- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRỪ TÀ

11 Tháng Tư 20162:47 SA(Xem: 27238)


                                  

photo- Hung Vo
Photo by Hung Vo


Mưa, nước từ trên cao ầm ập rót xuống, xô ào ạt vào miệng cống tưởng chừng muốn khuấy tung mọi thứ đang chôn giấu âm ỉ trong lòng đất. Nhà dột, đâu đâu cũng ẩm ướt và chai lọ lỉnh kỉnh để hứng mưa. Nó trốn lên gác lở nhìn mưa, nó nhớ mùa mưa xưa cha nó bỏ đi chưa kịp nhìn nó lấy một lần. Nó lớn lên và quanh quẩn với má từ mùa mưa này vắt sang mùa mưa khác. Nó ở gần với má riết nên quên luôn khuôn mặt người cha đã sinh ra mình. Nó nghĩ vậy khi úp mặt vào lưng má mỗi tối. Cái hơi ấm dìu dịu lan tỏa lên khuôn mặt, kèm theo mùi mồ hôi mằn mặn. Khi nó sờ vào có dấu thẹo lớn ở ngay phía bả vai. Má nó giấu kín vết sẹo ấy như bí mật về sự ra đi của chồng. Cho đến khi ai cũng bĩu môi, đay nghiến: “Đồ cái thứ không cha.” Quanh khu nhà, bạn học cùng lớp chẳng ai thèm chơi với nó. Lúc ấy, sự quay quắt chợt ùa về hằn học: “Tại sao cha lại bỏ rơi nó?”

Cái hồ nước sau nhà là chứng tích tình yêu giữa cha và má. Vì nghe cậu kể lại, cha dành dụm xây cho má cái hồ nước. Cứ mỗi ngày cuối tuần họ lại xả nước cũ ra thay nước mới vào. Cái hồ luôn luôn trong veo, không cặn hay rêu gì dưới đáy. Cậu út nói với cháu mình: “Cái đáy có màu xanh ẩm của xi măng. Tao còn bắt gặp đôi mắt của người con gái được giấu dưới đó.” Nhưng rất lâu rồi má không thèm đoái hoài gì đến cái hồ. Má mua năm cái thùng phi về để thay thế việc chứa nước cho cả nhà. Má nó quên luôn sự tồn tại của cái hồ như một phần ký ức mòn mỏi, ì ạch và buồn tẻ. Cảm giác tù đọng làm cho căn nhà nhiều muỗi lên. Mầy lần má nó muốn phá cái hồ đi. Nhưng đắn đo sao đó lại thôi. Riết cũng quen, ai cũng xem cái hồ như nhân vật thứ tư trong nhà. Hồ là minh chứng, là sự soi chiếu của cơn mưa để tạo âm thanh tong tỏng nghe buồn vời vợi.

Buổi tối, nó nằm bên cạnh má, tò mò hỏi: “Tại sao mọi người lại nói con không cha? Con nghe cậu út kể chính cha là người xây cái hồ ở phía sau bếp phải không má?” Má không nhìn đứa con bé bỏng của mình, quay mặt vào tường: “Im đi. Cậu út mày thì biết gì mà kể với lể. Ngủ đi. Mai còn đi học sớm.”

Nó không hỏi nữa, buồn rầu nhìn về phía cái bếp lạnh tanh, mái tôn lụp xụp, che tạm bằng gạch nung nằm khuất cuối nhà. Cái bếp gắn đến một câu chuyện đau thương trong gia đình ai cũng tránh nói đến. Bắt đầu từ đôi mắt, ai cũng nói trong nhà đôi mắt của má giống ngoại nhất. Đôi mắt đen sao mà buồn, là báo hiệu của điềm gở. Ngày má lấy cha, dì Huệ bị ma quở mắt mũi cứ trợn ngược lên đòi làm cô dâu thay chị. Hết đám cưới thì cơn hành xác không còn. Má vui khôn xiết. Dì Huệ buồn tủi lầm lì chẳng nói chuyện với ai. Ai cũng biết dì Huệ giấu tình yêu ở trong lòng không dám nói. Rồi một ngày mưa dì Huệ treo cổ tự tử ở ngay trong bếp nhà chị gái mình. Sau cái chết của dì cha cũng đổi tính đổi nết. Uống rượu suốt ngày, say, nói với vợ: “Do cô hại chết em gái mình chứ ai?” Mỗi đêm ai đi ngang qua bếp cũng nổi da gà. Gió từ kẽ nào chui ra thốc mạnh vào người. Cơn gió mang linh hồn dì Huệ.

