chỉ có những giọt nước mắt chân tình mới giúp tôi chữa được lành bệnh. Vậy hóa ra nước mắt con người cũng thay đổi thành phần tùy theo hoàn cảnh hoặc phẩm chất của mỗi con người ư?

Suy nghĩ vẩn vơ mãi, cuối cùng tôi quyết định: đàng nào thì mình cũng đã trong tình trạng hết cách chữa, có thử cách khác cũng chẳng mất gì. Vả lại, có điều gì đó tôi không thể phân tích được, nhưng giấc mơ kỳ lạ này đã mang lại cho tôi chút hy vọng. Thế nhưng khi tôi đã sẵn sàng đón nhận cách chữa mới này, tôi lại phải đương đầu với một khó khăn khác: xin nước mắt ở đâu bây giờ? Chưa nói đến việc làm thế nào để phân biệt được thế nào là những giọt nước mắt chân tình, chỉ một điều đầu tiên là đi tìm ai đó đang khóc để xin nước mắt của họ đã là một việc gay go. Tôi cho rằng đây là một cực hình còn hơn cả những nỗi đau thể xác. Tôi thà chui xuống vùi mình vào cống rãnh, sình lầy còn dễ hơn. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi phải đi lang thang khắp nơi tìm ai đó khóc để xin nước mắt.

Tôi loay hoay với nỗi khổ tâm và hổ thẹn khi nghĩ đến cảnh mình phải lê la đi xin nước mắt của những người xa lạ. Bản tính tôi vốn cao ngạo, tôi chưa từng quỵ luỵ ai bao giờ. Thêm vào đó, những thành công, thông suốt trên đường đời càng làm cho cái tính ấy ăn sâu vào huyết mạch. Nay tôi phải hạ mình đi cầu xin người khác, có khác nào một cực hình cho cái trí óc vốn quen ăn trên ngồi trước thiên hạ của tôi?

Thế nhưng cái đau thể xác không để cho tôi yên. Tôi thà chết đi còn hơn nhìn thấy thân thể mình ngày càng lở loét kinh khủng cho đến một lúc tôi không chịu nổi nữa. Tôi biết tôi phải đi xin nước mắt, may ra tôi còn có thể tiếp tục được kiếp người trước khi tôi quá cùng quẫn để nghĩ đến chuyện quyên sinh.

*

Một buổi sáng, tôi thức dậy sớm, ăn vận chỉnh tề, gói ghém thức ăn uống mang theo rồi lên đường đi xin nước mắt. Tôi lên đường với cảm giác như người đi tìm kim đáy biển, chẳng biết mình sẽ đi đâu và điều gì đang chờ tôi ở trước mặt. Giả dụ có ai bảo tôi đi bộ một trăm cây số đến nơi nào đó, tôi tin chắc tôi sẽ làm được dễ dàng hơn là làm việc này. Tôi đã cố gắng thật nhiều, nhưng tôi không thể nghĩ ra được nơi nào có thể có người khóc. Tôi đi hú hoạ hết phố này sang phố khác, lang thang với tâm trạng một kẻ đi tìm một thứ gì đó đã đánh mất, khốn nỗi là cả vật, lẫn nơi đánh mất đều không thể nhớ ra.

Đến trưa, tôi mệt nhoài, mồ hôi vã ra quyện với máu mủ trên thân thể khiến tôi ngứa ngáy, khổ sở vô cùng. Tôi thầm nghĩ thế là đã đủ cho hôm nay, tôi phải về nhà nghỉ và thay quần áo trước khi những người xung quanh bịt mũi tháo chạy. Trong khi tôi đang cố gắng luồn lách giữa giòng người chen chúc trên đường phố và cố làm thế nào để không va chạm vào người khác ngại làm phiền đến họ, tôi nhận ra tôi đang tiến đến gần trạm xe buýt về hướng nhà mình. Tôi mừng rỡ dừng chân dưới mái hiên một hiệu áo quần và cố nép người tránh cái nắng trưa gay gắt mà không làm choáng lối đi của người khác.

Trong lúc chờ đợi, tôi đưa mắt nhìn quanh và nhận thấy cách đó không xa, có một phụ nữ dắt tay một đứa bé gái, cả hai đều ăn vận rách rưới đang tiến đến gần. Đột nhiên đứa con gái dừng lại trước một hiệu bánh, rồi chìa tay qua cửa sổ, nó cất giọng thiểu não xin một chiếc bánh ngọt.

