- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỔ NƯỚC BỌT

19 Tháng Tám 20158:04 CH(Xem: 33201)

WW

Wound Man - tài liệu wikipedia.



Tôi ngồi trong quán cà phê “Bụi” vào một buổi sáng chủ nhật yên tĩnh, ngoài cửa sổ bầu trời ngập ngụa trong những đám mây xám ảm đạm, những ngày tháng tám khởi đầu bằng một trận bão liếm vào đường bờ biển, ảnh hưởng tới cái thành phố chật chội và ồn ào này. Cả thế giới đường như được thu gọn trong cái ô cửa sổ đóng chặt nhìn xuống con đường tấp nập bên dưới.

Tôi nhấp một ngụm cà phê nguội, giữ nó một lúc ở trong miệng cho tới khi vị chua xuất hiện và hòa vào vị đắng rồi khẽ khàng nuốt.

Năm ấy tôi mười bảy tuổi, ngày thứ hai kể từ khi bỏ nhà đi.

Nheo mắt, tôi vùi mình vào chiếc ghế lười êm ái, nhắm mắt một lúc trước khi tiếp tục lên đường.

Mười bảy tuổi tôi đi hoang, không biết để làm gì nhưng cứ đi, trong đầu tôi le lói một biểu tượng gì đó, một dòng chảy để cuối cùng dẫn tôi tới quyết định này. Nhưng tất cả chỉ là những tấm biển chỉ dẫn mờ nhạt. Những lực đẩy xô tôi đến đây nhỏ bé tới mức chẳng bao giờ tôi cảm nhận được, như một thiên mệnh nào đó, như lũ chim di biết phải bay đi đâu khi mùa đông tới…

 

Chuyến hành trình của tôi bắt đầu vào một ngày lộng gióA, một buổi chiều mà sắc vàng của nắng nhạt chìm ngâp khắp thế gian. Như mọi ngày sau khi tan học tôi đạp xe song song với thằng bạn thân của mình. Người Lạ là cách tôi gọi nó, đó không phải tên thật, nhưng một ngày nọ nó đã quyết định là từ nay tôi phải gọi nó là Người Lạ, như cách nó vẫn trân trọng thông báo về mình.

Vậy là tôi với Người Lạ đạp xe về nhà với nhau, như mọi ngày chúng tôi dừng lại ở một cây cầu bắc qua con sông rộng lớn. Và vì nó bắc qua một con sông rộng lớn nên cầu cũng rộng lớn. Chúng tôi thích đứng ở giữa cầu và chiêm nghiệm quang cảnh rực rỡ của hoàng hôn. Khi những đám mây nhuộm màu nắng dịu, hoặc dòng sông lác đác từng đám lục bình trôi chậm rãi, hay các sà lan chở cát rẽ nước ngang qua. Những người đàn ông, đàn bà, trẻ con xa lạ vùn vụt lao qua cầu trên những chiếc xe đủ loại. Đôi khi chúng tôi trò chuyện, khi khác thì im lặng; thời gian lặng lẽ trôi qua, hai chiếc xe đạp dựng kế nhau yên ả như hai con ngựa đang say ngủ.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho thói quen này nhưng tựu chung lại vì tôi với nó đều không muốn về nhà. Thỉnh thoảng cả hai đứng tới tối mịt mới mò về.

Ba của Người Lạ thường hay đánh nó, đó là một người đàn ông mà trong những lần ít ỏi tôi gặp mặt đều đang say. Ông ta gặp phải nhiều thất bại trên đường đời và vì khi ra ngoài xã hội ông bị mọi người hà hiếp nên lúc về nhà ông mới hà hiếp lại vợ con. Cái bị kịch kiểu domino đau khổ này vẫn thường thấy, nó đầy rẫy ngoài kia, nhàm chàn đến nỗi Người Lạ không bao giờ buồn nhắc tới. Nó chỉ nhếch mép, lầm lì nhìn xuống dòng sông mỗi buổi chiều. Nhưng những vết bầm tím và sưng trên tay chân thì không nhàm chán chút nào, chúng đau như bất kỳ vết thương nào khác.

