- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chỉ một mình anh

31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97444)


rung_1-content


Tiếng nói lao xao. Người ngồi kẻ đứng. Những tấm bàn bằng vỉ sắt kê thành ba lối, đầy ắp, nào xách, giỏ, thức ăn, quần áo… Chồng vợ cha con, anh em mặt nhìn mặt trong nỗi vui ngờ ngợ. Nhìn nhau như cố gắng nhận ra thân xác, thịt da của nhau còn đó. Mỗi khuôn mặt tái nhợt, xanh sao mang nỗi âu lo riêng lẻ nặng nề. Mặt nhìn nhau như trao nhau những than thở ngậm ngùi. Tuy vậy xem ra những ưu tư của đám đông cũng có mẫu số chung: số phận ra thế nào trong những ngày sắp tới. Mỗi người không tìm thấy một chút hy vọng ở tương lai. Mong mỏi sớm được trở về là mong mỏi chung của mọi người đang ngồi đó. Tiếng cười ở đây thật hiếm. Một nhếch môi mỉm cười của vợ gặp chồng, chồng gặp vợ, mẹ gặp con chợt tan biến trong giây lát để nhường lại cho những câu chuyện tính toán gia đình, âu lo số phận. Thời gian thăm nuôi chỉ được một giờ. Ai cũng muốn chạy đua với thời gian. Nói những điều muốn nói với nhau, nhưng rồi cũng chẳng nói được gì. Khi gặp nhau nỗi vui mừng đã choán hết.

Mấy tên quản giáo cứ lảng vảng đi qua đi lại quanh nhà thăm nuôi, trông bộ muốn dò dẫm, nghe ngóng, mắt lắm la lắm lét đảo qua đảo lại từ bàn này sang bàn khác. Mọi người nhìn chúng với đầy căm hận chất ngất. Hờn căm không nói ra được. Nếu không nghĩ đến cái chết và đọa đầy thân xác, mọi người đã phanh thây xé xác những con người rừng rú đó đã làm khổ đời chung. Hơi nóng hừng hực, mái tôn thấp lè tè, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại. Mặc dù ngồi chen chúc, ai cũng lo trao đổi chuyện riêng. Thoáng thấy một tên quản giáo đi tới thì phải nói lớn, hỏi chuyện bâng quơ. Quả thật oái oăm. Lệnh của trại “khi gặp thân nhân không được khóc, phải ăn nói to lớn chững chạc”. Hoàng nghĩ thầm thứ luật lệ gì mà kỳ lạ. Cấm xúc động. Đau khổ cũng phải gắng cười. Hoàng được ra nhà tiếp khách sớm là cũng nhờ tình nguyện làm công tác tiếp đón để mong đón được vợ lên thăm. Mong đợi từ sáng đến giờ, Hoàng chẳng thấy bóng dáng vợ đâu cả. Thời gian tiếp thân nhân đến hai giờ chiều là hết. Hoàng bồn chồn lo âu, hay là ở nhà vợ mình có chuyện gì không lên được. Vợ chồng cưới nhau chưa đầy ba tháng. 30 tháng 4 đến một cách thảng thốt. Tình nghĩa vợ chồng đậm đà, tràn đầy bỗng dưng chia xa. Sự thay đổi chế độ quá nhanh, mỗi người ngẩn ngơ ngơ ngẩn, tưởng chừng như trời sập. Ngày khăn gói lên đường vào trại tập trung Hoàng cũng đã nói với vợ. “Lần này đi chắc khó về lắm. Cuộc sống không biết ra sao, chúng sẽ đưa đi đâu ?”. Cuối cùng hai vợ chồng cũng nghĩ. “Thôi 10 ngày đi cho rồi, sau đó trở về làm ăn yên ổn. Nấn ná thêm rắc rối”. Loan lo gói vào túi xách hai bộ quần áo hơi cũ, một quần đã xưa. Lon thịt chà bông, muối mè, kem đánh răng, khăn mặt áo quần lót… cho đầy một túi. Loan cởi nhẫn cưới đeo vào cho Hoàng. “Anh cố giữ làm bùa hộ mệnh, lúc nào cũng có em bên cạnh”. Hoàng thấy vậy mà thương vợ thêm. Có người vợ biết chăm sóc từng li từng tí. Hoàng rưng rưng nước mắt bước ra khỏi nhà… Vậy mà đã hơn hai năm. Hai năm dài đăng đẳng nay mới có hy vọng gặp được mặt vợ. Hai năm trời bên ngoài xã hội đã thay đổi biết bao nhiêu. Ở trong trại học tập như ở trong chuồng sắt bao kín. Bên ngoài, bên trong hàng rào cách nhau chưa đến một mét mà hai thế giới mịt mù. Ngày ngày cứ nghĩ đến gia đình vợ con, biến đổi xã hội cũng đủ điên lên được. Có người đã điên thật. Ngẩn ngơ khù khờ, không còn tỉnh táo. Suốt ngày chỉ mài một thanh thép nhỏ làm cái kim vá quần áo. Đôi khi chỉ để cho bạn bè. Chưa nói đến chuyện đói cơm, đau ốm xảy đến thường xuyên. Người nào cũng đói. Mở mắt ra là cảm thấy thiếu cơm. Đi ngủ cái bụng đã cào cấu. Mỗi bữa cơm ăn rồi mà có cảm giác như chưa ăn. Đêm đêm cố gắng ngủ cho cơn đói đi qua mau. Những khuôn mặt trai tráng nhìn nhau đầy nỗi chua