- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƠ HỒ

01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43783)


mo_ho-_nhn-content
 Chiều ở biển - ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Nghé nhìn trời, nhìn xa xa ra khơi. Bão tới nhanh hơn ước lượng, mấy cái ghe chài kia không biết có về kịp. Nó bồn chồn. Hình như bữa nay Thắng đi, dù Nghé đã nói dời lại cho qua cơn bão. Thắng lý luận _ còn vài ngày nữa thì tao đã ra khỏi vùng bão này rồi _ chờ lâu hư chuyện. Chắc là Thắng dính ở ngoải rồi. Thằng này liều lắm, không nói được. Chả có gì đáng sợ, Thắng vẫn thường nheo mắt nói với Nghé như vậy. Quay vào buồng quơ chiếc áo ka ki bạc màu - Nghé nhìn vợ nói “tao xuống ghe ra đón thằng Thắng.” Con Lan làm thinh. Nó dư biết, thà để Nghé đi tìm bạn còn hơn là trăn trở cằn nhằn thâu đêm.

 

Nghé chỉ có ông Nội. Một ngày, khi nó đã lớn, ông nội nói “mày lấy vợ nghen.” Nghé chỉ dương mắt nhìn ông Nội. Ông dẫn nó vô nhà má con Lan, vỗ cái bốp vào tấm thân rắn chắc _ chị coi, nó hiền lành chăm chỉ lắm đó, cho tụi nó kết đôi để đỡ đần nhau mà chòm xóm cũng có chỗ chạy qua. Vậy thì cưới. Ngày cưới, chỉ có 7 người: ông Nội và Nghé, Má con Lan và con Lan, bà Tư hàng xóm, Cấp, và một bạn chài. Thắng lúc đó chưa đánh đôi đánh đọ với Nghé. Ông sắm cho Nghé bộ đồ đẹp nhứt trong đời _ tấm áo sơ mi trắng quần rin; con Lan thì mặc tấm áo bà ba tím với quần lãnh đen, thứ màu đen lặng như chí mè phù mà sao Nghé thấy có duyên chi lạ. Hai đứa sì sụp lạy cái bàn thờ chỏng chơ hai ngọn nến, đĩa trái cây, một bức hình của ông cố ông sơ nào thì Nghé cũng không biết, và một chén chân nhang. Đêm về, khi đã vào buồng cài chốt cửa Nghé mới rụt rè gọi con Lan một tiếng “em à,” rồi nín luôn. Qua ngày mai, Nghé lại mày tao với con Lan như với những thằng bạn chài trong xóm.

 

Nghé quày quả ra được tới bãi thì mưa trắng xóa trời chẳng còn phân được đâu là nước đâu là bờ đâu là mây. Nghé đứng lặng, rõ ràng chiếc ghe đang chập chờn ngoài kia có cắm một cây sào và mảnh vải màu rêu đang dập dềnh xoay mòng chao đảo trong sóng. Đã nói bao lần rồi, cứ như treo cái nùi giẻ lên tóc mà Thắng vẫn cười cười biểu tao thích. Nghé hùng hục chạy về nhà. Con Lan đội nó lá ở đâu xịch về. Anh goa bên cô Tư mượn ghe cổ cho trọng mà đi, tui nói dí cổ gồi. Lại hùng hục quay đầu chạy, ngang nhà Cấp Nghé gọi rút Cấp ơi phụ tao một tay.

 

Lần quần một lúc sau mới xuống được ghềnh, Nghé biểu Cấp kìm bánh lái, tay nó lăm lăm cuộn dây thừng. Ghe của Thắng dạt ra rồi lại bị đẩy vào rồi lại bị giựt ra, cứ vòng vòng như cái bông vụ không còn kiểm soát được. Vất vả gần một tiếng thì Nghé quăng dây qua và ghì được cái bông vụ đó lại. Thắng đứng xiêu xiêu bên mạn. Nó vẫn dương mắt nhìn Nghé cười cười, rồi lui lại cho Nghé nhảy sang. Chợt Nghé giật mình, trong cái góc bừa bộn chỗ mạn ghe thu lu một thằng nhỏ ốm o nhưng mặt lanh lợi. Nó ngồi chồm hổm, mình quấn cái gì như cái mền, và mặt đã mét đi vì lạnh. Thằng Việt, Thắng trả lời câu hỏi thầm của Nghé. Việt nhìn Nghé e dè, không thấy nói gì đến nó thì nó nhìn xuống sàn ghe, cái nhìn trống không sẵn sàng cho mọi bất ngờ chứ không phải cam chịu sợ sệt.

 

Kéo ghe vào bãi thì mưa đột ngột ngưng lại, Cấp nói đi trả ghe cho cô Tư, nghĩa là chạy qua bả để nói cái cọc nào; Nghé và Thắng cũng cột ghe mình lại rồi về nhà Nghé. Dẫn Thắng và Việt xuống thẳng bếp, con Lan đã nấu soong trà gừng múc ra ba cái chén, Nghé phán 

 

_Mày coi có gì thì nấu bậy cho tụi nó ăn dới.

_Xong gồi. Con Lan ra chõng tre ngồi thản nhiên ngó Việt và Thắng. Không biết con Lan nghĩ cái gì, hay nó không nghĩ gì cả… 

 

Cấp đã về tới. Nó vuốt tóc, quệt 2 cánh tay lên chùi nước trên mặt. Nghé rút trong góc nhà ra chai đế rót cho mỗi đứa một ly rồi phụ Lan xếp chén đũa và đưa cơm ra bàn.

 

_Ăn lẹ rồi dìa thay đồ chớ để “trúng” à. Nghé lặng lẽ ngồi xuống ăn với bạn. Nó nhìn vợ, lát rồi tui ăn _ con Lan trả lời cái nhìn của Nghé và trở lại chõng ngồi. Việt ăn lặng lẽ như thể nó không muốn ai nghe hoặc biết sự có mặt của nó nơi bàn. Hóa ra Việt là một thằng nhóc mới lớn cỡ 21, 22 chứ không phải trẻ con như cái bộ vó gầy gò lúc mới ngó thấy. Thắng phân bua, tao lu bu trong đầu rồi tránh không kịp con nước giựt. Vừa quay mũi lái ngang ra thì mưa xuống dữ quá, đâm kẹt xoay vòng. Mày không ra thì sẽ kẹt lâu hơn nữaKể như lỡ chuyến, ghe mẹ chắc đi rồi. Nghé chỉ gật gù, nghĩ bụng rồi cũng có bữa. Liếc mắt nhìn Việt, hm, cả lúc ngồi ăn nó cũng có bộ như hơi xoay nghiêng về phía Thắng như sẵn sàng chờ sai biểu hay lóng nghe. Chắc cũng lại mồ côi rồi. Nghé lại nhớ ông Nội. 

 

Cưới con Lan về cho Nghé như là đã xong bổn phận sống, một ngày ông Nội nói mệt rồi nằm im cả buổi trong buồng. Nghé thấy như lửa đốt trong lòng mà nó chỉ biết ngồi sớ rớ bên ông. Con Lan lo nấu cháo nấu nước xông và đi tìm dì Tư để cầu cứu. Ông hé mắt nhìn Nghé khẽ gật, Nghé xà lại bên giường. Bây ráng thương nhau, có con phải ráng nuôi, cho ăn học chút đỉnh thì mới khá nghen. Nghé chảy nước mắt, tui chỉ còn một mình… Ông gật, ông biết, nhưng mày có con Lan… ông nhắm mắt hờ hờ và im luôn. Con Lan về tới, nó bắt gặp Nghé ngồi lặng im nước mắt ràn rụa chảy vồng qua làn môi dày đội lên vì cái răng khểnh, cái răng lúc nào cũng làm cho nét mặt Nghé như đang cười bây giờ lại tạo cho mặt Nghé hình ảnh miếng ruộng khô nẻ với lằn nước mắt như những giọt mưa xót lại đang chảy xuống những khe nẻ. Nghé chôn ông sau vườn và mỗi ngày ra ngó lùm đất. Thâm tâm nó thấy đây là miếng ruột thịt cuối cùng và duy nhất nó có trong cõi trần gian.