Tất cả chỉ xảy ra trong phút chốc, tôi như đứng chết lặng với cảnh tượng đang xảy ra trước mắt mình. Gã chủ tiệm quát đuổi đứa bé rồi tiện tay kéo sập cửa sổ. Đứa bé hoảng hốt chưa kịp rụt tay lại đã bị nẹp sắt nghiến vào bàn tay thét lên vì đau đớn. Người phụ nữ lao đến ôm chầm lấy con.

"Con ơi! Tội nghiệp con tôi!"

Người mẹ nức nở khóc. Đứa bé môi trắng bệch vì đau, người run lên bần bật. Người mẹ nắm chặt bàn tay con, tay kia vuốt ve xoa nắn và nức nở không ngừng.

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy muốn khóc vì thương cảm. Từ trước đến nay tôi vốn chẳng bao giờ quan tâm đến nỗi đau của những người khác. Ngay cả với người thân trong gia đình gặp phải lúc buồn lo, tôi cũng lơ là, huống hồ đối với người dưng, chứ đừng nói đến ăn mày đang lâm vào cảnh khốn khó. Thế nhưng lúc ấy tôi thấy lòng mình mềm ra, tôi muốn nói lời gì đó để an ủi họ nhưng ngại ngùng sợ làm phiền đến hai mẹ con.

Nghĩ đến nỗi đau của họ, tôi chợt nhớ đến nỗi khổ của tôi. Tôi bước lại, quỳ xuống cạnh người mẹ rồi rụt rè cất lời cầu xin:

"Cho tôi xin nước mắt!"

Người mẹ ngước mắt nhìn tôi, rồi bà cúi đầu. Tôi đọc thấy trong ánh mắt bà vẻ ưng thuận và hiền từ. Tôi rụt rè chìa chiếc thìa nhỏ tôi mang theo hứng lấy những giọt nước mắt quý giá. Nước mắt bà vẫn tuôn rơi trên đôi tay đứa con gái. Tôi đưa cả hai tay hứng lấy. Rồi chìa cả chiếc lọ nhỏ mang theo, tôi hứng lấy hứng để những giọt nước mắt nóng hổi của ngưòi mẹ.

Đứa con gái gục đầu vào ngực mẹ. Bà cúi xuống hôn lên tóc con và đưa tay quệt mắt. Thấy bà đã nguôi cơn khóc, tôi lắp bắp lời cảm ơn rồi đứng dậy. Tôi thấy bà đưa mắt nhìn theo tôi, ánh mắt như chia sẻ cùng tôi bao nỗi nhọc nhằn mà tôi phải chịu.

*

Mải nghĩ đến nỗi đau của hai mẹ con, tôi không để ý đến đôi tay tôi đã bớt đau rát từ lúc nào. Đến khi tôi đói quá và lục túi xách tay tìm thức ăn, tôi mới nhớ ra mình phải gượng nhẹ, kẻo đôi tay tôi bị chà xát vào lần vải lót trong túi sẽ thêm lở lói. Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng mình đã quờ kiếm thức ăn cả đỗi mà đôi tay không hề đau đớn. Tôi vội vã rút tay ra nhìn thử: những vết lở loét đã khép miệng và lớp da mới hồng hồng mỏng tang đang bao phủ quanh những vết thương mới sáng nay còn nứt toác. Tôi đưa cả hai tay lên gần mặt, tôi không thể tin vào mắt mình: lẽ nào điều mẹ tôi mách là sự thật? Tôi thấy tim mình run lên, rồi toàn thân run lên như phát sốt vì vui mừng và xúc động. Người ăn mày ấy, người mẹ ấy đã ban cho tôi phép lạ đầu tiên tôi thấy được của con người.

Tôi đi như chạy về nhà. Tôi quỳ gối trước ảnh mẹ và kể cho bà nghe về điều kỳ diệu tôi vừa trải qua. Tôi hạnh phúc như vừa được sống lại, tôi mừng quýnh quáng quên cả ăn uống ngày hôm ấy.

Đêm hôm ấy, tôi lại mơ thấy mẹ. Mẹ vẫy tay cười với tôi từ đàng xa. Mẹ đang đi cùng một đoàn người, ai cũng ăn vận đẹp đẽ như đi ăn cỗ. Tôi sung sướng nhìn theo bóng mẹ xa dần. Tôi biết mẹ vẫn ở bên tôi cho dù Người đã khuất núi.

