Lý Nhã Kỳ- ảnh Internet
Lời người dịch. Bí mật trên du thuyền là một truyện ngắn trích ra từ tập truyện Bảy Người Đàn Bà Vòng Quanh Thế Giới tiếp theo truyện Đứa Con Gái Đồng Hoang của Arnaldo Fraccarol đã được đăng trong Hợp Lưu số Xuân tháng Hai 2013.
Bùi Ngọc Khôi
Nàng trông cũng như bất cứ một người phụ nữ nào, như bao phụ nữ khác, một người đàn bà như bao người đàn bà đẹp khác.
Thế nhưng …
*
Du thuyền đang hải hành trên biển Hồng Hải. Một ngày thật nóng bức. Thuyền trưởng tuyên bố thế nào trời sẽ mát khi tàu eo biển Bab-el-Mandeb.
Và thật vậy, đúng thế, vào eo biển tàu liền gặp gió, thật là may. Nhưng chỉ hai ngày sau khi đã vào Ấn độ dương thì cái nóng trở lại, dí nặng hơi ẩm lên thân người, dán những giọt mồ hôi lên da. Mặt biển lặng như tờ không khác gì mặt ao. Ai cũng có cảm giác mình nằm trong một cái đầm nước sôi xùng xục. Không khí nóng nực bao trùm cả con tàu, trong các phòng ngủ, các cabin các cánh quạt máy bóng loáng quay tít nhìn muốn chóng cả mặt với ảo tưởng là chúng sẽ đem lại được một tí gì mát mẻ.
Hành khách ai cũng đều chán nản. Ngay cả các tay chơi bài bridge có tiếng là cứng cỏi luôn có sẵn bộ bài trong tay suốt ngày vùi đầu chơi không màng gì đến biển cả, cảnh hoàng hôn, đêm đầy trăng, cũng phải nao núng chịu thua trước cái nóng.
-Nhưng khi mình đến Xích đạo thì xong vì sẽ có thay đổi, viên thuyền trưởng nói như để an ủi đám hành khách.
Lời an ủi chẳng có hiệu lực vì khi tàu ghé Colombo vài người đã xuống bến bỏ cuộc đi.
Một hành khách Úc đứng ra tổ chức những cuộc vui như dạ hội hóa trang nhưng đám hành khách chuyên đi du lịch như lũ chúng tôi không màng mấy chuyện đó. Trong khi đó chúng tôi giết thì giờ bằng cách xem mấy con cá heo bơi đua hai bên hông tàu, mấy con cá bay người như các mũi tên bạc phóng lên từ mặt nước, đêm đến thì chiêm ngưỡng những ánh trăng ánh sao lấp lánh phản chiếu trên mặt nước.
*
Một chiều nọ sau khi ăn xong, tôi ra đứng dựa lên lan can phiá đuôi tàu đứng một mình trong bóng đêm ngắm nhìn mặt biển lấp lánh ánh sáng, những dợn sóng dậy lên rồi gập mình xuống phóng ra các tia sáng lên xuống theo thủy triều.
Bất thần tôi nghe một giọng nói mềm mại đàn bà thì thầm vào tai mình:
-À, anh đó à! Em ra trễ tìm anh khắp nơi nhưng không thấy.
Rồi tôi có cảm giác một cánh tay trần luồn xuống dưới tay mình, một khuôn mặt dịu hiền và dễ thương đưa sát đến mặt mình. Sự ngạc nhiên trên mặt tôi không to bằng nét ngạc nhiên của người thiếu phụ.
- Ậy! xin lỗi ông, tôi đã lầm.
Và nàng vội quay lưng đi, chạy thật nhanh lên trên cầu thang. Tôi chỉ kịp thấy một khuôn mặt trắng trẻo bị nuốt chửng bởi vùng ánh sáng bị cắt đứt bởi bóng tối dưới chân cầu thang.
Nửa tiếng sau, tôi gặp viên thuyền trưởng trên boong tàu và kể lại cho ông ta nghe chuyện ngộ nhận đó. Ông ta ném cho tôi cái nhìn đầy hiếu kỳ:
- Ông cũng bị nữa sao?
- Ông nói cái gì mà "ông cũng bị nữa sao"? Bộ đó là thói quen của bà đó là ...
- Thôi bỏ qua đi, mà ông có đi theo bà ta lên cầu thang không?
- Không.
- Tiếc thay.
- Tại sao?
- Biết đâu có một cuộc mạo hiểm nho nhỏ.
- Thuyền trưởng, ông tin rằng cái bà đó đi tìm mạo hiểm?
- Tôi không dám tự cho phép mình phán đoán một người đàn bà mà mình không biết rõ.
- Thuyền trưởng, nghe kỹ này. Ông có vẻ biết "tai tiếng" của bà ta.
- Không, nhưng thôi đi. Bà đó là một loại người khá ly kỳ. Tôi thì không biết cách tìm tòi hiểu về mấy loại người đó. Đời sống trên tàu như một cuốn phim. Cứ mỗi cuộc hành trình là một loạt người đủ loại khác nhau lên tàu và tôi tập thói quan sát nghiên cứu họ nhưng cái bà đó thì tôi vẫn chưa biết xếp vào hạng nào.
- Tôi để ý thấy bà đó không đi một mình.
- Không, có một ông đi chung với bà ta.
- Cái ông mà đi theo bà này đến bàn ăn và vài lần đi dạo chung, đúng vậy, tôi đã thấy ông đó. Chồng của bà ta hả?
- Ậy!
- Sao lại ậy? Ông thấy sổ thông hành của họ rồi thì phải biết chứ.
- Người đàn ông đó là chồng của người đàn bà đó một cách chính thức, theo như sổ thông hành.
- Thì sao lại đâm nghi ngờ?
- Thói quen cố hữu của thủy thủ mà.
- Họ lên tàu ở bến nào vậy?
- À, cái này thì ... họ không lên cùng một lúc. Bà này lên tàu ở Napoli, còn ông đó lên tàu ở Porto Said.
- Nhưng bà đó lên rồi thì đợi chồng vì biết ông ta sẽ lên tàu chứ? Ông có thấy là bà ta vui khi gặp chồng không?
- Ông bạn thân, một phụ nữ có chồng khi đi cạnh chồng thì luôn ra vẻ hạnh phúc là bên cạnh chồng.
- Tên bà ta là gì?
- Stella Harwing.
- Người Anh?
- Mỹ, theo như sổ thông hành.
- Chồng bà đó thuộc loại người gì?
- Ông ta ít khi ló mặt lắm.
- Không được khoẻ?
- Hắn làm việc trong ca-bin, bà vợ nói vậy.
- Làm việc? Trong ca-bin? Làm gì?