 

Bên ngoài chỉ còn tiếng gió tạt những vạt nước mưa đọng trên cây vào phên vách. Cả nhà lặng im chỉ còn tiếng nhai chóp chép. Thắng và Cấp rũ áo đứng lên, về. Thắng không phải dân địa phương, chỉ lưu lạc tới đây. Việt lí nhí chào Nghé và Lan rồi theo sát sau lưng Thắng. Nghé nghĩ, có người quanh quẩn bên mình cũng bớt quạnh quẽ.

 

 

***

 

Thắng “trúng” thiệt, nằm liệt giường. Con Lan mang mớ lá ổi lá chanh và xả qua nấu nước cho nó xông, cô Tư cạo gió cho Thắng. Tấm lưng dài thượt của Thắng mênh mông như sông, cạo được 10 phút thì cô Tư dừng tay, cho Thắng uống một ly gì đó vừa cay vừa nồng.

 

Việt ra phố chợ lấy thư của người quen chuyển, vừa về tới. Mặt Việt buồn bã như sẵn sàng cho một tai ương. Cô Tư sai: mày lên ông Chín nói thằng Thắng đau. Việt gật đầu bước đi, nhưng tự hỏi, cái chén thuốc đen ngòm kia là của ông Chín chứ đâu ra, còn lên nói lại làm gì cái chuyện ông đã biết. Nhưng Việt vẫn đi. Việt không muốn ai biết ý nghĩ của mình, Việt sợ phải giải thích.

 

Ông Chín ở trên một góc đồi xa hẳn phố chợ. Không biết phải gọi chỗ của ông là am hay chùa, nhưng không chỉ người trong xóm mà cả những dân ở vùng cận kề cũng đều đến khi cần. Những thứ mọi người nghĩ mình cần chưa chắc thực hay quan trọng, nhưng ông Chín không cần biết. Ông chỉ lẳng lặng thắp hương tụng niệm cho những người đến chỗ của ông được an lòng.

 

Khi Việt bước vào, ông Chín đang ngồi trước bàn thờ Phật tụng một bài kệ. Bàn thờ trang nghiêm nhưng đơn giản, và sạch bóng. Quì sau lưng ông là vài người ở xóm chợ mà Việt biết mặt. Giọng trầm trầm quyện khói nhang vang êm lấp đầy gian phòng, ai cũng có vẻ thành kính chăm chú. Bà Chín ngồi xế góc trong sau bàn thờ, chỗ cửa vào phòng sách. Mỗi lúc theo anh Thắng lên đây Việt đều thấy bà đang miệt mài lau từng khe cạnh bạn thờ, vun vén từng bát chân nhang, vuốt từng tấm khăn phủ. Bình bông luôn tươi mới mỗi ngày, đèn nhang ảnh tượng không thứ nào vương một hạt bụi. Bà ngồi yên chăm chú lắng nghe, nuốt từng âm thanh nơi miệng ông, nghiền ngẫm mỗi lời kệ vang ra. Mỗi buổi tụng kinh là mỗi buổi bà như bừng sống, tựa như công việc của ông là cuộc đời của bà, như thể những lời kinh kệ đó là sự sống của bà. Và Việt biết, những tín chủ kia không chắc hiểu những lời kinh đang đọc, nhưng bà hiểu, bà hiểu vì đó là những lời ông Chín tụng.

 

Coong…coong…coong… Ông Chín kết thúc buổi chú nguyện. Ông có cách đánh chuông thoảng nghe như hờ hững, nhưng thực rất cân nhắc và có cái sắc sảo của tính trời cho. Tiếng trước chưa tan hết thì tiếng sau đuổi tới vừa kịp, nối đưa nó thêm một khoảng không gian; không quá gấp làm âm thanh bị dồn cũng không quá muộn gây khoảng trống. Tiếng sau luôn nhỏ hơn tiếng trước một chút xíu, chỉ những người ở gần chung quanh nghe được độ khác biệt. Ông đánh bao nhiêu tiếng chuông? Việt thấy dường như số tiếng chuông đánh không nhất định và cũng không rõ ông có theo đúng qui luật tụng niệm. Chỉ biết, khi tiếng chuông lan tới những căn nhà nhỏ lưng đồi, nó chỉ là một tiếng ngân dài trong, suông êm trong gió.

 

Phật tử lần lượt giã từ. Một ông cỡ tuổi ông Chín nấn ná. Ông theo ông Chín vào phòng đọc sách với Việt. Ông Chín thong thả nhận lại cuốn kinh ông khách gửi trả, nói đôi câu chuyện nắng mưa, rồi ông khách đứng dậy. Đột nhiên Việt thấy chỉ có mình mình đối diện cùng ông Chín. Không có anh Thắng, Việt lúng túng không biết phải nói gì. 

 

_Thằng Thắng sao?

_Dạ, ảnh nóng, thấy mệt nhiều. Bà Tư đã cạo gió và cho ảnh uống thuốc gì đó. Việt nhìn ông Chín, có vẻ ông biết cái “thuốc gì đó” là thuốc gì.

 

Ông Chín gật đầu, lẳng lặng rót hai ly trà. Chỉ Việt đang đứng xớ rớ, ngồi xuống đi. Bà Chín cũng ngồi xuống góc phản gõ, nơi ông Chín và anh Thắng vẫn hay ngồi đánh cờ. Bà chăm chú chờ nghe ông sẽ nói gì về bịnh tình Thắng, nhưng ông chỉ lặng im mơ màng. Việt lại ngó lên kệ kinh sách như mấy lần trước tới đây. Ông Chín đứng lên lôi ra hai cuốn đưa vào tay Việt, “Niệm Phật Thập Yếu,” và “Con Thằn Lằn Khởi Nghiệp.” Việt cầm hai cuốn sách cũ rích quăn góc, hơi tần ngần. Bộ Pháp Hoa đọc không biết bao giờ hiểu bao giờ xong, không thể một lúc một lần mà hiểu được mọi điều. Ông Chín biết ý, nói: cứ từ từ mà đọc _ không hiểu ngay sẽ có lúc hiểu ra.  lâu lâu phải trở lại cái căn bản đơn sơ trước khi đi quá xa rồi lạc. Vẫn thong thả thoáng chút hời hợt, như khi bật cổ tay gõ cái dùi quấn vải lúc xuống vành chuông lúc ngang bụng chuông, như khi tụng đều giọng một bài kệ, khi dồn nhịp mõ, thắp một nén nhang, đọc một câu thơ... Dường như ông luôn làm mọi việc với một sự hờ hững mà lại đầy chủ ý. Quanh ông luôn có chút gì khó hiểu, mơ hồ. Việt muốn ngồi thêm một lúc nữa nhưng sao thấy ngài ngại. Thực ra Việt có thể ngồi bên ông Chín trong sự im lặng, nhìn bụi nắng xiên qua cửa sổ rớt xuống thành một mảng hình thang màu nước trà trên tấm phản gõ nâu sậm sạch bóng, và ông Chín thì dĩ nhiên cũng chỉ làm thinh thở vài hơi khói trầm tư vào không gian im ả nhè nhẹ mùi nhang, mùi huệ trên bàn thờ. Ông chắc không màng chuyện Việt cặm cụi dán mắt vào sách, nhưng không có anh Thắng Việt chợt thấy như mình đang đứng giữa phòng riêng của ông bà, đang chiếm những phút riêng tư quí giá của bà. Việt chào ông bà Chín rồi ra cửa. Ông Chín vói theo _ rảnh cứ ghé. Việt thong thả xuống đồi.