Mùa mưa, nhóm bếp củi nấu cơm khói bay mù mịt, mắt má ứa nước. Nó cứ nghĩ má nó khóc vì tiếc nuối gì đó.

*

**


Ngày ngày gió thổi vòng quanh nhà. Chỗ hồ nước cặn đóng đã lâu nhìn gớm ghiếc. Nó hay ra phía sau nhìn dòng nước đục ngầu từ cái hồ để soi khuôn mặt mình. Không bao giờ thấy được khuôn mặt rõ ràng. Cái mũi thì méo xệch, miệng cười như ảo ảnh. Vài cành củi khô từ nóc nhà rơi xuống nhìn như chuột chết. Cố rướn mắt nhìn xuống đáy hồ nhưng vô vọng vì lớp cặn đóng dày. Từng lớp bùn đất chồng lên nhau như tấm thảm đen cất giấu bí mật sâu thẳm.

Cậu út hay kể chuyện ma quỷ về căn nhà. Bất cứ yêu thương ai mà dẫn về căn nhà đều gặp chuyện chẳng lành. “Không dang dở thì cũng chẳng hạnh phúc.” Lời của cậu út văng vẳng bên cái hồ buổi tối như lời nguyền rủa của kẻ nhập đồng nói về sự mơ hồ nào đấy. Nhìn vào mắt của cậu thấy sự lẻ loi, cô sầu tràn lên ứa cả ra. Nghe đâu lâu rồi cậu út dẫn một cô gái về nhà chơi. Sau buổi tối hai người ngồi bên hồ trò chuyện cô gái bỏ xứ lấy chồng. Cậu út ở vậy đến giờ.

Buổi tối, bão đổ về, nước như trút hết xuống căn nhà của nó. Khoảng sân rộng ôm khoảng trời lạnh của mưa. Nửa đêm nó đau bụng, không dám đi ra nhà vệ sinh sau nhà. Nhìn vào khoảng tối om, loang lổ bởi ánh đèn tờ mờ nó sợ. Khoảng tối nhốt chặt lấy nó hòa cùng lời kể của cậu út. Trong giấc ngủ chập chờn nửa đêm về sáng nó nghe thấy tiếng mèo cắn nhau. Âm thanh rùng rợn, mèo kêu như tiếng trẻ con khóc. Sáng ra xác mèo chết trôi dập dềnh trên mặt hồ. Cái xác như cục bông thấm đẫm nước. Chưa bao giờ nó nghĩ một con mèo chết đuối lại đáng sợ đến vậy. Mèo là loài không biết bơi.

Vì mèo chết nhiều quá hơn một lần nó giục má thay nước trong hồ. Má lắc đầu, chẳng thèm để ý. Lúc nó năn nỉ dữ dội, gần như van xin:“Má, rất nhiều linh hồn con mèo đã chết nằm ở dưới đáy hồ. Con rất sợ.” Má nó quay phắt lại như giận dữ: “Gì mà sợ chứ? Cứ để yên đó cho tao.” Rồi má bỏ vào giường nằm khóc một mình. Tiếng khóc không lớn, không nhỏ. Tiếng khóc rứt cơn ngủ say của nó ra khỏi cái giường bé xíu. Nó lén đến bên quàng tay ôm sau lưng má. Khi đó, má giả vờ không hay biết gì. Chuyện cái hồ tuyệt đối không bao giờ được nhắc lại nữa.

Vài ba ngày cậu út lại qua nhà vớt xác mèo lên. Nó nhìn con mèo tội nghiệp, nằm sõng soài, duỗi thẳng hai chân, mắt mở trừng trừng. Cái xác được cậu út bỏ trong bịch nilông. Nó tò mò đến gần hỏi: “Tại sao má con lại không thích thay nước trong hồ hả cậu?” Cậu út mỉm cười, xoa đầu: “Mày còn nhỏ đừng tọc mạch chuyện người lớn.”

Cậu út mang xác con mèo quăng vào cái thùng rác màu xanh trước cổng. Nó đứng trân trân nhìn theo, đôi mắt mèo mở to oan ức đọng lại trong mắt. Nó nghe nói: “Nếu không nhắm mắt thì linh hồn vẫn còn đâu đó trong hồ nước.” Đêm đó nó nằm mơ thấy con mèo về đòi bộ lông của mình. Sáng thức giấc, hỏi má: “Vậy lông mèo cũng như áo mặc của mình phải không?” Má thức giấc quay sang nhìn nó: “Không, người ta phải thay áo để mặc cái áo khác vào. Lông mèo già đi và rụng cho đến chết.”