Hôm sau, tôi hăm hở đi xin nước mắt.

*

Cuộc hành trình đi xin nước mắt tự nó là một kiếp người mới cho tôi, khi tôi cảm thấy lần nữa mình trở lại nhỏ bé, dại khờ, và hoàn toàn phụ thuộc vào tình thương của những người xung quanh. Buổi sáng, khi tôi đứng trước gương trong lúc chuẩn bị lên đường, tôi không còn thấy tôi của ngày trước, mà chỉ là một kẻ khốn khó, hèn mọn, khao khát mong chờ được ban ơn từ những con người tử tế. Với lòng tràn ngập niềm hân hoan bởi những giọt nước mắt cứu rỗi của người phụ nữ nghèo khó ngày hôm trước, tôi hăng hái lên đường, lòng tràn trề hy vọng sẽ tìm lại được hạnh phúc của người lành lặn trong một ngày không xa.

Thế nhưng niềm phấn khởi ban đầu tàn lụi dần, khi tôi phải lang thang hết ngày này sang ngày khác qua những khu phố đông đúc, nơi hàng nghìn con người đi lại ngược xuôi mà chẳng tìm ra một người khóc. Trong cái hối hả của nhịp sống và sự vội vã ngay cả trong ánh mắt, tôi đã không thấy một ai rơi lệ trong suốt những chặng đường dài: trên vỉa hè, trên tàu điện, xe buýt... . Với nỗi đớn đau và niềm hy vọng được cứu chữa ngày một lụi tàn, tôi khao khát tìm đọc trên những nét mặt, những ánh mắt và những mái đầu cúi thấp dấu vết của nỗi khổ đau. Những điều tôi thấy được đã khiến cho tôi tin rằng, không phải tất cả những người tôi đã gặp và đi bên cạnh đều đang sống trong hạnh phúc. Tuy nhiên, dường như mọi người trong thế giới quanh tôi không còn ai có thời gian hoặc có thể khóc nữa. Tôi vật vã với cái đau của thể xác ngày càng tăng thêm, kết hợp với sự cùng quẫn của tinh thần, cho đến mức tôi đã chớm có ý nghĩ phải chấm dứt tất cả bằng cách tự kết liễu đời mình.

*

Với ý nghĩ ấy, tôi bắt đầu chấp nhận cái kết cuộc đã thật gần của đời mình và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, trước khi tôi tiến hành những thủ tục cuối cùng, tôi chợt nhận ra rằng mình cần tìm đến một nơi thanh tịnh để an dưỡng tinh thần và chuẩn bị cho những ngày cuối đời thật bình an, thanh thản. Sau nhiều ngày tĩnh dưỡng ở nhà, một hôm, tôi lại khăn gói lên đường tìm đến ngôi chùa ở một nơi hẻo lánh, chốn tôi ao ước được nương náu những giờ an tịnh quý báu và gột rửa những điều còn ray rứt trong lòng trước khi quay về nhà lần cuối cùng.

Tôi đến trước cổng chùa vào giữa trưa đứng bóng, sau suốt một buổi sáng vất vả lặn lội nhiều chặng đổi xe và đi bộ. Tôi lần tìm vào phía sân sau đền thờ, nơi có tiếng người nói lao xao với hy vọng sẽ tìm được một chỗ nghỉ chân dưới khóm cây rủ bóng. Vừa lúc tôi tiến đến cạnh thềm, tôi trông thấy mấy vị sư trẻ đang đi vào đền thờ và một vị sư ngoái lại dặn dò bà vãi già đang ngồi ăn trưa dưới mái hiên. Bà vãi đang ăn nhưng vội trả lời nên hóc thức ăn ho sặc sụa. Bà vội vã đặt bát cơm xuống mâm, rồi bà ôm ngực, nước mắt trào ra trong lúc bà đang chới với cố nén cơn ho.

Cho đến trước phút ấy, tôi ngỡ rằng mình đã thôi không còn nuôi hy vọng tìm được người khóc để xin nước mắt. Thế nhưng khi vừa trông thấy bà vãi nước mắt ràn rụa, tôi đã mừng rỡ lao đến bên bà. Rồi chìa chiếc thìa nhỏ tôi vẫn mang theo bên mình hàng ngày, tôi ngại ngùng cất giọng xin bà:

"Cho tôi xin nước mắt!"