Còn tôi, tôi chẳng có lý do gì để về nhà, ở nhà chỉ có người chị gái theo phong cách Emo suốt ngày ở trong phòng rạch tay. Mẹ tôi thì bận rộn với công việc đầu bếp cho hai nhà hàng. Khi nào về nhà bà hay làu bàu gì đó trong miệng. Mẹ hút thuốc, chửi rủa xã hội, đàn ông, cùng tất cả các sinh vật đang di chuyển trên cõi đời và lúc nào cũng kết thúc bằng việc nhổ nước bọt xuống đất. Một hành động đẹp đẽ mang tính biểu tượng của mẹ.

Tôi cảm nhận mẹ mình đã chịu nhiều nỗi đắng cay trong đời, nhưng bà chẳng bao giờ hé răng với tôi cũng như không bao giờ nói ba tôi là người như thế nào và vì sao ông lại không có mặt trong cuộc đời hai chị em tôi. Ngôi nhà như một thứ hang động tiện nghi nào đó, hoàn toàn không có hơi ấm con người.

Ngày hôm ấy tôi và nó đứng trên cầu tới lúc những ngọn đèn bắt đầu phát ra ánh sáng vàng vọt, thành phố lờ mờ tối.

- Ê tao chán quá, Người Lạ lên tiếng, nó quay mặt về phía con đường, tựa vào lan can và ngả người ra sau hết mức có thể.

- Ờ, tao thấy rồi.

- Thấy gì?

- Chán, tôi chau mày, nó như một lớp sương mù màu đen lơ lửng ở trên đầu mày, chỉ ngón tay vào một điểm cách đầu nó vài phân, cái đám đó thỉnh thoảng tao vẫn có vào những ngày mưa.

- Mày muốn bỏ nhà đi không?

- Đi đâu?

- Đâu cũng được, Người Lạ nhìn quanh, tính từ cây cầu này, tao với mày sẽ đi về hai hướng khác nhau.

- Để làm gì?

- Chả để làm gì hết, mày không muốn ở nhà, tao không muốn ở nhà nên cứ thế rồi bỏ đi thôi.

- Rồi sau đó?

- Chẳng có sau đó gì hết, tao hỏi mày ngay lúc này mày có muốn đi không?

Im lặng, tôi nhìn xuống dòng sông, đêm đã nhuộm đen con nước, nhổ một bãi nước bọt xuống dưới. Tôi nhìn nó rơi rồi bị dòng chảy nhấn chìm trong muôn vạn con sóng nhỏ đang nhấp nhô.

Một bãi nước bọt chẳng thể nào sỉ nhục được Trái Đất, người ta cứ nhổ nước bọt mãi vào nó mà nó có phản ứng gì đâu. Trái Đất im lặng và cam chịu.

Thỉnh thoảng cơn giận dữ tích tụ bùng phát và nó thổi một cơn bão ra giết chết vài trăm người. Nhưng mà chẳng ai quan tâm, tới ngày mai họ lại nhổ nước bọt xuống thôi, con người vốn chẳng học được điều gì từ những sai lầm. Họ cứ bước qua và lãng quên chúng.

- Ừ thì đi! Tôi nhún vai.

Người Lạ gật đầu, chúng tồi im lặng rồi đi về hai hướng ngược nhau. Đầu tiên tôi về nhà, cất xe đạp, lấy vài bộ quần áo bỏ vào ba lô, nhét cái thẻ ATM mà mẹ luôn để trên đầu giường phòng trường hợp bất trắc vào bóp. Suốt thời gian đó chị gái tôi ngồi ở bàn ăn và gục đầu xuống bàn. Mớ tóc được duỗi thằng rũ xuống một cách hoàn hảo.

- Mày đi đâu vậy? Chị ngẩng lên, đôi mắt lờ đờ hỏi.