- Có lẽ nghiên cứu, thiết kế, viết lách gì đó, tôi không rõ. Hắn là kỹ sư, dường như thế. Họ đi Melbourne vì chuyện làm ăn, một nhà máy gì đó tôi không biết cho một trong mấy cái áp-phe gì đó tôi cũng chẳng biết. Nhưng từ đây cho đến Melbourne còn xa, ông bạn có đủ thì giờ để làm quen với họ. Nếu ông chồng muốn thì ...
- Thôi, cám ơn.
- ... ông bạn có thể làm quen với bà đó. Tôi thấy hình như ông chồng không lo lắng gì nhiều về vợ mình.
- Nhưng vợ thì lo nhiều cho chồng. Bộ ông không tin là bà ta đi tìm chồng mà lãm với tôi sao?
- Tôi không tài nào biết. Nhưng nếu ông bạn không có gì làm thì có thể bắt đầu học cách nghiên cứu những bí mật trên tàu.
- Tôi không có ý định làm thám tử.
- Không phải vậy. Ông chỉ làm gì đó để tiêu khiển thôi. Nghiên cứu một phụ nữ đẹp đẽ và trẻ trung và duyên dáng luôn là một cái nghề thích thú. Làm đi!
*
Ừ nhỉ, sao lại không?
Sáng hôm sau tôi khởi sự kín đáo quan sát từng cử chỉ của người đàn bà và nhận thấy mình bắt đầu thích làm việc này. Trong sự nhàm chán của hải hành, bỏ thì giờ nghiên cứu một phụ nữ đẹp đúng là chuyện thích thú. Viên thuyền trưởng có lý.
Người đàn bà đẹp đó thường ra nằm phơi nắng cạnh hồ bơi trên boong trong giờ dành cho trẻ con. Đây là chuyện lạ đối với một phụ nữ đẹp thích thiên hạ chiêm ngưỡng mình. Mấy bà mấy cô đẹp thích đi tắm vào khoảng trưa khi có nhiều người xung quanh. Nếu không thì lý do nào khiến phải tô mày vẽ mặt?
Một tiếng đồng hồ sau nàng trở lại chỗ tản bộ trên boong tàu, khoác trên người một bộ quần áo nhẹ và hở hang nhưng rất trang nhã khiến nàng trông khêu gợi một cách kín đáo, một áo khoác không cánh tay hơi hở ngực và quần lụa ống rộng trông tựa như váy. Nàng không nhìn ai hết, nằm dài xuống ghế mở sách ra đọc.
Viên thuyền trưởng thật là quá quắt nếu dám kết luận xấu về người đàn bà tốt tính giản dị, tránh xa mấy đám đông lắm chuyện ngồi lê trong phòng nhạc hoặclãng phí thì giờ trong mấy sơn quần vợt hay bar rượu.
Những cử chỉ thật hồn nhiên của bà Stella Harwing với tôi là gì tinh khiết và hiển nhiên làm tôi thấy nên bỏ ngang cuộc điều tra. Rõ ràng đây là một phụ nữ phúc hậu chỉ muốn tiêu khiển thì giờ cạnh những người tốt.
Nhưng ngay đúng lúc tôi đang có những ý nghĩ tốt về bà thì một người đàn ông đến ngồi xuống ghế cạnh bà ta. Tôi biết gã này: một người Hòa Lan đến từ vùng Java, khi gặp tôi đã khoe mình là chủ đồn điền cao su và ruộng lúa với lợi tức rất cao. Bây giờ vì cơn khủng hoảng làm giảm thu nhập, nhưng hắn vẫn còn giàu kếch sù, hắn quay sang buôn bán nữ trang và đá quý, đi đi về về giữa Viễn Đông và Amsterdam. Tên này vào độ sáu chục, khỏe mạnh và to lớn.
Bà Harwing vẫn đọc sách, không buồn nhìn người mới đến. Tên Hòa Lan to lớn ngồi xuống bên cạnh cũng không để ý gì đến bà, hắn mở một bản đồ lớn ra xem.
Sự nghi hoặc của tôi phải tan biến đi. Tìm đâu ra hai người du khách vô tội hơn hai người này?
Bất chợt tôi vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra hai người đang nói chuyện với nhau dù không nhìn nhau không trao đổi bất cứ một dấu hiệu gì với nhau. Họ chỉ mấp máy môi, nói rất nhỏ nhưng rõ là họ đang nói chuyện.
Rồi tôi thấy gã Hòa Lan trong cử chỉ gập lại tấm bản đồ đã kín đáo để gần bàn tay người đàn bà một mảnh giấy nhỏ. Bà này nhanh nhẹn cầm lấy nhét vào trong quyển sách. Ối trời! Sự vô tội của hai người bàng quan tan biến thật nhanh.
Gã Hòa Lan gập bản đồ xong, thấy tôi, gã đứng lên đi lại chào và bắt đầu gợi chuyện nói tào lao về thời tiết biển cả và cái nóng. Tôi biết hắn nói chỉ là để ra vẻ, xong hắn mời tôi đi bar uống một ly.
Khi tôi một mình trở lại chỗ cũ trên boong tàu, bà Harwing đang đứng tựa tay trên lan can ngắm biển và trời. Một người đàn ông Nhật đi ngang qua.
Trên tàu có hai người Nhật với hai bà vợ nhỏ thó. Họ rất lịch sự, luôn chào mọi người, cười với mọi người và gợi chuyện một cách tế nhị. Nghe họ nói chuyện thì biết họ đi du lịch nhiều, luôn để ý đến những gì khác lạ để quan sát và học hỏi. Phải chăng đó là thói quen của họ là luôn quan sát? Họ thật sự là ai? Một điều bí hiểm. Khó mà biết được một người Nhật đi du lịch vòng quanh thế giới là một du khách, kỹ sư, viên chức hay người bán hạt trai. Sổ danh bạ trên tàu thì ghi họ là doanh nhân nhưng buôn bán gì thì không đề.
Ông Nhật này cũng bị nét đẹp của biển lôi kéo về lan can đứng chiêm ngưỡng. Ông lơ đãng đi lại gần bà Harwing, bà dường như không thấy ông này.
Không thấy? Cái cảnh gã Hòa Lan và người đàn bà này lúc nãy tôi thấy khiến tôi lần này chú ý hơn. Đúng thế, tôi thấy bà Harwing xoải ta ydài trên lan can và vô tình đụng vào bàn tay ông Nhật.
- Xin lỗi ông, bà lên tiếng và rụt tay về.
Nhưng trong cử chỉ thật nhanh lẹ đó bà đã đút vào tay ông Nhật một tờ giấy trắng nhỏ. Tờ giấy của gã Hòa Lan?
