- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐI LỄ GIAO THỪA

25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106278)

 

le_chua_dem_giao_thua-content

 

Đã qua mấy chục năm ở Mỹ và dù không phải là Phật tử thuần thành, nhưng lễ Giao Thừa nào vợ chồng con cái chúng tôi cũng có mặt tại chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của thành phố.

 

Chiều cuối năm chúng tôi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bầy bàn thờ, sắp mâm cơm cúng, thắp hương mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu. Vợ chồng chúng tôi theo ảnh hưởng của các cụ xưa, nên không quên cúng cả vàng bạc tiền giấy, mặc dầu không biết các cụ ở bên kia thế giới có dùng được hay không. Dần dần thành thông lệ, các con tôi khi còn nhỏ rất thích thú được tham gia việc đốt vàng như một trò chơi. Nay đã trưởng thành, làm việc trong các ngành khoa học, giáo dục, ngoại giao mà khi đi tảo mộ, các cháu cũng đốt vàng và tiền, chắc là để làm yên lòng chúng tôi?

Cúng Tất Niên xong, cả gia đình quần áo tươm tất lên xe đến chùa. Trong xe yên lặng, tôi mở nhạc nghe lại những bài mừng Xuân quen thuộc. Lời ca mơ hồ như từ thuở nào vọng lại, nghe thấy rưng rưng lãng mạn như thời còn đang tuổi thanh xuân:

 

 Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa 

 Hẹn gặp nhau khi pháo Giao Thừa

 Em đứng chờ tôi trước song thưa

 Tôi đi qua đầu ngõ,

 Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…

 

Trời khuya, đường vắng nhưng chúng tôi luôn vội vã cố đến trước nửa đêm để kịp giờ xem đốt pháo. Có năm trời mưa lạnh, có năm tuyết bay phất phới như lông ngỗng trước kính xe. Lại có năm đến trễ không tìm được chỗ đậu, phải ngồi trong xe, nghe tiếng pháo vọng lại và ngửi mùi pháo thơm lừng trong làn sương lạnh đầu Xuân, cảm được thấy cái thiêng liêng của trời đất đang chuyển mình.

 

Năm nay, từ ngoài đường qua cổng tam quan vào trong sân chùa, người đông nghẹt. Những dây pháo giăng qua lại trên đầu như một màng lưới. Chúng tôi tìm chỗ đứng trên thềm chùa. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chợt một tiếng pháo nổ vang, tiếp theo là những tràng tiếng nổ tiếp nối rộn rã như reo vui, như mừng rỡ. Các con tôi vừa tìm chỗ tránh khói pháo mù mịt vừa đếm …năm phút…mười phút…pháo năm nay dài quá. Tiếng pháo đùng kết thúc hồi pháo, mọi người vỗ tay rầm rộ, quay sang bắt tay và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất cho năm mới. Tôi nhìn quanh, những người tị nạn đến đây trong đợt đầu trong năm 1975 và đợt thuyền nhân chỉ còn rất ít. Sự hiện diện của họ ngoài cộng đồng đã vắng dần. Họ đã quá già để đi ra ngoài hay họ đã rời về những miền nắng ấm? Hay họ đã không còn nữa? Dần dần họ sẽ trở thành “những người muôn năm cũ…”?

Chúng tôi lên chính điện, chen chân đứng lễ Phật. Các bàn thờ đều rực rỡ hương hoa. Tượng đức Phật ngồi trên cao trong ánh vàng lung linh như đang mỉm cười nhìn xuống đám người đi lễ với ánh mắt từ bi độ lượng. Vị sư trụ trì ở chùa từ bao nhiêu năm qua, nay cũng đã luống tuổi và yếu đi nhiều. Chúng tôi vái chào chúc thọ, hòa thượng đáp lễ thăm hỏi sức khỏe và trao lộc Phật, thường là một quả cam hay một trái táo.

 

Sang bàn thờ vong, chúng tôi lễ cha mẹ, ông bà. Hai bức tường ngày càng kín hình những người đã khuất, những người đã mất ở đây và cả những người đã qua đời ở Việt Nam. Chúng tôi xuống phòng khách của chùa, mua vài món ăn chay, lịch năm mới và cho các con mỗi cô một bông hoa mang về nhà như nhánh lộc đầu năm.

 

Bước ra sân, đi trên xác pháo đỏ ngập đầy, tôi xuống Am Vô Thường. Bên hồ sen cạn nước, trên tòa cao tượng Phật Bà uy nghi hiền từ nhìn xuống chúng sinh. Tôi vào thăm nơi thờ cha tôi. Cụ đã gửi tro tại đây hơn mười năm trước. Bỏ giầy ngoài cửa, tôi bước vào am, nơi có hàng trăm ngăn có gắn hình ảnh và tên tuổi những người đã khuất. Tôi đặt tay lên hộp tro của cha tôi một hồi lâu và nâng chiếc bình nhỏ trong đó đựng một nắm đất nơi mẹ tôi nằm xuống khi tôi mới có sáu tuổi. Lần về thăm Việt Nam mười năm trước tôi đã lấy mang về Mỹ. Tôi đóng lại ngăn cửa và bước ra ngoài. Vợ và các con tôi đang thắp hương thầm thì những lời khấn nguyện đầu năm với Phật Bà. 