- Đi với bạn một lúc.

Chị gật đầu rồi lại gục xuống.

Rất Emo!

Tôi lên đường vào lúc gần bảy giờ tối, đêm mát mẻ và dễ chịu; trong không khí thoang thoảng mùi khói xe nhưng vẫn ngửi được vị trong lành của cây cối. Vùi tay vào túi áo khoác tôi tiến lên, băng qua con đường quen thuộc, những cửa hàng mà tôi vẫn mua nhu yếu phẩm mỗi ngày. Một bà hàng xóm đi ngang qua nhìn tôi gật đầu chào, tôi đáp lại bằng một nụ cười phớt nhẹ.

Mọi thứ dường như thật đơn giản, một ngày nọ về nhà từ trường, thu xếp đồ và cứ thế mà bỏ đi. Hôm nay là thứ bảy nên mẹ tôi sẽ làm việc cả đêm, ngày chủ nhật bà về nhà lúc ba giờ sáng và ngủ tới tận trưa. Mẹ sẽ chẳng hề để tâm chuyện tôi làm gì ở đâu cho tới buổi tối, tôi có thể tận dụng thời gian ấy để đi xa khỏi phạm vi mà bà có thể tìm kiếm.

Tôi đi suốt cả đêm, tâm trạng hồi hộp và phấn khích làm tôi không thấy buồn ngủ. Thỉnh thoảng tôi ngồi nghỉ lại bên vệ đường hay một băng ghế đá trên vỉa hè. Càng về khuya đường phố càng vắng lặng, nơi tôi sống chẳng tấp nập gì mấy, một khu ngoại ô lặng lẽ. Đến nửa đêm gần như chỉ có mình tôi trên phố.

Lang thang vô định, tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm, khi ánh sáng đã tắt đi thì hàng trăm vì sao trên bầu trời cũng lộ mặt, chúng rải ra như những hạt kim tuyến trên tấm vải đen. Bừa bộn, lấp lánh và đẹp đẽ.

Tôi bỗng nhớ tới thời gian hai ba năm về trước, khi chị tôi chưa thành Emo và thế giới này vẫn chưa trở nên quá tệ đối với mẹ. Thỉnh thoảng chúng tôi có một bữa ăn chung, mẹ nấu một cách vội vàng sau khi vừa về tới nhà, chị gái vừa ăn vừa nhắn tin trong khi tôi trao đổi với mẹ những chuyện vô nghĩa thường ngày. Không có gì quá đặc biệt nhưng mọi thứ vẫn rất dễ chịu.

Nhìn lên bầu trời đêm không hiểu sao tôi lại nhớ về những chuyện ấy, dường như vũ trụ gợi cho con người ta những ký ức tốt đẹp, lúc thế giới hãy còn ấm áp và tươi sáng.

Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng gia đình tôi ăn chung với nhau? Và chuyện gì đã xảy ra khiến mọi thứ như hiện nay? Nếu nghĩ lại thì dường như chẳng có biến cố lớn nào, chúng tôi sống những cuộc đời bình lặng, sự tồi tệ không đến ngay sau một đêm mà diễn tiến chậm rãi như nước bốc hơi lên bầu trời. Mỗi ngày từng chút một, những đổ vỡ nho nhỏ tích tụ lại rồi biến thành một vực sâu rộng lớn và mọi thứ tốt đẹp đều mất hút vào bên trong nó. Thật tồi tệ, nhưng mọi thứ là như vậy, ta chẳng nhận ra mình mất gì….

Mãi sau này, khi tôi là một gã trung niên bốn mươi tuổi tôi mới biết những mất mát nho nhỏ chẳng bao giờ là vô nghĩa. Nó sẽ trở thành một cái gì đó lớn lao vào một ngày xấu trời và ta chỉ biết đừng nhìn mọi thứ bị phá hủy.

Còn lúc ấy tôi chỉ nhìn lên bầu trời, thở dài một tiếng rồi nhổ một bãi nước bọt xuống đất.