Tôi bắt đầu tin viên thuyền trưởng đã không quá quắt như tôi tưởng một tiếng đồng hồ trước.
*
Tối đến, sau bữa ăn, cái nóng trở nên quá sức chịu đựng. Trên boong tàu có một buổi dạ vũ như thường lệ. Tôi đi lên trên đó tìm chỗ ngồi hóng gió. Tôi đứng trong bóng tối lơ đãng nhìn xuống boong thứ nhì ở dưới vắng như chùa bà đanh. Một bóng đen trông như một người đàn ông dưới đó đứng trong bóng đêm dựa lên lan can. Chợt có ai mở cánh cửa của một phòng làm việc sĩ quan bên cạnh để ánh sáng thoát ra ngoài chiếu lên người đó. Tôi nhận ra người này, một nhân viên ngoại giao trẻ Trung hoa, một người Hoa điển hình tóc đen chải mướt, mặt da ngà ngà đeo kính tròng tròn gọng đồi mồi. Người này đang đứng cùng chỗ mà tôi đứng tối hôm qua. Bộ hắn ta cũng mê những bóng lân tinh lấp lánh trên mặt biển?
Một bóng trắng đi qua vùng tối đến gần người đàn ông Hoa.
Chắc tôi lại sắp thấy cảnh tái diễn? Lúc này thì mắt tôi đã quen với bóng tối nên tôi cố ghi nhận chuyện gì đang xảy ra.
Cái bóng trắng đó tiến lại gần cái bóng đen hơn rồi nói gì đó. Người đàn ông Hoa lộ vẻ ngạc nhiên nhưng tôi thấy cái bóng đen còn ra vẻ ngạc nhiên hơn, nói vài câu mà tôi không nghe rõ được vì bị tiếng sóng biển át đi nhưng có thể mường tượng ra cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa hai người không khác những gì đã xảy ra cho tôi, tức là cái bà Mỹ lại nhìn lầm ai là chồng mình, vội xin lỗi xong bỏ đi.
Nhưng lần này thì hơi khác. Nhà ngoại giao trẻ Hoa bạo dạn nắm lấy tay bà Harwing và nói vài câu. Bà ngập ngừng đáp lại như thể ngạc nhiên về lời lẽ của gã Hoa chắc hẳn táo bạo nhưng sự phản kháng của bà thật ngắn ngủi. Tôi nghe bà ta bật cười lên rồi thấy họ đứng sát lại nhau và thì thầm gì đó. Một thỏa thuận? Một liên minh?
Rõ ràng họ trở thành bạn với nhau thật mau chóng. Họ cùng bước với nhau về chỗ đi dạo trên boong dưới rồi biến mất trong bóng tối.
*
Khi tôi kể lại cho viên thuyền trưởng, ông ta đưa ra nhận xét:
- Cái tôi nghĩ là, cái bà đó có khuynh hướng lầm người trong bóng tối. Nghĩ cho kỹ thì đó cũng chỉ là một thú vui như các thú vui khác ...
Viên thuyền phó đứng cạnh đó chen vào:
- Có một chuyện khác đáng kể.
- Chuyện gì?
- Hôm qua cái bà Mỹ đó đến phòng cơ khí trưởng mượn một cái dũa sắt vì va li của bà bị kẹt ống khóa. Cơ khí trưởng nói để đến giúp bà một tay nhưng bà gạt đi, nói đừng bận tâm "Chồng tôi hay ngạo tôi, nói tôi có biệt tài làm hỏng ống khóa. Cứ cho tôi mượn dũa đi, tôi sẽ cố tự sửa một mình khi chồng tôi không có trong ca-bin".
Viên thuyền trưởng thì không nghĩ những gì cặp vợ chồng này làm đáng để ý.
- Nhưng vụ cái dũa thì lạ.
*
Đêm khuya tôi thường đi lên trên boong để hóng gió mát và hưởng sự yên tịnh trước khi trở về ca-bin ngủ. Trên boong tàu chỗ treo thuyền cấp cứu và thúng nước chữa lửa là nơi hẹn hò của các cặp trai gái dùng bóng đêm làm đồng lõa và vì ngồi thiếu thoải mái nên ít ai đến.
Đại dương vào ban đêm thật tuyệt diệu, sao lấp lánh trên nền trời nhung đen không trăng, ánh sao lấp lánh trên mặt nước, tiếng sóng biển rì rào đều đều. Đầu óc tôi không còn nghĩ đến bà Harwing và những cuộc gặp gỡ trong bóng tối. Tôi để hồn mình trôi theo tiếng ru của biển cả.
Nhưng kìa, có tiếng ai thì thầm trong đêm đâu đây giọng như tắt nghẽn thật khẽ như không muốn ai khác nghe. Hai người nào đó đang nói chuyện gần tôi, họ đứng núp sau một cái ghe treo. Đứng trong bóng tối, họ tưởng xung quanh không có ai.
Tôi nhận ra giọng họ: giọng tên Hòa Lan to lớn và bà Harwing. Gã Hòa Lan có vẻ bực mình:
- Em thật xấu xa, xấu xa và giả dối. Em xem anh như trò chơi dù anh yêu em.
- Anh điên rồi sao. Anh hạ nhục em trong khi em liều đi tìm anh để ở bên anh, em có thể bị bắt gặp.
- Với ai em cũng đều làm làm điệu và để họ theo lơn!
- Anh nói gì?
- Rồi bây giờ thì em lại chơi trò gì đó với tên ngoại giao Tàu?
- À, anh đang dằn vặt em à! Vì em chịu đi với anh, anh tin rằng em có thể đi với mọi người khác. Anh thật bất công và xấu bụng. Anh thừa biết đâu đều như vậy. Với anh, đó là tình yêu, vì tình yêu mà anh đã chinh phục được em.
Một ngọn gió thổi ngang qua cuốn đi những lời làm tôi không nghe hết được nhưng cảm tưởng tên Hòa Lan vẫn còn đang gắt gao với người đàn bà. Giọng hắn nghe như bị bốc nóng lên vì cơn ghen.
Bà Harwing đáp lại một cách bất mãn, thề thốt là chỉ thương hắn thôi:
- Thì em thú thật đó là một nhược điểm của mình nhưng em yêu anh. Anh có một uy quyền gì đó lên trên em không giải thích được. Và rồi anh lạm dụng nó. Tại sao anh nghi ngờ em? Hay vì em đã chưa chứng minh được lòng mình cho anh thấy?
Một ngọn gió khác cuốn đi những câu nói kế. Tôi không hiểu được họ đang nói gì nhưng mường tượng ra dễ dàng:
- Em không được đến gần thằng đó nữa, tên đàn ông nói như ra lệnh.