chát đắng cay. Hai cái áo cày hai năm không còn đường chỉ. Bao cát đắp đầy từ lưng ra ngực cũng chỉ để dành khoác vào buổi tối đi ngủ cho đỡ lạnh còn suốt ngày chỉ mặc “sơ mi da”. Trong hoàn cảnh này không còn ai giàu hơn ai, chỉ biết cùng nhau chia xẻ nỗi buồn, lòng căm hận. Tình thương ở đây thật chân thật. Ngày thăm nuôi đến ai cũng mừng. Mừng như mẹ đi chợ về hồi nhỏ vậy. Mong được gặp vợ con, cha mẹ và cũng mong có chút lương thực, thuốc men để có thể kéo dài thêm sự sống. Sự sống còn ở đây mong manh quá. Sáng mở mắt dậy thấy mình còn sống qua một ngày khác cũng cảm thấy mừng. Sự sống chết mong manh hơn cả lúc ra đi chiến trận. Ở mặt trận mình có tiến, có lùi, có thể làm chủ được mình trước kẻ địch. Ở đây hoàn toàn bất lực bó tay. Bao ý nghĩ miên man đến. Bỗng Hoàng thoáng thấy vợ, người như nhẹ hẳn lên, muốn bay ra đón vợ. Ước chừng như muốn ôm choàng lấy vợ hôn cho đỡ nhớ thương. Trước mặt là mấy tên quản giáo, là một lô các “bản tự khai”, “kiểm điểm”. Trước khi đến ngày thăm nuôi tất cả đều phải “lên lớp” để học một bài gọi là “văn minh lịch sự”. Nào là chồng gặp vợ không được ôm nhau, làm như vậy là kém văn minh lịch sự, gặp người nhà mừng, thì phải cười… Bao nhiêu thứ cấm… Không lẽ gặp nhau như gỗ đá hay lên sân khấu đóng kịch. Tình cảm vợ chồng theo kiểu Cộng sản cũng phải đóng kịch để “đạt mục đích yêu cầu”.

Hoàng đưa vợ vào một cái bàn còn chỗ ngồi. Vợ Hoàng lên một mình, mặt mày xanh nhợt, mồ hôi ướt đẫm ngồi thở hổn hển như muốn đứt hơi. Một mình Loan xách hai túi nặng chịch đi từ ngoài cổng vào nhà thăm nuôi hơn ba cây số. Hai hàng nước mắt không cầm được. Loan nhìn Hoàng từ đầu đến chân, hai mắt đỏ kè nước mắt đầm đề.
- Anh được khỏe không?
- Ở nhà lâu nay ra sao?...
Trong đầu mọi người tràn đầy câu hỏi. Cứ như là đi thi vấn đáp. Có câu hỏi cả hai đều không trả lời nổi, đến ông trời cũng chẳng trả lời được. “Anh biết khi nào anh được tha về?”
Không biết Hoàng đã nói với Loan những gì làm Loan khóc nức nở, không còn nén được xúc động nữa, Loan nói:
- Em chỉ có một mình anh giúp em can đảm để sống. Anh cố giữ gìn, nếu anh có chuyện gì chắc em sẽ không sống nổi.
- Em cứ yên lòng, anh sẽ tìm lẽ sống. Ở hoài trong này không biết ngày nào chết, không được nhìn thấy mặt em… Lần sau có giấy báo cũng đừng lên thăm nữa, anh đã quyết định rồi. Nhưng phải gặp em, anh mới quyết định được. Em cố gắng lo thu xếp đời sống…
Đưa vợ ra về lòng đầy nỗi xót xa, Hoàng tưởng chừng như vĩnh viễn chia tay. Bóng Loan xa dần. Hoàng đứng ngây người không còn biết bước đi. Ánh nắng về chiều vàng vọt gay gắt. Những cơn gió lốc thổi mạnh, bụi đỏ tung mờ lối đi. Những bóng người mờ dần nhường lại khoảng không. Mấy đám rau cải, hàng rào kẽm gai hiện ra trước mắt.
Sau lần thăm nuôi, gặp được vợ, Hoàng đã nói ý định của Hoàng với Thành. Đêm hôm đó hai anh em đã thức thật khuya với bao nỗi hồi hộp. Tính toán bàn bạc một vài chi tiết có thể xảy ra bất ngờ. Hai anh em đi đến quyết định. Thành nói:
- Anh Hoàng à, chúng mình không nên chần chừ để lỡ cơ hội. Thời gian đã thuận tiện. Để lỡ hôm nào chúng đưa mình đến một nơi khác làm sao mà tính được.
- Thành đã nghiên cứu rõ đoạn dây kẽm gai ở đó chưa? Xem chừng mìn và lựu đạn thì bỏ mạng.
- Anh yên chí, hôm trước ra làm đất trồng mì em đã men ra chỗ đó, em đã lấy những cục đá lớn quẳng vào khu vực đó xem có mìn không? Mấy thằng bạn cứ tưởng em đuổi chồn.
Ngày hôm sau, trước mắt mọi người Hoàng và Thành vẫn sinh hoạt bình thường không để lộ một vẻ gì khác lạ; nhưng trong đầu óc hai người rối bù. Những gói quà người nhà mang lên, anh em cũng mang ra chia xẻ. Hai năm trời, anh em mới có một ngày no đủ. Nào Hương người nhái, Thái phi công, Nghiêm đại pháo… đủ mặt binh chủng. Thái vừa ăn vừa nói:
- Các bạn từ từ nhe, đói không chết đến khi no lại chết mệt lắm. Thằng nào muốn chết có hòm chôn thì gắng sống ra khỏi trại học tập rồi chết.