Trái Đất vẫn lặng im cam chịu, bao nhiêu thế hệ loài người đã phỉ nhổ xuống đất này, bãi nước bọt của tôi chẳng là gì trong cái đại dương bao la ấy…

 

Đến sáng thì tôi tìm được quán cà phê “Bụi” nằm lọt thỏm giữa một quán nhậu lớn và cửa hàng tiện lợi. Tôi bước vào quán như kẻ mộng du, đôi chân mệt mỏi dừng bước, thân thể rã rời rơi phịch xuống cái ghế êm ái. Thân thể mệt mỏi nhưng trí óc lại tỉnh táo, kêu một tách cà phê nóng, một phần ăn tôi nhấm nháp bữa sáng chủ nhật xám xịt trội qua.

Bầu trời rùng mình bằng những tia sét phương xa.

Con đường bên dưới thưa vắng bóng người, bên kia đường là một dãy tường trải dài, những người bán hàng rong ngồi chống cằm tư lự: ba lô, túi xách, thắt lưng bày la liệt trên vỉa hè. Quang cảnh dường như thân quen mà cũng xa lạ.

Rút cái di động ra tôi xem lại những tin đã cũ, tin gần nhất là từ Mắt Biếc cô bạn ngồi trên tôi hai bàn trong lớp. Trong tin nhắn cô nói về việc hết năm học này cả gia đình sẽ định cư ở nước ngoài.

Mắt Biếc hiển nhiên là có một đôi mắt đẹp, đúng hơn đó là đôi mắt đẹp nhất mà tôi từng thấy, trong trẻo ngây thơ nhưng cũng có lúc sâu xa như biển cả. Nếu nhìn quá lâu vào mắt cô tôi lại thấy sợ, có cảm giác như bản thân bị nhấn chìm vào nó, một nơi thăm thẳm sâu, tuyệt vời; nơi mà thế giới sẽ đi đến hồi kết.

Tôi yêu “Mắt Biếc”, dù ngoại trừ đôi mắt cô không hề xinh, nhưng tôi vẫn yêu; tôi muốn đi với cô mỗi ngày, muốn chạm vào thân thể cô, vuốt ve mái tóc và thì thầm những điều mà từ lâu tôi vẫn nghĩ về cô.

Nhưng Mắt Biếc lại thích Người Lạ, còn Người Lạ thì hoàn toàn dửng dưng với tình cảm. Trong cái tam giác tình bạn này mọi thứ đẹp đẽ đến mức đau đớn, tình bạn của chúng tôi tồn tại một cách lấp lửng qua những giây phút ồn ào và tĩnh lặng của cả ba.

Không có gì quá cao siêu, nhưng hồi mười bảy tuổi, mối tình tay ba ngây thơ này làm tôi có cảm giác như vũ trụ này là một nơi chốn tàn bạo và khắc nghiệt.

Không có tin nhắn nào từ gia đình trong hộp thư thoại, cũng không có cuộc gọi nào; chúng tôi chẳng còn gì để nói với nhau từ rất lâu rồi. Vào những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi ở nhà mẹ hỏi chuyện tôi một cách qua loa, cố tỏ ra là bà có quan tâm; tôi trả lời nhát gừng, cố tỏ ra là mình cần được quan tâm.

Chị gái thì đóng cửa trong phòng, dùng lưỡi dao rọc giấy cắt lên tay mình những đường quyết đoán. Chị hay nhìn máu chảy rồi trầm ngâm một lúc lâu, mái tóc rũ rượi che lấp cả khuôn mặt.

Gia đình không hoàn toàn tan vỡ, nó chỉ là một mớ hỗn độn, một con thuyền xơ xác không biết mình đang đi về đâu hay đi để làm gì.

Có một lần tôi nói chuyện với chị gái mình, khi chị bắt đầu ăn mặc theo kiểu Emo và mua những hộp lưỡi dao rọc giấy về.

- Có chuyện gì với chị vậy?