*

**

Nó vào lớp sáu, gia đình chật vật hơn trước. Đồng phục cũ không dùng được phải bỏ đi. Đầu năm nhập học tốn rất nhiều tiền. Má nấu thêm nồi chè nữa mang đi bán. Âm thanh lục đục của vá múc chè va vào thành nồi lanh ca, lanh canh. Chè má nấu ngọt lịm, lâu lâu lại có thêm mùi hanh của khói. Đồng thời buổi tối má phải thức muộn hơn để dọn dẹp, chuẩn bị đồ bán cho ngày sau. Bóng má liêu xiêu đổ dài lên bếp bị cắt xén bởi những viên gạch cũ màu. Cô ba hàng xóm sang nhà mang theo xấp vải để may áo cho nó đi học. Má cầm xấp vải trên tay chạy thẳng vào phòng ngủ. Nước mắt tự dưng nhòe ra. Nó bước theo má nhìn xuyên qua khe cửa: “Con học giỏi làm má buồn sao?” Má quay sang nhìn nó: “Má vui quá không kìm được nước mắt.”

Hằng ngày đi học về nó tức tốc cởi áo ra giặt phơi trên dây vắt ngang hồ. Nước từ áo nhễu từng giọt nhỏ lên mặt nước đục ngầu. Đáy hồ cặn nhiều hơn, rêu xanh mọc đeo bám bốn xung quanh thành. Mặt hồ giờ có thêm khuôn mặt của áo sơ mi mỗi ngày. Nó thầm nghĩ: “Chắc cái hồ chán lắm. Hết mặt mèo, giờ đến mặt áo. Cái nào cũng nhăn nheo.”

Cậu út thì bỏ việc bảo vệ nhà máy dọn về ở cùng, kê thêm tấm phản ngoài phòng khách để ngủ. Chốc chốc lại cất giọng hát dẻo quẹo: “ Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang. Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi…” Hàng xóm đồn đại nhiều về cậu út. Có người nói: “Nghèo quá nên không lấy được vợ.” Có người lại bảo: “Yêu con bé ở tận đẩu tận đâu. Người ta đi lấy chồng mà vẫn còn ôm mộng.”Có người ác miệng: “Gia đình này bị ma ám nên chẳng ai hạnh phúc.” Nó biết cậu út yêu một người con gái đã có chồng. Bởi có lần vô tình đọc được bức thư của cậu. Giấy cũ, mực nhòe, chữ viết nguệch ngoạc. Nội dung: “Út thương, hãy quên em đi vì em đã có chồng. Em sẽ nhớ anh, kiếp này chúng ta không duyên. Hẹn kiếp sau.” Má im lặng trước những lời đồn về cậu. Mỗi ngày đi bán về má đều chừa hai phần chè cho cậu và nó.  Thỉnh thoảng, đến cữ nhớ má lại sụt sùi khóc. Không hiểu sao một người đang yêu thương vợ tha thiết bỗng dưng đổi tính, đổi nết, bỏ theo xe tải rồi vào rừng sống. Cho đến hôm má sinh cha cũng không về, cũng không thư từ, gửi gắm.

“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…”

Cậu đang hát nó bước đến gần hỏi: “Sao vậy cậu?” Cậu út quay lưng, gạt nước mắt, nhìn nó lắc đầu: “Còn nhỏ xen vào chuyện người lớn làm chi. Mầy đi học về ăn cơm má để dành phần kìa. Kệ tao.” Nó buồn thiu đi từng bước vào giường nằm đợi má về. Nó ngủ với má từ nhỏ, cái giường nhỏ dần đi, nó phải thu mình ngủ mỗi khi mùa mưa đến và mùa lạnh về. Trời lạnh rất thích. Nằm ở trong chăn nhìn bước chân của má và cậu út di chuyển lên xuống. Bước chân của má thì nhanh thoăn thoắt giống như có ai rượt đuổi. Bước chân của cậu thì lề mề, chậm chạp.

*

**

Mùa mưa da trời xám xịt, hôm ấy má để dành cho nó bịch chè phần thưởng cho điểm chín môn văn. Má nó nhận được thư. Bác bưu điện già cất giọng quen thuộc: “Nhà có thư nè.” Má đang lúi húi dưới bếp chạy thoắt ra cổng. Chưa bao giờ nó thấy sự hồi hộp hiện rõ lên đôi mắt đen thẫm của má. Má cầm bức thư chạy thẳng vào buồng ngủ. Má giở thư ra, không biết trong có bùa ngải gì mà nước mắt chảy ròng ròng.