Hương nhảy vô hùng hổ:
- Mày đừng nói bậy. Đâu đến nỗi mày. Ngày hôm nay chúng ta phải như con lạc đà. Còn lâu lắm chúng mày ơi.
- Thằng nào chịu chơi có gan chịu chết thì phải như hổ chết chứ đừng như chuột chết tao đếch có thắp nhang.
Một ngày dài kỷ niệm với bạn bè. Câu chuyện bỏ dở không ai dám tiếp tục vì sợ nói hơn nữa trong số anh em có đứa phản thì bỏ mạng cả đám. Đến giờ phải đi ngủ, không được nói chuyện. Đối với Cộng sản đời sống ở tù không khác đời sống con vật. Không cơm ăn, không chỗ nằm. Cái gì cũng phải thế này, phải thế nọ, không được nghe, không được nói… Nhưng bọn Cộng sản làm sao hiểu được suy nghĩ của anh em.
Đúng hai giờ sáng như đã định, Hoàng và Thành tìm mọi cách lặng lẽ rời khỏi chỗ nằm ra đi gặp nhau ở góc cây chuối. Từ đó sẽ bò ra tới hàng rào. Trời tối đen như mực, sương đêm dầy đặc. Hoàng bước ra khỏi phòng với bao nỗi hồi hộp, tim đập mạnh nhưng tâm trí hết sức tỉnh táo. Khi đã bắt được tay Thành, hai người đảo mắt nhìn quanh rồi ngồi xuống. Hai người bắt đầu bò dọc theo cống nước. Thành cầm chiếc kềm bấm do ông già dấu trong quà mang lên. Còn Hoàng cầm con dao đã làm mấy tuần trước. Qua được nửa hàng rào, tới khúc có nhiều đoạn dây kẽm gai chằng chịt. Hai người nằm xuống, Thành cắt đoạn nào Hoàng bò lên gỡ đoạn đó để đưa người qua. Bỗng Hoàng bị một khúc dây đập xuống vai, kéo xuống lưng. Hoàng nghe rát và ướt, biết chắc máu đã chảy, Hoàng cố vươn tới nữa để kéo kẽm gai qua một bên. Thành ghé tai nói nhỏ:
- Gắng lên, còn một lớp nữa.
Vừa biết được ra khỏi cổng rào trại, hai người mừng quá, nằm sát xuống nghe ngóng, định thần trí lại, cố nhướng mắt lên để tìm hướng đi. Khó khăn đã trải qua, hai người phải bò hơn nửa cây số mới đến bìa rừng. Khoảng ruộng thật hóc hiểm, những vũng nước sâu dọc theo hai bên bờ ruộng là những chướng ngại vật. Hai người phải men theo những bụi cây đầy gai góc. Những tiếng ếch nhái đua nhau khua vang rộn ràng não ruột. Đến được bìa rừng, cả hai vừa lách vào một bụi cây, cởi áo quần ra vắt khô trong giây lát rồi lại đi ngay. Người bắt đầu thấm lạnh. Ban đêm trong rừng vô cùng âm u. Đi dọc theo lối mòn phía Tây Nam. Những con đom đóm lập lòe trong đêm như những bóng ma. Những tiếng chân dậm xuống lá khô lao xao. Tiếng côn trùng rả rích chen lẫn tiếng lao xao kẽ lá đã đưa hai người vào một thế giới kỳ bí của núi rừng như heo, nai, mễn, nhím… lảng vảng vì đây là khu vực thường có người đi săn. Thành suy nghĩ giây lát:
- Em đi trước, anh thấy em nhảy vào bụi cây, anh lập tức nhảy theo em ngay nhé.
- Gần sáng rồi, mình nên đi lách sang một nơi khác.
Vừa nói chưa dứt lời, từ đằng xa có bóng đen đi tới, thứ đèn đi săn nhà nghề. Thành quay lại kéo Hoàng nhảy sang bên phải, chui vào một bụi rậm, cả hai như nín thở ngồi lặng yên không nhúc nhích, đợi bóng đen đi qua.
Cuộc phiêu lưu nào mà chẳng có những nguy hiểm, khi đã dấn thân không còn sợ nguy hiểm là gì. Hai người đã nhận anh em từ ngày bước chân vào trại học tập. Trước đó hai người chỉ biết nhau qua loa thôi. Thành là một sĩ quan trong ngành biệt động, mới ra trường Đà Lạt chưa đầy một năm đã lên cấp bậc trung úy. Thành tham dự khá nhiều mặt trận nên hết sức dạn dày, có rất nhiều kinh nghiệm hoạch định kế hoạch. Hoàng rất tin ở khả năng của Thành. Từ khi có ý định trốn trại anh em đã từng tâm sự với nhau:
- Chúng mình trốn trại là đã chấp nhận cái chết, và nếu có phải chết, cũng cảm thấy toại nguyện còn hơn sống mòn mỏi nhục nhã.
- Anh Hoàng, anh lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm kiến thức hơn em. Anh có vợ con, anh cần phải sống. Phần em có chết cũng chẳng sao. Chỉ một mình anh trong hoàn cảnh này em mới tin tưởng và thề nguyện sống chết với anh.