 

 

***

 

Thắng đã ngồi dậy, đang hút thuốc sau hè, bên chum nước. Việt ngồi xuống bực thềm kế bên chân Thắng.

 

_Thư nhà hả?

_Dạ, Má kêu em về

_Chi dậy?

_Bố bịnh lắm rồi

_Ổng bao nhiêu?

_Tám tư

_Mày phải về, không chần chờ gì nữa. Mà, ở ngoải đi học lại, đừng trở vô đây. 

 

Đi không lọt, đúng ra Việt phải về nhà, nhưng Việt chỉ nhắn tin cho má rỗi bám riết chỗ này. Thắng biết vì sao Việt quyến luyến mình. Những đứa trẻ mới vào đời, Thắng cũng từng là một đứa trẻ... Bọn nó cần một cái bóng để ngưỡng mộ, để nhìn thấy khi bước tới để dựa dẫm khi quay lui, và để nói những chuyện tào lao không dám nói với ai, hỏi những điều ngớ ngẩn nhất thế gian mà vẫn tin có câu trả lời. Nó cần cái cảm giác là anh em của ai đó, thuộc một bọn nào đó… Và, Việt không tìm thấy những thứ đó nơi gia đình. Nó không thể tìm sự đàn đúm nơi Bố một đời nghiêm khắc, Má luôn tất bật, anh chị em mỗi người mỗi việc hầu có thể trốn trong cái kén riêng tư. Bạn bè, hình như người ta không còn thì giờ cho tình bạn. Nó gặp Thắng rồi thì túm lấy Thắng, và dẫu biết mình sẽ mang tiếng vì đã dung chứa Việt mà Thắng vẫn đành chịu không đẩy được đôi mắt ngơ ngác ấy về lại với gia đình.

 

_Khi nào mày về?

_Thủng thỉnh…

_Được rồi, một hai bữa khỏe lại tao chở mày về.

 

Không còn chỗ thoái thác, Việt ngồi im trong bóng chiều, nét mặt buồn một nỗi gì như hiu quạnh.

 

 

***

 

Việt rà xe vào hẻm, thấy Bố đứng ngơ ngác ngó trời, cái vóc nhỏ gầy như trái mướp héo treo lủng lẳng trên giàn. Việt nghĩ Bố đang xem sao để biết vận mình. Từ nhỏ Việt vẫn thấy Bố mở cuốn tập học trò viết tay những ngày tháng gì gì đó ra xem mỗi khi muốn đi đâu làm việc gì !!!

 

_Bố, Bố ngồi lên con chở vô nhà

 

Bố ngoan ngoãn leo lên yên sau, hai tay nắm chặt vai Việt. Nói là bịnh, Bố chỉ thỏn mỏn yếu dần đi và đầu óc mụ mị như ngọn đèn sắp hết dầu. Sáng qua Bố bắt đầu bỏ ăn và như đã lạc vào một cõi nào khác. Việt đưa Bố vào nằm nơi đi văng, nhưng Bố không chịu, chỉ ngồi nơi ghế bành và để đèn suốt đêm rồi ngủ nơi ghế như vậy. Vài bữa sau thì Bố chỉ nằm cho Việt đổ cháo và tắm rửa lau chùi những lúc Việt không bế Bố vào buồng tắm kịp. Người Bố đã dán sát xuống chiếu. Chỉ mình Việt quanh quẩn bên Bố vì ai cũng phải đi học, đi chợ búa bán buôn. 

 

Một tuần qua đi. 

 

Bố mới bĩnh ra giường, Việt loay hoay lau rửa thay quần áo cho Bố. Bố gọi Việt, chỉ tủ áo nhưng không nói gì. Bất chợt, Bố nắm tay Việt, người run lên bần bật như kẻ chơi kéo dây bị phe đối phương lôi, cố bấm ngón chân, gồng tay dồn hơi mong ghì trụ trên đất mình nhưng hết sức không còn gượng lại được phải chạy chúi theo đà kéo. Đang lúc run bần bật, hơi thở Bố chợt thoát ra như hơi thoát khỏi bong bóng rồi tấm thân đó im lại. Mắt Bố khép hờ, miệng hơi há ra, hai tay rơi hờ trên chiếu không còn bấu tay Việt. Việt chợt nhận ra, ánh đèn tuýp trên trần hình như có màu vàng cũ chứ không trắng như Việt nghĩ. Bốn bức tường xanh lá cây nhạt mọi ngày Việt cứ cho là tươi thì hôm nay rõ ra có sắc ố. Việt khẽ đặt đầu Bố ngay ngắn trên gối, xếp hai tay xuôi sát vào thân. Ngó ra cửa sổ, chiều vừa sập xuống một mầu tím xám. Việt bước ra hàng hiên nhờ lối xóm gọi con Khìn về, rồi không biết làm gì nữa, Việt ngồi xuống bên Bố. Giây phút đó sao quạnh hiu như thể Việt đang ngồi giữa quãng không trơ trọi. Rồi tiếng lao xao không biết ai vào với ai phá vỡ quạnh hiu ấy. Bắt đầu chộn rộn để chấm dứt một bắt đầu.

 

Đám tang Bố thật đầy đủ chu đáo. Ba ông thợ đám ngồi nơi băng ghế trước nhà sẵn sàng trỗi kèn kéo nhị mỗi khi có bà con bè bạn đến viếng. Có một ông cụ ghé vào thắp nhang, nhưng trong nhà không ai rõ ông là ai. Ông nói, tôi thường gặp cụ đi bộ cùng đường mỗi ngày, nhưng cả tháng nay không gặp, hóa ra ông bịnh. Bây giờ lối xóm chỉ tôi mới biết nhà, thôi thì cũng xin thắp tiễn cụ một nén nhang… Cái hiu hắt mỏng manh nơi lời ông nói làm Việt rơi nước mắt. 

 

Ngày đưa Bố trời dịu mát. Bạn bè tới giúp, lần lượt sắp vòng hoa phúng dọc sát theo lối ra ngõ ngoài. Em gái Việt được giao giấy vàng mã ra trước sân đốt, quì lạy thổ thần xin lối. Bên trong, một ông đạo tỳ chắc là trưởng nhóm, mặc áo xanh thắt lưng đỏ bước tới xin gia chủ mấy tấm khăn tang chia cho anh em, và ông cũng tự quấn lên đầu một tấm. Thắp ba nén nhang, quì khấn lạy 3 lạy, xong ông cùng anh em đạo tỳ bắt đầu chuyển quan tài. Nhịp nhàng thuần thục, lên, tới, ngang trái, xoay, chào. Bốn vai đội quan tài trên hai đòn ngang răm rắp theo tiếng hô, ra khỏi căn phòng mỗi bề bốn thước rưỡi rồi quay trọn một vòng nơi lòng hẻm hai thước rưỡi để đầu áo quan chúc xuống theo cái khuỵu chân của hai người trước, như con voi quị đầu– nhà đòn đã cho Bố chào giã từ mái nhà ấm lạnh. Lên, lui, phải, tới, quan tài bắt đầu ra ngõ. Việt ôm bức ảnh đi theo cái đẩy tay, theo tiếng hiệu lệnh của nhà đòn. Tới đầu ngõ, lại ngang trái, xoay, chào. Bố giã biệt lối xóm. Tới đầu hẻm ngoài, trước phút lên xe, nhà đòn dừng hẳn lại để Bố chào con ngõ cũ, gia đình quỳ lạy tạ ơn những người đã đến tiễn đưa. Rồi lên xe, tuần tự, từ từ… Bố biến mất vào ngọn lửa. 

