- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phượng Vỹ

28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 130602)


w-final-portrait__ttt_0_171x300_2- Lũy bắt Phượng Vỹ "làm tình với Lũy như một con điếm" Phượng Vỹ có làm được đâu chớ!
… Cách đây, ít nhất cũng hơn mười bốn năm rồi thì phải. Ngày xưa xa lắc nào đó, T rất hay theo Phượng Vỹ vào vườn Lục-Xâm-Bảo tìm ý để vẽ (Phượng Vỹ vẽ chứ không phải T). Nhìn những đường bút chì Phượng Vỹ phác họa mà thấy mê. Chưa hết, Phượng Vỹ còn làm thơ, viết văn. Đôi mắt to tròn đen lay láy từ Phượng Vỹ như dung chứa cả mưa nắng mùa hè. Phượng Vỹ đi đến đâu, ngoài T, cũng có một gã con trai theo “tháp tùng”. Hắn nói câu gì là được Phượng Vỹ “kê” ngay câu đó. Vậy mà đi đến đâu, hắn cũng siêng năng lẽo đẽo theo sau. Có lúc mua một cây cà-rem cho Phượng Vỹ (và bất đắc dĩ phải trả tiền luôn phần cà-rem cho T).
Ngày mưa tháng nắng, hắn siêng năng chăm chỉ đưa đón. Mặc cho ai đó không thèm nhìn hắn nửa con mắt. Rồi hắn tập tễnh làm thơ. Vói theo chút hy vọng mong manh như màu lụa trong nắng, trong gió. Cho đến một buổi chiều Chủ Nhật buồn, hắn kêu T ra sân cầu cứu. Hắn than câu chuyện của hắn và Phượng Vỹ sao mà nó dài ơi là dài. Hắn cứ mãi đi trên con đường thẳng song song hoài như thế này thì chắc chắn vài ngày nữa hắn mỏi gãy chân thôi.
Thế mà, cũng đến một lúc nào đó, màu áo lụa mong manh trong nắng, trong gió chao nghiêng. Mùa hè chưa chấm dứt nhưng chút vương vấn trong tim Phượng Vỹ hình như đang xôn xao nhận thức được điều gì đó. Tiếng lá vỡ dưới chân. Tiếng chim kêu trên cành. Những cành cây nghiêng lá. Chiếc ghế hôm nào Phượng Vỹ ngồi ôm giá vẽ hôm nay tự dưng nghe thấy thương lạ. Cả cái phông-tên nước trong vườn Lục-Xâm-Bảo nữa. Mùa hè chưa chấm dứt mà con đường nhộn nhịp những quán cà phê sinh viên như muốn chao nghiêng. Phượng Vỹ đã dám để bàn tay mình trong bàn tay hắn. Con đường hình như chứa chan tiếng nhạc. Con đường uyên ương. Nắng buổi chiều cũng êm đềm, tha thiết hơn. T mang niềm vui giản dị của bạn mình mà treo lên những cành cây tháp lá trong sân. Phượng Vỹ buông tay hắn và lại nắm chặt tay T. Nụ cười bay theo những giấc mơ con gái. Cứ thế mà bay bổng. Những tấm thiệp cưới cũng thế mà theo đường bưu điện đến tay bạn bè. Vậy là trong đám xuân xanh ấy, có Phượng Vỹ bỏ cuộc chơi theo chồng. Coi hắn hiền hiền vậy mà ôm cái lu chạy nước rút lúc nào không hay.
Rồi bẵng đi một thời gian ngắn sau cái hạnh phúc đó là những cơn mưa, cơn bão vây quanh. T ghé thăm Phượng Vỹ vào một buổi chiều cuối tháng mười . Lòng cứ băn khoăn, hồi hộp từ lúc mới vào cổng chánh. Sao lạ ghê, lòng không còn rộn rã, nôn nao như ngày nào nữa. Phượng Vỹ mở cánh cửa nắm tay T kéo vào. Căn nhà với chút ánh sáng rất ít. Màn cửa kéo kín mít. T lách vào nhà bếp. Ngồi trên một chiếc ghế duy nhất. Vài con dán bò hiên ngang dưới chân. Phượng Vỹ nói:
- T mở tủ lấy nước uống đi. Đừng có làm khách!
Phượng Vỹ nhắc hoài câu đó nên T phải đứng dậy đi tìm nước uống. Nhưng khi mở cánh cửa tủ lạnh ra T đóng vội lại ngay. Tủ lạnh không có gì uống. Rỗng tuếch. Buồn hiu hắt. Phượng Vỹ không buồn đưa T đi tham quan căn nhà như thói quen của chủ nhà. Mà hai đứa chỉ ở lì trong nhà bếp. Đứa con gái bé nhỏ khóc lóc vòi vĩnh Mẹ. Phượng Vỹ cúi xuống bồng con lên:
- Cô T có muốn bế cháu không nào?
Ơ, tưởng gì. Muốn lắm chứ. T giang hai tay đỡ lấy cô nhỏ vào lòng.
- Sao cháu nhẹ như bông gòn thế này!
T vô tình hỏi và Phượng Vỹ thản nhiên trả lời:
- Thứ hai này, Phượng Vỹ đem con trở vào nhà thương. Cháu bị ung thư máu…
T không có một kinh nghiệm gì về con nít và bệnh hoạn. Nên ba tiếng “ung-thư-máu” nơi một đứa con nít (mà đứa con nít đó lại là con của Phượng Vỹ nữa), khiến T cảm thấy hụt hẫng lạ lùng. T nhớ mình đã ôm lấy bàn tay bé nhỏ, xanh xao, yếu ớt đó. Một chút vuốt ve. Một chút ngậm ngùi. Thứ hai cháu lại trở về nhà thương rồi à? Mẹ cháu sẽ ở với cháu khi cháu thức. Và chỉ chợp mắt một tí khi cháu ngủ. Còn buổi tối, cháu sẽ ngủ với ai? (Tháng mười ơi, trời mới vào thu mà đã se se lạnh). T không dám hỏi bất cứ điều gì. Chỉ biết chờ đợi nghe Phượng Vỹ kể .