Nghe Thành nói, Hoàng hết sức cảm động. Một tình bạn chân thành. Hoàng cũng tìm cách khuyên Thành:
- Em còn trẻ, em cần phải sống, giữ vững ý chí, phải tìm cách để sống chứ, sống hoài trong chốn này chỉ đợi ngày chết mà thôi.
Những ý chí đó trở lại trong đầu Hoàng làm tăng thêm nghị lực. Sự sống chết lúc này cả hai không còn nghĩ đến. Hoàng cảm thấy như có một sức mạnh vô biên mới trườn mình qua được những lớp kẽm gai chằng chịt. Hoàng ra dấu cho Thành cứ ngồi yên. Bóng đèn lập lòe đi qua nhanh. Thành nói:
- Chúng ta phải đổi hướng về phía trái núi Bà Đen. Làm thế nào đến sáng anh em mình phải thoát ra khỏi khu rừng thưa này.
- Từ từ đã, mình phải đi kiếm mỗi thằng một cây nhỏ vác lên vai mới ra vẻ đi rừng và nhất là dùng làm vũ khí tự vệ.
Nghe hợp lý, Thành đi sâu vào một đoạn, đốn nhanh hai cây cho hai người. Miệng Hoàng thì thầm:
- Lạy Phật, Phật hãy phù hộ cho chúng con.
Màn sương trắng đặc quyện lối đi, Hoàng nhìn lên những tàu lá phủ đầy lớp nước óng ánh rồi nghĩ đến thân phận đời mình mỏng manh như từng giọt sương mai, chỉ có tạo hóa mới thấu suốt sự hiện hữu muôn loài. Bỗng một tiếng sột soạt từ trong bụi rậm, Thành khoát tay kéo Hoàng ngồi xuống. Cả hai thoáng thấy một con chồn vừa chạy ngang qua. Hai người đều ngồi ở thế chiến đấu nhìn nhau mỉm cười. Bây giờ chung quanh đều đáng sợ. Một tiếng động cỏ con, một lung linh kẽ lá, xao xác lá rừng trở thành âm thanh nguy hiểm đáng chú ý.
Vừa ra khỏi khu rừng thưa, mặt trời đã ngay đầu, Thành dừng lại:
- Chúng mình phải tìm đến một con suối nhỏ tìm nước uống, em có mang gói cơm khô.
Miệng vừa nói, tay vừa mở gói cơm khô đưa cho Hoàng.
 - Ăn từ từ, đường còn dài.
Hai người bóc từng nắm nhai ngon lành, trong gói cơm khô là bản đồ và địa bàn. Thành lấy ra:
- Anh để em ngồi xem điểm đứng và hướng đi, từ đêm đến giờ mình chỉ đi nhắm chừng.
Hoàng đi lấy một túi nylon nhỏ đi kiếm nước, con suối nhỏ róc rách, nước trong ngần, những con lăng quăng lội trông thấy rõ rệt. Hoàng cúi xuống nhận chìm túi nylon cho nước vào đầy, từ tốn cột lại xong dùng hai tay bụm lại, hất nước lên mặt. Nước mát lạnh làm tỉnh lại. Bỗng sau lưng một cụ già vai vác con dao lớn, dẫn một con chó. Hoàng chưa kịp chào hỏi, cụ già lên tiếng:
- Làm gì ở đây chú?
- Cháu đi làm rừng.
- Ở đây nhà nước cấm dân làng lâu rồi chú không biết sao?
Nghe cụ già nói, Hoàng lúng túng, mặt tái xanh. Hoàng không do dự:
- Cháu còn đi nữa mà, không dám đốn cây ở đây đâu.
- Chú biết không? Không phải là cấm đốn cây. Bấy lâu nay chú không biết hả. Khu vực này mấy anh Phục Quốc thường hoạt động. Mấy anh bộ đội ra đây đốn tre “bị” hoài.
Hoàng vội vã chào cụ già đi trở lại phía Thành. Đáng lẽ Hoàng phải bắt chuyện, nhờ cụ già giúp cho một ít thức ăn nhưng ngán quá. Trong chế độ Cộng Sản, chúng biến con người và con người thành đáng sợ lẫn nhau. Mỗi người có thể là một công an. Không còn ai tin ở ai ngay cả anh em ruột. Cảnh con tố cha, vợ tố chồng đã xảy ra sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam.
Hoàng đi trở lại trong dáng bộ hốt hoảng:
- Đi Thành ơi, đi mau chứ ở đây nguy hiểm.
Thành bình tĩnh nghe Hoàng kể lại câu chuyện vừa gặp ông già.
Thành nói:
- Anh sao mà để mất bình tĩnh quá vậy. Hay lắm, chúng mình ở lại đây hoặc đi vòng vòng tìm xem, gặp chiến hữu của mình, sướng lắm. Em chỉ mong gặp được đường liên lạc, em sẽ sẵn sàng hoạt động chiến đấu.
- Anh cũng vậy. Em tìm xem, nhìn kỹ từng dấu chân đi để mình có thể lần mò tìm gặp được anh em Phục Quốc ở đây. Mấy người lên thăm nuôi cũng có nói lại khu vực này nhóm Cao Đài Phục Quốc hoạt động mạnh lắm.