 

Buổi chiều, Việt trở lại chỗ cũ nhận tro cốt của Bố đưa về chùa. Những tuần lễ cúng thất qua như gió thoảng. Cuộc đời cứ như những ngõ hẻm chằng chịt bất tận, bước một bước quẹo thì sang một thế giới khác, qua một mảnh đời khác. Mới đó Bố mất đã 49 ngày, Má đã cho xả tang. Việt bồn chồn muốn trở lại xóm chài vì nay mai Má sẽ lại đặt tiền cho Việt “đi.” “Đi,” cái tiếng tầm thường nhạt nhẽo đó bây giờ là bùa mê thuốc lú, là tương lai sự nghiệp, là mánh mung làm giàu, là dâu bể. Nói một tiếng “đi” có khi là phụ nhau, có khi nên người hùng tức khắc, dù mọi người thấy cửa nhà tù lấp ló, thấy quan tài trống sẵn chờ. Mai, Mai ở đâu? Đứa con vụng dại của hai đứa mình ở đâu? Anh Thắng, Việt càng nghĩ càng bồn chồn…

 

Việt cáo bịnh để hoãn chuyến đi mà anh Thắng vẫn bặt tăm hơi. Càng lúc càng bồn chồn không thể ngồi yên, cứ vài ngày Việt lại qua bên Nghé. Nghé điềm nhiên, xừ ư, chả đi đâu mất tiêu cả tháng gồi, chú mày hỏi tao tao cũng không biết hỏi aiCòn xác thì trước sau cũng mò dìa, mày đừng loỞ đây ăn cơm. Việt đảo mắt. Chị Lan đang ôm bé Thuận trên võng, bên cạnh bé Thảo chơi trên chõng. Bây giờ Việt mới thấy, cái bàn hôm nào ngồi là một cái bàn vuông có 4 ghế, như đã định sẵn cho nhân số dưới mái nhà. Việt thoái thác, thôi để em lên thăm ông Chín. Nghé gật, không nói gì thêm.

 

Phó công an Út vẫn đều đều về thăm ông Chín, người đã chứa chấp Út và chị Hai của Út từ những ngày Út còn là học trò trung học ngoài Quảng dạt vào đây. Cả xóm sống tạm bình yên nhờ cái áo vàng ấy. Việt biết ông Chín chính là lá bùa hộ mệnh cho Việt và nhiều người nữa nơi xóm chài này. Khi Việt bước vào, Út đang ra cửa. Việt ngồi xuống buồn bã. Ông Chín nói bâng quơ, thằng Út nói không nghe chi tới thằng Thắng, chắc thoát rồi. “Hay chết cũng đâu ai biết,” nhưng Việt không dám nói ra. Mùi khói nhang hôm nay sao dầy đặc, hay Việt tưởng tượng? Không biết, nhưng cái nặng vô hình như đang trĩu trong không gian. Im ắng, ông Chín vào nhà trong rồi trở ra với tấm áo màu nâu, ông thay một loạt những cuốn kinh trên giá gỗ nhỏ trước những tấm đệm màu mận chín, cẩn thận gài chỉ đỏ vào trang và ngồi xuống trước bàn Phật. Việt tò mò ngó quanh, chưa tới thời kinh mà cũng đâu có ai? Ông Chín bắt đầu cất giọng trầm trầm, thong thả như ngựa đang thả bước…

 

Tiếng kinh đều dần như quyện vào không gian nằng nặng thành một luồng sóng êm ả bao quanh Việt. Như một lời mời, như đợi chờ. Mê mụ, Việt ngồi xuống một chỗ sau lưng ông Chín, nơi có cuốn kinh mở sẵn và bập bẹ ngập ngừng đọc theo. Những câu kinh trắc trở, Việt không thể vừa chú ý lời kinh vừa tụng cho suông, nhưng ông Chín không chờ Việt. Ông vẫn đều giọng, dù không dồn dập thúc hối nhưng như có ma lực buộc Việt phải buông bỏ chuyện nắm bắt lời kinh, Việt chỉ còn biết xướng lên những con chữ trước mắt. Qua ba trang kinh, ông Chín lấy cuốn sách mỏng bên dưới cuốn kinh mở ra. Việt cũng làm theo. Tiếng ông Chín lại cất lên nằng nặng trầm trầm

 

Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la mật-đa thời chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá-Lợi-Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị

 

Dần dần Việt nhận ra mình đang hòa giọng cùng ông Chín. Những âm thanh cất lên ở nóc giọng dội vào cuống họng vang ra nơi gò má hốc mũi và Việt thấy một cảm giác lạ lùng khi tiếng kinh thấm vào cơ thể. Nhất là, tiếng kinh đó không phải là một nhưng cũng không là hai giọng, như thể luồng âm thanh phát ra nơi miệng Việt đã trương phồng thể tích và chảy ngược vào nơi nó đã chui ra. 

 

Xá-Lợi-Tử! Thị chư Pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh diệc, vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.

 

Bây giờ cổ họng Việt âm âm cùng nhịp rung với ông Chín, Việt đã là một với ông Chín. Việt tưởng như thân xác mình trong đi không còn xương thịt, chỉ còn âm thanh của Việt và của ông Chín, đầy chặt mà lại nhẹ tênh…, không biên giới không phân cách. 

 

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đỏa y Bát-nhã-ba-la mật-đa cố tâm vô quái-ngại; vô quái-ngại cố vô hữu khủng-bố; viễn ly điên-đảo mộng tưởng; cứu cánh Niết-bàn, Tam-thế chư Phật, y Bát-nhã-ba-la mật-đa cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại-thần chú, thị đại minh chú, thị vô-thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.

Cố thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết: Yết-đế Yết-đế, Ba-la yết-đế, Ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề. Tát bà ha.

 

Ông Chín tụng bài kinh nhiều lần, lần cuối giọng ông lơi dần, nhịp mõ khoan tay lại, và rồi dừng hẳn. Đã xong thời kinh. Khi mọi âm thanh đã tan biến, ông Chín thong thả đứng lên nhưng Việt vẫn ngồi im. 

 

Ông Chín vào phòng sách pha một ấm trà. Mùi trà thoang thoảng như nhắc Việt cái thông lệ đã thành hình từ hôm trở lại đây mà không có anh Thắng: hoặc nói chuyện kinh sách, hoặc ngồi im uống trà nơi cái bàn dựa sát phên mắt cáo đưa lưng ra phòng ngoài. Hương trà như thấm ướt tấm thân khô, háo, của Việt. Việt ngồi im như say, thấy mình như vừa cất đi một gánh nặng lại vừa như vướng vào một mắt của một tấm lưới vô hình bao la. Chiều xuống đã thấp, Việt chào ông Chín ra về. 

 

 

***

 

Má sai con Hương đến tìm Việt nhắn chuyến đi tới. Việt ừ hử, nói Hương về để Việt thu xếp vài chuyện rồi sẽ về. Việt khép cửa nhà Thắng, nói vói qua dì Tư bên kia rồi ra đường.