Trong lúc bà vãi còn đang bối rối nhìn tôi, tôi nghe có tiếng bước chân rồi tiếng cửa mở ra từ căn phòng nhỏ bên cạnh đền thờ. Tôi luống cuống dừng lại khi trông thấy nhà sư xuất hiện ở ngưỡng cửa. Khuôn mặt ông hằn vẻ khắc khổ với đôi mắt sắc lạnh dưới hàng lông mày rậm. Ông nhìn tôi nghiêm khắc, rồi cất giọng khô lạnh, ông bảo tôi:

"Ở đây không có nước mắt!"

Tôi ngượng ngùng và tủi hổ cúi đầu. Tôi quên. Trong giây phút mừng rỡ khi trông thấy những giọt nước mắt hiếm hoi, tôi đã không nghĩ đến cửa Phật là nơi thanh tịnh an lạc, làm gì có nước mắt. Tôi cúi đầu, khó nhọc đứng dậy. Quần áo tôi bám đầy máu mủ đã khô cứng cứa vào da thịt khiến cho những vết lở loét trên thân thể tôi thêm bỏng rát. Tôi không dám cất lời thưa chào, đành lầm lũi quay lưng men theo mái hiên tránh cái nắng trưa gay gắt ra cổng chùa. Ánh nắng chói chang khiến tôi hoa mắt đến choáng váng. Không cần ngoái lại, tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt xót thương của bà vãi dõi theo bóng mình và thấy thêm tủi hổ gấp bội. Nỗi tuyệt vọng như bóp nghẹt tim tôi, và lần đầu tiên trong đời, tôi thấu được đến tận cùng nỗi đau của kẻ bị ruồng rẫy.

*

Tôi cố lê chân suốt nửa ngày còn lại về đến nhà và lả vào giường. Cái mệt nhọc và đau đớn của thân thể, cộng với nỗi tuyệt vọng khiến tôi kiệt sức. Tôi nghĩ đến một giấc ngủ êm đềm mà tôi chẳng bao giờ phải thức dậy nữa. Tôi thật sự chẳng còn thiết đến điều gì nữa trên đời, ngay cả cuộc sống đầy đủ và yên bình trước đây tôi cũng không còn khao khát được có lại. Chỉ có bóng tối của chốn vĩnh hằng là đấng cứu rỗi của tôi lúc này. Tôi thiếp đi trong một cảm giác bồng bềnh rã rời, như thể đang được cuốn đi trong dòng xoáy của một cơn lũ.

Và rồi, trong một giấc mơ thật rõ nét như mới hôm qua, tôi thấy lại ngày mình vừa tập tễnh lái chiếc xe đạp và ngã nhào bên góc thềm. Mẹ tôi dịu dàng đến nâng tôi dậy, rồi nhìn vào mắt tôi, mẹ âu yếm động viên:

"Cố lên con, sắp được rồi đấy!"

Rồi mẹ xoa lên gối tôi, nơi vết trầy xước còn rướm máu và hôn lên trán tôi trước khi giúp tôi lên xe tiếp tục buổi tập lái. Mẹ đưa tay vẫy tôi, trong khi tôi thấy mình đạp đi về phía cuối con đường. Một làn bụi mờ phủ lấy bóng mẹ, và tôi thức giấc trong khi đang mừng rỡ gọi mẹ về bước tiến mới của mình.

Tôi thức giấc với thân thể rã rời và những vết thương đau buốt như đang ăn sâu vào xương tủy. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, tôi cảm thấy một niềm hy vọng mới như vừa đơm nụ trong lòng. Một cảm giác yên bình tỏa rợp tâm hồn khiến tôi không còn muốn từ bỏ cõi đời. Tôi cảm thấy mình như có thêm sức mạnh. Rồi không rõ từ đâu, một nguồn động lực đã thúc đẩy tôi ra khỏi giường, lôi kéo tôi đi tìm thức ăn uống và chăm sóc những vết thương cẩn thận để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai: tôi sẽ lại lên đường đi xin nước mắt.