Con đường mòn duy nhất xuyên suốt qua rừng. Con đường là lối mòn của những chiếc xe kéo gỗ (xe be) còn để lại. Gần suốt một ngày len lỏi qua từng khu rừng tre mênh mông, những bụi tre to cao khỏi tầm mắt, dưới những gốc tre là những búp măng, trông rất dễ thương. Cả hai ước gì có một cái soong nhỏ để luộc măng ăn đỡ. Dù thấy con đường mòn êm ả nhưng cả hai bàn tính với nhau:
- Không thể đi theo con đường xe be này được, vì nếu đi chúng ta sẽ ra khỏi rừng và đến khu có dân. Hoàng suy nghĩ giây lát rồi hỏi Thành:
- Em tính sao? Bây giờ mình không có gì để ăn mà đường đi qua khỏi biên giới phải mất bốn ngày nữa là ít.
- Vậy thì anh em mình lần ra bìa rừng vào nhà dân xin ít gạo nhờ nấu cơm, mình vắt lại.
- Không được đâu Thành, khu này hồi xưa cũng là Việt Cộng không. Mình ra gặp dân, đúng dân thứ thiệt Việt Cộng thì chết. Nhất là mình không thể nhờ nấu cơm được, lộ ngay. Người ta nhìn mặt hai anh em mình người ta biết ngay liền chúng mình không phải là dân địa phương.
Con đường cát mủn đầy dấu chân đi. Đi một đoạn đường mòn Hoàng cảm thấy khoan khoái một chút, thầm nghĩ đến những con đường Sài Gòn lúc này. Những con đường Nguyễn Du đầy bóng cây me im mát, con đường Lê Lợi một thời rộn rịp, nào quán Mai Hương những chiều thứ Bảy với bạn bè. Những kỷ niệm với những thằng bạn suốt ngày ngồi bàn chuyện thế thái nhân tình ở quán La Pagode bên tách cà phê nóng hổi. Bây giờ bạn bè sống chết ra sao. Hoàng nói với Thành:
- Thành, tao nghĩ hạnh phúc con người mình chỉ lắm lúc đơn giản thôi, như suốt ngày mình lặn lội gai gốc nay qua được một khúc đường êm ả mình cũng cảm thấy sung sướng.
- Cái hạnh phúc vật chất là những gì mình có hơn cái mình có hiện tại một chút. Nếu hai anh em mình giờ này có một nắm cơm nóng hổi, không có gì bằng. Mình phải đi lách vào tận bên trong, anh Hoàng. Khúc này dấu chân người nhiều quá.
- Trong người anh còn lại cái nhẫn cưới duy nhất. Hai anh em mình lần mò ra bìa rừng, tìm cách làm sao bán hoặc đổi một ít thức ăn. Chứ mình đi hoài không có gì ăn, không thể gắng sức vượt qua được.
- Không được đâu anh Hoàng, nhẫn cưới kỷ niệm của anh, bán đâu được, gắng lên chứ, chết chóc đâu mà sợ.
Hoàng cởi chiếc nhẫn đưa Thành.
- Mày nghe lời tao, mày mang đi bán hay đổi gì đi. Mình phải giữ con người mình sống trước cái đã. Kỷ vật mà mình có, chết đi giữa rừng cũng thành vô nghĩa.

Hai anh em men ra phía rừng, thấp thỏm nhìn những ngôi nhà lá tồi tàn, lụp xụp, cả hai đâm thèm một giấc ngủ, một ly nước trà nóng. Nhà không ra nhà, đôi khi chỉ một mái lá. Thành ngồi ở một bụi cây có một cây cao làm điểm, Hoàng đi ra xa một chút, vai vác khúc cây nhỏ và con dao. Hoàng đã dặn Thành không được đi xa. Ở trong bụi cây Hoàng còn theo dõi Thành, có chuyện gì Hoàng sẽ nhảy ra tiếp cứu.
Hai cô gái, đoán chắc là hai chị em đang bê một cái rá từ đằng xa. Thấy người Thành mừng lắm nhất là không phải đàn ông và người lớn. Thành đi vội lại hỏi:
- Hai cô đi đâu mang gì mà nặng thế?
- Em mang củ mì đi bán.
- Bán mì mà ai mua, ở đây thiếu gì.
- Bây giờ đói lắm chú ơi. Mì cũng không có mà ăn. Người nào cũng phải mua mì ăn thay cơm.
- Bán cho chú được không?
- Dạ, chú mua mấy đồng?
- Chú muốn mua lắm nhưng không có tiền.
- Chú nói xạo hoài. Không có tiền làm sao chúng em bán được.
Cô em khoảng độ mười tuổi, nghe nói kéo tay cô chị, dục người chị đi. Người chị gạt tay em. Thành liền vô đề ngay, miệng nói tay đưa chiếc nhẫn ra.
- Chú có cái này, nhờ cô em đi bán giúp để chú có tiền mua mì.
Cô gái lớn tần ngần hồi lâu, lấy chiếc nhẫn đi, cô em không chịu ở lại với thúng mì còn nóng hổi:
- Chú cho em gởi rá mì đây, em đi vào chút xíu, bà Tám trong xóm có lẽ mua nhẫn của chú.
Hai chị em quay gót ra đi. Thành bóc vội mấy củ mì mang vào cho Hoàng ăn đỡ đói, rồi chạy ra lại ngồi gần rá mì. Trong lúc chờ đợi Thành cũng lấy mì ăn. Mình cứ ăn xong trả tiền, hy vọng có tiền và có một vài thứ nhờ mua.