Người đàn bà đáp lại bằng một giọng nói thật dịu dàng mềm mỏng, loại giọng nói của đàn bà khi muốn tung chiêu mê hồn ra bắt đàn ông như một tay gaucho quăng dây lasso bắt bò trên đồng cỏ.
Nàng bảo:
- Anh biết rõ là em phải lân la lại gần mấy người đó. Em cần giúp chồng em lấy được mấy bí mật đó xong mình phải liên lạc ... (À, bọn chúng thật sự là gián điệp!) tụi em kiếm sống như thế, anh biết mà.
Nhưng gã Hòa Lan không nhường:
- Anh giầu đủ để giúp em nếu em cần.
- Anh giầu nhưng anh không có gì trên tàu cả.
- Ngay cả trên này. Có lẽ anh không đem theo cái rương nhưng ...
Lại thêm một ngọn gió quái ác thổi ngang.
Một lúc sau trong khi đi xuống cầu thang về ca-bin cùng hành lang với phòng gã Hòa Lan tôi thấy có người đi vội ra mà trông như cố che dấu không cho nhận diện. Tôi dám thề người đó là chồng người đàn bà bí hiểm.
À ra thế! Ông Harwing thăm viếng ca-bin gã Hòa Lan mở cửa phòng bằng chìa khóa giả trong khi gã này thì đang đứng trên boong tàu lơn, đúng ra là la, bà Stella.
Trong bụng đầy thắc mắc, tôi đi tìm viên thuyền trưởng để kể lại những gì tai nghe mắt thấy. Tôi thấy ông ta ngồi trong phòng chơi bài bridge. Tôi kinh ngạc nhìn người đàn ông ngồi đối diện với thuyền trưởng, cầm bài trong tay chơi say đắm, ông Harwing.
Vậy thì người đàn ông từ phòng gã Hòa Lan đi ra là ai?
*
Sáng hôm sau, tên lái buôn đá quý Hòa Lan bảo tôi:
- Ông lên trên kia chỗ câu lạc bộ thể thao để ăn sáng với tụi tôi không? Dưới phòng ăn nóng quá. Trên kia mình ăn ngoài trời, sẽ có mấy món đặc biệt, viên thuyền phó sẽ ăn với mình. Vợ chồng Harwing luôn, họ rất dễ mến.
Tôi vui vẻ nhận lời vì để ý nhiều đến cặp vợ chồng dễ mến này và rất tò mò muốn nhìn họ gần xem mặt mũi ra sao.
Bồi bàn cho dọn bàn chỗ có bóng mát.
Bà Stella Harwing với điệu bộ duyên dáng đứng ra đóng vai nữ chủ nhân. Bà vui vẻ, bặt thiệp, miệng luôn nở nụ cười. Ông chồng trông còn rất trẻ, mặt nghiêm ít nói, điệu bộ cũng nhẹ nhàng.
Tên lái buôn nữ trang Hòa Lan ngồi cạnh bà Harwing, miệng huyên thuyên.
- Người ta hay có câu "Mấy ông bự ở thuộc địa tích tụ được tài sản kếch xù trong vài năm là có phúc đức nhất!" nhưng có ai biết đâu cái giầu không đến từ phúc đức mà đến từ mồ hôi nước mắt, từ lòng kiên trì, sự hy sinh...
- Vậy chắc ông đã hy sinh rất nhiều? Bà Harwing hỏi giọng đượm châm biếm.
- Sao lại không? Gã Hòa Lan đáp ra vẻ hãnh diện- Khi mới đến thuộc địa tôi chỉ là người làm thuê cho Công ty Amsterdam, trong túi chỉ có tiền công ty ứng trước để sinh sống. Vừa xuống cảng Medan đảo Sumatra, tôi bị lên cơn sốt khủng khiếp. Nếu không có mình đồng da sắt thì tôi đã bỏ mạng. Chỉ hai tháng sau, tôi trèo núi đảo Sumatra nơi hồ Toba để chỉ huy nhân công đốn cây.
- Đó là nghề của ông?
- Nó trở thành nghề của tôi nhưng trước đó thì tôi hoàn toàn không biết gì cả. Cuộc sống trên núi như trong hỏa lò. Cả trăm nhân công bản xứ lẫn Tàu do tôi quản trị, đôn đốc, đánh đập. Đó là chưa kể thán khí độc trong rừng, thảo dược độc, rắn rít, côn trùng hút máu và cái nóng kinh hồn ... Bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu nổi làm sao mình sống còn được. Kéo dài năm năm trời.
- Ông làm công?
- Ừ, thì làm cho Công Ty. Rồi tôi may mắn, phải, đó là phúc đức, gặp một người chủ khác thấy tôi làm việc. Ông này gạ tôi đi theo hắn, mỗi chuyến kiếm thêm một ít ... nhưng đâu có dễ ăn, tôi mấy lần suýt bị giết chết khi lũ thợ nổi loạn hai lần. Không khác gì ra trận, luôn nguy hiểm.
- Chứ ông không sống ở Java sao?
- Sau đó. Tôi đi Java làm công tác cho hãng cao su và rồi trở thành người trồng cây cao su. Thời kỳ vàng son. Tôi tới luôn như trúng số vậy, không còn đi làm công mà làm chủ. Vạn sự khởi đầu nan nhưng sau đó thì tiền như mưa từ trên trời xuống nhưng chẳng bao lâu thì bị khủng hoảng giá cả nhưng tôi đã đoán trước nên bán tống bán tháo hết đồn điền với giá khá cao.
- Rồi làm sao ông trở thành tay buôn nữ trang?
- À cái đó thì ... Bồi bàn! Thêm rượu wít-ky. Điều này phải gọi là "cú thầy". Từ cao-su đi đến đá quý: chơi đẹp chứ? Mọi việc xuông xẻ tốt đẹp. Ai cũng nghĩ là khủng hoảng thế giới sẽ đánh vào kỹ nghệ nữ trang nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, ít ra là trong quan điểm của tôi. Áp phe tiến hành tốt đẹp. Cứ mỗi chuyến đi là tôi được ... - hắn định nói ra một con số nhưng ngừng lại rồi bật cười- tôi được một mớ tiền, vậy đó! Nhưng tất cả thành công đó chung quy cũng nhờ vào một nguyên ngân và bà Harwing này, bà là nguyên nhân đó.
- Tôi?
- Vâng, là phụ nữ, bà đại diện cho các phụ nữ khác trên toàn thế giới. Nữ trang có được là nhờ phụ nữ và thế giới không bao giờ thiếu phụ nữ.
Cho rằng mình vừa thốt ra một lời khen thật bặt thiệp, gã Hòa Lan bật cười to. Những người khác cười theo nhưng chỉ vì lịch sự, gã thì ra vẻ hể hả.