Khi yêu nhau, chưa đi xa đã thấy nhớ (sao lúc nào T cũng nghĩ vậy!) nói chi đến giây phút đợi chờ người quay về. Vậy mà Phượng Vỹ lại nói:
- Hắn bỏ đi rồi. Phượng Vỹ cứ mong hắn đi luôn!
Bàn tay thon dài ngày nào bây giờ thoăn thoắt trộn nhân làm chả giò đem bán trong trường học. Thấy mà đau lòng!
Rồi Phượng Vỹ kể về những chuyện riêng tư. Nguyên nhân sự đổ vỡ (mà T nghĩ, chỉ có hai vợ chồng mới nên biết đến thôi). Phượng Vỹ kể thản nhiên. Hình như tâm hồn Phượng Vỹ không còn chút kỷ niệm êm đềm nào hết. Hình như sân vườn năm xưa, đã xưa lắm rồi vậy. Nếu như ngày nào đó, ngang qua khu vườn ấy T không chắc Phượng Vỹ sẽ còn nhớ ra tiếng chim kêu tha thiết trên những cành cây kỷ niệm. Như khi Phượng Vỹ kể về hắn, T đã không dám nhìn thẳng vào mắt Phượng Vỹ mà chỉ lơ đãng nhìn lên trần nhà. Như tìm kiếm coi có con thạch sùng nào đang chép miệng buồn trên đó không vậy?
Buổi tối, bóng tối, cô đơn như bao trùm hết căn nhà. T ở lại với Phượng Vỹ đêm hôm đó. Thao thức không cách chi dỗ được giấc ngủ. Chỉ mong sao trời mau sáng để lấy chuyến xe lửa sớm về lại Paris (vì chợt nhớ tới căn phòng của mình, nhớ ơi là nhớ.)
Và cái buổi sáng chờ đợi đó cũng đến. T thức dậy, kéo rộng hết màn cửa, mở tung những cánh cửa sổ cho không khí ngột ngạt trong phòng bay đi. Hãy bay xa đi và, trả Phượng Vỹ lại những giấc mơ êm đềm thời con gái. Ôm giá vẽ tươi cười trước gió. Vẽ con trăng thơ mộng ngày nào. T không bao giờ tưởng tượng được gương mặt xinh xắn ngày xưa đó, bây giờ lại in những dấu tay không tự chủ được của một người đàn ông. Người đó lại là hắn. Lũy. Người đã lẽo đẽo theo Phượng Vỹ suốt một mùa hè.
Phượng Vỹ đưa T ra ngoài cửa, giới thiệu T với mấy căn nhà hàng xóm đã từng đóng vai trò “nhân chứng” mỗi khi hắn trở về. Đóng kín mít cánh cửa cuộc đời. Tự giam mình vài ba hôm để nuôi mộng trở thành một nhà Văn lớn!
Con người khi có chút ít tài vặt, thường rất hay thích bước những bước thật dài, vội vã .Tóc tai hãy để rối bù xù. Đời sống hãy đừng thứ tự lắm. Hắn lầm lẫn tưởng rằng muốn mang chút máu nghệ sĩ là phải như thế đó. Khi không đạt được “ước nguyện”, hắn mở tung cánh cửa “nghệ sĩ” của mình ra mà đánh vợ, mắng con. Mượn cơn say. Mượn thuốc lá. Phá tan nát những bình yên.
Hai đứa lại trở vào nhà bếp. Đến lúc đó, Phượng Vỹ mới chợt nhớ ra là mình đã bỏ quên thau nhân làm chả giò ở ngoài hiên từ tối hôm qua. Không cất vào tủ lạnh, thau nhân giờ thành nhân thiu mất tiêu rồi. Phượng Vỹ chắc lưỡi. Ngồi thừ ra trên cái ghế duy nhất trong bếp. Ngó Phượng Vỹ buồn lặng lẽ, chịu đựng, T nói với Phượng Vỹ:
- T có chút quà nhỏ mang theo. Phượng Vỹ giữ đi, rồi mua cái gì cho con cũng được.
Nhưng Phượng Vỹ đã từ chối món quà nhỏ ơi là nhỏ của T vào cái buổi sáng đó! Phượng Vỹ nói:
- Đời sống không phải ngồi như vậy mà thương tiếc hoài. Không có đáng gì mà ngồi tiếc như vậy chứ. Lát nữa Phượng Vỹ ra tiệm thịt mua thịt mới, ngon hơn, rồi về làm nhân lại. Phượng Vỹ chỉ tiếc là không giao hàng được sáng nay thôi.
Rồi Phượng Vỹ ôm vai T, cười nhẹ nhàng:
- Giữ tiền mà đi ăn với bồ đi cô. Làm như giàu sang lắm vậy!
Mười bốn năm. Như một cái chớp mắt.

trang thanh trúc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 75758)
C hẳng thể nào thay đổi được Dù nhiều lần anh tự dối Bằng những câu thơ đêm anh viết vội Ôi chao, xuân thênh thang như cánh quỳnh hoa Sao đêm lại buồn như thế...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 55958)
Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm” [ *] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65400)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 53862)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63038)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 59988)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70052)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93372)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90739)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94408)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.