- Chẳng có gì hết, chỉ là một cách để tiếp tục sống thôi!

Chị nhếch mép mỉm cười một cách cay đắng.

- Bằng cách rạch tay hả? Em thì chị làm gì với con dao rọc giấy ở trong bếp rồi!

Chị nhìn tôi một lúc lâu, đứng lên xoa đầu tôi rồi bỏ đi.

Từ đó chị luôn rạch tay ở trong phòng của mình!

 

Chống cằm, tôi dùng tay còn lại vẽ một hình vuông bằng nước trên mặt bàn.

Đây là thế giới.

Tôi nói nhỏ, đặt một ngón tay vào giữa hình vuông.

Đây là tôi, tôi bị giam trong thế giới!

Cô gái ngồi bàn kế bên ngước mặt lên khỏi cái máy tính bảng và nhìn tôi bằng ánh mắt ghê tởm. Bỏ qua cái nhìn ấy tôi nằm gục xuống bàn nhắm mắt lại một lúc. Cơ thể không cần ngủ nhưng nó cần được nhắm mắt và chìm vào bóng tối.

Nếu hết ngày hôm nay tôi về nhà thì mẹ sẽ không biết là tôi đã bỏ đi, vậy thì quyết định đi bụi của tôi có ý nghĩa gì? Nhưng tôi đi đâu phải đi là để cho mẹ thấy, tôi không đòi hỏi điều gì ở bà.

Không, chuyến đi này là dành cho chính tôi, tôi cần được đi bụi mà không phiền tới ai. Nên tôi phải về trước khi mẹ phát hiện ra, vì sẽ không có ai hiểu được tôi cần chuyến đi này như thế nào.

Không ai ngoại trừ Người Lạ!

 

 

Chúng tôi quen nhau vào đầu năm cấp ba, lúc đó cả hai ngồi chung bàn ở cuối lớp. Người Lạ không nói gì cả buổi, nó chống cằm đọc một quyển sách mỏng. Tôi mãi lo nói chuyện với một đứa bạn từng học chung hồi cấp hai ngồi bàn trên nên chẳng quan tâm gì đến nó.

Giờ ra chơi Người Lạ vẫn ngồi ở chỗ của mình, sách vẫn mở ra nhưng nó không đọc mà nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tôi liếc trộm quyển sách, có một hình minh họa chiếm hết trang giấy, bức vẽ một người đàn ông mặc khố bị đủ mọi loại vũ khí thô sơ đâm vào da thịt*.

- Bức tranh đó là gì vậy? Tôi hỏi vu vơ.

- Đây là tao vào một ngày xấu trời, người đàn ông bị thương, Người Lạ nhún vai xong vạch tay áo sơ mi lên để lộ một vết bầm lớn, còn hôm nay là một ngày đẹp trời!

Kể từ đó chúng tôi kết bạn với nhau.

Có những ngày Người Lạ tới trường với những bước chân cà nhắc, hai đầu gối của nó bầm tím và tay thì có vài vết đỏ do thắt lưng gây ra.

- Hôm nay xấu trời quá hả? Tôi hỏi nó một cách bình thản.

- Cũng chưa tới nỗi nào! Nó cười lớn.

Có những ngày tôi bước vào lớp với khuôn mặt lầm lỳ, Người Lạ nhìn tôi rồi không nói gì cả; nó hoàn toàn im lặng cho tới khi tôi cất tiếng. Nhưng những lúc như vậy nó lẽo đẽo theo tôi mọi nơi. Tình trạng này đôi khi kéo dài cả buổi.

Chúng tôi hiểu nhau một cách tế nhị như vậy!

Tôi không bao giờ hỏi về gia đình Người Lạ, nó cũng chẳng đả động gì tới chuyện cá nhân của tôi. Chúng tôi không có nỗi đau nào muốn chia sẻ, chỉ có sự dễ chịu khi nói chuyện với nhau về đủ mọi thứ tầm thường ngớ ngẩn trên đời.