Rồi mọi người bàn luận về nữ trang và tư bản. Ông Harwing kể khi xưa làm việc cho hãng Bloemfontein đào mỏ kim cương tại Nam Phi khi ông khởi đầu sự nghiệp kỹ sư. Ông kỹ sư và tay buôn kim cương bất đồng ý kiến số lượng sản xuất kim cương và vàng tại Nam Phi. Kỹ sư Harwing nói:
- Mình cần các con số chính xác để bàn luận. Trong ca-bin tôi có tài liệu xác suất. Để tôi đi lấy đem ra đây mình đọc.
Ông ta đứng lên, đi cầu thang xuống dưới. Vợ ông ta cười:
- Chồng tôi là con người của con số, coi xác suất như là tôn giáo của mình.
Nói xong bà quay về một trong mấy người hầu bàn.
- John, cứ tiếp tục phục vụ. Ông kỹ sư sẽ trở lại ngay.
Lúc đó tôi quay qua nhìn người hầu bàn, một người đàn ông độ bốn chục mặt nghiêm, hắn không phải là một trong các người hầu bàn quen thuộc mà cũng không mặc đồng phục như họ mà là áo khoác trắng với cánh tay ngắn màu xanh. Hắn từ đâu ra?
Người đàn bà thấy tôi lộ vẻ ngạc nhiên, giải thích:
- Đây là người hầu bàn của riêng tôi, luôn đi với chung với vợ chồng tôi.
Hơn mười lăm phút sau, kỹ sư Harwing trở lại bàn khi cả bàn đang ăn trái cây tráng miệng. Đi về phòng lục tìm tài liệu gì mà lâu thế, quá lâu. Bà vợ nói vì tính chồng rất kỹ lưỡng. Viên kỹ sư giải thích:
- Tôi không nhớ mình cất đâu mấy cái phúc trình đó.
*
Ăn sáng xong, sau khi nói chuyện về đào mỏ, du lịch và nữ trang, bà Harwing đứng lên cáo lui.
- Xin lỗi mọi người, tôi dậy sớm ban sáng, giờ này thì buồn ngủ ... không phải vì quý vị đâu mà chắc tôi già đi.
Cả bàn lên tiếng phản đối nhưng bà vẫn xin lỗi cáo lui. Gã Hòa Lan xin hộ tống bà về phòng trong khi kỹ sư Harwing đi đến phòng sách trên tàu để tham khảo các tài liệu xác suất. Tên hầu bàn riêng của vợ chồng Harwing ở lại để dọn bàn nhưng thật ra là điều khiển hai người hầu bàn dọn bàn với cung cách kẻ bề trên.
Chỉ còn tôi và viên thuyền phó. Hai người tản bộ. Ông ta hỏi:
- Ông có để ý thấy cái trò xác suất không?
- Không.
- Cuộc bàn luận về kim cương, tên kỹ sư vắng mặt một lúc để tìm hồ sơ? Có lẽ bữa ăn sáng được tổ chức để giữ lão Hòa Lan tại chỗ trong khi người khác vô ca-bin lão để dò la lục lọi.
- Ông tin vậy sao?
- Tôi đã bố trí người đứng rình quanh sát. Tên kỹ sư giả vờ đi về ca-bin mình tìm hồ sơ nhưng thật ra đã đi đến phòng gã Hòa Lan.
- Phòng hắn không khóa cửa sao.
- Có nhưng tên kỹ sư có chìa, đi vô phòng ở trong đó cả mười lăm phút.
- Sự thể như thế thì tàu phải can thiệp chứ?
- Luật du thuyền là canh chừng để không thành tai tiếng nhưng chỉ vậy thôi.
*
Tàu ghé Tân Gia Ba, hải cảng huy hoàng vùng Viễn Đông.
Tôi xuống tàu đi tìm lại mấy người bạn gặp khi tàu ngừng ở các cảng trước. Tôi đi trên những con đường chan hòa ánh mặt trời, giữa những rừng người nườm nượp, người và người đổ đến từ khắp nơi trên vũ trụ. Tân Gia Ba với những cảnh sắc lạ mắt là nơi tụ tập của đủ giống dân, một nơi chốn thật sầm uất.
Tàu nhổ neo khi hoàng hôn đến. Du khách vừa mệt vừa kích động sau một ngày du ngoạn trong thành phố. Chỉ cần tắm một phùa nước mát là được giải thoát khỏi cái mệt mỏi sau cả ngày đi lòng vòng trong bầu không khí oi bức. Nghỉ ngơi trong ca-bin được nửa giờ đồng hồ xong, tôi thay quần áo rồi đi ăn. Một số hành khách cũ rời tàu, một số mới lên. Cứ mỗi lần tàu ghé một hải cảng nào thì đời sống xã hội trên tàu thay đổi. Ma mới và ma cũ quan sát nhau và tìm hiểu nhau để làm quen.
Phòng ăn vắng bóng vài người khách cũ vì họ xuống Tân Gia Ba luôn nhưng cũng có người chỉ xuống bến để đi chơi nhưng rồi lười không trở lại tàu, quyết định ở lại dưới đất liền. Ngay cả chỗ ngồi của cặp vợ chồng Harwing cũng vắng: chắc họ đang nghỉ vì còn mệt.
Gã Hòa Lan coi bộ nóng lòng chờ ai tại bàn ăn. Hắn tiết lộ với tôi là lúc ban sáng hắn và cặp Harwing hẹn xuống bến cùng đi chơi phố Tân Gia Ba nhưng sau đó bà vợ cho biết họ sẽ bị trễ một chút xíu. Gã Hòa Lan không chờ được, hắn xuống phố vì có bạn khác đang chờ và sau đó tụi họ đi với nhau.
- Xuống tới bến tôi đã không thấy bà Harwing dù họ nói họ sẽ xuống sau ... Rốt cuộc tôi đi vô mấy cửa tiệm thời trang mong gặp ba ta trong đó nhưng không thấy. Trễ giờ, tôi phải trở lên lại tàu.
Hắn đoan chắc sẽ gặp lại bà này tại bàn ăn nhưng lấy làm ngạc nhiên khi cả vợ lẫn chồng không ai đến.
- Họ sẽ lên tàu mà nhưng trễ, tôi nói hắn, trễ và mệt và có lẽ muốn nghỉ ngơi.
- Có lẽ thế nhưng đã nhổ neo đi được ba giờ đồng hồ rồi, họ có dư thì giờ để nghỉ và thay quần áo. Vả lại họ thỏa thuận sẽ đến đây ăn chung chiều nay.
