- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐẤT CÓ THẦN

23 Tháng Năm 20182:28 SA(Xem: 19997)


4 ELEMENT 1CROP
Tranh Đông Duy



Mấy người đàn ông nhậu từ chiều đã bắt đầu hơi sỉn.Vân nhận ra điều đó vì giọng nói của họ trầm hẳn xuống, nhiều lúc đớ ra, ngập ngừng như mấy cậu con trai tán gái chưa có kinh nghiệm định mở miệng hùng hổ sẽ nói hết nhưng rồi lại nín  thinh, chỉ còn lại nụ cuời nửa khờ khạo, nửa như liều lĩnh, ngượng nghịu, rồi cầm ly lên, làm một hớp nhỏ, rồi đặt ly xuống, quay cái ly vòng vòng, ngắm nghía đã đời rồi lại cuời  mỉm chi, ngửng lên tiếp câu nói đang bỏ dở .

    Những vấn đề được nói tới lúc ngà ngà say cũng trầm trọng hơn, không còn cái vẻ vui nhộn riễu cợt lúc lúc mới ngồi vào bàn. Người ta nói lúc Đức Phật nhập niết bàn mọi vật chung quanh đều tan thành tro bụi. Nếu vậy mấy ông đệ tử cũng tiêu luôn sao.?

    -Chỉ là ẩn dụ thôi, Kiêm lủ dủ lù dù nói. Có lẽ họ muốn nói tới tiếng nổ bùng khởi đầu của của vũ trụ mà ông Phật thấy được, tuệ được, nhưng không điễn tả được vì thời đó chúng sanh con u mê quá...Có lẽ nguời ta chỉ muốn nói tới cái  lý khởi đầu của mọi việc vì khi đạt được tới cái lý vô thuỷ vô chung của mọi hiện hữu thì có cũng là không mà không cũng là có...Khi Phật nhập niết bàn thì cũng tương tự như đã nhập được vào cái mà khoa học hiện nay gọi là điểm "nhất nguyên" hay singularity khởi đầu của có và cũng là không.

         -Ừa ..cũng có lý chứ..Con cóc mở miệng của chị Vân sắp thành chính quả rồi chị Vân ơi...

         Vân nhận thấy Khiêm thay đổi rất nhiều từ lúc chơi thân với mấy ông bạn nhậu Việt Nam này. Trước kia không có cái chuyện khề khà lai rai ba sợi tới đâu hay tới đó. Đời sống của Khiêm, ngay từ trước và từ ngày hai người lấy nhau là môt chương trình của máy computer được soạn thảo kỹ lưỡng, không còn một con bug nào. Có lẽ chỉ còn chuyện ngủ với vợ là hơi bất tử một chút. Vân có lúc trêu Khiêm như  vậy. Đến  thăm ai Khiêm phải gọi điện thoại báo trước, áng chừng bao lâu, nếu Ok thì phải xếp đặt chương trình từ mấy giờ tới mấy giờ. Bạn muốn đến thăm cũng tương tự, đúng giờ, nếu khách chưa nhắc đít đứng dậy thì coi đồng hồ như nhắc nhở hoặc nín thinh để câu chuyện nhạt thếch ra, lạnh như nước đá.

   Mới đầu Khiêm rất khó chịu cái chuyện thân tình bất kể giờ giấc của mấy ông bạn người Việt, nhất là cái anh chàng Quang, muốn đến giờ nào thì đến, muốn đi giờ nào thì đi, nhấn chuông một lần không ai mở cửa, nhấn hai lần, ba lần, lỳ ra tới lúc Khiêm phải cuống cuồng nhẩy bổ xuống giường khoác vội áo ngủ chạy ra.

    Khiêm chỉ hé cửa như chặn lại không muốn tiếp khách vậy mà anh chàng vẫn tỉnh bơ xô cửa bước vào, tay sách nách mang đủ thứ gói lớn, gói nhỏ. Vẫn điệu cũ, coi như  pha mọi tín hiệu cự tuyệt của Khiêm, cuời cười, nói nói, khơi khơi sấn vào

   -Cái này hay lắm, phải tới ông bà liền, thằng đệ tử mới câu được con cá bông lău ,...để  biểu diễn cho ông món cá hấp Mao Trạch Đông ...bà chủ  đâu ...phải nhờ bà ấy phụ một tay...

   Khiêm lẽo đẽo theo ông khách quý vào nhà bếp. Nghĩ đến Vân còn đang loàng quàng trong phòng ngủ khiến vừa bực vừa tức cười nhưng cũng đành chịu biết sao hơn. Khiêm cất tiếng gọi

   -Vân ơi..anh Quang ...

  Chặp sau thì Vân ra. Hello anh Quang...nụ cười còn cứng, thoáng nét ngơ ngác .

  -Có cái này đặc sắc ...phải nhờ bà một tay...con cá này còn tươi rói, đã nhờ chợ nó làm sạch láng rồi...Chỉ một đống đồ trên counter Quang nói:

   -Củ kiệu này, tương tầu này....Củ kiệu nấm hương, mộc nhĩ, gừng, hành... Thịt ba chỉ, nhờ bà thái nhỏ cho tôi, thái thành sợi dài nhé...còn miến tầu thì phải luộc lên trước...có hạt tiêu hột chứ...

   Khiêm đứng như trời trồng trong cái áo ngủ khoác ngoài, lòi hai cái cẳng chân không mặc quần dài đúng là ông Táo trong lúc Vân bẻn lẽn lo xếp đồ nấu nướng phụ Quang...

   Móc trong túi ra hai chai tequila nhỏ tí síu. Quang súyt soa,..

   -Trong lúc chờ đợi tôi với ông làm cái này cho ấm bụng đã. Anh ta bỏ muối lên chảo rang nóng, lấy ra tán nhỏ, thấm uớt miệng ly với chút nước chanh rồi soay miệng cho ly dính đầy muối trước khi rót rượu vào, không quên cắt hai miếng chanh mỏng cắp vào thành ly....Nào ...mời ông..à quên để tôi gọi Vinh lại cho vui nhé, mời cả vợ chồng ông Mỹ nữa,...Cha này nhậu tới cử đánh dàn mới ngọt. Vậy là thành bữa nhậu, chẳng hẹn hò gì trước...

   Chương trình đi ăn ngoài và lên núi ngắm sao của hai vợ chồng Khiêm kể như đi đong.

         Thậm chí nhiều bữa nhậu tới mức, ngó quanh ngó quất rồi phóng đại lên sopha phòng khách ngủ ngon ơ. Chủ nhà nửa ngạc nhiên nửa bối rối cầm tay lắc lắc nhắc nhở :

   - Ông lái xe được không, hay để tôi chở ông về.  Khách chỉ ầm ừ, miệng cười ngù ngờ, nói lè nhè.

   -Nằm đây sướng chán, khỏi đi đâu nữa .  
            

   Khiêm chịu thua, chỉ biết ngơ ngác lắc đầu nhìn Vân sắch chăn gối ra kê đầu, đắp chăn và cởi giầy cho ông bạn quá quý.

   Buổi sáng tỉnh dậy, Khiêm nghĩ anh chàng sẽ ngượng lắm nhưng hắn ta vẫn tỉnh bơ, lại đang tự ý lui cui pha trà trong bếp mời chủ nhà...

    -Tôi với ông ra đây làm một vài ly trà đậm cho sảng khoái, buổi sáng nay dễ thương quá.....ông biết không, nó làm tôi nhớ thời đi lính, một bữa tụi nó đánh cái đồn của tôi hai hai ngày liền, vừa mệt vừa bực, tôi kêu thằng tà lọc nướng mấy con mực rồi cùng thằng đại đội phó vừa nhậu vừa uýnh nhau. Gần sáng tự nhiên êm..tôi chúi vào góc hầm làm một giấc  miết cù đẹo, tỉnh dậy vừa ngáp vừa chui ra khỏi hầm, bỗng nhiên êm ả và thơ mộng như sáng hôm nay vậy...Như mình chỉ chỉ vừa mới sinh ra đời...

   ...Ngồi xuống đây...ngồi xuống đây, tôi phải mời ông ly trà đặc biệt này để ăn mừng ngày sinh nhật mới của tôi mới được...Chút nữa bà ấy dậy mời ông bà ra biển ăn sáng...

Vậy mà Khiêm ngồi xuống thật, hai nguời uống trà, nói chuyên viển vông cho tới lúc Vân trang điểm xong rồi cả ba kéo nhau đi ăn sáng.

Con đường vòng theo bờ biển một sáng thứ bẩy nhàn hạ, không ràng buộc, rực lên trong nắng sớm đẹp như một bức tranh hiện thực được nắn nót tỷ mỹ, những cụm nhà mái đỏ, kiểu cọ kỳ lạ, xây cất leo cheo trên suờn đồi trông từ xa như những căn nhà tí thon trong truyện bạch tuyết bẩy chú lùn.

 Tháng bẩy mà như mùa  xuân, hoa cỏ xanh mướt rực rỡ. Họ ngồi trong một nhà hàng sang trọng vùng Laguna Beach, sát ngay bờ biển. Trong lúc chờ đồ ăn tới, Vân một mình chân trần đi bộ dọc theo bờ nước. Trở lại bàn Vân nói :

-“ Chạm chân vào sóng, nhắm mắt lại, trong một giây lạc lối tưởng đã trôi tuốt về bên kia bờ O Cấp...”

Vân cười nheo mắt ..không gập mấy anh, sống theo cái ông thần Mỹ da vàng này, chỉ Khiêm, tôi quên bẵng có lúc mình đã là người Viêt Nam....

Khiêm cười hiền, vòng tay ôm vai vợ siết nhẹ như chia xẻ. Trên 10 năm chung sống Khiêm thầm hiểu có một vắng thiếu hụt hững nào đó trong tâm hồn vợ nhưng bất lực không thể bù đắp, không thể chia xẻ. Vân lớn lên ở Viêt Nam, Khiêm hiểu đằng sau lưng vợ và cuộc đổi đời năm 1975 hẵn phải nặng chĩu  một niềm bí mật mà anh  không thể đặt chân vào .