Bóng tối xuống dần, mỗi lúc một âm u. Những làn khói từ những túp nhà lá lên cao rồi tan dần vào khoảng không vô tận. Bóng đèn lập lòe rải rác mong manh, chợt tắt, chợt hiện, xóm nghèo ở một góc rừng âm u. Cuộc đời những người dân ở đây quanh năm suốt tháng không biết họ kéo lê cuộc sống như thế nào. Những âm thanh về tối nghe não nề. Thành nhớ lại có lần nói với mấy thằng bạn khi đi hành quân ở mấy làng miền quê:
- Đời sống dân nông thôn mỗi ngày mỗi lam lũ, ăn mặc hết sức đơn sơ mộc mạc. Họ cảm thấy hạnh phúc êm ấm gia đình. Cái đau khổ của họ không phải là cuộc sống lam lũ, đầu tắt mặt tối với cái cày bờ ruộng, mà họ đau khổ là bởi sự sung sướng của kẻ khác. Nếu họ không nhìn cảnh nhà lầu xe hơi, ăn uống vung vãi của giới thành thị, chắc chắn họ an phận vui sống hàng ngày trong túp lều mái lá, cơm dưa của họ.

Đêm càng về khuya, Thành càng nóng lòng. Đợi cả hơn hai tiếng đồng hồ. Thành trở lại nói với Hoàng:
- Sao anh Hoàng, hai đứa nhỏ lừa mình rồi, chứ đây vào đó sao mà lâu quá vậy?
- Đúng rồi, không thể chờ đợi được nữa, chúng mình phải đi, càng ở lại càng nguy. Lỡ mà hai đứa nó kể lại với vài tên công an thì chết.
Thành chạy ra bê cái rá mì vào. Hai anh em cho vào túi, mỗi người ăn thêm cho đủ no, vừa đi vừa than thân trách phận:
- Mình đến độ này mà còn bị lừa nữa.
- Thôi bỏ đi Thành ơi. Đó là chuyện thường tình, mình không tính trước, đói khổ làm cho con người mất mát đủ thứ. Mày lấy đó làm bài học, chừng ấy tuổi mà còn “dại gái”. Mày thấy con nhỏ xinh xắn dễ thương mày tặng luôn cho có tình, phải có hay hơn không.
Nói xong câu nói đó, hai anh em cười xòa, vừa đi vừa xem xét, tìm chỗ ngủ lại qua đêm. Tìm được một góc cây vừa đủ lớn để hai người cùng tựa lưng ngủ. Cây có nhiều cành lá che đỡ sương đêm. Ở đây không có thú dữ, hơn nữa cả hai đều đã mệt nên không nghĩ đến làm một vòng rào an toàn. Hoàng kiếm được hai khúc cây khô, mục đốt lên sưởi ấm qua đêm. Đêm trong rừng âm u mờ mịt. Trong đời Hoàng chưa bao giờ nghĩ đến những giây phút kỳ bí hoang đường như lúc này. Cuộc đời không ai ngờ được những điều xảy đến cho mình. Cuộc bể dâu lịch sử của cả một dân tộc như một nhát chém. Hoàng cảm thấy đau đớn tận trong từng thớ thịt, kẽ da. Nhìn đăm đăm khúc củi mục cháy bừng bừng, ngọn khói tỏa vào khoảng không vô tận. Hoàng thiếp ngủ lúc nào không hay.

Cơn mưa không lớn lắm, nhưng đủ để thấm ướt, đánh thức Hoàng và Thành dậy. Cái lạnh tê tái giữa núi rừng, kèm thêm nước mưa thấm ướt, Hoàng cảm thấy run run ép sát người vào thân cây cho đỡ ướt. Thành ngước mắt lên trời, nhìn những đám mây che khuất sau cành lá:
- Trời không mưa lâu đâu anh Hoàng, sắp sáng đến nơi rồi.
- Mày phải tính làm sao chúng mình phải băng qua con đường ngắn nhất để tới được biên giới càng sớm càng tốt.
- Mình phải qua hai chỏm núi, đi đường này mình dễ bị lạc… Muốn chắc ăn mình đi vòng qua tay phải rồi trở ngược lại. Mình thấy tối tối mới có thể đến được bờ sông biên giới.
Sáng sớm sương mờ trắng đục, hai người bắt đầu đi khi nhìn rõ lối đi, vừa đi Thành vừa đưa tay rũ từng cành lá cho nước vào túi nylon. Hoàng cho những tấm lá đang đầy sương vào miệng cho đỡ khát. Băng qua được đám rừng chằng chịt, Hoàng thấy máu chảy dài xuống chân, la lên. Cả hai ngừng lại cởi hết áo quần ra. Những con vắt to phình ngậm đầy máu, có con đã rớt xuống, lấy áo phủi vắt vẫn không rơi. Thành nói:
- Anh dùng nước bọt cho vào, vắt rơi ngay.
- Mày nhìn xem sau lưng tao còn con nào nữa không?
- Anh phải xem kỹ những chỗ kín, dưới nách, trên tai.
Hoàng rùng mình, nhớ lại hồi nhỏ Hoàng sợ nhất là con đỉa. Con vắt nhỏ xíu nhưng khi căng phồng lên không khác con đỉa. Xem trước xem sau không còn con vắt nào trên người nữa. Hai người mặc quần áo vào đi tiếp.
- Ghê quá Thành ơi.
