- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHÁO

21 Tháng Mười Hai 201412:05 SA(Xem: 40514)
PhaoHoa-BW

Đêm pháo hoa, tôi ra đường. Mẹ tôi bảo hãy ở nhà. Tôi nói với mẹ rằng muốn đổi gió. Mẹ tôi im lặng, bà vẫn muốn tôi ở nhà. Hôm nay có bắn pháo hoa – lời của tôi. Pháo hoa, là thuốc súng và tiếng nổ - Lời của mẹ. Cuối cùng thì tôi ra ngoài. Tôi ra đường từ trước bữa cơm. Đường xá mấy ngày này khang trang. Đủ cờ quạt, băng rôn, biển hiệu. Vỉa hè không một gánh hàng rong. Phố phường sạch sẽ rác rến, với đủ loại công trình treo băng rôn. Đèn treo cao, và được ghép thành biểu ngữ. Lúc công tắc bật, tôi thấy đèn mở tóe ra. Đỏ lừ như con mắt người say. Tôi ghé qua chỗ anh bạn của tôi chơi. Rồi, tôi sẽ gạ anh ta cùng đi xem pháo hoa. Tôi có gọi điện nhưng không ai bắt máy. Anh bạn tôi là nhà văn. Không nổi tiếng, lâu lâu mới có bài đăng báo. Đến nhà, thì cửa nẻo đóng im ỉm. Tôi chẳng nghĩ anh ta đi công tác hay du lịch bụi. Trước cửa không thấy cờ hiệu gì. Tôi bấm chuông. Chắc chẳng có ai thật. Thế là tôi đi. Cũng chẳng biết đi đâu. Lúc về thì trời đã tối mịt. Người từ mọi làn đường đổ về và quần tụ lại. Không tiến, chẳng lùi. Đứng chôn vào thành bầy, như bị đổ bê tông. Con đường đấy không đi nổi. Tính đi ngược lên thì một đám người nữa đã dồn lên. Phía bên kia, bắt đầu lố nhố thêm người. Một tiếng “đoàng” thế là tôi sực tỉnh. Đợt pháo đầu tiên. Cả vùng trời sáng rực. Như một đóa hoa nở từ lửa. Nhiều người gào rống lên. Cõng nhau, rồi chụp hình. Mùi người dồn lại. Những khúc tay, chân huých vào nhau. Tôi thấy phía kia, một bàn tay lạ thò vào túi, rồi thật khẽ, móc ra một cái ví. Các bàn tay khác đang tuồn giữa làn người như con rắn. Một cô gái chợt giật bắn và tát vào bất cứ ai cô nàng nhìn thấy. Tiếng pháo vẫn đùng đùng trên đầu. Tôi lên vỉa hè và cố lách khỏi từng người. Mọi nẻo đã bị khóa cứng. Xe, rồi người, những dải phân cách. Một đứa bé đang mếu máo trong đám người. Không biết vì lạc mẹ hay vì tiếng pháo nổ to. Mấy hàng ăn bày hết ghế, người người nhảy lên ghế. Không ai thấy một lão ăn mày đang đi dưới chân họ. Một vài người xô lên. Lão ăn mày bị xô về một phía. Chưa ngã, vì ông lão va vào một người khác. Vẫn mấy cái xô tay. Văng về một bên. Rồi văng tiếp về phía khác như trái bóng chuyền. Tôi không nhìn thấy được gì nữa vì hàng tá người đã dồn lên che hết mọi khoảng trống. Pháo lại nổ. Tôi không biết trên bầu trời đang cháy hình gì. Tôi chỉ ngửi thấy mùi thuốc pháo. Rồi thì, tôi bị dính chặt lại. Vất vả lắm, tôi mới lách khỏi đám người. Tôi ngã vào một cái gì đấy mềm mềm, hơi xôm xốp. Chỉ là đống rác thành hình từ vỏ bim bim, lon nước và túi nylon. Nhiều cái chân đạp vào vai tôi. Không một bàn tay rảnh rỗi để kéo tôi lên. Lúc này, có một cuộc điện thoại gọi cho tôi. Đang lồm cồm dưới đất, tôi vẫn mở máy. Số anh bạn nhà văn. Ồn quá không nghe rõ tiếng. Dường như anh bạn tôi đang rú lên. Anh đấy bảo có đứa thọc vật dài vào họng mình, anh ta gọi mẹ mình, rồi một tiếng hú dài từ kia đầu máy. Mất sóng. Thêm mấy cú đạp nữa vào đầu tôi. Khi mấy cái chân ngừng lại thì tôi mới đứng lên được. Hàng trăm con mắt nơi đấy đang chụm về góc kia đường. Hình như có vụ xô xát. Tôi không thấy được vì lùn quá, cũng vì đã có người cõng con mình lên cổ. Hàng trăm cái miệng luyến thoắng. Có kẻ chửi thề vì không nhìn được gì. Có người tự vơ tiếng chửi vào mình, rồi chỉ thẳng tay. Một cuộc xô xát thành hình. Trăm cặp mắt lại đổ vào. Đợt bắn đầu tiên tạm dứt. Bầu trời nghi ngút khói. Không biết có xác pháo nào rơi không. Mấy viên dân quân hươ hoắng dùi cui để ổn định đám đông. Những cái huơ rất nhanh, nhìn có lực. Đã thấy người ôm đầu, rồi có người đo đất. Đám đông nhốn nháo một lúc. Chỉ một lúc, vì đợt bắn kế tiếp đã bắt đầu. Tiếng pháo nổ đanh như dội bom. Thế là tất cả lại tập trung vào bầu trời chói rực. Một anh Tây vỗ vai tôi và bảo cái gì đấy. Không phải tiếng Anh. Hình như tiếng Pháp. Thấy tôi lắc. Anh ta vẫn hỏi, vẫn tiếng Pháp. Rồi anh ta ôm tai, khóc. Anh ta cứ chỉ trỏ loạn lên. Đoạn chót, anh Tây khum hai tay, đan lại như cầu nguyện rồi nhìn lên vùng mây đen đang hoang tàn bởi màu pháo hoa. “…Jesus …” – Tôi bắt được chữ này trong tiếng lẩm bẩm lớn dần của anh Tây. Anh ta gọi chúa. Không có chúa trên trời lúc này. Chỉ có pháo bắn. Tôi cố chen để về nhà. Đám đông tản dần. Lúc người thưa đi, và đường bắt đầu vắng, tôi thấy nhẹ người. Mồ hôi trên người tôi bắt đầu bay đi. Dưới phố xá lổn nhổn đủ xác bóng bay, vỏ đồ ăn, một cái áo bị bỏ quên, có một vũng đỏ dưới đất, chả biết phẩm màu, nước trái cây hay máu nữa, mà máu thì là máu người hay máu thú…Pháo đã bắn hết. Khói pháo còn nghi ngút như một làn mây thứ hai trên trời đen. Tôi có thể về nhà. Ở một vài cánh cổng trên con đường về nhà mình, tôi thấy mấy ông già đang ôm đầu. Có người quỳ, lấy tay đấm đất, lúc ngẩng mặt lên, tôi bắt gặp hai con mắt đỏ rực. Bên bậu cửa có người lấy chổi giơ lên trời, kêu “Đùng” Chẳng có gì rụng xuống. Tối hơn rồi. Bầu trời trở về màu đen nguyên thủy của mọi đêm đen.