Khiêm  theo mẹ sang Mỹ từ lúc còn là một đứa trẻ lên 8 tuổi. Kỷ niệm chỉ còn lại mơ hồ một sóm lao động, lối vào ngoằn nghèo đầy rác bẩn, những đứa trẻ con bận quần xà lỏng cởi trần đùa nghịch bên những cống rãnh hôi hám đầy muỗi mòng. Bà mẹ.. và những đêm khuya khoắt mới về tới nhà, mùi nước hoa sực nức như mùi hoa lài gắt gao và những thỏi kẹo chocolat, những hộp mứt mà những đứa bạn trong sóm nhìn ngắm với tất cả sự thèm thuồng.

Mẹ làm việc gì khuya khoắt như vậy Khiêm thực sự không biết nhưng chắc  phải là một công việc kiếm được nhiều tiền và được kính trọng vì chòm sóm rất thương mẹ, chỉ thấy những lời khen  tặng, những lời cám ơn rất chân thành khi họ đến vay tiền ...Cô Tư  ơi, tụi tôi không biết nói sao để cảm tạ cô....Không có cô thằng Năm Lé nhà tôi tiêu  rồi...chạy cho nó về được Biên Hoà tôi cũng yên bụng...sém chút nữa nó máng áo ở Phước Long rồi......Cô Tư ơi .....cô thương cho tụi tôi vay 10 ngàn sửa lại cái mái nhà dột quá...

Cha ruột mình là ai, Khiêm không hề biết, ngay cả tấm hình cũng chưa được một lần nhìn thấy. Khiêm không giám gặng hỏi dù thấy mình có hơi khác những đứa bạn trong xóm, chúng đều có cha, hoặc không thì cũng có một lý do nào đó, ...thằng cha trời đánh thánh đâm theo vợ bé, chả chết vì pháo kích. Ba thằng Năm lé sửa xe tăng ai dè xe de lại cán chết bẹp dí phòi cơm...

Riết rồi cũng thành chuyện đương nhiên. Hiện diện của Kiêm trên cuộc đời này không nhất thiết phải có sự đóng góp của một người đàn ông và cứ như thế cho đến một lúc nào đó, một người ngoại quốc bỗng nhiên xuất hiện trong đời mẹ.

 Khiêm thấy mẹ nói chuyện với ông ta bằng một thứ ngôn ngữ kỳ lạ và trong âm thầm Khiêm không khỏi cảm phục sự  tài giỏi của mẹ mình. Người đàn ông xa lạ đối xử với mẹ con Khiêm thật tử tế, ông ta đưa hai mẹ con vào một nơi toàn người ngoại quốc lạ hoắc. Kiêm được ăn lần đầu tiên một thứ  bánh mỳ mềm có cặp ở giữa một miếng thịt nướng lớn thơm ngon chưa từng thấy. Người đàn ông ngoại quốc chỉ đến nhà Kiêm một lần đó là lần phụ dọn dẹp đồ đạc của hai mẹ con lên một xe Jeep. Chòm sóm bu kín quanh nhà chỉ chỏ bàn bàn tán. Nhà đầy người, mỗi người xin một món đồ của mẹ. Cô Tư cho em cái sú cheng cũ này nhé. Thím Sáu lấy cái máy sịt tóc này đi...Khiêm nghe có người nói : “cô Tư đi Mỹ”. Vài người sụt sùi khóc ,..

   -" Cô đi nhớ đường về xóm này nghe cô .”

  Dường như mẹ cũng dớm nước mắt trong yên lặng ...rồi mọi việc như bỗng cắt dời ở khúc đó. Bỗng nhiên Khiêm thấy mình ở Mỹ. Người đàn ông ngoại quốc được mẹ biểu gọi là  Dady. Dady chỉ là một tên gọi, một tên gọi trống rỗng như  tên một người nào đó, như John, như Smith, tên ông hàng sóm, không thể tạo cho Khiêm cái ý thức về một người bố như sự mường tượng hoang mang từ thơ ấu mặc dù đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, Khiêm có cái ảo giác được  sống trong một gia đình trong vẹn. Mẹ không còn phải đi làm đêm, ban ngày khi bà ngủ Khiêm đi học, ở đây, hai mẹ con xuốt ngày bám chặt vào nhau.

Vô siêu thị, coi vô tuyến truyền hình mầu, cái gì cũng lạ. Một vài tháng đầu trôi qua thật mau, său đó thì cuộc đời lại như rơi vào cảnh cũ, mẹ phải đi làm đêm ở một xưởng may,  ông Dady đã giải ngũ, làm ban ngày làm gác gian ở một kho hàng.       

Khiêm cũng đã đi học lại, ngơ ngác gữa một đám người xa lạ, lạnh lùng. Chấn động mới làm Khiêm co lại trong cái pháo đài thầm lặng của mình và chỉ còn biết sách vở.

Khiêm học thật xuất sắc, 17 tuổi tốt nghiệp thủ khoa valedictorian ở trung học và được một học bổng toàn diện của trường MIT về điện tử. Xa nhà, xa mẹ càng làm anh câm nín hơn, cô đọng lại trong nụ cuời đôi lúc vẫn nháng lên nhưng tàn héo thật mau .

         Khiêm đi học xa được hơn một năm thì mẹ bệnh. Về nhà trong mùa hè, Khiêm hoảng hốt hiểu rằng bà chỉ còn sống được vài tháng nữa. Bệnh ung thư vú, kết quả của việc giải phẫu thẩm mỹ với kỹ thuật thời đó, người ta nhét một miếng plastic cứng đơ trong cơ thể con người. Đang vào mùa thi final không nghỉ được, Khiêm cố trở lại trường và lần trở lại sau cùng máy bay trễ hai tiếng không kịp để anh gập mẹ lần cuối.

 Sau tang lễ, Kiêm để lại hết mọi thứ cho người bố đượng, chỉ gói ghém vài món vật dụng cá nhân của mẹ trong đó có tấm thẻ căn cước, vài tấm hình cũ và một chiếc kiềng bằng vàng trạm trỏ tỷ mỉ. Chiếc kiềng thấy bà đeo trên cổ trong tấm hình đen trắng nhỏ, ngoài dìa cắt răng cưa như một con tem. Hình chụp một người thiếu nữ khoảng ngoài 20, tóc uốn dài, thả xuôi, một tờ giấy học trò có vẻ là một lá thư khá mộc mạc của một người đàn ông với những hứa hẹn hôn nhận, yêu đương, nhớ nhung và một giấy khai sinh mang tên Khiêm, ghi tên mẹ Nguyễn thị Út Tư, cha vô danh......Mấy thứ này cột chung với nhau bằng một sợi dây thung đã chẩy nhão ra với năm tháng..Còn có một tấm hình mầu chụp bằng máy polaroi, nuớc ảnh vàng ố nhợt hạt, mẹ mặc váy, tóc búi cao cuốn nhọn như đuôi một con ốc khổng lồ chụp lên đầu, ông Daddy đứng bên cạnh măc đồ lính Mỹ. Hình có lẽ chụp ở một phố lớn của Sài gòn, trước của một nơi có bảng hiệu bằng đèn neon đỏ rực mang tên Lovely bar. Tấm hình mầu này coi giống mẹ hơn nhưng lại quá nhạt nhoè, hoen ố không sao lại được. Tấm hình đen trắng tuy nhỏ nhưng rõ, Khiêm đưa cho studio chụp lại và phóng lớn lên làm kỷ niệm.

Dĩ vàng Khiêm thu gọn trong chừng đó, chiếc kiềng vàng và tấm ảnh đều được lồng trong khung kính, lúc nào cũng có trên bàn làm việc của Khiêm, im lặng, không lời, như những ẩn ngữ trong một cổ mộ. Ngay cả với vợ Khiêm cũng không một lời giải thích.

         Khiêm quen với cái ý niệm riêng tư  tuyệt đối của nguời Hoa kỳ. Con người có hai bộ mặt. Bộ mặt tươi cuời qua ngày "hi honey, I'am fine" ở chỗ làm việc và cái thế giới bọc kín của từng gia đình. Trong những gia đình này mỗi người lại có quyền xây một bức tường cao vây quanh đời sống riêng. Vợ, chồng, con cái, mỗi người đều có quyền cố thủ trong một pháo đài riêng. Vân có giờ riêng để đi Shopping, Khiêm có giờ riêng để đi đánh tenis, đi spa, đọc sách trong cái "đen" nhỏ bé của anh. Chỗ chung duy nhất có lẽ chỉ còn những diện tích da thịt tiếp súc của hai người khi ăn nằm với nhau. Khiêm tôn trọng tuyẹt đối sự riêng tư này như một thứ tôn giáo. Gia đình là bỏ những thứ chung vào với nhau trong những điều kiện giới hạn rõ ràng, như kiểu ăn potluck trong những party ở sở làm, mỗi người mang đến một món, khẩu vị loạn xà ngầu nhưng gọi chung vẫn kể là một phút  vui.

Nhà rộng, phòng ngủ thì chung nhưng cả hai đều sinh hoạt nghề nghiệp đặc biệt nên đều có phòng làm việc riêng để khỏi làm phiền nhau khi cần thức khuya.

Khiêm tôn trong một cách lạnh lùng những riêng tư này, luôn luôn gõ cửa ..,"anh vào được không"... và chờ đợi Vân đáp ứng tương tự.