Tôi biết hắn rất mong gặp lại cái bà đẹp Harwing. Tôi bảo:
- Ông thân với họ, sao ông không cho ai đến ca-bin họ xem họ có đang ngủ không và họ có muốn đến ăn chung không.
Gã Hòa Lan vui ra mặt vì lời khuyên đó, hắn lập tức sai một người bồi phòng đi. Vài phút sau người đó trở lại kể: hắn đến ca-bin Harwing, đập cửa nhưng không ai trả lời.
- Họ sẽ ra mà, ông sẽ thấy họ trên boong tàu đó hay trong phòng ăn, tôi nói.
- Tôi đi tìm họ, hắn đáp.
Nếu hắn muốn nói sự thật thì nói "đi tìm nàng" vì đầu hắn chỉ nghĩ đến người đàn bà đẹp đẽ đó.
Sau nửa giờ đồng hồ lục lọi khắp nơi, hỏi han mọi người, hắn gặp lại tôi trên boong tàu.
- Ông có biết là tôi tìm không ra họ không?
- Nghĩa là họ còn trong ca bin đó.
Không chịu bỏ ý định gặp lại "người tình", gã Hòa Lan đi thẳng đến ca-bin cặp Harwing, gõ cửa rầm rầm nhưng dù hắn đập cửa mãi không ai ra mở. Hoàn toàn im lặng. Vậy thì họ đâu? Hắn đi lên trên gặp lại tôi và viên thuyền trưởng.
- Không có tin gì về họ sao?
- Về ai? viên thuyền trưởng hỏi.
- Cặp Harwing đó mà, tôi tìm cả giờ đồng hồ rồi mà không thấy đâu. Ông thấy họ không?
- Tôi có gặp họ sáng nay khi tàu mới bỏ neo. Họ xuống tàu rồi sau đó tôi thấy họ trở lên cùng với vài người bản xứ và rồi dường như họ lại xuống tàu nữa. Tôi không rõ lắm. Khi tàu cập bến, tôi có nhiều việc phải làm.
- Rồi chiều nay ông có thấy họ trở lên tàu?
- Tôi bận.
Gã Hòa Lan bắt đầu ra vẻ lo lắng, hỏi:
- Lỡ họ trở về tàu không kịp thì sao?
- Cái đó thì lạ lắm- thuyền trưởng nói- vì giờ khởi hành đã được ghi rõ trên bảng phấn treo gần cầu tàu lên bờ mà và chính tôi đích thân nói cho họ biết.
Nhưng để chiều lòng gã Hòa Lan, viên thuyền trưởng ra lệnh một sĩ quan kiểm soát kỹ về sự vắng mặt của cặp vợ chồng Mỹ.
Hai mươi phút sau, người sĩ quan trở lại cùng với ông quản gia cho biết họ đã tìm khắp nơi và kết luận vợ chồng Harwing không có trên tàu.
- Thật không? Viên thuyền trưởng bây giờ cũng tỏ ra ngạc nhiên. Hai người có vào trong phòng họ không?
- Thưa có, chúng tôi dùng chìa khóa riêng mở cửa vào. Cả ca bin trống không.
- Còn rương hành lý và quần áo?
- Rương mở tung, đồ xáo trộn. Thiếu hai va-li.
Gã Hòa Lan kinh ngạc mồm há hốc.
- Cái gì? Hắn lắp bắp- Thiếu hai va-li?
- Dạ, ông quản gia đáp, tôi tin là họ chuyển đồ từ mấy cái rương qua va-li. Tôi có hỏi người bồi phòng, anh ta nói có thấy cặp Harwing xuống bến với hai chiếc va-li. Bà Mỹ còn nói "Hôm nay là ngày mua sắm, tụi tôi sẽ ra phố mua đầy va-li" nhưng bồi phòng có cảm tưởng hai va-li khi đó không rỗng vì khi xin giúp đem xuống bến thì bà Mỹ ngay lập tức từ chối một cách khả nghi.
Gã Hòa Lan mặt đầy lo lắng bồn chồn.
- Hẳn họ không còn dưới bến nữa.
- Chắc không- thuyền trưởng đáp giọng nửa châm biếm- cả vụ này trông như là một tẩu thoát.
- Khốn rồi! Tên buôn nữ trang Hòa Lan đột nhiên la lên xong vỗ tay lên trán đến đét một cái. Mặt hắn hiện rõ nét kinh hoàng, mắt trợn trừng lên- Vậy thì ...
Vậy thì sao? Hắn vụt bỏ chạy xiên xẹo về hành lang. Viên thuyền trưởng lo lắng ra mặt, quay sang ra lệnh cho một sĩ quan:
- Đi lên phòng chỉ huy của tôi và nói sĩ quan an ninh đến gấp. Mình cần dấu vụ này.
Quay sang tôi, ông ta hỏi:
- Ông muốn đi với tụi tôi không?
*
Vài phút sau mọi người đến phòng chỉ huy rồi gã Hòa Lan đi vô dáng điệu thiểu não buông mình xuống ghế. Từ cặp môi run rẩy thoát ra những rên rỉ:
- Chết mất, tai biến, xập tiệm.
- Ông sao thế? Chuyện gì xảy ra? Viên thuyền trưởng hỏi.
Gã Hòa Lan tay cứ múa lên như cố diễn tả những gì mà miệng hắn không nói được vì chỉ ú ớ thoát ra những tiếng than vãn lắp bắp vô nghĩa.
- Can đảm lên, nói cho biết đi!
- Không ... tôi không nói được. Trời, tai biến!
Viên thuyền trưởng cho đem đến một ly nước. Sau cùng gã Hòa Lan mới nói được vài chữ:
- Bị lột hết ... Tụi chúng lột tôi hết trơn...
- Ai lột ông, lột làm sao?
- Tên kỹ sư ... và có lẽ cả ... Trời, mất hết.
- Ông đã tìm kỹ không.
- Có chứ! Tụi nó lấy đi hết nữ trang của tôi ... cả tiền nữa. Hơn hai triệu đồng florin Hòa Lan dưới đáy rương, mà là rương sắt không mở được.
- Nếu vậy thì làm sao mở được?
- Tôi không biết nhưng tụi nó lấy từ đó ra không để lại một dấu vết gì, từ ổ khóa cho đến các hộc, mọi thứ khác còn nằm nguyên thứ tự.
- Vậy là họ dùng chìa khóa giả.
- Làm sao được? Cái ổ khóa đó phức tạp nhất và an ninh nhất.
Viên thuyền trưởng đến sát hắn, hỏi:
- Ông chắc chắn là đã không bao giờ cho ai thấy nữ trang của ông?
- Không mà.
Nhưng vừa thốt ra hai tiếng đó gã khựng lại, im, rồi lắp bắp nói:
- Nghĩa là ... có... nhưng chỉ có ...Trời, không thể nào được!