*

Cuộc hành trình mới của tôi không kém vất vả, nhọc nhằn như những ngày trước, nhưng tôi không còn để tâm đến những rủi ro, trắc trở nữa, mà tập trung đi tìm những nơi tôi có thể xin được nước mắt. Có lẽ vì quá bận tâm đến những điều người khác có thể nghĩ về mình, hoặc vì mặc cảm yếu hèn của kẻ đi xin đã làm đầu óc tôi u tối, nên trước đây tôi không nghĩ ra được những nơi mình cần đến. Nhưng ngay đêm hôm ấy, tôi đã nghĩ ra vài nơi tôi có thể may mắn tìm ra người khóc: bệnh viện và nghĩa trang, và có lẽ cả ở những khu dân nghèo sinh sống. Với niềm hy vọng mới vừa hé nụ, tôi thiếp đi lần nữa trong nỗi khắc khoải mong chờ cho một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với mình.

*

Những ngày sau đó, tôi lần lượt trải qua những giây phút lạ thường, cũng như nhận ra được một cách rõ ràng sự khác biệt trong tính chất của những giọt nước mắt. Có những giọt nước mắt ấm áp đã giúp tôi xoa dịu và chữa lành những vết thương, như giọt lệ của hai phụ nữ nhà quê đã khóc trong lúc đang ngồi níu lấy nhau trong phòng đợi ở khu cấp cứu, hoặc của người đàn ông đang bồn chồn trước phòng hộ sản. Những giọt lệ chân tình đã lấp kín những vết lở loét trên mặt, trên cổ, hai cánh tay và cả trên ngực, nơi tôi đã ngỡ những vết thương sẽ dần dần ăn nát thân thể mình và chẳng còn cách nào cứu chữa được.

Tôi đã thành công trong những lần xin này, vì tôi không còn bị mặc cảm hèn mọn làm chùn bước: tôi sẵn sàng quỳ gối hứng lấy những giọt lệ quý báu và để mặc cho chúng rơi rớt lên thân thể mình ở bất cứ nơi nào. Tôi đã cúi đầu tạ ơn những con người tử tế đã chia sẻ cùng tôi những nỗi đau của họ, và giúp tôi chữa dần căn bệnh mà không thuốc men nào có thể giúp được trước đây.

Nhưng cũng có lúc những giọt lệ đã khiến tôi thất vọng hoặc gây thêm cho tôi bao đau đớn. Có hôm, tôi kiên nhẫn quỳ gối đón chờ những giọt lệ từ nhóm thân nhân của một người quá cố đang chờ được hạ huyệt ở nghĩa trang, nhưng than ôi, những giọt nước mắt hiếm hoi đã rơi mà những vết thương của tôi chẳng có chút mảy may biến đổi. Rồi một lần khác, tôi đã phải đứng hàng giờ dưới vòi nước lạnh để làm dịu đi cơn đau, sau khi hứng lấy những giọt nước mắt căm phẫn của một phụ nữ giàu sang trong lúc bà mặc sức kể lể với bạn về người chồng hư hỏng, phụ bạc của mình. Những giọt nước mắt của bà như một thứ axít bỏng rẫy ăn sâu vào những chỗ lở loét trên thân thể tôi, khiến cho chúng lan rộng ra hơn và nỗi đau đớn suýt làm tôi ngất đi.

Nhưng không vì thế mà tôi nản lòng. Tôi cố tĩnh dưỡng ít hôm để lấy lại sức rồi tiếp tục lên đường. Tôi trở lại bệnh viện, rồi vào nghĩa trang, và tìm đến những khu dân nghèo. Đã nhiều lần, nước mắt của tôi hoà lẫn với những giọt nước mắt của những người xa lạ, và kỳ diệu thay, chúng cũng giúp làm lành vết thương, mà trước đó, tôi cho rằng chỉ có những giọt lệ của người khác mới có thể cứu giúp mình.

*

Thế rồi một hôm, trong lúc tôi đang mệt nhoài lê chân giữa chiều nắng xế đi qua một khu phố tồi tàn trên đường về lại nhà, tôi chợt nghe có tiếng trẻ khóc và một giọng phụ nữ hát ru rời rạc từ một căn nhà đổ nát ở cuối con hẻm. Tôi tiến đến gần rồi ghé mắt vào khung cửa mở ngỏ. Bên trong căn phòng mờ tối, tôi trông thấy một người đàn bà đang ngồi ru con trên chiếc võng. Người phụ nữ một tay ôm con, tay kia nhè nhẹ phất phơ chiếc quạt giấy. Đứa bé vẫn khóc. Tôi cúi đầu tiến đến gần, rồi đưa tay chìa chiếc lọ nhỏ ra trước mặt, tôi cất giọng khao khao cầu xin:

"Cho tôi xin nước mắt!"