Hồi mới lấy nhau Vân không thắc mắc lắm, chỉ nghĩ Khiêm sống ở Mỹ từ nhỏ nên quên cách lịch sự của người Hoa kỳ nhưng dần dần nàng nhận ra là cái bức tường ngăn cách giữa hai vợ chồng nó trầm trọng hơn thế nhiều. Vân cứ ngỡ một khi lấy chồng là hết...Hết theo cái ý nghĩ chúng ta là sở hữu của nhau. Cái ý nghĩ mình hoàn toàn thuộc về Khiêm không làm Vân thấy mất tự do, trái lại nàng cảm thấy an ổn ổn và hạnh phúc hơn. Nhiều năm sống độc thân từ ngày qua Mỹ và vài năm sống đơn độc từ ngày mẹ chết, có một cái gì thôi thúc trong Vân muốn mình thuộc về một cái gì đó, một nơi chốn...một mái nhà...một người đàn ông, một nụ cuời...Vân mỉm cười hát nhẹ trong đầu bài hát cũ ..."và xe tơ kết  tóc giam anh vào lòng  thôi...." . Có một ngục tù nào thân thiết quá vừa dấy động trong lòng khiến làm ứa nước mắt.

Cả hai vợ chồng đều đi làm, công việc tốt, lương cao, tiền bạc và sinh kế không là vấn đề. Khiêm trang trải hầu hết những chi phí chính của gia đình. Mới đầu Vân không để ý chuyện hai người vẫn giữ hai chương mục riêng. Vân muốn làm gì với tiền lương của mình, Khiêm không bao giờ hỏi. Vân cũng không thắc mặc, cứ nghĩ chẳng có gì quan trọng. Của chồng công vợ. Thấy áo đẹp hoăc những vật dụng mà chồng thích Vân tự ý mua cho Khiêm, sung sướng thấy Khiêm thích, hí hửng nắn lại cái cổ áo, ướm thử cái cravate cho chồng. Một bữa đi shopping chung, quên ví ở nhà, Khiêm nói đưa anh ba chục mua một món đồ gì đó. Vân tự nhiên móc ví lấy tiền đưa cho chồng. Bẵng đi vài hôm, một bữa Khiêm cầm ba chục bạc đưa Vân nói :

-Trả em này...

Vân cầm tiền trên tay còn ngơ ngác chưa hiểu

-Tiền gì vậy anh?.

-Hôm nọ vay em mua cái  sơ mi...

Nghe Khiêm trả lời, Vân lặng người trong dây lát, một cơn hờn tủi không cầm giữ được chợt ùa lên như cơn bão làm tê dại mọi phản ứng. Vân ngồi yên, mấy chục bạc còn cầm trên tay thờ thẫn, nước mắt ứa ra lúc nào không biết. Cơn xúc động mãnh liệt không kiềm chế nổi. Vân khóc run rẩy cả người. Bỗng nhiên nàng thấy mình bơ vơ, lạc lõng như ngày nào mẹ mới mất, một mình lưu lạc nơi đất lạ không còn biết tựa vào đâu..Người đàn ông đang đứng trước mặt nàng là ai đây, bỗng nhiên nàng thấy Khiêm xa lạ một cách đáng sợ.

Phản ứng bất ngờ của vợ làm Khiêm hỏang  hốt, anh vụt  ôm vợ vào lòng.

-Em sao vậy...Vân...sao vậy em.?

 Vân khóc lả đi trong con hờn tủi, cầm mấy tờ giấy bạc vứt xuống đất....bỏ chạy vào phòng khoá trái cửa lại...

Nàng giận Khiêm cả tuần, không thèm nói chuyện, buổi tối sách chăn gối ra salong ngủ mặc Khiêm bồn chồn ngồi đứng không yên...Khiêm không hiểu rõ nhưng có lẽ cũng đoán sơ và sự lý đoán này càng làm Khiêm hoang mang hơn

Khiêm nói : 

Cuối tuần này mình đi chơi rồi lên núi uống ruợu....có chuyện gì, anh lầm lỗi gì cho anh biết ...vợ chồng với nhau mà.

Xuốt một tuần lễ căng thẳng làm Vân mệt mỏi, một ngày nghỉ cuối tuần bên một bờ biển vắng vùng Monterey, buổi sáng hai vợ chồng chỉ cách nhau một ly cà fe, buổi chiều gần hơn chút nữa său một vài ly champagne, Khiêm rụt rè nói :

Anyway .. .anh không hiểu ...nhưng dầu sao cũng xin lỗi em...

Cái vẻ lúng túng, ngại ngùng của Khiêm nhất là nụ cuời tắt vội làm Vân bỗng thấy mình quá đáng. Tại sao lại giận  khi mà Khiêm chỉ cư xử như một phản xạ của đời sống gia đình Hoa Kỳ. Nhìn Khiêm câm lặng chờ đợi câu trả lời của vợ, Vân thấy rõ hơn sự vô lý của mình

....Anh chẳng có lỗi gì cả..có chăng là những khoảng cách không gian và thời gian giữa anh và em...Làm sao nói được phải không, ngày mình mới quen, tên anh đâu  phải là Khiêm và em đâu có là Vân...Phải không,..Anh là Kevin Kim còn em là Cindy Cloud mà...Nhớ không...Thực sự thì em vẫn là Lê thị Vân  ..vì thế ...từ ngày mình lấy nhau, em vẫn đinh ninh là từ phút đó, ngay từ hơi thở của em, đời sống của em cũng là của anh ...cầm mấy chục bạc trả nợ của anh em hoảng sợ và bơ vơ quá......Vân  muốn nhắc anh một điều là đối với em, ngày nào mình còn là vợ chồng thì bất cứ cái gì của anh là của em ....một sợi tóc của anh cũng là của em...

Câu nói vô tình đột  nhiên làm Vân chao đảo trong một cảm giác kỳ lạ bừng bừng như muốn nhắm chặt đôi mắt lại và cứ thế, để niềm rung động này cuốn nàng đi mãi mãi...đồng thời cũng muốn chống cự lại một cách quyết  liệt...Ở một nơi nào đó...một lần nào đó, có những tiếng cuời nhỏ thẹn thùng đuổi theo những phiến cảm xúc luớt trên thân thể nàng và câu hỏi thầm thì...  của ai...của ai....của anh.. của anh....của anh....Của anh tất cả...

Như một nguời chết đuối chợt nắm đươc chiếc phao bất  ngờ Vân nghe tiếng Khiêm chậm rãi và bối rối.

Sorry......anh cứ nghĩ ....đàn bà Mỹ như vậy, họ thank you liền... Lần tới...

Câu bào chữa ngập ngừng, thoáng ngô nghê của Khiêm làm tan đi những đám mây đen cuối cùng của cơn hờn giận..Vân ngó chồng cười hiền hậu...Còn lần tới thì em giết anh...

Khiêm đổi ghế ngồi lại gần sát bên Vân, nắm tay vợ.

-No more...anh hứa...

Phần còn lại của buổi chiều, Vân uống hơi nhiều chỉ còn nhớ được một mầu nắng rất mềm, xa sôi và bình lặng bên ngoài khung của, trên một nền trời xanh thẫm có vài cánh hải âu trắng toát tinh sạch luớt qua những cột buồm lô nhô. Vân dụi đầu vào ngực chồng ngủ thiếp đi lúc nào không biết....lao sao trôi dạt từng đợt hơi ấm từ  ngọn lửa trong lò sưởi căn phòng làm việc của Khiêm dưới một cái basement, một trời tuyết lạnh bên ngoài buổi tối ngày hợp cẩn, tiếng ông mục sư  Mỹ rầm rì ngày đám cuới, Will you take  Kim for husband......yes..rồi tiếp những tiếng rì  rào  và yes....xa nữa, xa nữa, ngày Vân gập Khiêm lần đầu .

Nụ cuời .....chợt  nháng lên rồi co rút lại , tan di, chỉ còn một vẻ chịu đựng, bất cần.

Có lẽ là nụ cười và cái vẻ nửa ngập ngừng nửa như cam chịu hơn là cái giáng dấp của một người đàn ông cao lớn, tóc cắt ngắn như một võ sĩ Đại Hàn làm Vân chú ý tới Khiêm giữa một buổi thuyết trình mà thính giả toàn người da trắng.

Vân làm cho một hãng bảo hiểm lớn ở New -york. Lần đó nàng phải đến thuyết trình về một chương trình group insurance cho các nhân viên hãng điện tử của Khiêm. Vân nói đùa vui mở đầu buổi nói chuyên...

-Làm nghề bảo hiểm nhưng tôi chống lại chuyện bảo hiểm sinh mạng. Bảo hiểm sinh mạng là đánh bạc với chính cuộc đời mình, người thắng lớn nhất sẽ là người thua to nhất ...trái lại, bảo hiểm sức khoẻ của hãng chúng tôi..quý vị chỉ thắng hoạc huề...

 Lối mở đầu khôn khéo và thành thật của Vân làm mọi người đều bật cười. Khiêm là VP nên ngồi ngay hàng ghế đầu nhưng Vân không bắt kịp nụ cười của Khiêm. Điều này làm Vân thoáng lo ngại vì Khiêm là một trong những người có tiếng nói quyết định. Tuy nhiên Vân vẫn cố gắng hoàn tất phần trình bầy chương trình bảo hiểm của hãng mình. Lâu lâu chợt hướng về phía Khiêm, Vân bắt gập chiều sâu tia nhìn của chàng.

 Tới giờ nghỉ, trong lúc người phụ tá phân phát tài liệu cho nhân viên đọc qua để đặt câu hỏi, Vân kiếm một bàn ngoài patio của phòng ăn, ngồi uống càfe để kiểm điểm lại những gì cần bổ túc, quay lại, Khiêm đã đứng bên cạnh, tay cầm một đĩa đồ ăn.

 -Tôi ngồi chung với cô được không...Khiêm hỏi và tự động ngồi xuống, tự nhiên mở gói đồ ăn...Ăn gần hết chiếc Hamberger Khiêm mới lùng bùng mở miệng

 -Tôi đồng ý...

Vân  ngó anh chàng không khỏi tức cuời ...Đồng ý cái gì đây....không biết...