- Chưa thấm vào đâu đâu. Hồi xưa bọn em đi hành quân, ngủ đêm trong rừng, đầy đủ áo quần thuốc nữa mà sáng ngày thấy nó bu đầy trong người. Có người không chịu được muốn xỉu luôn.
- Hồi trước, dân miền Nam vẫn ví Cộng Sản là những con đỉa rừng, đúng thật. Ai cũng lo sống riêng mình không thấy hiểm họa của chúng, nay mới sáng mắt thì đã rồi.
- Đánh giặc chỉ được một số, còn một số thì phè phỡn tranh dành quyền lợi để đến giờ quyết chiến lại tìm đường bỏ chạy. Bởi vậy nay mình mới như thế này. Bọn em những ngày cuối cùng như rắn không đầu, hỏi cấp chỉ huy, cấp chỉ huy đâu mất, chẳng có liên lạc gì cả. Cuối cùng cả đám nhìn nhau mà khóc. Một số anh em biết trước nếu rơi vào tay Cộng Sản không cách gì sống được đành tự tử khi nghe lệnh đầu hàng. Mấy thằng bạn em lấy súng tự bắn vào người chết thật hiên ngang. Em còn nghĩ đến ba mẹ già, cởi bộ quân phục tìm đường về nhà. Không nghĩ đến thì thôi. Chứ nghĩ đến những ngày tháng cuối cùng tháng tư, tức muốn ói máu.
- Trong một xã hội, người dân không tin ở giới lãnh đạo. Giới lãnh đạo thì tham nhũng thối nát, mua quan bán tước, có địa vị lãnh đạo chỉ lo vơ vét tiền đầy túi chuyển ngân, mua nhà, mua đất, thì giờ tâm trí đâu mà đánh Cộng Sản. Một số người có tâm huyết, có lý tưởng quốc gia đứng lên đều bị đè bẹp, bị chụp mũ ngay. Mấy thằng xuất thân từ lính khổ xanh, khổ đỏ, đầu óc nửa thực dân, nửa phong kiến làm sao mà lãnh đạo được. Ngày nay bọn Cộng Sản cũng vậy, không sớm thì muộn gì chúng cũng sụp đổ. Anh em mình gắng mà sống, gắng mà nuôi ý chí.
Suốt cả ngày không ăn, không nước uống, hai anh em đã thấm mệt. Hoàng than đau chân, hai chân cứng đi hết nổi. Thành dừng lại:
- Anh ngồi xuống đây, để em bóp đỡ rồi nghỉ đợi sáng mai đi tiếp.
- Điệu này làm sao đi nổi hả Thành.
- Anh gắng đi, đến khi nào anh đi không nổi thì em sẽ cõng anh.
- Mày nói như mày còn khỏe lắm. Tao thấy mày cũng đã mệt lắm rồi.
Hai anh em đang tính kiếm xem trái cây hay thứ lá gì có thể ăn được, bỗng nghe có tiếng nói lao xao gần đây đó. Thành ra dấu cho Hoàng im lặng nằm xuống. Thành ghé vào tai Hoàng:
- Có người nói tiếng Việt.
- Mày thử bò ra một đoạn xem sao. Vô lý đây mà còn trong đất Việt Nam.
Bò men ra rừng khoảng 20 phút, Thành trở lại:
- Toán người Việt đi bộ, anh theo em, nhưng anh để em đến gần một mình, có chuyện gì em la lên, anh liền hô lớn để em chạy.
Toán người gồm hai người đàn bà và bốn người đàn ông đứng khựng lại khi thấy Thành từ trong bụi rậm bước ra. Thành cũng do dự hỏi từ đằng xa:
- Các anh các chị đi đường bộ?
Toán người không ai trả lời cứ ú ớ như là người câm vậy. Một người đàn ông nói câu tiếng anh ý hỏi Thành là người gì. Thành vội trả lời:
- Không sao đâu, tôi cũng là người Việt, đi đường bộ.
Hai bên đều mừng rỡ gặp được đồng hành giữa chốn núi rừng nguy hiểm. Bốn người đàn ông chỉ mặc quần lót còn hai người đàn bà chỉ còn chiếc quần xé hai ống. Họ lấy ống quần che ngực.
- Bọn tôi mỗi người hai lượng vàng, nhưng chỉ được đưa đến một khu rừng và họ chỉ hướng đi qua đây. Mới đi chưa đầy năm phút đã bị một toán người Miên dí súng lấy hết đồ đạc áo quần, chúng bắt chúng tôi cởi hết trần truồng để cho chúng xét. Tất cả mười người, nay còn lại sáu người. Bốn người nữa đều là con gái bị chúng dẫn đi luôn.
Đoàn người đi đến được bờ sông vào tờ mờ sáng. Dòng sông rộng mênh mông, nước chảy cuồn cuộn. Đứng nhìn nhau than thở, lắc đầu. Mấy người đàn ông bàn tính kế để đưa hai người đàn bà và một đàn ông không biết bơi qua sông. Thành kéo mấy người đàn ông cùng đi sâu vào rừng đốn hai cây tre thật to làm phao. Hai người đàn bà và một đàn ông không biết bơi vịn vào hai cây tre cho những người kia kéo. Đoàn người bắt đầu bơi, mặc dù nước chảy xiết. Thành, Hoàng và hai người nữa một tay bơi, một tay nâng cây tre cho những người kia nổi lên. Đến giữa sông nước chảy quá mạnh kéo luôn đoàn người đi một khoảng. Hoàng la lớn:
- Hai chị và anh bơi bằng chân cho nhẹ bớt.