Tiếng hát dừng lại. Người phụ nữ đánh rơi chiếc quạt trong tay, rồi bà cất giọng nghẹn ngào:

"Anh đấy ư?"

Tôi nhìn người phụ nữ. Không đủ ánh sáng trong phòng để tôi có thể nhìn thấy rõ nét mặt của bà, duy chỉ có giọng nói phảng phất những âm hưởng quen thuộc. Trong lúc tôi còn bối rối chưa nhận ra, nụ cười héo hắt nở trên môi người đàn bà đã nhanh chóng gợi nhớ lại những ngày tôi vừa bắt đầu đi làm và nàng là một trong những người tình cũ mà tôi đã từng thắm thiết. Tôi nhớ nàng kém tôi vài tuổi, nhưng lúc ấy nàng trông gầy còm, tiều tụy như bà lão sáu mươi. Tôi nhớ lại ngày còn yêu nàng, tôi đã cảm phục nàng vì tính giản dị và tấm lòng cao quý. Nhưng tôi đã bỏ rơi nàng để theo đuổi một phụ nữ giàu có và chóng quên đi mối chân tình mà nàng đã dành cho tôi.

Chúng tôi bối rối trong giây lát, rồi cùng níu lấy nhau thổn thức. Nàng kể cho tôi nghe về những nỗi vui buồn từ lúc chúng tôi chia tay nhau, kết thúc bằng thực tại là nàng đang phải một thân vất vả nuôi con vì chồng nàng không chịu nổi cảnh túng quẫn đã bỏ đi, để lại cho nàng đứa con thơ. Tôi kể cho nàng về quãng đời nhiều thăng trầm của tôi từ dạo ấy, và căn bệnh khủng khiếp mà tôi phải chịu cho đến ngày được cứu chữa lành lặn bằng những giọt nước mắt. Tôi muốn ngỏ lời xin được mang mẹ con nàng về chung sống, nhưng ngại ngùng làm nàng kinh tởm với những lở loét và mùi hôi thối từ những vết thương trên thân thể của mình.

Chúng tôi lặng lẽ ôm nhau trong nỗi đớn đau của những điều đã mất và niềm hạnh phúc được gặp lại nhau lần nữa. Nước mắt của tôi và nàng hoà vào nhau, tim tôi ấm lại với những cảm xúc thật trong sáng, êm đềm mà đã lâu lắm rồi tôi mới tìm lại được và tôi ngỡ đã mất đi mãi mãi. Nước mắt nàng ướt đẫm ngực áo tôi khi nàng áp mặt vào lòng tôi thổn thức. Đến khi đứa bé đã ngủ say và nàng nguôi cơn khóc, tôi ngỏ lời được cùng nàng nối lại mối tình xưa, nhưng nàng một mực chối từ. Nàng vẫn mong chờ đến ngày người chồng yêu quay về, để con nàng có bố và gia đình nàng được đoàn tụ lần nữa.

Mặc dù thất vọng vì bị nàng chối từ, tôi đã không ngạc nhiên trước tấm lòng chung thủy của nàng. Tôi mến phục nàng vì đã trải qua bao nhiêu vất vả, đắng cay nhưng vẫn mãi trung thành với chồng, và tôi đã thành tâm cầu mong cho gia đình nàng sớm được đoàn tụ. Chúng tôi chia tay trong niềm ấm áp của một tình thân mới được xây đắp. Tôi ra về trong nỗi ngậm ngùi cho cảnh đơn chiếc của nàng, và tự hứa sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ, chia sẻ cùng nàng những khó khăn trong tương lai.

*

Tôi vẫn còn mải nghĩ đến nàng trong suốt quãng đường về nhà và cả phần còn lại của ngày hôm ấy. Cho đến khi tôi tắm rửa, thay đồ trước giờ đi ngủ, tôi mới hết sức kinh ngạc khi nhận ra những vết lở loét trên thân thể mình đã kín miệng và bắt đầu lành. Tôi đứng ngây người trước gương, rồi hối hả vạch tìm từng vết lở trên khắp thân thể, nhưng tất cả mọi vết thương đều được bọc kín trong một lớp da mới. Tôi run rẩy trong niềm hạnh phúc vô biên và nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi không thể tin vào mắt mình và không ngớt tự hỏi phép lạ nào đã giúp tôi thoát khỏi căn bệnh kinh tởm ấy. Tôi lặng lẽ quỳ gối trước bàn thờ của bố mẹ, lòng tràn ngập niềm biết ơn sâu sắc hai đấng sinh thành. Nhờ có phương thuốc kỳ diệu mà mẹ mách bảo tôi hôm nào, tôi đã được tái sinh lần nữa.