Phải đợi ăn hết chiếc bánh, lau miệng kỹ lưỡng gọn gàng, phủi sạch mặt bàn, chặp sau Khiêm mới nói nốt được câu nói bỏ dở...

....Well...cái chuyện life insurance...như tôi độc thân mà vẫn cứ mua bảo hiểu sinh mạng... sound stupid ..right..nhưng đó là đời sống Mỹ,

Câu chuyện mở đầu nhạt nhẽo, có lẽ anh chàng chỉ muốn nói là mình còn available...còn quởn..

Vân cũng chỉ đối đáp qua loa.     
    

Nguời đàn ông Á Châu này nói tiếng Mỹ như một nguời bản xứ nhưng lạ thay trong cái âm hướng vẫn có một cái gì đó làm Vân ngờ ngợ, môt cái gì quen thuộc lắm.                                   

Trước khi đứng dậy, cũng vẫn cái bộ tịch lùng bùng đó Khiêm ngập ngừng hỏi.

Are you..... ...???...

Vân nghĩ chắc anh chàng định hỏi có phải nàng người Viêt hay không ..Vân đoán thế vì chính nàng cũng định hỏi câu hỏi này nhưng rồi giữ lại được vì hỏi như vậy có vẻ kỳ thị quá, dù là kỳ thị ngược, người Mỹ họ rất kỵ. Khiêm cũng vậy, câu hỏi bỏ nửa chừng rồi thôi, rồi nụ cười chịu đựng bít kín mọi chuyện vào bên trong ...

Vậy thôi,..

Hai tuần său,..ở đằng  kia đầu giây, một giọng nói ngập ngừng...

Miss Cloud..Cindy Cloud

Kim ..tôi là Kim đây, Kelvin Kim...

Vân ngớ ra vài giây trong bất ngờ nhưng bắt lại được ngay .Anh chàng Đại Hàn...đúng rồi..

Tôi có dịp ghé New-York....how about diner?...

Làm nghề bán bảo hiểm Vân giao thiệp đãi đằng cũng nhiều nhưng cái đề nghị bất ngờ này làm nàng hơi ngại...nhất  là ở cái thành phố hỗn mang này...Lần tới được không ông Kim...mấy bữa này chương trình của tôi đầy rồi..sorry...Im lặng  rồi tiếng Khiêm ngập ngừng..Cũng được...lần tới vậy...

Bốn giờ chiều tan sở, vừa ló ra khỏi cửa  Vân bỗng khựng lại...Anh chàng ĐạiHàn...

Khiêm tươi cuời nói...

-Tôi muốn gập cô vì có hai chuyện để nói...Thứ nhất, chương trình group insurance của cô đã được approuved và....một điều nữa..cô phát âm tên tôi hơi sai...thực ra tên tôi phải đọc là Khiêm...

Chữ Khiêm nghe nổi bật lên giữa câu tiếng Anh nghe  bất ngờ và duyên giáng.Vân hơi khưng lại môt cách thích thú nhưng chấn tĩnh lại ngay ...nàng cuời

-Tôi cũng đoán vậy..nhưng muốn để ông tự thú ..tôi tên là Vân...

Hôm đó, lúc cô về rồi tôi cứ trách mình sao ngu quá không nói ngay với cô...Có lẽ lâu quá không nói tiếng Việt nên sợ mình ngọng nghịu, ...sợ cô cười...

-Tôi cũng linh cảm ông là người Việt nhưng kẹt cái tên Kim ..và coi ông cũng giống Đại Hàn thật ...

-Kelvin là họ ông bố dượng ...còn đổi hành Kim vì Mỹ nó không đọc được chữ Khiêm...

-Tôi cũng vậy, đàn bà mà tên Van ..gợi lên hình ảnh  cái xe chở đồ cồng kềnh, chẳng thơ mộng chút nào nên dịch đại thành Cloud..

Mẩu đối thoại pha trộn vừa tiếng Việt và tiếng Anh bắt đầu thân mạt hơn...Khiêm cười thoải mái.

Mời cô đùng cơm tối nhé ..may I pay for my mistake?.....Tôi không quen thuộc New-york, nhờ cô hướng dẫn .

Thoáng ngập ngừng phản xạ rồi Vân gật đầu ...

Său bữa ăn, Vân hiểu thêm chút ít về Khiêm và biết chắc một điều là cả hai đều như những cánh bèo trôi dạt trên môt dòng sông lạ, cả hai cũng chia xẻ những nỗi cô đơn tương tự trong mảnh đời riêng. Nhận xét này làm họ gần với hau hơn.

Său bữa ăn tối đó, mỗi tuần Vân đều nhận được một bó hoa của Khiêm gửi tới sở. Anh chàng cũng dí dỏm ra phết. Bó hoa đầu tiên chỉ có  tấm thiệp với chữ K, bó hoa thứ nhì thêm chữ H. Cứ thế cho đến đủ tên Khiêm ..với hàng chữ..Hy vọng cô không còn đọc sai tên tôi...

Trừ những lúc phải đi công tác Khiêm lên New-york thường hơn và Vân nhận ra cùng với một nỗi vui vu vơ  là nàng bắt đầu thấy bồn chồn, bứt rứt trong những ngày cuối tuần Khiêm không tới. Phải chăng đã là tình yêu hay chỉ là thói quen. Vân không biết nữa nhưng nàng bắt đầu biết chờ đợi.

Vân nói :

“Em đưa anh tới khách sạn thăm mẹ “

Khiêm không dấu được vẻ ngạc nhiên

- Bà cụ mất rồi mà...

Vân cười bí mật...có lẽ như vậy với mọi người nhưng với em mẹ chưa bao giờ chết cả .. anh chẳng từng nói vậy sao...Hiện hữu chỉ có và chỉ có tương đối khi được quan sát....đúng vậy không ...chúng ta  cần có nhau, nhìn thấy nhau để biết chính mình hiện hữu..em còn thuộc bài học của anh mà....."một cánh lá rụng giữa rừng Trường Sơn không hề hiện hữu đối với chúng ta nhưng nó hiện hữu giữa cỏ cây, đồi núi và trong mắt nhìn của con nai đứng gần đó...”.

Vân cãi lại...nếu không có con nai thì sao...Khiêm hơi bí nhưng trả lời ngay...Chúng ta hiện hữu ẩn mất trong cõi không chờ phút thị hiện..sao em biết chắc chúng ta không bị quan sát  từ một tinh cầu nào đó trong vũ trụ vô tận này..hay từ một cảnh giới khác mà chúng ta không cảm nhận được....mọi chuyện đều như có sẵn cả, có, không, còn, mất chỉ tuỳ cách nhìn ngắm...

 Vân tròn xoe mắt ngó Khiêm ngạc nhiên..Cái ngọn núi lửa câm này thứ dữ à...

Từ ngày quen nhau, Khiêm bắt lại chỗ mất mát của mình mau chóng, anh gửi mua tất cả sách báo Việt Nam về đọc ngấu nghiến, cả kinh sách Phật giáo nữa, Kinh Thủ lăng nghiêm, kinh Kim cang, những thứ mà chính Vân cũng nuốt không trôi. Có lần Khiêm chạy lại ôm chầm lấy Vân rồi nói...Hay quá, hay quá...ông Phật có bằng tiến sỹ vật lý em ạ. Vân lườm người yêu

-Đừng nói bậy tội chết bây giờ.

-Thật mà...Einstein là một ông Phật tái sanh...

Vân đưa Khiêm tới nghĩa địa chỗ tạm an táng mẹ. Bà cụ không muốn chôn, nói không muốn gửi sương nơi đất lạ, đòi thiêu và dặn Vân một ngày nào đó mang tro về chôn chung với ông cụ ở quê nhà.

Người Mỹ rất thực tế, không chôn, không thiêu thì họ có một chỗ như những chiếc hộp bỏ áo quan vào, khiểu như một chung cư nhiều tầng cho người chết. Giản tiện và thoả mãn mọi tôn giáo. Vân  gọi đó là cái khách sạn của mẹ chờ ngày về quê. Mà cũng lạ, để trong cái hộp đó, nhiều lúc Vân nghĩ như mẹ chưa hề chết, chỉ nằm ngủ thôi. Những lúc buồn  Vân thường tới đây, có khi thơ thẩn cả buổi, độc thoại trong đầu như đang nói chuyện với mẹ vạy. ....Mẹ coi anh ấy được không...học giỏi  ..có bằng tiến sỹ đấy ..nhưng cù lần lắm ...Tiếng mẹ vọng trong đầu..Thôi cô ơi ...ế đến nơi rồi, con gái 25 ,26 tuổi rồi non yểu gì nữa, kiếm được một nơi nương tựa như vậy còn muốn gì  hơn....Anh ấy cao lòng nhòng còn con lùn tịt....Đàn ông trượng phu vậy tốt chứ sao...Lấy chồng hiền lành là phúc đó con ...Vậy là con chiều mẹ đó...

Mẩu đối thoại tiếp diễn lòng dòng trong đầu, mùi trầm nhang thơm bay phảng phất trong không gian vắng lặng, Vân đứng trước “căn phòng khắch sạn” của mẹ với nụ cười thơ thẩn trong lúc Khiêm nghiêm chỉnh đứng bên cạnh ngơ ngác không giám cựa mạnh.

Buối chiều, khuôn viên nghĩa khu nghĩa trang vắng lặng trong mầu nắng vành hoe, đẹp buồn bã và thanh tịnh khiến cảm thấy như lạc hướng không gian rơi vào một thế giới khác. Hàng cây Mapple lá vàng rụng ngập lối , đuổi nhau trên những thảm cỏ xanh muớt mịn màng, cả thế giới như chỉ còn hai ta. Đi  bên Khiêm trong yên lặng, bàn tay nàng nắm lấy tay Khiêm từ lúc nào không biết. Vân chợt  nhớ ra, quen nhau đã lâu, đây là lần đầu tiên nàng nắm tay Khiêm mà không vướng bận một xuy nghĩ nào, chỉ thấy một cảm giác êm ấm và bình ổn. Vân nhích  lại gần hơn chút nửa và nghe tay Khiêm vừa choàng  qua vai mình ...