 

Trong nhà, Nghé khoác áo định ra chợ mua ít đồ dùng vá lưới. Tới gần cửa Nghé thấy bóng Việt đi phất phơ xiêu xiêu trên đường nhỏ. Con Lan đang ru bé Thuận trên võng, bé Thảo ngồi chơi trên chõng như mọi ngày. Căn nhà nhỏ thật ngăn nắp sạch sẽ và thứ tự dù Nghé thì cũng chỉ như mấy tay đàn ông, ít nhiều bừa bãi hậu đậu. Bốn chiếc ghế đẩu nằm ngay ngắn dưới gầm bàn; mỗi bữa cơm chiều bộ bàn ghế đó như trĩu xuống, không phải vì sức nặng của người ngồi, của thức ăn đơn sơ, mà là sức nặng của một đời sống gia đình trương nở với thời gian. Ngay cả bốn bức vách cũng như muốn ập vào, chờm đổ trên vai gia chủ vì sức nặng mơ hồ ấy. Nghé không thể phân biệt đó là êm ấm hay là ràng buộc, Nghé chỉ biết sợi dây phơi quần áo sát rào sau vườn chắc không thể mắc chỗ nào khác, và cái cần xé đựng đồ nghề vá lưới cũng như dầu chai để trét ghe sẽ mãi ngự ở góc sàn xi măng sau nhà, chỗ Nghé cột chiếc võng giữa hai cột nằm đu đưa mỗi chiều không đi ghe. Bản năng cho Nghé nghe được tiếng gió khi nó chưa cất, cái lạnh của mưa khi nó chưa rơi… Nhìn quanh căn nhà nhỏ, Nghé không tưởng tượng được một sắp xếp nào khác. Không đắn đo, Nghé nhẹ nhàng gỡ cây chống, hạ liếp cửa sổ xuống. Gian phòng tối lại chỉ còn những viền sáng trắng quanh khung cửa. Qua cái viền sáng trắng đó, Nghé thấy Việt đang đứng ngẫm nghĩ nơi khúc rẽ, như không quyết phải làm gì. Mặc. Nghé ra sau vườn ngồi bên mộ ông.

 

Trên đường nhỏ, Việt bước đều đều nhưng thực ra đầu óc lung tung chả biết mình muốn gì. Thói quen với anh Thắng đưa bước Việt vào lối nhà Nghé. Vừa bước đi vừa suy tưởng vu vơ, Việt ngước lên để quẹo vào ngõ nhà Nghé vừa kịp lúc thấy Nghé đang mắt nhìn về hướng Việt, tay hạ liếp cửa sổ. Sững sờ, Việt đứng lặng, rất lâu. Việt quay trở về nhà, nằm vào chỗ anh Thắng vẫn nằm, im lặng chờ bóng đêm ập xuống. Không đi đâu hết, Việt sẽ ở đây cho đến khi biết tin anh Thắng. Anh Nghé, anh yên tâm.

 

Mất đi cả một tuần Việt mới ra khỏi nhà anh Thắng. Số tiền Má đưa em Hương cầm lên chỉ mới hao hớt chút ít cho vài bao thuốc lá. Việt không nhớ mình đã ăn uống gì trong mấy ngày qua. Việt thay bộ đồ ghé ông Chín.

 

Ánh mắt ông Chín nửa như ân cần nửa như dò hỏi khi thấy bộ vó bơ phờ bạc nhược của Việt, nhưng ông vẫn lặng im sau vài câu thăm hỏi thường lệ. Việt đến bên kệ sách lựa một cuốn kinh, lòng thầm hỏi những thời khắc im lặng bên ông Chín với kinh sách rồi sẽ được bao lâu? Ông Chín hắng giọng, thằng Út mới ghé đưa giấy tạm trú cho cậu. Cái chòi sau nhà kể cũng mát, tiện chỗ chăm nuôi trồng trọt, nhưng lợi nhất là cậu có chỗ yên lặng để đọc kinh sách. Chăm nuôi? Việt cười thầm, gật đầu; cũng mừng, nhưng dường như mọi sự chẳng còn ý nghĩa gì trong cõi đời này. Anh Thắng, anh ở đâu? Mai, Mai và con đã dạt nơi nào? Việt biết mình sẽ phải lao vào một chỗ không biết cho cái mà mọi người cùng nhắm mắt tin là tương lai, nhưng có cách nào khác không? Có điều gì hơn không cái hy vọng mơ hồ ấy? Dẫu sao Việt vẫn phải tìm Mai, hay tối thiểu biết đôi điều Mai đã trải qua. Dẫu sao Việt vẫn muốn giã từ anh Thắng vì Việt tin chắc mười mươi không ai còn tìm lại được ai một khi đã bước chân đi. Cái chòi này, ừ, thì hãy níu lấy nó mà chờ một cái tin có lẽ không bao giờ đến. Dường như cả Việt và ông Chín đều nhìn thấy căn chòi rồi sẽ trống lạnh như gian nhà của anh Thắng bây giờ, và cả hai đều đồng lòng làm lơ.

 

 

***

 

Việt đã tự tụng kinh một mình được, không cần ông Chín dẫn dắt, nhưng Việt luôn chờ những thời kinh vắng bóng người để được hòa nhịp cùng ông. Cái gắn bó lạ lùng kỳ quặc đó rồi Việt cũng chẳng buồn nghĩ tới. Đời đã cạn trong khi Việt vẫn khát khao sống khát khao tìm dù chả biết mình muốn đời sống nào và tìm cái gì. Mấy vồng cải đã lên, rau diếp cũng vượt trổ; ông Chín bảo thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Việt chỉ chờ nắng đổ hắt lên những lá rau xanh để thấy mình còn sống vì còn nhìn, còn sờ chạm được một cái gì đó còn mang sự sống hồn nhiên như đáng lẽ. 

 

Sáng nay Nghé và Lan ghé lên chỗ ông Chín mang theo vàng nhang hoa quả giỗ ông Nội của Nghé. Việt ở sau chòi dở bài kinh ông Chín đang đọc ở nhà trên. Thoạt tiên Việt chỉ lẩm nhẩm theo, nhưng rồi lại bị quấn vào âm thanh mà đều giọng lúc nào không hay. Đang quì bên cạnh Lan sau lưng ông Chín Nghé ngập ngừng lóng tai nét mặt hoang mang. Khi xong thời kinh Nghé dọ dẫm: hình như có ai cũng tụng kinh với mình, chú Chín? Ông Chín quay lại, ờ, thằng Việt. Nghé im lặng ngồi xuống ghế, nét mặt tần ngần. Ông Chín ngạc nhiên thấy ánh mắt Nghé nhuốm u buồn và nét mặt lại như mang mang một điều khó tả. Con Lan xuống bếp cùng bà Chín, ông Chín quanh quẩn thu dọn chờ Nghé. Tiễn Nghé về rồi, ông Chín ra sau chòi ngồi bên Việt. Ông nói bâng quơ, lâu lắm thằng Nghé mới ghé. Không thấy Việt ừ hử, ông nói tiếp, mà lạ, tự dưng nó có vẻ buồn, tìm một con chữ, ông nói tiếp, có vẻ như nó hận một điều gì đó... .

 

Việt quay sang nhìn ông Chín: lúc nào, chú? Lúc tôi nói tiếng tụng kinh đó là cậu. Việt ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm, nhìn vẻ ngơ ngác của Việt ông gạt đi, cũng có thể tôi lầm.  Hai người chợt lặng im bên nhau. Ông đứng dậy, lên ăn cơm. Từ đó cho đến lúc Việt lui về lại cái chõng nhỏ của mình, Việt và ông không nói gì nữa với nhau.

 

Đêm nằm ngó ra tấm vách Việt thấy đầy một trời sao, nhưng không gần sát như lớp sao phủ xuống mặt mình đêm nào lúc Việt nằm trong ghe taxi luồn lách theo những con lạch để ra ghe mẹ. Việt ngẫm nghĩ _ khi liếp cửa sổ khẽ khàng hạ xuống, nó đã dội vào lồng ngực Việt một tiếng nổ câm, vỡ toang chút tình thân ái mà Việt ngỡ tìm thấy dẫu mơ hồ chưa kịp định hình. Nghé có gì để hận? Thực ông Chín lầm? Đêm trong veo mát rượi. Có nhiều đêm nằm nghe gió luồn qua vách mỏng, Việt ước mình thành côn trùng thành mây thành giọt sương, thành cái gì cũng được _ mà, có vơi bớt chộn rộn hoang mang, vơi bớt tủi buồn của kẻ muốn được sống chan hòa với thế giới quanh mình nhưng quay phía nào cũng chỉ thấy bất trắc tai ương? Ngay cả căn chòi này, ngay cả ông Chín, mọi đồng cảm độ lượng đều như không thể bù cho cái tan hoang rời rã của ngày tháng bây giờ. Chao ơi Việt muốn mình chết đi để không phải nghĩ về tương lai, không phải băn khoăn khắc khoải về Mai và đứa con của tuổi dại khờ, để Việt khỏi phải thắt lòng nghĩ anh Thắng thôi không bao giờ còn thấy lại… và, để không phải quanh quẩn tìm cách bỏ cái nơi mình muốn gắn bó. Đêm, thôi thì cũng mát lòng héo hắt.