Hai người đàn bà không còn sức lực, hai tay cứng đơ vẫn nắm chặt cây tre. Con sóng to như cuồng bạo. Sóng tiếp sóng đánh ập vào người đàn bà, chịu không nổi đã buông tay. Thành gọi Hoàng qua, bơi giữ phía Thành. Thành bơi theo, lặn xuống kéo được người đàn bà lên cho níu vào vai Thành. Hai người chậm lại phía sau, lúc Hoàng nhìn trở lại không còn thấy Thành và người đàn bà đâu cả. Hòang và năm người cố lấy sinh lực, bình sinh bơi đến bờ, sáu người nằm suỗi soại không còn hơi sức ngồi dậy.

Nhìn dòng sông ngọn sóng độc ác, Hoàng khóc não nề. Thành không còn nữa. Hoàng tự nói với mình. Chỉ một mình anh đau khổ được đến bến bờ tự do, anh làm sao bây giờ? Một người vợ trẻ vĩnh viễn chia xa, một ân nhân vĩnh biệt cuộc đời. Hoàng chầm chậm lê từng bước nhớ lại lời Loan “chỉ một mình anh giúp em can đảm để sống cảnh khốn đốn này.”
 
Phan Việt Thuỷ


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20155:56 SA(Xem: 34063)
Phường ấy là phường Văn Minh, trong phường Văn minh có tổ dân phố Văn hóa, trong tổ dân phố Văn hóa nhà nào cũng được tặng danh hiệu gia đình Văn Hóa. Nhờ có cảnh sát khu vực Kỳ, gọi là Kỳ Khu vực, lâu nay trong địa bàn chưa xảy ra vụ việc nào đáng kể. Kỳ Khu vực cao to đẹp trai, đầu óc thông minh thực dụng, biết lợi dụng chức vụ để kiếm tiền nên giàu có và lắm gái theo. Hàng ngày Kỳ khu vực đeo súng cưỡi xe Mô tô đi tuần khắp nơi, trông càng oai.
20 Tháng Chín 201512:07 SA(Xem: 29821)
Cánh đồng cỏ trải dài dường như bất tận, gió ào ạt thổi tràn qua cánh cửa, những ngọn cỏ xanh run rẩy không ngừng. Bị khung cảnh làm cho choáng ngợp tôi đứng im như tượng một lúc, tim đập liên hồi và trong trí óc của một đứa trẻ năm tuổi nảy ra đủ mọi ý nghĩ sợ hãi, kỳ quái.
12 Tháng Chín 201510:14 CH(Xem: 45593)
Về những nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm văn Bình, hay Linh Phương... Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện tình buồn,” và “Mười hai tháng anh đi”; Linh Phương với “Kỷ vật cho em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Đào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú... Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi vẫn là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
08 Tháng Chín 201511:47 SA(Xem: 30092)
"Đời sống bên này có cái thực tế khắc nghiệt là vậy. Càng khắc nghiệt tôi càng trầm tĩnh. Nghiệm ra một điều: hãy làm hết sức mình cho một công việc tốt, cũng có lúc bù đắp lại. Những tấm tranh cũng đã từng nuôi sống tôi, tôi không thể bỏ vẽ được". (Đinh Cường)
03 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 28244)
khi những ngón tay không còn theo đuổi những thanh âm phím đàn nghẹn ngào góc tối cây tỳ bà bỏ quên bên vách tường và khóc hoang vu trăng xanh
02 Tháng Chín 201511:35 CH(Xem: 29412)
Có một sự xáo trộn trong mùa đông năm nay bắt đầu từ chiếc áo màu đỏ cô mặc. Đó là chiếc áo len mang hơi ấm của ba con người, ba cuộc đời kéo dài trọn một thế kỷ trừ ra những năm nó nằm vạ vật ở một nơi nào đó mà cô đã làm thất lạc.
01 Tháng Chín 201512:51 SA(Xem: 31391)
LTS: Cuối tháng 8, Hợp Lưu nhận được chùm thơ gởi từ Nguyễn Nhựt Hùng, một người làm thơ hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu. Mặc dầu còn rất trẻ, anh sinh năm 1989. Nhưng thơ anh mênh mang như sóng biển của thành phố anh đang ở. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí văn hữu và độc giả những thi phẩm của Nguyễn Nhựt Hùng
01 Tháng Chín 201512:41 SA(Xem: 28619)
Con gái tròn 24 rồi, Má biết không Đã qua thuở thì ngồi đan chiếc khăn dài hơn nỗi nhớ Đã qua cái tuổi cam đoan rằng yêu là hạnh phúc Đã biết len lén nhìn, rồi lặng im
30 Tháng Tám 201511:39 CH(Xem: 30719)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Lưu Mêlan là bút hiệu của Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1989. hiện sống tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những thi phẩm của Lưu Mêlan cùng quí văn hữu và đọc giả Tạp chí Hợp Lưu.
28 Tháng Tám 201511:15 CH(Xem: 40113)
Mùa Thu, năm 1994, chúng tôi trở lại Hà-nội sau 40 năm xa cách. Một trong mục đích của chuyến đi này là đề gặp ông Nguyễn Hữu Đang, người đứng đầu trong nhóm Nhân Văn, sau khi đọc bài của Phùng Quán viết về chuyến đi thăm ông. Ông đã bị giam tại trại Cổng Trời gần 20 năm, đến đó là chỉ chờ chết, khó có thể trở về được.