Mẹ tôi đang cúng lễ ở trong nhà. Không phải giỗ, cũng không phải giải sao. Một mâm cúng trong phòng kín. Lúc chạm vào nắm đấm cửa, gây ra tiếng động, mẹ nhìn ra. Tôi thấy mẹ để tóc búi, vận áo bà ba, ánh mắt mẹ lạ quá. Một người mẹ khác của tôi. Pháo hoa, là thuốc súng và tiếng nổ - Lời của mẹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Tám 20249:17 CH(Xem: 4920)
tháng chín trời như trở lạnh / vào hồn em chút hoang liêu / anh đi thương mùa thu chớm / dù tình xưa đã xanh rêu
18 Tháng Tám 20244:40 SA(Xem: 4271)
Bằng những ngón tay thơ / Đêm ru em ngủ / Nhẹ từng bàn chân mỏi / Đêm theo nhau qua những bãi đồi
18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 3519)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.
18 Tháng Tám 20243:26 SA(Xem: 4438)
Lần đầu đôi ta hò hẹn …/ Anh hái đoá hồng dành tặng em / Bồi hồi… / Thời gian như ngừng trôi / Em lỗi hẹn, không tới / Những cánh hồng tả tơi
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 4294)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 4400)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
10 Tháng Tám 20241:22 SA(Xem: 6459)
Sẽ thổi tắt ngọn nến / Của những ngày tháng Tư / Cửa mùa Xuân vừa khép / Mây rồi bay thật xa
09 Tháng Tám 202410:22 CH(Xem: 2810)
Xuân hồng, có chàng tới hỏi: – em thơ, chị đẹp em đâu? – chị tôi tóc xõa ngang đầu đi bắt bướm vàng ngoài nội.
09 Tháng Tám 20245:10 CH(Xem: 5087)
TÌNH SẦU là bài thơ nổi tiếng nhất và hay nhất của nhà thơ Huyền Kiêu. Ông tên thật là Bùi Lão Kiều (Có lẽ bút danh Huyền Kiêu xuất phát từ tên của ông là Kiều: Kiêu huyền thành Huyền Kiêu), sinh năm 1915, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông (cũ). Ngoài viết văn, làm thơ ông còn cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội. Ông công tác ở tạp chí Văn Nghệ (HNV), nhà xuất bản Văn học (HLHVHNTVN). Những tác phẩm của Huyền Kiêu: Sang xuân (1960), Mùa cây (1965), Bầu trời (1976). Sau 30 Tháng Tư năm 1975 ông vào Sài Gòn sinh sống. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Hợi), hưởng thọ 80 tuổi.
09 Tháng Tám 20244:31 CH(Xem: 5358)
hỏi đang ở giữa ban ngày / hay sắp đêm tối phủ đầy nơi nơi? / dường như điềm báo tới trời / dân kia thêm khổ vài đời nữa chăng?