 

 

***

 

Cái đồi khô cằn, mảnh chòi ọp ẹp, và ông già lụ khụ ấy, rồi cũng không thể trụ nơi đây. Út về, nói chi với ông Chín không biết, thấy ông trầm ngâm. Hai bữa sau Út trở lại, nhưng xuống thẳng chỗ Việt đang ngồi xới đất. 

 

_Chú mày đi với ông bà Chín nghen. 

_???

_Ừ, phải vậy thôi, ở đây không được đâu. Dù ổng chỉ muốn gửi lại nắm xương nhưng đất cũng không được phép nhận !!! Mày ráng đỡ đần ảnh chỉ.

 

Tiếng Út lạnh tanh, nhưng Việt biết, Út buồn. Ông bà Chín là gia đình của Út và chị Hai trong suốt mười mấy năm cha Út vào bưng.

 

Việt về thu xếp giã từ Má rồi trở lại. Lòng ai hơn được ai. Khi dồn nhau đi hay khi giã biệt không mong ngày gặp lại trở thành một chọn lựa, một lối thoát, một ân huệ, thì đời sống có còn là đời sống? Chị Thảo con Hương chắc phải ở giá. Con Nguyệt con Lan con Hoa con Nai thằng Dũng thằng Thái, bọn chúng sẽ phải khôn lớn ra sao? Một mình má đếm tên con cũng đủ hết hơi. Tiền má chồng cho Việt nay Dũng được thế, thôi được, Việt linh cảm _ Việt biết, đây là lần vĩnh biệt. 

 

Ông Chín nói với Việt, lóng rày không thấy thằng Nghé. Lần này cũng lại chỉ có con Lan ghé mà thôi. Việt hơi băn khoăn nhưng tự trả lời, chắc chắn không có gì xảy ra, thỉnh thoảng Việt vẫn thấy bóng dáng Nghé mà.

 

_Chú xuống ảnh coi sao.

 

Vừa nói dứt câu Việt muốn khóc. Việt nghĩ ra ngay lúc ấy. Chú Chín, từ đây cho đến chết anh Nghé cũng sẽ không gặp lại chú, chú có biết vậy không? Nhưng làm sao giải thích một điều mình chỉ biết bằng cảm xúc? Dẫu sao đời đến chỗ này cũng đã là tận tuyệt, thì chôn chặt luôn cái mơ hồ ấy đã sao. Chú Chín, mong chú đừng nghĩ tới. Anh Nghé, anh cứ yên tâm.

 

 

 

***

 

Xong thời kinh với ông Chín, Việt vào phòng. Phòng Việt là phòng ngủ chính, cách biệt hẳn với hai phòng thường. Căn townhouse này có cấu trúc hơi lạ so với những căn townhouse Việt đã thấy qua. Bước vào cửa là một khoảng độ thước rưỡi vuông vắn, với bức tường chặn lại. Bên phải là cửa thông ra nhà xe, bên trái bước xuống hai bậc là phòng khách, bước lên là cầu thang. 

Nhưng cầu thang không dẫn lên một hành lang thông thường, mà là một hành lang vuông vức bao bọc phòng khách bên dưới. Mé Nam là phòng của Việt, phía Bắc là phòng của ông bà Chín và phòng vệ sinh. Cái phòng còn lại trở thành phòng đọc sách nơi Việt tích lũy mọi thứ sách mình đã đọc, xếp xô lệch đầy chặt một bức tường đối lại với hai bức tường còn lại là kinh sách ngay ngắn thứ tự của ông Chín.

 

Rời đảo, ông bà Chín về ở với con nơi Texas, nhưng chỉ vài năm, “buồn quá,” ông nói vậy, ông đòi qua ở cùng Việt. Có hỏi gì thêm cũng thừa, Việt biết cái buồn đó. Cái buồn thân mộc thiếu rừng, cành non lìa gốc đã thành cây lạ. Hồn xưa thì đã xưa rồi, sao trời vẫn phải có hôm có mai…

 

Thì lại tụ vào với nhau. Những ngày Việt còn trọ học thì ông bà cũng share một phòng cùng nhà, ngày ngày nấu cơm cho Việt về ăn. Cuối tuần Việt chở ông bà đi mua thức ăn, đi giặt xấy quần áo. Mua được căn townhouse là lập ngay phòng thờ, bàn Phật, và tái tục một thời kinh, dù không thể có giờ nhất định, chỉ vào buổi tối trong ngày. Có lúc ông bà nhắc việc lập gia đình, nhưng Việt chỉ cười. Ông đã quen chuyện Việt không nói, Việt đã quen chuyện ông tự hiểu… Nhưng ông có hiểu gì không cái tình cảnh dở dang của lòng Việt? 

Việt ngồi xuống ôm đàn, những lá thư chạy chầm chậm từ từ trong óc Việt.

 

Anh Việt

 

Hôm nay em tưởng về sớm đi tìm anh, nhưng 7:45 pm mới về đến nhà.


Em nhận lời đi WalMart mua thuốc cho Bà, 8:15, nếu có xuống phố anh cũng đã lên đường về nhà. Mà em vẫn đi tìm anh. Mà em vẫn làm chuyện tầm phào như tuổi 19 mới biết yêu người. Em lái 1 vòng quanh khu town home không cần biết nhà nào, chỉ cần thấy xe. không cần đến cuối xóm vì anh đã nói ở mé ngoài. Trống vắng như cõi lòng em. Tưởng như chàng Lệnh hồ Xung cầm bàn tay lạnh ngắt của cô gái Doanh Doanh mà tội nghiệp "sao cô phải khổ tâm như vậy."

Việt, anh ở đâu? em chờ đến 11:05, đành đi ngủ. 

 

 

 

Anh Việt

Anh về, hai chữ đó làm em buồn bâng khuâng thương nhớ. Em cứ nghĩ đến anh, đến những lúc mình ngồi cạnh nhau bàn đủ thứ chuyện trời ơi mà cười. Chỉ là mình em hay cười, chỉ là mình em hay nói. Không có gì để nói thì em kiếm chuyện bá vơ mà nói, vì em sợ anh ngồi không boring!! Bên anh đâm ra em nói nhiều, ra về em thường tự mắng mình_cứ thử ngồi yên không nói gì thì đã sao, mà không được. Khi mới quen anh em chả bao giờ để ý là anh sẽ nghĩ gì về em. Mới quen anh thôi mà em cũng nói chuyện văng mạng không biết đất trời. Anh có chê em vô duyên không? Những khi nắng chói em thấy như đời sống tưng bừng nhưng thực ra chỉ là
vì em đang ngồi bên anh. Bảo là anh có duyên thì chả biết duyên ở đâu vì anh có nói gì đâu, mà thấy đầm ấm thì cũng là mình nghĩ vậy thôi, chứ anh có bao giờ biểu lộ cảm xúc đâu mà đầm ấm. Nhưng nếu em nghiêm trang thục nữ, đạo mạo và đằm thắm chắc chết liền!!! Em không tưởng được ra cái cảnh anh ngồi hút thuốc hàng giờ bên một tiểu thư nhỏ nhẹ khuê các. Vậy, em cứ tạm vô duyên thêm một đỗi nữa chắc cũng chưa sao.