Khi Người Lạ đem những vết thương của mình ra để cười đùa thì tôi cũng phụ họa với nó.

 

Khi tôi đứng lên tính tiền thì đã hai giờ trưa, trời bắt đầu đổ mưa, một cơn mưa âm ỉ vừa đủ để làm ướt những người đi trên phố.

Bước ra khỏi quán, giương cây dù màu đỏ lên, mưa rơi lộp độp phía trên, con đường thẳng trải dài như vô tận.

Điện thoại reo, tôi bắt máy.

- Đi đường cẩn thận nha nhóc! Giọng chị nói nhỏ nhẹ.

Chưa kịp trả lời thì chị đã cúp máy, bỏ cái điện thoại vào túi, rảo bước chân, vài vũng nước đọng nho nhỏ trên vỉa hè soi bàn chân tôi bước qua.

Con đường cứ tiếp nối mãi về phía trước một cách đơn điệu, tôi thong thả đi, tay cầm dù, vai mang ba lô, cái áo khoác phất phơ trong những cơn gió lạnh. Quang cảnh quen thuôc đến nhàm chán, nhà cửa nối tiếp nhà cửa, con người nối tiếp con người. Vài cái ngã tư trôi qua, chạm chờ xe buýt với một ông già bán vé số ngồi đăm chiêu nhìn cơn mưa, con chó sũng nước chạy ngang qua. Vài chiếc xe dựng dưới mái hiên chìa ra, những con người xa lạ đứng kề nhau, lưng dựa tường, mùi thuốc lá thoang thoảng, tiếng hột quẹt khô khan. Dù chẳng có gì đặc biệt nhưng vẫn làm cho tôi thấy buồn.

Và cơn mưa dần trở nên nặng hạt.

Tôi cứ đi, đi đến tận cùng cái thế giới của mình, tận cùng của một hình vuông bằng nước.

Có một lần Người Lạ bị một vết cắt dài ở trên tay, tôi giúp nó thay băng trong nhà vệ sinh.

- Sao mà mày bị như thế này?

- Mày hỏi làm gì? Nó đáp giọng bực bội. Mày thì làm được gì?

Mưa như một bức màn trắng xóa, sét bủa vậy bầu trời, tôi lầm lũi bước đi.

“Chẳng có gì hết, chỉ là một cách để tiếp tục sống thôi!”

Sống? Sống quan trọng tới vậy sao? Đừng có đùa với tôi, lũ các người!

Bạn có muốn ra nước ngoài không?

Muốn hay không gì thì cũng không phải do tôi quyết định!

Gió thổi ngược chiều, mưa chêch chếch rơi tạt vào da thịt tôi đau rát, vùi tay vào túi áo khoác tôi tiếp tục đi nhanh hơn.

- Lúc này con học hành sao rồi?

- Ổn cả!

Phải rồi, ổn cả, ổn hết, tất cả đều ổn.

- Ba đâu rồi mẹ?

- Chết lâu rồi!

Mưa tối trời tối đất, gió thổi mạnh như muốn cuốn cây dù đi mất.

Trái Đất đang phỉ nhổ lại loài người, phỉ nhổ cho hàng tỉ bãi nước bọt đang nằm lại dưới mặt đất, hàng thế hệ con người quằn quại trong những hình vuông cứng nhắc.

Tôi nhổ nước bọt xuống đất, đất lấy lại, đưa cho bầu trời làm thành mưa để phỉ nhổ vào tôi.

Chẳng bao giờ kết thúc, cái chuỗi domino đau khổ này, vòng xoáy đau đớn, mỗi ngày một lớn hơn, lớn hơn cho tới khi vỡ ra thành hàng nghìn mảnh. Và mỗi mảnh lại trở thành một vòng xoáy mới, điên cuồng xoay, điên cuồng lớn lên.