 

Trên đường về, đã quá nửa đêm, xa lộ rộng thênh thang như hứa hẹn cả một mùa Xuân trước mặt. Sau khi mở cửa bước vào nhà để xông đất, chúng tôi tới trước bàn thờ lễ tổ tiên. Chờ xong một tuần hương, chúng tôi hạ mấy món cúng và cùng nhau nâng ly rượu Cointreau, chúc cho gia đình những sự tốt lành, để nhớ đến những năm cha tôi còn sống, tôi và người đều nâng ly rượu chúc mừng đầu năm.

 

Mấy ngày cuối năm vừa qua, khi cúng gia tiên, tôi chợt nhận ra cha mẹ tôi đã an nghỉ ở đây, hình ảnh những người thân đã khuất từ lâu cũng hiện diện trên bàn thờ tổ từ nhiều năm qua. Khi tôi ra cúng thần linh thổ địa bên ngoài, thì lại nghĩ ra thần linh và thổ địa mình đang cúng là Mỹ chứ đâu phải Việt Nam. Ngay như tuần trước cúng tiễn ông Công ông Táo về trời thì cũng là ông Công ông Táo của bếp Mỹ.

 

Tôi bỗng nhớ đến một cuốn truyện bằng Anh ngữ vừa được xuất bản vẫn còn luẩn quẩn trong đầu óc tôi từ mấy tuần nay. Cuốn truyện đã giới thiệu bằng bài phỏng vấn trong một tạp chí văn chương Mỹ. Tác giả là một thiếu nữ Việt Nam. Cũng như những truyện viết bằng Anh ngữ khác của thế hệ trẻ đã trưởng thành tại Mỹ, họ thường nhắc lại các kỷ niệm êm đềm ở quê hương cũ, đến cảnh trốn thoát đi tìm tự do và những dị biệt trong khi hội nhập với đời sống tại Mỹ. Cô tác giả đã về lại Việt Nam, thăm nơi cô sinh ra và thăm lại ngôi trường cũ mà cô đã học ở đó mấy năm đầu của bậc tiểu học. Những năm đó được cô coi là những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam. Nhưng ngôi trường thời thơ ấu của cô không còn như trước mà nay nhem nhuốc, không được tu bổ. Không hiểu còn những điều gì nữa làm cô thất vọng mà khi trả lời cuộc phỏng vấn, cô nói cô sẽ không bao giờ còn muốn trở lại Việt Nam và cô khẳng định “I belong here”. Điều này cũng dễ hiểu, có hàng trăm lý do khiến người ta trở lại với Việt Nam, và cũng có hàng trăm điều khác khiến người ta không muốn trở về.

Tôi đã hai lần thoát nạn Cộng Sản, lần đầu từ Bắc vào Nam, lần sau từ Việt Nam qua Mỹ, lần nào tôi cũng tìm được một cuộc đời tốt đẹp và tự do hơn. Bây giờ nhìn lại quê hương mình đã rời bỏ, đa số vẫn chưa thoát khỏi cảnh sống khó khăn. Mỗi lần về thăm quê, tìm quanh nhà cũ không còn, người xưa đã mất, ngôn từ cũng thay đổi. Tôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi.

 

Nhạc mẫu tôi thường nói “Con đâu cha mẹ đó”. Bốn thế hệ chúng tôi đã nhiều năm sống ở phần đất này. Về tâm linh thì cha mẹ ông bà chúng tôi cũng đang gần gũi với con cháu nơi đây. Như cô tác giả trẻ tuổi kia, hiển nhiên chúng tôi đã “belong here”. Nghĩ thì nghĩ vậy mà trong lòng vẫn cảm thấy một cái gì ràng buộc không dễ ngoảnh mặt quay đi. Quê nhà dù còn nhiều bất công khốn khó nhưng vẫn là nơi tôi, vợ tôi và các con tôi ra đời, vẫn còn những gì làm tôi hãnh diện vì tôi vẫn nhận với người bản xứ tôi là người Việt Nam. Nhìn quanh, trong gia đình các bạn bè cũng như gia đình chúng tôi, có biết bao thanh thiếu niên vẫn được cha mẹ đặt cho cái tên Nam hoặc Việt Nam. Năm tới là năm Thìn, hi vọng con Rồng Việt Nam linh hiển sẽ dương oai xua đuổi kẻ xâm lăng và mang lại cho người dân Việt Nam một cuộc đời đáng sống.

 

 Nguyn Công Khanh

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 33780)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31027)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33215)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34864)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37266)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32317)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 29897)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31337)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28395)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.
11 Tháng Mười 20154:38 CH(Xem: 28564)
Mùa thu sắp cạn. Những hàng cây trên phố phơi dần những cánh tay trơ xương. Cuộc sống trong gia đình ông Hội vẫn diễn ra như một vở kịch mà ở đó những người diễn viên luôn phải oằn mình thể hiện vai diễn trái ngược với nội dung kịch bản. Nhiều lúc Phương tự hỏi, thật ra những con người này họ đã và đang nghĩ suy gì trong tâm não?