Hắn trông tuyệt vọng.
Viên thuyền trưởng nhẹ thúc hắn:
- Chỉ có ... ông đã cho bà Harwing thấy nữ trang chứ gì?
Gã Hòa Lan im.
- Bà ta vô ca-bin ông, đúng không? Chỉ một lần thôi?
Im lặng.
Viên thuyền trưởng vẫn kiên nhẫn:
- Nhiều lần?
Im lặng.
- Cố nhớ lại đi. Bà đó đến nhiều lần, đúng không?
- Đúng.
- Ngay cả ban đêm?
- Bà ta ... tính rất tốt. Có lần bà ấy trong người không khỏe, vô ca-bin tôi xin thuốc uống.
- Tôi không cần biết tại sao bà đó vô phòng ông. Và ông đã cho bà thấy vòng vàng nữ trang chứ gì?
Gã Hòa Lan gượng nói:
- Bà tỏ ra rất tò mò như một đứa con nít.
- Và ông đã mở rương cho bà ta xem?
- Bà muốn xem mà.
- Và có lẽ ông còn giải thích cách mở cái ổ khóa đó.
- Không, cái đó thì không.
- Nhưng bà ta đã thấy ổ khóa mở ra sao chứ gì.
- Ừ!
Viên thuyền trưởng nhìn gã Hòa Lan một đỗi xong phán:
- Đến lúc này thì chẳng còn gì cho ông làm được.
Gã này vùng vằng:
- Mình không cho tàu quay đầu về lại Tân Gia Ba được sao? Kêu cảnh sát bắt tụi nó.
- Mình đã đi được năm giờ đồng hồ rồi. Dù mình có trở về, bộ ông không nghĩ là mấy đứa bạn ông nãy giờ đã dông mất rồi sao. Nếu ông muốn, chúng tôi sẽ đánh điện cho cảnh sát Tân Gia Ba ... Chỉ làm được chuyện đó thôi.
Gã Hòa Lan nhẩy bật lên:
- Khoan. Mình nên thông báo cho phái đoàn Trung hoa nữa.
- Tại sao?
- Như vầy ... tôi sực nhớ là ... cái này nói ra thì xấu hổ nhưng ... trong khi gần gũi, bà Harwing cho tôi hay là tay ngoại giao Hoa trên tàu theo cua bà ta ... Tôi và bà đã cãi nhau về vụ đó ... Tên ngoại giao Tàu có các văn kiện quan trọng mà ông chồng rất muốn lấy cắp và bắt bà ta làm chuyện đó ... Bà đã cố đánh cắp các văn kiện đó.
- Và ông đã không cảnh giác ông người Hoa đó?
- Làm sao được! Bà ta tin tưởng tôi nên mới tiết lộ cho tôi. Bà ở thế kẹt, bị chồng ngược đãi, bắt ép tuân lời. Tôi hoàn toàn tin là bà ta là vô tội.
- Ông bị bà đó bỏ bùa rồi, thuyền trưởng lầm bầm, ông có ý nói bọn họ đã đánh cắp các tài liệu của tên ngoại giao Tàu?
- Ừ, tôi nói vậy để cho ông thấy là bà đó bị chồng ép buộc đi với tên Hoa. Tôi đã nổi ghen và bà ta nói không có chuyện gì xảy ra hết.
- Tôi hiểu rồi- viên thuyền trưởng kết luận- tụi chúng vừa là lũ ăn trộm vừa là gián điệp.
- Nhưng bà đó thì không mà, tên Hòa Lan rên rỉ.
*
Viên thuyền trưởng liền ra lệnh kêu tên ngoại giao Hoa lên. Tên này đến mặt mũi tỉnh bơ, mỉm cười.
- Xin lỗi- thuyền trưởng lên tiếng trước- có phải ông đem theo trong ca-bin tài liệu bí mật và quan trọng?
- Nhưng ...
- Tôi không hỏi nội dung các tài liệu này. Tôi chỉ hỏi là ông bảo đảm còn không.
- Tại sao? gã Hoa mặt hơi nao núng nhưng tỉnh ngay.
- Bởi vì tôi nghi ngờ có người đã ra tay đánh cắp các tài liệu đó.
- Không thể được.
- Ông chắc chắn còn chúng chứ?
- Ai liệu có thể lấy tài liệu của tôi được?
- Có phải ông đã thân mật với bà Harwing không?
- À, chỉ là quen thôi!
- Vậy thì ông chắc chắn còn tài liệu?
- Tôi tin thế tuy nhiên để tôi kiểm lại. Tôi không đến nỗi dại để ai lừa đâu.
Tôi và một sĩ quan đi theo tên Hoa về ca-bin hắn. Vào trong, hắn cười cười nói:
- Quý vị nghĩ rằng tôi cất những tài liệu tối quan trọng ở đâu? Khóa lại trong một ngăn bí mật dấu dưới đáy thứ nhì của rương với ổ khóa bí hiểm? Không đời nào! Lũ gián điệp và trộm đạo quốc tế chuyên tìm mấy nơi đó. Tôi thì không, tôi cứ để nó nằm chình ình đó và chả ai cho rằng tài liệu quan trọng lại để nằm phơi ra. Xem này!
Nói xong hắn trèo lên ghế, vói tay lấy từ nóc tủ một phong bì nằm dưới một trong hai cái phao cá nhân. Hắn nhìn trên nhìn dưới cái phong bì xong đưa cho tôi xem.
- Đây, hãy còn nguyên. Dấu ấn kiểm soát của tôi vẫn còn đó, sợi chỉ cột nút mà chỉ có tôi biết cách buộc còn nguyên rồi cái dấu xi bí mật mà tôi có thể kiểm vẫn còn đây. Đây, hãy còn nguyên.
Hắn cười đắc chí:
- Tôi đã có thời làm gián điệp; đôi khi mình cũng phải phục vụ quốc gia mình; nó là cái nghiệp mà.
*
Khi chúng tôi trở lại văn phòng thuyền trưởng, ông ta lấy làm vui khi nghe âm mưu đánh cắp tài liệu bị thất bại nhưng lại có chuyện xảy ra. Hai thủy thủ xốc nách lôi vào một người đàn ông người bẩn thỉu mặt mũi đầy nhọ và dầu nhớt, không thể nhận ra là ai.
- Người này là ai? Chuyện gì xảy ra?
- Thưa chúng tôi không biết. Có lẽ hắn lên tàu ở cảng Tân Gia Ba để trộm cắp gì đây. Chúng tôi tình cờ bắt gặp hắn trốn trong phòng kho cạnh phòng máy. Hắn trông như chết rồi vì trong đó quá nóng. Hình như nó uống gì kỳ lạ vì hơi thở nó có mùi như mùi thuốc tây.