Nhổ nước bọt xuống đất tôi buông tay thả cây dù ra cho gió cuốn đi. Rồi tôi hét lên, thiếng thét đau đớn, ai oán bấy lâu nay vẫn kềm nén trong lòng. Nhưng chẳng ai nghe thấy được, chẳng ai kể cả chính tôi; tôi chỉ nghe âm vọng từ tận sâu trong cõi lòng mình, còn tiếng thét trong thực tại này đã bị giọng của cơn mưa nuốt chửng.

Tôi chạy về phía trước, chẳng biết chạy đi đâu nhưng vẫn cứ chạy, mưa xóa đường đi, mưa xóa mất loài người, mưa xóa đất, xóa trời thành khoảng trắng. Chỉ còn mình tôi, chạy mãi về phía trước.

Chạy một lúc lâu tôi va phải ngõ cụt, con đường kết thúc bất ngờ và một khoảng đất trống rộng lớn hiện ra. Nhưng không có đường vào, những bụi cây dại đã mọc che lấp mất tất cả.

Tôi đứng lại thở dốc, vuốt nước mưa trên mặt. Quay lại đằng sau, chẳng có gì ngoài màn mưa trắng xoá. Một tia sét nổ vang trên đầu, tôi nhìn những bụi cây dày đặc đang chắn đường mình.

Nghiến răng, vứt cái ba lô xuống đất tôi dùng hai tay tạo cho mình một lối đi. Bẻ những cành cây dạt qua hai bên, tiến vào bên trong một cách khó khăn. Gai đâm vào khuỷu tay rướm máu, đôi dép vướng vào một cái rễ đứt mất quai, tôi vứt nó lại, chân trần đạp lên cỏ dại.

Mưa vẫn tiếp tục đổ xuống, như thế trút hết nước từ trên bầu trời.

Như thể một bãi nước bọt khổng lồ của Trái Đất đang rơi từ từ chậm rãi, như thể tôi đứng ở tâm của bãi nước bọt ấy!

Tôi tiến vào sâu bên trong bãi đất hoang, vẫn chẳng biết để làm gì, không thể dừng lại được. Nhưng sức lực cứ dần rời bỏ tôi, bàn tay mỏi rã rời, những ngón tay không còn nắm chặt được nữa. Bắp chân trầy sướt vì bị những cành nhỏ đâm vào, cơ thể tôi mệt lả vì thiếu ngủ. Tất cả như mất năng lượng vào cùng một lúc.

Nhưng cánh đồng trống và những bụi cây thì chẳng bao giờ kết thúc.

Ngồi xuống dưới cỏ, tôi ngả người nằm dài ra hai tay giang thẳng.

Tôi thét lên một tiếng nữa, rồi thở dốc.

Mưa rơi không ngớt trên mặt.

Tôi cứ nằm đó mãi cho đến khi mưa tạnh hẳn và thân thể ướt đẫm từ đầu tới chân.

Rồi tôi bật cười, một tràng dài chẳng hiểu vì sao, tôi cười cho đến khi bụng quặn lên vì đau, nước mắt trào ra.

Cười chán tôi đứng dậy và quay lại, đi về nhà.

Đi ra dễ hơn đi vào rất nhiều vì đường đã được mở sẵn, tôi nhặt cái ba lô của mình để ở ngoài giờ đã ướt sũng, lang thang một đoạn tôi đến trạm xe buýt có ông lão bán vé số lúc nãy, ông vẫn ngồi đó. Ngồi xuống cạnh bên, tôi bắt chuyến xe về nhà. Ông lão mỉm cười rồi đưa cho tôi cây dù màu đỏ, có vẻ như ông đã bắt được nó trong cơn mưa.

Tôi mua cho ông năm tờ vé số.

Thiệt hại duy nhất là đôi dép, tôi đi chân trần về nhà.

Chị gái ngồi ở phòng khách xem tivi, thấy tôi bước vào chỉ ừ hử một tiếng rồi đứng lên tắt tivi và bước về phòng.