Buổi tối mời Vân đi ăn ở một nhà hàng Pháp, Chez Albert, candle light diner, trong ánh nến ấm cúng và riêng tư ..Khiêm hỏi..

Em  “cuới” anh không ?

Vân cuời hiền, lắc đầu...

-Không...

Bàn tay nàng với tới nắm tay Khiêm siết nhẹ, ve vuốt ..Không......em không cưới anh nhưng anh có cưới em không..?

Đám cuới quá mức của sự đơn sơ, không họ hàng, bạn bè quen biết chỉ có hai người, ông mục sư Tin Lành, những lời cam kết trước Thiên chúa..và nụ hôn của Khiêm. Tối tân hôn, một thoáng lợn cợn vướng mắc vu vơ chợt loé lên trong lòng Vân,  có một chuyện gì đó nàng định nói với Khiêm nhưng rồi quên đi trong hơi ấm của chiếc lò suởi, những ly sâm banh lâng lâng, sự đắm say nồng nhiệt của Khiêm, môi hôn của chàng, vòng tay của chàng choán ngợp tất cả, chỉ còn nhớ một buổi sáng tuyết phủ trắng đầy trời, thoáng hoang mang lúc vừa thức giấc trong một nơi hoàn toàn xa lạ rồi một nhạn  biết  đọt nhiên nổi lên rõ ràng là nàng đã thực sự thành vợ Khiêm. Một nhận biết không thể dời chuyển, đoạn tuyệt, mãi mãi, bất khả hồi tố ,....như sự chết....nhưng đồng thời cũng rất êm dịu vồ về...

Tuần trăng mật lướt qua những đại lục, những thành phố xa lạ, Hạ uy di, Paris, Hồng kông, Cairo. Vân như con chim nhỏ nép trong cánh đại bàng trong một chuyến viễn du kỳ thú...nhưng chỉ vài ngày sau khi trở vễ Mỹ, lúc đó mới thực sự là đời sống của một cặp vợ chồng Hoa Kỳ ở gai cấp trung lưu. Cả hai đều đi làm lại. Một ngày Khiêm lái xe vừa đi vừa về trên 200 mile, guồng máy dầu mỡ của xã hội tư bản chạy trơn chu không ma xát mà mòn mỏi lúc nào không biết.

Vân cố về nhà sớm làm cơm nhưng không mấy khi Khiêm về đúng giờ. Hôm nay anh có họp, ngày mai xe kẹt, bão tuyết, ngày mốt về đến nhà đã quá mệt, cơm nhà không đủ hấp lực, nóng sốt để nuốt trôi, thôi mình đi ăn tiệm...

Những lần ăn cơm ở nhà, ăn xong, Khiêm vội vã đứng lên thu dọn bát dĩa mang rửa. Vân cản lại.....Chuyện đó của đàn bà, anh để em, coi anh rửa chén em bất nhẫn chịu không chịu được..Khiêm cãi lại, như thế không fair...không công bằng bằng...Quần áo khiêm bỏ giặt ở tiệm, một tuần lấy về một lần.. Cuối tuần dậy sớm đeo chì vào chân chạy bộ để khỏi mập, đi SPA, cắt cỏ, hút bụi, dọc sách, coi vô tuyến truyền hình...

  Những tháp Effiel ngà ngà say trong thơ Trần Hồng Châu, những bến Cửu long, những Cairo với bóng chiếc kim tự tháp mênh mang sừng sững vẻ huyền nhiệm hoang vu, phủ chụp bóng giáng ngàn năm của những bạo chúa uy quyền, những mảnh đời nô lệ  oàn vai kéo đá ngay chỗ nàng đang đứng như  réo gọi hồn ma làm Vân run sợ nắm chặt tay Khiêm,........Tất cả ,  ...đã mờ dần mau chóng, quên bẵng...

Có một lúc nào đó, Vân chợt nhớ ra, lâu lắm rồi, lâu lắm, như ở một tiền kiếp, Vân từng lôi ra từ góc nhà, dưới gầm giường, trong kẹt cửa những chiếc áo lính nhầu nát, những đôi bí tất bèo nhèo hôi mốc, bàn tay Vân nhúng lâu trong nước sà bông đã nhợt nhạt, nhăn nhó, đã vò, rũ và ủi thắng nếp, xếp lại ngay ngắn trong tủ,......"Anh bê bối quá...."...Vân muốn nói  câu đó với Khiêm mà sao chưa hề có dịp...

Đời sống vợ chồng trên nước Mỹ, giữa những dư thừa, vẫn có một một cái gì đánh mất, thiếu hụt mà chưa thể tìm ra....Ngay cả những bó hoa hồng rực rỡ ngày valentine hoặc hàng chữ Love you dearly...cũng không khoả lấp được. Những chiếc bí tất hôi hám, những kẹt  tủ, xó nhà."...Anh bê bối quá"....Vân thảng hốt nhận ra điều đó cùng một nỗi bàng hoàng run rẩy  khiến nàng phải vôi vã cắm chiếc máy hút bụi  vào ổ điện...Nàng cuống quýt và yếu đuối cần trốn vào tiếng động ù ù của chiếc máy...

-Tối rồi Vân...hút bụi làm gì em.

Đã 9 giờ tối, Khiêm vừa coi xong tin tức.....Vân ơi......em ơi...

Đời sống vợ chồng giản lược còn chiếc giương ngủ...Chiếc giừơng ngủ..Tự  nhiên Vân nghĩ tới chiếc Hamberger khổng lồ Khiêm ăn sạch banh ngày đầu tiên gập chàng. Một  miếng thịt lớn double deck, những lát cà chua, những lát rau, hành sống , nhễ nhại chất sauce vàng, béo ngậy, dàn rụa ứa ra ngoài mà Khiêm ăn gọn gàng, tỉnh bơ mút những nhón tay dính chất sauce. Những chiếc Hamberger, đủ lớn để ăn xong nguời ta lú lẫn không còn thể nhớ mình vừa ăn gì và ngày mai lại ăn tiếp....Vân ơi...em ơi....Ngày mai, TV...9 giờ tối ..Vân ơi...em ơi......

Tối nay mình đi ăn cơm Ấn Độ nhé...một người bạn mới giới thiệu anh tiệm này, có cari dê ngon lắm

-Em không đi ....anh đi một mình đi.

-Thôi ..hay cơm Thái vậy ..ăn xong đi ciné...

-Em không đi đâu...

Khiêm khựng lại, anh bất chợt bắt gập một điều gì không ổn..vẻ mặt trầm ngâm, rầu rầu pha nét dửng dưng của Vân.

-Em sao vậy...Khiêm cúi xuống ôm vai vợ...

-Không sao cả...      

Không sao cả nhưng rõ ràng là là không ổn rồi vì như Vân sắp phát khóc đến nơi.

Khiêm kéo ghế ngồi xuống bên vợ, bối rối trong im lặng...

Rất lâu sau mới trấn tĩnh lại được, Vân nói, giọng nghiêm và bình tĩnh, đầu cúi thấp như một kẻ đi xưng tội.

-Anh có nhớ cái phim mình coi hôm nọ không...cái đoạn người vợ đến thăm chồng trong tù đó, họ nói chuyện qua một màn kính, qua chiếc máy điện thoại...môt ngươi ở trong, một người ở ngoài, khỏang cách mỏng manh, trong xuốt. Họ để hai bàn tay áp vào nhau qua màn kính và nói... anh yêu em ..và khóc...

Nhiều lúc em nghĩ  mình chẳng khác gì  cặp vợ chồng tù tội đó...chúng ta đang ở trong một nhà tù không chấn song, trong  những lồng kính trong xuốt, mỏng manh hơn cả tấm kính nữa.

 Khiêm  ngồi đối diện Vân, gần kề, hai tay tì chống nhẹ trên chân vợ, lắng nghe trong im lặng. Rồi Khiêm vụt đứng dậy, lại tủ lạnh lấy một chai bia ngửa cổ tu một hơi cạn, bóp dẹp chiếc lon vứt vào sọt rác. Khiêm đi lại trong phòng, quay ngược lưng ghế lại ngồi xuống, hai tay bọc ôm đỡ dưới cằm, vẻ đăm chiêu khốn khổ...rồi Kiêm bật nói...

-Mình làm gì hơn được em.....tell me...em nói đi. Mình đang ở trong một guồng máy và không thể nào cưỡng lại được...Em không nghĩ những gì mình đang có là giấc mơ của hai phần ba dân số Hoa Kỳ sao... Ở cái nước này, người ta có.. có thêm, more..more..có thêm nữa hoặc không có gì  cả. Cái nước này dựa trên sự tham lam ..greed...Anh tưởng em hiểu điều đó. Ở  xứ này nguời ta không ca ngợi lòng khiêm tốn, bình dị. Tham lam làm thành anh hùng, làm thành tiến bộ, làm thành giấc mơ mà 5 tỷ  con người trên trái đất này khao khát. Em bán được những policy lớn, hoa hồng cao, anh leo lên làm VP của hãng..và còn phải leo nữa, leo tới chết....Mọi thứ trên đất nước này đều trên bánh xe, để lăn đi, lăn mãi, quicker and quicker...bảo nó là hạnh phúc hay địa ngục, anh không biết.You name it...

Khiêm mở thêm một chai bia nữa...

-Vân...em tưởng anh không nghĩ về những điều đó hay sao..Anh không muốn nghĩ đến thì  đúng hơn...anh thả trôi theo nó để khỏi chóng mặt...để khỏi bị dầy vò như  em...

Khiêm giơ hai tay lên cao, vẻ tuyệt vọng, nước bia bắn vung tung tóe cả vào nguời Vân...