Má vò bức thư. Vùi đầu vào gối.

Cái gối mỏng làm nước mắt má loang ra phía ngoài. Những dòng chữ của cha cứ quay mòng mòng trong đầu. “Em à, chờ anh thêm một thời gian nữa đi!” Rồi bức thư kế tiếp: “Chắc anh không về được rồi!” Bức thư nữa: “Anh đang ở trong một mùa mưa rất cô đơn.” Má cứ chờ cha qua nhiều dòng chữ như vậy. Để rồi hôm nay bức thư cuối cùng kết thúc sự chờ đợi của má. Như nhát dao cứa vào tay để máu ồ ạt chảy. “Anh không thể về được nữa. Đừng chờ và tìm cho mình người xứng đáng hơn anh.”

*

**

Ngày tận cùng của tháng bảy trong nhà nó giông tố nổi lên. Cậu út không kiếm được việc làm bất lực về nhà trong đêm khi đã say khướt. Cậu giận dữ, quát lên với má: “Em chán cuộc sống như vậy lắm. Em quyết rồi chị đừng cản em nữa!” Má khóc: “Em đã đi thì chị không cản. Nhưng quan trọng người ta có yêu em không?” “Yêu chứ. Người ta vừa ly dị chồng xong. Chị có biết không? Có yêu thì em mới đi. Còn chị, đã bao giờ dám đi tìm ảnh về chưa?” Má vào buồng rút dưới gối cái bọc bằng nilong mang ra đưa cậu.

“Đây, đọc đi!”

Cậu út cầm, mở từng phong thư ra coi. Đôi mắt bắt đầu ứa đầy nước. Tại sao có thể như thể được. Ảnh từng nói với em: “Đi chuyến này phải đổi đời để lo cho con, cho vợ. Chốn rừng thiêng nước độc. Em cứ tưởng đã chết mất xác. Ai có ngờ, đã đành lòng bỏ chị đi lấy một người khác ư! Trời ơi! Khốn nạn” Rồi cậu bỏ ra ngoài. Nó lắng nghe bước chân văng vẳng trong cơn mưa. Nó không biết trời đang buồn hay người u sầu?

Ngày hôm sau, nó không còn thấy cậu út đưa mắt buồn nhìn về phía cái hồ nước đục. Nó chạy tới ngăn bàn tìm bức thư cũ của cậu nhưng không còn. Cậu út bỏ đi thật rồi. Nhưng đi đâu? Đến bên người yêu ư? Không một tin tức. Không một nhắn gửi. Mưa. Và mất tích. Từng gương mặt chìm vào lòng hồ. Người đi chợ sớm kháo nhau người ta vớt được cái xác đàn ông trôi lềnh bềnh trên sông. Nó cứ khấn niệm trong lòng người chết không phải cậu út nó.

Má xả hết nước trong hồ, thay nước mới để giải thoát lời nguyền rủa của cha, dì Huệ, cậu út và những con mèo có đôi mắt mở to. Từng dòng cặn lưu cữu bao năm chảy ra trôi vào trong cống. Tia nắng chiếu thẳng xuống, nó nhìn xuống đáy hồ thấy dòng chữ khắc: “Kỷ niệm, ngày 12 tháng 10 năm 1983.”

Vết sẹo vẫn còn bám chặt trên vai bí mật thì thầm. Má đã chôn chặt cơn đau trong lòng, không còn khóc nhiều mỗi đêm. Nó cũng không muốn khơi lại những gì buồn bã. Cái hồ từ ngày được thay nước không còn con mèo nào trượt chân ngã xuống.

Một mùa mưa nữa lại đến nó được ra phòng khách ngủ riêng. Trằn trọc mãi trên tấm phản có in hằn dấu vết cậu út. Vết hằn tựa hồ ký ức bỏ rơi.

 

Trịnh Duy Kỳ


 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201511:15 CH(Xem: 34694)
Sài Gòn quả thật vẫn đẹp mà nó vẫn đẹp theo cái cách mà tôi nhìn ngắm nó, nó vẫn đẹp như mơ, cực kỳ hoàn hảo và trác tuyệt. Vì đâu mà tôi có thể thấy như vậy nhỉ? Có lẽ nó xuất phát từ cái chủ quan riêng biệt của tôi mà tôi thấy như vậy.
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 33796)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31038)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33223)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34871)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37280)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32323)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 29900)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31346)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28403)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.