Mẹ vẫn chưa phát hiện ra sự biến mất của tôi, bà đang xào nấu gì đó trong bếp, lon bia đặt kế bên, miệng bà huýt sáo một giai điệu vui vẻ.

 

 

Sáng hôm sau đi học tôi nóng lòng muốn nói chuyện với Người Lạ, tôi muốn nghe nó kể về chuyến đi của mình. Nhưng ý định ấy tiêu tan ngay lập tức khi thấy Người Lạ đi vào từ ngoài cổng. Trên má nó là một vết sưng lớn, mắt phải sưng húp, chân đi cà nhắc vì cổ chân trái bi trặc. Người Lạ ngậm bông gòn trong miệng, khi tới gần tôi nó nhả miếng bông gòn ra rồi vứt vào thùng rác. Chúng tôi ngồi xuống một băng ghế đá.

- Sao một ngày xấu trời hả?

Người Lạ không nói gì, tôi cũng chẳng hỏi thêm.

Mãi đến khi sắp vào lớp nó mới nói.

- Hôm thứ bảy khi tao về nhà và thu dọn hành lý thì ông già tao phát hiện ra. Ổng giật lấy cái ba lô, nắm đầu tao rồi đập nó vào tường, sau đó ổng đạp trặc chân tao. Vừa đạp ổng vừa hỏi tao muốn đi đâu. Ổng đánh tao suốt ngày chủ nhật.

Người Lạ nhổ một bãi nước bọt xuống đất, bãi nước bọt đỏ ngầu những máu.

Thế giới của tao là từ phòng mình tới ngoài cổng, Người Lạ kết luận.

Tôi nhìn bãi nước bọt, Trái Đất vẫn cam chịu, cam chịu mãi…

 

Ngày hôm đó vào giờ ra chơi, chẳng vì lý do nào đặc biệt Người Lạ đánh một thằng ở lớp kế bên gãy ba cái răng, nó còn đấm bầm mắt cả giám thị khi bị can ngăn. Ngay lập tức nó bị mời về phòng hiệu trưởng cảnh cáo và đuổi học một tuần sau đó.

Và đó là sự tiếp diễn.

Cái chuỗi domino đau khổ bất tận của cuộc đời này, bãi nước bọt vĩ đại của nhân loại!

 

(*): Bức tranh Wound man, một kiểu tranh minh họa phổ biến vào thế kỷ XVI ở Châu Âu của các sách liên quan tới giải phẫu

 

13tháng Tám 2015

THIÊN DI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99021)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105751)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91017)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105435)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105026)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 126531)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 40892)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 94452)
Q uốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ cổ nhất hiện nay chúng ta còn giữ được. Trước nay, tập thơ này luôn được các nhà nghiên cứu coi là tư liệu đặc biệt quý hiếm để nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Việt Nam thời Cổ- Trung đại, cụ thể là ngôn ngữ thơ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Đã có nhiều bản phiên âm chú thích của nhiều thế hệ học giả trong hơn năm mươi năm qua về văn bản này, cũng đã có nhiều bài viết và một số ít chuyên luận nghiên cứu riêng biệt về nguồn ngữ liệu phong phú này. Bài viết sẽ tiến hành khảo sát một số trường hợp trong ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi ...
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 89444)
T rong đời Nguyễn Du có ba sự việc liên can đến Trung Quốc:Năm  1803 , Nguyễn Du được cử lên  ải Nam Quan tiếp sứ  nhà Thanh sang phong sắc cho vua  Gia Long . Năm  1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ tại  nhà Thanh cho đến  1814 . Năm  1820 Gia Long qua đời,  Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang  nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết...
17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 103155)
C on tàu lùi lũi rời thành phố giữa lúc từng cơn mưa bụi gối lên nhau mê mải, những cung đường lồng lộng mở ra trước mắt. Phía sau lưng, thành phố đông đúc và ẩm ướt khuất dần. Ngày ra mắt họ hàng, anh cũng đưa chị về trên chuyến tàu như thế. Cũng một ngày mưa bụi gối lên nhau.