Tự do....Ngươi ta nói ở đây có tự do....con kiến cũng có tự do, cũng có quyền sống...Sống như thế này hay sống như những thằng bump không nhà co ro trên trời, dưới tuyết, suởi ấm bên những thùng rác đốt giấy làm lò sưởi...

Em.....anh không biết, phần anh không còn mảnh đất nào  để về nữa...Anh không có chỗ nào để bám vào cả, anh là cái cây bứng rễ trồng trong chậu cảnh sống bằng phân bón hoá học...có lẽ chỉ còn có em..anh sang đây từ lúc tám tuối đầu, một thân một mình năm anh 20...Quê hương, nếu bảo còn quê hương thì em là quê hương của anh...những lúc gần gụi bên em, nhìn em, nắm tay em, anh quên hết được mọi thứ..quên ngày mai phải dậy từ 6 giờ sáng để đi làm và cố leo nốt những bậc thang còn lại...ngoài nỗ lực đó anh chịu thua...

Đến đây thì Vân không nhịn được nữa, nàng bật khóc bù lu bù loa..khóc tức tưởi như con nít..Khiêm hỏang hốt vứt vội lon bia lên bàn ...

-Em xin lỗi anh...Vân nói trong tiếng nấc...

Có lẽ Khiêm nói đúng, chính nàng mới là người không tỉnh táo, chính Vân đang chúi đầu trong cát như con đà điểu để khỏi phải đối diện với cuộc đời thực tế đang bủa vây quanh nàng nhưng làm sao mà trốn chạy được mãi. Chẳng ai sống được hai lần một cuộc đời, chính nàng cũng đang bị cuốn hút vào cuộc đời này như một kẻ mộng du. Giữa thực và mộng cũng mỏng manh trong suốt như tấm màn kính ngăn cách cặp tình nhân của nàng, mọng và thực, người ta không thể có đồng lúc... nhưng cũng không thể thiếu thứ nào.

Vân chợt nhớ có lần một người bạn Kiêm từng nói..Đời sống là thế, khi mộng thì mình muốn mộng thành thực và khi thực thì lại muốn thực thành mộng..nhưng chúng ta thì cứ luôn muốn ăn gian...

Vân cũng nhớ lại, chỉ mới vài hôm trước, chính nàng đã hí hửng khoe với Khiêm về một hợp đồng bảo hiểm lớn mà nàng vừa bán được, lúc đó nàng chọn mộng hay thực...

Său lần cãi nhau đó, Vân thấy mình vững vàng hẳn lên, lòng bình thản và êm dịu trong một thứ tự do chân thật mà Vân chưa hề được chứng nghiệm. Lần đầu tiên từ ngày lấy chồng, Vân nghiệm ra nàng có thể buông thả trọn vẹn và rung theo từng bắp thịt rộn ràng náo nức của Khiêm...său đó nào ai biết, cõi âm u mộng mỵ sâu thẳm của mỗi con người....Bất giác, Vân đưa tay lên mân mê chiếc mề đay đang đeo trên cổ...nhận rõ những cạnh cứng in hằn của một ngôi sao mạ vàng nổi trên nền mặt ngọc thạch mịnh màng.  Ngôi sao được tách ra từ một huy chương cũ mang đi từ ngày di tản Vân đặt thợ làm riêng thành một món trang sức từ ngày sang Mỹ. Hiện tại và dĩ vãng vẫn trùng phùng mà vẫn cách biệt...Cũng là lần đầu tiên Vân giám nhìn ngắm thân thể của một người đàn ông dù đó là chồng mình...

-Em nghĩ gì vậy...

Vân cuời e thẹn

-Hay mình dọn về Cali đi ..dưới đó có nhiều người Việt ...em vẫn tham lam muốn cả mộng lẫn thực đồng loạt..biết đâu về dưới đó mình vẫn sống đời Mỹ mà ...vẫn tưởng còn là Viêt Nam

Khiêm cũng bật cười gật đầu

-Ok...vậy thì mình đi.

Vân thu xếp với sở đổi được về Cali còn Khiêm đành chịu thất nghiẹp vài tháng nhưng său đó kiếm được một việc trong hãng Huges Aircraft, một việc hoàn toàn về nghiên cứu, một mình một project, công việc thích hợp hơn với cái bản tính thu vào trong của Khiêm. Với tiền dành dụm, Vân mua được một căn nhà rất đẹp ở vùng Yorba linda, một khu vực mới phát triển còn chập chùng đồi núi hoang sơ. Những người bạn mới người Viêt bắt đầu đến với hai người làm cuộc sống trơ trụi không con cái bớt phần nào vẻ cô quạnh. Bớt thôi vì Vân vẫn than thở

-Giá mà có tiếng trẻ cười đùa trong nhà thì chẳng còn thiếu gì nữa...

Khiêm đùa trêu vợ.

-Thì anh cũng đã cố kiệt lực rồi...cả em nữa...

Quả thực Vân cũng đã tìm đủ cách nhưng chăng có kết quả nào. Có người xui uống vitamin E vì vitamin E tạo tế bào mới cần cho sự sinh sản. Có người xui là phải chữa mẹo, kiếm ăn những trái cây sinh đôi sẽ làm nàng mắn đẻ. Đến nhà một người quen gập mấy trái chanh dính xà nẹo vào nhau, Vân mừng quýnh xin về nhăn nhó chấm muối ăn lấy ăn để. Mấy ông bạn nhậu thì xui là trước khi gần vợ Khiêm phải tắm nước lạnh vì mấy con lăng quang của ông ấy nóng quá nó chết hết. Ngày xưa, mấy nguời làm nghề luyện kim hoặc phu đốt lò trên tầu đều không có con vì xuốt ngày đứng gần lửa. Vân ngượng gạt ngang cho là nói bậy nhưng sau đó cũng nhắc khéo Khiêm chuyện tắm nước lạnh. Khiêm chiều vợ nhưng cũng không kết quả. Thậm chí một bà còn nói là cái tử cung của Vân bị lệch , tới bác sỹ để xô thẳng lại là sẽ có con liền

Khiêm không nhịn được cười

-Thằng cha bác sỹ nào đòi xô tử cung của em chắc anh cho nó một thoi mất...

Vân cũng cười nhưng đồng thời cũng nhận ra là niềm khao khát có một đứa con cũng vô vọng và phi lý như chuyện xô tử cung vậy...Hôm ngồi trong khu chuyên khoa về hiếm muộn của bệnh viên UCI, Vân chợt linh cảm rõ điều đó khi điền vào ô ngày sinh tháng đẻ và tuổi tác. Hơn mười năm rồi còn gì nữa  thoáng một cái Vân đã gần 40... Khiêm cũng đã làm thử nghiệm Seminal Analysis. Vân hỏi họ làm test gì vậy, Khiêm chỉ cười mủm mỉm làm Vân vừa tức vừa lo. Mãi sau Khiêm mới ngập ngừng

-Mình cố mãi mà không có được đứa con ..mà em biết không chỉ hai phân khối trong cái ống nghiẹm đó có tới hơn năm trăm triệu triệu thằng Khiêm con, sống trọn một đời anh sẽ tạo được 500 tỷ thằng Khiêm con ..Thật là kỳ lạ...Nhiều lúc anh tự hỏi đời sống đâu nhỉ...giữa những tình cờ, duyên khởi...

Bác sỹ Sygan là bạn học với Khiêm từ thời trung học nên cuộc thảo luận rất cởi mở và thân tình. Ông cho biết Vân ở trong số rất rất hiếm từ 5 tới 10 phần trăm những người đàn bà không thụ thai được vì màng nhầy trong khu cổ tử cung không thích hợp hoặc khắc nghiệt cho việc thụ thại thiên nhiên...trong trường hợp này, thụ thại bán nhân tạo bằng cách cho trứng thụ tinh bên ngoài rồi đặt trở lại tử cung là chuyện có thể làm được..Tôi có thảo luận giải pháp này với Doctor Kim ..tuy nhiên tuổi tác cũng có thể là một trở ngại bất ngờ đối với cái trứng của người phụ nữ ...Ông cuời cho biết...chúng tôi là những người theo khoa học nên cái nhu cầu truyền giống không khẩn thiết và hạn hẹp như mọi người...lựa chọn là ở phía bà...

Khiêm đồng ý nói với Vân:

-Đối với anh...mọi đứa trẻ đều giống nhau nếu nhìn qua hình ảnh những con nòng nọc bơi lội nhởn nhơ trong thị trường của cái kinh hiển vi mà bác sỹ Sygan cho anh coi.. Anh thấy nó chẳng liên hệ gì tới anh cả....như một đám đông xa lạ trên đường phố..

Khiêm không cản nhưng những thủ tục y khoa phiền toái, tốn kém nhất là său lần thử thách thất bại đầu tiên, Vân thực sự bỏ cuộc ....Vân lầu bầu nói với Khiêm...

-Em không biết về cái nhu cầu truyền giống của mấy anh nhưng đàn bà tụi em lúc nào cũng có cái nhu cầu nuôi dưỡng....,anh không nghe người ta nói sao, cây độc không trái người độc không con...chắc là em phải độc địa lắm...

Khiêm nắm tay vợ dỗ dành...

-Thôi để anh kế cho em một câu chuyện cổ tích nhé...ngày xưa, lâu lắm rồi,...

Vân tròn xoe mắt rõi theo Khiêm thực sự chưa biết anh chàng định diễn vở gì đây nhưng nàng ngạc nhiên thấy Khiêm không có vẻ gì  riễu cợt ..trái lại anh  nói với một vẻ  nghiêm trang và thành khẩn kỳ lạ...

..Ngày xưa,...lâu lắm rồi ...lâu hơn bất cứ một khoảng thời gian nào mà em có thể nghĩ tới, có mọt cái chấm nhỏ, nhỏ  hơn bất cứ một chấm nào mà em có thể nghĩ tới .. .bỗng nổ bùng ra, kể từ đó mới bắt đầu tách riêng thành cái có và cái không, cái trong  cái ngoài..ánh sáng, bóng tối, động và tĩnh... Đó cũng là lúc mà thiên cổ chợt tách rời khỏi ngàn thu..để biến thành hạnh phúc và khổ đău và cứ thế trôi dạt mãi ...