 

Em

 



Anh Việt


Hôm nay ra phố với người

Chật trong phố xá tiếng cười vang vang...

Không có gì mà sao tức cười. Càng nín càng muốn cười. Mình đi với một ông già, ông giữ vẻ nghiêm nghiêm chững chạc. Mình ghẹo, ông chỉ nhếch mép cười ruồi. Bấm ăng ten không lên, thì phải cười thôi. Ông nói mình cười người ta ngượng. Người ta là ai chứ? Nói tiếng Việt sao Mỹ nó hiểu mà sợ. Vẫn cười. Thì ra người ta là người ta. Cười rũ. Ông vẫn cứ nhếch mép trang nhã. Cười om sòm. Tại không khí? Tại mình điên? Tại mình vô duyên? Chắc tại ra phố với người.

Anh về, đường dài em lo anh mệt, em ước mình ngồi cạnh anh nói chuyện tào lao cho anh vui. Hình như lúc nào em cũng sợ anh buồn, anh chán. Nhiều lúc em thèm đi bên anh một đỗi đường dài, nắm tay anh đi chơi lăng quăng, đi rong một ngày bên nhau. Mà rồi em lại sợ anh sẽ chán em. Anh có chán em không?

Hôm nay về mà thương nhớ. Cũng đâu khác gì mấy hôm khác.

Thương anh

 

 

Anh Việt

Lần đầu tiên thấy anh xù em đi ngủ trưóc. Anh mệt lắm hả, chắc lại đi cả ngày? Em mong anh mệt vì bận rộn mà thôi. Em đâu có làm gì cho anh mệt mỏi phải không? Mai này anh đi làm lại, em mừng, nhưng anh sẽ bận nhiều hơn. Em mong anh giữ sức khỏe nha. Em sẽ cố không làm phiền anh.

Hôm nay muốn gọi anh biết bao lần lúc ở Đại Nhạc Hội mà cứ mân mê cái phone, nhìn số của anh rồi cất vô túi. Lâu lâu lôi ra ngó. Sao mình desperate giữ vậy. Em nhớ lúc được cười sảng khóai cùng anh những khi mình dóc lác với nhau, ghẹo nhau và ghẹo thiên hạ. Em nhớ nét mặt cười vui trẻ thơ khi anh joke around. Em nhớ biết bao những cái mơ hồ. Em thèm kiễng chân hít mùi áo vải, được cảm nhận vòng ôm xiết quanh thân mình tưởng như nỗi nhớ của anh thấm vào da em. Là thật phải không, anh há. Lẽ nào anh dối em và em tự dối mình.


Ở Đại Nhạc Hội em thấy một anh chàng giống anh như đúc, đến nỗi ngó rồi phải ngó lại. Lần thứ 2 thấy anh ta, em gật đầu cười chào. Anh ta bước qua đi, đứng xế chỗ em đang ngồi trên bãi cỏ hóng mát. Nín không được em ra xin phép anh cho chụp hình lý do giống ông anh. Anh ta hỏi anh gì, người yêu, bồ hay bạn. Vô duyên, không yêu đương bồ bịch chi, anh không ưng thì thôi. Anh ta cho sau khi em guarantee chỉ để gửi cho ông anh biết có người giống mình. Nghĩ lại thấy mình lẩm cẩm. Cũng tại anh mà thôi.

Em cũng đi ngủ đây, mai nghỉ làm tưởng có thể chat lâu cùng anh.

 

 

Anh Việt

Hôm qua anh vội vã rời máy không như mọi khi. Em buồn bã bần thần, không phải buồn anh mà buồn cho cảnh ngộ. Muốn nhân cơ hội anh rối ren _việc nhà việc làm_ để em quên đi việc riêng của 2 đứa. Mà rồi em vẫn trả lời phone, vẫn đến gặp, và vẫn hỏi lòng tại sao. Em thực sự thích điều gì nơi anh? Em mong muốn gì nơi anh?

Chiều nay ra về, có 2 điều ở lại trong lòng em, mãi đến giờ này. 

Là 5 phút đầu lúc mình ngồi trong xe, khi anh chỉ nhìn em cười cười, gom góp biết là bao nhớ thương của em. Lúc đó em realized that at the end of my day, a couple minutes with you is all I wanted. Someone to laugh with, someone to share my thoughts _ someone to hold my hand, touch my cheek, để em cảm nghĩ rằng mình được nhớ thương. Ích kỷ?

Và nữa, là một lúc nào đó giữa những nụ hôn anh đã ôm em sát vào lòng, không phải để hôn em, để touch em, mà là em nguyên vẹn một con người trong tay anh. Phút đó quá ngắn ngủi, em cảm vào lòng vào da một niềm thương mến hơn tất cả những nụ hôn những cảm xúc đã trao. Nếu anh dối gạt, chắc em phải đành. Tôi xin người cứ gian dối... 

Với em đó là tình cảm, một thứ tình cảm không lời. Hay em tự dối mình?
Em oán anh, dưng không em thành chức nữ, khóc bao nhiêu cho vừa.

Em

PS: hôm lâu rồi anh xót mối tình con, em có nói chép cho anh bài thơ, giờ mới gởi, hope you like it.

 

 

Anh Việt,

 

Chắc anh không có thời gian để đi lại từ đầu, nhưng những bước cuối đời có thể đi chậm rải cùng em, được không? ....Em không muốn gì nhiều, chỉ muốn làm bạn cùng anh kiếp này và thêm nhiều kiếp nữa_chỉ để nghe tiếng nói ân cần, nghe anh êm đềm chỉ dẫn đôi điều nọ kia. Đâu có gì quá đáng phải không_bước chậm rải cùng em. Em đang khóc, không viết được. Anh Việt, bước chậm rải cùng em...

Hà.

 

 

Việt nằm xuống trong bóng đêm, ghi ta đắp trên ngực. Hà, sao Việt có thể không thương Hà. Hà nghĩ Việt tưởng nhớ người xưa? Hà nghĩ Việt nặng gánh gia đình mới sang nên lơ là với Hà? Mỗi khi đọc lại những dòng chữ đó, mà Việt đọc hoài, Việt đều muốn kêu to lên rằng “Hà, anh thương em, em biết không?”

 

“Hà, sao em biết được những cay đắng của lòng anh mỗi khi nghĩ em đang nói chuyện với người ta. Em là người của công chúng, em cũng là người của ngưỡng mộ của chăm sóc ân cần. Ngày ngày người ta được cùng em trò chuyện sáng tối, phải đâu giờ giấc căn hạn như anh? Phải đâu anh không muốn bước thong thả cùng em một đỗi đường, phải đâu anh không ước mơ được nắm tay em đi dưới những hàng cây…”

 

Việt nhớ xót xa, những đêm bên nhau, khi buông tay mệt oải tấm thân Hà thường xà nẹo tựa đầu vào hõm vai của Việt, để nghe những tiếng ghi ta Việt bấm róng riết buồn rầu, cất tiếng nhỏ từng giọt âm thanh xuống đáy lòng sâu thẳm. Những tiếng hát, nó như vệt nước hằn xuống bờ đá cũ, soi thành những dạng hình nhạt nhòe bất định ngày một thâm sâu. Việt không còn biết Hà đẹp hay xấu, Việt chỉ nhớ nét mặt nửa bơ thờ mỏi mệt nửa tràn trụa no say, và Việt chỉ ước mình được ôm Hà tan biến vào vô cùng ngay giây phút đó. Nhưng Việt rồi vẫn phải ra về, dẫu đã quyến luyến kéo dài giây phút kéo tấm drap mỏng phủ đến tận cổ cho Hà, chặn gối vào hai bên, con gấu bông vào tay ôm, và một nụ hôn lên trán. Hà thường nhắm mắt cho Việt yên tâm ra về.