Gã lạ mặt buông người xuống ghế. Viên thuyền trưởng đến gần, nhìn gần kỹ mặt hắn và kêu lên thảng thốt kinh ngạc. Ông móc túi lấy khăn mu-xoa ra lau vội cái mặt đầy dầu nhớt lọ nghẹ. Một khuôn mặt thật quen thuộc hiện ra.
Tên kỹ sư Harwing.
Mọi người há hốc mồm không ai thốt ra được tiếng nào.
Nhưng chỉ một chốc thôi. Viên thuyền trưởng tiến lại hạch hỏi trong khi những người khác thì nóng lòng cho một giải thích:
- Làm sao ông lại ở đây? Mà lại ra người ngợm như vầy? Tại sao trốn tránh?
- Tôi có muốn trốn nơi đó đâu. Tụi nó quăng tôi xuống dưới đó.
- À, bọn chúng quăng ông xuống đó! Chứ không phải là ông nằm trốn chờ cơ hội đào tẩu sao? Nói ra ngay, nữ trang dấu ở đâu? Tiền nữa?
- Tôi không biết hết.
Gã Hòa Lan không dằn được, hét lên:
- Chúng còn trên tàu không?
- Nữ trang và tiền hả? Không!
- Sao lại không? Ông còn ở đây mà!
- Bọn chúng khuân đi hết rồi.
- Ai?
- Tụi kia. Xin quý vị cho tôi giải thích nhưng tôi thấy yếu trong người lắm. Tụi nó thuốc tôi, trong người nóng lên hừng hực.
Thuyền trưởng cho đem một ly nước lạnh đến.
- Cám ơn. Sáng nay tụi chúng quyết định trừ khử tôi sau khi đã dùng tôi.
- Mà đó là ai?
Hắn làm như không nghe câu hạch hỏi đó, nói tiếp:
- Trước tiên, chúng bắt tôi ra tay. Tôi đã giúp tụi nó xong xuôi hết, cất mọi thứ đâu vào đó xong thì bị nó ép uống. Đang khát nên tôi uống nhiều nhưng tụi nó âm mưu với nhau thuốc tôi, uống vào thấy hoa mắt chóng mặt... Tụi nó sợ tôi làm phản hay đòi nhiều tiền ... Thế là chúng quăng tôi xuống đó. Đồ lừa bịp! Rồi tôi không còn biết trời trăng gì hết.
Thuyền trưởng giận ra mặt, trợn mắt nhìn hắn bảo:
- Đến lúc này thì thú tội là vừa.
- Dạ. Ông có lý. Tôi sẽ nói hết. Bọn chúng là kẻ trộm, là gián điệp.
- Ông còn làm trò hề hả? Ông cứ nói về bọn họ. Vậy ai đã ăn trộm nữ trang và tiền?
- Cái bà ...
- Ông thì không?
- Để tôi giải thích. Tôi giúp họ nhưng bị loại trừ. Tôi không còn có ích gì cho họ, không còn một đồng trong túị Lẽ ra tụi nó trả tiền cho tôi nhưng lại nói là ... xong đến Tân gia Ba thì biến mất, con mẹ đó và thằng khốn đó.
- Thằng nào?
- Thằng John, tên hầu bàn cho tụi mình hôm bữa. Nó là đầu sỏ. Hầu bàn? Giả vờ thôi.
- Vợ mi đâu?
- Vợ tôi? Con mẹ đó là vợ thằng John. Tôi gặp nó ở Porto Said xong hai đứa tuyển dụng tôi. Tôi phải đóng vai làm chồng nó để đánh lạc hướng mọi người trong khi thằng John "làm việc". Tôi phải giúp tụi chúng bằng cách che dấu.
Quang cảnh đang căng thẳng như vầy bỗng nhiên vỡ tan bởi một tràng cười sang sảng của tên ngoại giao Hoa. Hắn vỗ ngực:
- À, cái tên bồi bàn ... À ra thế, nó là thằng chồng .. và nó đã đem giao cho tôi mấy cái thơ hẹn hò của vợ nó ...
Tên kỹ sư chặn lời tên ngoại giao Hoa nói gay gắt:
- Ông đừng có cười. Ông nên khóc thì đúng hơn! Tụi nó đánh cắp của ông luôn ... mấy tài liệu bí mật, cuốn giải mã ... Lấy đi mất rồi, lấy hết. À, cười thử xem.
Tên Hoa ngay lập tức nghiêm mặt, đáp một cách trầm tĩnh và chậm rãi:
- Không đâu ông bạn ơi, tụi nó nào có lấy được gì của tôi. Tôi đâu có khờ thế.
- Không à? Ông thử tìm lại xem còn cái phong bì không. Đưa cho tôi xem xem. Đem lại đây. Không được à? Làm sao được! Tôi thách ông.
- Tôi nhận lời thách thức.
Nói xong tên ngoại giao Hoa tức tốc đi về phòng, một lát sau trở lại mặt mày hớn hở, phe phẩy trên tay một phong bì trước mặt tên kỹ sư.
- Đây, thấy chưa? Còn y nguyên.
Tên này nhìn gã Hoa một cách hỗn xược và đáp lại bằng giọng diễu cợt:
- Thật không? Vậy thì mở ra coi. Cứ việc mở ra.
Gã Hoa mặt ra vẻ đầy tự tin.
- Mấy thằng chủ mày chỉ là tay mơ, chỉ giỏi lừa lọc những ai khờ dại, chứ tao ...
Cặp mắt ti hí của gã Hoa hiện rõ nét đắc thắng. Hắn điềm tĩnh cởi sợi dây cột phong bì thắt theo kiểu bí mật, nậy cục xi dán ra, bật mở một vài cơ quan bí mật xong mở phong bì ra, mặt mày kiêu căng. Và hét lên một tiếng thất thanh.
Bên trong phong bì chỉ vỏn vẹn một mớ giấy vụn.
Từ phong bì rơi ra một mảnh giấy. Gã Hoa cúi xuống nhặt lên thật nhanh một mảnh giấy với vài giòng chữ viết tay mềm mại của đàn bà. Hắn đọc:
"Đừng cay đắng với em. Chỉ vì tụi em cần tài liệu của anh thôi. Anh có thể tự an ủi là em không mến anh kém gì tên người Hòa Lan, cái tên mà anh ghen ấy. Em biết anh là người rất thích đọc truyện trinh thám: vậy anh hẳn phải thích thú đã sống trong một thực tế bí hiểm. Sách, hay đấy nhưng thực tế còn đẹp hơn, nhỉ?"
Arnaldo Fraccaroli
Bùi Ngọc Khôi chuyển ngữ