Cho dù em có đếm xuốt cuộc đời này và nhiều nhiều đời sau này nữa, cũng không hết những khoản thời gian đã trôi qua nhưng ...cũng từ phút đó,...và như cái bài hát của ông Pham Duy mà em vẫn thích ...Thiên cổ vẫn miệt mài đi tìm ngàn thu ... vì ...khi thiên cổ gập ngàn thu thì chính là vĩnh cữu, mà đạt tới vĩnh cửu là không còn gì nữa ... Không có Khiêm, không có Vân...

Con người ta, cái tôi, cái ngã, lạ thay, dù chỉ là bóng hình của mất còn vẫn cứ muốn cố đạt tới cái vĩnh cửu, cứ muốn tồn tại mãi ...Con sâu cái kiến, cây cỏ đều cùng chung khát vọng này nên vẫn cố phải tạo ra những hậu duệ nối dòng. Nếu  nghĩ như khoa học, người ta nói cách đây 300.000 năm là thời của ông Adong bà Eve, lùi xa hơn nữa một tỷ năm, vài tỷ tỷ năm thì tất cũng là một không mà thôi... Nếu nhìn như mấy ông Phật thì cả thế gian này cũng là ta rồi còn gì nữa....Nghĩ được như vậy thì mình làm đủ mọi chuyện, mưu cầu đủ mọi thứ mà lại chẳng mưu cầu gì  ... Tại sao cứ phải con của chúng ta thì mới thương yêu. Nói cho cùng, cây cỏ, sỏi đá chẳng là chúng ta hay sao....Tất cả chỉ là những tình cờ thị hiện bởi những duyên khởi trùng phùng, vậy thì hãy trôi nổi theo những tình cờ này...

Khiêm cười

-Mỗi lần mình gần nhau..trong năm trăm triệu lẻ một con tinh trùng nếu có một con may mắn đạt thành người, năm trăm triệu con còn lại sẽ ra sao..em có thương, có nuôi dưỡng đủ cả được không...

Vân nghe chăm chú nhưng  cự nự  yếu đuối

-Mặc anh, Anh sắp thành ông sư cụ rồi nhưng bà vãi này vẫn thèm có tiếng trẻ trong căn nhà này......anh hơn em hơn một con giáp, vài năm anh già khụ vẫn còn có em...chừng em già nữa, em có ai....Có lần anh nói cô đơn là sinh lực của người đàn ông, còn em, đàn bà, em sợ sự cô đơn lắm. Mẹ có nói, đàn bà con gái cần phải có nơi nương tựa...

...Từ ngày bố mày........Mẹ bỏ lửng câu nói, lững thững lại ban thờ thắp ba cây nhang rồi ra ngồi ở bậc cửa ngó lung câm lặng...Vân lại ngồi gần mẹ nhổ mấy cọng tóc bạc.

-Mẹ có con này...

Trong bất ngờ Vân sửng sốt nghe mẹ nói...giá mà cô là con trai nhỉ...Vân không giận mẹ. Một đứa con trai, một hình bóng nào hiện thân của dĩ vãng...một bờ dậu đỡ hàng bầu bí như mẹ từng nói...

Mẹ có bầu Vân năm di cư và sanh Vân trên một chiến hạm Mỹ. Người ta nói theo luật hàng hải thì Vân tự nhiên đã có quốc tịch Hoa Kỳ...Chuyện đó Vân không biết, có lẽ khi lên bờ mẹ làm giấy khai sanh cho Vân ở Sàigòn. Theo mẹ kể thì lúc di cư  vào Nam, hai mẹ con đi trước, bố tìm về quê ở Ý Yên Hà Nam, tính mang theo ông bà nội. Vùng này đã trong sự kiểm soát của Viêt Minh.

Bố lần về quê, cố thuyết phục nhưng ông nội nhất định không chịu di cư chỉ nói...Còn mồ mả ông cha, làm sao mà tôi đi được.. mấy anh người tỉnh thành quen thói lưu lạc rồi...thần thánh ông bà cũng không nỡ quở trách .. tôi già rồi ...mang thân tới đất khách quê người cũng chả lợi ích gì...ở quê, có vài mẫu đất hương hoả chắc họ cũng chẳng đụng gì tới tôi đâu...

Bố chịu thua bỏ đi nhưng bi công an bắt lại ngay vì có lẽ ông nội vô tình mang chuyện bố khuyên di cư ra bàn với họ hàng còn ông nội với hai mẫu đất bị mang ra đấu tố.

Bố bị Việt Minh nhốt 6 tháng ở Trại Đầm Đùn, lúc về đến Hànội thì cuộc di cư đã chấm dứt, phải hai năm sau mới vuợt tuyến vào được miền Nam tìm vợ con.

Bố đưa hai mẹ con về Cai Lậy lập nghiệp và được làm xã trưởng tại một làng nhỏ hẻo lánh. Hồi đó nghe nói có phong trào ấp chiến lược chống Cộng Sản, bố hoạt đông tích cực và rất có uy tín. Một buổi tối, lúc đó Vân mới lên năm, đang ngủ bỗng nghe có vài tiếng súng nổ, tiếng kẻng khua ồn ã, chưa kịp chui xuống hầm thì đã thấy nhà đầy người, đèn đuốc nhấp nháng ...Một lúc sau một số người lạ mặt mã tấu súng đạn đầy mình trói dựt cánh khỉu bố dẫn ra trước cửa nhà. Họ lập toà án nhân dân, trói bố vào một cái cọc. Một đứa trong bọn đứng lên kết tội bố là phản động, gian ác, tay sai thực dân đế quốc.

Mẹ lăn dưới đất khóc lóc thảm thiết, run rẩy ôm con năn nỉ nhưng bọn người lạ mặt này vẫn cứ đánh đập kết tội bố. Chúng lấy cuốc sẻng đập vào đầu bố phun máu, său đó dẫn bố đi mất. Mẹ lăn xả vào níu kéo nhưng bị đấm đá cản lại...

Sáng hôm sau lính trên đồn về cho biết bố đã bị giết chết , chặt đầu vứt ở bờ ruọng. Vân không nhìn thấy nhưng nghe kể là để bớt thảm, người ta phải lấy chỉ bao bố và giây kẽm khâu đầu bố vào người trước khi mang về ấp tẩm liệm...

Mẹ đầu còn quấn khăn tang dắt con về Sàigon tính xin ở đợ sống qua ngày nhưng mẹ bẩm sinh yếu đuối, xuốt đời chỉ tựa vào chồng, nay goá bụa lại thêm một nách con mọn nên tiêu hết tiền dành dụm mà chưa biết soay sở ra sao. Một bữa mẹ vui miệng kể chuyện đẻ Vân trên tầu Mỹ cho một người hàng sóm, ông ta hỏi có giẩy tờ gì không, mẹ nghĩ mãi mà không nhớ ra ..Cuối cùng sau khi lục hết giấy tờ cũ bất ngờ kiếm được là bùa cứu tử, tấm giấy chứng nhận của ông y sỹ đã đỡ đẻ Vân. Mảnh giấy tình cờ như một phép lạ, mẹ xin được vào làm nhân công quét dọn cho một sở Mỹ.

Cuộc sống bỗng nhiên thay đổi đột ngột. Đồng lương cao so với mức sống của những người chung quanh. Vân đi học lại và được mẹ nuông chiều hết sức. Hạnh phúc bỗng nở ra một vườn hoa bất ngờ, làm nhạt mờ thật mau những tang thương cũ. Mẹ sẽ chẳng bao giờ quên nhưng với Vân những kỷ niệm hãi hùng thời thơ ấu chỉ còn nán lại hư hư thực thực và xa lạ như chuyện của người nào khác.

1975, sang Mỹ được ít lâu, mẹ tự nhiên mập phì ra kêu mệt và nhức dầu thường xuyên. Vân đùa nói mẹ hợp đồ ăn Mỹ. Cho đến một ngày đi học về Vân hốt hoảng thấy mẹ ngất sỉu trong bếp, mang vào nhà thương mới biết bà bị xuất huyết trong óc, mê man ba ngày liền rồi mất. 

Xuốt cuộc đời, kể cả ngày bố bị giết thảm chưa bao giờ Vân thấy hoang mang và mất mát như lần này. Có lẽ ở tuổi thơ người ta trôi theo những biến cố, như trẻ con đi biển không hề say sóng vì bồng bềnh theo những đợt nhấp nhô nhưng ở tuổi nàng bây giờ, người ta trì kéo, níu lại trong tuyệt vọng những biến cố đang vùn vụt trôi qua nên khoảng cách giữa mình và cuộc đời càng mau hơn đến độ làm run rẩy, chóng mặt.

Một mình Vân lủi thủi đi học rồi đi làm. Có lúc Vân thấy mình cứng lạnh như mặt đá, có lúc mềm nhũn ra tưởng không còn đủ sức đứng dậy nữa      
   

Vân bắt được cái tần số này ngay từ ngày đầu gặp Khiêm nhất là những ngày mới lấy nhau. Có lần mở cửa phòng làm việc của Khiêm, nàng thấy Khiêm ngồi trong đó, trầm ngâm, câm lặng như  tấm ảnh người đàn bà đeo chiếc kiềng trạm trổ, đuôi con mắt dài hơi nheo lại như đang quan sát nàng ...

Vân lẳng lặng bước vào vòng tay ôm cổ chồng hỏi nhỏ...

-Hình má phải không...

Khiêm chỉ trả lời ngắn, gọn, lạnh lùng.

-ừa...

Vậy thôi..Vân cũng không muốn hỏi tiếp nhưng nói

-Má đẹp quá anh nhỉ...

-ư..ừ...

Lần này thì câu trả lời còn nhỏ hơn, như chỉ là tiếng khò khè trong cổ...