Cho đến cuối đời, tôi mãi mãi biết ơn những con người tử tế, mà nhờ những giọt nước mắt của họ, tôi lại được lần nữa sống trong hạnh phúc của kẻ lành lặn…

*

Người y tá trẻ lặng lẽ gấp cuốn hồi ký áp chặt giữa đôi tay đang đặt gọn trong lòng. Cô trầm ngâm hồi tưởng lại những tháng ngày thật đáng nhớ cô đã chăm sóc cho người đàn ông thâm trầm, ít nói, người đã dành cho cô thật nhiều cảm mến và lòng biết ơn sâu xa. Cô đã từng chăm sóc cho nhiều bệnh nhân ở chặng cuối cùng của bệnh ung thư máu, nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy một sự ràng buột hết sức mật thiết hoặc dành cho ai nhiều cảm mến như với người đàn ông này. Cô có thể hình dung được vẻ tuấn tú và sức thu hút đầy nam tính từ người đàn ông đã ngoài sáu mươi, vào thời ông còn trai trẻ. Nhưng cô chẳng bao giờ có thể đoán được một quá khứ đầy những tàn phá và tai ương từ một con người hết sức trầm mặc và giàu tình người như ông.

Mắt cô nhòa lệ khi nhớ đến lần cuối ông cầm lấy tay mình, lúc cô đặt tay lên trán ông giữa cơn sốt như thiêu đốt từng phân tử trên thân thể. Tim cô thắt lại khi nhớ đến nụ cười đầy thân ái ông trao cho mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi ông bị cơn sốt huỷ hoại trí tuệ và chìm vào chốn hôn mê vĩnh hằng.

Cô lặng lẽ đóng chiếc ngăn tủ bên giường người bệnh, và ngoái lại lần nữa trước khi rời căn phòng như cố thu lại trong tầm mắt khung cảnh thân thương với bao kỷ niệm ngày còn có ông ở đấy. Thân nhân của ông từ một thành phố xa đã đến mang xác ông đi hôm qua. Sáng nay, cô đã cố tìm địa chỉ của họ để gửi chiếc đồng hồ đeo tay mà ông đã để sót lại bên giường, nhưng chẳng thấy họ để lại chi tiết liên lạc nào. Một cách tình cờ, cô vừa tìm thấy thêm cuốn hồi ký của người đàn ông mà cô sẽ cất giữ suốt đời như một kỷ niệm sâu sắc.

HOÀNG NGỌC THƯ
Adelaide 8/2004 & 9/2006.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 103666)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 96734)
Hắn miên man thêm. Tình dục qua internet nè, tình dục qua e-mail nè, tình dục qua điện thoại nè, tình dục trong các công sở nè ... Có người không thích bóng gió thì cũng có người đậm mầu lãng mạn.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 127905)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 109374)
Giáo sư Anatoli A. Sokolov, hiện công tác tại Đại Học Phương Đông, là một chuyên gia nổi danh về Việt Nam.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 114846)
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 103886)
Người đang đứng trên sân khấu, hay đang đứng trước màn hình với bao ngọn đèn sáng chói nhất không phải là D của quãng trời thơ ấu mà là Don Hồ. Hai người khác biệt nhau lắm! D mà Trúc quen biết khi xưa, rất nhút nhát và... ít nói.
28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 137100)
Lũy bắt Phượng Vỹ "làm tình với Lũy như một con điếm"
25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 129575)
Đợi thằng bồ Tây hôn hít xong, khi cánh cửa vừa cài trên cài dưới cẩn thận xong, cô mang xấp thư tình ra xếp thành ba xứ sở khác nhau: Mỹ một bên, Gia Nã Đại một bên, Úc một bên.
14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 118739)
Tôi về chợt thấy em tôi Môi son má phấn thẹn lời chào nhau Nắng hồng – em ửng trăng sao Lá hoa cười cợt lẻ nào tôi quên
14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 126378)
Vòm trời vỡ vụn Bầy ngựa hoang đói khát tuyệt vọng trước bụi xương rồng Những chiếc gai nhọn sắc tứa ra giọt giọt sữa độc Chiếc lưỡi đói cỏ làm sao có thể chạm vào? Màu trắng quay cuồng họng khát.