 

Có một sợi tóc cách ngăn _ lơ lửng treo ở giữa từng trời, vô hình nhưng vững như một thành trì. Làm sao giải thích với Hà, Việt không ở chung với gia đình nhưng vẫn ở cùng ông bà Chín, và mỗi cuối ngày đều ráng thu xếp để cùng ông đọc một thời kinh. Một thời kinh, bài kinh đó hay bất cứ bài kinh nào, chỉ là tìm phút chan hòa trong âm thanh với sự tỉnh thức. Như tiếng cồng đôi một tiếng đánh ra tiếng kia sẽ vang lên hòa nhập. Đó là cái chan hòa mà Việt biết ra nó không tuyệt đối khi ở cùng Hà. Chính cái giây phút ấy, cái giây phút Việt phủ trùm lên Hà, òa vỡ thoát bung, có lúc Việt nghe nhịp rung cơ thể của Hà, có lúc Việt cảm được cái oằn cong siết thắt, cũng là lúc Việt biết, biết rằng mỗi chúng ta đều sống và chết một mình, hoặc mình đã không còn là mình. Việt không thể cùng lúc đạt trọn vẹn cảm xúc của mình và biết cảm giác của Hà _ trắng, tím, vạn ánh sao rơi hay lùng bùng trí óc, buốt cháy hay tan chảy? Phút đó, Việt thấy mình cô đơn cùng tận, tiếng cồng đôi _ sự giao cảm_ khi nó chưa đến mình chỉ thấy cô đơn, khi nó qua đi mình biết mình thấy sự lẻ loi cùng cực.

 

Hà phải biết Việt yêu Hà lắm. Hà xứng được hưởng những vẹn toàn vuông vắn và tuyệt đối, như cái vuông vức ở căn nhà của Nghé. Hà xứng được bảo bọc trong những liếp cửa sổ khẽ khàng khép xuống. Lòng người trong mỗi phút giây đều có thể biến đổi khôn lường, cuộc sống ở mỗi thời khắc đều có thể ném mình vào một nơi bất định, như anh Thắng đã biến mất khỏi đời Việt, như Mai và đứa nhỏ không chết khi vượt qua biển sâu mà chết trên đất bình an giàu đẹp. Hà, Hà rất thương của Việt, làm sao được, khi chính Việt không thanh thỏa được với đời mình với lòng mình? Việt không có quyền mang Hà theo trên con đường bất an nghi ngại ấy. Việt vẫn mang theo với mình một câu trả lời mà chưa chắc ông Chín cần nghe, không thể mang thêm một điều gì khác nữa. Làm sao để Việt bước cùng Hà trong giao cảm tuyệt đối như giọt mưa trong thấm vào lòng đất, làm sao để mình thấy được nhau như mặt đất được thấy giọt mưa trong mang muôn vàn sự sống rơi xuống trước khi nó tan mất trong vô cùng.

 

Hà, đêm nay Việt muốn đến bên Hà, hát lại cho Hà nghe bài hát ấy. Hà có nghe được điều gì không:

 

Tình bỏ lại ta

rồi ra cũng nghe

như là

đóa hoa bỏ cành

Một lần rụng rơi là xong

Dẫu cho suốt đời cũng không còn mong

Thanh âm nào sẽ ấm

Những tiếng người trăm năm

Dây tơ nào là dây lỗi lầm

 

Hoa trên muôn cây hay là môi tiếc thương đời

Trở lại trần gian

trông ngóng tin người

Vết đau dài

nối ngậm ngùi…

 

Người chẳng còn mong

nhiều khi

vẫn nghe ra tình bỗng dưng trở về

Thở một mình hơi tàn phai

thấy hương phấn người

lắm khi còn bay

Đi qua rồi mới thấy

đến cuối cuộc vần xoay

Nghe ra

chỉ ngày tình đáng vui…

 

Việt thấy buồn. Mình đã thành một người khác, mình đã cạn lòng? 

 

 

 

Lưu Na

04/28/2013

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 41903)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…
17 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 48695)
t huở ấy tự đỉnh chiều áp thấp mỏm vực mưa ai đó gieo mình một màu sắc nhọn như đinh trổ vào lênh loang nhớ
14 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 44986)
K hác với quân đội của các đế quốc, quân đội Việt Nam đã luôn phải xây dựng sức mạnh trên chính lòng ái quốc của dân tộc mình. Ngay cả khi Đại Nam đạt đến sức mạnh của một đế quốc Đông Dương, quân đội Đại Nam chưa biết vận dụng sức lực của các sắc tộc Chàm, Ai Lao hay Thủy Chân Lạp. Sức mạnh của quân đội Việt Nam là sức mạnh của sự đoàn kết, chết để giữ đất và chết để mở đất, của sắc tộc Kinh. Mạc Cửu ở Hà Tiên là một biệt lệ.
12 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43025)
C hập chùng đồi núi mây vô ngại Thênh thang trang giấy nốt nhạc trầm Bùn sen ngan ngan trăng đại hải Cánh cửa xuân thì đương mưa râm.
11 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 46392)
T ôi luôn nhớ cái cách Peter áp sát vào người tôi, rối rít, cuồng si, dịu dàng, hung bạo và cho tôi một cảm giác kích thích chưa từng có. Cái cảm giác đó vượt qua tất cả, nó như mách bảo rằng hãy yêu, hãy đánh đổi hết, cả công việc, cuộc đời, tương lai, giá trị đạo đức cũ rích của loài người, để ôm trọn vẹn Peter vạm vỡ trong tay, để cảm thấy Peter trong người mình, cảm thấy sự sẻ chia ngọt ngào, đau đớn, điên cuồng, lạ lùng của một tình yêu vượt thoát trên mọi lý lẽ…
08 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 45112)
t rời đương nắng xin đừng ra bửa củi sợ mưa về kéo rụp cả chân mây trời hết nắng. thôi đừng ra sân nữa để ôn nhu còn đậm nét chơn mày
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 44592)
T uần rồi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm bờ biển Normandy để từ đó tiến vào giải phóng Âu Châu đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, hệ thống truyền hình PBS chiếu một loạt phim tài liệu liên hệ, trong số đó tôi có dịp xem hai phim, đó là “D-Day 360” do Windfall Films của Anh Quốc sản xuất dưới quyền đạo diễn của Ian Duncan; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” do NOVA thuộc PBS thực hiện.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43500)
D ohamide là một tên tuổi quen thuộc trên báo Bách Khoa trước 1975, chuyên khảo về lịch sử và văn minh Chàm. Đã xuất bản năm 2000: “Dân Tộc Champa: Hành trình Tìm về Cội Nguồn”. Xuất thân Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và tốt nghiệp M.A. Đại Học Kansas, Hoa Kỳ. Lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc nên rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đây là bài điểm sách thứ hai của anh Dohamide nhân dịp CLCD BĐDS tái bản lần thứ 3.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43232)
e m đừng hỏi tôi một thứ tình yêu mỏng như giấy kẹp thời buổi lơ mơ hàng họ giấy má tái sinh hầm cầu những khuôn mặt người từ đâu hoang mang đại để kim rãi đường mũi dùi cắm sâu vào họng nựng nịu lũ đầu têu hí hửng cá độ hung tàn
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36166)
...nhắc đến cuộc vượt thoát của những cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, người ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những cái chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh chỉ mới hai tháng trước. Ngày 18/4 năm 2014 đã có những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn, tuyệt vọng tự sát tại cửa khẩu Quảng Ninh. Hình ảnh thi thể của họ bị vất nằm ngổn ngang trên những chiếc xe lôi đã đem đến cho chúng ta cái cảm giác bất nhẫn, thương tâm.