Mười năm của đời chồng vợ, Vân linh cảm đâu đó có một ngõ ngách heo hút trong lòng Khiêm mà nàng chẳng nên đụng vào, như chính Khiêm, không một lần dò hỏi dĩ vãng của nàng.

Lớn lên ở nước Mỹ, cái quan niệm riêng tư  này đã trở thành một bản năng không thế xoá nhoà.

Vân ngâp ngừng nói.

-Em tính lập một bàn thờ má và mẹ....anh nghĩ  sao...nhà có cái bàn thờ tổ tiên em thấy nó ấm lòng  hơn...Có thể anh nói đúng, tương lai thì chả biết nhưng chẳng lẽ dĩ vãng cũng không  có sao...

Rồi Vân cố làm điệu vui

-Để hai bà sui nhận nhau, rước hai bà về ở chung cho nó vui...mình có cãi nhau hai bà ngồi trên đó quắc mắt là yên liền. Em nghĩ hai bà sẽ hợp nhau...

Lần đầu tiên Vân thấy Khiêm hơi cười khi đề cập đến người đã khuất...

-Để cuối tuần, em lục dưới garage, hồi mẹ mất em có gói một bộ đồ thờ nhỏ, một bộ đồ trà cổ tí hon nữa ...lâu quá quên bẵng cả rồi...chắc không mất đâu, em nhớ tất cả đồ của mẹ em bỏ trong môt cái va li mầu nâu...

Buổi trưa đi chơi biển với anh Quang về, nhớ đến chuyện bàn thờ Vân quyết định làm liền.

Ở nước Mỹ này, cái garge cũng tiện thật, những thứ gì muốn tạm quên đi, muốn né tránh không nghĩ tới thì thồn xuống garage, tích luỹ theo ngày tháng đôi lúc trở thành niềm bí mật của riêng từng gia đình, từng con người. Có những người đàn bà Mỹ lấy cả chục đời chồng. Gia đình mới, hạnh phúc mới, người ta cần một nơi tạm chôn sống những hạnh phúc cũ dù vẫn tự nhủ sẽ có ngày coi lại nhưng chẳng bao giờ có thì giờ...Có gã điên giết người tình chặt ra từng khúc nhỏ bỏ vào freezer dấu dưới garage, có người mua được chiếc đàn cổ, bụi dầy cả thước, mở ra bên trong có vài chục ngàn đô. Đằng sau cây đàn này là chân dung cả một cuộc đời, một anh thợ hớt tóc cô đơn không có ai, không có gì ngoài cây đàn và những đồng tiền bỏ vào cây đàn như gia tài gửi gấm cho người vợ hiền...

-Đó là chân dung của nhân loại,..

Một anh bạn Vân nói thế, anh ta nghiện đi mua đồ garage sale...rẻ tiền không là vấn đề nhưng cái thú nhất là được dự vào một cuộc phiêu liêu không thể dự liệu trong những bí mật di kỳ, trong riêng tư của con nguời.....Anh ta đưa ra cả một triết lý và luận rằng biểu tượng của nước Mỹ, đời sống Mỹ không phải là những toà nhà trọc trời mà chính là ở trong những Garage này, nó thể hiện sự dư thừa phung phí của hiện tại bên cạnh nỗi khát khao dĩ vãng nhưng không bao giờ có đủ thì giờ cho dĩ vãng....người ta trượt mau tới tương lai khiến hiện tại chưa kịp thành hình đã thành dĩ vãng mà tương lai thì thật là hư ảo...

Nhận sét này làm Vân động lòng. Có lẽ  như vậy thật.  Mười năm qua từ ngày lấy chồng, cuộc sống lúc nào cũng như một người hụt hơi đuổi cái bóng mình, cái bóng của hạnh phúc...

Buổi trưa đi chơi biển về Vân lẩm bẩm một mình

-Bậy thật, đã bao nhiêu lần định soạn mấy món đồ của mẹ ra mà chưa bao giờ làm được ...

Ngó quanh quất, Vân bắt đầu thấy ngán, mấy cái kệ quanh tường chật cứng đủ thứ đồ, theo thứ tự thời gian cái mới thải ra đè lên cái cũ, góc này những thùng sách cũ của Khiêm, mấy cái vợt tenis, dụng cụ tâp thể thao, góc kia cái thùng đựng đồ nghề sửa xe, mấy thùng đồ cũ cứ định gọi cho Goodwill rồi lại quên. Cái vali cũ của mẹ không biết vùi ở góc nào. Mà càng dọn càng rối. Buổi trưa trời bắt đầu nóng, mồ hôi đã rịn ra trên trán. Đúng lúc Vân định bỏ cuộc thì cái va li nhỏ síu cuả mẹ lù lù hiện ra trước mắt, bộ đồ cúng, bộ ấm trà còn nguyên, hai cái áo cánh hành phin mỏng bà cụ tha đi từ Sài gòn và một  hộp bánh bích quy hiệu Lu...

Trời nóng quá, Vân ôm cái va li ra ngồi tựa ở bậc cửa sau của Garage chậm rãi kiểm điểm và lựa ra từng món.

Chiếc hộp bánh LU nhỏ bé như cây đèn thần chuyển dịch không gian lùi lại cả một thế kỷ, hình mẹ chụp hồi còn trẻ ở Hànôi trong một chợ phiên, áo dài nhung, cuốn khăn, một hình bố bận âu phục, quần vén lên tới gối đang chỉ trỏ mấy người đào hào ấp chiến lược, bên cạnh tổng thống Diệm, âu phục trắng toát, tay cầm ba tong, tay điếu thuốc lá. Những thẻ căn cước của mẹ ngay cả căn cước từ thời Pháp thuộc bìa cứng bọc vải đen, có một sợi dây thung mầu trắng gàng ra hai góc đóng lại như một cái ví nhỏ ngoài đề chữ Carte d‘identitée. .vài tấm hình của Vân hồi học đệ nhị chụp trước cửa trường Gia Long, đang dắt chiếc Honda dame, tay deo găng trắng, nụ cuời hồn nhiên ngờ nghệch. Phía sau tấm hình một hàng chữ ngắn ghi ...Vân..  1973...

(trích truyên dài Đất có Thần)

Đông Duy Hoàng Kiếm Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34974)
LTS: Như một ngôi sao lạ lấp lánh trên bầu trời, người thơ với những giấc mơ băng ngang thời gian bằng sâu kín của hồn thơ...Chúng tôi xin trân trọng gởi đến quí độc giả và văn hữu những giòng thơ đầy đam mê của Hà Duy Phương.(Tạp Chí Hợp Lưu)
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33215)
H ắn chẳng nhớ chính xác từ lúc nào đã bắt đầu mua vé số; có lẽ từ cái ngày hắn nghe tin có một gã may mắn trúng một giải lớn ở tiểu bang Georgia, từ đó hắn có thói quen mua vé số mỗi khi dừng xe ở cây xăng để đổ xăng.
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 32652)
N hững lần đầu tôi xem thường cái ghen của anh. Tôi ôm anh, hôn anh và thì thầm vào tai là chỉ yêu anh và anh nên ngưng cái tính ghen ngớ ngẩn đó. Thế nhưng sau đó tôi nhận thấy làm vậy lại làm anh giận thêm. Anh không chịu được khi tôi phủ nhận trí tưởng tượng đầy ghen tuông của anh.
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34055)
L ê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh với một phong cách riêng và có một số khám phá về kỹ thuật được nhiều người khen ngợi. Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh, tham gia cả hàng chục cuộc triển lãm cá nhân cũng như tập thể tại Úc và một số nơi trên thế giới. Lại được nhiều nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật, như Tiến sĩ Annette Van den Bosch và Merrill Findlay, khen là độc đáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ.
23 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37368)
T ôi sinh ra là con gái. Hay ít nhất, bà ngoại thường gọi tôi là Gái. Tôi lớn lên với ngoại, được bà nuôi ăn nuôi học dạy dỗ thành người. Thuở nhỏ tôi thường hỏi ngoại Ba Mẹ tôi là ai, bà thường nói mẹ là nàng tiên xinh đẹp bị trời đày xuống trần gian. Trong đêm đen định mệnh giữa lòng đại dương, mẹ ra đi theo giông tố biển cả để hai bà cháu được bình an. Tuy xa mẹ từ đó...
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33670)
đ ời sống này nhạt quá nỗi sợ lá xanh in trên đốm mắt vàng hoa cũ nở cho người thức muộn em cũng đâu còn trẻ nữa phải không
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35007)
K hi ánh trăng leo song dọi vào phòng, tôi thấy em tỉnh táo. Mắt em sáng nhìn tôi quả quyết nói em yêu tôi. Rồi em ôm chặt như sợ tôi biến mất. Tôi say sưa với tình yêu, không phân biệt được mình đang mê hay tỉnh. Em cuốn quít, tan vào trong tôi. Trong đêm thơm nồng, chúng tôi tan trong nhau như trăng tan trong nước.
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34136)
M uốn kể với em về ngày tháng của anh như trang thư xanh ngày xưa luôn thơm nồng mùi khát khao như hàng chữ nguệch ngoạc ngang tàn từ mọi góc phố cuộc đời nơi ta mải mê rong đuổi bắt những chiếc bóng phù du
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33999)
Đ ôi khi phải nuốt trọng những điều ngụy tín Đôi khi phải ngồi gỡ thời gian từ những vảy chân Đôi khi con chữ bốc hơi từ mặt phẳng cuả giấy như đàn chim ùa bay khỏi nghiã trang.
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 32886)
T ôi nói với bà: mẹ, nếu con và chồng con không sống nổi với nhau, con sẽ về ở với mẹ đẻ. Mẹ chồng tôi thất sắc: con ơi, con đã phải khó khăn nhọc nhằn, cố nhẫn nại lên con. Tôi cười. Nụ cười chứa những tia lạnh lẽo như kiếm.